Người ghi chép: Lạng
“Hạ tuần tháng Quý Đông.
Đội ngũ phát hiện bóng đen lớn lẩn khuất trong sương trên đường đi. Tên Ảnh lúc này trí lực đã yếu ớt, không còn trổ tài do thám được nữa. Số đèn phi thiên và chuồn chuồn thép cũng đã mất mát nhiều do bị rồng trúc phá, vì vậy đội ngũ đành chủ động chọn đường khác, không quấy rầy bóng đen đó.
Kỳ lạ thay, đội ngũ đi theo đường khác một chốc lại gặp bóng đen ấy. Việc lạ đó lặp đi lặp lại vài lần, cho tới khi cả đoàn nhận ra quang cảnh xung quanh không thay đổi gì, chừng như nửa ngày đi lại mà vị trí không hề suy chuyển. Nếu không vượt qua được bóng đen đó ắt không thể tiếp tục hành trình.
Lúc này, quan Phụ đạo bèn tới hiến kế, nói rằng hãy đi tìm quanh khu vực này một thứ quả thật lớn. Người trong đoàn tìm một hồi, quả nhiên thấy một cái cây cao lớn lạ lùng, dưới cội rụng đầy những quả mọng nước. Quả ấy đem về cho quan Phụ đạo xem, quan lại phán lấy độc dược mà nhồi vào, đem cho bóng đen ấy ăn thì sẽ mở được đường.
Mọi sự sắp xếp như ý của quan Phụ đạo, cô Đằng quyết định tự mình đem quả tẩm độc ấy tới gặp bóng đen nọ. Trải qua một hồi, lại thấy cô Đằng trở lại, quả tẩm độc giấu trong người.
Cô Đằng kể rằng bóng đen ấy là một con chim hai đầu rất lớn, mỗi đầu lại mọc ra một gương mặt người nom giống nhau như đúc. Xung quanh con chim là rất nhiều khỉ, lớn có, nhỏ có, đang cung kính vái lạy, thấy người tới cũng không chịu rời đi. Một đầu của con chim thì nhắm nghiền mắt như đang ngủ say, đầu kia thì mở to mắt nhìn thẳng vào cô Đằng. Nhân diện điểu này tuy cao lớn, điệu bộ dữ tợn, nhưng ánh mắt của nó lại thật ôn hòa, bình tĩnh. Cô Đằng thấy vậy, bất giác không muốn làm hại nó, nên đã tìm một quả ngọt khác, rửa sạch sẽ rồi quay lại cho quái điểu ăn. Việc này, quan Phụ đạo không hề hay biết.
Quái điểu ăn xong thì lắc đầu ngủ ba cái, gật đầu thức ba cái, tung cánh bay lên trời. Sải cánh của nó dài hàng trượng, khi bay lên vô tình xua tan một khoảng sương lớn, mở đường đi tiếp cho đội ngũ. Lũ khỉ lúc này mới chịu bỏ đi.”
Người ghi chép: Đằng
“Mọi sự xảy ra trong sương trắng, chỉ có ta là nắm rõ nội tình. Quái điểu nọ sau khi ăn quả ta dâng xong thì bỏ đi, nhưng cái đầu thức có để lại cho ta ba sợi lông vũ. Ta đã giữ lại cả ba, lão Lạng hãy xem qua.
Việc này, ngoài ta và lão không ai biết.”
***
Người ghi chép: Lạng
“Lão không được tận mắt chứng kiến, nhưng như cô Đằng miêu tả thì đây hẳn không phải quái điểu, mà là một con chim cộng mạng. Loài chim này đến từ Cõi trước của Thiên giới. Thủy tổ của giống chim cộng mạng cũng chính là kiếp trước của Phật Thích Ca và người em họ Đề-Bà-Đạt-Đa.
Hai người này đều là nhà tu hành, nhưng Đề-Bà-Đạt-Đa lại không bỏ được sân-si, thường xuyên ghen ghét, đố kị với Hào quang của Ngài. Ở kiếp trước, hai Ngài bị đọa cùng vào một thân chim có hai đầu, chính là chim cộng mạng đầu tiên. Đầu ngủ của chim cộng mạng thì ưa ngủ, lười biếng; đầu thức lại siêng năng, giỏi tìm thức ăn. Đầu thức kiếm được quả ngon ăn, đầu ngủ cũng được no bụng nhưng lại không biết ơn, cuối cùng lại đi tìm quả độc ăn để hại chết cả hai.
Lại nhớ cách đây dăm năm, vùng Sòng Sơn có sự biến long trời lở đất, nghe đồn Mẫu Liễu Hạnh hiển linh quyết đấu với ba vị tự xưng là Tam Thánh của Nội Đạo Tràng, phái tu ở Thanh Hóa. Nguyên Mẫu Liễu Hạnh thường hóa thành cô hàng nước xinh đẹp ở chân núi Sòng Sơn, hay trừng phạt những kẻ đi qua giở trò lỗ mãng. Vua Lê Thần Tông lúc ấy còn trẻ, khi đi qua quán nước thấy cô bán hàng xinh đẹp thì lấy làm thích, nhất quyết đòi ngủ lại trong quán. Đến đêm, Vua dỡ tấm phên để mò vào ép uổng. Tới đó, Mẫu Liễu Hạnh quát lớn, khiến Vua sợ hãi mà ngất đi, ngựa xe đều bị dựng đứng, còn kẻ hầu người hạ đều ngã lăn ra mà chết.
Vua Lê Thần Tông về đến Kinh thì ốm nặng, cơ thể mọc ra lông lá rậm rạp. Thái y trong triều chẩn đoán là bệnh hóa hổ giống vua Lý Thần Tông, không ai chữa được. Sau, có ba người con của Thượng sư Nội Đạo Tràng chữa trị, Vua mới hết bệnh. Vua lại nhờ ba người này tới Sòng Sơn để thu phục Mẫu Liễu Hạnh.
Song, Mẫu Liễu Hạnh bản lĩnh cao cường, không dễ gì quy thuận. Người địa phương kể lại, rằng Mẫu Liễu Hạnh hô mưa gọi gió, hiệu triệu quân Tam Phủ, Thủy Tinh, Sơn Vương, Long Thần, hàng ngàn vạn tới đối phó với Tam Thánh. Lại có cả những con chim lớn có hai đầu chở Bách Hoa Tiên từ phương Bắc tới trợ chiến, khiến Tam Thánh nọ hao tâm tổn sức suốt nhiều ngày mà không thắng được. Xét theo hướng ấy, ta bỗng nghĩ rằng, phải chăng đó chính là con chim cộng mạng mà cô Đằng chạm trán ngày hôm nay?
Ta có kiểm tra qua ba sợi lông vũ. Đâm thử lông vũ vào gà rừng bắt được, không thấy sự lạ, hẳn không có tà độc. Chim cộng mạng tuy cổ quái nhưng không phải là giống hãm hại người, cô Đằng cứ lưu lại lông của nó bên mình, có thể trong tương lai sẽ có ích.”
***
Người ghi chép: Đằng
“Chuyện lão kể ắt phần nhiều là hư cấu, nhưng nghe cũng ly kỳ hấp dẫn. Trận chiến ấy sau cùng kết quả ra sao?”
***
Người ghi chép: Lạng
“Tam Thánh vốn là người thường tu luyện mà thành tựu, khi hợp sức lại, pháp thuật cũng khó lòng hơn Mẫu Liễu Hạnh. Song, trận chiến ở Sòng Sơn, Mẫu Liễu Hạnh vốn đã thua từ trước khi bắt đầu.
Nguyên vị Tiền Quan Thánh trước khi thảo phạt Mẫu Liễu Hạnh mới hóa trang thành người thường, cưỡi ngựa trắng tới Sòng Sơn, cung kính vái trước quán nước ba lần. Mẫu Liễu Hạnh biết đây không phải kẻ tầm thường nên cũng đón tiếp đơn giản mà nồng hậu. Tiền Quan Thánh nói rằng: “Ta kiếp trước ở Thiên Đình, có quen biết quý Chúa. Nay quý Chúa giáng phàm ở vùng này đã đắc tội tới Vua, Vua đang cho vời phương sĩ tới trừng trị người. Ta chỉ e trí lực, thần thông của quý Chúa chưa được toàn vẹn, nếu thua kẻ trần gian thì thật hổ thẹn. Quý Chúa hãy đem các pháp thuật đã có xưa nay diễn thử cho ta xem, giả có chỗ sơ hở, ta xin dốc lòng bổ sung.”
Mẫu Liễu Hạnh nghe thế thì mừng rỡ, bộc bạch rằng Bà bị đày xuống trần nhiều năm, vốn không muốn hại dân chúng, nhưng ở trần gian thân cô thế cô, bị nhiều kẻ mãng phu khinh bạc nên thường ra tay trừng trị. Nếu lần này tai qua nạn khỏi, Mẫu Liễu Hạnh sẽ rút lên núi cao sống, mặc kệ sự đời. Kế đó đem ba ngàn phép lạ ra thi triển cho Tiền Quan Thánh xem, mỗi phép làm ra đều bị Tiền Quan Thánh học lấy mà ngẫm ra phép khắc chế.
Tam Thánh nhờ đó nắm được phép thuật của Mẫu Liễu Hạnh trong lòng bàn tay. Sau nhiều ngày giao chiến, Mẫu Liễu Hạnh cuối cùng cũng thua trận, bị Tam Thánh cưỡi voi trắng chín ngà tới dụ hàng. Ba trăm đền phủ của Mẫu Liễu Hạnh từ Vân Cát tới Sòng Sơn đều đương lúc vô sự mà phát hỏa, cháy trụi. Có người nói sau đó Mẫu Liễu Hạnh được Phật Tổ Thế Tông cứu giúp, cho gia nhập cửa Thiền tu đạo. Cũng có người đồn rằng, Mẫu Liễu Hạnh trốn vào một đám mây rồi bay đi đâu không ai biết.”
***
Người ghi chép: Đằng
“Ra là Thần, Thánh cũng dễ bị người phàm lừa gạt. Ba kẻ tự xưng là Tam Thánh dùng thủ đoạn không ra gì, nhìn cách nào cũng chỉ thấy ba mãng phu hiếp đáp kẻ cô thân cô thế.
Từ khi mất mẫu thân ta đã không còn tin vào Phật, Thánh. Phật, Thánh nào lại để mẫu thân của ta phải chết mất xác trên biển? Khi ở Bình An Kinh, ta thấy người Nhật thờ hơn mười vạn vị thuộc Thần giáo, lại thờ thêm vô số Phật. Họ cúng tế xa hoa, cầu xin tài lộc, vậy chẳng hóa ra là ngã giá để đòi ước nguyện ư? Dù là cung kính hay thủ đoạn, trước sau ta thấy đều là lừa gạt chính mình mà thôi.
Sau khi mẫu thân ta mất, ấp Nhạn đều miễn hết các lệ cúng bái. Phật của lão dạy rằng Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn. Ấy là điều hiếm hoi ta đồng tình: Trên đời này, hèn kém hay tối cao, sau cuối cũng chỉ có con người mà thôi.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Vu Quoc Quynh
hay quá