Pub cách cư xá chỉ tầm năm trăm mét, vậy mà Khương vẫn bất chấp lái con xe máy chở cá đi làm. Hết nửa đêm, Vũ xiêu vẹo lái chiếc xe chở Khương ôm thùng mô hình quay về cư xá. Con xe thiếu hẳn một bên mang, đã vỡ bóng đèn còn vặn mình răng rắc như rên rỉ. Vũ chạy chậm hơn cả xe đạp vì sợ xe rơi bánh, Khương khổ sở kêu lên:
“Xe này mẹ em chở cả tạ cá dưới cảng lên bờ còn không sao, anh cứ thoải mái đi đi!”
Khương vừa dứt lời, ống bô xe kêu lên mấy tiếng bạch bạch như cơn ho lâu ngày của mấy ông cụ tám mươi. Vũ nghe xong thì không dám vặn ga, anh cứ thế giương mắt nhìn mấy chiếc xe đạp của ba cậu sinh viên từ phía sau lao vút lên trước mình.
Lải nhải vài lần mà Vũ vẫn không chịu đi nhanh lên, Khương đành yên vị ngồi sau xe hát hò đủ kiểu. Lại là mấy bài hát quen quen từ lúc nãy, Vũ nghe một bài hay ho từ lời đến nhạc, không nhịn được liền hỏi:
“Bài gì đó?”
“Dạ, ừ.”
“Hả?”
Khương nhắc lại:
“Ừ!”
“Ừ cái gì?”
“Anh nhớ cái bài “Nếu chúng ta có thể nói yêu nhau bằng một nụ hôn thì chúng ta cần gì nói yêu nhau” không?”
Khương nói hết cả hơi, Vũ đáp gọn hơ:
“Ừ.”
“Ừ đó! “Ừ!”, bài tiếp theo của “nếu chúng ta có thể nói yêu nhau bằng một nụ hôn thì chúng ta cần gì nói yêu nhau” là “Ừ!” đó.”
Động cơ xe máy của Khương cứ kêu lên tạch tạch tạch, Vũ đần mặt ra nhìn đường. Thể loại ca sĩ gì mà đánh đố thiên hạ đến thế, ra bài dài ngoẵng rồi lại ra bài ngắn tũn như thể trêu ngươi?
Khương hát tiếp vài câu, đúng là bài ngắn tũn này có liên quan đến bài dài ngoằng kia. Ban đầu Vũ còn mím môi nghiêm túc lái xe, nhưng càng nghĩ càng thấy sai sai, anh bắt đầu cười ha hả. Chiếc xe lách qua hòn đá lớn rơi trên đường nên xiêu vẹo, Khương đem cánh tay vòng vào eo Vũ, tự nhiên kéo mình sát về phía anh.
Vũ đã quá quen với việc tự tiện của Khương, anh đưa tay vỗ nhẹ lên tay Khương không biết là ra hiệu cho cậu thả ra hay là muốn nói điều gì khác. Bởi vì khi đó Vũ còn bận cười nhiều quá, anh không nói ra được một tiếng nào có nghĩa cho Khương biết ý anh là gì.
—
Báo đài ra rả nói chuyện không được tắm khuya, rốt cuộc vẫn không cản được Khương bước ra khỏi phòng tắm với quả đầu ướt đẫm. Nhón gót chân đi trên sàn gạch, Khương với lấy chiếc máy sấy rồi lại đặt xuống. Đầu tóc mỗi ngày đều phải sấy nếu muốn vào nếp đúng, nhưng Vũ đang ngồi trầm ngâm trước máy tính, Khương không muốn làm phiền.
Cậu ra ban công lau khô tóc. Gió nóng đã hết, không khí dịu đi rất nhiều. Buổi đêm trong cư xá thanh sạch, âm thanh không có nhiều, cũng lác đác vài phòng đèn sáng. Khương im lặng lau tóc rất lâu, ngón chân trần đá mãi vào mấy chậu đất nung con con mà Vũ đã sắm về làm nhà mới cho đám cây sen đá. Sen đá thực sự mọc thành cây con từ mấy chiếc lá mập ú, nhưng chắc phải đến khi Khương tốt nghiệp rồi thì chúng mới đủ kích thước trưởng thành. Hết đá lá, Khương lại nhìn tay mình. Bàn tay bình thường không có gì đáng nói, đường rãnh ngắn ngủn, gập cả cổ tay lại cũng không đủ hai đường để chứng minh rằng cậu sẽ sống lâu như cách vài thầy bói phán truyền.
