1. Sư tổ.
Trở mình một lần cuối cùng trên cái chõng tre, Bộc hấp háy đôi mắt nặng trĩu nhìn ra khe cửa, rồi lại nhìn xuống khoảng trống không tối tăm bên cạnh. Đêm nay Bộc chỉ ngủ có một mình. Cậu biết trước là sẽ khó ngủ lắm, ấy thế mà chẳng ngờ rằng đến lúc này rồi mắt cậu vẫn còn thao láo. Hít nhẹ một hơi sương lạnh buốt cả mũi, cậu lại vén chăn phủ kín đầu, bật người ngồi trên chõng. Giường ngủ rộng thênh thang, bình thường cậu Bộc vẫn ngủ với sư bác, nhưng đêm qua sư bác đã dẫn anh Thiện và cô Tỏa đi rồi, không biết giờ họ đã trốn chạy được đến đâu, có gặp bất trắc gì không. Không có sư bác Độ Trí, Bộc cảm thấy không an tâm để ngủ một giấc cho sâu thật sâu.
Con lông vàng hình như cũng thức, nó gầm gừ tiếng gì trong họng, nằm cuộn tròn ở dưới gầm. Con mèo mắt xanh như ngọc bích, to tròn và hiền khô. Từ lúc Bộc đến chùa Báng thì nó cũng đến, chỉ là không biết nó đến từ đâu, con mèo xuất hiện như thể nó chỉ xuất hiện vậy thôi, rồi cứ lẩn quẩn trong ngôi chùa vắng này, cũng chẳng hiểu là muốn tìm thứ gì. Con mèo già sụ, đã rụng lông đi nhiều và trở nên ít lanh chanh hẳn so với những ngày đầu, có lúc đang nằm trên đất, nó bất ngờ vươn người căng ra trông không khác gì cánh cung, có lúc lại chảy xệ, thõng thẹo như tấm áo khoác lông của mấy cô đầm Tây.
Hình như Bộc không ngủ nên con mèo cũng không ngủ. Cậu cúi người nâng nó lên, ôm trong lòng rồi dụi dụi. Con mèo lấy tay vuốt mắt, lau đi cục dử vàng khè, xong lại lim dim trong vòng tay Bộc. Cậu bỏ chân xuống giường, ôm con mèo bước ra ngoài. Trời còn tối mịt, trăng sao chưa tắt hết nhưng đã thoáng thấy được một chú gà trống choai cất người bay lên đống rơm. Cậu gà rướn cổ, rúc rúc mấy tiếng rồi cất giọng gáy, đám lông căng lên, cái cổ lại càng rướn cao hơn nữa.
Bộc với tay lên cái quang treo, lấy xuống vài mẩu trà phơi khô bỏ vào miệng. Bộc nhai rào rạo. Cậu tiểu đồng có một cái tật là mỗi khi buồn miệng là lại lén bỏ lá trà vào miệng ngậm, có khi là loại trà ướp từ hoa lài, có khi lại là trà tim sen. Cái vị đăng đắng, lờm lợm của mấy mẩu lá vụn lan ra trong miệng, lá trà giòn rụm bở ra, rồi mùi hương thảo mộc dần kích thích một cảm giác lạ lẫm nơi đầu lưỡi. Bộc thấy cũng hay hay. Vừa nhai lá trà, cậu vừa đi qua con đường lát gạch vụn, tiếng lốc cốc vang lên đuổi theo từng bước chân. Cậu đến bên giếng chùa.
Giếng của chùa lúc nào cũng đầy nước, lại ngọt như mật. Có mấy bận chùa cần tiếp những bậc cao tăng, trí giả hay những viên chức lớn trong làng thì sư cụ mới cho phép Tỏa sử dụng cái giếng này để pha trà, còn bình thường cô chỉ dùng cái giếng bên phía nhà tổ để rửa rau hay vo gạo, còn giặt giũ thì lại có cái ao bèo phía sau.
Bộc đang đi thì đột ngột chững lại, cậu thấy một thứ gì to lớn nằm lù lù một khối đen kịt ở gần cái giếng. Cái khổ người hùng tráng của nó nhấp nhô lên xuống, con vật đang ngủ ngon lành.
Lâu lắm rồi cậu mới thấy con tượng này đến chùa, không biết tại sao hôm nay nó lại nằm đây ngủ. Con vật không biết có cảm thấy lạnh không mà cứ thu người ngủ đến là say sưa, lúc nào nó cũng trông ngoan ngoãn như vậy. Người trong làng bảo loài voi mà có cái ngà cong tớn và vểnh thành vòng cung như con tượng này thì giống nó phải hung hăng lắm, thế mà từ lúc đến chùa tới nay Bộc lại thấy nó hiền khô.
Nghe bảo sư tổ ngày trước đã cảm hóa được nó. Lúc đầu tượng còn là một con vật hoang dã lại hay quấy phá, bao nhiêu vườn tược trong làng đều bị nó đến càn quét tan nát hết, người làng mấy lần muốn bẫy song con thú này lại tinh ranh đáo để, dùng mọi cách mà vẫn không làm con vật sập bẫy được. Để đến khi sư tổ về chùa, ông nghe người ta kể lại chuyện thì mới hay. Sư tổ nhìn ra con vật này có linh tính cao lắm, mà con vật một khi có linh tính thì nó lại gần với Phật tính hơn cả con người. Vì ở con vật chỉ có cái bản năng chứ không có bản ngã, mà càng vô ngã chừng nào thì càng đến gần giới không hơn chừng nấy. Tượng làm sư tổ suy nghĩ lung lắm, rồi đến cuối cùng ông mới hạ quyết tâm. Nghe bảo suốt ba tháng trời ông phải lên rừng sống, biệt tăm biệt tích đến mức người ta ngỡ đâu ông sư đã chết luôn trên đó rồi. Vậy mà cuối cùng khi cụ xuống núi, con tượng mà cả dân làng này thù địch lại ngoan ngoãn hiền lành đi phía sau ông như đã được thuần phục và dạy dỗ không khác gì một chú chó nhà. Dân làng Báng mừng lắm, hẳn sư của làng cũng phải là bậc cao tăng đấy chứ không phải tầm thường. Việc đó để lại một giai thoại kỳ lạ luôn được truyền miệng với nhau giữa những người trong làng, chưa từng ngớt lời kể lại, cho đến ngày sư tổ viên tịch rồi thì mới dần bị lãng quên đi.
Ngặt nỗi chuyện đời cũng tái ông thất mã, trừ một mối họa cho dân thì là đúng, song le cách làm này của sư tổ lại quá bất thường và không hợp với cái lẽ đời lắm. Từng có người nhìn thấy con voi bệ vệ mà hiền khô, suốt ngày không kêu cũng không gào, chỉ có cúi người lặng lẽ thì cũng chậc lưỡi, cảm thấy khó mà ưng được. Có lần một ông cả họ của làng Báng đến chùa nhìn thấy cũng không thể nhịn, phải ngao ngán bảo:
“Bạch cụ, trái khoáy quá! Sao sư cụ lại dạy cho con vật hai chữ từ bi, thà năm đó cứ để cho dân làng giết quách nó cho xong. Cứ là giết quách nó thì lại tốt! Chứ dạy cho nó từ bi, há chẳng khác gì là giết nó, khiến cho nó mất đi cái bản tính hoang dã của mình, biến nó từ một con vật có thể tự nuôi sống bản thân trở thành một cái loại chỉ còn nước ăn mày cửa Phật. Thử hỏi giờ đây ta trả nó lại cho rừng, thì nhắm bề tượng có sống được không? Tôi biết là sư cụ muốn tốt cho tượng, nhưng làm đến mức này thì lại thành ra hại nó rồi.”
Sư tổ lúc đấy nghe xong thì bần thần cả người, ông nhìn lão cả họ rồi lại nhìn con vật ngoài sân. Tách trà trên tay sư cụ run rẩy, dường như có điều gì đánh động ông đến mức làm cho ông phải thở dốc liên hồi. Bởi ông cụ không cách nào đối đáp lại những lời đó, nó đúng đến mức ông không thể có ý kiến gì hơn. Đành rằng việc các tăng nhân từ xưa đến nay hay ra tay thuần hóa những con thú dữ là không hiếm, thế nhưng đã có ai nghĩ được những điều như lão cả chưa?
Sư cụ Đạt Tịnh lúc này còn là một nhà sư trẻ, là học trò của sư tổ, mắt cụ vẫn còn sáng trưng và tinh nhạy, ông lấm lét nhìn thầy mình. Chưa bao giờ Đạt Tịnh trông thấy thầy bày ra những loại biểu cảm như thế, một loại biểu cảm mà các sư trụ trì lâu năm sẽ không bày ra, loại biểu cảm xuất phát từ một lòng tin đã bị sụp đổ ráo rọi.
Sư tổ cảm thấy miệng mình đắng chát như ăn phải bã trà. Đấy, tu hành là lánh xa thời thế, không màng đến trần tục. Nhưng cụ đâu có biết rằng những con người lam lũ mải miết, chân lấm tay bùn để kiếm cái ăn này, lại có một suy nghĩ thấu cảm và sáng như gương, vượt lên trên cả những giáo lý bình thường trong Kinh, sách. Sư tổ thấy mình còn phải học ở những con người trần tục nhiều lắm. Tại sao thứ họ dễ dàng nhìn ra như vậy mà đến bây giờ cụ mới có thể nhìn ra? Phải chăng đạo hạnh của cụ chưa đủ. Có thể vậy lắm, mà cũng có khi bởi vì Phật không chỉ nằm trong chùa chiền, không chỉ nằm trong sách vở, Phật còn nằm trong tâm hồn của những con người dân dã. Phật từ lâu đã đi vào lòng dân tộc mình, đã trở thành nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt bao đời nay. Khi con người sinh ra là đã được các bà, các mẹ dạy cho những bài đạo đức thấm nhuần triết lý nhà Phật, nào là thương người, nào là ngay thẳng thật thà, không lừa dối, không tham lam, tằng tịu, giữ một tấm lòng trong sạch. Những điều đó cũng là Phật đấy thôi, tu hành tại sao lại lánh đời trong khi Phật đã nằm trong đời sống nhân dân bao lâu nay? Ông hiểu rồi, và ông tiu nghỉu mặt vì nhận ra tại sao đến bây giờ mình mới hiểu. Tại sao đến bây giờ ông mới thấy được nhân dân quan trọng đến chừng nào?
Sau này, khi các cuộc khởi nghĩa của những ông Đề, ông Đốc,… nổ ra. Ban đầu thế bên ta còn mạnh, đánh như chẻ tre, nhưng về sau thì Pháp rút được kinh nghiệm nên các nghĩa quân nổi dậy liên tục bị đàn áp ráo riết, dần dần cũng mất hẳn đi. Bấy giờ, bọn Tây bắt được Đốc Linh, là một thủ lĩnh nhà nho vì không chịu được cái nhục mất nước mà đứng lên nổi dậy đấu tranh. Quân khởi nghĩa của Đốc Linh hoạt động suốt một dải từ Phú Thọ ra đến tận Thái Bình, sau nhiều lần làm Pháp khốn đốn thì cuối cùng ông Đốc Linh cũng bị vây bắt. Chẳng biết tụi Pháp tra thế nào đó mà ra được sư tổ chùa Báng có liên quan đến ông Đốc Linh. Chả là họ có máu mủ thật, sư tổ trước là con của vợ cả, Đốc Linh là con của vợ ba, hai người là anh em cùng cha khác mẹ. Vậy tính ra là ruột thịt gần lắm. Sư tổ từ nhỏ đã không có chí lớn như cậu em của mình, nên việc của Đốc Linh, cụ biết đấy nhưng không màng đến, cụ chỉ lo tu tập và lớn lên thì xuất gia theo cửa Phật mà thôi. Nhưng đến nay em trai của cụ bị bắt thì cụ không tránh được can liên. Tây quyết định bắt sư tổ vào tù, bảo là cần chấn chỉnh lại mầm mống tư tưởng mới được, chúng nghĩ hẳn là mầm mống khởi nghĩa phải sâu cay trong cái gia phả này lắm thì Đốc Linh mới đủ khả năng để tạo nên một thế đối đầu với chúng mạnh đến vậy, suy ra ai có dây mơ rễ má cũng đều mang tội. Nên có thời kỳ sư tổ bị tù đày đến ba năm, đấy là đã được người ta cầu xin lắm rồi, chứ không mức tù có thể cao hơn cũng đâu biết chừng.
Khi ở tù ra, ông sư làng đã già yếu hom hem nay lại càng gầy rộc hơn nữa, trông cụ lúc này chỉ còn có lớp da bên ngoài bọc lấy một ổ xương bên trong. Sư tổ trước lúc đi tu đã vái lạy hai cụ thân sinh của ông rằng, dù sao nhà này cũng còn em Linh của ông nối dõi, nên việc ông muốn vào chùa cũng không có gì là vướng bận. Sư tổ từng lấy lý do như thế nên bây giờ cụ mới thấy buồn. Đốc Linh mất, cụ thì đi tu, giống nòi nhà cụ đến đây đã đứt mạch rồi hay sao? Cụ hy vọng rằng em trai mình đã để lại giọt máu của dòng họ ở đâu đó, thế nhưng tất cả chỉ là một nỗi hão huyền nhằm để xoa dịu chút gì đó ở cụ chứ không thể thay đổi kết cục ngày hôm nay. Chỉ vài tháng sau khi ra tù thì sư tổ mất.
Có lẽ trong cả cuộc đời mình, việc khiến sư tổ hối hận nhất chính là đã cảm hóa cho tượng. Nỗi trăn trở suốt đời này, cho đến lúc viên tịch ông cũng không có cách nào tháo gỡ được. Trước lúc ra đi cụ đã dặn dò các đồ đệ của mình rất nhiều điều, nhưng điều quan trọng nhất mà cụ không muốn các đồ đệ quên đi chính là cách sống tu thiền nhưng không thoát ly. Tu là cả một quá trình, phải để cho nó chịu thử thách, mà phải là thật nhiều thử thách thì tuệ căn mới có thể trở nên vững vàng. Tu ở nhân dân, có thể ở giữa thời loạn mà tu tập, giữ chùa khỏi bước nguy nan mới là chánh đạo. Kinh Phật chỉ là dẫn ra hướng đi, việc của con người chính là tự mình đi lấy, tự mình ngộ ra. Đức Phật không thể cứu giúp tất cả chúng sinh, ngài chỉ gợi mở và đưa đường mà thôi. Nếu chỉ tu dựa vào sách vở há chẳng phải là quá hạn hẹp hay sao?
Nhớ lời thầy, Đạt Tịnh vẫn luôn tâm niệm “đời ta chính là thiền” và truyền thụ lại nó cho Bộc và sư bác. Chỉ là đến nước gian nguy, khi sự đấu tranh gay gắt giữa đời và đạo đi đến nước không thể hòa giải, vậy thì liệu chăng đạo có còn giữ lại được đúng bản chất của mình hay không, có còn giữ được vị trí của mình nữa hay không?
Bộc đang soi mình bên giếng nước và nghĩ chuyện mông lung thì đột ngột có tiếng súng nổi dậy xé nát thinh không, dội vào tai cậu khiến cậu giật bắn người. Con voi hơi cựa mình nhưng vẫn còn mê giấc. Bộc vội vàng chạy xăm xăm ra nhà chính. Mấy con chim bị tiếng náo động gọi xốc lên bay túa ra, vỗ vỗ cánh trên những tán cau.
Ngoài sân chính, một đám lính dõng ùa vào. Bộc biết là phát súng vừa rồi là để chúng phá cửa, bây giờ cả ngôi chùa nhìn đâu cũng toàn thấy những tên mắt xanh, da trắng bệch. Một tên lùn – mà Bộc biết là trung úy của bốt làng – chắp tay sau mông, khụng khiệng đi phía cuối. Nhìn dáo dác mà không thấy đại úy Cachet đâu, Bộc cảm thấy lo lắng, nếu có đại úy ở đây thì sẽ không ai dám làm gì sư cụ, vì cậu biết Cachet quý thầy mình. Song chỉ thấy mỗi một tên trung úy với hai bàn tay to bè như cái quạt thóc của gã đi vào, cất giọng ồm ồm như muốn tra gì đó thì Bộc sốt vó lên. Vậy là tin khẩn mà họ vừa nhận được hôm qua đã đúng, bọn chúng đã muốn lùn đến chùa này rồi.
2. Nam mô, bồ tát, bồ hòn.
Vãi Na lễ mễ nhấc tảng đá màu gan gà đặt xuống đất, rồi kéo tấm ván gỗ đậy trên cái khạp lớn qua một bên để vốc nước rửa mặt. Đêm qua bài vãi dòng lại mơ thấy con gái mình trở về, Trâm hiện về mà chỉ toàn khóc là khóc. Lúc sống Trâm có khóc nhiều đến vậy đâu, con bé chịu khổ thành quen nên đâu có dễ mà rỏ nước mắt. Ấy vậy mà trong những giấc chiêm bao của vãi Na, Trâm vẫn cứ khóc, khóc đến mức chẳng nói thêm được gì với bà. Vãi lại nhẩm tính xem bây giờ Tỏa, con gái nuôi của bà, đã tháo chạy được đến đâu rồi. Có cậu Lập và sư Độ Trí bên cạnh, bà không cần phải quá lo. Cả cậu Thiện tuy khờ khạo nhưng cũng rất được việc, ai bà cũng nhớ.
Đang thơ thẩn nhìn chằm chằm cái bóng mờ ảo của mình in dưới miệng khạp, vãi Na đột ngột bị tiếng súng dội tới làm giật bắn người. Tiếng súng chát, vang vang như đang muốn ngầm thị uy với ai đó, tiếng súng mang theo những điềm báo chẳng lành. Bao nhiêu giác quan của người đàn bà đều dỏng lên và trở nên nhạy cảm gấp bội. Lồng ngực bà nện trống dồn, những dây thần kinh căng cứng. Tai hại quá, chúng phục kích sớm thế này là muốn cả ngôi chùa không có thời gian để thoát thân đây. Hừng đông mới ửng lửa, đêm còn mờ đất mà bọn chúng đã làm rình rang, vãi Na thấy mình bây giờ như một con gia súc bị nhốt trong cái chuồng với đầy những con gia súc khác, khi nghe tiếng động cụ cựa thì liền nơm nớp lo sợ không biết lần này có phải đến lượt mình chết hay không.
Vãi Na vừa chạy đến ngoài sân chính thì đã nghe thấy tiếng cậu Bộc oang oang, cậu tiểu đồng đứng khoanh tay giữa sân, nghe giọng có thể đoán được là cậu đang cố tình nói to tiếng hơn bình thường:
“Bẩm các ông, thầy con không tiếp khách vào giờ này. Người còn đương ngủ.”
“Tiếp khách cái gì? Mày biết tụi tao là ai không hử? Mày đừng tưởng mình hét lên để ra hiệu là ông sư hổ mang đấy có thể trốn được, tụi tao đã cho lính bao vây bên ngoài chùa cả rồi, đứa nào lọt ra ngoài là ăn đạn ngay.” Ông quản Ba vừa trỏ vào mặt Bộc vừa quát oai oái như phủ khoái xin cơm.
“Bẩm, thầy con có làm gì mà để bị ông quản gọi là sư hổ mang?”
“Có làm gì hay không thì tra khắc biết!”
“Nếu chưa biết thực hư thì xin ông quản đừng gọi thầy con như thế. Quan trên ngó xuống, người ta nhìn vào thì thanh danh thầy con e không giữ nổi.”
“Cha chả!” Quản Ba sấn tới, đẩy vai Bộc làm cậu ngã kềnh ra đất, “Mày dàng dênh cái gì đấy, tưởng dàng dênh thế là kéo dài cái mạng của chùa này được à? Hay dàng dênh cho cách mạng có thời giờ để ẩn nấp.”
“Ông quản ơi, chùa chiền thì làm gì mà chứa cách mạng được.” Bộc lại quyết không chịu thua, cậu bò tới ôm chân quản Ba lại, cậu nghĩ rằng nếu mình kéo được thời gian thì sẽ đợi được đại úy Cachet đến, như vậy khả năng sống của họ sẽ cao hơn.
Trên trung úy lùn tịt bên cạnh vội vỗ vai quản Ba, ghé tai nói gì đó với ông, hình như là hắn không muốn gây chuyện ồn ào, sẽ làm cho mọi thứ khó giải quyết. Được nhắc nhở, quản Ba cũng đấu dịu lại đôi chút, ông hất cậu bé đang ôm chân ông văng ra xa như người ta hất một con chó nhách phiền phức cứ đeo theo ống quần mình. Ông quản là người Việt, gia đình lúc trước từng chịu ơn của chùa vậy mà giờ lại lẽo lẽo theo chân Tây, nghe lời răm rắp để kiếm chút lợi, vậy thì đẹp mặt ông lắm. Vãi Na lúc này mới bước ra, bà từ tốn:
“Các ông có việc gì mà đến đây? Mới sáng sao lại ồn ào thế?”
“Chúng tôi muốn gặp sư trụ trì? Ông trung úy đã nhận được lệnh đến khám xét chùa rồi, cần phải làm gấp, ai ở đây cũng còn việc chứ có rảnh rỗi đâu.” Vẫn là quản Ba tiếp chuyện với họ.
“Thì thư thư đã, vội gì vội, chứ mới sáng sớm. Bộc, con vào kêu thầy con ra cho các ông.”
Bộc đứng dậy, phủi đất cát trên người một lượt rồi mới cất bước vào trong, mắt vẫn lườm lườm nhìn đám lính Tây với thái độ đe dọa.
Lúc này, ông trung uý mới lên giọng dõng dạc với bọn dưới quyền mình bằng tiếng Pháp: “Thằng nhỏ đi gọi thầy nó rồi, thiết nghĩ để tiết kiệm thời gian thì các anh cứ gấp rút lục soát nơi này ngay đi. Chúng ta tranh thủ được lúc nào thì hay lúc đấy.”
Toán lính nghe chỉ thị, vội tản ra. Bà vãi nhìn hành động của chúng thì hiểu ngay. Bà chèo kéo chúng lại, cố gắng tìm cách để chúng không phá chùa mình.
“Các ông ơi đây là đất Phật, có muốn gì thì cũng nhẹ nhàng cho, nơi linh thiêng thì ít nhiều các ông cũng phải dành cho chút tôn trọng chứ.”
Nhưng dường như bọn chúng nghe không hiểu bà đang muốn nói gì. Chúng sấn sổ đi qua bà, hất tay, đẩy vai làm bà ngã dúi dụi. Vãi Na trân người, nhìn từng kẻ trong đám, mỗi tên mặc áo lính, bê nách bồng một khẩu súng, ánh mắt hằn học và xa lạ. Những tên đó đang muốn lật tung cả ngôi chùa lên, chúng dắt nhau đến gian phụ, rồi ra phía sau nhà tổ. Bà nhìn… Bà vãi cứ nhìn như thể đó là việc duy nhất bà còn làm được lúc này. Rồi bà đưa mắt nhìn cái cổng lớn đang mở toang ra, gió lạnh ban sớm lùa vào bậu cửa, rít lên từng hồi như tiếng khóc thút thít của ai. Thanh gỗ chặn cổng to tướng mà bình thường chỉ có sư bác mới nâng lên được đã bị súng chẻ nát nằm dặt dẹo dưới đất. Bà nhìn thấy được tất cả, rằng nơi đây chẳng còn đạo nữa, chỉ có đời, một cuộc đời thời chiến mới kỳ lạ làm sao. Tiếng đám người lật đá, lóc gạch vẫn dội vào tai không ngừng, cả cái sân chùa bị lóc vải lên, rồi có tiếng đập rầm phá cửa, kèm theo là tiếng dậm phình phịch như ai đang nện gót giày để kiểm tra sàn nhà.
Bộc và sư cụ vừa dắt díu nhau đi ra thì đã thấy đám lính cùng tụm năm tụm ba với nhau xốc đất chùa lên để tìm hầm trú ẩn, dường như bọn chúng không có ý sẽ tha cho bất cứ ngóc ngách nào. Cậu Bộc định bước đến cản nhưng rồi bị thầy mình kéo tay giữ yên nên cuối cùng chỉ đứng có một chỗ. Trời đất vẫn còn lờ mờ, Bộc không biết liệu bọn chúng có thể tìm thấy được gì lúc tối om như thế này không. Lính bốt của làng hành động nhanh đến lạ lùng, ai cũng biết là chúng chuyên tập kích vào những thời điểm kỳ quặc nhất hòng muốn đánh úp nhưng Bộc vẫn không tin sẽ có lúc giữa đêm tối mịt mờ thế này mà chúng lại đến để khám xét. Sư cụ chỉ lặng lẽ, rằng cụ đã thấy trước và đã quyết định sẽ chấp nhận những gì sắp sửa diễn ra.
“Các ông ơi trời còn tối quá thì có mong tìm thấy được chi. Đợt một lát cho trời sáng hẳn, chẳng phải muốn làm gì cũng dễ hơn sao!” Bộc lên tiếng. Quản Ba thuật lại cho ông Tây lùn.
Tên trung úy lắc đầu nguầy nguậy khi nghe được ý tưởng đó. Hắn biết đại úy của mình chỉ một chốc nữa thôi sẽ đến ngay nên muốn làm cho xong càng sớm càng tốt, đối với hắn, Cachet là một vật cản. Không phải hắn không kính trọng cấp trên, mà ngược lại bởi vì quá kính trọng nên hắn mới không dám đợi đến lúc tên đấy xuất hiện. Hắn rồi sẽ phải nghe theo chỉ thị của Cachet, mà Cachet chắc chắn sẽ lại bênh vực cho sư cụ của chùa, như vậy là cản tay hắn, khống chế không cho hắn bày trừ cái hang ổ này. Cachet là người có đạo còn tên trung úy thì không, nên nếu việc này không phải hắn ra tay thì không thể chấm dứt được.
Bộc nhìn khung cảnh tiêu điều trước mặt mình, màn đêm trong mắt cậu thăm thẳm, cái đêm tối này dường như không còn là đêm tối của dương gian nữa. Cậu rùng mình ớn lạnh khi nghe quản Ba tiếp tục hỏi:
“Nghe bảo chùa có hai người con nuôi, bọn chúng đâu rồi. Hai anh em Thiện và Tỏa từ trước đến nay đều sống ở đây. À, còn một vị sư đô con nữa chứ. Giờ này bọn chúng đang ở đâu?”
Câu đó là ông quản hỏi sư cụ, song ngược lại nghe cứ như thể đang ngầm kết một tội danh nào đó. Sư cụ Đạt Tịnh không trả lời, ông không muốn nói dối nên ông không thể trả lời câu hỏi này.
“A di đà Phật.”
“Ông sư hổ mang! Tôi hỏi ông đấy!”
“A di đà Phật.”
Quản Ba bắt đầu lấy làm lạ lùng, nhìn chằm chằm đôi mắt mù lòa đang híp lại của sư cụ. Tiếng niệm kinh của ông sư dường như nhắc quản Ba nhớ lại điều gì, rằng gia đình ông lúc trước từng chịu ơn chùa, nhở chùa cho thuê đất rẻ mà họ nhà ông mới kiếm được cái ăn những ngày còn là dân ngụ cư. Ông nhớ chứ, nhưng chuyện đã xưa lắm rồi, bao nhiêu ơn nghĩa nhà ông cũng đã đáp đền cho chùa đủ cả. Đây là việc công, ừ phải, chứ ông đâu muốn. Ông quản Ba tự trấn an mình rằng ông chẳng sai. Rồi ông không chịu nỗi nữa, phất tay gọi đám lính đến kéo vật người đè nghiến sư cụ xuống. Cậu Bộc hốt hoảng nhất định không buông thầy mình ra, bị tên lính giật mạnh làm cả người cậu lạng đi, ngã đè lên người bà vãi.
Bộc khóc nấc lên điên dại, giá mà cậu điên thật thì đã hay, Bộc mà điên thì chắc là gia đình cậu lúc trước đã không cần phải hy vọng vào cậu để mà có cớ thất vọng rồi đuổi cậu đi. Bộc nhớ lại mình từng ước bản thân cũng được như anh Thiện, cứ khờ khờ khạo khạo mà sống, cậu ước gì mình điên lên thật. Nhưng cuối cùng cậu vẫn không điên, cậu vẫn tỉnh táo vô cùng, Bộc đưa tay dìu bà vãi đứng dậy. Mắt bà vãi bây giờ cũng ngập đầy nước.
“Trung úy, tìm được hầm trú ẩn rồi, một cái được đào bên dưới tượng Hạc ngự lưng rùa, một cái được đào dưới ao bèo phía vườn sau.”
“Cha chả.” Ông quản phất vạt áo, cúi đầu xuống thấp nhìn sư cụ đang bị ghì bên dưới chân mình, “Giờ cụ còn dám chối, sư sãi mà không lo tu tập, lại lấy chùa làm căn cứ cách mạng.”
“A di đà Phật.” Sư cụ Đạt Tịnh vẫn thầm thì.
Tiếng gài đạn vang lên lách lách, Bộc lạnh cả sống lưng. Mắt cậu tiểu đồng vằn vện tia máu nhìn đám người bát nháo xung quanh mình.
“Đánh đến khi nào ông cụ khai thì thôi.” Tiếng tên trung úy lại xen vào.
Trong đám người họ trừ bọn lính dõng ra thì chỉ có quản Ba là nghe hiểu được tiếng Pháp, ông gật đầu rồi hất hàm ra lệnh: “Đánh đi.”
Sư Đạt Tịnh bị đạp đổ người ra sân, hai tên lính tiến qua hai bên, nhắm lên xương sườn ông mà dọng cán súng xuống.
“Trời ơi các ông đánh như vậy là giết người rồi chứ có còn là ép cung gì nữa.” Cậu Bộc xông đến nhưng liền bị một họng súng chặn lại, chĩa ngay trên đầu, cậu khóc nức nở nhìn thầy mình, chắp tay vái từng người song không ai chịu dừng lại.
Cả khu đất chùa trong một chốc chẳng khác gì một cái nhà a ba toa đầy những tiếng kêu thống thiết, phát ra từ trong cổ họng của những thứ gì như là con vật chứ không phải là con người. Ác thật, so sánh như thế thì có ác thật, chùa chiền làm sao giống được với nhà a ba toa? Nói vậy thì lại vạ mồm, nhưng thực rằng giống lắm. Vãi Na vẫn nhìn khung cảnh đó không chớp mắt, bà quan sát thấy sư cụ đang lầm bầm đọc kinh, ông sư không hề kêu gào dù bị nện đến tả tơi, đến mức ho ra một phún máu. Còn cậu thanh niên bên cạnh không bị đánh mà lại gào rú thảm thiết như thể kêu thay cho đau đớn của thầy mình. Bà nhìn bãi máu giữa sân chùa, rồi bà nghĩ sao mà vô lý thế. Vô lý! Sao mà lại như thế này được! Ai là thủ phạm của tất cả chuyện này? Tại sao những người tìm cách vùng lên chống trả như họ lúc nào cũng phải chịu đựng, còn những kẻ ăn trắng mặc trơn bán nước và đàn áp dân tộc bà lại đứng trên cao chễm chệ, có toàn quyền hành hạ họ? Tại sao chiến tranh là do những người đàn ông gây ra mà đến cuối cùng những người đau khổ nhất lại chỉ có đàn bà phụ nữ, người già và trẻ em? Sao vô lý vậy được! Chỉ có một câu trả lời, hiểu chửa, chỉ có một câu trả lời cho tất cả chuyện này. Nước mắt đến cuối cùng cũng chỉ là nước mắt, nó không giúp gì được cho họ để xoay chuyển trong cơn tai biến hiện tại.
Người đàn bà có vết sẹo kéo dài trừng trợn. Vãi Na bỗng chốc trở nên rồ dại, đến mức cả khuôn mặt bà, bình thường trông đã không được ưa nhìn gì nay lại càng vặn vẹo đến phát kinh lên. Mắt bà xếch ngược, mà khi mắt bà xếch thì vết sẹo trên mặt lại căng ra làm miệng bà cũng xếch theo, khiến bà trông như quỷ dữ. Máu nóng xộc lên đầy mắt bà, vãi Na co giật như thể người bị dại. Bà nhào đến một tên lính trong bọn. Bất kể là kẻ nào, bà không biết. Bà vãi chỉ nhào đến, rồi bà túm được ai thì bà cào, bà cắn, bà nghiến răng xé da xé thịt chúng. Tiếng súng đì đùng vang dậy liên tục, làm chim chóc trong vườn chùa bay đi hết, rồi không gian lại trở về lặng phắc như tờ.
…
Đến khi đại úy Cachet xuất hiện thì đã thấy ba cái xác người nằm sõng soài trên đất. Ông không lên tiếng trách cứ gì nhưng cứ chậc lưỡi mãi chẳng thôi.
“Trung úy sao lại có hành động thiếu kiềm chế như thế này. Đây là chùa làng, chứ có phải là nhà dân đâu mà muốn xông vào bắt giết ai thì bắt giết. Lỡ đâu dân biết thì người ta không chịu để yên cho mình hoạt động nữa. Lạy Chúa lòng lành, thế này thì ác quá.”
Viên trung úy không để những lời cấp trên của mình vào tai. Hắn chỉ bực, bực vì không bắt được tên bộ đội cụ Hồ nào, càng nóng máu hơn khi biết được mình đã để vuột mất đến ba con mồi. Trung úy biết chùa này bình thường còn có một ông sư vạm vỡ và hai anh em đang tuổi sung sức nữa, bọn đấy mới thực có nguy cơ là dân cách mạng. Vậy là hắn bắt hụt ổ, chỉ mới diệt được cái bề nổi thôi, còn phần chìm kia thì đã để lỡ cơ hội mất rồi.
“Trung úy có nghe tôi nói không, người ta bắt đầu làm căng rồi đấy. Rướn quá thì đứt, trung úy không sợ…” Cachet vừa nói vừa gõ gõ ngón tay xuống bàn, thái độ dửng dưng của tên trước mặt khiến hắn dần mất kiên nhẫn. Song Cachet biết là mình không thể nào trách được tên trung úy dưới quyền nữa. Tên đó đã đánh hơi đúng ngay hang ổ của bộ đội cách mạng, mà chính Cachet lúc trước đã chần chừ không muốn đào sâu vào. Lần này nói ra chẳng khác gì tên đấy có công, còn ngài Cachet đây lại phải tội, ngài đã bị đạp đổ hết niềm tin. Cachet cảm thấy mình bị phản bội ghê gớm, ngài đã nhiều lần nói tốt cho ngôi chùa làng đó, vậy mà cuối cùng đức tin của ngài lại quay ra cắn ngược lại ngài. Lần này Cachet không còn gì để phản bác nữa.
“Được rồi, tôi có cách đây này, đại úy đừng lo.” Tên trung uý trở giọng yên ủi, rồi bắt đầu nói nhỏ với Cachet, “Một bà vãi xông ra cứu một ông sư để rồi bị bắn chết, thật là lạ lùng. Mối quan hệ giữa họ mới lạ lùng làm sao! Bà vãi dòng với sư chùa thì thân thiết đến mức nào mà có thể khiến bà ấy điên lên như vậy? Đại úy nghĩ xem. Mà trách sao được, người ta ở lâu ngày với nhau thì lại chả có đụng chạm hay sao…”
“Bậy ráo! Lạy Chúa tôi…” Cachet nghe xong thì hiểu ngay viên trung úy muốn làm gì, ngài nhất định không chịu phương án này, “Làm đến mức đó thì chúng ta có khác gì đang định hướng dư luận. Chúng ta đến đây bằng tâm thế của kẻ ban ơn… Trung úy ơi, chúng ta chỉ khi nào chiến thắng trên mặt trận thì mới là vinh quang, sử dụng mưu hèn kế bẩn để thắng thì những quân chương ta từng có đều trở thành những nỗi ô nhục hết cả… Không được.”
“Chỉ có cách đó mà thôi. Vả lại, tôi đâu nói là chúng ta dựng chuyện, ta chỉ nói sự thật, là bà vãi của chùa đó đã vì tình nghĩa mà xông ra cứu sư cụ, người đời hiểu sai thế nào là chuyện của người đời.”
Với cái vẻ nham hiểm đến táo tợn của tên trung úy, Cachet vô thức nuốt nước bọt. Hắn âm thầm sợ hãi một điều gì với những kẻ đang nằm dưới quyền chỉ huy của mình.
Và thế là chẳng bao lâu sau dân làng Báng tin rằng sư sãi trong chùa làng vì chơi trò mèo mả nên bị quản Ba xử tội. Bao năm qua ngôi chùa đó đã nhận không ít sự tôn trọng từ người dân nên khi người ta biết được thì phẫn nộ kinh khủng lắm. Họ cảm thấy việc làm của ông quản là đúng lý đúng tình. Rồi tin đồn dần lan rộng ra, không ai còn mảy may nhớ công đức bao năm qua chùa đã xây dựng, chỉ có một tin đồn xấu hổ cứ lan truyền mãi, bảo vãi Na và sư cụ Đạt Tịnh của chùa làng có gian tình với nhau từ lâu lắm. Ông sư hổ mang và bà vãi dòng dâm loàn rồi đẻ ra cậu tiểu đồng tên Bộc đó. Ô hay, thật khéo làm sao, ra là hai kẻ đó có con với nhau từ lâu nên bà vãi mới dọn vào chùa ở cùng tình nhân với mình. Trời ơi ra là họ bị cái chùa này lừa dối ráo rọi, một màn kịch trắng trợn diễn ra trước mắt họ bao lâu nay. Không được! Nghiệt súc quá, nhục nhã quá. Có ai ngờ ngôi chùa tưởng như bình thường kia lại chứa đựng một bí mật kinh thiên động địa như vậy. Hỡi ôi mối nhục của làng đấy!
Mãi đến sau này khi Tỏa trở về chùa, cô còn nghe văng vẳng tiếng trẻ mục đồng rêu rao mãi về chuyện đó. Và lần nào nghe thấy Tỏa cũng không kìm được nước mắt, Tỏa khóc vì giận điên người mà không sao rửa oan cho sư cụ và mẹ nuôi của mình được. Cả một đời người hành thiện tích đức, đến cuối cùng lại mang danh nhục ra đi, miệng đời tai nghiệp không buông tha cho họ, như lời hát của trẻ mục đồng vẫn không ngớt văng vẳng, đồng vọng lại từ những nơi xa, toàn là những lời chế giễu đến là khó nghe:
“Nam mô, bồ tát, bồ hòn,
Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI