“Đường đi cách núi Ba Vì
Cách con sông Cái chàng đi đàng nào?”(1)
Người đàn bà lái đò khua mái chèo nhịp nhàng theo điệu hát, chiếc nón lá nghiêng nghiêng che nửa khuôn mặt sạm nắng, tà áo vá chằng vá đụp của thị bị gió sông thổi bay lên phần phật. Thị ngửa mặt nhìn trời, đã cuối ngày mà hôm nay đò nhà thị chỉ đưa được dăm ba khách qua sông, đã thế ai cũng nghèo rớt mồng tơi. Ví như người đàn ông gầy gò ốm yếu dắt theo đứa bé trai chừng sáu tuổi đang ngồi trên đò, áo quần cả hai rách bươm như xơ mướp.
“Bác muốn đến làng nào bên kia sông?” Thị mở lời bắt chuyện.
Người đàn ông nhìn sang bên kia bờ, giọng mệt mỏi như sắp đứt hơi:
“Tôi… về làng Phù.”
Thị ngạc nhiên nhìn ông ta, buột miệng:
“Bác là người làng Phù ư? Tôi nom bác chả thấy quen mặt?”
“Tôi không phải dân nơi này.” Ông ta nắm lấy bàn tay bé xíu của đứa nhỏ, thở dài, giọng trầm hẳn xuống. “Nhà tôi neo người, lại nghèo hèn, bệnh tật đã quá nặng không thể chữa trị, chả biết sống thêm được mấy ngày. Lỡ như tôi thác đi, sợ rằng con tôi không có nơi nương tựa.”
“Ra là bác đi gửi con?”
Mái chèo đều đặn khua mặt nước, đẩy chiếc thuyền bơi ra giữa dòng sông Cái mênh mông lộng gió.
“Tôi nào có người thân mà gửi.” Người đàn ông ôm ngực ho sù sụ, cố gắng hít một hơi thật sâu rồi nói tiếp: “Nghe đồn Xã trưởng làng Phù là người tốt bụng, tôi tính đem con đến xin ở đợ, đặng cho nó có nơi nương tựa sau này.”
Thị nhìn cơ thể gầy yếu xanh sao của người đàn ông, lắc đầu hỏi:
“Khốn nạn cái thân bác, u thằng bé đâu mà bác phải khổ thế?”
“Nhà tôi sinh khó.” Người đàn ông ôm chặt đứa bé vào lòng, đôi mắt đỏ quạch, loang loáng nước. “Thế mà nhất quyết cầu bà đỡ phải cứu bằng được con… rồi nhà tôi đi.”
Tay chèo khựng lại, thị thở dài, cúi đầu nhìn gương mặt kháu khỉnh ngây thơ của đứa bé. Rồi thị tiếp tục chầm chậm khua chèo, cất giọng nghèn nghẹn:
“Cây khô lột vỏ khó trèo
Mẹ ơi thương lấy dân nghèo mồ côi
Mồ côi tội lắm bớ trời
Đói cơm không ai đỡ, lỡ lời không ai bênh.”(2)
Con đò nhỏ cập bến, thị nhận mấy đồng bạc lẻ từ tay người đàn ông rồi đứng lặng nhìn theo bóng dáng xiêu vẹo của hai cha con khuất dần sau những vạt ngô xanh mướt.
Dưới ánh hoàng hôn đỏ rực, người đàn ông dắt tay đứa bé, khó nhọc lê từng bước trên con đường vắt ngang cánh đồng lúa chín dẫn vào một ngôi làng nằm giữa bạt ngàn cây trái.
Làng Phù là ngôi làng trù phú nhất vùng, nằm lọt bên trong những đồng lúa trải dài thẳng cánh cò bay và những bãi ngô xanh mơn mởn. Trong làng, nhà nào nhà nấy đều có vườn tược trĩu quả, gà lợn nuôi đầy chuồng.
Người đàn ông dừng lại trước cổng làng, níu tay một thanh niên cởi trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đang cùng đoàn người kĩu kịt gánh lúa vào làng.
“Cho tôi hỏi nhà Xã trưởng chỗ nào?”
Thanh niên nọ dừng chân, kéo chiếc áo buộc trên đòn gánh lau mồ hôi, đáp:
“Bác cứ đi theo tôi, chốc nữa đến nơi tôi chỉ cho.”
Thanh niên sức dài vai rộng, gánh lúa nặng trĩu không làm chậm bước chân của anh ta khiến cha con người đàn ông phải gắng hết sức mới theo kịp. Đi đến gần giữa làng, anh ta dừng lại trước một ngôi nhà gỗ năm gian, trỏ vào cổng.
“Nhà cụ Xã Tuyên đấy!”
Làng Phù giàu nhất vùng, còn nhà Xã trưởng thì giàu nhất làng Phù, cho nên ngôi nhà này vô cùng đồ sộ và được dựng hoàn toàn bằng gỗ quý, bao quanh nhà là những bức tường gạch đỏ cao quá đầu người.
Người đàn ông cảm ơn thanh niên dẫn đường, bước trên thảm rơm khô phơi đầy đường làng, dắt đứa nhỏ đi đến trước cánh cổng gỗ lim, giơ tay gõ mạnh mấy cái. Một lúc sau, có tiếng guốc lạch cạch vang lên, hai cánh cửa mở hé một khoảng đủ để ả hầu gái ló đầu ra. Ả ngạc nhiên nhìn người lạ.
“Bác tìm ai?”
“Tôi muốn gặp cụ Xã, phiền chị bẩm giúp một câu.” Người đàn ông cúi đầu, bịt chặt miệng nén xuống cơn ho đang dồn lên tận cổ, dáng vẻ vô cùng hèn mọn.
Ả hầu dòm từ đầu đến chân hai cha con rách rưới, giọng nghi ngờ.
“Bác tính xin xỏ gì chăng?”
“Tôi nào dám xin xỏ, tôi muốn nhờ vả ông bà một chuyện.”
Ả hầu chần chừ không muốn mở cửa, vì cái việc dân nghèo nơi khác đến xin gạo xin tiền không còn là chuyện hiếm ở nhà Xã trưởng. Bỗng một giọng trẻ con vang lên làm ả giật mình.
“Sao đứng chắn hết cả lối thế này?”
Ả vội vã mở toang cổng, đứng nép sang một bên, chắp tay trước ngực, lí nhí nói:
“Bẩm cậu ba Tùng, bác đây xin gặp ông bà ạ!”
Người đàn ông kéo đứa con nhỏ nhường đường cho người đằng sau. Đó là một thằng bé chừng tám, chín tuổi, áo lụa dài trắng tinh sạch sẽ, nhìn qua là biết hàng lụa đắt tiền mà chẳng mấy ai mua nổi. Áo quần sang là thế, nhưng trên gương mặt thằng bé lại có một vết sẹo rất to, trông vô cùng xấu xí và đáng sợ.
Ả hầu càng cúi thấp hơn, tay vân vê vạt váy đụp. Ấy là vì ả sợ thằng bé mà ả gọi là cậu ba Tùng, con út nhà ông bà Xã trưởng. Tuy cậu Tùng ít tuổi nhưng tính tình cục cằn, quan trọng hơn là ả sợ khuôn mặt xấu xí của cậu chủ.
Cậu ba Tùng không để ý đến người đàn ông ốm yếu, mà nhìn chòng chọc đứa bé bên cạnh. Mặc dù quần áo nó rách bươm nhưng không thể che nổi nét kháu khỉnh đáng yêu.
Thấy có người nhìn mình, thằng bé cũng mở to đôi mắt tròn xoe đen láy như hai hạt nhãn nhìn lại. Bất chợt nó nhoẻn miệng cười, một nụ cười tươi tắn và rạng rỡ như gom tất cả ánh mặt trời còn sót lại của buổi chiều tà.
Cậu ba Tùng sững người, đây là nụ cười đẹp nhất mà cậu từng thấy. Hay đúng hơn là, chưa có ai cười với cậu ngoài thầy mợ và hai anh trai.
Cậu quay lại, hất hàm sai ả hầu:
“Chị đưa người ta vào gặp thầy mợ đi.”
Ả hầu liếc vào nhà, nhỏ giọng: “Thưa cậu, người này đến cốt để xin xỏ mà thôi, chớ làm phiền ông bà thưởng trà chiều.”
Cậu ba Tùng lườm ả, nghiêm giọng: “Tôi nói thì chị cứ làm đi, dẫn người ta vào.”
Nói tới đây, cậu trỏ vào đứa bé, ngước mắt nhìn người đàn ông. “Để nó lại đây chơi với tôi!”
Người đàn ông mừng rỡ vái cậu ba Tùng rồi nhỏ giọng căn dặn con trai:
“Con chơi với cậu đây, một chốc thầy sẽ ra ngay.”
Thằng bé ngoan ngoãn buông tay khỏi gấu áo cha mình, ngẩng đầu cười với cậu ba Tùng. Có vẻ như đối với nó, gương mặt xấu xí của cậu không đáng sợ chút nào.
Ả hầu lút cút dẫn người đàn ông vượt qua khoảng sân lát gạch vuông màu đỏ xỉn, bước vào gian chính của ngôi nhà năm gian, cúi gập người trước sập gụ chạm khắc cầu kỳ kê giữa nhà.
“Bẩm ông bà, người này xin gặp ạ!”
Trên sập, ông Xã Tuyên dừng lại cuộc chuyện trò, đặt chén trà xuống, lên tiếng hỏi:
“Có việc gì thế?”
Người đàn ông nghèo khom lưng, sợ sệt liếc mắt nhìn gian nhà sang trọng, chắp tay vái một vái rồi thưa:
“Bẩm ông! Bẩm bà! Con nghèo hèn, lại bệnh tật quấn thân nay sống mai chết. Nghe tiếng ông bà có lòng tốt thương dân nghèo, nay con mạo muội đến đây cầu một việc.”
Bà Xã trưởng chấm khăn lụa lên miệng lau nước trầu rỉ ra bên mép. “Muốn xin tiền ư?”
Người đàn ông quỳ sụp xuống đất, gương mặt ông ta vốn khắc khổ giờ càng thêm khổ sở.
“Bẩm ông bà, con dẫn con giai con đến xin cho nó ở đợ, con cắn rơm cắn cỏ lạy ông bà thương cho!”
Ông Xã Tuyên thở dài nhìn vợ, nói khẽ: “Nhà ta nào có thiếu kẻ hầu người hạ.”
Bỗng cậu ba Tùng chạy vào, lớn tiếng hỏi người đàn ông:
“Này ông, nó tên là gì? Cớ sao tôi hỏi mãi mà nó chả nói câu nào thế?”
“Bẩm cậu, nó tên Thanh.” Người đàn ông lo lắng nhìn cậu Tùng. Ông ta ho lục khục mấy cái, cố gắng nói qua hơi thở nặng nhọc: “U nó sinh khó, bà đỡ cố hết sức mới cứu được mình nó, có nhẽ vì thế mà nó không nói được.”
“Nó bị câm ư?” Cậu ba Tùng hơi cau mày rồi lập tức vui vẻ trở lại: “Mà cũng chả sao, tôi nói gì nó cũng hiểu cả.”
Nói xong, cậu chạy ra ngoài, kéo tay đứa bé, cười mà rằng:
“Cậu biết tên mày rồi, cậu thích cái tên ấy. Lại đây, cậu đưa mày xuống nhà sau ăn chè, hình như hôm nay bà bếp nấu chè hạt sen.”
Mắt thằng bé sáng rực lên, nó nhào đến ôm cổ cậu Tùng, dí cái mũi bé xíu của mình vào vết sẹo trên mặt cậu hít hít mấy cái. Cậu ba Tùng choáng váng cả người, ngẩn ra nhìn đứa bé, rồi tò mò hỏi:
“Mày không sợ cái mặt này của cậu ư?”
Thằng bé lắc đầu, miệng cười tươi rói cầm tay cậu Tùng lôi qua kéo lại.
Trong nhà, bà Xã trưởng ngồi im nhìn hai đứa trẻ rồi quay lại thì thầm với chồng:
“Thầy nó trông kìa!”
Xã Tuyên hiểu ý vợ. Ông yên lặng dõi theo hai dáng người bé nhỏ đang nắm tay nhau cười đùa ngoài sân, đây là lần đầu tiên ông thấy con trai mình vui vẻ đến thế.
Nhà Xã trưởng có cả thảy ba cậu con trai. Cậu cả Phúc đang theo thầy học trên Kinh, cậu hai Hiển đẹp trai hiền lành, năm nay mới mười ba tuổi mà đã là niềm mơ ước của bao gái làng. Riêng cậu ba Tùng, vụ tai nạn năm cậu lên bốn đã để lại một vết sẹo to vô cùng xấu xí trên mặt khiến ai nhìn cũng thấy sợ. Lớn lên, cậu dần hiểu ra lý do tại sao mình bị người ngoài xa lánh. Kể từ đó, cậu khép mình lại, tính khí cục cằn hẳn đi.
Xã trưởng nhấc chén trà lên chiêu một ngụm, thong thả buông lời:
“Ta nhận nó, thế ngươi cần bao nhiêu tiền?”
Gương mặt khốn khổ của người đàn ông giãn ra, ông ta chắp tay vái lấy vái để, giọng nghẹn lại như thể cổ họng bị tắc.
“Tạ ơn ông bà! Cái thân con chả còn được mấy hơi tàn, con cần tiền để làm gì. Con chỉ xin ông bà thương tình cho con giai con một nơi nương tựa.”
“Ta thấy sức khỏe của ngươi không ổn, chả có nhẽ ngươi cứ thế mà đi ư?” Bà Xã trưởng ái ngại hỏi
Xã trưởng không nỡ lòng trước cơ thể tàn tạ đang quỳ sụp dưới đất. Ông thở dài, chép miệng tiếp lời vợ:
“Hay ngươi ở lại đây, chừng nào không còn trụ được, ta cho cái chiếu mà bó.”(3)
Người đàn ông úp sấp mặt xuống đất, giọng run rẩy: “Thà con chết bờ chết bụi, còn hơn để con giai con nom thấy. Nó khóc lóc, nó khổ sở thì làm sao con nhắm mắt cho đặng.”
“Thôi thì thế này. Ngươi nghỉ lại đây dăm hôm mà trông, nếu thấy nó sống tốt thì ngươi cũng yên lòng.” Bà Xã trưởng nhổ bã trầu vào ống nhổ, đứng dậy vẫy con ở đang ôm quạt hầu sau lưng lại gần căn dặn: “Đi dọn một chỗ nghỉ cho cha con thằng bé mới đến.”
Bà Xã trưởng đã nói vậy thì coi như không để người ta từ chối. Người đàn ông cảm động, đôi mắt đỏ hoe, cúi gập người vái ông bà Xã trưởng rồi đi theo con hầu xuống khu nhà đất đằng sau ngôi nhà gỗ năm gian.
Chợt ông sững người nhìn chằm chằm đứa con trai nhỏ của mình đang vui vẻ ngồi trong gian bếp ăn chè cùng cậu ba Tùng. Mặt mũi nó được rửa sạch sẽ càng thêm xinh xắn đáng yêu, bộ quần áo rách rưới được thay bằng một bộ đồ lành lặn, đã thế còn là lụa tốt, có lẽ là đồ cũ của cậu Tùng.
Nước mắt ông rỉ ra, lăn xuống đôi má gầy gò đen sạm.
Vậy là, ông đã có thể yên lòng mà nhắm mắt.
_________
Chú thích: (1) và (2): Ca dao tục ngữ Việt Nam.
(3): Thời xưa, người dân quá nghèo khi chết chỉ được bó vào một tấm chiếu để chôn cất.