– Thì ra Thiên Sứ còn đảm nhận công việc trợ giúp Dạ điệp sinh sản nữa. – Tôi ồ lên. – Tôi thực không liên tưởng anh với nhân viên chăn nuôi nổi luôn á. Không thể tưởng tượng mà!
– Đúng đúng đúng! – Cục Vàng bay giữa tôi và Trọng Phu, gật đầu nói hùa.
Sau khi Trọng Phu biểu thị chẳng còn việc gì cần làm tại Đệ Nhất Điện, tôi đã đề nghị anh ta cùng nhau dạo phố. Trọng Phu có vẻ là một người rất dễ nói chuyện. Cho nên lúc này, hai người chúng tôi và Cục Vàng đang di chuyển trên phố Con Sên, một trong những con phố đông đúc hàng quán nhất Vong Đô.
Từ lúc Thập Điện Diêm Vương tiến hành phân phát lương thực cho toàn dân Âm phủ, những người đầu bếp tài ba rốt cuộc tìm thấy cơ hội thi triển tay nghề. Hàng quán đua nhau mọc lên như nấm, lượng khách ghé qua cũng vô cùng nhộn nhịp.
– Thật ra cũng không phải… Nhưng trên cơ bản thì đúng là như thế. – Trọng Phu trả lời có chút chần chừ, đôi mắt mải ngắm hàng quán ở hai bên đường.
– Không sao. Tôi hiểu. Tôi hiểu mà.
Tôi gật gù, nhón chân vỗ vai anh ta tỏ ra đồng cảm. Một con người có vẻ ngoài hoàn mỹ đến như vậy, đi đến nơi đâu quỷ ma hét chói tai đến nơi đó, lại còn mang trên mình chức danh Thiên Sứ, dù chỉ là trong vài tháng tạm thời nhưng vẫn oai phong biết bao nhiêu. Đột nhiên bị người vạch trần công việc nguyên bản chính là nhân viên chăn nuôi bướm, có thể hiểu được tận sâu trong đáy lòng anh ta khó chịu xiết bao.
– Tôi cũng từng như thế. Nhưng không sao! Bị cười nhạo hoài riết rồi cũng quen thôi. Đi! Trồng lúa cùng nuôi bướm cũng có thể xem như là đồng nghiệp. Hôm nay đồng nghiệp mời đồng nghiệp ăn một chầu làm quen!
– Từ từ…
– Đi ăn! Đi ăn!
Tôi chớp mắt, thoáng tự hỏi có phải Trọng Phu vừa nói cái gì đó hay không. Thế nhưng không đợi tôi xác định xong, Cục Vàng đã hét toáng lên, hai cái vây nhỏ níu áo tôi kéo về phía trước.
Đừng hỏi tôi vì sao vây cá níu được vải vóc. Tôi cũng muốn biết lắm đấy.
– Đi quán sữa đậu, ăn món mình thích nhất, nhe chị! – Cục Vàng hồ hởi hô lên, cái đuôi nhỏ ngúng nguẩy trông vui vẻ cực.
– Không thành vấn đề. – Tôi sảng khoái đáp ứng, vẫy tay ra hiệu cho Trọng Phu đuổi kịp mình.
Bên cạnh việc sản xuất lúa, nông trường Âm phủ còn trồng cả cây ăn trái và hoa màu. Đậu nành là một trong những sản phẩm do nông trường trồng ra, cũng là một trong những loại lương thực phụ được hoan nghênh và phổ biến nhất. Có một món ăn vặt được làm từ đậu nành mà cả tôi lẫn Cục Vàng đều yêu thích, đó chính là:
– Tàu hủ nước đường!
– Tào phớ!
Hai giọng nói vang lên cùng một lúc, đổi lại bốn con mắt nhìn nhau không phục.
– Món này phải gọi là tàu hủ nước đường nó mới dễ hình dung!
– Nguyên bản của nó gọi là tào phớ. Gọi tên tào phớ mới là chính gốc!
Mặc cho tôi cùng con cá nóc kình nhau, Trọng Phu đã rảo bước đến một tiệm nhỏ nằm nép mình trong một góc khuất, yên lặng nhìn ngắm xung quanh. Cửa tiệm này gọi là “Sữa đậu nành Bà Sáu”. Bảng hiệu làm bằng sắt, sơn chữ đỏ treo tòn ten trên một cái đinh móc được đóng lơi lỏng lên ván cửa gỗ nâu.
Quầy sữa đậu này đã ở đây lâu rồi, trước cả khi tôi dọn đến Vong Đô sinh sống. Cửa hàng khá nhỏ, chỉ có một quầy gỗ để vừa hai cái nồi to cùng hai cái xô nhôm nhỏ ở mặt trên. Hai cái nồi to được giữ ấm trên bếp than, lửa nhỏ liu riu. Một nồi chứa sữa đậu, một nồi đựng tàu hủ non. Bên dưới quầy đặt mấy hàng ly chén được sắp xếp gọn gàng. Không gian còn lại của cửa tiệm đặt sáu chiếc bàn con, mỗi bàn có bốn chiếc ghế vừa đủ cho bốn người ngồi. Đứng ở sau quầy là một đôi vợ chồng già độ ngoài tám mươi.
Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Ở độ tuổi này, ông bà đã xem như trường thọ.
– Hai đứa đừng cãi nhau. Tàu hủ nước đường hay tào phớ cũng đều là nó, cãi nhau mất vui. Đồ ăn vào bụng làm sao còn ngon được, hai đứa ơi.
Bà Sáu ngồi trên một cái ghế cao. Bà đặt một tay trên cái bụng tròn phúc hậu, tay còn lại vẫy hai đứa chúng tôi. Miệng bà cười tủm tỉm, đôi mắt híp lại thành đôi vầng trăng non.
– Hôm nay hai đứa dẫn bạn đến chơi hả?
– Đúng rồi bà. Hôm nay múc cho tụi con thêm một chén nữa nhe bà. Tổng cộng ba chén tàu hủ. – Tôi nhanh nhảu trả lời bà, giơ lên ba ngón tay, toét miệng cười toe.
– Cháu trai có không ăn được thứ gì không? Gừng? Hay nước đường? Gừng bà nấu không bị cay đâu, yên tâm mà ăn. – Bà nhìn Trọng Phu, dò hỏi trước khẩu vị của anh.
– Của cháu như bình thường là được. – Trọng Phu gật nhẹ đầu, lễ phép trả lời.
– Được rồi, mấy đứa chờ bà chút. – Bà cười móm mém, vẫy tay xua đi hai ma một tiên ở trước quầy. – Mấy đứa ra bàn ngồi đi, chút xíu ông bưng ra cho. Nhanh lắm.
Ba đứa chúng tôi vui vẻ vâng dạ, nghe lời bà đi tìm một cái bàn ngay góc rồi an vị. Trọng Phu có vẻ không phải là người nói nhiều, tôi cũng không phải là người giỏi bắt chuyện. Đến đây, bàn của chúng tôi chỉ còn lại Cục Vàng ê a hát hò, háo hức chờ ăn. Trọng Phu vẫn luôn nhìn Cục Vàng mà mỉm cười đầy bao dung. Tôi sợ anh ta nghĩ lầm cá nóc nhỏ bị thiểu năng trí tuệ, đành phải lên tiếng giải thích.
– Thật ra anh có thể xem Cục Vàng như một đứa trẻ năm sáu tuổi.
Còn nhỏ xíu, nên đôi lúc ngây thơ lắm, hi vọng anh rộng lòng du di.
– Không sao, Cục Vàng rất dễ thương. – Trọng Phu trả lời như thế. – Tôi rất thích. – Thậm chí còn vươn tay gãi cằm cá nóc nhỏ.
– Chị yên tâm, em đây sinh ra đã người gặp người thương. Ai mà ghét nổi chớ.
Cục Vàng thuận thế nâng cằm để Trọng Phu gãi dễ dàng hơn, há to miệng oang oang khoe mẽ. Tôi chép miệng, xem ra Cục Vàng có vẻ thích Trọng Phu thật. Anh ta luôn tỏa ra thứ năng lượng rất thu hút người khác, không chỉ là ma mà cả cá cũng phải say lòng trước loại “hơi thở” đấy. Tôi lén nhìn Trọng Phu, lại chép miệng lần hai. Cũng phải, đẹp trai như thế này ai mà không có hảo cảm kia chứ. Mặc dù tôi đây không phải loại người trong mặt mà bắt hình dong, thế nhưng lực sát thương của gương mặt này quá lớn, tôi chống cự không nổi. Nhìn khuôn mặt lúc nào cũng mỉm cười như chìm ngập trong nắng ấm kia, tôi đã bắt đầu hoài nghi anh ta cố ý lựa chọn tôi làm trợ lý cốt để thuận lợi cướp người mang lên Thiên Đình rồi đây này.
– Ngài Ứng Nghiệp, ngài có linh thiêng mong hãy phù hộ cho em vượt qua mọi cạm bẫy, làm tốt công việc được giao. – Tôi lầm bầm trong miệng, thành khẩn cầu nguyện.
Chúng tôi không phải đợi lâu, chỉ mới chuyện trò dăm ba câu, ông Sáu đã bưng khay ra ngoài. Trên khay gỗ đặt ba chén tàu hủ nóng hổi, chén sành to vừa đủ để bưng gọn trong lòng bàn tay. Tàu hủ non mịn màng được bàn tay khéo léo của bà hớt lên thành từng miếng, đặt xếp lớp lên nhau, theo từng nhịp bước chân của ông Sáu mà đong đưa núng nính. Xung quanh màu trắng ngần của tàu hủ là nước đường màu vàng cánh gián sóng sánh, rải rác đôi ba mảnh gừng đập dập, mặt trên cùng là lớp nước dừa sánh đặc, béo thơm.
– Thơm quá đi à! Thơm quá đi à!
Tôi cùng Cục Vàng say mê hít hà, không kịp chờ mà vội vàng chộp lấy ba cái hộp giấy đặt ở sát cạnh khay, thành thạo nạy bỏ phần keo niêm phong lấy ra ba cây nhang nhỏ. Trong tiếng hô “Em trước! Em trước!” của Cục Vàng, tôi cắm một cây nhang vào giữa chén tàu hủ trắng muốt, rồi lại lấy ra từ bên trong túi bách bảo một cái bật lửa, “tách” một tiếng bật lên lửa hồng. Lửa hồng đốt cháy đầu nhang, Cục Vàng để sát vào bên cạnh hít một hơi sâu rồi thở dài thỏa mãn.
– Đã ghê!
Tuyến nước bọt của tôi bị tiếng thở dài của Cục Vàng kích thích, tuôn trào như suối. Tôi nuốt ực một ngụm, vội vã thắp nhang cho mình rồi cũng hít một hơi sâu. Sau đó tôi bỗng nhớ ra rằng mình vừa bỏ quên một người.
– Ha ha, tôi quên anh mất, xin lỗi nha, xin lỗi nhiều nha. – Tôi cười khan, rối rít xin lỗi Trọng Phu.
Bởi Trọng Phu ngồi ở phía đối diện, tôi phải hơi nhổm dậy mới có thể với tay cắm nhang tới chén của anh ta. Tôi cố gắng để chân nhang cắm được vào ngay chính giữa chén, như thế trông mới xinh đẹp. Rồi khi ngẩng đầu lên tìm kiếm chiếc bật lửa, tôi đột nhiên nhìn thấy gương mặt sửng sốt của người đàn ông. Tuy rằng mi mắt của anh ta chỉ mở ra biên độ lớn hơn bình thường một chút, nhưng ở khoảng cách gần như thế này, tôi hoàn toàn có thể xác định được rằng Trọng Phu đang trợn mắt. Anh ta nhìn tôi, sau đó nhìn xuống chén tàu hủ, nhìn cây nhang, rồi lại trợn lên nhìn tôi. Đăm đăm, tựa như đáy lòng đang cuộn trào muôn vàn câu hỏi.
“Vì sao?” nối tiếp “vì sao?”, “như thế nào?” chấm dứt tất cả.
Tôi cũng kẹt.
Đầu óc của tôi đột nhiên đình công. Tôi không nhớ nổi lúc đó mình đã nghĩ gì, chỉ biết rằng khi nhìn vào đôi mắt chất chứa bao điều muốn nói kia, tôi vội vàng rút cây nhang ra khỏi chén của anh ấy cắm phập vào chén của mình, mạnh mẽ đến nỗi vài miếng tàu hủ bị chọt vỡ tan. Rồi tôi lôi ra một cây dao vót cùng một khúc tre từ trong túi bách bảo, điên cuồng vót.
Tre đấy vốn được tôi chặt xuống để dựng hàng rào trước nhà. Dựng xong rồi còn dư lại vài khúc, tôi bèn cất chúng vào trong túi bách bảo, phòng khi hàng rào bị hư hại thì còn có cái để sửa chữa.
May mà có nó.
Từ một khúc tre to, tôi đã vát nó thành một cái muỗng tre xinh xắn. Tôi dâng muỗng tre đến trước mặt Trọng Phu bằng cả hai tay, thành khẩn xin lỗi.
– Xin lỗi anh, tôi quên mất anh không phải là ma, không thể ăn theo cách của chúng tôi được. Anh dùng tạm cái muỗng này đi nhé.
– Cám ơn cô Đan Thanh.
Trọng Phu gật đầu, điềm đạm nói lời khách sáo rồi cầm lấy cái muỗng tre, từ tốn múc ăn. Sau đó bàn tay kia khựng lại một giây.
“Hai giây. Ba giây. Bốn giây.”
Tôi thầm đếm đến giây thứ năm, xác định Trọng Phu không thích ứng với tàu hủ chứ không phải là muỗng tre mới cẩn thận hỏi thăm:
– Anh Trọng Phu sao vậy? Không ngon hả? Hay do tôi vót lâu quá nên tàu hủ bị nguội? Tôi gọi cho anh chén khác nhé?
– Không cần đâu cô Đan Thanh. – Tôi vừa định đứng lên đã bị Trọng Phu ngăn lại. Anh múc một muỗng tàu hủ, chậm rãi nhấm nuốt rồi mới nói tiếp một câu. – Tại tôi chưa quen đồ ăn ở Âm phủ mà thôi. Ngẫm lại cũng… – Trọng Phu chần chừ tìm từ đánh giá. – cũng rất độc đáo, có phong cách riêng.
Nói đến đây thì tôi rốt cuộc hiểu. Đồ ăn của ma luôn có sắc hương đủ đầy, thế nhưng vị thì lại một dấu chấm hỏi cần người kiểm chứng. Tuy rằng hầu hết ma có thể ăn uống bình thường như lúc còn sống, nhưng cảm giác nhấm nháp thức ăn không còn sung sướng như xưa. Dù sao thì thể xác chẳng còn, đồ ăn nuốt vào rồi sẽ trôi đi đâu?
Thôi không nghĩ, tôi thực sự không muốn tưởng tượng ra hình ảnh đó đâu.
Cho nên, tuy là nhìn qua trông Trọng Phu đã ăn uống bình thường, tốc độ múc và nhai đều đều không có trì hoãn, nhưng khi nhìn đến đôi mắt đờ đẫn kia, tôi lại chột dạ đoán chừng chén tàu hủ nước đường đó có vị chẳng tuyệt diệu mấy đâu. Nhỉ?
_____
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI