Ghi chép của Lạng
“Thượng tuần tháng Mạnh Xuân.
Đồng hồ dây cót cô Đằng giao cho ta là loại bỏ túi, được thợ thủ công phương Tây chế tác tỉ mỉ để xem giờ theo canh. Ta và đội ngũ đi theo mốc chỉ giờ này và xe trống ký lý, hệt như những kẻ mù dò dẫm giữa sương trắng.
Ngày thường, đội ngũ có cô Đằng chỉ huy, mọi việc tuy khó khăn nhưng có trước, có sau. Nay, ta lãnh đoàn mới cảm nhận được sự khó khăn: Mọi quyết định đều phải suy xét kỹ lưỡng, lại phải liên tục cảnh giác quan Phụ đạo. Chuyến đi này không thống khoái như khi phiêu lưu trên biển, tâm trí lẫn thể xác đều hao mòn dần. Vùng rừng núi này nằm gói gọn một khoảnh giữa ba ngọn núi, nhưng vì lý do gì đã đi cả tháng mà chưa vượt qua. Lại nhớ, ta đi đường từ Thái Nguyên tới Trung Mang, rồi từ Trung Mang đi Bắc Cạn chỉ mất bốn ngày: Từ trấn sở Thái nguyên đi sở tuần ti phố Cò là một ngày, qua Đồng Mỗ đi đến chợ Quan Triều một ngày, qua Yên Ninh đi Bắc Trinh thêm một ngày, qua đồn Đá Mài đi Bắc Cạn một ngày. Quãng đường dài như vậy, nhưng khi ta đặt bút viết các địa danh ra, bỗng thấy chỉ như ném từng viên đá nhỏ xuống mặt hồ lớn.
Trên đường đi hôm nay có sự lạ. Khi người trong ấp đang đóng một cọc chỉ đường, bỗng bị phân tâm vì tiếng móng guốc gõ lộp cộp. Thập ấy tưởng ngựa bồn chồn gõ móng, nhưng khi nhìn kỹ thì thấy lũ ngựa và trâu trong đoàn đều đứng im phăng phắc, tưởng chừng như đang nín thở. Người thập nọ nhìn kỹ trên mặt đất, lại thấy có những dấu chân móng guốc đi ngược đường với đội ngũ, ở mỗi dấu chân ấy có những hoa cỏ kỳ lạ mọc lên. Người trong ấp cho vài tù nhân tròng dây thừng vào nhau, rồi dò theo dấu chân ấy để xem thực hư là giống gì, nhưng đợi hồi lâu mà không thấy ai trở lại. Lần theo dây ấy, đội ngũ tìm thấy bọn tù nhân đang run rẩy, quỳ rạp người trên đất mà lạy. Khi hỏi họ cớ sự, tất thảy đều nói là gặp quỷ và van xin được rời khỏi Thung Thượng. Chuyện không điều tra được đến đâu, đội ngũ đành tiếp tục di chuyển. Ta nhìn dấu chân móng guốc, lại nghĩ về con dê quỷ hai tội nhân đào thoát từng nói tới. Chung quy, dù thứ ấy có là gì đi nữa, cứ không chạm mặt nó thì hơn.”
***
Ghi chép của Lạng
“Thượng tuần tháng Mạnh Xuân.
Sau một ngày đường, sương mù dày đặc tới mức khó lòng quan sát được cái hồ. Ta quyết cho đội ngũ hạ trại bên bờ hồ, chọn một mũi đất làm địa điểm thả đèn phi thiên, làm hiệu cho bọn cô Đằng.
Tới nửa đêm, vẫn chưa thấy có tung tích gì phía cô Đằng. Quan Phụ đạo cũng có vẻ bồn chồn, thường xuyên đi ra mũi đất để nghe ngóng tình hình. Lại lúc giữa đêm, có tiếng hô hoán: Có người ở ấp Nhạn đi tiểu tiện ở hồ thì thấy yêu quái, sợ hãi kêu la, khiến yêu quái trốn xuống nước mất dạng.
Người này tả lại rằng yêu quái có thân trên là người, thân dưới là rắn. Cả gương mặt yêu quái bị râu, tóc che kín. Thân trên con yêu mặc áo giáp đã mòn mục, thân dưới mọc vảy, có đuôi dài như con lươn, lại có vây và đuôi quạt như giống cá vàng. Nhưng kỳ lạ nhất là hai tay con yêu này lại mang theo vũ khí. Người nọ quả quyết, hình dung con yêu thì có thể nhìn nhầm, nhưng tay phải cầm một thanh đao Nhật đã gãy, tay trái cầm theo vật trông như cây thương.
Giống quái vật này nghe mô tả thì giống như loài Đản nhân trong tích cũ. Nghe kể rằng ở biển Đông xưa có con tinh Ngư Xà trông nửa giống cá, nửa giống rắn, thân dài hơn năm mươi trượng, lại có nhiều chân như rết. Giống này linh dị khôn lường, biến hóa vạn trạng, thường bắt ngư dân giao phối rồi ăn thịt, lâu dần sinh ra chủng loài kỳ quặc sống trên đảo giữa biển. Giống ấy chính là Đản nhân, sau nhiều đời không còn thèm ăn thịt người, mà chỉ bắt tôm, cá, sò, hến làm thức ăn, thậm chí còn lội nước vào các làng ven biển đổi thóc, gạo, muối, dao, búa với man dân. Người Nhật đi biển cũng có tích kể về giống nhân ngư trên biển, rằng giống ấy xấu xí, quái đản nhưng lại khóc ra ngọc trai. Lại có người nói ăn thịt người cá sẽ trường sinh bất lão, nhưng cũng có người cho rằng chúng đem tới dịch bệnh, chết chóc, là giống loài xúi quẩy.
Có điều, người nọ quả quyết người cá kia có mang theo vũ khí, riêng chuyện này, ta đi biển mấy mươi năm chưa từng nghe qua. Vài năm trở lại đây, Vương giao thiệp tốt với Nhật Bản, thường gửi tặng lụa là, châu báu cho Tòng Nhất vị đại thần Nguyên Gia Quang, được ngài tạ lại nhiều giáp trụ, đao tốt. Từ đó, nhiều nhà có thế lực thường bắt chước Vương sưu tầm đao Nhật, bậc trưởng thượng trong ấp Nhạn cũng đều được phát đao Nhật làm bằng thép tốt phòng thân. Người cá này lại cầm theo đao Nhật, vậy nguồn gốc từ đâu mà ra? Không lẽ là thuộc về đám thổ ti nhà Nguyên xưa sang đây khai mỏ, qua hồ này bị hãm hại cướp lấy? Song, người Nguyên quen dùng bội đao có hộ thủ chữ thập, đâu có chuộng đao Nhật có hộ thủ hình tròn? Hay người cá đã ám hại đội ngũ cô Đằng, cướp lấy binh khí này? Lưỡi đao lại han gỉ, gãy nát, khó lòng là đao của cô Đằng. Dẫu đoán biết vậy, song lòng ta nóng như lửa đốt, thực sự không biết phải suy đoán ra sao.”
***
Ghi chép của Lạng
“Thượng tuần tháng Mạnh Xuân.
Bước sang ngày thứ tư, vẫn không có tung tích gì phía cô Đằng. Các Thập trưởng tuy không nói gì, nhưng đều có vẻ lo lắng. Đội ngũ tiến thoái lưỡng nan: Đi tiếp thì không có thủ lĩnh, lùi về thì công cốc, hỏng việc.
Tới lúc này, ngay cả quan Phụ đạo cũng không biết phải làm sao. Những ngày gần đây, tâm trạng người tên Mộc cũng buồn rầu, ủ rũ. Hắn thường xõa tóc ngồi một chỗ, ôm cái xác tên Ảnh mà cười, nói một mình, hễ kẻ nào tới gần là nổi giận, xua đuổi, thóa mạ. Người Ấp Nhạn cũng chẳng còn kiêng nể gì, sau lưng quan Phụ Đạo thường nhổ nước bọt, ném đá kẻ này.
Lương thực đã sắp hết, sắp tới lúc phải bỏ lại xe kéo để mổ trâu ăn. Nếu còn nấn ná lại đây, ắt sẽ tới lúc phải ăn tới thịt ngựa, điều này quả thực vạn bất đắc dĩ. Ta thực lòng không muốn bỏ mặc cô Đằng mà trở về, nhưng xem ra chẳng còn phương kế nào khác.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI