Khương đi cạo đầu.
Vũ nghĩ trong số lí do Khương cạo đầu, có ba phần là vì hối lỗi với anh. May mắn là món tóc cháy thui của Khương đã làm dời đi bớt sự chú ý của mọi người vào việc Vũ bất chợt bị hôn. Đến khi Vũ tỉnh ra, Khương đang loay hoay dùng mấy ngón tay vặt chỏm tóc cháy trên đầu, anh cũng không buồn truy cứu về việc vì sao thằng nhóc này lại đột nhiên dở thói cắn người vô lí.
Bảy phần còn lại trong lí do cạo đầu của Khương rõ ràng là do tóc cháy. Đầu cậu như tấm mạ bị con trâu đi qua liếm lõm, nếu không cạo thì cũng không có cách nào biến tóc thành mặt phẳng không buồn cười.
Sau khi bị hôn, Vũ hầu như không nói chuyện gì với Khương. Không gặng hỏi lí do, không chửi mắng, anh thử im lặng để chờ xem luật sư tương lai làm cách nào bào chữa cho hành vi không đứng đắn. Nói một câu cho rõ ràng, Vũ nghĩ khả năng Khương thích anh là rất ít. Mà nghĩ đến đó, Vũ thấy yên tâm. Có thể chỉ vì Khương say rượu, cũng có thể cậu bập môi trúng môi anh để cho vui. Mà mọi chuyện xảy ra chỉ thoáng qua, anh chưa kịp biết mùi hôn thì đã nghe mùi tóc cháy.
Hai bên cứ dở sống dở chín như thế, thành thử Vũ không phải là người đầu tiên biết Khương cắt tóc, dù bình thường Khương sẽ kể hết tất cả mọi mặc kệ Vũ có nghe hay là không. Thậm chí có bữa, Vũ còn biết rằng hôm nay dưới cảng cá có người trúng một mẻ mực nang. Vài tuần sau, lại là người đó trúng tiếp một mẻ cá cơm vài tấn. Ông con thừa kế nhà buôn hải sản ngày nào cũng nói chuyện với mẹ, nói xong lại quay sang kể cho anh, mặc kệ lúc đó anh đang làm mô hình nhà cửa, tưới tắm cây xanh hay là bình yên lau tóc ướt.
Người đầu tiên thấy Khương xuống tóc là thằng bé bán nước ở ngay bên dưới cư xá, nó cùng mẹ cái quán nước nhỏ tẹo ọp ẹp nhưng có đủ mọi thứ nước trên đời. Thằng nhỏ học khoa điêu khắc của trường mỹ thuật, vừa thấy Khương thì đã vận hết mọi liên tưởng trên đời để kêu lên:
“Ê con cá bạc má! Bà con ơi cá bạc má!”
Chiều hè trời nóng mà ngồi trong phòng điều hòa mãi thì thành ra ù lì, nhiều người ra công viên bên dưới cư xá vừa bắt sâu cho đậu biếc vừa hóng gió từ biển thổi lên. Nghe một câu “cá bạc má” hú lên, cư xá bắt đầu rục rịch vang lên rất nhiều tràng cười to có nhỏ có. Vũ đang đứng rút áo quần trên ban công, anh hất chiếc áo phông hồng chói lọi của Khương ra khỏi tầm nhìn rồi nhanh chóng thở dài thườn thượt.
Trong nắng chiều, khi mà gió biển bạt trực tiếp lên đồi mà không hề có vật cản nào mang theo hơi muối mằn mặn, Vũ như ngửi được mùi cá bạc má tanh nồng và lấp lánh vảy bạc, chỉ nhờ vào một chiếc đầu tròn vo vàng vàng trăng trắng đang đi lại dưới công viên. Khương hẩy hẩy một trái dừa trên tay, cao giọng nói:
“Bạc cái m…”
Bà cô bán nước lăm lăm cầm cây dao chặt dừa ra để chặt cho Khương, cậu ngay tức thì phanh lại. Con dao sắc lẻm lia vài đường ngọt xớt, rồi sau đó sọ dừa lớn ôm sọ dừa nhỏ hối hả bước vào cổng đậu biếc trong tiếng cười.
—
Trước cửa nhà cộc cộc vài tiếng, Vũ ôm đống áo quần vừa rút, bước tới mở cửa ra. Ấn tượng thị giác quả thật mạnh mẽ hơn tất cả những công trình anh từng làm, quả tóc Vườn sao băng mười năm trước chỉ sủi vài đường thì đã không khác gì Itaewon Class. Khương xoa tay lên chiếc sọ dừa, nhe răng cười.
“Anh, xem tóc em…”
Vũ đóng sầm cửa lại. Từ đằng sau cánh cửa, anh đưa tay vuốt mặt. Hành lang vang lên tiếng cười the thé, ông anh tiến sĩ từ đầu đến cuối chứng kiến nụ hôn kia nói bóng gió xa xôi gì đó về việc người yêu không thèm nhận mặt, còn Khương thì vừa đấm cửa thùm thụp vừa kêu lên:
“Anh ơi anh ơi anh ơi anh ơi anh ơi!”
Ngoài cửa có thêm tiếng bàn luận xem thử quả đầu đinh nhuộm trắng của Khương trông giống cá bạc má hay là cá kiếm. Vừa gọi Vũ, Khương vừa góp vào một bình luận rằng thực ra nói giống thì phải giống cá bơn.
Vũ bình tĩnh gấp hết tất cả quần áo rồi mới mở cửa ra. Khương hơn hớn đi vào nhà, đặt quả dừa lên bàn bếp. Đúng như Vũ đoán trước, Khương về tủ đồ cá nhân lấy cây lược chải chải vài cái vô nghĩa, vứt bẹp cây lược xuống hộp đồ đựng vật dụng lặt vặt được dựng bằng gỗ thừa trên công trường.
“Cho anh mấy cây lược với máy sấy của em đó! Em không làm khác được. Anh thợ cắt tóc bảo có làm kiểu gì thì cũng giống em chôn đầu dưới đất rồi bò liếm một miếng trên đỉnh thôi.””
Vũ ngồi quay lưng dựng bài, trong lòng không biết nên phản ứng gì cho phù hợp. Thực ra, chuyện tóc tai của Khương đến cuối cùng vẫn chỉ là chuyện riêng Khương, anh không có quyền ý kiến rằng làm cái này thì sai cái kia thì đúng. Vũ cũng chưa từng xét nét ngoại hình của ai khác, đến ngoại hình của mình anh vẫn đối xử theo dạng sạch sẽ là được còn đẹp đẽ thì cũng tùy ngày. Nhưng nhìn mái tóc trụi lủi trắng xóa của Khương, Vũ vẫn muốn đem dao cạo râu ra cạo hết chỗ lởm chởm đó, nhét cậu vào phòng riêng rồi khóa lại cho đến khi mái tóc cũ trở về.
Chi tiết là lạ đó không làm Vũ phải để ý quá lâu. Nói một câu công bằng, so với những người cạo đầu rồi nhuộm tóc trắng phau, Khương vẫn được tính là dễ nhìn lắm.
Vấn đề dễ nhìn được Vũ phát hiện vào buổi tối đó. Sau khi tự chụp cho mình vài tấm ảnh để đăng lên thông báo với bạn bè, Khương hẹn Vũ đi ăn. Cậu cập nhật một chút rằng cảng hôm nay không có cá nhưng có một mớ cua ngon, nói anh nhất định phải nếm thử món lẩu cua của nhà hàng Trùng Khương. Khương không quảng cáo lố về nhà hàng Trùng Khương, nên cậu chỉ mới nói đến lần thứ ba thì Vũ đã buông máy tính đứng dậy. Dọc đường đi, Khương trịnh trọng nói rằng dù sao cũng đã qua nhiều ngày không nói chuyện, hôm nay em sẽ thẳng thắn bàn luận với anh về sự cố cháy tóc ngày hôm kia.
Nhà hàng Trùng Khương nằm dưới chân cầu cảng, từ đó có thể nghe được cả tiếng sóng láp nháp va vào trụ cầu. Mùa hè đến, những hàng quán như Trùng Khương vẫn thường đông khách, nhưng chỉ có mươi chiếc xe đang đậu ở bãi đỗ xe của Trùng Khương. Khương tấp con xe cà tàng vào một bên mép cầu, cậu giải thích ngay khi Vũ đang lẩm nhẩm đếm xem có bao nhiêu người trong quán.
“Nhà em chỉ giữ lại mớ hải sản ngon nhất trong ngày đem tới đây nấu cho vui, nên không đón được nhiều khách. Đó, anh nhìn xem…”
Một cậu nhân viên chạy ra đặt tấm biển “xin lỗi quý khách”, lúc đó chỉ chưa đến tám giờ. Hai người vừa ngồi xuống bàn thì đồ ăn đã được bưng ra. Khương nhiệt tình lau lau mặt bàn sạch bong, Vũ cũng xắn tay áo lên giúp cậu lau bát đũa. Khương vặt sau sống, Vũ đưa cho cậu hộp tăm, Khương xiên tăm vào đầu tôm trước khi thả tôm vào nồi nước sôi sùng sục.
“Hóa kiếp cho mày, mày làm kiếp khác…”
Khương lẩm bẩm nói với từng con tôm một. Vũ nhếch môi cười, lau thêm cho cậu một chiếc thìa lớn. Khương cho nửa số tôm vào nồi lẩu xong thì vớt cua ra. Nồi lẩu cho hai người có đến năm con cua lớn, Khương lúc nào cũng bận rộn bóc thứ này gắp thứ khác cho Vũ. Cậu gọi bia cho anh, bản thân thì đột xuất gọi nước ngọt. Bữa ăn êm ả trôi qua một nửa, Vũ cũng uống hết lon bia, Khương đột nhiên đặt cây kéo cắt mì xuống, nghiêm túc nói:
“Chắc anh bối rối lắm, chuyện em hôn anh.”
Vũ ho lên vài tiếng, đẩy bát ớt dầm ra xa khỏi mình. Anh đáp:
“Người nào cậu cũng hôn hả?”
Khương lắc đầu:
“Tào lao, em đâu phải người ăn tạp.”
Vũ nhướn mày, Khương nói tiếp:
“Đẹp trai em mới hôn.”
Vũ gắp một chiếc càng cua trôi nổi trong nồi lẩu sùng sục lên, nhẹ giọng nói:
“Vậy người nào đẹp trai cũng hôn?”
“Không!”, Khương nói. “Thực ra em trông anh quen quen… như là gặp anh ở kiếp trước.”
Chiếc càng cua phi xuống bát, Khương điềm nhiên nhặt lên, cầm kéo bẻ càng. Vũ nói:
“Ăn nói cho giống người xem nào!”
Khương cúi đầu nói:
“Em xin lỗi.”
“Vì cái gì?”
“Vì hôn anh mà không có lí do gì hết. Anh ăn cua nữa không?”
Chiếc càng cua trắng nõn với mấy đường chỉ đỏ gần như còn nguyên vẹn được đưa tới trước mặt Vũ. Anh nhíu mày chìa bát, khẽ lắc đầu:
“Không có lần sau đâu.”
“Dạ! Anh ăn mực không?”
Vũ thấy Khương không có vẻ gì là nghiêm túc, nhưng anh không thể làm được gì hơn ngoài chìa bát. Từ đó đến cuối bữa, Khương không nói chuyện hôn hít nữa mà chỉ tập trung ăn uống như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
—
“Cô ba ơi, tính tiền!”
Khương đứng tại bàn thu ngân, đưa năm ngón tay bốc một vốc lớn kẹo bạc hà rồi đưa cho Vũ. Vũ đã rút ví ra sau lưng cậu, Khương nhón một tờ tiền xanh rồi mở ví mình. Vũ dúi vào tay Khương thêm một tờ tiền mệnh giá lớn, Khương quay người nhét vào miệng anh một viên kẹo bạc hà bóc sẵn, trừng mắt nói:
“Trả trả em hôn cho bây giờ!”
Cô ba ngồi sau bàn thu ngân, thân hình khi đứng thẳng lên vẫn còn cách mặt quầy một quãng. Vừa ngẩng đầu nhìn cặp đôi không ngại ngần thể hiện tình cảm, hai mắt cô ba đã trợn trừng.
Khương không biết đã xảy ra chuyện gì, cậu vẫn nhơn nhơn cầm lấy hóa đơn, tự nhét vào miệng mình một viên kẹo. Đến khi mắt cô ba trừng hết cỡ, Khương giật bắn mình vì tiếng kêu thất thanh:
“Thằng Khương đó hả?”
Khương đáp:
“Dạ, con mới xa nhà ít ngày, từ răng tới tóc có khác gì đâu mà cô ba làm như khách lạ vậy?”
Vũ bỏ tọt viên kẹo bạc hà cay thơm vào miệng, nhanh nhẹn né sang một bên. Cô ba hẳn là cô ba ruột của Khương, bởi vì cô ba ngay lập tức phóng ra khỏi bàn thu ngân, gọi to một tiếng:
“Chị hai ơi! Ra coi thằng nhỏ! Nó thành con cá lẹp rồi!”
Từ đằng sau bếp có tiếng nói vang lanh lảnh:
“Nó về đó hả? Còn về ăn lẩu mà sao lép kẹp được, cô đừng có nói vậy để nó ăn nhiều hao của, nhà mình chứ đâu phải nhà chùa.”
Tiếng nói càng lúc càng gần, nhưng Khương vẫn chưa ý thức được chuyện gì xảy ra với cô ba mập đang quản lý quán lẩu. Cậu nheo mắt nhìn Vũ như muốn hỏi, Vũ cười hiền vươn tay xoa đầu Khương. Ngay lập tức, Khương nhảy nhót lên, cầm tay Vũ vụt chạy.
“Chết rồi anh ơi! Cô ba cho con gửi lời chào m…”
“Hà Trùng Khương!”
Vũ thức thời né lần hai, nhưng đã không còn kịp nữa. Cây chày cắt khúc cá ở trên tay mẹ Khương rơi xuống, hai bàn nhậu ở mé bên bờ nước đều giật mình liếc sang. Trước ánh mắt vô tội của Vũ, cái nhìn như muốn cạo trọc đầu thằng con trai của mẹ Khương, cái nhìn muốn phụ chị dâu cạo đầu cháu trai của cô Khương, cái nhìn hình – như – cậu – kia – giật – tiền – ăn của mươi vị khách bên ngoài, Khương bắt đầu bắn rap.
“Mẹ ơi anh Vũ hôm nay ăn hết tận ba con cua, lần sau nhất định tụi con sẽ về ăn tiếp, anh Vũ dạo này đang vẽ một tòa nhà bảy tầng ngay sát cảng mình nè mẹ, anh Vũ nói với con là sắp tới người ta sẽ xây thêm rất nhiều chỗ nghỉ ngơi ăn chơi ở chỗ này hay là mẹ mở rộng quy mô Trùng Khương đi? Anh Vũ cũng nói rằng tóc ngắn thì sẽ dài tóc bạc thì sẽ đen đó là quy luật bất biến của thời gian mẹ đừng có quá giận!”
Mẹ Khương mỉm cười đổi giọng:
“Vũ ghé chơi đó hả? Ăn ngon thì lần sau ghé một mình nha, cô mời!”
Và đó là tất cả những lời dịu dàng mà Vũ nghe được trong buổi tối. Quay sang phía Khương đang núp đằng sau lưng anh, bà mẹ dáng dấp mảnh mai của Khương cũng làm ra một màn bắn rap liên thanh. Khác với Khương, bà chủ vựa cá vừa bắn rap vừa với lấy cây vỉ đập ruồi trên bàn, chạy vòng quanh cố gắng vợt vào quả đầu trắng toát.
“Cạo đầu! Nhuộm tóc! Học luật làm cái gì, đem cái đầu này đi về nhà bắt sứa còn không được, lội ra biển lỡ chết ngộp người ta tưởng cái phao bơi trôi dập dềnh trong nước thì làm sao?”
Vũ xoay vòng quanh, Khương ôm cứng lấy eo anh, đẩy anh về phía mẹ. Xoay vòng quanh chán chê, Vũ đỡ lấy tay mẹ Khương, lớn giọng hơn để át tiếng nheo nhéo ồn ào của cả con lẫn mẹ:
“Cô ơi, Khương bị cháy tóc nên mới lỡ cạo thôi…”
“Lại được cả bạn cùng phòng nói đỡ? Mày coi anh Vũ mày đó, đã ngoan ngoãn học giỏi lại còn để tóc đen giống con người đàng hoàng đẹp trai bộ mặt của xã hội tiến bộ, mày xin về ở với anh mà đến cái đó cũng không học nổi?”
Khương xám ngắt mặt mày, chỉ biết thắt chặt hai tay đan trước bụng Vũ hơn. Mẹ Khương nhào tới rồi trở ra, quát lớn:
“Còn uống bia! Chạy chiếc xe gia truyền về đây mà dám uống bia! Rồi té hư xe thì làm sao mà biết được bố mẹ từng khổ sở vất vả như thế nào?”
Khương la oai oái:
“Anh Vũ uống! Anh Vũ uống không phải con, con uống nước dâu mà!”
“Dám đổ tội cho anh? Ai chẳng biết mày là con sâu rượu?”
Vũ nói cách mấy, mẹ Khương vẫn không chịu tin rằng ông con trai mình không đụng vào giọt rượu nào hết. Kết quả là Khương bị chày đập cá tống vào mông hai lần, bị chộp tóc một lần – nhưng chộp trượt, và bị tịch thu chiếc xe cà tàng, phương tiện duy nhất chở hai người xuống đến đây.
—
Có mỗi con xe cà tàng mà còn bị nẫng mất, hai người bước thấp bước cao đi tới bến xe bus gần cầu. Vũ thấy oan ức vô cùng. Ừ thì Khương sai đấy, nhưng vì sao anh lại bị khép tội “không dạy dỗ em”, để cuối cùng lang thang giữa bến cảng trong đêm chờ một chuyến xe về thành phố? Bên cạnh anh, Khương cho tay vào túi quần thong dong bước, cậu không có vẻ gì là chán chường buồn bã hay hối lỗi. Quả đầu trắng nổi lên trong đêm buồn cười hết sức, Khương chốc chốc lại đưa tay vò rồi mời Vũ vò chung.
Tiếng sóng ở xa vỗ ì ầm, Vũ ngồi duỗi chân trong trạm chờ xe bus, đột nhiên hỏi:
“Sao cậu đi học luật?”
Khương đáp:
“Sao tự dưng anh hỏi? Anh nghĩ em hợp nghề làm cá hơn hả?”
Vũ nói:
“Không hẳn, nhưng đúng là vì thấy nhà cậu làm ăn rất lớn…..”
“Hồi học cấp ba, đứa em thích không thích con trai nói nhiều.”
Vũ cười:
“Có ai mà lại thích con trai nói nhiều?”
“Nhưng nó lại nói với em, con nhà bán cá chắc chắn giỏi cãi nhau lắm. Mà em đâu có biết cái đó là khen thật hay khen đểu, tại em giỏi cãi thật nhưng người nhà em thì không buôn bán kiểu to tiếng bao giờ.”
Nói đoạn, Khương hạ thấp giọng:
“Chỉ to tiếng mắng con thôi.”
Vũ im lặng chờ nghe, Khương lại tỉ mẩn bóc vỏ viên kẹo bạc hà, nhét vỏ kẹo vào túi. Vừa nhai kẹo lóc cóc, Khương vừa nói:
“Thì vậy đó. Em nói nó “ừ mình con nhà bán cá mà mình giỏi cãi nhau thật”, thằng đó cười như được mùa. Nên em đi thi luật, sau này làm thầy cãi cho nó vừa lòng luôn.”
“Chứ cậu không có ước mơ hả?”
Khương lắc đầu.
“Không rõ ràng lắm, mà em thấy học luật cũng tốt. Mơ lớn làm chi, đến lúc vỡ mộng thì lại trách mình. Ê, con cua kìa!”
Vậy là hết đoạn nói chuyện sâu sắc. Khương phát hiện một con cua đá chậm rãi bò ngang qua mặt đường xám, cậu chạy tới lẹ làng bốc lấy, người nhe răng cua nhe càng, nhe xong xuôi thì đem thả về đám rau muống biển bò trên vỉa hè loằng ngoằng mấy bông hoa tím úa.
“Vụ hôn anh đó, em xin lỗi lần nữa. Em cứ thích hôn thôi, tại em nghĩ cũng bình thường không mất gì.”
Vũ phẩy tay:
“Thôi, con trai không để bụng. Anh không mất gì, cậu thì cháy cả tóc rồi.”
“Em quen hôn người ta rồi. Giao tiếp với nhau mà cứ đứng nói chuyện hoài thì chán lắm.”
“Tội phạm tình dục mới vậy.”
Khương nói:
“Nói ra thì nghe như em đang chống chế, nhưng bình thường thì người ta hôn em trước. Chẳng qua hôn xong thì quệt môi cười hềnh hệch với nhau cho vui thôi nên cũng không hề gì. Bữa đó không biết tại sao mà nhìn anh rồi lại muốn hôn anh một cái.”
Vũ không đáp lại Khương. Khương ê a hát theo hai bài hát vọng ra từ quán karaoke trong rừng dương thì xe bus đến. Vũ móc vài đồng tiền lẻ ra trả tiền vé mà Khương cũng giành mất, anh trừng mắt lạnh tanh rồi đưa khuỷu tay thúc vào ngực cậu ra hiệu dừng. Trên xe bus chỉ còn có bốn người, Vũ nhắm mắt khoanh tay nghe bản tin giao thông cuối ngày, thỉnh thoảng lại nhíu mày khi xe lao xuống những đập tràn thoát triều cường nho nhỏ.
Đường vào thành phố không còn xa mấy nhưng vẫn có thể thấy một vùng sáng rực ở phía trước, đối nghịch với những ngôi nhà thấp vững vàng bên bờ vịnh mà xe bus đi qua.
Hết nhạc karaoke rồi, Khương lại lẩm bẩm hát một bài hát được ai đó gửi tặng nhau trên radio. Giọng hát của Khương không đến nỗi ghê tai, dù hát thì thầm nhưng nốt nào vẫn ra nốt nấy. Vũ mỉm cười nghe bài hát ngay bên cạnh mình cho đến khi tiếng hát tắt đi.
Còn lại tiếng động cơ xe, tiếng còi và tiếng nói chuyện trên radio, tiếng xe cộ hai bên đường lao qua vùn vụt. Vũ mở mắt nhìn sang để tìm kiếm âm thanh quen thuộc. Ở khoảng cách gần sát, Khương giật bắn, đôi môi rõ ràng vừa bị chính chủ cắn mạnh vẫn còn hắt một mảnh sáng bóng từ đèn xe.
“Không có lần sau đâu”, “dạ”, đoạn hội thoại chỉ mới có tuổi thọ cách đây hai ba tiếng mà đã vội hết hạn dùng.
Quả đầu cá bạc má hoặc cá bơn, hoặc cá lẹp hoặc là phao bơi trôi trên biển gần như chạm vào má Vũ. Anh còn ngửi ra được mùi dầu gội đầu hăng hắc của mấy tiệm làm tóc, mùi hương không hợp với Khương một chút nào.
Cho đến vài năm sau, Vũ vẫn không biết là vì sao. Anh thở một hơi như tiếng cười rất khẽ, sau đó cong khóe môi lên thành một nụ cười, nhẹ nhàng nhắm mắt.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI