Tôi ngồi dựa vào tấm biển quảng cáo ở trạm chờ xe buýt, thẫn thờ nhìn về phía hàng giậu nhà bác Hòa. À mà không chắc nữa, tôi cũng chẳng biết liệu ở đây có bác Hòa không. Chuyến buýt sáng còn lâu mới đến, thường là thế. Tôi lại ngồi nghĩ vẩn vơ, nếu giờ này tôi còn ở nhà, thì tôi đang làm gì nhỉ? Tôi đã ở nơi khác quá lâu, lâu đến nỗi tôi quên cả chính bản thân mình. Mình trông như thế nào nhỉ, liệu Vân còn ở đó không? Tóc mình vốn xoăn hay thẳng, hay mặt mình trông như thế nào cũng lờ mờ chẳng còn nhớ rõ nữa. Khi nhìn vào gương mỗi sáng, tôi vẫn nhận ra “Thư”, phải nhận ra chứ. Nhưng tiếc là, giữa bao nhiêu gương mặt na ná nhau ấy, lại chẳng có tôi. Bụng lại quặn đau, tai cứ vang mãi những tiếng ong ong vô nghĩa, y như lúc trước. Tôi mỉm cười vui vẻ mà ngân nga khe khẽ một giai điệu thân quen. Còn đau là còn sống, nhỉ?
Tôi bước chân vào đến cổng bảo tàng, gió biển phả mặn hơi người. Những mảng màu rực rỡ trên tấm áp phích như nhảy múa trong nắng trời. Trong tấm áp phích ấy, Đan mỉm cười vui vẻ bên những mảng hòa sắc đang đan vào nhau. Lâu lắm tôi chưa thấy cậu ấy cười, à không đúng, là lâu lắm rồi tôi chưa nhìn lại ảnh của cậu. Tôi đi vào triển lãm, tay men theo hàng cây đặt dọc hai bên đường. Hai dải xanh mướt mắt ấy dẫn tôi băng ngang căn phòng kính đầy nắng trước cửa, hàng cây ấy trải dài đến tận khúc rẽ cuối hành lang. Căn phòng ấy thật đẹp, nắng khẽ xuyên qua những ô kính màu mà vờn trên tóc những người đi ngang, để lại những vệt sáng óng ánh đổ dài trên bờ tường. Tôi bật cười, Đan ghét những ô kính màu như thế này lắm.
Đan phụng phịu nhìn tôi:
– Này Thư, hay là tụi mình dẹp cái mớ kính màu phiền phức của cậu trong gác xép đi?
Tôi dứ dứ đám cọ trong tay, gắt gỏng:
– Điên à, thôi tôi xin. Cậu biết mớ đấy làm tôi mất cả buổi chiều không? Với lại đấy là phòng mình nhá, cậu mới là người ở sau đấy.
Mặt Đan xịu xuống, cậu kiễng chân gạt phăng cái rèm cửa ra:
– Đám kính này còn không bằng một góc cái đèn đầu hiên nhà bác Hòa…
Đan ghét chúng lắm, tôi chẳng biết vì sao. Nhìn những vệt màu trên tường, tôi nhớ lại vẻ mặt phụng phịu trẻ con của cậu lúc ấy, dù sao cũng là chuyện qua từ lâu lắm rồi. Tôi nhìn lại tấm vé triển lãm trong tay, đây rồi, tôi chỉ còn cách triển lãm có một khúc rẽ nữa thôi. Tôi dừng trước cửa, chần chừ đặt tay lên thanh chắn trước mặt. Tôi biết thừa “Đan” ở đây không phải bạn tôi chứ, nhưng tôi sợ. Sợ cậu ở đây không quen “Thư”, sợ chúng tôi vì cuốn vào cái gia đình kì lạ của bố mẹ mà ghét nhau, càng sợ hơn là chúng tôi lạnh nhạt nhau suốt bấy lâu. Nhưng đầu tôi vẫn nghĩ vẩn vơ như thế thì chân đã bước vào từ lúc nào. Nắng xuyên qua cửa sổ đã quá buổi, chiếu chói lòa vào những bức tranh sặc sỡ treo trên bức tường sơn màu xanh mòng két nhàn nhạt. Những gam màu rực rỡ ấy làm tôi choáng ngợp. Tôi ngước nhìn chiếc đồng hồ nằm trơ trọi ở bên kia căn phòng, hẵng còn sớm nên phòng tranh ít người hẳn. Tôi lần theo những bức tranh ấy mà đi tiếp. Tôi nhớ những tấm toan vẽ chất đầy góc phòng của Đan, nhớ cái cách cậu đưa tay vẽ từng nét màu. Căn phòng trước mắt bỗng trở nên nhòe nhoẹt, mắt tôi đẫm nước từ khi nào. Nếu lúc đó Vân không xuất hiện, chắc những bức tranh của cậu đã không bị vứt chỏng chơ ở xó phòng, cậu cũng chẳng phải lao đầu vào học đến sinh bệnh. Tôi ngẩng đầu, chợt ánh mắt va phải một bức tranh được đặt ở giữa bức tường. Tôi ngồi đờ người ra trên hàng ghế cho khách đặt ngay trước bức tranh ấy, thẫn thờ nhìn ngắm từng vệt màu loang lổ. Tôi nhìn chằm chằm vào những hạt lấp lánh lơ lửng trong đó, những hạt bụi vàng lơ lửng trong ánh đèn đầu hiên lập lòe trong đêm tối. Tôi rũ mi mắt, nước mắt trên mặt khô cong từ bao giờ. Tôi nhớ chứ, những hạt bụi vàng ấy đi vào giấc ngủ của tôi biết bao nhiêu năm rồi. Những hạt bụi ấy cứ như một giấc mộng đẹp của cả hai chúng tôi. Nắng chiếu xiên vào bức tường, phả hắt qua vai tôi. Những hạt bụi kia trôi nổi trong đó, cứ thế lửng lơ mà bay đi, hệt như những ngày còn thơ bé.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI