Năm 1965 là năm nổ ra Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder) hay còn gọi là Chiến tranh Phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Trong chiến dịch đó, nhằm mục đích ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa cho miền Nam kháng chiến, Mỹ và quân đồng minh đã ném xuống nước ta khoảng 864.000 tấn bom với tổng cộng 153.784 phi vụ. Mục tiêu nhắm vào chủ yếu là tuyến đường giao thông, cơ sở công nghiệp, công trình quốc phòng và các lực lượng phòng không.
Toàn bộ miền Bắc khi đó đã trở thành bãi chiến trường với hàng ngàn hố bom lớn nhỏ chi chít mọi vùng đất. Tuy vậy, số bom đạn sau các phi vụ còn thừa mứa rất nhiều. Không thể độc ác hơn, Mỹ và đồng minh sẵn sàng trút toàn bộ số bom ấy xuống làng mạc, thành phố, khu dân cư… bất kể nơi đó có người sinh sống hay đã sơ tán kịp hay chưa.
Rất nhiều sinh mạng vô tội đã bị tước đi một cách tàn nhẫn trong những trận không kích.
Tại một khu vực nằm ở phía ngoại thành, có năm đứa trẻ đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của chính ngôi nhà mình, bởi một trong những quả bom thừa ấy. Trong đó, đứa lớn nhất được mười hai tuổi, còn đứa bé nhất chỉ vừa sáu tháng.
Khi ấy, chúng vừa trông em, vừa bắt đầu lượt chơi mới của trò năm mười quen thuộc… thì tiếng bom nổ rền vang đến điên đầu. Sau đó, chẳng mấy chốc, toàn bộ khu vực quanh đó đều trở thành bình địa. Hơi nóng từ đất hừng hực bốc lên như thiêu đốt. Lửa cháy tràn lan khắp nơi. Và đâu đâu, tiếng người gào thét cùng hòa chung với tiếng bom chết chóc.
Có rất nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát như lũ trẻ. Nhưng cũng có vài người may mắn thoát ra được, lê tấm thân đau đớn trườn ra khỏi chốn địa ngục trần gian.
Chẳng ai có thể cứu giúp ai. Giữa cảnh bom rơi đạn lạc, ai cũng chỉ còn đủ ý chí cứu lấy bản thân mình. Thế nhưng, cảm phục thay, người phụ nữ bị đứt mất một cánh tay ấy đã nghe thấy và đáp lời bọn trẻ.
Tiếng khóc xé lòng của đứa bé út đã níu lấy tâm can người phụ nữ vừa mất đi con đó.
Bà cũng đã từng có một đứa con. Chỉ mới đây thôi, bà vẫn còn ẵm bồng, ru hình hài trên tay vào giấc ngủ. Nhưng hỡi ôi…
Bùng một cái! Bom giáng xuống.
Cánh tay tôi đâu rồi?
Con tôi ở nơi nao?!
Chiến tranh cướp đi của con người những thứ không thể nào tả được. Nó giằng xé, bất lực và đớn đau kéo dài đến trăm năm vẫn không thôi âm ỉ.
Thời khắc ấy, người phụ nữ đó chẳng cách nào cứu được con mình.
Rồi khi nhìn thấy năm đứa trẻ tội nghiệp bị mắc kẹt, một lần nữa, người phụ nữ đó càng thấm thía hơn sự bất lực của mình.
Bà chỉ có một lựa chọn.
“Xin lỗi. Xin lỗi các con…”
Ngay khi đứa trẻ lớn nhất trao cho bà đứa bé út qua khe nứt hẹp của khung cửa sổ, người phụ nữ bật khóc rồi cắp lấy đứa bé và chạy đi.
Bốn đứa trẻ còn lại điếng người trong tuyệt vọng.
Hôm đó, là một đêm sao trời rất sáng. Từ khe hở giữa những bức tường đổ, bọn trẻ có thể trông thấy bầu trời như đang sà xuống đất, gần thật gần, tưởng như chỉ cần vươn tay ra là có thể dễ dàng chạm tới những vì sao.
Đêm hôm đó, cái đêm cuối cùng ấy, thật sự rất đẹp. Dẫu cho mặt đất có rền vang, đạn bom oanh tạc hay lửa nóng ngút trời, những ánh mắt tròn xoe vẫn không thôi hướng lên cao chiêm ngưỡng.
Bốn đứa trẻ đã cạn khô nước mắt ấy cứ lẳng lặng tựa vào nhau, cùng giữ chặt con búp bê vải như thế thân của người em út và ngây dại nhìn mảnh trời sót lại.
Với chúng, bầu trời đêm hôm đó đẹp như một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp đến nỗi tất cả những gì chúng trải qua chỉ là ảo ảnh. Trên đời này không bao giờ có những cuộc chia ly. Những đứa trẻ sẽ mãi luôn quây quần bên nhau, không có chiến tranh, chẳng còn chết chóc. Chiều chiều, trên mảnh sân vắng có cây đa đầu làng, những đứa trẻ sẽ không ngừng vui đùa, ríu rít vẫy gọi nhau:
“Lại đây. Cùng chơi nào…”
Năm. Mười. Mười lăm. Hai mươi.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI