8943-chuong-3-nhieu-chuyen-thanh-ban
Trần An hỏi:
“Lẽ nào chút tin tức cũng không có sao? Hoàng đế đáng ra phải rất yêu thương y mới phải!”
“Đương nhiên là có! Năm nào cũng báo cáo đều đều, rằng hắn vẫn khoẻ lắm, học được cái nọ cái kia, mà chả thấy mặt! Có lần ta hỏi thẳng Mã Nghị chỗ lão thầy đó dạy học, ả chỉ một mực bảo vì an toàn của thái tử, ngoài ả với cậu mợ ta ra thì không ai được biết, còn liên tục trấn an ta yên tâm đi, thái tử chẳng có việc gì đâu!”, Nghi Phụng như gãi trúng chỗ ngứa ém lâu ngày, bỏ hộp đồ ăn xuống, làm một hơi. “Ta có lo gì đâu mà kêu ta yên tâm! Thái hậu chỉ có mỗi hai người con là cậu và mẹ ta thôi, ta không cầu làm vua nhưng ta nhất định phải thật giỏi, giỏi không kém gì vua, như vậy mới xứng danh Nghi Phụng này! Ta còn tưởng cậu ta sanh con trai, nó sẽ cùng với ta cạnh tranh tài năng thế nào, giờ đã bặt tin tức lại chẳng thấy người đâu, hừ! Hắn còn được tên Yêu Vương kia bảo vệ, sau này có so tài làm sao công bằng được đây? Thế gian này đúng là không công bằng!”
Nghe tới đây, Trần An bỗng bật cười khanh khách làm Nghi Phụng đang máu dồn đầy não cũng phải ngạc nhiên.
“Sao người đẹp cười?”
Trần An vui vẻ nói:
“Ta thấy tình trạng của ngươi đúng là ‘kỳ vọng càng cao, thất vọng càng lớn’! Nếu ta là ngươi thì đã bỏ đi quách từ lâu!”
Nghi Phụng khó hiểu hỏi:
“Sao lại bỏ đi?”
Trần An thoải mái đáp:
“Ta là kẻ đơn giản, nếu làm ăn xin, xin chỗ này không cho thì đi xin chỗ khác, thế gian thiếu gì hoa thơm cỏ lạ, đâu cần quyến luỵ một nhành hoa? Nếu ta là ngươi sẽ càng không làm khổ mình, chầu chực một đối thủ không biết khi nào xuất hiện… Ta sẽ ngao du kết bạn năm châu bốn biển, học hỏi thật nhiều thứ thú vị, đến những nơi mà ít người có thể đến, đi các chốn mà ai trong đời cũng nên đi. Tới khi già thì tìm một hòn đảo nào đó xây am tranh trồng hoa cảnh, đem tất cả việc ngao du ấy chép thành một quyển sách, ai có duyên thì tặng lại làm kỉ niệm, nếu vô duyên thì hãy để cho cuộc hành trình của ta là bí ẩn lưu truyền hậu thế ngàn đời!”
Bất ngờ, Trần An chợt nhớ trong tập sách cũ của thầy Duyên có bài thơ nọ, vụng được mấy câu chẳng thuận theo bài, ráp lại ca:
“Ðáo xứ giang sơn như thức thú,
Hỷ nhân xà hổ bất thi uy…
Tịch tịch thuyền song vô cá sự,
Ngư ca giang thượng khán tà huy.”
(Ngàn núi muôn sông như đã biết,
Mừng cho hùm rắn chẳng ra oai…
Lặng ngồi cửa thuyền nhàn vô sự,
Nghe tiếng chài ca, ngắm chiều tà.
Há Than Hỷ Phú – Nguyễn Du)
Nghi Phụng dường như lần đầu tiếp nhận tư tưởng mới, có chút ngẩn người. Trần An cũng tỉnh mộng, thấy mình mơ đẹp quá rồi, bèn quay lại chủ đề:
“Mà hồi nãy ta nghe ngươi nói Trọng Tuyên vừa là chủ Diệu Ương Cung, vừa là cái gì Thượng Yêu Vương, nghĩa là sao?”
“À…”, từ trong sương mù trở lại, tâm trí của Nghi Phụng có chút mờ mờ tỏ tỏ, trình bày rời rạc hơn lúc thường. “Thì là Yêu tộc có Tam Vương, Trọng Tuyên là vua của hải vực và núi cao, tuy nói lão ở biển nhưng mà là núi giữa biển, núi đó lại còn cao hơn hết thảy núi trên đất liền, trong Tam Vương chỉ có lão là huyết mạch chính thống truyền đời, vì cai quản ở vị trí cao nên gọi là Thượng Yêu Vương, có điều lão không thích bị gọi như vậy lắm, nghe nói trong yêu chúng đa phần đều xưng lão là Diệu Yêu Vương vì lão là chủ nhân của Diệu Ương Cung; nổi tiếng không kém lão là Thuỷ Độc Vương – Ô Thác, vua của đầm lầy và hồ chằm, y quản đám giao nhân đó – nghe cũng hiểu rồi, tính cách phóng túng vô cùng, tâm địa cũng hiểm độc nữa; vị cuối cùng thì người ta đa phần chỉ đề tên cho đủ bộ chứ ít ai biết mặt, đó là Hân Hoà Vương – Kỳ Minh, các mộc yêu thụ yêu cỏ tinh đều rất tôn kính hắn, trong Tam Vương hắn là trẻ nhất cũng ít danh tiếng nhất.”
“Ồ, ra vậy!”, Trần An gật gù.
Nghi Phụng tròn mắt:
“Nhà người đẹp ở núi nào, làm sao cái gì ta biết thì người đẹp cũng đều không biết hết vậy?”
“Đúng thế, nhà ta ở chỗ mà ngươi không biết, cho nên cái gì ta biết thì ngươi không biết và ngược lại!”
Nghi Phụng không phản bác mà nghiêng đầu nghĩ ngợi. Trần An lại hỏi:
“Lúc nãy ngươi từng nói là đi tìm kỹ… viện kỹ thuật, sao lại muốn tìm nơi đó?”
Nghi Phụng liền rầu rĩ:
“Ta muốn làm cái gì đó lưu danh hậu thế, nhưng cả cái cung điện toàn là heo thích ăn xong nằm chờ chết! Cho nên ta muốn tìm người cùng chí hướng, nghiên cứu tạo ra kiệt tác nhân gian!”
Ý chí thì hùng hồn, lời cũng ngay thật mà giọng điệu lại ủ dột như rau úng, hiển nhiên là đang thất vọng tràn trề. Cũng phải, nếu không thì một hoàng thân như hắn sao lại chạy ra khỏi kinh thành mà bôn ba nơi hoang dã đồng vắng, chỉ vì tìm cầu một tri kỷ sao?”
Trần An ở gần không thể nhìn kỹ dung mạo đối phương, dựa vào giọng nói, đoán hỏi:
“Ngươi năm nay chắc hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi rồi à?”
“Hai mươi ba, hơn rưỡi.”
“Cũng tính là hai mươi ba thôi!”
“Còn người đẹp?”
Trần An vò đầu, ra vẻ bất đắc dĩ.
“Lạ thật, ta lại bằng tuổi em họ của huynh…”
Nghi Phụng không cho là lạ, nói:
“Thế thì có sao đâu? Chẳng lẽ ngày thái tử sanh thì tất cả những đứa trẻ khác đều không được sanh trùng mà phải mau mau chui ra trước một ngày, hay từ từ mà ra sau một ngày hay sao? Vô lý hết sức!”
Miệng Trần An bật ra hai chữ “nói hay”, lại nắm tay này đấm xuống lòng bàn tay kia, cười bảo:
“Vậy ta phải gọi huynh là huynh mới đúng!”
Nghi Phụng cũng lí luận:
“Đúng là xét theo tuổi thì chúng ta ai là anh ai là em đã rõ cả rồi, nhưng mà về mặt kiến thức, ừm thì huynh vẫn là có chỗ hiểu biết hơn ta, nên ta cũng gọi huynh là huynh!”
Trần An không nhận, giơ tay làm dấu ngăn lại.
“Ta chỉ biết chút ít chuyện thôi, chuyện con con trên núi xa xa, không đánh kể!”
“Hơn một chuyện cũng đã là hơn!”, Nghi Phụng lắc đầu. “Vả lại ta có một em rồi, giờ thêm một anh nữa thế là đủ bộ, quyết định vậy đi!”
Ngươi không bình thường tí nào đâu, tên cao nghệu này!
“Nếu huynh đã nói vậy, thì chúng ta thống nhất như thế đi!”
Trần An đưa tay ra bắt, Nghi Phụng tưởng nhầm là hắn đang giúp mình đứng lên, liền mau mắn nắm lấy mượn đà ngồi dậy.
“À người đẹ…”
“Dẹp vụ này đi, không là chúng ta thành người dưng đấy nhé!”
Nghi Phụng: “…”
Lửa lép bép gần tàn, Trần An đi dạo xung quanh, mò tìm một ít cành khô ném thêm vào, Nghi Phụng cũng làm tương tự, lại còn vừa theo sát mông vừa hỏi:
“Thanh gươm của huynh là…”
“Ta nhặt được bên đường, của một đoàn buôn bị giao nhân sát hại.”
“Huynh cũng gặp giao nhân rồi sao?”
Trần An gật đầu.
“Có biết, chúng rất hung tợn.”
Nghi Phụng đồng tình.
“Đúng đấy! Mấy hôm trước ta còn thấy cả một đám cơ, ta có thử rình quan sát xem, con đầu bư này là con lẻ, nó phát hiện ra ta nên bám theo, mà chúng hầu như lúc nào cũng hầm hè muốn đánh nhau, lúc đè nhau cũng cào cấu lung tung, rên như sắp đẻ nữa!”
Rình coi giao nhân “tập giao”, ngươi đỉnh lắm!
“Huynh thấy chúng ở đâu?”
Nghi Phụng huơ tay:
“Đầm Giao nhân, cách đây khá xa! Chỗ đó mưa suốt ngày, đầm này tiếp đầm nọ, giao nhân đầy nghẹt, ta thử tiến vào xem xét nhưng chúng đông quá, tanh kinh khủng, đành bỏ kế hoạch.”
Hẳn là chỗ của Mã Nghị nhưng là rìa ngoài, Trần An lại hỏi:
“Xa lắm sao? Cách đây bao nhiêu dặm đường?”
“Chà, xa lắm! Chắc khoảng năm sáu trăm dặm gì đó!”
Trần An: “…”
Trời lại mưa!
Mưa nhỏ thôi nhưng chẳng mấy dễ chịu, Nghi Phụng lần này chịu chơi hơn rồi, đem hẳn cái “bánh ú” đó ra, kéo phồng lên thành cái “lều”, nhìn kỹ trông nó giống một cái túi bằng vải kim tuyến giăng trên khung vàng, bốn mặt đều thêu hoa văn hình sóng lả lướt vô cùng. Hỏi ra thì Nghi Phụng bảo đây là pháp bảo gia truyền của nhà hắn, có thể thu phóng tuỳ ý, chứa được rất nhiều vật dụng và có thể làm vật hộ thân vì ngoại trừ Thất Nhật Hoả thì không lửa nào thiêu nó được, ngoại trừ Vạn Hải Thuỷ thì không nước nào dìm nó được, gặp đất có thể ẩn tàng, cỡ lớn nhất có thể hoá là cao ngang toà tháp bảy tầng, cho dù vậy thì trọng lượng cũng không đổi, có thể nhẹ nhàng như diều trong gió thoải mái bay đi. Tên của “bánh ú” là Tàng Kim Tú, Nghi Phụng nói cái tên này có nghĩa là trong mĩ vật có đồ trân quý.
Trong lều ngoài quần áo, hộp Thiên Lương để đựng đồ ăn, còn có một cái dù làm bằng chất liệu tương tự Tàng Kim Tú, một thanh kiếm hoa văn cực đẹp lại sắc sảo, và một chiếc bình kiểu trái bầu khô làm bằng ngọc xanh, chạm vào thì lạnh như băng. Hai người ngồi trong “lều”, ngắm trời mưa, Nghi Phụng chịu đựng không được bao lâu liền mở miệng:
“Bài thơ hồi nãy huynh đọc có nghĩa là gì?”
“Giờ huynh mới nhắc ta quên mất rồi! Đại khái là kẻ nhàn du không mong sóng gió, chỉ thích bình lặng ngắm nhân sinh.”
Thấy Trần An thiu thiu muốn ngủ, Nghi Phụng lại rối rít:
“Này, mưa là bạn của thi nhân! Sao huynh không làm một bài?”
“Ta có biết làm thơ đâu, chỉ nhớ theo kiểu chắp vá thôi.”
“Đọc một bài đi mà!”
“Một bài dài lắm làm sao nhớ hết!”
“Vậy nửa bài, mấy câu cũng được! Cơn mưa này thật kinh khủng, nghe như thể muôn người rơi lệ, khóc to không khóc, khóc nhỏ không khóc, cứ rỉ rả rỉ rả…”
Trần An lại “phiêu” về tập thơ của vị sư hiếu thảo ấy, lục lại những trang giấy vàng thô ráp, lật thấy một đoạn, bèn đọc:
“Long tong mưa nhỏ gieo từng giọt
Vắng lặng không nao một tiếng gà
Chờ nửa vầng trăng, trăng chẳng lại
Đêm dài đằng đẵng, đêm bao la…”
(Đêm Mưa Đất Khách – Nguyễn Bính)
Thốt xong hai chữ “bao la” bèn ngủ mất…
“Nè nè, dậy đi!”
Cả người Trần An bị lắc mạnh, day dứt khỏi cơn mơ ngủ, giọng trầm như khói:
“Gì mà lay kinh thế?”
Nghi Phụng thầm thì:
“Có yêu!”
“Chém nó!”
“Là giao nhân đó, nhìn bóng đi… Có thể nào là ta chém chết một tên được gia đình yêu thương, nên bây giờ bọn chúng kéo tới trả thù không?”
Trần An không ngồi dậy ngay, thầm quan sát tên yêu quái qua cái bóng hắt lại từ phía ngoài “lều”, lửa đã tắt, mưa cũng hết, vầng trăng khuyết lại tỏ rõ cái đầu có mang có vây to cỡ trái dừa khô đang dạo vòng quanh “lều”. Con yêu đó lùn thấp, đi vòng vòng, lúc xa lúc gần như đang dọ thám hoặc đang tò mò hít ngửi khắp nơi.
“Không thể là giao nhân đâu.”
“Có vây có mang, chắc chắn!”
“Giao nhân to hơn nhiều, vả lại chúng không có tay.”
Nghi Phụng ngạc nhiên hỏi lại:
“Sao?”
Trần An:
“Nhìn kìa, nó có hai tay, mỗi tay bốn ngón, đang rờ rờ phía ngoài đó!”
Nghi Phụng ngó nghiêng nhìn kỹ, toan mở cửa “lều” xông ra xem, Trần An lại nói:
“Đầu to thân nhỏ, chắc là ngư yêu biến hình!”
Tuy chỉ có chút kiến thức về thế giới Nhân – Yêu mới lạ này, Trần An cũng tự suy luận được, với các chủng loại yêu quái, từ biến hình hoàn chỉnh như Mã Nghị, tới nửa nọ nửa kia như Phi Hoạt, hay là hiện nguyên hình, đều hiểu ngọn nguồn là dựa trên đạo hạnh của yêu quái đó. Con ngư yêu này tu chưa tới, mà có vẻ không phải là đi săn, Nghi Phụng sẽ bắt nó dễ dàng thôi. Tuy vậy, Trần An cũng đặt tay lên chuôi gươm của mình, đề phòng bất trắc.
Nghi Phụng cầm thanh kiếm kia lên, cầm bằng tay phải, tay trái mở cửa “lều”, vọt ra ngoài như tia chớp. Chính lúc ấy ngư yêu đang lòng vòng bên ngoài cũng quay lại đúng lúc đúng hướng, hai bên giáp mặt tích tắc…
“Á… Á… Á…”
Trần An đang ở trong lều xem rối bóng, thấy hai cái bóng một cao một lùn nhìn nhau la làng, bèn rút gươm chạy ra xem.
Trần An: “…”
Nghi Phụng: “…”
Đứa còn lại: “Đừng có nhìn ta, a a a… Ta ăn không ngon đâu, a a a…”
Trần An bình tĩnh kết luận:
“Không phải giao nhân!”
Không – phải – giao – nhân lắc đầu lia lịa:
“Đúng đúng, không phải giao nhân!”
Nghi Phụng nghiêng đầu quan sát:
“Ngươi là nòng nọc?”
“Ta là cá, là cá mà! Các ngươi nhìn không ra sao?”
Trần An:
“Ta nói rồi, nó là ngư yêu!”
Ngư yêu gật liên hồi:
“Chính phải, là ngư yêu!”
Nghi Phụng tuốt gươm bằng tay trái, động tác nhanh mà chuẩn xác, còn kịp thông báo với Trần An:
“Ngư yêu biến hình được thế này thường giảo hoạt lắm, mau chém!”
Ngư yêu kia vốn đang đứng, vừa nghe xong liền rớt mông cái phịch, khóc oa oa:
“Ta còn nhỏ mà!”
Trần An hỏi:
“Mấy trăm tuổi rồi?”
“Năm chục!”
Nghi Phụng vung kiếm quát:
“Xạo! Ngươi nghĩ ta là ai mà định gạt? Thứ yêu quái cỏ như ngươi tu mấy trăm năm may ra mới rời khỏi nước được mà lên bờ, biến hình thành người ít nhất cũng hơn năm trăm tuổi! Ngươi nói ngươi năm mươi tuổi? Ta xào ngươi ngay luôn!”
Ngư yêu cuống quít, khai báo một hơi:
“Ta không có xạo! Thật mà! Ta vốn dĩ không có tu luyện gì hết, ta là một con cá sống trong cái khe nhỏ dưới chân núi Canh Hoa, ngày nọ bỗng thấy có vật gì màu đỏ rớt từ trên cao xuống, ta tưởng thịt nên nuốt mất… Sau đó thì cơ thể có biến đổi, ta hỏi lão cá trê, lão nói ta sắp hoá hình được rồi, rồi rồi rồi ta thành như này…”
Trần An hỏi tiếp:
“Rồi sao nữa?”
Ngư yêu lại oà lên:
“Ta nghĩ là mình gặp may, cho nên thử rời quê hương đi tìm thầy, hy vọng có ngày biến hình thành người, có thể đi tìm tình yêu đã mất…”
Trần An: “…”
Nghi Phụng đương nhiên không tin.
“Cá khe như ngươi toàn cặp kè một chỗ, làm gì có tình yêu đã mất!”
“Có mà! Lúc đó ta nhỏ lắm, cha mẹ đều không còn, nên chỉ dám quanh quẩn gần hang nhà, không có gì ăn toàn chịu đói… Bữa nọ bỗng có một trái đào tím rơi từ trên trời xuống, ta mừng quá nên đuổi theo, đuổi ra tới ngõ sông lớn thì bị lạc, may mắn gặp lão cá trê đưa ta về…”
Trần An có vẻ đã hiểu:
“Cho nên bây giờ ngươi đã lên bờ được, ngươi muốn đi tìm trái đào tím kia?”
Ngư Yêu gật đầu:
“Đúng vậy!”
Nghi Phụng: “…”
Trần An bước tới một bước, ngồi xuống đưa tay sờ đầu ngư yêu.
“Trên… trên đầu ta có vảy cứng, coi chừng ngươi bị thương!”
“Đã biết!”
Trần An cẩn thận sờ sờ, cảm giác gặp được cá chạy trên bờ thì ra rất thú vị, da nó có vảy đúng là da cá, mặt mày thì nhìn không được rõ lắm nhưng xúc giác thì vừa lạ vừa quen. Nghi Phụng đứng cảnh giới một lúc lâu, cuối cùng cũng hạ kiếm xuống, tiến đến xem xét ngư yêu cùng với hắn.
Ngư yêu bị sờ sờ có hơi sợ, nhưng cũng đứng yên, mãi mới nói:
“Hai người là pháp sư sao?”
Trần An lắc đầu, Nghi Phụng cũng nói: “Không phải!”
Ngư yêu tăng thêm dũng khí, lại hỏi:
“Ta biết làm một số việc vặt, có thể cho ta theo hai người được không?”
Trần An nói:
“Ngươi thì biết làm gì?”
Ngư yêu đáp:
“Giặt quần áo, rửa chén, quét nhà, ta cũng có biết ít chữ nữa!”
Trần An thắc mắc:
“Ngươi từng ở qua với con người sao?”
Ngư yêu lắc đầu nguầy nguậy:
“Không có, họ mà bắt được ta, ta sẽ chết liền!”
Nghi Phụng liền đa nghi:
“Ta đã nói với huynh là con yêu này có vấn đề, nó không tu luyện mà biết biến hình, không sống cùng người mà biết việc của người, còn đòi theo chúng ta chắc chắn là muốn giở trò đồi bại!”
Trần An: “…”
Ngươi sợ cá giở trò đồi bại với ngươi? Đi lầu hoa nhiều quá quả nhiên có bệnh!
Ngư yêu phân trần:
“Từ lúc trở thành như này ta cũng ít khi lên bờ, thường núp ở mấy hào nước hoặc cống rãnh gần chỗ người ở, quan sát họ làm việc, học lỏm được chút ít… Ta, ta muốn tìm thầy nhưng không biết phải đi đâu, nên có chút… có chút nhớ nhà, muốn theo hai người làm công, xin ít tiền về quê…”
Nghi Phụng: “…”