Ánh trăng sáng tỏ rõ mặt sông, Hoa Ẩn Hà chẳng bao giờ phụ cái tên của mình. Những cây đào được trồng dọc hai bên bờ càng trở nên thanh khiết hơn dưới vầng sáng màu bạc. Thuyền hoa lộng lẫy lướt nhẹ trên dòng sông êm đềm, chiếc đèn lồng đỏ khẽ theo gió đung đưa, hòa với tiếng ca phiêu lãng lả lướt của ả đào cùng với cảnh đêm tối mờ ảo càng khiến lòng người chìm đắm mê say.
Văn Lang mặc thường phục ngồi trước mui thuyền, bên cạnh là một cái bàn nhỏ và một cô gái yểu điệu đang rót trà. Nàng ngồi quỳ trên tấm thảm nhung mềm mại, tư dung hoa lệ đượm buồn nhìn người đàn ông đang bình thản uống trà ngắm cảnh, giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má:
– Ngày ấy ngài đi mà chẳng nói một lời, ngài có cần phải tuyệt tình như vậy không?
– Ta đi rồi thì nàng có thể làm gì? Khóc lóc chạy theo, quyến luyến không rời ấy hả?
Nói rồi lại nhấp một ngụm trà, thong thả liếc nhìn người phụ nữ ngồi đối diện, chợt bắt gặp những giọt nước mắt đang rơi lã chã trên mặt nàng. Văn Lang thầm giật mình, luống cuống nhẹ vỗ vai an ủi nàng:
– Tố Uyên, nàng mau ngừng lại đi, đừng làm ra vẻ mặt như thể chúng ta là đôi tình nhân cách biệt nhiều năm như thế, nhỡ người chồng hay ghen của nàng thấy được, lại kêu ta quyến rũ phụ nữ có chồng.
– Ngài nhắc đến chàng ấy làm gì?
Nghe Văn Lang nói đến chồng mình, nàng không khỏi phì cười vội đưa khăn tay lên lau nước mắt. Ngoài miệng nói vậy nhưng trong lòng cũng rõ ràng, biểu hiện của mình bây giờ cũng không hay.
– Nhiều năm không gặp mà ngài vẫn vậy, ngay cả cách nói chuyện cũng chẳng thay đổi chút nào.
– Còn nàng thì thay đổi rất nhiều.
Văn Lang cười nhìn nàng, dưới ánh lửa đang lay động trong chiếc đèn lồng đỏ, ngài thoáng nhìn thấy bóng dáng cô bé tinh nghịch năm nào, nhớ về đêm lễ hội du xuân năm ấy. Cô bé cầm trong tay chiếc mặt nạ, kéo ngài chạy khắp khu phố đèn hoa lộng lẫy, đòi mua cái nọ cái kia, hoạt bát, lanh lợi lại nói nhiều, chẳng giống như bây giờ giơ tay nhấc chân đều lộ vẻ tao nhã, dịu dàng. Có lẽ khi người con gái về nhà chồng chắc hẳn đã phải hy sinh rất nhiều thứ, mất đi tự do và bản chất thật của mình để trở thành một mẫu người lý tưởng trong mắt cha mẹ chồng và xã hội.
– Thay đổi chỉ là để vừa lòng một vài người, ta vẫn là ta.
Tố Uyên vừa nói vừa lau những giọt nước mắt đang không ngừng tuôn rơi, nàng khẽ thở dài lắc đầu. Chờ đến khi cảm xúc đang trào dâng trong lồng ngực dần trở nên bình lặng, âu sầu qua đi, nụ cười lại nở trên môi, nàng tủm tỉm trêu đùa:
– Nếu ngài không nhanh lên, sau này sẽ ế đấy!
– Phụt! Khụ… khụ…
Văn Lang đang thong thả uống trà chợt nghẹn, nhớ đến cảnh mấy cô bác mai mối sắp đạp vỡ cửa nhà mình, ngài không khỏi lắc đầu rùng mình nói:
– Duyên chưa đến sao phải gắng gượng ép? Ta muốn mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Tố Uyên thấy dáng vẻ không mấy để ý của ngài, khẽ nhoài người lại gần nói thầm vào tai Văn Lang:
– Là ngài không để ý đấy thôi, ngài thử quan sát hai bên sông xem.
Văn Lang nghi hoặc nhìn quanh, chẳng biết từ lúc nào hai bên mạn thuyền đã đầy ắp bè lớn bè nhỏ qua lại, các thiếu nữ yểu điệu cứ luôn dõi mắt ngóng nhìn bên này, thấy phu nhân nhà Ngự sử ghé tai thì thầm to nhỏ với người tình trong mộng của các nàng thì khó chịu lắm. Nhưng ngay khi thấy ngài đưa mắt nhìn xung quanh là ai nấy đều ngay lập tức vào vị trí, nào là thiếu nữ thơ thẩn ngẩng đầu ngắm trăng sáng, ngâm thơ đánh đàn cười nói dịu dàng, nết na thùy mị đến là mê, nhưng lại chẳng thể nào lọt vào mắt xanh người đàn ông đã chai lì với kinh nghiệm gần hai mươi năm đối phó với kế mỹ nhân của kẻ thù.
Văn Lang lắc đầu thở dài, chán nản cúi đầu uống trà thưởng trăng. Tố Uyên thấy ngài vẫn chẳng mấy bận tâm, lòng thầm thương cảm thay cho mấy cô nàng đang thể hiện mình có bao nhiêu xinh đẹp dịu dàng đằng kia, lại bỗng nghĩ đến ngày trước cũng có một thời nàng từng như thế.
– Nàng sao thế?
– Nghĩ đến những cô gái đang đứng bên kia chỉ chờ một ánh mắt của ngài đó!
Văn Lang chống đầu nhìn trời, chẳng chút nghĩ ngợi nói:
– Các nàng sẽ sớm từ bỏ ý định thôi…
– Vì sao ngài lại nói vậy?
Tố Uyên ngẩn ngơ nhìn những cánh hoa đào rơi rụng xuống mặt hồ, lững lờ trôi theo dòng nước chảy xiết, vì dòng nước quá mạnh khiến nó bấp bênh, nước sông tràn vào trên cánh hoa khiến nó nặng trĩu rồi dần chìm xuống, trầm mình vào bóng tối sâu thẳm dưới đáy sông. Nàng bần thần nghĩ về số phận của mình ngày trước.
– Ta đã xin từ chức…
– Ngài nói gì thế?!
Văn Lang còn chưa kịp nói hết câu, Tố Uyên đã nhảy dựng lên đáp ngay:
– Ngài còn trẻ, sao có thể dễ dàng bỏ lại công danh lợi lộc trước mắt như thế được?
– Nàng cũng biết, từ nhỏ ta học chữ vì cha, học lễ vì mẹ, chỉ có võ nghệ binh thư là chính ta muốn học, giờ thì công thành danh toại, tuy rằng cách đạt được không giống với suy nghĩ của cha ta thôi.
Tố Uyên bỗng nhớ đến vẻ mặt lo lắng, hoảng hốt của người cha khi con trai chuẩn bị ra chiến trường, biết thế nào cũng có ngày này, đành tràn đầy tiếc nuối nói:
– Ngài vừa lập được công to, các quan trong triều muốn gấp rút chạy đến làm thân cũng là lẽ thường tình. Sau này ngài định sẽ thế nào?
– Cha ta muốn về Viễn Trúc an hưởng tuổi già.
Tố Uyên gật đầu, nghĩ đến hai người toàn nói chuyện buồn nên muốn thay đổi không khí một chút, nàng ra vẻ thần bí cười hì hì nói:
– Ngài có biết Thái phó vừa mới lấy ai không?
Văn Lang lắc đầu nhìn trời đêm:
– Ai muốn lấy ai, yêu ai, có liên quan gì tới ta sao?
Tố Uyên bật cười, nói:
– Nhưng chuyện này sẽ khiến ngài cảm thấy thú vị cho xem.
– Nàng cứ lấp lửng như thế, ta đảm bảo sẽ chẳng phải chuyện gì hay ho, tốt nhất là không nên nghe thì hơn.
Tố Uyên thấy Văn Lang chẳng có hứng, nhưng đâu phải ngài ấy không nghe là nàng không kể đâu? Từ bé đến lớn nàng đã rất thích đối phó với cậu bạn suốt ngày chỉ ôm khư khư lấy quyển binh pháp Tôn Tử, nên mặc cho ngài có muốn nghe hay không, nàng vẫn cứ liến thoắng kể lể:
– Nghe nói Thái phó thói trăng hoa, ngày ngày trái ôm phải ấp, thê thiếp thành đàn, nhưng đến một ngày nọ xuất hiện một người khiến ngài ấy nguyện dâng lên hết thảy, ngài có muốn nghe về người này chăng?
Văn Lang nghe đến đây liền nghiêng đầu nhìn nàng:
– Kể tiếp đi.
Thấy mình đã thu hút được sự chú ý của ngài, Tố Uyên gian xảo híp mắt cười:
– Không phải ngài không muốn nghe sao?
Văn Lang thở dài nhìn nàng:
– Được rồi, hiện giờ ta có hứng, nàng nói tiếp đi.
Tố Uyên che miệng cười khẽ, dây châu ngọc trên cây trâm cài tóc khẽ rung lên theo cử động của nàng:
– Người ấy là một ả đào trong lầu Nguyên Ỷ.
– Chuyện mua hoa khá phổ biến trong thành, ta cảm thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Văn Lang mất hứng uống trà đáp lại ngay khi nghe Tố Uyên nói xong. Tố Uyên bật cười, lắc đầu, ngước mắt lên nhìn mặt trăng đang treo cao trên đỉnh đầu, nhẹ nhàng tiết lộ một bí mật động trời:
– Nghe nói ả ta không phải người ở đây.
– Tin này từ đâu mà có?
Văn Lang hứng thú ngồi thẳng dậy nhìn nàng, Tố Uyên đưa ngón trỏ lên môi, ra vẻ thần bí nói:
– Chuyện này là ta nghe được từ miệng người hầu trong phủ Thái phó.
Rồi khẽ phẩy tay khiến tờ giấy trong tay áo rơi xuống, nàng cầm một tờ giấy được gấp gọn đưa cho Văn Lang:
– Nghe nói hai vị phu nhân trong phủ Thái phó đồng thời lâm bồn đêm nay, theo như bà đỡ dự tính, có lẽ hẳn là giờ này.
Tố Uyên lắc đầu thở dài, nói tiếp:
– Cái này đưa cho ngài là vì nghĩ ngài về làm quan thì sẽ cần đến, mà thôi đã làm rồi thì ngài cứ cầm lấy đi, biết chút chuyện có khi vẫn hơn.
Văn Lang nhận lấy tờ giấy, nói:
– Có vẻ như nàng biết hơi nhiều rồi đấy.
– Ngày ta biết rằng ta sẽ phải lấy ai thì sớm đã sắp xếp vài người bí mật vào phủ các quan lại khác để nghe ngóng tình hình.
Văn Lang nhìn nàng, bỗng cảm thấy người trước mắt mình thật xa lạ, nghĩ đến cuộc sống trước kia của nàng vẫn luôn vô ưu vô lo, nay lại phải tính trước liệu sau thế này, thật khổ cho nàng. Nghĩ đến đây, ngài không khỏi hỏi:
– Mấy năm qua nàng sống có tốt không?
– Cũng không đến mức như nước chảy bèo trôi, ta may mắn có được một tấm chồng không thích đa thê, ta cũng đã sinh cho nhà ấy ba đứa hai trai một gái, nên mới chẳng ai o ép chàng ấy thực hiện chuyện con đàn cháu đống.
Tố Uyên vui vẻ mỉm cười, cứ nhắc đến chồng mình là nàng lại thấy mình hạnh phúc biết bao, nếu như vớ phải người chồng như vị Thái Phó nọ, chẳng biết cuộc sống sau này của nàng sẽ như thế nào nữa.
Văn Lang gật đầu nhìn nàng:
– Nàng sống tốt, ấy là chuyện đáng mừng.
Tố Uyên nghe vậy cười nói:
– Nếu ngày ấy ngài để lại thư từ hay những lời đường mật, có khi ta sẽ chờ ngài đến giờ cũng nên ấy.
Văn Lang lắc đầu:
– Chiến trường ác liệt, đao kiếm không có mắt, nhỡ ta đi rồi thì nàng phải làm sao?
– Ngài đừng nói những lời xúi quẩy như vậy chứ!
Lời vừa dứt, bỗng có người đi đến bên cạnh nàng, giọng nói lành lạnh:
– Hai người tâm tình xong chưa?
Người đàn ông tóc đen búi cao đầu đội khăn, bộ áo dài ngũ thân bằng gấm màu đen với hoa văn hạc lướt trên mây càng làm nổi bật khí chất quân tử như ngọc, Ngọc Cẩn lầm lì đưa tay lên cúi đầu chào Văn Lang:
– Bẩm ngài, đã quá giờ Hợi, ngài có thể trả phu nhân lại cho ta chăng?
Tố Uyên bật cười nhìn chồng mình:
– Chàng đừng như vậy chứ, ngài ấy là bạn nối khố của thiếp đấy.
Ngọc Cẩn đỏ mặt phẩy tay quay lưng lại, lạnh giọng đáp:
– Vốn ta chẳng quan tâm!
– Ôi thôi nào…
Tố Uyên thở dài, nhẹ nhàng đặt tay lên bàn tay đang chắp sau lưng của Ngọc Cẩn, khuyên nhủ:
– Này đó có là gì đâu, chàng mà vậy là Thái úy cười cho đấy!
– Hừ!
Văn Lang thấy hai vợ chồng thắm thiết như vậy, bỗng cảm thấy cặp đôi này trông chẳng khác gì mấy đứa trẻ mới lớn, trong khi ai nấy cũng đã ba mấy bốn mươi rồi. Đúng là khi yêu, không ai muốn làm người bình thường.
– Cũng đã muộn rồi, chúng ta nên quay lại bến thôi.
Văn Lang ngồi dậy từ tấm nệm nhung mềm mại màu mận chín, nghiêm nghị chắp tay ra sau lưng, nói với đôi vợ chồng đang không ngừng thủ thỉ với nhau trước mặt mình. Tố Uyên thấy ngài muốn về, vội vàng cùng chồng chắp tay cúi mình nói:
– Đều theo lời Thái úy!
Văn Lang cũng cúi đầu đáp lễ:
– Mọi người đừng khách sáo.
Con thuyền xuôi theo dòng nước lướt qua hàng cây đào với những cánh hoa bay lả lướt phủ đầy mặt sông. Thuyền đã vào đến bến, người lái thuyền bật người nhảy vào bến gỗ, chỉ huy cấp dưới buộc chặt dây cố định thuyền, kiểm tra trên dưới con tàu một lượt xong mới vừa chắp tay cúi đầu vừa đưa tay mời những vị khách bao trọn đêm nay xuống thuyền:
– Bẩm các ngài, đã đến bến.
– Làm tốt lắm!
Văn Lang vẫn luôn quan sát cách làm việc của người này, thấy thân thủ của người đàn ông nọ rất dày dặn, ngài gật đầu khen ngợi, lấy ra một xâu tiền đưa cho ông ta.
– Ngài quá lời rồi!
Người lái thuyền cung kính nhận lấy, nhanh chóng cất chuỗi đồng tiền vào trong ngực.
Văn Lang quay lại nói với hai vợ chồng Ngự sử đi sau mình xuống thuyền:
– Đêm đã khuya, chúng ta cũng nên quay về giữ sức, sáng mai còn lên triều.
Vợ chồng Ngự sử gật đầu, bước lên cỗ kiệu bốn người khiêng đang chờ sẵn ở gần đó, Văn Lang thì lên ngựa, quay về phủ Đại học sĩ.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI