Kiệt mò đường trong đêm, ánh đèn leo heo trên tay chỉ tỏa ra một đóm sáng nhỏ không giúp được gì nên cậu phải vừa đi vừa lấy chân dò mới mong không vấp. Gần đến rằm mà trăng không sáng nổi, mây nặng trịch che mất ánh trăng, trời thế này thì mai chắc sẽ có mưa lớn. Kiệt đi trên con đường mòn dẫn đến khu canh gác, đường đi không lớn mà cỏ hai bên đã mọc tua tủa, không được chỉ thì cậu cũng chẳng để ý là có con đường này.
“Rốt cuộc anh đi theo tôi để làm gì vậy?” Kiệt hỏi chuyện đàn anh đang lướt đi bên cạnh mình nhằm cố kéo bản thân ra khỏi cơn buồn ngủ chực đến, vừa mới giờ này mà cậu đã cảm thấy mơ màng rồi chẳng biết lát nữa có thức nổi hay không. Mà Kiệt cũng đã thắc mắc chuyện này mấy hôm nay nhưng đến giờ mới dám hỏi.
“Có một việc tôi muốn nhờ cậu.” Đại Quang trả lời, chỉ nhìn con đường phía trước mà không nhìn cậu, “Tôi muốn nhờ cậu giúp tôi nhớ lại quá khứ của mình.”
“Khoan đã, anh không nhớ gì à?” Kiệt nhăn mặt với lời nhờ vả kỳ cục này, nhưng không từ chối mà lại tò mò hỏi thêm.
Đại Quang lắc đầu, mỉm cười: “Chỉ nhớ một số chuyện, không nhiều. Tôi nhớ được mình tên Đại Quang.”
“Còn gì nữa?” Kiệt tra tiếp.
“Hết rồi.” Anh lại lắc đầu.
“Cái gì?! Một số chuyện mà chỉ nhiêu đó thôi hả? Quê hương anh ở đâu?”
“Không nhớ. Nhờ cậu hết đó!”
Kiệt hỏi dồn: “Anh mất lúc bao nhiêu tuổi, mất ở đâu? Họ tên cha, họ tên mẹ, năm sinh, giới tính… à không, nói chung là anh còn nhớ được gì thì cố nặn ra xem nào!!”
“Tôi thật sự không nhớ gì cả nên mới nhờ cậu, giúp tôi đi mà!” Đại Quang làm giọng van xin, khuôn mặt cố làm vẻ đau khổ nhưng tối quá Kiệt không nhìn rõ được biểu cảm đó.
“Mình chết thế nào cũng không nhớ luôn sao?!!”
“Này này, sao cậu cứ hỏi liên tục vậy, trả lời thỉnh cầu của tôi trước đi. Tôi đã mất rồi mà vẫn chưa thể siêu thoát được thì chắc chắn phải có một lý do gì đó.” Đại Quang càng thêm nóng ruột.
“Tất nhiên là không, tôi đâu phải thám tử!! Mà dẫu có làm thám tử thì cũng chẳng thể điều tra ra được cho anh.” Kiệt gạt phắt, “Người yêu thì sao, có nhớ không?”
“Không nhớ, nhờ cậu…”
Kiệt cắt ngang: “Đừng có nhờ nữa, sao anh cứ nhất định phải nhờ tôi tìm lại ký ức cho mình vậy. Mất trí thì tìm bác sĩ tâm thần khám đi, làm ơn!”
“Nhưng chỉ có cậu là nhìn thấy được tôi thôi mà.”
“…” Lúc nãy Kiệt nói nhanh quá nên chẳng suy nghĩ gì thật, đúng là đến giờ chỉ có cậu mới nhìn thấy được anh ta. Kiệt muốn trả lời thêm nhưng không biết phải nói gì.
“Nếu không giúp được thì cho tôi đi theo cậu thôi cũng được.”
Kiệt nhìn anh ra chiều khó hiểu, nhưng đập vào mắt cậu lại là hình ảnh một bộ đội trẻ trung và có phần non nớt, áo quần trên người rách bươm không buồn chắp vá. Tất nhiên Kiệt có những lý do rất hùng hồn để từ chối chuyện này nhưng cậu lại không sao nói được, nói gì cho đúng, nói gì cho phải? Đến một người giảo hoạt như cậu cũng không thể nghĩ ra.
“Ít nhất anh vẫn nhớ mình là một chiến sĩ bộ đội, vẫn nhớ mình là một thanh niên yêu nước.” Giọng cậu trầm xuống trong đêm, nghẹn ứ. Người ta quên hết cuộc đời mình mà vẫn nhớ là mình yêu nước, làm sao cậu nỡ để anh cô đơn suốt ngày cứ lủi thủi một mình đây, dù sao nếu anh chỉ đi theo mà không làm phiền đến cuộc sống của cậu thì cũng không có gì quá đáng. Đại Quang chết cũng rất lâu rồi, anh có đói nói thèm người thì cũng là chuyện bình thường thôi, suy nghĩ này khiến cho Kiệt bị khó xử, không biết phải làm sao.
Rồi lại như ông cụ non, Kiệt thở dài một tiếng, tiếp tục im lặng đi về phía chòi gác. Tiếng ếch nhái, dế mèn cùng lũ sâu bọ trốn trong đám bụi cứ kêu ra rả muốn điên đầu, lại thêm mấy con chó sủa phía xa, đến đây rồi mà tiếng sủa vẫn còn loáng thoáng, Kiệt muốn yên tĩnh cũng bó tay. Trong mấy đám cây lẩn khuất, đom đóm bắt đầu bay lên, lập lòe mấy viên sáng trong đêm vẽ vài vệt vàng neon trên cái nền đen kịt, như tinh quang trên trời vừa sà xuống, tất cả đều đang báo hiệu một mùa hè sắp về.
“Anh có chắc mình tên là Đại Quang không?”
Bị hỏi bất ngờ, đàn anh có hơi ngẩn ra, anh không đoán được thì ra nãy giờ Kiệt đang suy nghĩ đến chuyện của mình, trong lòng có hơi cảm động: “Chắc chắn, không thể lầm được đâu. Cậu chịu giúp tôi thì hay quá, cậu đúng là người tốt.”
“Đừng có nói mấy câu siểm nịnh như vậy, tôi giúp anh để sớm thoát khỏi tình cảnh này thôi đó.” Kiệt xẵng giọng, rồi lại nghiêm túc nói tiếp, “Bởi vì cái tên Đại Quang có vẻ không hợp lý lắm, hơi bị vấn đề.”
“Vấn đề gì?” Đại Quang xoay qua, hỏi.
Kiệt lúc này đã dừng hẳn lại để nói chuyện với anh, lấy tay xoa cằm, mắt nhìn xuống khoảng không dưới chân mình tư lự: “Bởi vì thông tin duy nhất chúng ta có được là tên của anh nên phải khai thác nó cho hết. Tôi nghĩ anh là con nhà gia giáo, cha là một nhà nho yêu nước cũng nên. Hiếm gia đình nghèo khó nào lại đặt cho con mình một cái tên vừa đặc biệt vừa mang ý nghĩa phi thường như vậy cả. Nguyễn Văn Tý hay Lý Văn Đực nghe còn được, nhưng tên Đại Quang, hình như chẳng ai dùng.”
“Đúng nhỉ!” Đại Quang bất ngờ với những phân tích của cậu.
Người dân Việt xưa đặt tên cho con cũng có những quy tắc riêng, ngoài tránh phạm húy ra, bình thường hiếm ai dùng tên mang ý nghĩa chỉ sự phi thường để đặt cho con mình, sợ nó không xứng với cái tên lại sinh ra vênh lệch, bị người khác nhìn vào rồi chê bôi. “Đại Quang” lại càng hiếm hơn nữa, chữ “Đại” không được dùng nhiều trong tên người xưa, ý nghĩa cái tên này cũng không phải dành cho con của nhà ít học. Chắc chắn Đại Quang phải là con của bậc trí giả.
“Có khi lại là tên của quê anh không chừng.” Kiệt giảng giải tiếp, “Người dân mình trước đây yêu làng nước xóm giềng, nếu có đi di dân thì nhất định sẽ gánh theo tên đất tên làng, rồi lại dùng tên đất tên làng mà đặt tên cho con cháu, nhắc nhở nhau quê cha đất tổ của mình để mai này còn biết cái gốc ở đâu tìm về hương hỏa của ông cha. Nghe ‘Đại Quang’ có lẽ hợp với tên làng đấy nhỉ.”
Người bên cạnh vẫn đang lắng nghe.
“Thế nên mới nói, cái tên Đại Quang này có vấn đề gì đó.” Kiệt lúc này mới cất bước đi tiếp, “Nhưng có thể do tôi nhạy cảm quá cũng nên.”
Đại Quang không trả lời cậu, chỉ im lặng đi tiếp. Trong lòng anh không tránh khỏi mừng rỡ vì sau bao nhiêu lâu chờ đợi, anh cuối cùng cũng tìm được một người có thể giúp mình. Dù cơ hội có lẽ vô cùng mong manh, nhưng anh vẫn không ngừng hi vọng.
Đột ngột Kiệt dừng chân lại, mắt trông ra phía xa, trước mặt cậu vẫn là khung cảnh lần trước không có gì đổi khác. Vì đã được dẫn đến đây một lần nên đêm nay chỉ có mình cậu đến, chỉ huy trưởng không đi theo.
Bà cụ Tỏa vẫn im lặng ngồi bên ngoài hiên nhà như đêm hôm trước, đèn điện sáng trưng thế mà nhìn bà cụ cứ như đang bị màn đêm hút lấy. Thân hình đó không nhúc nhích, chỉ ngồi bất động, cứ như đã ngồi như thế từ rất lâu rồi, cứ như vừa sinh ra là bà đã ngồi như thế. Kiệt khe khẽ đến gần, ra là bà cụ không phải ngồi để nhìn khu vườn, vì mắt cụ đang nhắm chặt lại. Bà nhắm mắt là vì đang ngủ, hay là đang cầu nguyện? Nhắm mắt để không thấy, hay nhắm mắt để tìm quên?
Kiệt đứng ở phía xa, định bước lại nhưng có gì trên mặt đất cứ níu lấy bàn chân cậu. Ánh đèn măng-xông lờ mờ, đóm sáng ấm áp lơ lửng giữa khoảng không gian mịt mùng tăm tối. Đại Quang định thúc Kiệt mạnh dạn bước về phía đó, anh hiểu lý do tại sao cậu chàng đến đây nên muốn ra sức cổ vũ cậu, nhưng lại ngập ngừng không dám nói. Người đứng đây nghĩ gì? Người ngồi đó nghĩ gì? Điều này Đại Quang không thể nào biết được.
“Con chào cụ ạ.” Kiệt cúi đầu chào bà lão, giọng không kiềm được cất cao hơn bình thường.
Nhưng cụ Tỏa không nhìn cậu, cụ nghe được thì mở mắt nhưng lại không nhìn đi nơi khác, như người đang trong cơn mụ mị, cứ ngồi thuỗn ra đó. Kiệt cũng giữ im lặng làm nhiệm vụ của mình.
Lúc chiều Kiệt lại được Đào dúi cho một túi đồ ăn, cậu nghĩ đến thì thấy vui vui trong lòng, ít nhất mình đi trực đêm còn có người quan tâm cho món này món nọ. Chuyện này làm cậu đắc ý lắm, Đào dịu dàng và luôn quan tâm đến cậu, cả Đại Quang còn bảo Kiệt sát gái, dù sao trước đây khi chưa cắt đầu đinh thì cậu cũng là một đứa ưa nhìn rồi. Kiệt nghĩ đến lại tủm tỉm cười như được mùa.
Trong túi đồ là mấy cái bánh mè tròn vo, giòn khấu, nhìn ngon lành vô cùng. Kiệt chẳng biết đây là do Đào làm hay mẹ cô làm mà khéo thật, ăn hết chỉ muốn có thêm mấy cái để ăn. Cậu đang tính đường tìm cách ngày mai gặp Đào xin thêm thì cụ Tỏa bên cạnh đột ngột cất giọng nói.
“Hôm nay vậy là chẳng ai về rồi.” Nói xong câu đó, cụ lại thở dài.
“Cụ đang chờ ai ạ?” Kiệt hỏi, miệng vẫn còn vụn bánh.
“Tôi chờ nhiều người lắm cậu ạ.”
Nghe xong, Kiệt nhìn đàn anh ngồi cạnh mình.
“Tôi phải hỏi thế nào để cụ có thể nói ra được hết tâm sự của mình đây?”
Đáp lại cậu, Đại Quang chỉ lắc đầu đành bó tay, Kiệt giỏi ăn nói hơn cả anh mà không tìm ra cách thì làm sao anh biết được. Người già sợ cô đơn, sợ hơn nữa là bản thân mình sẽ phải chết trong cô đơn, Kiệt đã để nội của cậu ra đi lặng lẽ một mình. Bây giờ cậu lớn rồi mới hiểu không nên để người già ở đơn độc quá lâu thế nên mới quyết tâm đến đây. Nhưng liệu có tỏ ra tọc mạch quá không, phải như thế nào thì mới đủ, điều này không ai dạy cậu làm.
Cố nhớ lại lúc trước mình đã nói chuyện với bà nội hay các bác lớn tuổi như thế nào, Kiệt lại gợi chuyện: “Thường thì những ai về thăm cụ ạ?”
“Chỉ có những bà bạn thời còn con gái thôi. Ba đứa con ruột và một đứa con lượm, cả chồng hay thầy bu cũng hiếm khi. Đặc biệt là thằng út, tôi muốn nó về mà nó chưa từng về. Chắc nó còn hận bu nó lắm.”
Kiệt hít một hơi thật sâu, cậu hiểu câu nói này là có ý gì, lại nói: “Vậy cụ cứ kể cho con, có khi kể ra họ mới nghe được tấm lòng mình mà về, giữ mãi trong lòng làm sao họ biết được.”
Tuy bảo là đang hùa theo bà lão, nhưng Kiệt nói đến mấy chuyện ma cỏ này thì cũng lạnh sống lưng quá, cảm thấy bản thân mình quàng xiên hết sức nhưng chẳng còn cách nào.
Nghe được Kiệt lý giải xuôi tai như vậy cụ Tỏa cũng đồng tình, nhưng hình như vẫn còn chút lẩm cẩm, bà kể toàn mấy chuyện không đầu không cuối, Kiệt cố kết lại nhưng thấy thiếu sót nhiều quá. Đại Quang lúc này mới giải thích thêm vào, đúng như Kiệt nghĩ, anh ta biết hết mà chỉ thích giấu cậu thôi.
…
Cụ Tỏa còn nhớ được mình là người làng Liễm, trước đình làng có con sông đào chảy qua, bên kia sông là nơi luân chuyển lương thực cho Việt Minh, bên đây sông lại được xây bốt canh gác. Có mấy đêm liền đang ngủ người ta lại nghe một tràng súng máy, nhà ai sống dọc con sông còn thấy xác người chết trôi, có khi là người trong làng, có khi là tên Tây mắt xanh mũi lõ nào đó.
Năm đó Tây đến làng xây đồn, hình như chúng biết được bên kia sông là nơi Việt Minh trú nên mới có kế hoạch vậy, đêm nào cũng có người canh gác nhưng chưa bắt được. Khi bà cụ Tỏa lên mười đã thấy có Tây đi quanh làng, khi thấy Tây thì người ta chạy ráo riết, người ta nhìn sợ thì người ta chạy thôi, vậy mà đến khi bị bắt lại thì coi như chết chắc. Vì chỉ có Việt Minh gặp Tây mới chạy, chứ nông dân chân đất thì làm gì phải sợ Tây, cái lý của bọn chúng nó vậy.
Có một hôm, hai tên lính Pháp cầm súng đi dọc đường làng thì thấy một cô nông dân đang lúi húi làm đồng. Chúng liền ngoắc tay kêu lên nói chuyện, cô gái không biết phải làm sao, tay chân vẫn còn lấm lem bùn đất mà không thể chạy, tụi nó chỉ tới nơi như vậy thì còn chạy được đi đâu. Thấy cô lần chần, một tên trong bọn mới quát cái thứ tiếng mà bọn chúng gọi là “tiếng của dân tộc phát triển” để thúc bách, cô gái không biết gì nhưng bị quát đến xanh mặt lên sợ quá mới run rẩy trèo lên đường.
“Hai ông gọi con ạ?”
“Cô tên gì?” Một tên hỏi. Anh thông ngôn đi bên cạnh mới dịch lại cho cô gái.
“Dạ, con tên Thạo, con ông Mẫn. Đó giờ chỉ biết làm nông chứ chẳng biết gì.”
“Ai hỏi mà trả lời nhiều như thế, chúng tôi chỉ vấn một câu thôi, cô có phải Việt Minh không?”
“Con không có gan đó. Cả gia đình con trước giờ chỉ biết làm ruộng.” Thạo càng lúc càng run rẩy đáp lời, mắt chốc chốc cứ liếc về họng súng mà hai tên đó đang vắt bên hông.
“Cô có bằng chứng chứng minh mình không phải Việt Minh không?”
Tên còn lại có khuôn mặt thuỗn như cái lưỡi cày hình như thấy tình hình dông dài quá nên sốt ruột chen ngang: “Thôi thôi không nói nữa, nhìn nó kìa, đàn bà con gái mà cặp vú phây phây, không phải Việt Minh chứ còn cái gì. Chỉ người già với trẻ con mới không có sức đi theo cách mạng, chứ trẻ trung dẻo sức thì làm gì mà không, cái vú lại như vậy thì càng là Việt Minh chứ sao. Bằng chứng gì nữa.”
Thạo không hiểu, chỉ nhìn anh thông ngôn bên cạnh chờ đợi. Nhưng anh ấy hình như có gì áy ngại, xấu hổ với mấy lời này lắm, muốn dịch cho cô gái này rõ nhưng chẳng biết phải nói thế nào. Mồ hôi cô chảy ướt lưng, mặt mũi toàn là mồ hôi túa ra do đồng áng bây giờ thêm cả vẻ hoang mang khó hiểu.
Cả mấy người họ im lặng một chốc, anh thông ngôn mới không kiềm được nói với hai người đi cùng: “Hai chú xem xét cho, Việt Minh không dại mà đứng ngoài đồng giờ này.”
Tất nhiên đó là lời muốn nói đỡ, tuy chàng trai không phải người làng này, nhưng cũng ở đây đi theo chân Tây lâu năm, chỉ làm nhiệm vụ của mình chứ chưa từng ra tay giết ai. Cả làng có khi còn phải cậy nhờ anh nói với Tây vài tiếng vì anh nói được tiếng Pháp, lại thân với mấy tên trong P.C Huyện, nên tiếng anh trong làng không xấu, người sinh ra trên đời ai cũng yêu làng yêu xóm, thấy người trong làng mình sắp gặp họa mà anh cứ giả câm sao đặng. Tuy biết bọn chúng nói vậy có dụng ý gì, nhưng anh vẫn phải cố sức.
“Sao không phải Việt Minh, chú mà nói giúp một lát là chú cũng thành Việt Minh nốt. Thôi thì khám vú là biết chứ gì.”
Mặt anh thông ngôn lại càng căng ra hơn. Thạo đứng nghe ba người xí xô xí xào mà lòng nổi sóng lớn, cô ngờ ngợ ra có gì không ổn. Đột nhiên có tên trong đám nhào đến đè Thạo xuống, anh thông ngôn bên cạnh định kéo ra nhưng bị họng súng tên còn lại chỉa ngay đầu, đành chịu thúc thủ không làm gì được. Hai tên kia nhanh chóng lôi người ra đồng, tiếng kêu hét như lợn bị thọc tiết, kêu đến mức không còn kêu được nữa thì thôi.
Kỳ lạ, từ trước đến nay làm gì có chuyện này, anh thông ngôn đột ngột lạnh cả sống lưng. Anh không giết ai, chuyện xảy ra cũng không phải do anh, mà bản thân cũng đã cố hết sức nhưng trong lòng lại vô cùng khó chịu.
Không thấy là vì ít xảy ra, chứ không phải không có. Vậy mà sau đợt đó, mọi người trong làng lại bắt gặp phụ nữ bị hãm hiếp nhiều hơn. Đỉnh điểm là có một hôm bọn chúng đi càn, bắt một đám phụ nữ trong làng để khám ngực, mỗi đứa một phòng, tiếng ú ớ vang dội, hết tên này vào khám rồi lại đến tên khác. Trận hiếp tập thể xảy ra khi cụ Tỏa chỉ mới 10 tuổi nên không biết vụ gì, cũng không có người lớn nào kể lại cho nghe. Đến khi chị Thạo nhảy sông tự vẫn người ta còn nghĩ là chị bị dính vào đợt đó nên phẫn uất mà chết, chứ có biết chị còn bị trước nữa cơ. Nhưng người chết rồi không nói lại được gì, mà có gì đâu để nói, tủi nhục may miệng con người ta, làm gì có ai hé răng nửa lời.
Nhà trai chưa kịp qua dạm ngõ đã nghe tin cô dâu chết, cũng giấu biệt chứ không biết phải làm sao.
…
Bà Tượng đang đếm lại mấy đồng cắc trong nhà, có bao nhiêu đó mà ngày nào bà cũng lôi ra đếm mải, đếm miết mà chẳng dôi ra được thêm đồng nào. Tỏa ngồi cạnh nghe mà nẫu ruột, cô ôm cái sề cơm phơi mang vào trong, mấy hạt cơm cứng ngắt nóng hổi, đến cơm thừa mà cũng còn ít ỏi chẳng thể làm được gì chỉ biết mang cho gà ăn. Người ta đi ngụ cư đói chết ngoài đường mà nhà này có cơm mang cho gà. Nhưng biết làm sao được, anh Thiện không ăn mà không nói cho ai, đến khi nhìn thấy đã ôi thiu mất rồi, ăn vào lại tìm chết chứ làm gì có hơn.
Tỏa lại trông mắt ra ngoài sân, vẫn chưa thấy Thiện về. Người anh này trên cô, gọi là anh hai. Thiện không được thật người cho lắm, ai hỏi gì cũng chỉ biết cười cười, rồi nói nói đâu đâu, ra đường bị bọn nhóc trong làng chọc suốt mà cũng chỉ biết cười ha hả phụ họa theo. Nhiều bận nhà không ai trông, lại bỏ cơm đó quên cả ăn, làm uổng phí cơm gạo của nhà.
Anh cả thì không bao giờ ở nhà, anh trốn đi làm cách mạng, lâu thật lâu mới thấy về, khi về lại lọ mọ trong bếp làm người ta giật mình. Anh ấy thấy nhà mình neo người thì ra đi cũng không đặng, nhưng cái chí nó vậy rồi, biết ép làm thế nào. Nhà Tỏa lại không phải quá bần cùng túng quẫn, nạn đói đến còn chống được cơ mà, nên cũng mặc anh. Cha bảo anh cả là thanh niên thì đi theo cụ Hồ cũng là đúng lắm, nhưng ông cũng lo chẳng biết hôm nay nhà sống được nhưng cả đời liệu có yên ổn hay không.
Gom mấy đồng tiền lại bỏ vào trong cái túi đã sờn không nhìn ra màu gì nữa của mình, bà Tượng mang cất đi định tối nay lại lôi ra đếm tiếp. Dạo này nước lớn nên bà không đi đánh dậm được, chứ bà mà có chuyện làm thì gia đình sao phải lâm vào cảnh gieo neo. Bà Tượng vậy mà giỏi đáo để, đánh dậm tài tình có tiếng, dậm đều răm rắp. Công việc này là làm nhiều quen thổ chứ có học ai, vậy mà bà vẫn làm tốt như có chân học nghề.
Một hôm nọ, trời còn nhọ mặt người là bà Tường đã dẫn thằng Thiện đi dậm, bữa đó chẳng trúng được gì, hay mẹ con thất thểu ra về. Đang đi ngang P.C Huyện, chẳng biết bà nhắm mắt nhắm mũi thế nào lại để cho mình bị điện giật ngã lăn ra đất, tôm tép trong giỏ rơi đầy. Người qua đường tưởng bà Tượng té ngã nên không đến giúp, một lúc sau không thấy đứng dậy mới nháo nhào chạy đến xem sao làm một trận khiến ai cũng hốt hoảng. Vậy mà Thiện vẫn còn hoài của, lo ngồi nhặt mấy con tôm cá vào, đến khi có người hô chết sống thì mới giật mình tỉnh khỏi cơn mụ mị, khóc rống lên như thằng điên.
Dạo đó phước nhà bà to như cái đình, cuối cùng cũng thoát được cái chết. Nhưng thoát được vậy, về sau bà Tượng cứ hay bị ép tim, có gì lo lắng sợ hãi là hít lấy hít để không khí suýt chết mấy lần, nên gần đây cũng không còn đi nhiều như trước.
“Ơ kìa, sao Tây nó vào nhà mình thế kia?” Bà Tượng ngửa cổ ra ngoài rào thì thấy mấy thằng da trắng tóc vàng hùng hổ đi vào chẳng biết chuyện gì, đạp sập cả cái bờ giậu lỏng lẻo. Chẳng lẽ hôm nay Tây đi càn, mà Tây đi càn sao không ai chạy?
“Bà Tượng đâu rồi?!”
Chẳng biết vì lý do gì, có tên trong bọn bắt đầu bắn chỉ thiên. Bà nghe tiếng súng chịu không nổi làm tim đập liên hồi. Tỏa mới dìu mẹ mình ra bên ngoài, chân run run không biết tiếp theo sẽ có chuyện gì.
“Nhà bà có người theo Việt Minh đúng không?” Ông lý trưởng với bộ râu tôm khả ố nói với hai mẹ con bà, mồm ông choạc oạc mà lại quen nói giọng cả trưởng nên trông dáng vẻ lại càng kệch cỡm hơn.
Nghe lời chất vấn như vậy, Tỏa trợn trừng mắt, kiểu này chỉ có nước tiêu. Họ hỏi vậy là họ biết hết rồi, họ rõ như ban ngày rồi thì làm sao lèo lá được nữa.
“Bẩm ông lớn, quả thật là có, nhưng mỗi người một chí, anh con đi theo cách mạng chứ nhà con chỉ biết tối ngày làm lụm kiếm từng miếng ăn.” Cô trả lời thay người mẹ đang ngắt ngứ của mình.
“Con cắn cỏ lại ông lý, nhà con thật sự chỉ biết cui cút làm ăn chứ không biết gì.” Mẹ Tỏa bắt đầu khóc nấc lên.
“Có hay không cũng chẳng quan trọng, con trai bà bị bắn chết ngoài đình làng rồi, chồng bà cũng bị mang ra bắn. Bắn tất, bắn hết ráo. Kể cũng khoan hồng, cái ngữ đó bọn Tây không tra được thì phải giày vò cho thân tàn ma dại chứ không để chết dễ dàng như thế.”
Người đàn ông thưỡn cái bụng ra nói như không, ông là người Việt mà nói chuyện giết người đồng bào mình đơn giản như giết gà. Bà Tượng nghe xong những lời đó thì rống lên một tiếng, rồi bà lịm đi không tỉnh lại nữa. Tỏa khóc hết nước mắt, chưa định thần lại được điều gì.
Đến khi hai thằng Tây tiến lên xách nách cô đi thì mới khua tay cấu xé tay áo bọn chúng nhưng tụi nó không thả ra.
“Bu, bu tỉnh lại đi!” Hai tay Tỏa bị người ta siết chặt chỉ có thể dùng chân đá đá đạp đạp cái xác mẹ mình, nhưng người nằm đó nhất định không tỉnh, mái tóc đang buộc cao lên của cô bung ra lòa xòa hòa lẫn với nước mắt trên mặt.
Trước dáng vẻ này của cô, lý trưởng lại có hơi nghĩ ngợi, tay ông miết nhẹ cái chòm râu tôm của mình. Quái lạ, con nhóc dạo trước chỉ vừa mười mấy tuổi, mà nay đã thành thiếu nữ rồi, tụi nó lớn nhanh thật. Con gái mơn mởn mà mang cho Tây hành hạ thì cũng tội, ông là đàn ông chẳng lẽ lại không biết xót thương hay sao. Nhưng mấy bà ở nhà liệu có làm to chuyện khi ông mang thêm người về không, mà sợ gì mấy chuyện đó, mỗi bà thêm vài bộ vòng thì bịt được miệng ngay ý mà.
“Đừng nào các anh, đừng làm bà năm của tôi đau.” Ông lý trưởng lúc này mới nói xen vào.
“Bà năm?”
“Ừ, cô Tỏa chẳng phải là bà năm của tôi đấy sao?” Ông nói, rồi lại nháy mắt với cô. Tỏa bất giác nổi cả gai óc.
Nghe tiếng cũng nể mặt người, bọn lính thả cô ra thật. Thân hình nhỏ ngã vật xuống đất, thở hồng hộc, quần áo ướt nhẹp như chuột lội nước, Tỏa trừng mắt nhìn đám người nọ. Nhưng tên lý trưởng chỉ cười giả lả rồi xông xáo đưa đoàn Tây đi ra. Ông lý trong đầu đang nghĩ đến việc mang đồ qua hỏi cưới cô Tỏa nhanh nhanh rồi cho một danh phận thì mới có thể ăn ở như vợ chồng. Dù gì trên ông vẫn còn có làng nước, muốn nạp thêm ai về thì phải đánh trống khua chiêng cho làng biết thì mới phải đạo. Nghĩ càng nghĩ, lý trưởng vẻ mặt hí hửng để lại người con gái thất thần chẳng hiểu mình đã bị sắp đặt vào đâu sau lưng rồi vội vã cất bước ra về.
Trong một lúc có quá nhiều thứ ập đến, cô Tỏa chỉ biết ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi lại nhìn cái xác của mẹ mình. Phải rồi, Tỏa còn hai cái xác đang nằm phơi ngoài đình chờ mang về an táng nữa. Biết là gấp rút nhưng cô không thể nào nhấc nổi chân tay, chỉ còn nước lao vào ôm xác mẹ mình khóc rên ư ử, bờ vai gầy guộc run bần bật từng cơn, hiện thực quá đỗi kinh hoàng khiến cô cứ ngỡ mình đang ở trong một cơn ác mộng không thể nào chấm dứt.
Rồi lại như có gì thúc giục, Tỏa vội đứng lên chạy vào trong nhà, lục mấy món có thể mang theo được xong lại vội vã chạy ra. Tay chân cô lẩy bẩy tê dại cầm mấy nắm cơm, nhưng động tác thì không hề dừng lại, không tạo ra một khoảng nghỉ nào, như bản năng của một con vật đang kề cận cái chết, cô lao vội như người mất trí, bước qua cả cái xác mẹ mình rồi nuốt nước mắt chạy đi.
Tỏa phải thoát khỏi cái nơi này, lý trưởng đi theo Tây thì người trong làng biết phải sống sao. Cô phải đi khỏi cái nơi nguy hiểm đang chực chờ để nhào lấy cấu xé mình, xác người thân cũng không thể an táng cho đàng hoàng tử tế.
Nói là quẫn trí cũng đúng, chứ ai lại bỏ xác người nhà ngoài đường rồi chạy trốn như vậy, ai lại bỏ làng nước xóm giềng mà đi như vậy. Nếu không có sự giúp đỡ của hàng xóm thì làm sao con người ta sống được, quẫn quá mới nghĩ đến chuyện bỏ làng, không có làng xóm thân họ thì biết phải sống thế nào đây.
Đi tìm mãi cuối cùng Tỏa cũng tìm được Thiện đang ngồi bóc hoa dại dưới cái gốc me lớn cạnh miếu Thổ Địa, cô kéo tay anh mình đi mà hình như Thiện vẫn chơi chưa chán, ú ớ không muốn rời chỗ đang ngồi. Tỏa lại càng ra sức kéo hơn nữa.
“Ưm… Đi đâu dạ?” Thiện ấp úng nói.
“Đi, đi đâu cũng được, ra khỏi cái làng này. Đi nhanh lên không chết cả lũ!!!” Tỏa quay qua quát lớn, nói cũng không còn ra đầu ra đũa gì được nữa, mắt cô mở to trừng trừng đầy bọng nước, đôi mắt đỏ quạch xếch lên hung hăng dữ tợn. Cô cố kéo anh mình mà chạy trước khi có chuyện gì tồi tệ hơn xảy ra.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Yeutruyen
Đọc truyện mà hận bọn Tây ghê gớm 😥