Khương là người bồng bột, làm gì cũng không cần suy nghĩ quá nhiều. Nếu như một việc có nhiều hơn một đáp án, cậu đơn giản là chọn một, sai hay đúng gì thì cũng phải chọn mới biết được, càng chọn nhanh thì càng biết nhanh. Nhưng Khương không thể chọn ra đáp án đúng cho việc nắm tay. Hai bàn tay lén lút chạm vào nhau rồi đan vào nhau còn mờ ám hơn cả việc chạm môi, dù Vũ chắc chắn không nghĩ nhiều như thế.
Nắm tay không giống hôn. Hai người không yêu nhau có thể hôn nhau, nhưng lén lút nắm tay nhau lại là chuyện khó hơn nhiều.
Có lần Khương về Trùng Khương một mình vì Vũ ở công trình qua đêm. Cậu có một mình thì cũng ngồi ăn phần cho hai người, đúng lúc nhà hàng vắng khách, cậu phục vụ ra ngồi chung. Phục vụ là bạn cấp một với Khương, hai người học cùng xóm, cậu này không đi học tiếp đại học mà chỉ loanh quanh làm việc trong bến cảng. Hai người ngồi ăn rồi cũng uống vài cốc, cậu phục vụ hỏi Khương sao đợt này về có một mình.
Khương dẩu môi nói:
“Về một mình ăn được nhiều thứ hơn chứ, còn không phải phục vụ ai.”
Cậu kia dằn cốc bia xuống bàn, làn da rám nắng cùng bộ dạng chắc nịch của dân biển nhìn già hơn Khương không ít tuổi.
“Ai không biết còn tưởng hai người yêu nhau, phục vụ cũng là mày lăng xăng tự nguyện mà.”
Khương nói:
“Yêu đương gì đâu không biết! Ông Vũ đó tính tình như ông già vậy. Biết sao không, có ngày đó…”
Khương không nhớ mình đã kể ra bao nhiêu “ngày đó”. Cậu biết nhiều về Vũ đến bất ngờ, nhớ kể đến cả mấy điều cỏn con như là mỗi khi ngồi lên xe Khương, Vũ đều buộc lại sợi dây thun dùng để giữ chóa đèn xi nhan bên phải. Vũ tính tình dễ chịu, miệng có thể mắng người nhưng cũng chỉ đến thế, mấy câu mắng còn không đủ gãi ngứa cho đứa da mặt dày như Khương. Vũ đối với người lớn thì rất người lớn, đứng trong đám sinh viên cách anh có vài tuổi lại càng ra dáng trưởng thành. Vũ cười rộ lên không đẹp, sẽ hiện ra nếp nhăn khóe môi hình ngoặc kép. Vũ có bờ vai rộng lắm, vậy mà đến cái áo ba lỗ chín mươi chín phần trăm con trai đều mặc trong mùa hè anh cũng không chịu mặc để khoe vai.
Có lần nói chuyện với đám nhân viên trong pub, Khương to mồm lí luận với một cậu em rằng người ở gần nhau lâu ngày mà không xảy ra xích mích nhưng cũng không nảy sinh tình cảm thì chỉ có thể là vì không đẹp trai. Cậu em kia vặc lại rằng kiến trúc sư nhà anh cũng đẹp trai, anh nói xem hai người tiến triển đến đâu, sao anh vẫn còn lang thang tính bài cưa trai còn anh Vũ thì càng ngày càng giống nhà sư không bao giờ nghĩ đến hoàn tục.
Khương hụt mất một nhịp tim, lần đầu tiên cứng họng không biết đáp sao cho hợp lý. Vì Khương biết Vũ chỉ thường hưởng ứng theo những trò mà anh cho là vô hại, nhưng không mảy may nghĩ đến điều gì sau khi trò chơi kết thúc. Nếu cậu tới hôn khi anh đang uống dở cốc nước, ngay cái giây rời môi ra sẽ là giây Vũ tiếp tục cầm cốc nước lên. Và những bản vẽ kĩ thuật trên máy tính, những nhánh cây nho nhỏ trong mô hình kiến trúc, tất cả đều quan trọng hơn việc anh vừa được – hoặc bị hôn.
