1. Giữa dòng.
Bốn con người dắt díu nhau chạy trong đêm tối. Tỏa cứ ngờ ngợ rằng có ai đó đang đuổi theo bọn họ ở phía sau, cái chết đang cận kề ngay sát nút, sẽ chắn nhanh con dao nó vào cổ bọn họ, vậy nên cô cứ cắm đầu chạy một mạch theo chân sư bác và Lập. Lúc đó, Tỏa không nghĩ được gì nhiều, đến khi nhận ra thì cả đám người đã đến cạnh khúc sông Báng.
Trên những biền bãi, đầy những lau và sậy trổ mau hàng, vùng sa bồi mọc tua tủa đủ thứ cờ lau. Gió lạnh thổi tới quãng sông vắng, những bông cờ nghiêng ngả, có cây đổ rạp xuống, chao chao dáng như những cánh tay vẫy gọi, tuồn ra một thứ tà ma đầy ám khí. Cô Tỏa nhìn mặt sông dát bạc ánh trăng, lờ đờ, đen kịt và hung dữ ngấm ngầm. Khúc sông chảy qua làng Báng rộng đến mức không thấy bến bờ bên kia, như thể không có bên kia, như thể nếu nhảy xuống thì cô sẽ trôi mãi đến lúc chết đi trong dòng thủy.
“Chúng ta chọn quãng sông lớn nhất, sâu nhất mà bơi qua, như vậy mới thực an toàn.” Sư bác Độ Trí nói nhanh, cái tông giọng bị ém lại trong màn đêm nên nhỏ thé như muốn chìm hẳn vào tiếng gió rít rào. Lính dõng lùn sục ban đêm luôn, bọn chúng có lúc dẫn một tiểu đội gần chục người đi dọc triền đê để kiểm tra có dân cách mạng nào lần lũi trong đêm tối hay không, thường thì ở những khúc sông rộng sẽ ít được chúng chú ý đến nhất, đây là nơi thuận lợi để họ trốn đi tuy cũng là một lựa chọn rất nguy hiểm vì độ hung tàn của dòng nước nơi này.
Toả thoáng lần chần, cô biết lúc này mình không được phép lần lữa, nhưng khi nhìn xuống mặt sông tối om như mực Tàu thì cô lại không có can đảm để bước xuống. Ba người đàn ông bên cạnh cô đã chuẩn bị xong cả, trăng hôm nay sáng trưng nên họ có thể quan sát lẫn nhau. Song le, không ai để ý đến sự sợ hãi đang cồn cào trong lòng Toả. Cậu Lập và sư bác mang về hai cái thân chuối lớn, quăng xuống mặt sông đánh một tiếng bõm. Thân chuối nổi dập dềnh trên sông, sóng nhấp nhô khuếch bóng trăng vỡ tan nát. Rồi hai người họ nhảy ùm xuống nước, tức thì, cả hai cơ thể cởi trần lực lưỡng chìm sâu xuống rồi mới ngoi lên, mỗi người bám lấy một thân chuối và vẫy gọi hai kẻ còn trên bờ.
Rất mau lẹ, anh Thiện cũng nhảy xuống theo. Hai anh em Toả là con của phường đánh dậm, tất nhiên là không sợ nước, mà nói cho đúng thì trong nhà cô, từ nhỏ ai cũng đã bơi giỏi như kình. Nhưng bây giờ khi đứng trước một con sông vĩ đại, Toả lại lươn khươn như lần đầu nhìn thấy mẹ thuỷ. Cô bước lên trước, chân giẫm bùn non dinh dính, dòng nước lạnh như băng đá, Toả chực rùng mình rút chân nhưng rồi cũng phải cố chịu. Cả người Tỏa dần chìm xuống dòng sông Báng, làn nước lạnh lẽo bao lấy cô. Cả người Toả run bần bật, cô cố gồng lên để thoát khỏi luồng run rẩy nhưng càng cố nín nhịn thì bả vai cô càng co giật liên hồi.
Cái lạnh tràn ngập, thấm vào tâm can, vào tim, vào phổi, xương tuỷ Toả như đông đá, như thể không phải cái lạnh từ bên ngoài đang xâm nhập vào cô mà tự trong người cô mới là nguồn cơn của sự lạnh lẽo này vậy. Cô lạnh như người chết.
Lóp ngóp cái đầu trên mặt sông, sóng đánh vào mặt Toả từng cú rát lạnh, cả người cô bỗng bập bềnh trôi, lồng ngực như bị thít chặt vì áp lực của việc phải ngâm mình trong nước. Cô quàng lấy thân chuối ướt nhẹp, cơ thể vẫn chưa hết run rẩy. Trong lúc đó, một tấm vải từ đâu phủ nhanh lên bả vai Toả, cô quay qua thấy Lập đang vừa bơi vừa đẩy bè chuối của hai người họ ra xa bờ. Nhìn lại cái áo trên người mình, đúng là áo của Lập, cậu ấy vừa choàng áo của mình lên người cô. Cậu chàng lẳng lặng không nói, chỉ cố sức bơi.
Con sông chảy qua làng Báng là một trong những phân lưu lớn của sông Hồng. Sông mang phù sa đến cho xóm làng, nuôi lớn con người đất Việt tự bao đời nay như một người mẹ. Toả trầm mình dưới sông không khác gì sà vào vòng tay của mẹ, nhưng cái ôm ghì lấy cơ thể cô bây giờ là một cái ôm lạnh lẽo và đầy thách thức. Như một loại thử thách mà một người lớn đặt ra bắt đứa trẻ phải vượt qua để lớn khôn hơn nữa.
Anh Thiện đi cùng với sư bác phía trước, Lập và Toả theo phía sau, họ cứ vậy bơi mãi mà không thấy bến đỗ nào. Toả sợ hãi nhìn xung quanh mình, tiếng đạp nước bì bõm của họ khuấy động không gian tĩnh mịch. Bao nhiêu là thênh thang, trời và nước mông mênh một nỗi niềm, ai cũng im lặng giữ sức nên đêm tối xung quanh bặt đi không có lấy chút tiếng người, Toả thấy mình lênh đênh giữa cơn sóng nước, vô định và bải hoải. Cuộc đời này của cô cứ trôi dạt vô phương vô lối như thế này mãi sao? Lúc trước là sự trôi dạt trong tâm thức, bây giờ cô mới thực là trôi dạt giữa dòng nước. Thân chuối nánh, cảm giác cứ như nó sẽ lật bất cứ lúc nào, Toả cơ hồ cảm thấy buồn bã, cô nhớ đến chị Thạo, không biết lúc nhảy sông tự tử thì chị có cảm thấy sợ hãi như Toả lúc này không. Cô cố sức bơi và dùng sức đẩy phụ cậu Lập, trong đầu vẫn không dứt khỏi những suy nghĩ đáng sợ.
Bỗng từ đâu túa ra một đám người chạy rầm rập trên triền đê. Tiếng nện ầm ầm như trống dội vang đêm tịch mịch, rồi vài tiếng Tây tiếng ta bát nháo xăm xăm hướng về phía bọn họ. Cả đám người cuống quýt hết cả, Tỏa thì run cầm cập, vì lạnh và vì hãi hùng.
“Có người đến, lặn xuống nhanh.” Sư bác quát thé ra sau. Lập ôm lấy Tỏa, hai người hụp đầu nhanh xuống nước. Sông lại lặn như tờ.
“Hình như có đứa nào trốn dưới sông kìa.” Bóng đen gọi ngoắc đồng đội, chúng gài đạn vào, họng súng lăm lăm xuống mặt sông. Bọn lính bảo hoàng, lính Tây, lính người Công giáo rẽ mấy bụi sim, mua đi xuống. Ngay dưới họng súng của bọn chúng, cả đám người đang bóp mũi bóp miệng chìm trong nước.
Họng súng ria vội quanh quanh, khi có tiếng cá đớp nước là lại có tràn súng máy tạt qua. Tỏa cảm nhận được những viên đạn sượt xuyên qua người, không biết có trúng cô không vì lúc này, dẫu có đau đớn, cô cũng không thể cảm thấy được. Đạn tỉa xuống sông, đa phần đều lệch chỗ họ đang nấp, nhưng nếu chúng cứ ở trên đó thì chỉ cần một chốc là họ cũng sẽ ngợp thở chịu không được mà trồi lên thôi. Tỏa cầu cho chúng mau chóng rời đi, nhưng tiếng xí xô xí xào vẫn không dứt.
Tại sao đêm nay Tây lại đi lùn? Tại sao chúng lại lùn đến chỗ này? Tại sao lại xúi quẩy như thế? Bọt khí từ ai len lỏi nổi lên rồi vỡ tan trên mặt nước, đảm bảo một điều dưới dòng sông có một sinh vật đang ẩn nấp. Tràn súng vừa rồi chẳng biết đã trúng ai, hay trúng con gì.
“Gấu Đen gọi Chim Ưng! Gấu Đen gọi Chim Ưng!” Lại có tiếng một tên quát vào bộ đàm, nghe ngắc ngứ như người không sõi được tiếng Việt.
Toả bị ngạt nước, cố không đánh động nhưng nước đã bắt đầu tràn vào mũi, vào miệng cô. Nước vào phổi, bỏng rát như đang hòa vào máu thịt trong người. Rát chúa chát. Vậy mà dường như nhờ có đêm tối bao bọc họ, mấy tên ở trên không cảm thấy được gì, chúng chỉ bắn mấy viên đạn vội vàng như gieo bừa xuống mặt sông.
Một khắc trôi qua như một đời người, dài đằng đẵng, trong đám họ có kẻ đã sắp hết hơi nhưng bọn lính trên bờ vẫn chưa rút. Giữa lúc đấy, Thiện gần như không chịu nỗi, anh sắp vùng ngóp lên. Nhưng chẳng hiểu sao khi sư bác ghì cả người anh lại thì anh im lìm ngay. Hay anh ngất đi rồi, hay anh chịu không được nữa, hay anh đang nhập thiền dưới nước? Tỏa niệm hồng danh chư Phật, Tỏa cầu sự cứu độ của Bồ tát Quán Thế Âm. Tất cả bọn họ đều chờ đợi một điều gì đó.
Thốt nhiên, từ phía xa lại có một con thuyền lớn đậu ở mom sông bật đèn, khiến cả đám lính dõng quay ngoắt về phía đấy.
“Cái của thuyền thợ ai vậy mày?” Một tên trong đám lính thúc đứa bên cạnh.
“Hình như là thuyền buôn của chú Hậu, rõ khổ thằng cha đó… Y nhậu luôn, đêm về là y xách bình rượu ra ngồi nhậu đấy.” Tên khác trả lời.
“Lại xét một lượt không?”
“Thôi nhiễu sự. Cu Hậu thì quá rõ trong cái làng này rồi, rượu lạ rượu trứ danh trong đồn mình là hắn đem cho chứ đâu. Nhờ đút lót nên mới được quấy quả cho đi thuyền ban đêm, giờ làm khó y lại ra bất tín quá… À thôi cứ đến, thuyền y vừa từ Nam Định về, có khi lại nhập mồi ngon.”
Vậy là cả đám lính mau mắn chạy đến cái thuyền buôn đó thật. Tỏa và mọi người lúc này mới ngoi lên, hít lấy hít để sinh khí, rồi luồn trốn trong đám cờ lau chờ đợi thời cơ lỉnh đi. Đám lính vây lấy thuyền, nói gì đó với ông chủ đang say khướt khượt, một lát sau thì lại đi rầm rập đến chỗ khác. Tim Tỏa chộn rộn. Vậy là họ thoát được rồi đấy, ơn trời họ thoát được rồi! Nào hay có người lại cứu họ từ cõi chết. Đến khi Lập kéo tay cô thì cô mới bừng tỉnh mà vội bám lấy thân chuối bơi đi tiếp, tim cô như muốn nhảy khỏi lồng ngực, mũi thì rát bỏng, đỏ tái đi vì sặc phải kha khá nước sông. Nhìn thấy sư bác là anh mình vẫn bơi phía trước, cậu Lập thì luôn ở bên cạnh cô, khi đấy Tỏa mới biết tất cả đều đã vượt qua được lần này.
Tiếp tục bơi đi trong đêm tối, họ lại an toàn để tháo chạy, vận động và lo âu đã khiến họ không còn cảm nhận được cái lạnh của nước sông nữa. Phía xa, người lái thuyền buôn say xỉn nhấp rượu hát dưới ánh trăng, giọng hát bay lảo đảo lên không trung:
“Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;
Linh lung bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh…” (*)
…
Lên đến bờ, Toả khuỵu ngay gối xuống, thở hồng hộc. Trời đêm sắp sáng, có tiếng gà gáy eo óc xa xa, khung cảnh lờ mờ, tù mù của đêm tối trước bình minh làm Toả thấy sợ hãi. Gió lạnh lướt qua da thịt cô, cô điếng cả người, điêng điếng vì cái lạnh bỗng tạt mạnh vào thân hình ướt sũng nước của mình. Toả để luôn áo trên người mà vắt, đầu tóc cô rũ rượi đầy những nước, nhỏ tí tách và chóng khô đi vì gió.
Nhìn qua bên cạnh, Toả giật nảy lên, vô thức lùi ra sau khi thấy một cái bóng đen đặc kỳ dị đang đứng sờ sờ bên cạnh mình. Cô không hét, nhưng nỗi sợ bị bắt vẫn trỗi dậy qua đáy mắt. Đến khi định thần lại, Toả mới nhận ra đó là một tảng đá có hình con ngựa, đầu nó hướng về phía dòng sông, như thể một con vật đang canh giữ miền sông nước nơi này vậy.
“Ông Mã đấy, đừng sợ! Dân ở đây kể cho tôi biết có năm một thuyền lớn đi ngang khúc sông này thì bỗng nhiên bị lật úp, chết hết cả tá mạng người…” Lập trấn an Toả, nhưng chỉ nói được nửa câu thì cậu đã nhăn nhó vì đau đớn, khuôn mặt đầy máu vặn vẹo đi, như một tấm giẻ vừa bị vắt khô nước đang co rúm lại, “Nên… mới đặt Ông ở đây để trị thuỷ… Mà Ông linh thật đấy!”
“Anh bị làm sao thế này?” Toả nhăn mặt nhìn vẻ khổ sở của người thanh niên. Rồi cô lại nhớ khi nãy chính Lập là người đã ôm lấy cô dưới nước, có khi nào vì che cho cô mà anh ấy bị bắn trúng hay không. Chắc mẩm, bọn đấy bắn luôn tuồng mấy phát như mưa, không thể có chuyện không trúng được.
Toả hầm hập kéo vai Lập xoay ra sau, trên lưng cậu hiện lên hai vết lõm đỏ lòm, sâu hoắm và rách toát mấy miếng thịt, trông thật kinh khủng. Hỡi ôi cậu là người hay là thú, bị đạn bắn trúng mà vẫn cố sức bơi qua sông cả đêm, Tỏa có biết đâu, Toả lo thân Toả chứ nào có nhận ra mấy vết đạn đang ghim đầy máu trên lưng và vai người bên cạnh. Đến được đây thì hẳn cậu ta cũng đã cố hết sức bình sinh của mình rồi.
“Tôi không sau, ở khu cách mạng có quân y… giỏi đáo để…”
Nhìn Lập cố gượng cười với mình, Toả bật khóc nức nở, trách sao anh lại cố chịu như vậy. Lúc này sư bác và anh Thiện cũng đến, nom hai người mệt lử và bã bời không còn tí sức nào, họ lại vội vội vàng vàng dắt nhau chạy đi.
2. Cậu Bộc và vãi Na.
Những ngày đầu đến chùa, đêm nào Bộc cũng khóc. Đấy, một đứa cứng đầu cứng cổ như cậu cũng khóc kinh hồn lắm. Cậu điên tiết với hai thân sinh của mình. Bộc xui xẻo sinh ra trong một gia đình trọng lễ, mà cậu thì cứ nhong nhỏng, đấy là khi ngoài đường. Còn trong nhà, cậu ăn ở bừa phứa ra đầy chỗ đầy nơi, cái miệng ai hỏi tới cũng bỏm bẻm như nhái bén thèm ruồi, nhân nháo mà chỏng lỏn lắm.
Có lần cha Bộc phải nài nỉ cậu đi học, ông van lơn, chừng như vái lạy con mình: “Nhà này bao đời đều là bậc lương đống, mày có con mắt cái bụng thì cũng phải nhìn ra mày đã phá danh tiết của cái nhà này đến mức nào. Tao đây thất thời phải thành phường con buôn, nhưng trong nhà ngoài ngõ vẫn cố giữ cái phong tao, còn mày mới thật là muốn đi theo dân luồn dân lỏi học thói hư của chúng nó về đốt sách cha ông phỏng. Mày mà còn không biết ăn năn thì tao tống mày vào chùa, bu mày cũng đừng hòng nói giúp được câu nào.”
Ông cụ quặp râu, sợ vợ như sợ bà Chúa, tất nhiên ông phải hỏi qua ý vợ rồi mới dám đi đến quyết định như vậy. Bộc biết thừa chứ, nhưng cậu làm ngơ, không đếm xỉa gì dù chỉ một câu với ông cụ. Ông thì hiểu gì, phải, ông thì hiểu gì cái suy nghĩ của những thanh niên thời đại mới như Bộc. Cậu nghĩ vậy đấy, thanh niên thời đại mới, nghe mới oai làm sao.
Để rồi họ tống cậu vào chùa thật, bảo rằng học kinh kệ sám hối với sư cụ, đuổi được hết chướng khí trong người thì mới có cơ hội quay về. Kỳ trung là muốn đuổi cậu để giữ gìn cái sỉ của mình đấy. Mà mới đó thoi đưa, Bộc ở với sư cụ được mười năm nay, giờ có ai bảo cậu về, quỳ rạp xuống xin cậu cũng chưa chắc cậu muốn về.
Ban đầu Bộc vào chùa chủ yếu chỉ đi quanh quẩn chứ không làm gì nhiều, có khi lại cùng sư bác đi làm công đức. Chùa không lắm tiền nhưng lại rất hào phóng, lễ lạc đều có phát gạo cho dân. Đất của chùa rộng mà chẳng có ai làm, nên lại lấy đó cho người nghèo khổ cấy rẻ, nhờ thế mà chùa được tiếng là từ bi, cũng là nơi được coi trọng trong làng. Nhưng nhiêu đó hoạt động thì vẫn chưa làm cho Bộc đủ thỏa mãn thú vui trẻ con nghịch ngợm của mình. Con mèo con chó bị xích lại cũng ủ rũ chứ nói chi đến con người ta, nên những đứa trẻ mục đồng nô đùa bên ngoài tường bao chính là thứ trêu ngươi cậu nhất. Đã mấy lần cậu trốn đi nhưng cuối cùng lại bị sư cụ bắt quả tang.
Cảm thấy từng tất đất trong ngôi chùa như thể là một phần da thịt của vị sư mù đấy, Bộc làm gì trên mảnh đất này cũng đều bị phát hiện ra tất thảy, dần dà cậu cũng bỏ cuộc đi, không dám tìm cách trốn ra bên ngoài chơi nữa. Bộc không muốn phiền đến sư trong chùa, cũng thấy người ta tu thiền năng quá nên mình quấy phá cũng không phải cho lắm. Tự vấn lại mình, Bộc cũng thấy mình kỳ cục, sao giờ cậu biết nghĩ hơn lúc trước lắm, chắc do sư trong chùa này có gì đó khiến cậu thấy thương, ông sư già sống một mình với một đồ đệ nhìn sao cũng thấy tội tội thế nào. Nhưng lúc đó cậu vẫn chưa biết đến hai chữ từ bi của nhà Phật là gì đâu, mãi đến sau này cậu mới quan tâm đến nó.
Đỉnh điểm là khi vãi Na vào chùa xin được thí pháp, Bộc mới thật sự hiểu và ngẫm đến những lời Phật dạy, cậu càng có quyết tâm sẽ theo sư cụ học tập. Khi đó Bộc đã ở trong chùa hơn một năm, cậu không hiểu sao một người đàn bà lại muốn nương nhờ bóng từ bi, trong khi chính cậu đây muốn thoát khỏi nơi này còn không được. Là do vết sẹo dị hợm trên mặt bà khiến cho bà không muốn gặp ai, hay là còn do chuyện gì khác? Thật ra…
…
Dạo trước, nghĩa là hồi trước cách mạng lâu lắm, có một người đàn bà làng khác ôm con chạy đến làng Báng. Người đàn bà tên Na, bấy giờ, người Na gầy rạc như chân cò, má cô tóp vào, còn cái răng thì đen nhưng nhức. Mà chẳng hiểu sao, ai cũng bảo phúc trạch nhà cô dạo đó to mấy đời, Na được ông thân sinh của bá Cam cho tá túc, rồi hào phóng nhận về làm kẻ ăn người ở cho gia môn ông. Lúc đó nhà cụ bá giàu nức tiếng, nuôi một hai người hầu để chăm việc cũng không phát sinh chuyện dị nghị nào. Na mang ơn nhà cụ bá lắm, cô dọn vào rồi làm công, làm đồng cho nhà cụ luôn mà không cần suy nghĩ, nghĩ gì lúc đó, có cái ăn là được, có sữa nuôi con là được, cô không quan tâm nữa.
Mãi đến sau này Na mới biết, người ta chăn nghé chăn bê cũng là chờ đến cái ngày được giết thịt đấy. Ông thân sinh của bá Cam, bấy giờ đương chức lý trưởng, cùng đám tay chân của ông trong làng đã định giá đứa con Na bế trên tay đâu ra đấy cả.
Đứa con này khi còn nhỏ thì vêu vao, nhìn có hơi ái ngại một chút. Từ lúc sinh ra đến khi gặp cơn gia biến, lưu lạc đến làng thì đứa trẻ không có tên, khi vào nhà cụ bá rồi mới được ông lớn đặt cho một cái tên, còn tíu tít khen lấy khen để như có điều gì làm ông lão khoái chá lắm:
“Gọi con bé là Trâm đi. Ái chà cái Trâm, tên ngọc tên ngà, đẹp thế chứ lị.”
Ông cụ hom hem vuốt chòm râu, trỏ vào con gái của Na lúc này đương tuổi còn be bé, chắc tầm lên năm gì đấy. Trước giờ người mẹ toàn quen gọi con là cái đĩ, giờ thấy con mình được ông to bà lớn đề cho cái tên nở mày nở mặt như vậy, Na mừng khôn xiết, khi đó Na mừng với một tâm thế của người chịu ơn, Na mừng mà không dấy lên dù một chút nghi hoặc nào. Song, từ đó trở đi cô lại ngờ ngợ, cô nhắc cái Trâm của mình đừng đến gần ông cụ lớn quá, cũng đừng đến gần cả con ông cụ, là cậu Cam đấy. Rồi Na xé áo con để đắp vá lên, may áo cho rộng thùng thình, ống quần quết đất soàn soạt. Hình như cô nhận ra điều gì, một điều gì tai ương lắm mà cô không thể nào tìm cách trốn tránh được.
Càng lớn, Trâm càng đẹp, và hẳn là nhờ giống tính mẹ cô nên cái Trâm nhũn nhặn mà cư xử thuận thảo lắm, ai trong nhà cụ bá cũng quý. Lúc này cụ lớn lại muốn nhận cái Trâm làm con nuôi, phúc tám đời nhà Trâm, được cụ nhận làm con nuôi là sướng cái thân thị lắm, dòng thị sau này có thể ngẩng mặt lên mà nhìn đời. Na nghe ý cụ lớn vậy nửa mừng nửa lo, cô thấy mình chịu ơn cái gia môn này nhiều quá, đến bao giờ mới trả cho hết, cô lần chần không dám gật đầu. Khi đấy cụ lớn còn nói với Na:
“Tôi quý con bé được việc, mà còn tội cho mẹ con chị neo chiếc, dù mang tiếng là người trong nha trong phủ vậy, chứ hai mẹ con nương tựa vào nhau chẳng chóng thì chầy cũng gãy rụng chứ lị. Mai này chị gãy rụng thì sao? Ai nuôi con bé? Con bé hiếu thảo chăm làm, trở thành con nuôi của tôi cũng tốt chứ lị.”
Một tiếng “chứ lị” mà hai tiếng cũng “chứ lị”. Nghe những lời tâm sự đó Na hơi xiêu xiêu, rồi chừng như đi đến quyết định đồng ý. Na bán con mình mà cô đâu hay, đấy là cô đang bán con mình đấy, bán tuốt tuột đi.
Một đêm nọ trời tối như hũ nút, tối không thấy đường đi vậy mà cái Trâm mãi vẫn chưa thấy đâu. Na lúc này đâm lo, cô chong đèn đợi con sau nhà bếp dành cho người ở, mãi đến nửa đêm mới thấy cái Trâm con cô khật khưỡng đi về. Trông cái Trâm như người vừa từ mương nước trồi lên, hết đầu đến chân thị ướt sũng mồ hôi, quần áo xộc xệch mà mặt thị thì xám xịt, vô hồn như chỏng chết. Cô hốt hoảng gặng hỏi con chuyện gì, nhưng cái Trâm lại hóa người câm điếc, làm như không nghe thấy tiếng mẹ gọi mình, thị cứ đi như một hình nhân không cảm xúc ra phía sau nhà. Không khác gì thị bị ma dẫn đường vậy, Na sợ, không lẽ con gái mình dính duyên âm ở đâu. Cô mới đi trốn theo dõi con cô mấy hôm, cuối cùng cũng phát hiện ra, là duyên âm thật đấy, nhưng là “cô hồn sống”, sống nhăn răng.
Phía sau vườn chuối, cái Trâm đang gánh nước thì hốt nhiên một cái bóng từ đâu nhào đến ôm lấy thị. Cái bóng già cả ốm yếu như sậy mà sao Trâm không dám vùng ra thoát khỏi cái ôm bất ngờ đó. Mà nay, thị cứng cả người lại, hai tay thị run rẩy làm rớt đôi quang gánh đánh ầm ầm xuống đất. Nước đổ đầy chân. Thị biết người vừa ôm thị là ai, thị không dám vùng, cả đời thị đến ngày hôm nay chưa bao giờ dám vùng để thoát khỏi cái thân phận của thị.
“Cụ tha cho con cụ ơi… Con sợ lắm cụ ơi…” Tiếng cái Trâm van lạy, khóc ròng rã, giọng nức nở, sợ hãi như một con chim nhỏ bị giam vào lồng cũi.
“Nào, cụ thương con… Cụ thương con nhiều lắm chứ lị… Con ngoan của cụ lắm chứ lị.” Bàn tay lão già sờ mó. Bóp ngực thị, bóp cho mạnh vào, xong ông lại thả lỏng tay ra. Rồi ông nắn. Rồi ông giày. Rồi ông vò. Ông giày vò cuộc đời con gái nhà người ta.
Na trợn trừng mắt nhìn con mình bị sàm sỡ, bị hãm hiếp bởi chính cha nuôi nó. Nhận một đứa con gái làm con nuôi rồi hiếp con nuôi mình, cái tên cường hào ác bá đó, cái tên ăn trên ngồi trốc đó. Chính quyền phong kiến đến nước suy tàn, khi mà những người dân còn thấp cổ bé họng như Na chỉ có thể trách chính mình, và trách một cái điều thần bí gì đó đã gây nên chuyện này.
Hai cẳng chân run lẩy bẩy, Na ngồi sụp xuống đất, cô bò rồi cô trườn đến. Con gái cô khóc, sao cái Trâm khóc như một đứa con nít vậy nhỉ? Thị khóc rống lên, thị thút tha thút thít, thị dùng hết hơi trong phổi mình mà khóc, mà gào. Đêm nay vắng trăng và thưa sao, tối mù mù nhưng sao mắt Na lại nhìn rõ hết mọi thứ như thế. Rồi lại có thêm một người nữa đến, là thằng Cam con ông cụ. Hai cha con tụi nó muốn làm gì con cô, mà chúng đã từng làm gì trước đây chưa, và giả như nếu có sau này chúng còn muốn làm gì nữa?
Na chạy xăm xăm trong đêm tối, tay cô vơ ra trước rồi cào cấu vào không khí lạnh từ dưới sông thổi lại. Cô lồng lên như một con thú dữ. Cô hét như một mụ đàn bà điên. Cái đời nhục nhã này của Na, cái đời nhục nhã này của con gái Na, cô phải đến đòi ai tính sổ? Đẩy một người lăn kềnh ra đất xong, Na lại bị một tên khác to con đẩy ngược lại, cả cơ thể cô bị quăng vào đống rơm. Na đau rát, hình như có gì vừa cào trúng mặt cô, máu nhuộm đỏ mảnh đất toàn là rơm rạ. Cô mở mắt, một cái lưỡi cào rơm được vót nhọn hoắt chĩa ngay trước mắt cô, lưỡi cào kéo một đường dài rạch hết một bên má. Suýt nữa thì… Nhưng còn gì để mà suýt nữa…
Mắt cô vằn vệt đỏ, tiết khí trong người cô trào ra, gằm ghè nhìn hai cha con bọn thống lý, mặt Na đã hung tợn mà nay còn đầy những máu. Cô căm, cô hận. Rồi cô cất tiếng chửi, chửi đông đổng từng thằng. Tóc tai xồm xoàm, Na chực cầm cây cào lên thì đã bị một đám người túa đến bắt lại, ghìm người cô xuống, ép cô khuỵu gối. Nhưng Na không khóc, giờ đây cô căm hận đến mức không có gì phải khóc. Bọn chúng xem con gái cô là một món sành sứ có thể giao dịch để đổi lấy cái ăn hay sao, biết vậy năm đó cô thà chết.
Song le…
…
Chuyện người ta kể rằng, chỉ qua một đêm mà dân làng Báng dậy sóng. Vãi Na vào chùa tu, còn cái Trâm con bà thì lại đúng tội nghiệp. Bà cả với bà hai nhà ông lý trưởng máu ghen không thua gì Hoạn Thư, chị em trong nhà còn xưng xỉa nhau từng li thì nói làm gì đến một con hồ yêu dụ dỗ chồng rồi đến cả con các bà. Các bà cho lính đánh Trâm, lột đồ cô ra đi bêu rếu khắp làng. Mà tội, đánh đến chết rồi người ta mới biết một chuyện. Chuyện là Trâm có thai trong bụng. Nhưng đứa trẻ là con của ai mới được? Lạy Thổ Thần, ai mà biết đâu, cha con nhà thống lý ăn chung một mâm, biết cái thai trong bụng Trâm là của thằng cha hay của thằng con nhà đó!
Mấy tháng đầu đến chùa, Bộc cứ nghe vãi Na ngửa mặt lên trời rồi nói chuyện với ai đó, có khi là trên cây mà có khi là trên mái nhà, trên ba bốn tán cau. Bây giờ vãi Na nhìn có vẻ bình tâm tĩnh trí và ôn hòa vậy, mấy ai ngờ rằng bà đã từng sống như người mê. Suốt cả những tháng năm đầu đó, nhiều hôm liền Bộc cứ nghe văng vẳng tiếng bà vãi dòng than than thở thở, từ trong cái lều nhỏ vọng ra. Giọng bà không buồn, nhưng cay nghiệt lắm thay:
“Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình,
Ba hộ đồng tình bóp vú con tôi.”
—————————————————
Ghi chú:
(*) Trích bài “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI