Ba triệu năm trước, phía Bắc, nước Âu Lạc năm thứ nhất trước công nguyên.
Một người đàn ông mặc quần áo màu nâu, trên đầu buộc một chiếc khăn cùng màu chạy ào vào trong quán trà, gấp gáp muốn báo tin đến nỗi vừa thở hồng hộc vừa không ngừng đứt quãng nói:
– Văn Lang… tướng quân Văn Lang… đã khải hoàn rồi!
Mọi người trong quán trà kinh ngạc mắt trợn tròn như không tin nổi vào tai mình, một người trong đó lấy lại tinh thần, run rẩy hỏi lại:
– Ông… ông vừa nói cái gì?
Người đàn ông cầm ống tay áo lau mồ hôi đang tuôn xối xả trên trán, ngẩng đầu ưỡn ngực dõng dạc hét lên:
– Ngài Văn Lang, ngài ấy thật sự đã về rồi!
Tùng! Tùng! Tùng!…
Tiếng trống rộn rã vang lên, mọi người ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài cửa, năm sáu cái đầu lấp ló nhìn ra.
Bên ngoài hoa bay ngập trời hòa với những chiếc khăn đỏ thắm của các thiếu nữ đang vẫy gọi trên khắp các tòa lầu, vui mừng đón tiếp người đàn ông trong mộng của các nàng, cảnh tượng người người hoan hỉ trước mắt thật khiến người ta háo hức không thôi.
Văn Lang mặc giáp thép bạc cưỡi tuấn mã to khỏe, tay trái cầm giáo mác giơ cao, giữa muôn vàn tiếng la ó hò hét, cười nói ồn ào mà giọng ca của ngài vẫn rõ ràng và vang vọng đến vậy:
– Nghìn núi non xanh Âu Lạc, Âu Lạc ơi! Chúng ta hy sinh thân mình, dốc hết sức mình hát bài ca khúc ca khải hoàn. Đất này đây, sông này đây đều do chúng ta nắm lấy, thịt nát xương tan, chẳng ngại chi gian khó, đánh đuổi quân thù là sứ mệnh của chúng ta, giặc giã giặc nguy quyết chiến không lùi!
Đoàn quân đi sau ngài cũng cất tiếng hát, lá cờ Ngũ Sắc trên tay tung bay trong gió.
Tất cả tiếng hò reo của quần chúng xung quanh đều dần dần lắng xuống, mọi người đều gác lại mọi chuyện cá nhân mà đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu cùng đồng thanh cất tiếng hát hòa với tiếng ca của ngài. Ngay đến vua Tinh Tuấn đang ngồi trên chiếc kiệu mười người khiêng xa hoa, đằng sau có vô số tùy tùng khác chạy đến đấy còn phải ra hiệu dừng lại. Ngài khẽ đưa tay nhẹ vẫy, ra chỉ lệnh hạ kiệu xuống, chính ngài đã tự mình đứng dậy, ngửa đầu cười vang, hai tay dang rộng ra hai bên, cất tiếng hát khàn khàn hòa ca với toàn thể quần chúng nhân dân của mình.
Buổi chào mừng những binh sĩ anh dũng đã giành giật mạng sống từ tay Diêm Vương diễn ra rất hoành tráng, mọi người không chỉ vui mừng vì quân sĩ đều bình an vô sự mà còn đem về chiến thắng vang dội cho đất nước.
Văn Lang xuống ngựa đến trước vua Tinh Tuấn, cắm giáo mác trên tay xuống đất, quỳ một chân xuống ôm quyền giơ cao, nghiêm nghị nói:
– Chúng thần đã không phụ sứ mệnh được giao!
– Làm tốt lắm!
Vua Tinh Tuấn cúi người đưa hai tay ra đỡ ngài đứng dậy, màn rèn châu trên chiếc mũ Bình Thiên đung đưa va lách cách vào nhau, khuôn mặt già nua nhăn nheo, giọng nói tràn ngập ý cười, cao giọng hô lớn:
– Văn Lang là Chiến thần của Âu Lạc chúng ta!
– Âu Lạc vạn tuế! Ngô hoàng vạn tuế! Chiến thần vạn tuế!
Chúng dân cùng đồng thanh reo hò, vua Tinh Tuấn đưa tay ra hiệu mọi người im lặng, nói tiếp:
– Vì ngày khải hoàn đáng nhớ hôm nay, trẫm sẽ khai quốc khố, mở tiệc linh đình để tất cả con dân đế đô cùng ăn mừng với trẫm!
– Ngô hoàng vạn tuế!
Mọi người nghe thế phấn khích hò reo, đồng loạt quỳ xuống cảm ơn ân huệ vua Âu Lạc ban tặng.
Vua Tinh Tuấn lên kiệu, quay trở về hoàng cung, Văn Lang cũng lên ngựa cùng quân sĩ đi theo sau.
Ánh chiều tà dần tắt, nhường chỗ cho màn đêm sâu thẳm, khắp hoàng cung rực sáng ánh đèn lồng.
– Khanh nói cái gì?!
Vua Tinh Tuấn đã tháo mũ rồng ngồi trên long ỷ trong thư phòng, các nét trên khuôn mặt nhăn nhúm, tức giận hỏi lại.
– Bệ hạ, nay chiến trận đã kết thúc, thần muốn xin hồi hương phụng dưỡng cha mẹ.
Văn Lang quỳ một gối xuống, chắp hai tay cúi đầu.
– Khanh còn trẻ, sao chưa gì đã vội muốn từ chức?
Vua Tinh Tuấn lắc đầu, không cho là đúng nói tiếp:
– Cha mẹ khanh có thiếu người chăm sóc đâu, nếu có thiếu thì trẫm sẽ lại sai vài tốp nữa đến.
– Bệ hạ, cha mẹ thần đã già, thần còn ở biên ải nhiều năm, chưa từng báo hiếu lần nào, chỉ mong chiến tranh kết thúc, nhanh chóng quay về báo hiếu cha mẹ.
– Khanh đánh đuổi giặc Tây, giặc Đông, đó là lập công lớn cho nước nhà, bảo vệ con dân khắp lãnh thổ khỏi giặc ngoại xâm, khanh lại coi đó không phải là báo hiếu à?
– Thần đã không phụ sự tin tưởng phó thác giao binh quyền của bệ hạ để giành lại non sông, nhưng lại chưa từng chăm sóc cha mẹ bên giường lúc đau ốm, đó quả thực là bất hiếu.
Vua Tinh Tuấn chống khủy tay lên thành long ỷ, xoa hai bên huyệt Thái dương, một tay khác phất nhẹ:
– Thôi, thôi, cô biết rằng khanh luôn muốn sống thoải mái không bị ràng buộc bởi chốn quan trường, nay đã lập công danh hiển hách, theo lý mà nói thì cô nên chấp nhận thỉnh cầu của khanh, chỉ mong sau này nước nhà lâm nguy, khanh vẫn giữ lòng kiên trung đứng ra chỉ huy ngũ quân, thay cô giữ gìn đất nước là được.
– Cảm ơn bệ hạ đã hiểu cho thần.
Văn Lang cúi đầu nói tạ, khi đứng dậy còn không quên cúi mình hành lễ rồi nhẹ nhàng như trút được gánh nặng ra khỏi hoàng cung.
Nước Âu Lạc nằm ở phía Bắc, còn phía Tây là nước Tây Cổ và phía Đông là nước Đông Cổ.
Mấy trăm năm qua, kể từ khi nước Âu Lạc được thành lập, chiến tranh đã nổ ra ở rất nhiều nơi. Hai nước Tây Cổ và Đông Cổ luôn nuôi tham vọng mở rộng bờ cõi, tóm gọn các quốc gia láng giềng xung quanh mình.
Âu Lạc bất chấp thời thế loạn lạc, mặc kệ lực lượng thù địch hơn mình những trăm triệu quân thì Âu Lạc vẫn không để chúng đạt được ý nguyện thôn tính thiên hạ của mình, nguyên nhân là vì trong đất nước này vẫn luôn có nhân tài xuất hiện ngăn cản bước tiến của chúng.
Văn Lang là con trai của Đại học sĩ, dòng dõi bao đời đều theo Nho giáo, nhưng trong mình lại có tố chất thiên bẩm của một vị võ tướng. Từ nhỏ ngài đã ham học hỏi, thích nghiên cứu chiến thuật binh thư, giỏi võ nghệ, lại là con của một vị quan viên nổi tiếng với biệt tài “một bước thành thơ”, nên bản thân ngài không chỉ am hiểu thuật bày binh bố trận mà còn giỏi kinh thư lễ nghĩa, văn võ song toàn, là một nhân tài nổi trội vượt xa tầm với của người bình thường, không ai bì kịp. Đến năm mười bốn tuổi, nghe tin tuyến phòng thủ ở vùng biên giới phía Đông đang trên đà sụp đổ, ngài không quản lời khuyên răn của cha mẹ, chạy đến nơi nghị sự buổi sáng của các quan lại đại thần và Hoàng đế, quỳ sụp xuống xin đi đánh giặc.
Ngày hôm ấy, các quan trong triều đều ngỡ ngàng im lặng đứng nhìn thân ảnh nhỏ bé quỳ trên tấm thảm đỏ, vua Tinh Tuấn ngồi trên ngai vàng thì xoa cằm trầm ngâm suy tư, thấy thái độ đứa trẻ kiên quyết như vậy, bèn gật đầu đồng ý nhưng với điều kiện phải vượt qua một vài tiêu chí ngài đề ra.
Văn Lang vui mừng gật đầu, nói rằng ngài cứ mở khảo nghiệm, bản thân sẽ vượt qua hết thảy.
Vua Tinh Tuấn hài lòng gật đầu, để một vị tướng lên kiểm tra. Vị tướng này ngay từ đầu đã luôn không hài lòng với cơ thể mảnh khảnh cùng với truyền thống con nhà Nho của cậu thiếu niên, cho rằng một đứa trẻ vùi đầu học kinh thư lễ nghĩa cả ngày, làm sao biết đánh trận là gì, bèn đứng trước mặt ra đề chiến thuật, chưa nghe trả lời đã cười nhạo thiếu niên chân yếu tay mềm, sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn để thiếu niên biết khó mà lui.
Thiếu niên kiên nhẫn nghe vị tướng quân này nói xong, cất tiếng trả lời lại là binh pháp thư sử, bày trận, gài bẫy, khiến tất cả mọi người ở đó phải mở to mắt kinh ngạc không thôi. Kinh ngạc qua đi, vị tướng kia lại nói, có mưu mà không có dũng thì cũng như cá nằm trên thớt. Thiếu niên nghe vậy bình tĩnh nói muốn so tài võ nghệ với vị tướng này. Đại học sĩ đứng bên hàng quan văn nghe đến đây đã không thể ngăn cơn giận dữ trong lòng, to tiếng khiển trách con mình ngay trước mặt bao người.
Vị tướng mà thiếu niên muốn so tài chính là tướng quân Ngô Tuấn Tùng, đội trưởng nhóm cấm quân vệ binh chuyên phụ trách bảo vệ Hoàng đế. Để lên được chức đội trưởng Cấm vệ đâu phải chuyện đơn giản, tuy rằng xuất thân con nhà võ, từ nhỏ đã theo cha ra chiến trường nhưng ông ta chưa bao giờ được đặc cách bổ nhiệm như những con cháu của các quan viên khác. Để đạt được chức vị ngày hôm nay, ông ta đã phải dựa vào chính nỗ lực của mình, nay thấy một đứa trẻ khiêu khích cố gắng bao năm của mình như thế, cho dù là ai cũng không thể kiềm được cơn giận dữ, đồng ý so tài với thiếu niên.
Hai người một lớn một nhỏ ra sân đấu võ, ba tiếng trống vang lên, cả hai lao vào nhau như thiêu thân, nhìn ngoài thì như bất phân thắng bại, còn hai đối thủ khi vừa mới bắt đầu giao chiến, trong lòng đã biết rõ ai hơn ai. Một đứa trẻ mới lọt lòng, sao có thể bằng một vị Cấm vệ quân đã trải qua sương gió với kinh nghiệm thực chiến dày dặn?
Cơn giận nguôi dần, ra tay cũng có chút nhường nhịn, Tuấn Tùng biết nếu mình tranh chấp với một đứa trẻ chỉ có hại chứ không có lợi. Lợi dụng lúc hai người ép sát, bèn thì thầm vào tai thiếu niên, rằng mình đồng ý để cậu ra chiến trường cùng mình. Thiếu niên nghe lời gật đầu, dừng tay, hai người kết thúc trận đánh trong hòa bình.
Hai mươi năm qua đi, ngoài biên ải liên tục gửi tin báo thắng trận trở về, mọi người trong cung hoan hỉ vui sướng, đều nói hổ phụ sinh hổ tử, ban thưởng liên tiếp không thôi. Đại học sĩ cúi đầu nhận thưởng, trong lòng thì không ngừng lo lắng con trai ngoài biên ải, lại nhớ đến vợ mình ở nhà vì thương nhớ con mà đổ bệnh triền miên, chỉ đành viết thư dặn con sớm về.
Văn Lang nghe lời hồi âm lại, nói rằng sau trận chiến này sẽ về quê cùng cha mẹ trồng cây gây rừng, hưởng thụ cuộc sống an nhàn bên người thân.