Năm giờ chiều, Dương Cầm và Hoa Trà rời khỏi khách sạn. Ở trên xe, cả hai vẫn không nói gì với nhau cả. Cho đến khi bước tới trước cánh cửa màu đen, Hoa Trà mới quay lại và nói với Dương Cầm một câu đơn giản:
“Cảm ơn anh!”
Dương Cầm không đáp lại, chỉ nhẹ nhàng gật đầu, sau đó mỉm cười với cô gái. Hoa Trà quay người rời đi, cậu tiếp tục tiến vào bên trong phòng khách của biệt thự. Công việc của Dương Cầm tại nơi này vẫn chưa xong, còn một thứ nữa cậu cần phải làm.
“Về rồi à? Ngày đầu tiên của cậu và Hoa Trà như thế nào?” Ông già đi ra từ một gian phòng khác, vừa nhìn thấy cậu đã cười hỏi. Trên người của ông ta vẫn là bộ quần áo lụa cổ, có điều so với lúc sáng tông màu của nó đã khác đi. Người đàn ông này thể hiện ra rằng mình rất thích loại trang phục ấy, giống như ngoài nó ra thì ông ta chẳng còn gì để mặc nữa vậy.
“Chúng cháu đã nói chuyện, có điều dường như cô ấy vẫn còn rất nhiều khúc mắc.” Dương Cầm thành thật đáp lại, không giấu giếm chuyện gì cả.
“Có thể giao tiếp là tốt rồi.” Ông già đáp, ngồi xuống chiếc ghế. “Từ từ rồi mọi thứ sẽ có tiến triển thôi.”
“Ông cần cháu đọc mơ đúng không?” Dương Cầm đặt chiếc ba lô và ngồi xuống đối diện với ông già, kết thúc câu chuyện về cô gái. Thực sự là bây giờ cậu rất sợ ông già nhắc tới Hoa Trà trước mặt mình.
“Đúng thế.” Ông già cười nói. “Vất vả cho cậu.”
Dương Cầm bỏ qua lời nói khách sáo của ông già, lấy laptop và cuốn sổ ghi chép của mình ra. Cậu bấm chiếc bút, không quên chuẩn bị ghi âm bằng điện thoại. Ông già thấy động tác dứt khoát của Dương Cầm thì bật cười.
“Hay là cậu dùng bữa với hai ông cháu tôi đã, tay nghề bếp núc của Hoa Trà rất khá.” Ông ta nói.
“Cảm ơn ông, nhưng có lẽ là không cần đâu.” Dương Cầm đáp lại. “Việc đọc mơ cũng không mất nhiều thời gian lắm.”
Ông già cười lớn hơn, dường như đã đoán ra được điều gì đó. “Cậu ổn chứ?” Ông ta nói như vậy.
“Cháu ổn.” Dương Cầm đáp lại. “Không ảnh hưởng tới việc lắng nghe ký ức của ông.”
“Thật ra thì tôi cũng sẽ ủng hộ nếu như cậu và con bé có thể phát triển một mối quan hệ lành mạnh.” Ông già nói rất ý tứ, đôi mắt nhìn thẳng vào cậu.
“Xin ông đừng hiểu lầm, mọi chuyện không đi theo chiều hướng như vậy.” Dương Cầm chau mày đáp. “Nảy sinh tình cảm với khách hàng là tối kỵ trong nghề nghiệp của cháu.”
“Ồ! Ra là vậy.” Ông già gật gù. “Xin lỗi cậu nhé, già rồi nên hay lo nghĩ mấy chuyện linh tinh vớ vẩn.”
“Cháu có thể hỏi ông một chuyện được không?” Dương Cầm nhìn vào biểu cảm của ông già, nảy sinh một thắc mắc.
“Chuyện gì vậy?” Ông già vẫn đối diện với cậu.
“Tại sao ông lại tỏ ra tin tưởng cháu tới như vậy?” Dương Cầm đặt câu hỏi. “Chúng ta cũng chỉ vừa mới gặp.”
“Tin chứ, tại sao lại không tin?” Ông già không hề khó chịu với lời chất vấn của cậu, ngược lại còn vui vẻ đối đáp. “Sống ở trên cõi đời mà chẳng dám tin tưởng ai thì chán lắm.”
Dương Cầm thử suy nghĩ một chút, hiển nhiên là vẫn chẳng hiểu gì cả. Kiểu nói lấp lửng, nửa đùa nửa thật của ông già khiến cậu không biết đâu mà lần. Cậu lật cuốn sổ, bấm ghi âm cho điện thoại. Nếu đã không hiểu thì thôi, cậu cũng chẳng buồn để tâm nữa. Dương Cầm mặc kệ ông ta muốn làm gì thì làm. Dù sao ở cậu cũng chẳng có thứ gì đáng để cho ông ta lợi dụng.
“Chúng ta không nói chuyện ngoài lề, đi thẳng vào chuyện chính. Ông có thể kể về những kỷ niệm của bản thân, cháu sẽ giúp ông ghi chép lại.” Cậu nói như vậy.
“Được thôi.” Ông già nở nụ cười trên môi, có vẻ như ông ấy khá thích cái tính cách thẳng thắn của Dương Cầm. “Nhưng mà cậu biết đấy, hơn ba mươi năm ở trong quân ngũ thì có rất nhiều thứ để kể lại. Chỉ trong một buổi chiều thì không thể nào nói ra hết được, chắc là sẽ cần thêm nhiều thời gian.”
“Không sao, ngay từ đầu chúng ta đã thỏa thuận như thế.” Dương Cầm đáp, tỏ ý cậu không để tâm tới việc này.
Ông già gật gù, nhìn vào những tấm ảnh treo trên tường. “Bắt đầu từ đâu được nhỉ?” Ông ta tự nói với bản thân sau một tiếng thở dài. “Có biết bao nhiêu là thứ đã xảy ra.”
“Ông cứ bắt đầu bằng những thứ còn rõ ràng nhất.” Dương Cầm gợi ý.
Đôi mắt của ông già từ từ híp lại, chìm vào những ký ức xa xôi. Một lát sau, ông ta mở miệng: “Về câu chuyện ở cổng Tây của Thành cổ Quảng Trị đi, tôi còn nhớ chuyện đó nhất. Không biết cậu có nhớ cái Hội nghị Paris trong lịch sử không?”
“Cháu biết.” Dương Cầm đáp lại, đương nhiên cái Hiệp định đó thì cậu biết, nó vô cùng nổi tiếng.
Ông già gật đầu, tiếp tục kể:
“Vào năm 1972, phe của chúng ta và đế quốc giành nhau từng dấu chấm dấu phẩy trên bàn đàm phán. Hai bên vừa đánh nhau vừa ký, bên nào giành được nhiều tình tiết có lợi hơn trong cuộc chiến thì bên đó có tiếng nói. Phía Mỹ muốn chiếm lại Thành cổ Quảng Trị bởi vì nó có tính biểu tượng. Bên ta nhất quyết không nhường. Thế là cả tấn bom dội xuống, đạn pháo tính bằng nghìn viên, từng tấc đất xung quanh cái Thành cổ ấy không chỗ nào là không tanh mùi máu.
Khi ấy tôi cùng vài chục đồng chí, mỗi người một cây súng AK phòng thủ ở cổng thành. Đối đầu với chúng tôi là cả một đại đội thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc ấy ác liệt lắm, lính Ngụy tràn lên liên tục. Chúng tôi không dám ngủ vì sợ lúc tỉnh dậy thì đồng đội bên cạnh đã không còn. Người nào mệt quá thì nghỉ ngơi giữa cuộc chiến năm đến mười phút, những người khác sẽ trông nom. Tôi còn nhớ việc đầu tiên tôi làm khi vừa mở mắt là tìm xem đồng đội của mình còn sống hay đã chết rồi…”
Người cựu chiến binh đã chìm sâu vào trong hồi ức, Dương Cầm vẫn cẩn thận ghi chú lại.
“… Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lúc canh giữ ở cổng Tây Thành cổ Quảng Trị. Khi đó, tôi cùng với một người đồng đội giữ vị trí ở một góc tường. Hai chúng tôi chỉ cách nhau một cái xoay lưng thôi nhưng ròng rã suốt mấy ngày đêm không nhìn thấy mặt nhau. Lúc nào chúng tôi cũng phải cảnh giác, có khi vừa trở mình một cái thì địch đã xuất hiện. Mỗi lần muốn kiểm tra tình trạng của cậu ấy, tôi đều nhìn vào cái bóng của cậu ấy in dưới đất. Có một lần tôi thấy cậu ấy viết thư tay.”
Dương Cầm ghi chú rằng “người đồng đội viết thư tay trong cuộc chiến”. Sau khi suy nghĩ một lát, cậu thêm chữ “bóng” vào đầu câu.
Ông già tiếp tục kể:
“Lúc đó tôi rất là ngạc nhiên, cũng rất tức giận. Cậu ấy đã bỏ qua việc canh gác mà làm một việc khác kém quan trọng hơn, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho tôi và những người khác. Tuy nhiên, sau khi đã suy nghĩ lại thì tôi thông cảm cho cậu ấy. Cậu phải hiểu rằng lúc đó chúng tôi không biết là mình sẽ chết lúc nào, mong muốn lớn nhất là có thể để lại một lá thư tuyệt mệnh. Mấy hôm sau thì chúng tôi giành thắng lợi, chỉ có điều người bạn của tôi trúng đạn mà gục xuống. Lúc ôm cậu ấy trong lòng, tôi hỏi cậu ấy bức thư kia ở đâu, tôi sẽ giúp cậu ấy chuyển về cho gia đình. Tuy nhiên cậu ấy lại nói rằng mình không hề viết bức thư nào cả.”
Dương Cầm đang ghi chép thì chợt dừng lại, cậu cảm thấy khó hiểu. “Có lẽ là người bạn của ông không muốn ông biết chuyện ấy?” Cậu chọn lựa từ ngữ cẩn thận để hỏi.
“Cậu nghĩ thử xem lúc cậu sắp chết rồi thì có cần phải làm thế nữa không?” Ông già giải thích bằng ý đơn giản nhất.
Dương Cầm cảm thấy ông nói có lý, không thắc mắc nữa mà tiếp tục công việc của mình.
“… Thật ra thì lúc đó tôi cũng không tin. Chính mắt tôi nhìn thấy bóng của cậu ấy ở dưới đất, chăm chú viết một bức thư. Tôi nói với cậu ấy rằng không cần phải giấu giếm chuyện đó, tuy nhiên cậu ấy lại một mực phủ nhận. Cho tới khi cậu ấy nhắm mắt xuôi tay rồi, tôi mới gạt nước mắt để tìm bức thư trên người cậu ấy. Điều kỳ lạ là không có bức thư nào cả, thậm chí cả giấy bút cũng không có.”
Dương Cầm lại ngừng viết, chau mày lại. Ông già thấy biểu cảm của cậu thì cười nói:
“Cậu nghĩ thông tin này sai lệch đúng không?”
“Cháu thấy nó không được logic lắm.” Dương Cầm thành thật đáp lại.
“Lúc ấy tôi cũng nghĩ mình nhìn lầm.” Ông già tiếp tục kể. “Cho đến khi tôi quay trở về quê hương, tới thăm gia đình của cậu ấy thì mới biết được rằng họ thực sự đã nhận được một bức thư từ nhiều năm trước. Điều này làm tôi nhớ tới câu chuyện kia, tôi hỏi người thân của cậu ấy rằng có còn giữ bức thư ấy không. Đương nhiên là họ vẫn còn giữ nó. Tôi cầm lá thư lên đọc, khi đọc hết thì tôi đã hiểu ra mọi vấn đề.”
“Có ai đó đã thay người đồng đội của ông viết bức thư đó ạ?” Dương Cầm tiếp tục thắc mắc.
“Không phải.” Ông già đáp. “Bức thư đó là do chính cậu ấy viết, tôi có thể nhận ra từng con chữ đến cách hành văn. Trong thư cậu ấy kể về cuộc chiến đẫm máu, nỗi nhớ thương với gia đình, tất cả đều đúng tới từng chi tiết. Điều đáng nói ở đây là cậu ấy còn chỉ ra chính xác nơi mà mình đã nằm xuống. Trong khi ngoài tôi ra thì không ai biết được chuyện đó, bởi vì tôi là người đã chôn cất cậu ấy.”
“Vậy…?” Dương Cầm cảm thấy sống lưng mình lành lạnh, đương nhiên cậu hiểu được ông già đang ám chỉ tới điều gì.
“Chính cái bóng của cậu ấy đã viết bức thư ấy. Lúc cậu ấy chết thì cái bóng của cậu ấy vẫn còn tồn tại. Bằng một cách nào đó nó đã gửi được bức thư về cho gia đình mình.” Ông già kết luận.
“Sao ông lại kể chuyện này cho cháu?” Dương Cầm cười nói. Cậu không thắc mắc về tính logic trong câu chuyện kia nữa vì có vẻ như cậu sắp phải viết một bản thảo tiểu thuyết kinh dị rồi.
“Rồi cậu sẽ biết thôi, Kẻ đọc mơ ạ!” Ông già cười hiền từ, nói không rõ ý tứ. Ông ấy ngả lưng ra sau ghế để nghỉ ngơi, đôi mắt từ từ khép lại, chẳng bao lâu đã ngủ đi mất.