Mưa đã hơi ngớt.
Tiểu Bạch đứng dưới hiên mái lá nhìn mấy giọt mưa lất phất bay vào đậu trên vai áo trơn mềm lóng lánh. Cậu cảm thấy ngồi lâu có chút hơi mỏi eo, bèn vươn người vặn mình mấy cái. Bỗng thấy người nọ tiến đến, giương móng chạm eo mình, liền không khách khí giơ chân đá hắn sang một bên. Chỏng trơ nằm bệt dưới đất, Nam Kha xoa mông ai oán: “Ta muốn bóp eo cho ngươi thôi mà!! Tàn nhẫn như vậy, không sợ làm bẹp mông ta luôn sao.”
Tiểu Bạch vẫn hờ hững: “Mông ngươi đủ dày, không lo.” Người này sao càng lúc càng trở nên mặt dày như vậy, ăn nói càng lúc càng lúc càng thân mật, khác hẳn điệu bộ vô cảm khi hắn mới đến nhận chức.
“Đau…” Người nào đó da mặt còn dày hơn da mông làm mặt đáng thương “Lát ngươi bóp eo cho ta đi!!!”
Tiểu Bạch phất nhẹ tay áo. Không thèm quan tâm, cậu lững thững bước đi ra ngoài. Nam Kha thấy làm nũng vô hiệu, bèn vội vàng từ dưới sàn đất bật dậy hối hả chạy theo. Tranh thủ, hắn vẽ nhanh một chiếc ô trên nền đất màu đỏ sẫm như ráng chiều, giương lên che cả cho hai người. Tiểu Bạch vậy mà lại không cự tuyệt đi chung, chỉ trầm mặc chấp nhận tán ô của hắn.
“Đi đâu bây giờ?” Nam Kha khẽ hỏi.
Tiểu Bạch ngưng một lúc, rồi đáp lại bằng một câu hỏi: “Ngươi có thấy người chết hay hiện hồn về gặp lại cố nhân lần cuối trước khi rời bỏ dương thế không?”
“Thì…?” Nam Kha ngơ ngác. Hình như hắn vừa thấy trong khóe mắt nhàn nhạt hờ hững của người ấy một nét xanh xao mỏi mệt nhuốm theo chua xót tang thương.
Tiểu Bạch nhìn hắn, trong lòng lại lạnh nhạt thêm mấy phần, giọng nói vẫn thấp thoáng điệu bộ không kiên nhẫn như mọi khi: “Về Minh phủ, xem kí lục ghi chép số mệnh của hắn lần nữa, tìm xem đời này có ai khiến hắn lưu luyến không!!!”
Bên đường là thảm cỏ xanh, cây cỏ um tùm đã nằm rạp xuống sát đất sau cơn mưa nặng hạt như một tấm thảm xanh ướt đẫm. Bước chân lên, đầu mũi chân hở ra cũng ngập trong cỏ dại, man mát nước mưa. Bỗng thấy mơ hồ, dường như hừng đông thuở nào cùng cố nhân dạo chơi tiết thanh minh, cỏ xanh ướt đẫm sương cũng mát dịu như thế. Cảnh cũ vẫn còn, chỉ tiếc hồi ức đã như cánh én liệng bay mà lòng người vẫn nguội lạnh như chìm trong sương giá. Bên tán ô, giọng ai ngờ nghệch, điệu bộ giả ngây ấy sao thật xa lạ: “Ngươi sao thế??” Nửa thân nửa sơ, có chút rụt rè không thể hiểu nổi.
Thoáng bần thần trôi qua, Tiểu Bạch vẫn lạnh nhạt như cũ, bước tiến về trước, thủ ấn một nét không đứt quãng giữa hư không hoạ nên hình con chim tước đỏ màu máu. Vẽ xong chấm mắt, hình vẽ sáng loà bay lượn rồi bổ nhào xuống đất, lộ ra thông âm môn.
Không thèm quay lại xem người nọ thế nào, Tiểu Bạch nhảy thẳng vào giữa vòng xoáy đỏ màu máu trên mặt đất. Giây lát sau hai vị đại nhân đã không còn ở dương gian nữa mà đã đang đứng trong kí phòng của Minh phủ. Tiểu Bạch tiếp đất vô cùng tiêu sái, nhưng người nào đó hối hả nhảy theo thì không ổn lắm, nằm đo đất thật oai phong.
Vậy mà tay vẫn níu chặt gấu áo cậu không buông. Tiểu Bạch hơi cau mày, vẫn nhàn nhạt hất tay áo một cái, tính bỏ đi luôn. Nam Kha bị người nọ vô tình đã quen, thở dài khẽ khàng, rồi giây lát lại cười tí ta tí tởn, lui cui đứng dậy theo sau.
Quỉ tốt kí phòng nghe động chạy vào, cuối cùng lại thấy một màn áp sàn mất phong độ của Minh thiếu chủ cũng là Hắc vô thường đại gia. Tiến lên giúp thì e Bạch đại nhân còn chưa động tĩnh gì, mà đứng nguyên thì cũng không ổn lắm, may phước vị tổ tông kia thoải mái bò dậy, không khó chịu quát thét gây sự với Bạch vô thường đại nhân như trước, bèn an ổn lui ra mặc bọn họ muốn làm gì thì làm.
Trong kí phòng này là nơi lưu giữ những bản sao ghi chép mệnh cách của vạn vật. Bản gốc được lưu giữ trên Thiên giới, do Tư mệnh Thần quân cai quản. Vị thần quân đó nổi tiếng tính tình kì quái, dưới trướng là Nam Tào Bắc Đẩu quản hết sinh tử thế gian. Nam Tào viết ngày sinh, Bắc Đẩu định ngày tử, nhưng hết thảy vận mệnh của vạn vật này đều do vị thần quân kia định đoạt. Thiên giới vốn khí trạch khác lạ so với Minh Phủ, vậy mà vị thần quân này không những yêu cầu Minh Phủ dâng cả nước Kí xuyên lẫn Vong xuyên làm cống phẩm cho nước mài mực mà còn bắt Bách Công cục vốn chỉ chuyên chế tác đồ dưới Minh phủ hàng năm phải mò rong xiết mọc dưới dòng Kí xuyên lên làm giấy Trắc Lý(*) cho phủ đệ của ông ta. Vốn thứ giấy đó vừa dai vừa bền, ngâm trong nước cũng không rữa nát, mát như tơ tằm, lại thơm tho, cực phẩm như vậy mà mỗi năm lại phải cống cho Thiên giới đã là đủ đứt ruột đứt gan mấy vị chưởng quản Bách Công cục dưới âm phủ rồi. Sau khi các vị tinh quân dưới trướng ông ta viết xong một đoạn mệnh số, vẽ ra xong một cuộc đời, vốn những thứ đó sẽ được chuyển thẳng xuống Minh phủ để phục vụ cho mấy vị phán quan phán quyết cho chủ nhân của mấy mệnh số này. Ai ngờ ông ta bắt mấy vị tinh quân è cổ làm thêm bản sao, rồi giữ bản gốc lại đem phủ bụi trong phủ đệ, nghe đồn thỉnh thoảng lại lấy ra làm tiểu thuyết đọc tiêu khiển. Một quá trình chậm lại thì những người khác phải làm việc gấp mấy lần để bù lại. Mấy vị tinh quân trung thành kia không nói làm gì, nhưng mấy con chim tước, giống tinh linh duy nhất dưới Âm phủ có thể đi lên Thiên giới, là vật trung gian, cũng kiêm việc chuyên chở hàng hóa bị thúc giục thì không hài lòng chút nào, thường vừa bay lượn vừa kêu quang quác phẫn hận.
(*): tên một loại giấy được làm từ rong biển của người Việt cổ, theo ghi chép của “Thập di kí” của Vương Gia (thế kỉ IV).
Mỗi lần Nam Kha phải đi tìm kí lục trong hàng dãy sách trong kí phòng là hắn lại thấy sầu. Hắn chỉ thích việc lúc sau thôi, tức là khi đã khám phá ra thư mệnh(*) của những kẻ cần phải điều tra. Ngồi bệt dưới sàn, lưng dựa giá sách, miệng ngậm một nhánh cỏ lau, trong lúc đó, vẫn là Tiểu Bạch của hắn làm việc gọn ghẽ nhất, chưa đầy tuần nhang đã tìm ra thư mệnh của tên thư sinh kia rồi.
*: sách ghi số mệnh
Bìa xanh hơi bám bụi, hàng chữ đen viết theo lối khải ngay ngắn đề tên. Không hiểu sao, nhìn người ấy vẫn hơi bần thần.
Đứng dậy, hắn nắm tay người nọ: “Đi thôi. Như mọi khi.” Đưa tay hất một cái, cuốn sách nằm im ắng trong tay người nọ vụt mở.
Cuối làng nọ có một cái am nhỏ. Kiến trúc đơn sơ, mái tròn nhỏ lợp lá cọ. Trong cái sân nhỏ đằng trước là một khóm trúc với một cái ao nhỏ. Mặc dù là giữa mùa thu, cây cối xung quanh đã ngả sang màu héo úa, nhưng khóm trúc nọ vẫn xanh tốt, thẳng đứng, quả đúng là quân tử trong quân tử.
Một thằng bé độ 3, 4 tuổi gì đó tóc còn để chỏm đào đang đứng quét sân. Cán chổi thì dài, đuôi chổi thì to, thằng bé thì thấp nhỏ, thành ra nhìn giống như đang kéo lê cái đuôi chổi hơn là quét sân. Nhìn nó có vẻ gầy gò, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng nhợt nhạt, xiêm y mặc trên người cũng đơn bạc, là thứ vải thô nhuộm màu nâu non, vá víu, so với nó lại rộng, dài hơn mấy lần, khiến dáng người thằng bé càng thêm nhỏ nhắn hơn. Thằng bé đi chân trần. Nhìn nét mặt thì có chút già trước tuổi. Không cười cợt, cũng không lả lướt, thằng bé nghiêm túc quét cho sạch cái sân, miệng đọc đều đều:
Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.
*: đoạn mở đầu của Tam Tự Kinh, cuốn sách cơ bản để dạy chữ, giáo dục lễ nghi, nguồn gốc từ Trung Quốc, lý luận đa dạng, phạm vi rộng lớn bao trùm từ văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý đến những nhân tố đạo đức, thường có nhiều câu thơ ba chữ dễ đọc và thuận miệng.
Dịch tạm
Con người mới sinh ra, bản tính vốn hiền lành,
Tính ban sơ giống nhau, thói quen dần khác xa.
Nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ đổi dời,
Đường lối để giáo dục, quý ở sự chuyên cần.
Nguồn: http://chanhkien.org/2008/12/tam-tu-kinh.html
Một đám trẻ đi ngang qua am, đứa nào trông cũng cũng béo tốt, áo trực lĩnh(*) màu sắc sáng sủa, quần lụa đỏ. Đứa nào đứa nấy đều đeo khánh bạc(**), trước cổ đeo vòng dây tết từ chỉ nhiều màu xem chừng cũng là dạng con nhà trung lưu. Chúng nghe lỏm đứa trẻ kia đọc, rồi một đứa dẫn đầu, cả đám theo sau nhảy ra đồng thanh cười nhạo: “Chú tiểu để tóc chẳng cạo đầu!!!!! Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa!!!
*: áo vải giao lĩnh may cổ thẳng.
**: vòng cổ bằng bạc, thường gắn thêm quả nhạc/chuông nhỏ, trẻ con thường đeo để giúp giữ vía.
“Nó là đứa mồ côi không cha không mẹ. Bố mẹ nó là sư sãi hay không làm sao biết được. Nó chỉ là cái thằng ở cho cái am này thôi.” Một đứa “chiệp” cái miệng, xìa cái môi ra.
“Không cha không mẹ còn đầu óc dị hợm kìa, rốt cuộc nó đang đọc cái gì đấy??”
“Ha ha cái đồ không cha không mẹ, mày là do ai sinh ra thế?? Hay là từ trên giời rơi xuống??”
Cậu bé không nói gì, chỉ lạnh lùng quét nốt cái sân.
“Thằng kia, mày bị câm điếc à?” Một thằng bé ăn vận đắt giá nhất trong đám, xem ra là kẻ cầm đầu, thấy cậu không nói gì nhảy xổ vào trong sân, đám bạn của nó cũng nhảy vào theo. Thấy cậu bé vẫn trầm mặc không trả lời, thằng bé kia liền lao tới hung hăng đẩy ngã cậu xuống, còn hống hách nói: “Nghe bọn tao hỏi mà sao dám không trả lời thằng kia. Mày đúng là gan to. Không có người dạy dỗ, đúng là loại dã chủng không biết sợ là gì, đồ vô dụng. Đúng là không bằng con chó.”
Nói xong còn tát cho cậu bé một cái thật mạnh. Sức trẻ con không lớn, nhưng cũng đủ làm cho má cậu bé in một hằn dấu năm ngón tay đỏ ửng. Cậu bé mím môi, gạt tay thằng bé ra, lạnh lùng nhìn lại nó: “Mấy người thì có người dạy chắc?” Nói xong từ từ đứng dậy, bóng lưng gầy khẳng khiu đứng thẳng lại như một cây tre nhỏ, nhìn thẳng vào thằng bé kia, ánh mắt phẫn nộ thoáng chốc trở nên mai mỉa: “Cái hạng vô học như cậu, không xứng đáng để tôi phí lời.” Sau đó cúi xuống cầm chổi, quay lưng định đi vào.
Bọn trẻ nhao nhao: “Mày nói ai vô học!!!” Còn thằng bé đang đứng trước mặt cậu thì sững sờ một chút rồi gào lên xỉa xói, ngón tay chỉ thẳng giữa mặt: “Mày nghĩ mày là cái thá gì mà dám nói tao như thế. Mày mới là đồ vô học, đồ mất dạy, đồ không có cha dạy, đồ nghiệt chủng.”
Cậu bé vốn đã định đi vào trong am, nghe vậy mới quay phắt lại nhìn thẳng vào thằng bé kia, lạnh lùng nói một tràng: “Cổ nhân xưa có câu: ‘Kính già yêu trẻ’, tức có nghĩa là kính trọng người hơn tuổi, hòa nhã với kẻ nhỏ hơn mình. Hành động vừa nãy của cậu thể hiện điều gì, như vậy là có lễ nghĩa hay sao. Cha mẹ cậu không phải mở quán rượu lớn nhất trong cái làng này, còn có mở thêm một tửu lâu trong kinh thành sao, vậy sao không có tiền mời người về dạy dỗ con cái mình cho tốt, để cậu thành chó ra ngoài cắn bậy người khác như vậy.”
“Mày…” Thằng bé kia giận tím mặt, xông lên trực đánh. Cậu bé chỉ lạnh lùng khoát tay hất nó ra.
“Việt quốc(*) ta vốn từ xưa có truyền thống hiếu học, luật lệ quy định muôn dân trăm họ chú trọng giáo dục, nhà nào tài lực dư dả nhất định phải cho con học chữ. Trẻ nhỏ học vỡ lòng bốn tuổi phải thuộc “Tam thiên tự”, sáu tuổi học thuộc “Ngũ thiên tự”(**), lên bảy bắt đầu học “Tam tự kinh” cùng “Minh tâm bảo giám”. Cậu dù là con nhà buôn bán, nhưng cũng thuộc hạng trung lưu, cũng phải hơn tám tuổi rồi, vậy mà một câu “Tam tự kinh” cũng không biết. Người không hiểu thì sẽ thấy cậu tư chất tầm thường, thậm chí nói cậu ngu đần si độn, người biết sẽ nói ‘Dưỡng bất giáo, phụ chi quá'(***).” Giọng điệu mỉa mai bỗng pha thêm mùi uy hiếp ngấm ngầm, “Chó gầy hổ mặt người nuôi’, ngay đến đạo lý đơn giản như vậy cũng không hiểu mà còn dám ra ngoài hung hăng, chẳng lẽ không sợ có người đến tố cáo phụ mẫu cậu không tuân theo quốc pháp, để mặc con mình càn quấy, còn không mau cút đi.”
*: đặt bừa một tên, không phải Việt Nam mình, đây không phải tiểu thuyết lịch sử mà là tiểu thuyết huyền huyễn hư cấu, đất nước trong chuyện không có thật, người viết dùng một vài chi tiết về quần áo, kiến trúc, chữ viết, thi từ, tập quán mượn từ đời thật thôi.
**: “Tam thiên tự”- 3000 từ và “Ngũ thiên tự”- 5000 từ đều là sách dạy chữ hán trực dịch sang chữ Nôm cho người học vỡ lòng của người Việt xưa. “Tam thiên tự” gồm những câu bốn chữ hiệp vần, không sắp xếp ý nghĩa. “Ngũ thiên tự” gồm những câu lục bát, sắp thành từng mục : thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý,…
***: con không được dạy tốt là lỗi của người làm cha
Thằng bé kia nghe xong thì đứng sững như trời trồng. Nó không biết mình phải làm gì nữa. Rõ ràng người trước mặt nó chỉ là một kẻ ăn nhờ ở đậu nhà chùa, không mẹ cha, vậy mà khoảnh khắc vừa rồi, giọng nói uy nghiêm, thần thái cao ngạo kiêu hãnh, ánh mắt uy hiếp như thể là trâm anh thế phiệt từ vọng tộc danh gia, khiến nó không dám tiến lên một bước. Thậm chí, cước bộ của nó còn dần dần lui lại đằng sau từ bao giờ nó cũng không hay. Đối phương lại lấy “quốc pháp” ra để uy hiếp, nói năng cứng cỏi không vạch ra nổi một sơ hở nào, còn lần khân ở đây, không chừng chỉ tổ thêm rách việc.
Nhưng bây giờ mà bỏ chạy, nhất định sẽ rất mất mặt.
Trong lúc nó còn đang không biết làm gì, sau lưng bỗng vang lên tiếng vỗ tay: “Mắng hay!”
Một cô nhóc tiến ra từ sau đám đông, có lẽ đã đứng im lặng quan sát một lúc lâu rồi. Dung mạo cô bé giống hệt thằng nhóc hung hăng đang đứng lúng ta lúng túng đằng kia, chỉ là đường nét có chút mềm mại và thanh tú hơn hẳn, cổ áo viên lĩnh kín đáo, khuy áo tết hình hoa vải màu tía xinh đẹp, tóc búi thành hai búi nhỏ xinh xắn có buộc dây tơ màu đỏ. Với thằng nhóc hung hăng kia, nếu lần đầu tiếp xúc, người ta sẽ bị cái điệu bộ khinh khỉnh và táo bạo của nó làm mờ đi vẻ xinh xắn hài hòa, nhưng khi hai đứa nhỏ này đứng cạnh nhau, người ta lập tức nhận ra chúng là một cặp sinh đôi xinh đẹp. Một tao nhã một táo bạo, một đôi người ngọc như vậy, cha mẹ nhà khác nhìn vào cũng phải thấy ngưỡng mộ.
Thằng bé nhìn thấy chị mình vỗ tay thì quắc mắt: “Chị!!!!!!”, ai ngờ bị cốc đầu một phát. Cô bé kia nhẹ nhàng đi ra chỗ cậu em đang đứng, cúi người: “Xin lỗi, là em trai của tôi đã làm phiền cậu rồi. Mong cậu bỏ quá cho.”
Thằng bé kia ấm ức nhìn chị nó, nhưng nhìn thấy chị lại cúi đầu thay mình, cuối cùng á khẩu chẳng nói được gì
Cậu bé nhìn cô nhóc lớn hơn mình cả cái đầu, im lặng một chút rồi khẽ cúi đầu lễ phép đáp: “Không sao ạ, xin lỗi vì đã quá nặng lời.”
Đám nhóc thấy chuyện đã vãn, hết trò để xem liền tản đi mất, chỉ còn ba người đứng lại trong sân. Lúc này, cậu bé kia cũng bắt đầu lúng túng, liền cúi đầu cầm chổi định quay lưng vào nhà. Nhưng cô bé kia đã giơ tay ra nắm lấy vạt áo của cậu: “Chờ đã, cậu tên gì vậy?”
Cậu bé hơi mím môi mông lung một chút rồi đáp khẽ: “Cứ gọi tôi là Hàm thôi.”
“Vậy tôi gọi cậu là Tiểu Hàm được không? Tên tôi là Hương Duệ, lấy ý từ câu ‘Phong phiêu hương duệ không trung cử'(*), em trai tôi tên Cao Dương, lấy từ câu ‘Cao dương chi bì’ (**).” Cô bé kia không bị thái độ không nóng không lạnh của Hàm làm cho nguội mất tâm tình, rất hào hứng giới thiệu tên tuổi của mình, “Từ nay cứ gọi tôi là Duệ, gọi đệ đệ tôi là Quân, chúng ta kết bạn được không??”
*: trích từ “Thái Liên khúc” của Lý Bạch
**: trích từ “Cao dương” trong Kinh thi
“Chị!!!” Cao Dương nghe thấy chị của mình nói vậy thì nhăn hết mặt mày, “Cha mà biết chị tùy tiện ra ngoài là đã bị phạt rồi, nếu biết chị tìm hồ bằng cẩu hữu như vậy nhất định sẽ phạt tội đó!!!!”
Hương Duệ thấy em trai còn cứng đầu, lạnh nhạt nói: “Đã làm càn còn không biết sai, còn không mau xin lỗi người ta.” Thấy thằng bé vẫn đứng im, cô nhóc đành thở dài cúi xuống hành lễ với Tiểu Hàm: “Em trai tôi còn chưa hiểu chuyện mong cậu bỏ quá cho, sau này, cậu có thể kết bạn và giúp đỡ nó học hành được không? Người làm chị như tôi đây sẽ rất biết ơn.” Cô bé không thèm để ý thái độ em của mình, đôi mắt chân thành nhìn Hàm.
Hồi lâu, Tiểu Hàm mới gật đầu. Cô bé cười, khóe mắt híp lại, bên khóe miệng cong lên thành hai dấu phẩy ngọt lịm, trông rất xinh xắn.
Tiểu Hàm lúng túng nhìn trực diện cô bé rồi cũng khẽ cười đáp lại.
“Như vậy đi, ngày mai em tới học chung cùng với Tiểu Hàm, có gì không hiểu thì để người ta dạy cho, không biết thì phải dựa cột mà nghe, đừng có để lão Đồ Cát kia sổ toẹt bài viết thêm một lần nữa, mất mặt không nói làm gì, còn bị cha phạt quỳ ở từ đường nữa đấy.”
“Chị!!!! Sao chị lại nói trước mặt nó!!!!!!!!!!!!!!” Cao Dương tức điên người. Cậu ở nhà thường xuyên bị phụ thân chê trách chuyện học hành, bài thục trầm(*) vừa rồi tại lớp học câu được câu chăng, cuối cùng bị cái lão Đồ Cát được mời về dạy mắng gạch một dấu gạch đỏ sổ toẹt cả trang bài, mắng cậu xối xả, còn nói lại với cha cậu khiến cho cậu bị phạt quỳ trước từ đường trọn cả một buổi sáng. Lúc mắng cậu còn một mực so sánh với cái tên dã chủng không cha mẹ được cái am này thu nhận, nói một thôi một hồi cái gì mà “con cái nhà ai lại xuất chúng như vậy, cái gì mà chưa đầy sáu tuổi đã đọc được hết ‘Tam tự kinh’ cùng ‘Minh tâm bảo giám’, đối đáp trôi chảy, khí tiết cứng cỏi, nhà nào mà có con như vậy là phúc mấy đời tổ tông để lại không chừng, chứ đâu có như con cái nhà mình lười biếng lại rắn mặt rắn mày, đúng là gia môn bất hạnh.” Cậu ghen tức ngấm ngầm đã lâu rồi, hôm nay nhân tiện ghé qua ngó xem mặt mũi thằng nhãi này như thế nào, tranh thủ bắt nạt nó cho bõ tức. Không ra oai được với nó thì thôi, bị nó uy hiếp lại cũng thôi đi, ai ngờ nó như thế nào lại lôi kéo được người chị gái thông minh mẫn tiệp thường xuyên bao bọc cho cậu, lại còn bắt mình hành lễ xin lỗi.
*: thuộc lòng
Thật ấm ức, hơn nữa đối phương lại còn là một thằng nhãi thấp hơn mình đến nửa cái đầu. Hành lễ với nó thì còn đâu mặt mũi, về sau làm sao còn ngẩng mặt trước thằng nhãi đó cho nổi.
Vốn định gào lên mấy câu nữa, nhưng thấy ánh mắt của người chị luôn luôn bao bọc và thương yêu của mình dần trở nên cau lại có chút nghiêm khắc, đượm buồn bã thất vọng, cậu đành cụp đôi mắt xuống, mềm giọng nói: “Em biết rồi.”
“Mau xin lỗi người ta một cậu cho phải phép đi.” Đường chân mày thanh như họa của chị lúc ấy mới giãn ra, giọng điệu đương nhiên cũng rất nhẹ nhàng.
Nhưng cậu vẫn tức lắm lắm, bèn bĩu môi một cái rồi quay sang, lè cái lưỡi ra làm mặt quỷ: “Còn lâu đi!” rồi bỏ chạy một mạch, lòng vẫn còn hầm hầm ấm a ấm ức.
Người chị nhìn theo em trai của mình, che miệng cười nói với cậu bé nhỏ tuổi: “Cậu nhìn xem, thằng bé lớn vậy rồi mà cư xử thế đấy! Tiểu Hàm, cậu đừng để bụng nhé, em ngốc nhà tôi còn ham chơi và trẻ nít lắm!”
Cậu bé nhìn theo bóng dáng người nọ đang hậm hực chạy đi, khóe miệng lặng im nãy giờ bỗng cong lên thành một đường xinh đẹp.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI