Chương 15
Nghe tin không lành về Oanh Thục, nhà Hồ Vương cũng muốn chạy đi xem tình hình nhưng lại bị binh lính Hầu tộc ngăn cản, rốt cuộc cả nhà hồ tiên chỉ có thể chôn chân nhìn theo bóng vua khỉ. Phần Hầu Vương sau một hồi cưỡi mây lướt gió đã đến được phủ con gái. Lúc vào đến nơi mới hay Oanh Thục bị ác mộng dày vò chứ chẳng gặp điều chi nguy hiểm tính mạng, tuy thế, nhìn ái nữ nước mắt giàn giụa, cả Hầu Hậu ngồi ngoài sân cũng mấy lần gạt lệ, vua khỉ nghe lòng đau nhói như bị dao cắt nát.
Đợi Oanh Thục bình tĩnh lại rồi Hầu Hậu mới dẫn lang quân sang phòng khác để kể rõ sự tình. Hóa ra do việc giữa hoàng nữ và Mạnh Hạ bị chứng kiến bởi quần thần lẫn hầu cận trong động hồ ly nên chưa đầy nửa ngày tin tức đã lan truyền khắp nơi, giờ đến cả Hầu tộc cũng loáng thoáng hay chuyện hoàng nữ thất thân. Vừa ban nãy còn có đám tỳ nữ trong phủ nhỏ to bàn tán việc Oanh Thục, khiến nàng uất ức đến ngủ mà vẫn chẳng thoát nổi ác mộng.
Nay cả thiên hạ biết hết việc nhục nhã của con gái rồi, thêm thấy cảnh ái nữ đau đến mắt hoài đỏ hoe, lệ nóng hết cạn rồi lại đầy, Hầu Vương vốn đã phân vân lại càng bối rối hơn. Ông muốn một phen dùng máu loài hồ tiên để rửa mối nhục này nhưng cũng lo nếu làm ầm ĩ sẽ không những khiến ái nữ đau lòng hơn mà còn đẩy dân chúng Hầu tộc vào họa binh đao… Chẳng biết quyết định sao cho ổn thỏa, rốt cuộc vua khỉ đành đem mối lo san sẻ với thân quyến lẫn các cận thần trung thành. Và một tuần liền mọi người đều nhăn trán cân đo đong đếm, phân tích lợi hại, tổn thất nếu quyết gây chiến với Hồ tộc. Rồi quân sư của Hầu Vương còn cân nhắc cả chuyện danh dự của Oanh Thục. Theo quân sư, vạn năm qua binh sĩ Hầu tộc ngoài biên ải luôn hết lòng tôn thờ hoàng nữ như một nữ chiến thần, giờ nếu làm lớn chuyện cho tin đồn lan đến biên giới, hình ảnh nàng ấy bị hoen ố, nữ tướng trấn biên ải mà không bảo vệ nổi thân thể mình thì ai biết còn bao nhiêu điều tiếng, chưa biết chừng sẽ có binh sĩ thầm không phục…
Cuối cùng, sau bảy ngày bàn bạc cẩn thận, Hầu Vương đành âm thầm nhận về hai trăm dặm đất đai của Hồ tộc. Nhưng nhằm không để chuyện của con gái bị khơi lên, vua khỉ phải dàn xếp mọi việc từ dời cột mốc tới điều quân sĩ ra trấn giữ phần biên giới mới trong lặng lẽ. Thậm chí, vì danh dự của Oanh Thục, hoàng thất Hầu tộc còn nuốt nhục nói với binh sĩ ngoài biên ải rằng phần lãnh thổ mới này được Hồ tộc tặng như báo ơn sau lần giúp đánh đuổi bọn sài lang.
Mọi chuyện cũng ổn thỏa, bên Hồ Vương nhẹ nhõm mấy phần, chỉ còn việc… phạt tội Mạnh Hạ nữa thôi. Con cáo gây chuyện tày trời vốn bị giam trong ngục tối, nay được lôi ra nghe tộc chủ định tội. Hoàng tử quyền quý ngày nào giờ mặc áo tù, đầu tóc rối bời, mặt mày nhem nhuốc bẩn thỉu, ngỡ chỉ cần đeo cái gông sẽ chẳng khác chi kẻ mang trọng tội sắp mang đi xử trảm.
Thượng đẳng thần Bằng Thủy tới giờ vẫn chưa quên nỗi nhục phải quỳ trước mặt Hầu Vương, nên lập tức dùng những lời đạo lý quát mắng cháu trai.
– Trong năm đức tính của người quân tử, điều đầu tiên là “nhân”, nhân dựa trên nguyên tắc: cái gì bản thân mình hoặc người không muốn thì không làm cho người, nhưng ngươi lại hủy hoại thân thể hoàng nữ Hầu tộc, làm ô nhục tiết hạnh người ta, đúng là thứ bất nhân, lòng lang dạ sói… Ta và cha mẹ ngươi chỉ mới đi cúng tế mộ phần dòng họ dăm bữa mà ở nhà ngươi đã cả gan gây chuyện tày đình, tạo tội nghiệt trời không dung, đất không tha.
– Bác cả đừng nói quá lên! Cháu làm thế cũng chỉ để cưới được Oanh Thục chứ đâu phải vui chơi qua đường mà tội tày đình, hơn nữa rõ ràng người ta đã thừa nhận yêu cháu, đã tự nguyện ngã vào lòng cháu, nhưng vì tác dụng của Tình Miên Tửu nên nàng ấy mới quên mất thôi. – Mạnh Hạ vẫn cố cãi. – Chưa kể trong giáo điều Hồ tộc chẳng hề có điều nào cấm dùng rượu để mê hoặc người tình.
Đang tức giận vì mất một phần giang san lại thêm con trai cứng đầu không chịu nhận sai, Hồ Vương phát điên lôi ra cả sớ tội dài quét đất.
– Đã phạm trọng tội mà còn già mồm, vậy để ta đọc hết tội trạng của ngươi ra, từ lúc giam ngươi vào ngục tối, anh Bằng Thủy và ta đã quyết soạn bản ghi tội này cho người tâm phục khẩu phục. Tội thứ nhất: Hầu tộc mang quân sang giúp thần tộc ta đánh đuổi tà thần, ngươi không đền ơn lại còn nhục mạ nữ tướng Hầu tộc trước mặt biết bao nhiêu người, đấy là bất nghĩa. Tội thứ hai: Nữ tướng Hầu tộc đã định tu hành, tránh xa sắc giới nào ngờ bị ngươi dụ dỗ làm ô uế thân thể, đó là hành xử bất nhân. Tội thứ ba: Hai thần tộc ta đời đời kết giao, thề nguyện không bao giờ phản bội, làm tổn hại nhau, Hồ tộc ta cũng đã hứa không bao giờ gây thù chuốc oán, gây hại cho con dân Hầu tộc, ngươi vì si lụy ái tình đi hãm hại con gái của Hầu Vương, là phạm vào thề ước ngàn đời giữa hai tộc, tức là bất trung. Tội thứ tư: Ta và mẹ ngươi vạn lần hết lời thiệt hơn khuyên răn, cản trở ý đồ xấu xa từ ngươi, nào ngờ ngươi không vâng lời song thân còn nhẫn tâm gây ra chuyện thương luân bại lý, đó là bất hiếu. Bốn trọng tội đó dù không có trong giáo điều nhưng khắp trời đất không ai là không biết, tội nghiệt của ngươi có mang đi nhấn nước đến chết còn chưa chắc rửa sạch nổi.
– Phụ hoàng ơi, cái gì mà mà bất nghĩa, bất nhân, bất trung, bất hiếu, cha có nói quá lên không thế, chỉ là một đêm mặn nồng thôi mà. Oanh Thục trong cơn say cũng thừa nhận động lòng, xem như hai bên đều có tình ý với nhau. Nàng ta cũng chưa từng xuống tóc đi tu, sao nói con hành xử bất nhân với người tu hành được. Chưa kể giờ gạo đã nấu thành cơm thì điều tốt nhất nên làm là sang hỏi cưới chứ không phải mang con ra mắng mỏ, lấy vợ phải lấy liền tay chứ để lâu ngày con mất thê tử thì ai đền cho nổi.
Nhưng lời hoàng tử nói chỉ bằng muối bỏ bể là cùng, Hồ Vương một khi đã muốn phạt thì họa chăng trời sập mới cản nổi. Và ngay sau đó, Lê quốc sư đã bày ra một bàn hương án nghi ngút nhang khói, tỳ nữ của ông ta còn mang theo mâm đầy lễ vật tạ lỗi. Đến đây Mạnh Hạ chẳng cần hỏi nhiều cũng biết sắp phải hành lễ với những bậc tiền nhân khuất mặt nào đó mà bản thân chưa từng được nghe nhắc tới.
Quả thực như vậy, quốc sư lấy bản tội trạng của Mạnh Hạ đặt lên trước hương án rồi lầm rầm nói gì rất lâu, tận khi tỳ nữ thắp đôi nến trắng lên ông mới chịu ngưng. Xem ra Lê quốc sư đã thưa hết bao tội lỗi của hoàng tử hồ ly lên bậc tiền nhân, còn giờ tới lượt kẻ gây tội sám hối… Thế là nghe theo quốc sư, Mạnh Hạ vừa quỳ vừa liên tục đọc mấy lời nào là lỡ u mê, lụy tình nên phạm tội tày trời, lại tới kể lể việc ăn năn sám hối, sửa chữa tính nết… Đọc ra rả cả canh giờ, đau rát cả họng mới hết bài sám hối, chưa kể dừng đọc rồi hoàng tử còn phải cố lết hai cái chân tê cứng đến trước lư hương để cắm vào ba nén nhang.
Những tưởng vậy là chấm dứt, ai hay, Hồ Vương lại mang tới một cây gậy to hơn bắp tay. Chẳng khi không mà vua cáo đem roi ra, Mạnh Hạ lập tức hiểu vấn đề ngay.
– Đừng mà cha! Con còn phải sang Hầu tộc, còn phải tìm Oanh Thục. Hôm đó chú Quyết Minh dẫn Oanh Thục đi quá vội, cha thì ném con vào ngục tối, bao nhiêu lời con muốn nói đều không có cơ hội, thư càng chẳng viết được. Nhỡ đâu không nghe thấy tin tức gì, Oanh Thục lại hiểu lầm thì sao…
Hoàng tử vốn còn muốn van xin thêm, tuy nhiên chưa gì quốc sư đã chen ngang vào nói với giọng điệu tận cùng đáng sợ.
– Mạnh Hạ công cứ quỳ yên ở đó đi! Phải để Hồ Vương thay mặt các bậc tiền nhân trị tội ngài trước đã. Vẫn còn hình phạt chép giáo điều đang chờ ngài đấy.
– Vinh Nguyên! Cái cách trị tội này ở đâu ra vậy? Ông cố tình bày vẽ thêm đúng không? Ông chỉ sinh sớm hơn chục vạn năm chứ tính ra vai vế cũng như anh họ ta thôi, đâu phải bậc bề trên mà được quyền phạt này phạt kia. Rõ ràng ông tính tư thù những lần bị ta chọc phá ngày xưa, ông quanh năm ăn chay niệm Phật, gõ mõ tụng kinh nhưng tâm đầy chấp nhặt, nhỏ nhen vậy mà cũng gọi là bậc chân tu sao?
– Đúng là xét theo vai vế tôi chỉ là anh họ của ngài, nhưng về chức vụ tôi là quốc sư, quốc sư bàn bạc, góp ý vào quyết định của tộc chủ thì có gì sai sao. Còn nhắc tới việc tu hành, quốc sư tôi vẫn chưa xuống tóc kia mà sao gọi là bậc chân tu được, ngài có lầm không vậy. – Vinh Nguyên bình thản đáp. – Nhưng tôi cũng báo cho ngài tin mừng, sau khi chép phạt xong ngài có thể đến Hầu tộc đấy.
Mọi chống đối đều hoài công, từng nhát roi vẫn giáng xuống chẳng chút khoan nhượng, nhát nào nhát nấy tưởng sắp lấy luôn mạng cửu vĩ hồ. Nếu không nhờ nội công thâm hậu có lẽ hoàng tử đã đứt hết kinh mạch lâu rồi. Hắn cắn răng chịu đau, mồ hôi đổ ướt áo, lưng hằn lên vệt đỏ tứa máu. Cùng khi đó, Vinh Nguyên lại thảnh thơi đứng trò chuyện cùng tỳ nữ, thỉnh thoảng còn hé nụ cười ngọt ngào, Mạnh Hạ thật tức tới phải gào ầm lên.
– Vinh Nguyên… ông cố ý trả thù thật mà, ông thừa nước đục thả câu dùng việc công tính vào thù cá nhân, bụng dạ nhỏ nhen, tính toán chuyện cũ đến thế mà còn đòi tu hành, học kinh Phật. Oanh Thục từng bảo ta tu hành là buông bỏ, là quên đi tham sân si hận, xem ra ông vẫn chưa buông được gì đâu. Chưa sống trong sạch đến tận ngày nhắm mắt thì chưa gọi là lành đâu, ông còn trẻ hơn phụ mẫu của ta nhiều đấy, ngỡ học kinh Phật vài vạn năm là xa lánh sắc giới được sao, ta sẽ chống mắt chờ xem kẻ không có căn tu như ông nếu gặp đúng ý trung nhân sẽ thế nào, chưa biết chừng còn thảm hại hơn ta bội phần.
Nhưng quốc sư đã dẫn tỳ nữ của mình đi xa, lời mắng chửi cũng tan theo gió trời chứ chẳng tới được tai ai. Riêng đòn roi thì hoàng tử vẫn phải chịu, cây roi khổng lồ vẫn giáng xuống như thể quyết để con cáo chín đuôi sưng tím cả người, có lẽ nhang cháy bao lâu thì hình phạt còn kéo dài nhường ấy.
Cuối cùng, lúc mặt trời khuất núi, Mạnh Hạ đã được tha để về… chép phạt. Con cáo ương bướng vừa quỳ trước linh vị Lương thái sư vừa chép phạt hết trăm điều quy tắc đúng mấy vạn lần, thậm chí những quy tắc quân tử lần trước bị bỏ dở cũng phải chép bù. Phen này Hồ Vương phái cả lính gác đến canh chừng hoàng tử chép phạt cho xong. Chỉ mỗi chép phạt đã mệt mỏi, đằng này còn phải quỳ gối để chép, quả đúng hành hạ toàn bộ tứ chi.
Qua bốn ngày đêm thức trắng, cuối cùng bài chép phạt đã được hoàn thành, hoàng tử thì rã rời đến ngủ gục luôn trên bàn, tay chân tê dại, chẳng còn tí cảm giác nào. Và sau khi Hồ Vương kiểm tra giấy phạt xong, Mạnh Hạ mới biết hôm qua Lê quốc sư không hề lừa mình, đúng thật sau khi hoàn tất hình phạt này hắn sẽ lập tức được sang Hầu tộc. Sang để… chịu phạt tiếp.
Chẳng là Hồ Vương muốn chứng minh cho Hầu Vương thấy mình quân pháp bất vị thân, thực sự có phạt nặng con trai nên đã xin được giam Mạnh Hạ vào thủy lao Hầu tộc. Thủy lao nơi vùng đất loài khỉ tiên có mực nước lên xuống theo thủy triều, hằng đêm nước trong lao sẽ ngập đầu phạm nhân, riêng đêm trăng tròn, nước còn cao hơn thông thường, đủ sức dìm bất cứ kẻ xấu số nào đến chết đi sống lại. Và trong hai tháng liền, hoàng tử Hồ tộc đã bị trấn nước đến tàn tạ thân xác. Mặt mũi hắn trắng bệch hệt xác chết, hơi thở thoi thóp từng hồi, tay chân bủn rủn, mềm oặt như cỏ cuối thu. Tuy nhiên, lính canh ngục luôn quả quyết rằng mỗi phen nước rút, Mạnh Hạ đều thở hỗn hển, miệng chỉ nói đúng một lời, không phải lời van xin càng chẳng phải câu than thở mà là… tên Oanh Thục.
Còn nơi Hồ tộc, khi hình phạt thủy lao của Mạnh Hạ sắp kết thúc, thêm đã thăm dò chắc chắn rằng Hầu Vương đã nguôi bớt phần nào, Hồ Vương liền sắp xếp thời gian đi gặp Nguyệt Lão, phần để trả nợ thua cược nhưng phần quan trọng chính là xem ngày để… hỏi cưới Oanh Thục về.
Bởi Điệp Mộng Tửu đã bị Mạnh Hạ uống, vua cáo đành mang một vò rượu khác có giá trị tương đương đến trao Nguyệt Lão. Lão thần lương duyên cũng chẳng quan tâm vò rượu quý lắm mà chỉ tập trung bấm đốt tay, nhìn thời vận, đoán tương lai. Sau hồi lâu xem xét cẩn thận, Nguyệt Lão ngậm ngùi nói một lời.
– Mạnh Hạ công và hoàng nữ Oanh Thục đã đến thời điểm hòa duyên, trong năm nay ngày nào cũng thành hôn được nhưng sẽ chẳng suôn sẻ gì. E rằng ngài sắp chịu thêm phen mất mặt rồi.
Lần này Hồ Vương không phản đối quẻ của Nguyệt Lão nữa, chỉ thở dài ngao ngán và hướng mắt sầu muộn về xa xăm.
Đương nhiên lão thần lương duyên lại bói đúng, dẫu nay gạo đã nấu thành cơm cũng không đồng nghĩa Mạnh Hạ sẽ rước được tân nương trong ngày một ngày hai. Với nữ nhân cứng cỏi như Oanh Thục, dẫu thất thân cũng quyết không cam chịu, mất tiết hạnh cũng chẳng dễ dàng hạ thấp giá trị bản thân thành thứ mạt hạng ai muốn rước cũng được. Khác những người con gái yếu đuối vì hai chữ trinh tiết mà cuống quýt thành hôn, nàng không muốn hạ giá về nhà kẻ đã làm ô uế thân thể mình, nàng căm thù lũ đàn ông chà đạp lên tiết hạnh nữ nhi…
*
* *
Năm Oanh Thục mới hai vạn tuổi, nơi vùng biên ải Hầu tộc đầy gió cát, có tên tộc trưởng thuộc tộc tà thần hắc điểu dùng những tòa thành biên ải uy hiếp hoàng cô nàng. Dù còn nhỏ tuổi, nữ hầu tiên vẫn hiểu ác điểu muốn gì từ cô mình… Khi ấy hoàng cô cắn môi đến bật máu rồi gật đầu, hắc điểu liền cười ha hả đầy man rợ và vác người vào lều. Thời ấy Oanh Thục chỉ là một đứa bé, nào biết làm gì ngoài chạy theo và gào thét gọi tên hoàng cô, nhưng bao nhiêu đó thì có ích chi, lũ ác điểu chỉ với một tay cũng dễ dàng tóm được khỉ con. Lúc bị lôi đi, hoàng nữ nhỏ vẫn cố vùng thoát trong vô vọng, tay cào nền đất tứa máu, miệng la thét thất thanh rằng quái điểu không được hại hoàng cô. Dẫu biết tiếng thét chẳng mảy may lay động được ai mà Oanh Thục vẫn gào đến khản cổ, chống đối yếu ớt giữa bầy ác điểu tàn bạo. Cuối cùng khỉ con vùng vẫy thế nào mà bàn tay đã cào xước mặt một tà thần. Thấy bản thân bị chảy máu bởi đứa bé con, tên ấy liền điên tiết bẽ gãy cả bàn tay hoàng nữ nhỏ. Cũng chính vì lý do đó mà ngón trỏ của Oanh Thục bị khiếm khuyết đến suốt đời.
Nhưng nỗi đau thể xác có đáng chi khi so với ám ảnh tinh thần. Lúc bị ác điểu bắt đi, lướt ngang qua cửa lều đung đưa, Oanh Thục đã thấy tộc trưởng tà thần làm gì hoàng cô. Và nước mắt khỉ con cứ thế trào ra, ướt đầm gương mặt đáng yêu, miệng nghẹn ngào gọi tên cô mình, nhưng tiếng kêu nghẹn lại nơi cổ họng đắng nghét, chẳng thoát nổi thành lời.
Suốt thời gian bị giam cầm, Oanh Thục đã nghe rất nhiều điều từ miệng lũ ác điểu, chúng nói đầy lời khả ố về hoàng cô nàng, xuýt xoa với những khát khao dơ bẩn, cất giọng cười kinh tởm cùng các câu nói tanh tưởi mùi dâm dục. Lời đám tà thần văng vẳng bên tai, hình ảnh kinh hoàng đằng sau cửa lều… mọi thứ khiến khỉ con mấy ngày liền đều gặp ác mộng, mơ thấy những điều đáng sợ ập đến với hoàng cô và với cả chính mình. Nàng chìm trong ác mộng đến độ tưởng không còn phân biệt nổi đâu là thực, đâu là mơ, thậm chí đôi lúc ngỡ bản thân đã kẹt trong ác mộng vĩnh hằng.
Đến khi được cứu thoát Oanh Thục mới dần hồi phục, nhưng hoàng cô nàng lại không như thế. Từ lúc về doanh trại, hoàng cô không cho bất kỳ kẻ nào vào thăm, ngay cả những bát thuốc cũng đặt ngoài cửa để trưởng công chúa tự lấy chứ chẳng ai được phép đặt nửa bước chân vào lều.
Những ngày ấy, khỉ con ngồi bên ngoài vách lều mà vẫn biết tất cả, biết khi nghe tiếng khóc tức tưởi giữa đêm đen vô tận, khi nhìn bóng cô gục đầu bên ánh sáng leo lét. Dù sau đấy trưởng công chúa đã lại quay về cuộc sống bình thường tại biên ải, nhưng nhìn cặp mắt đỏ hoe, thâm quầng, Oanh Thục thừa hiểu cô mình còn buồn lắm.
Vì vậy, việc bị nhục mạ, chiếm đoạt thân thể đã thành vết hằn quá sâu trong ký ức khỉ nhỏ ngây thơ, gợi về bảy ngày ám ảnh giữa lớp lớp tà thần bỉ ổi, vô luân.
*
* *
Giờ trưởng thành rồi, Oanh Thục lại lần nữa bị ác mộng dày vò. Vẫn bị chiếm đoạt, vẫn thất thân, nhưng lần này với chính nàng. Nàng bao lần gào thét tự hỏi tại sao hai đời tướng quân trấn biên ải Hầu tộc đều phải trải qua nỗi nhục này, thân dũng tướng bảo vệ huyết mạch giang sơn vì sao ngay cả thân thể còn không bảo vệ được. Hơn trăm lần hoàng nữ gạt lệ ấm ức lúc ký ức đêm ấy hiện về, rõ ràng đã nói lời yêu Mạnh Hạ rồi mà, hiểu lầm ngày xưa cũng được tháo bỏ, chỉ cần chờ một thời gian ngắn nàng sẽ tự nguyện trao hết tấm chân tình, cớ chi hắn cứ phải nóng vội để rồi gây thêm tội nghiệt.
Mỗi khi nghĩ tới việc bị người yêu thương nhất làm nhục, Oanh Thục lại ôm mặt khóc. Còn tệ hơn cả trưởng công chúa ngày xưa, nữ hầu tiên chẳng những không cho ai vào thăm khám mà đến hé cửa ra lấy thuốc cũng chẳng dám.
Cũng bởi không uống thuốc cho nên vào một ngày…