Bởi vì Vũ bình thường thờ ơ như thế, nên chỉ cần anh nắm tay một chút, Khương đã không khỏi nghĩ nhiều.
—
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đã hết mùa hè. Khương vì rảnh rỗi nên đăng kí học vượt mấy môn, học hè ít sinh viên thành ra được chỉ dạy kĩ hơn khi học chính khóa. Mùa hè hết cũng là lúc Vũ phải chọn học lên để làm giảng viên hay là chuyển hẳn ra khỏi cư xá dành cho thạc sĩ. Nghe đâu nhà trường vẫn muốn cấp cho anh tiện nghi dù không học thạc sĩ, lí do có liên quan đến mấy công trình được công ty nhà Vũ tài trợ cho trường. Khương không hỏi nhiều, cậu kí hợp đồng sáu tháng, hết sáu tháng thì chưa biết có thể ở lại hay không. Cư xá thạc sĩ ngoài Vũ ra thì cũng có nhiều chuyện để làm vui. Người lớn đi học đi làm, tất cả đều kín tiếng và dễ thương, hiếm lắm mới có người đóng cửa trong nhà dùi mài sách vở. Ban đêm thỉnh thoảng mọi người lại tụ tập ở dưới sân, Khương không đi làm thì cũng chạy xuống chặt dừa nạo dừa với mẹ con nhà bán nước, nghe kể những chuyện mà đám sinh viên không bao giờ biết để kể. Có Vũ xuống theo thì còn tốt hơn nữa. Mọi người hỏi han Vũ khá nhiều về mấy công trình chỗ này chỗ nọ. Có người tưởng kiến trúc sư toàn năng hay gì đó, còn bàn bạc cả chuyện đất đai chỗ này quy hoạch chỗ kia. Vũ trả lời trơn tru, Khương là đứa học hành đàng hoàng nhưng đôi khi cũng không bắt kịp nội dung câu chuyện. Những lúc đó, dù cách có vài năm tuổi, Khương vẫn thấy mình như đứa trẻ con vẫn còn trong kén, chỉ đục được hai chiếc lỗ nhỏ ngắm cả một đàn bướm trưởng thành. Cậu chỉ có tác dụng giải trí là nhiều. Mà thế giới của người lớn cần nhiều thứ hơn là một đối tượng chỉ để giải trí.
“Khương, đi tắt đèn hành lang anh với.”
Vũ kêu lên nhưng mắt không ngẩng nhìn. Khương vâng dạ liên tục, cậu đi ngang bàn còn vuốt má Vũ một cái rồi tiện miệng phân bua là muỗi đốt. Vũ thật ra chẳng hỏi nhiều như thế. Khương ra hành lang tắt đèn, đi vào phòng ngủ. Không có phim để xem, không có nhạc để nghe, người thừa kế nhà buôn cá ngày hôm nay đặc biệt rút từ giá sách ra một cuốn luật bản quyền quốc tế, định đọc để dễ ngủ hơn.
Nửa đêm mơ mơ màng màng, Khương nghe tiếng hát vang lên từ một căn hộ nào đó trong khu. Rõ ràng người nọ đang tập ghi-ta, hợp âm vẫn còn lúc được lúc mất, lắm lúc tiếng đàn kêu lên bưng bưng như ngón tay chặn chưa tới cần đàn. Lại là cái bài hát của cậu ca sĩ kia, Nếu chúng ta có thể nói yêu nhau bằng một nụ hôn thì chúng ta cần gì nói yêu nhau.
Thật là nực cười. Phải có lí do thì người ta mới trực tiếp nói yêu nhau chứ. Bởi vì có rất nhiều người tự dưng lại biến mình thành chú bé chăn cừu, bởi vì ngày nay thanh niên không còn e thẹn chuyền tay nhau vài bức thư vẽ chim bồ câu lồng trái tim vào nhau, nên dần dà người ta không còn tin rằng một nụ hôn có thể chứng minh được cái gì to tát nữa.
—
Vài ngày sau đó, cả đám nhân viên trong pub được dịp cười ngất.
Trên trang mạng dành cho sinh viên của liên khu đại học bỗng nhiên xuất hiện một tấm ảnh tình cảm dạt dào, dù là chụp trong đêm tối nhưng vẫn không che được nụ cười bừng lên của hai người chở nhau trên đường vắng. Sở dĩ tấm ảnh gây sốt là vì ngoài ngoại hình của hai nhân vật chính, chiếc xe cà tàng chở cá với đèn pha mờ mờ càng làm người ta liên tưởng đến những mối tình giản dị thời sinh viên.
Dựa vào thứ tự tuổi tác của toàn bộ nhân viên trong pub, Vũ là anh cả, Khương được gọi là anh năm. Khương vừa dọn rác vừa cười khi nghe đám đồng nghiệp nói rằng gọi anh cả và anh năm là sinh viên nghèo thì GDP nước này chắc cũng đã nằm tít trên đỉnh ngọn cây. Người ta một người sinh ra trong gia đình có ba đời làm kiến trúc, là tầng lớp tri thức xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước; một người tương lai có khả năng sở hữu một vựa hải sản lớn, ngành nghề mũi nhọn trong đề án phát triển kinh tế của vùng, phải gọi là sự kết hợp vừa có tiền vừa có tri thức, đâu dễ mà được nghèo như Vũ và Khương.
Ngoài miệng Khương leo lẻo nói rằng anh em người ta tình sâu nghĩa nặng mà đi xuyên tạc lung tung, sau lưng lại lén lưu ảnh về rồi nhắn tin nhờ ban quản trị gỡ ảnh. Không giống như Khương, Vũ là sinh viên giỏi nên nổi tiếng. Giới kiến trúc loanh quanh đâu đó rồi cũng sẽ chạm mặt nhau, đến lúc đó chắc anh sẽ không mong có người hỏi han về con xe cà tàng hay em trai ôm thùng giấy xốp.
Hôm đó không phải ca của Vũ nhưng anh lại ghé qua quán để trả lương. Anh vừa đi làm về, vẫn còn ăn mặc nghiêm túc, sơ vin chưa tháo xuống, đương nhiên không biết mô tê gì khi các em của mình vừa đưa tay nhận lương vừa gửi cho anh một nụ cười rất mờ ám. Không phải nụ cười đi kèm với ánh mắt sáng ngây thơ vì được nhận tiền như những tháng trước, những ánh mắt đợt này đều liếc liếc nháy nháy. Vũ chưa định hỏi thì đến lượt Khương tới. Vũ nhìn vào bảng lương, thấy Khương bị trừ một chút vì ăn bảy quả táo và làm vỡ hai bát đựng muối, anh cười một chút rồi đưa cho cậu đủ số tiền lương. Khương nán lại trước bàn quản lý, hết gãi cằm rồi đến gãi tay, sau cùng nói:
“Anh, em xin lỗi.”
Vũ nói:
“Xin lỗi cái gì? Mấy quả táo thì thôi đi, lần sau nói anh mua thêm là được.”
Khương nói:
“Em với anh bị chụp lại rồi đăng lên trang sinh viên.”
Vũ ngay lập tức nhíu mày. Cái nhíu mày khiến cho mặt anh trông khó ở hơn rất nhiều, hai đầu lông mày gần như dán chặt vào nhau. Vẻ mặt vẫn còn hiền hòa chỉ qua chớp mắt đã đổi thành vừa khó chịu vừa bất an, Khương xua tay hạ giọng:
“Không có gì không có gì, chụp cảnh anh chở em đi xe máy hôm trước thôi. Em cũng nhắn quản trị viên xóa ngay rồi.”
Vũ ngước mắt lên:
“Xóa rồi à?”
“Vâng, xóa rồi. Khi đó mới chỉ có đâu chừng ba bốn trăm lượt chia sẻ thôi. Tại em lên mạng trễ nên không biết sớm.”
Vũ nói:
“Ừ, được rồi. Ảnh đẹp không?”
Khương thở phào móc điện thoại ra, trượt trượt một hồi rồi chìa cho anh xem. Vũ nghiêng đầu nhìn hai người trong ảnh đang cười quên trời đất, vai anh khẽ rung lên. Đưa một ngón tay đẩy điện thoại về cho Khương, Vũ đuổi cậu đi để trả lương cho người kế tiếp. Mấy đứa em còn lại cũng đều nhìn anh bằng ánh mắt phát hiện yêu đương đó, Vũ định bụng đem lương tháng mời bọn nhỏ một bữa, nhân tiện đính chính lại thông tin anh cả và anh năm hẹn hò với nhau. Nhưng anh cả chưa cần ra tay thì anh năm đã í ới hẹn cả đám ở lại để anh năm gọi đồ ăn từ nhà hàng Trùng Khương tới. Đám nhỏ vui như tết, Vũ trầm ngâm nhìn Khương hớn hở mở phong bì đếm tiền lương, vui vẻ đi kiếm cây lau nhà để móc lại dây đèn nhấp nháy đã bị rơi xuống khỏi ô cửa dẫn ra con hẻm bên ngoài.
—
Hò dô vài lượt, chúc mừng nhận lương, chúc mừng mùa hè sắp hết gần xong, Khương nhìn Vũ rồi khẽ nâng cằm. Hai người không ngồi cạnh nhau như mấy lần trước mà ngồi đối diện. Lúc đó Khương mới để ý rằng Vũ cực kì ít khi cười thành tiếng. Hình như chỉ có lần đầu tiên hai người hôn nhau rồi cậu bị cháy tóc và hôm bị chụp trộm là Khương có thể nghe rõ tiếng cười của Vũ.
“Mấy đứa hôm nay thấy ảnh hẹn hò của anh đúng không?”
Vũ vào thẳng vấn đề mà không hề đi vòng quanh trốn tránh. Bọn nhỏ ồn ào vâng dạ, Vũ nói:
“Tụi anh không có hẹn hò.”
Khương nhe răng cười. Một đứa học trường mỹ thuật nói:
“Tụi em biết mà, nên mới cười anh cả đó.”
Vũ nhướn mày:
“Biết anh với Khương không hẹn hò hả?”
“Vâng ạ.”
Vũ buột miệng hỏi vì sao, bọn nhỏ tranh nhau kể lại lần đầu tiên tụ tập để Vũ làm quen với đám nhân viên, có đứa đã bạo dạn hỏi ngay anh thích kiểu người như thế nào.
“Anh bảo anh thích người đàng hoàng!”
Khương bật cười ngay lập tức. Cậu cười không dừng được, hôm đó Khương chỉ bận nhìn môi Vũ nên không để ý đến chi tiết anh kể về mẫu người lý tưởng. Đến khi Khương dừng lại để lau nước mắt ứa ra trên mi, khóe môi cậu vẫn còn nhếch cao lên. Khương vươn người rót bia cho Vũ, nâng cao cốc bia của mình rồi cao giọng nói:
“Anh, mừng chúng ta không yêu nhau!”
Vũ cũng cười cười đưa cốc bia lên. Khương uống hết cốc bia của mình trước, cậu nhìn Vũ không chớp mắt. Ở đây có ai đàng hoàng thì Khương không biết, nhưng cậu biết rằng nếu nói đến ba chữ không đàng hoàng, cậu sẽ là người đứng đầu. Trùng Khương nghe tên thì sâu sắc hay ho, con người lại dở hơi nhảm nhí. Trời sinh ra đã là như thế, mặc kệ cậu có ở lại để học thêm học kì hè thì một trăm phần trăm bạn bè cũng sẽ nghĩ là Khương nợ môn đến nỗi phải học lại trong hè nếu không muốn tốt nghiệp muộn vài năm. Còn giả như Khương đàng hoàng nghiêm túc bớt ăn chơi, không phải nhuộm tóc trắng xác xơ như banh lông gắn bông gòn, đến cả mẹ Khương cũng không tưởng tượng nổi.
Cốc bia được Vũ uống cạn, anh nhìn vào đáy cốc lấm tấm vài viên bọt trắng. Thực ra yêu hay không yêu không hề liên quan đến chuyện không đàng hoàng mà anh nói bừa đợt trước. Huống hồ ở một mặt nào đó, anh cũng không coi Khương là thể loại không – đàng – hoàng.
—
Đám đàn em lấy cớ nhà xa để chuồn gần hết, Khương cũng không bắt ai ở lại dọn dẹp làm gì. Vũ cũng bị Khương xua đi để cậu dọn dẹp một mình, anh nán lại tính toán tiền lương đã trả. Tính tình Khương thích sạch sẽ, ai làm gì cũng ngứa mắt muốn sửa lại cho đúng ý, cậu vừa hát vừa gom hết một đống vỏ ốc vào túi lớn. Gom thêm với rác trong ngày pub thải ra thành một mớ nặng trịch, Khương lê túi rác ra bãi tập kết ở phía sau con hẻm, vừa đi vào thì nghe loáng thoáng tiếng người nói bên trong.
Chỉ có một mình tiếng Vũ vang lên, pub đã đóng cửa từ lâu, Khương mở nước rửa tay để không phải vô tình nghe thấy cuộc điện thoại. Nhưng âm thanh dịu dàng cứ chảy vào tai cậu, giọng nói của Vũ ít khi dịu dàng khai báo ăn cơm rồi, đang ở quán, hôm nay đi làm như thế, Khương nhẹ nhàng tắt nước đi.
“Thấy ảnh rồi hả? Sao bảo xóa rồi…”
“Đâu phải có tật giật mình. Có gì tốt đẹp đâu mà để lại, người ta xuyên tạc lung tung.”
“Không yêu đương gì đâu. Thằng nhỏ ở trọ cùng nên buổi tối đi làm về chung thôi.”
“Không yêu thật mà. Phiền muốn chết, trốn còn không kịp thì yêu đương cái gì?”
“Kí hợp đồng sáu tháng rồi. Làm như tôi là thể loại hoa gặp hoa nở vậy đó.”
“Ừ. Chừng nào về?”
“Không đón. Có chân thì tự về đi.”
Khương lại vặn vòi nước lớn lên. Sau cùng, cậu với lấy vỏ hộp xà phòng vừa bóc ở trên bồn rửa tay, mang ra ngoài bãi rác.
Cánh cửa sắt bên ngoài pub vừa khóa thì tháp đồng hồ của trường đại học cũng điểm nửa đêm. Khương dắt con xe cà tàng từ chỗ để xe nhân viên ra. Cậu nheo mắt nhìn kim xăng, giật thử chiếc đèn xi nhan, nói với Vũ:
“Hôm nay em về dưới cảng có việc, anh nhớ tắt đèn hành lang nha!”
Vũ xoay chùm chìa khóa xe trong tay, lắc đầu đáp:
“Có việc thì sớm mai về. Xe cộ như vậy tính chạy kiểu gì? Mà nếu định chạy thì sao không về sớm?”
Khương cãi:
“Em vẫn đi bình thường mà, xe này chạy một mạch vào tận trong Nam còn được.”
“Cậu uống bia.”
“Gan em lọc men tốt lắm, bây giờ đo nồng độ cồn cũng không còn tí gì đâu. Em đi đây.”
Nói rồi, Khương rướn người đạp cho xe nổ máy. Vũ thở dài một hơi, anh bước tới kéo tay ga lại, chỉ sang bên kia đường.
“Anh chở về.”
Bên kia đường có chiếc ô tô bán tải dán đủ thứ decal hầm hố đang đỗ lại. Nếu là bình thường thì cả Vũ lẫn xe hoàn toàn đúng gu Khương, cậu sẽ ôm lấy người hoặc ôm bánh xe ô tô đòi đi ké. Nhưng Khương bỗng nhiên mắc chứng gì không rõ mà lại cố sống cố chết đạp cho xe nổ, sau đó liều mạng phóng vụt đi.
Khương chạy về đến cảng thì con xe chở cá cũng bắt đầu thở khói đen. Cậu thở phì phò dắt xe vào nhà, vừa leo lên phòng đã thấy màn hình điện thoại hiện lên vài dòng tin nhắn hiếm hoi của Vũ.
“Đừng có trẻ con vậy.”
“Về tới nhà thì nhắn cho anh.”
Khương vứt điện thoại lên giường, ngồi vài tiếng nhìn đèn hải đăng chiếu ra ngoài biển xa. Hải đăng quét qua quét lại trên mặt nước đen, thỉnh thoảng lại có tàu bè rúc lên một hồi còi dài đáp lại. Vũ gọi điện vài lần không được thì không gọi nữa. Khương tưởng anh đã chịu thua, cho đến khi mẹ cậu lên cằn nhằn rằng sao lại không nghe điện thoại, để Vũ phải gọi vào số máy của mẹ kiểm tra tình hình.
Khương lấp liếm không đầu không đuôi:
“Con vừa tắm, vứt điện thoại trên giường nên không thấy.”
Mẹ Khương trừng mắt nhìn chiếc điện thoại trên tay cậu, sẵng giọng nói:
“Gọi lại đi, nó lo.”
Khương cười khì một tiếng, nói giọng nhẹ bẫng:
“Lo cái gì mà lo…”
“Đừng có trẻ con. Gọi đi.”
Rốt cuộc Khương vẫn không gọi điện. Cậu ở nhà mấy ngày liền, hết nhờ người thay ca ở pub lại đến gọi điện xin xỏ thầy cô cho vắng mặt trên lớp. Mấy ngày ở nhà, Khương chỉ ngồi chép sổ sách nhập vào bán ra hải sản. Khương lấc cấc nhưng không đãng trí, mấy thứ công việc này cậu vẫn có thể làm trơn tru. Mẹ Khương thấy con trai ngoan ngoãn ngồi đếm những tôm hùm cùng cá mú thì cũng vui lòng, không khí trong nhà ngoài cửa không có gì chê được.
Sau đêm đó, Vũ không liên lạc gì nữa. Nhưng Khương thì không quên đoạn nói chuyện kia của anh, cậu tò mò đi hỏi xem cái người hân hạnh được nếm tí dịu dàng của kiến trúc sư Lâm Vũ là ai. Không một ai Khương quen biết chuyện cá nhân của Vũ, Khương lặn lội mò vào trang Facebook của Vũ, lục lọi tìm kiếm rồi sau đó chọn ra một người chắc chắn là bạn thân. Bạn thân của Vũ vừa hay lại có một loạt bạn chung với Khương, cậu vừa gửi lời mời kết bạn thì đã được trả lời ngay tức khắc. Anh bạn thân cần chủ đề chung để bắt chuyện, Khương làm như vô tình nhắc đến Vũ, hai người nói suốt một buổi mới vòng về câu chuyện cái người kia.
Thì ra không phải chỉ một mình Khương có quá khứ để cho người ta chọc ghẹo. Vũ có một người bạn thân từ cấp một, hai người ở chung một khu, quần áo đồng phục đem chia nhau mặc lộn xộn cho đến khi Vũ nhổ giò cao vọt. Đi học một trường nhưng không bao giờ chung một lớp, vì một người thích đứng thứ nhất còn một người lỡ như có hứng làm bài tốt thì cũng sẽ nhảy lên hạng đầu. Đến khi vào đại học, đáng ra hai người vào chung ngành nhưng cuối cùng người bạn đó lại đi du học. Vũ ở lại trong thành phố học làm kiến trúc sư, người bạn kia ở trời Tây học nghệ thuật gì đó, vừa có thể đứng đầu lại vừa có thể đứng cạnh nhau, chấm dứt gần mười tám năm tị nạnh.
Khương nghe được chuyện thì tự dưng buồn hiu. Anh bạn thân hẹn chừng nào lên thành phố thì ra pub để anh mời một chai, Khương đồng ý trong vô thức. Thì ra không phải Vũ bận quá nên không chịu yêu đương, cũng không phải do người ta thấy anh vừa đẹp vừa giỏi nên không dám xáp tới. Vũ yên ổn sống hết mấy năm đại học là vì trong lòng đã để tên người khác. Khương còn tưởng mình bắt được đúng thời điểm, thì ra từ đầu đến cuối chẳng có tí kẽ hở thời gian nào đủ rộng để nhét cậu vào.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI