Bây giờ là mười giờ đêm.
Màn mưa trên đầu mỏng hơn nhưng vẫn rơi đều.
Con nhỏ tròn tròn, thấp người, đeo cặp kính cận dày cui chui đầu ra khỏi taxi khi trời nhá lên mặt lằn chớp sáng. Nó muốn đưa tay đỡ bà ngoại. Nhưng bà gạt ra, chống cây gậy gỗ xuống đất, hất cằm về phía cánh cổng cao nghệu, đầy những họa tiết cầu kỳ.
Cổng mở trước khi nó kịp thò tay bấm chuông. Người ở trong nhà chắc đã trông chừng từ lâu và phải xắn quần xắn áo chạy ngay khi ánh đèn của chiếc taxi vừa chiếu rọi lên cửa thì mới đến nhanh chừng đó. Người đàn ông gần năm mươi, thò mái đầu được cắt tỉa và nhuộm đen cẩn thận ra. Nét mặt quạu quọ sốt ruột dịu ngay khi thấy nó. Ông nhìn sang bà ngoại của nó, há miệng như thể có điều gì đó đã chực sẵn nơi đầu lưỡi rất muốn nhảy ra nhưng rốt cuộc lại bị chủ nhân cắn răng, ngậm chặt rồi nuốt xuống cổ. Tay mở rộng cửa, ông rối rít gọi bà cháu nó vào trong. Cánh cổng to nhanh chóng đóng lại, được cài then, khóa chốt bằng một ổ khóa to đùng.
Khi nó đi ngang qua khoảng sân rộng trưng bày những chậu kiểng lớn đắt tiền, người nó đã bắt đầu ướt lem nhem vì mưa. Bà nó chắc cũng vậy. Bà mặc bộ áo dài cũ mèm, kiểu xưa như trái đất, rộng thùng thình màu nâu đậm. Chiếc khăn rằn mỏng che trên đầu, đôi guốc mộc gõ lộp cộp, bà vẫn bước đi với tốc độ xưa nay vẫn vậy, kệ cho mưa vẫn rơi, sấm thi thoảng lại nổ đì đùng và ông chủ nhà vừa đi sát bên vừa thì thào với giọng cố nén bực bội:
– Đã mười giờ rồi!
– Ờ! – Bà đáp một tiếng thờ ơ.
– Còn chưa tới một tiếng nữa là đến giờ sinh con Ngân! Sao bà đến trễ quá vậy!
– Trời mưa lớn quá, đường ngập!
– Sao bà không chịu để xe của tôi đến đón qua đây từ sớm cho đỡ rắc rối, tôi còn sợ bà đổi ý phút cuối…
– Đã nói phải làm xong việc ở nhà rồi mới qua đây! – Tiếng đầu gậy gỗ nện mạnh mấy tiếng xuống nền gạch lát. – Ông sợ cái gì? Trước giờ mấy chuyện cần làm không phải tôi chỉ cho ông thì ông biết làm hay sao? Mười hai năm rồi, muốn đổi thì đổi từ lâu chớ đợi gì tới giờ này. Tôi đã nhận tiền thì sẽ giữ lời, lát nữa chỉ cần làm đúng theo tôi. Đừng có lăng xăng rối rít rồi làm hỏng việc!
Đôi guốc gỗ chợt im tiếng, bà nó nói lớn:
– Thanh Ngư! Chạy vào trong nhà trước đi, nhanh lên!
Con nhỏ quay đầu, thấy cái dáng lom khom của bà bên cạnh thân người cao gầy của ông Nhẫn đứng trong vệt sáng dài từ nhà lớn hắt ra, mặc cho mưa rơi lộp bộp. Nó miễn cưỡng “dạ” một tiếng nhỏ xíu, không cố đi chậm rì rì nữa mà chạy thẳng đến cửa nhà, nhưng không vào trong. Đứng kế bên cánh cửa gỗ, nó vuốt tóc tai, giả bộ xoay tới xoay lui phủi quần phủi áo để nhìn ra ngoài, lắng tai nghe ngóng.
Nhưng bọn họ xù xì nhỏ xíu nên nó chẳng nghe thấy gì. Trái lại, một tiếng gọi lanh lảnh, ngọt như đường phèn từ bên trong bay thẳng vào tai nó.
– Ngư tới rồi hả? Vào đây nhanh lên con, ăn tiệc sinh nhật với em Ngân nè!
Nó cúi đầu chào rồi nhe răng ra nở nụ cười mang nhiều cảm xúc phức tạp chẳng kém gì nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci, chỉ khác là biểu cảm của nó chẳng được những người đối diện để ý hay bận tâm cho lắm. Bà Phương giục nó cởi áo khoác, Kim Ngân đưa cho nó chiếc khăn lớn dày để lau qua trước khi hối hả đẩy nó vào phòng ăn nơi có sẵn một bàn tiệc đầy ăm ắp.
Lúc bà ngoại và ông Nhẫn cũng đến ngồi vào bàn, mọi người bắt đầu ăn. Bà nó ngồi ở đầu bàn tít xa, tách riêng với phần cháo thịt được hâm đủ ấm. Cũng như mọi lần, món ăn của bà là món duy nhất dành cho một người, tất cả năm món còn lại đều chia ra làm bốn phần, dành cho bốn người: ông Nhẫn, bà Phương, Kim Ngân và nó.
Thanh Ngư nhìn “gia đình hờ”. Họ cắm cúi gắp thức ăn, lùa chúng vào miệng, nhai vội nhai vàng rồi đẩy hết qua cổ họng, sau đó thì quay sang thúc giục nó ăn. Nó thở một hơi dài thượt, cũng bắt đầu nhét đầy miệng mình, càng nhanh càng tốt.
Bổn phận của nó là phải ăn, dù không ăn sạch cũng phải gần hết khẩu phẩn đã chia. Cũng may phần chia khá ít, nếu không nó tin nó sẽ bội thực mà chết lăn quay. Bà ngoại thì không lo lắng chuyện đó, bà ho húng hắng mấy cái, nói nó ráng ăn thêm đi, vì chắc còn lâu mới lại được ăn một bữa phong phú ngon lành kiểu này.
Không hiểu sao lúc nghe tới đây, bụng nó cuộn lên một cơn run rẩy. Cơn run bò dần lên cao, quắn quéo ở gần trái tim làm nó ngừng nhai để há miệng ra thở gấp. Tay vuốt cổ họng để cho thức ăn dễ trôi, chân nó ngọ nguậy cố đẩy người mình tựa sát lưng ghế.
Khi đồng hồ chỉ mười giờ ba mươi, bữa tiệc đi đến phần cuối. Món tráng miệng đặc biệt được dọn lên. Đó là cách gọi mỹ miều khi Thanh Ngư thấy vui, còn khi nổi cơn khó chịu, nó gọi thứ này là món “kinh dị”.
Đó là một ly nước ép nâu đỏ với hương mật ong và quế rất đậm, pha lẫn mùi tanh và chút vị mặn đặc trưng.
Thanh Ngư không ưa món này. Nó thường thấy ớn ở cổ mỗi khi nuốt xuống một ngụm, có lần nó suýt nôn ra nhưng ngăn lại được, chủ yếu là nhờ bà ngoại dùng đầu gậy gõ lên đầu nó một cái làm nó đau điếng, tạm thời quên luôn ói mửa. Nó vẫn âm thầm hy vọng rồi năm tới mùi vị của ly nước ép sẽ dễ chịu hơn, nhưng rốt cuộc lại chẳng tốt hơn chút nào. Đã mười hai năm từ khi nó được gia đình ông Nhẫn nhận làm con nuôi đầy đủ giấy tờ lúc nó sáu tuổi. Mỗi năm đúng ngày sinh nhật em Ngân và nó, “cả nhà” bốn người sẽ cùng sum họp ăn uống theo đúng kiểu này. Mỗi người uống hết một ly, uống xong thì mới xong bữa!
Mười giờ bốn mươi. Chén bát và thức ăn thừa còn nằm ngổn ngang trên bàn. Tất cả người giúp việc trong nhà hôm nay được nghỉ. Căn nhà rộng lớn giờ đã cửa đóng then cài cẩn thận, đèn đuốc đã tắt, chìm trong yên tĩnh. Chỉ có dãy hành lang ngắn nối giữa phòng bếp và phòng giặt sấy là còn ánh sáng. Dọc hành lang có một cánh cửa bị khóa, trông cũ kỹ và lạc tông hơn so với mọi thứ khác trong nhà vì chưa bao giờ được sửa sang cải tạo.
Ông Nhẫn nhìn đồng hồ rồi hấp tấp tra chìa vào ổ. Cửa gỗ dày chậm chạp bị đẩy ra. Ông đi trước, bà Phương cùng với Kim Ngân theo sau, bước trên cầu thang dẫn xuống tầng hầm.
Thanh Ngư ở sau Kim Ngân, đủ gần để nghe thấy tiếng cô em vừa đi vừa thở hì hục, không biết vì ăn quá no hay đang lo lắng vì sắp tới giờ. Hai đứa sinh ra cùng ngày, lệch nhau ba tiếng. Thanh Ngư kêu oe oe sớm hơn nên nghiễm nhiên trở thành chị, dù cả năm mới làm chị một lần vào ngày sinh nhật tháng sáu. Những ngày còn lại, nó sống với bà ngoại, ở ngôi nhà gỗ nằm tít ngoại ô thành phố trong khu hẻo lánh ít người.
Bà ngoại chẳng có quan hệ ruột rà gì với mẹ nuôi của nó, mà cũng chỉ có Thanh Ngư gọi bà như thế thôi. Kim Ngân thường chỉ đứng xa, lấm lét nhìn bà với vẻ sợ sệt, chẳng bao giờ muốn mở miệng trừ khi bà hỏi đến. Những khi như thế con nhỏ sẽ gọi bà là bà Bảy.
Vừa đi xuống hết cầu thang, một hành lang hẹp vừa đủ một người hiện ra trước mắt. Thanh Ngư tần ngần đứng lại ở bậc thang cuối, nhìn theo ba người trong nhà ông Nhẫn cứ lầm lũi bước giữa hai bức tường ngột ngạt, không ai nói gì.
Một cơn ớn lạnh bất chợt làm nó phát run. Mấy ngón tay nó xoắn xít vào nhau không rời. Nó biết mình đang căng thẳng. Vào những năm trước tiệc thường diễn ra buổi chiều. Ăn xong, hai bà cháu sẽ gọi xe về ngay. Thanh Ngư chưa lần nào ở quá muộn, càng chưa từng ngủ trong ngôi nhà này. Nó quay ra sau, miệng khẽ mấp máy một chút, rồi mím chặt lại. Nó nhìn bà ngoại, chờ đợi.
Bàn tay nhăn nheo nhưng vẫn có sức của bà bấu vào vai nó, bóp nhẹ một cái. Bà lại kéo sợi dây chuyền hạt gỗ đã đeo trên cổ nó từ hồi xa lắc xa lơ, nhét vào trong áo sơ mi sau khi vỗ nhẹ lên phần mặt tròn khắc hình xoáy âm dương. Cuối cùng, bà xua tay, nói với nó:
– Đi tiếp đi! Sắp đến mười một giờ rồi!
Thanh Ngư đứng im, không nhúc nhích một chốc rồi nó vươn tay ra ôm bà một cái thật chặt, dụi mũi vào cái vai lom khom của bà và hít một hơi mùi người già quen thuộc mà nó hay ngửi. Làm xong, nó quay lưng đi nhanh để đuổi kịp mấy người trong gia đình ông Nhẫn.
Qua khỏi đoạn hành lang hẹp uốn khúc mấy lần, nó thấy một căn phòng rộng, trống trải. Ba người nhà ông Nhẫn đang thắp sáng những cây nến được xếp thành vòng tròn lớn, chia làm hai bởi một sợi thừng tết bằng nhiều sợi dây nhỏ đủ màu đặt trên nền đất. Một nửa phủ đầy nhánh cây dâu, nửa kia rải dày một mớ tiền lẻ bằng giấy loại một hai nghìn, hầu hết cũ xì, nhàu nhĩ, rách nát tả tơi.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI