Câu chuyện bắt đầu vào năm thứ mười, Long Đế Suk Lam trị vì.
Cơn gió của một sáng mùa xuân quét qua một đồng cỏ xinh đẹp điểm xuyến bởi những mảng hoa Kelin trắng. Một con đường uốn lượn cắt xuyên qua biển cỏ miên man đó, và vương dài đến tận chân trời. Trên con đường ấy một đoàn xe kéo ung dung lăn bánh. Hộ tống đoàn xe là bốn trăm chiến binh Người Hạ, thân mặc Trát Giáp đen, mũi giáo của họ sáng choang dưới ánh nắng sớm như những vì sao của bầu trời đêm. Mũ sắt của họ được bọc một lớp vải đen, mặt sau nón đính một mảnh vàng hình tam giác dốc ngược, và bốn chiếc lông vũ chĩa lên trên. Mặt trước của mũ đính một mảnh vàng hình vuông với một viên kim cương ở giữa. Trên lưng họ là một chiếc áo choàng gấm màu vàng ngắn ngang lưng thiêu họa tiết mây, kiếm và sư tử. Những chiến binh này thuộc đội Cẩm Xưởng Vệ oai danh của đế quốc Varlann, chịu trách nhiệm bảo vệ gia đình Hoàng gia.
Những Cấm Vệ cưỡi một sinh vật rất kỳ lạ, những con velelis. Chúng là một loài sinh vật trông giống như một con rồng hai chân, dáng người nằm ngang, cơ thể phủ lông thú từ đầu tới chân, với hai cánh tay có ba ngón và có lông vũ như cánh chim, và chóp đuôi cũng có một dãy lông vũ nhưng lông đuôi chim. Mõm của chúng hao hao giống mõm ngựa, và một cặp tai như tai mèo trên đầu. Lông của chúng có hai màu là vàng và nâu, đôi khi pha đốm giữa hai màu. Những con velelis này được cư dân lục địa Varlaurea thuần hóa và dùng làm thú cưỡi và cũng là nguồn sức kéo.
Ở giữa đoàn là một chiếc xe kéo to sơn son, mái xe cong tao nhã sơn màu xanh ngọc bích, lồng đèn đỏ với những chiếc chuông gió bạc treo ở bốn góc mái. Thành xe được vẽ trang trí với họa tiết mây và chim trời. Trong xe treo một chiếc võng, trên võng là một người đàn ông Người Hạ tuổi tầm ba mươi, thân mặc Giao Lĩnh Y vạt trái dài đến đầu gối. Loại áo này thông dụng khắp Varlann, và được dùng từ dân thường đến giới thượng lưu, quý tộc. Áo của nam nhân này may bằng lụa đỏ, với hoa văn chữ Vạn dệt chìm trong vải, ngực áo thêu hình rồng cuộn bằng chỉ bạc. Hông thắt đai bọc lụa đen, đính vàng, ngọc bích trắng và lục lạc bạc. Chân và cổ tay đeo vòng vàng được chạm khắc tinh xảo, và được khảm hồng ngọc, ngọc bích và đính lục lạc bạc. Nam nhân này có mái tóc đen ngang vai, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, mày rậm lá liễu, mắt rồng sáng quắc, cùng một chòm râu dê ngắn dưới cằm. Nhưng nam nhân này có một điểm đặc biệt là, ngay tại đường tóc trên trán mọc ra một cặp sừng nhỏ chẻ nhánh như gạc hươu. Nam nhân đó tên là Suk Lam, “Hoàng đế của Đế Quốc Varlann”, “Bách Tộc Chủ Công”, “Long Tử”. Nằm trên võng, Hoàng đế Suk Lam chăm chú đọc lại tấu sớ từ thành Qua Loh, một thành phố cảng nằm trên bờ hồ Kao Ren. Và Long đế Suk Lam rời khỏi sự tiện nghi của tẩm cung cũng vì những tấu sớ này.
“Bẩm thánh thượng, còn khoảng ba mươi phút nữa thì đến Qua Loh, xin người chuẩn bị ạ.” Một vị quan nói
“Trẫm biết rồi, cám ơn khanh.” Hoàng đế Lam trả lời. Rồi đoàn xe dừng lại, một nhóm người hầu vào xe giúp Hoàng đế thay y phục trang trọng hơn. Một bộ áo bào bằng lụa đen với tay áo thụng lớn, ngực áo thêu họa tiết rồng cuộn ẩn mình trong mây bằng chỉ vàng, chỉ bạc. Váy trắng dài đến mắt cá chân bên ngoài quây thường đỏ sậm thêu hoa văn sóng biển.
Ba mươi phút sau, đoàn xe đến cổng thành Qua Loh, trước cổng thành là một phái đoàn đứng chờ nghênh đón, dẫn đầu đoàn là ngài Buh Huy, tri phủ của Qua Loh đang chờ ngự xa đến. Khi nhìn thấy đoàn xe của Hoàng đế, ngài Buh Huy xuống khỏi velelis tiến về phía ngự xa theo sau ông là gia đình. Đến trước ngự xa ngài Buh Huy cùng gia đình đều quỳ xuống và thi lễ bằng cách đan ngón tay lại với nhau và giơ lên ngang mặt, lòng bàn tay hướng vào trong.
“Thần Buh Huy cùng gia thất, cung nghinh thánh thượng giá đáo. Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.” Họ vừa nói vừa cúi đầu sát đất
“Bình thân.” Hoàng đế Suk Lam nói
“Tạ chủ long ân.” Ngài Buh Huy và gia đình đồng thanh nói rồi đứng dậy.
Sau khi thi lễ, họ tiếp tục đi vào thành. Dân chúng trong thành đều đổ ra đường để nghênh đón ngự xa, và khi nhìn thấy đám đông Hoàng đế Lam có thể cảm nhận rõ không khí im ắng và sự lo âu bao trùm họ. Tại sao? Họ sợ Hoàng đế Lam chăng? Bởi vì Suk Lam là một bạo chúa? Không. Mắt họ ánh lên sự hy vọng khi nhìn thấy ngự xa đi ngang qua. Bỗng từ đám đông vang lên một tiếng nấc. Nghe thấy tiếng khóc Hoàng đế Lam dừng ngự xa và lệnh cho Cẩm Xưởng Vệ tìm chủ nhân của tiếng khóc đó. Một lúc sau, Cẩm Xưởng Vệ dẫn một ông già từ đám đông đi ra, khuôn mặt lão đầy nếp nhăn khắc bởi sương gió và thời gian, đôi mắt đẫm nước mắt. Ông già đến trước ngự xa, đặt gậy chống xuống và quỳ xuống một cách khó khăn. Thấy vậy Hoàng đế Lam xuống khỏi xe và đỡ ông ta dậy.
“Lão nhân gia, hà cớ gì người lại khóc? điều gì làm phiền lòng người chăng?” Hoàng đế Lam hỏi
“Khải bẩm thánh thượng, nước mắt này là nước mắt của sự vui mừng, vì cuối cùng cặp mắt mờ này cũng được nhìn thấy long nhan của người. Nước mắt này là nước mắt của sự nhẹ nhõm, vì cuối cùng người cũng đã ở đây. Chư thần trên trời cao mỉm cười với chúng thảo dân, con Hung Thần của Đáy Sâu sắp sửa bị trừ diệt.” Ông già nói trong nước mắt.
Đám đông xung quanh bắt đầu trở nên ồn ào. Người thì cảm tạ chư thần, người thì không cầm được nước mắt mà bật khóc, lẩm bẩm rằng Hoàng đế đã đến.
“Bẩm thánh thượng, người vợ già ốm yếu cùng hai đứa cháu gái, là những gì còn lại của gia đình lão. Những đứa con trai…” một tiếng nấc ngắt quãng ông ta. “Những đứa con trai và cháu trai của lão đều… đã chết, đứa nhỏ nhất chỉ mới mười lăm, nó còn quá trẻ…. Tất cả cũng vì con yêu nghiệt đó…. Thánh thượng! lão cầu xin người hãy diệt con yêu nghiệt đó, để những đứa con, đứa cháu của lão được thanh thản, để chúng sớm được gặp Miên Papa dưới âm giới mà đầu thai chuyển kiếp.” Ông già quỳ xuống dưới chân Hoàng đế Lam.
Hoàng đế Lam nắm tay ông già và đỡ ông ta dậy, còn đám đông thì càng ngày xôn xao.
“Chư vị bách tính, xin hãy yên lòng, trẫm đã ở đây. Và tại đây, nhân danh chư thần, nhân danh Quelas’Airuth tối cao. Và trước danh dự của hoàng tộc, của phụ thân trẫm, Suk Luo Tu, và mẫu thân trẫm, Lu Nue…” Hoàng đế Lam ngừng trong một giây ngắn, nhìn quét toàn bộ đám đông, một giọt nước mắt dần dần dân lên trong khóe mắt “…Trẫm xin thề, chư vị bách tính sẽ không còn phải chịu đựng sự thống khổ này nữa. Trẫm sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi yêu nghiệt bị diệt trừ và vong linh của những người đã khuất đã yên nghỉ.”
“Thánh thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!” Đám đông đồng loạt hô to.
Hồ Kao Ren nằm ở phía nam lục địa Varlaurea tại khu vực hạ lưu của sông Vĩ Đại. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất lục địa. Tên của nó có nghĩa là “Biển Hồ”, diện tích hồ rộng đến độ thuyền bè phải giong buồm mất năm ngày để đi từ bờ này sang bờ đối diện, và thậm chí hồ có cả hình mẫu thời tiết riêng. Bên dưới những gợn sóng xanh lấp lánh ấy là hằng hà vô số tôm cá. Hồ Kao Ren với những cơn sóng triều nhẹ nhàng của nó đã bồi đắp nên lớp đất màu mỡ quanh bờ hồ, và giúp nuôi dưỡng những khu định cư đầu tiên của Người Hạ khi họ mới di cư đến lục địa Varlaurea, sau chuyến hành trình gian khổ của họ qua Thời Đại Lang Thang. Nhiều thành thị và làng mạc đã mọc lên và phát triển thịnh vượng dọc bờ hồ, và cùng với sự kết nối với sông Vĩ Đại là những đoàn tàu buôn từ những thành bang tự do của Người Thượng ở phương bắc, và đế chế Chihan ở phía đông, chảy qua hồ thông qua thành Qua Loh. Đây là một trong những tuyến thương mại nhộn nhịp nhất.
Tất cả bắt đầu từ năm năm trước, lúc đầu chỉ là những vụ việc riêng lẻ xãy ra ở nhiều thành phố khác nhau, một vài ngư dân mất tích khi lặng tìm bào ngư, ngọc trai và rong nước ngọt. Quan lại địa phương cho rằng đấy chỉ là tai nạn ngẫu nhiên, nhưng dần dà mọi chuyện leo thang từ một vài ngư dân mất tích đến cả tàu cá biến mất. Và cách đây 2 năm, tại một làng đánh cá gần Qua Loh, một người sống sót đã được tìm thấy. Người ngư dân khẳng định rằng không hề có tai nạn nào cả, anh ta khăng khăng rằng tàu và thủy thủ đoàn của mình bị tấn công bởi một cái gì đó dưới hồ, “nó giống như một con cá khổng lồ mà tôi chưa thấy bao giờ” anh ta quả quyết. Ngài Buh Huy cũng đã chú ý đến vụ việc này và đã mở một cuộc điều tra, nhưng chẳng tìm được câu trả lời gì. Và như thế mọi người đều nghĩ rằng đấy chỉ là những lời lảm nhảm của một người đàn ông tội nghiệp bị chấn thương tâm lý. Từ đó câu chuyện của anh ta trở thành tin đồn, trở thành một câu chuyện rùng rợn nơi bàn rượu. Nhưng tàu cá thì vẫn cứ mất tích, sự sợ hãi lan rộng trong lòng dân chúng, không còn mấy ai dám ra xa bờ đánh cá. Và rồi một vụ việc mới đến tai ngài Buh Huy, một tàu buôn từ Chihan bị đắm cách Qua Loh không xa, sáu người sống sót được tìm thấy, và tất cả họ đều khẳng định rằng tàu của họ bị tấn công bởi một thứ gì đó dưới nước, một loại cá lớn nào đó. Những người sống sót nói rằng nó đâm vỡ tàu của họ chỉ với một cú húc, và nuốt chững vài người một lúc chỉ với một cú đớp. Thủy binh địa phương liền mở một cuộc điều tra, nhưng những gì họ tìm thấy chỉ là những mảnh ván tàu và những mảnh buồm rách trôi nổi trên mặt nước, không hề có dấu vết nào của con “cá lớn” này. Trong những năm tiếp theo tin tàu bè bị tấn công càng lúc càng nhiều, tất cả các nạn nhân sống sót đều khăng khăng về sự tồn tại của con “cá lớn” này, khiến cho việc giao thương trở nên đình trệ. Cuối cùng hai cuộc điều tra được tiến hành bởi thủy quân Qua Loh, cuộc điều tra thứ nhất không đem lại kết quả nào, nhưng đến lần thứ hai một tàu chiến tầm trung bị tấn công ngay trước mặt cả hạm đội, dù thủy thủ đoàn đã kháng cự ngoan cường, nhưng chỉ với vài cú húc con thủy quái phá tan con tàu và nuốt chửng những người thủy thủ rơi xuống nước. Những người chứng kiến vụ tấn công ước tính rằng con thủy quái có chiều dài ít nhất là 100 lia (1 lia = 1 mét), vẩy lưng có màu đỏ sậm, nó có vô số vây trông giống như chân xếp dọc hai bên thân như rết, mắt thủy quái đỏ rực dưới ánh nắng mặt trời , miệng nó to như cổng thành với hằng hà vô số răng nhọn lởm chởm. Hay tin ngài Buh Huy liền ra lệnh tiến hành một cuộc săn lùng để giết thủy quái, rất nhiều ngư dân địa phương đã tình nguyện tham gia, cuộc săn bắt đầu với sáu tàu chiến và nhiều tàu tình nguyện. Nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại, cuộc săn kết thúc với ba tàu chiến và vô số tàu tình nguyện bị đánh đắm, những tàu sống sót thì hư hỏng nặng, thiệt hại nhân mạng lên đến hơn 500 người. Giận dữ vì cuộc tấn công của thủy quân của ngài Buh Huy con thủy quái liền trả đũa, số vụ tấn công tàu thuyền tăng vọt. Và khoảng 18 tháng trước, con thủy quái lần đầu trúc giận lên thành Qua Loh. Nó bất ngờ nổi lên cách cảng Qua Loh không xa và trước khi có ai kịp phản ứng, thủy quái quẩy mình tạo ra một đợt sóng thần cao đến năm lia đổ ập vào cảng, khiến nhiều nhà cửa, tàu thuyền, cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng và nhận chìm vô số người vô tội. Như thế cứ vài tuần con thủy quái lại tấn công Qua Loh và những thành phố lân cận. Từ đó nó được gọi với nhiều cái tên: “Kẻ Tạo Sóng Thần”, “Hung Thần Đáy Sâu”, “Xoáy Nước Răng Nhọn”, và “Những Cái Vây Chết Chóc”….
Cư dân địa phương sợ hãi tột cùng, một số còn cho rằng con thủy quái là đại điện cho sự giận dữ của chư thần, và hiển nhiên là một giáo phái điên rồ đã nổi lên, thờ phụng con thủy quái, và thậm chí còn tiến hành hiến tế người cho thủy quái. Ngài Buh Huy đã dốc hết sức để trấn áp lũ điên ấy và trấn an người dân, đồng thời cũng gửi tấu sớ xin sự giúp đỡ của triều đình. Khi sự vụ đến tai triều đình, thủy quân Hoàng gia liền điều động 10 chiến hạm, 15 tàu hộ tống, 10 tàu mái chèo để diệt thủy quái. Nhưng tình hình tiến triển chậm chạp, máy phóng tên của họ không thể xuyên qua lớp vảy cứng của thủy quái, thậm chí phép thuật của các pháp sư đi cùng hạm đội cũng không gây được nhiều thiệt hại, phần lớn phép thuật của họ cứ bật khỏi thủy quái, giống như vảy của nó được yểm phép thuật bảo vệ vậy. Hơn nữa con thủy quái khá là thông minh, nó luôn rình rập dưới mặt nước tránh mặt hạm đội Hoàng gia và bất ngờ phục kích những tàu tuần tiễu trang bị nhẹ hoặc các tàu hậu cần chậm chạp. Tình hình dậm chân tại chỗ. Do đó Hoàng đế Lam phải rời khỏi Hoàng cung mà tự tay xử lý vụ việc.
Sau khi đến dinh thự của ngài Buh Huy, Hoàng đế Lam liền triệu tập ngay một cuộc họp, bao gồm ngài Buh Huy và các cố vấn, Đô đốc Huan Tah chỉ huy của hạm đội Hoàng gia được điều đến Qua Loh, Taosih Tsun (Taosih: danh hiệu của một pháp sư cấp cao của Người Hạ) pháp sư trưởng của nhóm pháp sư Hoàng gia đi cùng hạm đội.
“Chư khanh hãy nói chi tiết về tình hình lúc này cho trẫm nghe.” Hoàng đế Lam nói
“Bẩm thánh thượng, xin xá tội cho lão thần bất tài, sau 12 tháng săn lùng con quái vật này chúng thần vẫn không biết gì thêm. Chỉ biết vảy nó vô cùng cứng chắc, đến cả những máy nỏ mạnh nhất cũng khó bắn xuyên qua được, hơn nữa thủy quái rất tinh ranh, nó chỉ tấn công khi chúng ta không phòng bị và khi nắm chắc phần thắng.” Đô đốc Huan Tah nói.
“Chúng thần vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của thủy quái, ngoài ra vảy của thủy quái không những cứng chắc mà có vẻ như còn có khả năng kháng phép thuật. Phần lớn phép thuật của chúng thần hoặc là bị đánh chệch, hoặc chỉ gây thương tích nhẹ…” Taosih Stun nói “nhưng cách đây năm tuần, chúng thần có chút tiến triển ạ.”
“Tốt, nói trẫm nghe xem.” Hoàng đế Lam nói.
“Bẩm thánh thượng, cách đây năm tuần khi tháp tùng hạm đội săn lùng thủy quái, chúng thần đã đánh trúng thủy quái bằng phép lôi kích, con quái vật có vẻ nao núng sau khi trúng đòn.” Taosih Tsun nói.
“Phép lôi kích?” Hoàng đế Lam vuốt râu “phép lôi kích rất nguy hiểm mà còn có thể đả thương đồng minh và gây thêm thiệt hại không cần thiết, nhất là trong môi trường nước thế này, khanh nên cẩn trọng trong lúc thực hiện, nhưng dù gì thì khanh vẫn làm rất tốt.”
“Tạ ơn thánh thượng, thần và pháp đội sẽ thận trọng.” Taosih Tsun nói.
“Bẩm thánh thượng, ngoài ra, theo báo cáo của một thuyền trưởng trong hạm đội, tàu cũng ông ta đã bắn trúng vào miệng và đả thương thủy quái. Xem ra dù bên ngoài cứng chắc nhưng bên trong của nó cũng chỉ là da thịt.” Đô đốc Huan Tah nói.
“Như vậy là nó có thể bị giết, thế sao mọi việc lại kéo dài như vậy?” Hoàng đế Lam nói
“Bẩm… như thần đã nói, thủy quái rất thông minh, sau khi bị đả thương cách đây năm tuần thì chúng thần gặp khó khăn trong việc dụ nó đối đầu trực diện với hạm đội, và giờ nó chỉ tấn công ở những nơi ta không ngờ tới.” Đô đốc Huan Tah nói.
Hoàng đế Lam ngẩm nghĩ một lúc rồi quay sang ngài Buh Huy “ngài Buh Huy, thế còn tình hình trị an và nhất là vụ việc về giáo phái thờ phụng thủy quái thế nào rồi?”
“Khải bẩm thánh thượng, thần đã bắt hết phần lớn các phần tử dị giáo đó, và phát lệnh tróc nã tên giáo chủ. Thần nghĩ chúng không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa.” Ngài Buh Huy nói.
Bỗng nhiễn, tiếng chuông báo động vọng từ bên ngoài vào dinh thự. Một người lính hớt hãi chạy vào.
“BÁO…. Bẩm thánh thượng, thủy quái lại xuất hiện, nó vừa nổi lên gần cảng.”
Hay tin, tất cả mọi người liền tức tốc chạy lên tường thành bao quanh dinh thự. Do tư dinh của ngài Buh Huy nằm trên ngọn đồi cao nhất trong thành Qua Loh nên từ tường thành họ có thể nhìn bao quát cả khu cảng. Con thủy quái nổi lên cách cảng Qua Loh khoảng 500 lia. Hoàng đế Lam có thể thấy người dân hoảng loạn tháo chạy xa khỏi cảng hoặc lên những khu đất cao hơn. Còn thủy quái thì lượn lờ ở khu vực nước sâu gần cảng, đớp lấy đớp để những ngư dân đã liều mạng ra đánh bắt gần bờ để chỉ cố kiếm sống. Rồi nó đột nhiên vặn mình và quẩy mạnh, tạo ra một đợt sóng thần cao gần sáu lia lao vào cảng. Thấy cảnh người dân lâm nguy, Hoàng đế Lam không thể đứng nhìn. Mắt người bỗng chuyển màu trắng toát, đuôi mắt nổi gân cuồn cuộn, Hoàng đế Lam khơi dậy phép thuật của mình để cường hóa cơ thể và chỉ với một cú lộn nhào, người đã đến cảng. Ngay khi chân chạm đất, Hoàng đế Lam liền niệm một câu chúng bằng cổ ngữ:
“Thur rua fuh qelah ein luur.
Ark ein kavik zuarah iun huslur.
Kelov, kelov zuarah fiee ein nukuur
Divardi uanarku aban pofike da kuhfur”
“Hỡi đất và đá dưới chân ta
Theo lệnh ta mau mau đáp ứng
Dâng lên, dâng lên trợ giúp ta
Dựng lên tường thành bất khả xuyên phá”
Mặt đất trước mặt Hoàng đế Lam đột nhiên rung chuyển dữ dội. Hai đường nứt dài bỗng xuất hiện và chạy dọc bờ, rồi một tường đất trồi lên, cao những 10 lia và dài hàng trăm lia, ôm trọn khu cảng. Chỉ với pháp lực của bản thân, Hoàng đế Lam đã thực hiện được một việc mà phải cần đến hơn 10 Taosih mới có thể làm được. Ngỡ ngàng trước phép thuật hùng mạnh ấy của Hoàng đế, đám đông đứng nhìn trong im lặng khi đợt sóng thần ập vào bức tường. Cơn sóng nện ầm ầm vào bức tường, khiến bụi nước bắn tung tóe trên đỉnh tường như sắp tràn sang, nhưng bức tường vẫn đứng vững. Thấy cuộc tấn công của mình đã thất bại, con thủy quái liền lặng trở xuống mặt nước, biến mất tăm. Khi sóng đã lặng, Hoàng đế Lam thu hồi phép thuật và hạ bức tường xuống, trả mặt đất lại như cũ. Và như vừa bừng tĩnh khỏi sự ngỡ ngàng, đám đông bùng nổ vì vui mừng, cả thành phố rung chuyển vì tiếng hô hào.
“LONG TỬ! LONG TỬ” họ hô hào.
Một số không giấu nỗi vui mừng mà chạy đến ôm chầm lấy Hoàng đế Lam để rồi hoảng sợ vì phạm thượng, nhưng Hoàng đế Lam không những không trách tội mà còn cho phép họ đến gần, thậm chí có người còn ôm hôn chân Hoàng đế Lam. Đám đông vần vũ quanh Hoàng đế Lam khi bốn thanh niên khiêng Người lên vai họ và tụng “LONG TỬ! LONG TỬ!”.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI