Bán cá rồi dạo biển mấy ngày, da đen đi một tông, Khương lại quà y quả vác ba lô lên thành phố. Trong ba lô có vài con khô mực thủ được từ giàn phơi của nhà bên cạnh, cậu định bụng mang tới cho thằng bé bán nước dừa. Bán nước dừa nói gì thì nói cũng là nghệ sĩ, ngày bán nước nhưng đêm vẫn dặt dẹo điêu khắc vẽ vời. Ngoài mấy con mực khô ra, Khương không mang thêm gì nữa. Có túi hải sản lớn gửi lên cho Vũ, Khương một mực từ chối, bảo rằng sẽ dẫn anh về Trùng Khương rồi mẹ và cô ba muốn tẩm bổ kiểu gì thì tính sau.
Quán nước ọp ẹp tự nhiên lại dẹp, mấy tấm bạt lẫn máy ép mía bị dồn sát vào tường. Khương cầm mấy con mực đầy đủ râu ria đi vào cư xá, cậu gõ cửa xong thì đem mực lên che kín mặt mày.
Vũ mở cửa ra, Khương la lên nheo nhéo:
“Mua mực không anh trai? Em trai cùng phòng anh thích ăn khô mực nướng lắm đó, mực tươi mới hái em bán rẻ bốn con một trăm nghìn!”
Vũ đứng sững nhìn bàn tay đen đi một nấc, không biết phải nói thế nào cho đúng. Anh định mắng sảng một câu “cậu coi đây là cái nhà trọ muốn đi thì đi muốn về thì về đúng không”, rồi chợt nhận ra rằng đây đúng là cái nhà trọ. Khương đã đóng tiền đầy đủ, cũng có năng lực chịu trách nhiệm trước pháp luật đầy đủ, muốn đi đâu thì đi, muốn về nhà lại càng hợp lý. Công việc ở pub cũng thuận lợi trôi qua vài ngày không có Khương, chỉ hơi nhàm chán nhưng vẫn là ai làm việc nấy. Ở nhà trọ thì càng thoải mái, không có người hát hò ồn ã, không có mấy tràng cười sằng sặc vì đọc truyện xem phim, cũng không có ba mươi giây một lần “anh anh anh anh có cái này hay hay”. Bốn con khô mực run run áp trên mặt Khương, Vũ thở dài đẩy rộng cửa.
“Chịu về rồi đó hả.”
Khương cười khì khì, vứt bẹp bốn con mực xuống bàn bếp.
“Người ta nhớ anh nên về đó…”
Vũ nhăn mặt:
“Bớt bớt lại.”
Người anh ba phải muôn đời ba phải. Vừa kêu người ta bớt lại đừng nói ba lời nhớ nhung khắc khoải, đến khi Khương tắm táp sạch sẽ xong rồi chạy tới to mồm đòi ôm một chút, Vũ cũng không buồn tránh ra. Đằng sau lưng Khương, hai tay Vũ tiếp tục lật tạp chí như không có con sam đang bám vào mình. Khương không hề cười. Cậu xoa lưng Vũ một hồi, đột nhiên lẩm bẩm:
“Em có học bổng.”
Vũ nói:
“Sao?”
“Em học ổn, có học bổng cho sinh viên xuất sắc. Học kì hè em không học lại, là em đi học sớm. Sau này muốn đi du học cũng không phải chuyện khó khăn gì.”
Vũ dừng tay lật tạp chí. Anh toan hé miệng giải thích, Khương vội vàng lấp vào chỗ trống thay anh.
“Em cũng không yêu đương bừa bãi. Đúng là em có hôn nhiều người, nhưng em không có yêu đương. Mãi tới cách đây vài ngày em mới nghĩ để thử yêu đương cho biết.”
Vũ nói:
“Cho nên là?”
“Cho nên là đừng hiểu lầm em. Em đàng hoàng như người ta thôi.”
Vũ bật cười:
“Trừ những thứ không đàng hoàng ra thì em đàng hoàng hả? Em có quá trời thứ không đàng hoàng.”
Khương làu bàu khoe ra một tỉ những thứ đàng hoàng ở cậu nhưng vẫn vô dụng. Đến tận khi đi ngủ, Khương vẫn còn cố gắng kê khai rằng “em ở trong đội văn nghệ khoa”, “em sạch sẽ”, “em bán cá cũng giỏi”. Vũ không mảy may công nhận rằng cậu em cá chùi kiếng có phần đàng hoàng chiếm tỉ lệ lớn hơn phần thiếu đàng hoàng. Lí lẽ của anh rất đơn giản, một tay trí thức đẹp trai giết người chỉ không đàng hoàng ở duy nhất một điểm “giết người”, nhưng cái điểm đó đủ sức che lấp hết tất cả mọi thứ đẹp trai và trí thức. Khương gân cổ cãi rằng mình không giết người cướp của, không vi phạm pháp luật, đi ăn không quỵt tiền, Vũ chỉ nhún vai rồi chỉ lên môi mình, sau đó lắc đầu không nói nữa.
Cậu em không đàng hoàng thật, bởi vì biết ngón tay chỉ lên môi là muốn nói cái này chứ không phải cái kia, cậu em vẫn cứ cố tình giải mã sai đi để mà lao tới.
—
Vũ không biết vì sao Khương đột nhiên lại giải thích về khái niệm người đàng hoàng, nhưng có một câu Khương nói làm anh để ý. Khương nói rằng muốn đi du học thì cũng không phải chuyện khó khăn gì.
Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, đôi khi con người có thể sống mà không buồn để ý đến điều đã qua hay điều chưa tới. Lúc đó, họ thậm chí không biết ngày mai sẽ ra sao, khi thức dậy sẽ ăn gì, mặc áo màu xanh hay màu trắng, bước ra đường sẽ gặp gỡ những ai. Không giống một tòa nhà cần chuẩn bị trước nhiều tháng, có thể là nhiều năm và sau đó chỉ cần xây lên đúng theo bản vẽ, một cuộc đời không có bản vẽ nào là chuẩn xác. Cho nên rất nhiều thứ tưởng như tồn tại mãi nhưng sẽ đến lúc biến mất. Ví dụ như Khương sẽ có lúc không còn là hot boy chợ cá nữa mà thành hot boy châu Á đứng đâu đó trên quảng trường Thời Đại. Hoặc ví dụ như con cá chùi kiếng sẽ đem miệng đi chùi tấm kiếng khác, khi mà nó bắt đầu hành trình thử yêu đương.
Suy nghĩ đó rất nhanh được Vũ gạt đi. Anh còn bận rộn chuẩn bị hoàn thành cho xong đồ án tốt nghiệp, chỉ vài ngày nữa là đến lúc bảo vệ trước hội đồng.
Vũ không lo nhiều về đồ án, anh có thừa tự tin. Suốt năm năm liền học và thi, lên công trình đối chất với những cai thầu và mỏi miệng giải thích với khách hàng làm cho Vũ không ngại gì đứng lên nói vài câu về công trình cuối trong học viện kiến trúc. Thế nhưng đã mất năm năm để bước từng bước nhỏ chật vật, bước cuối cùng chắc chắn phải thật hoàn mỹ để không phụ năm năm qua. So ra thì Khương còn hoảng loạn hơn anh. Cậu bảo vệ mớ mô hình như gà mẹ bảo vệ con, đến Vũ chạy ngang qua cũng bị mắng. Vũ hơi buồn cười nhưng mặc kệ cho Khương lo lắng. Khương đọc đi đọc lại bài thuyết trình đồ án, đến khi bó tay công nhận là đến một dấu chấm Vũ cũng không sai thì cậu cũng đã thuộc làu.
—
Buổi sáng bảo vệ đồ án, Vũ thức dậy thì thấy bộ đồ treo trên giá đã được ủi phẳng phiu. Khương không có nhà, hẳn nhiên là đã bị mấy ông anh trong khu lôi kéo đi chạy bộ. Cậu về lúc Vũ mở cửa, vừa nhìn thấy Vũ đã la lên:
“Anh, chân kia chân kia!”
Vũ nhướn mày nói:
“Sao không kêu anh ló đầu ra trước luôn đi?”
Khương gật gù bảo rằng cũng hợp lý, sau đó một mực bắt Vũ ló đầu ra trước. Đầu xuôi thì đuôi lọt, Khương đưa cho Vũ một cốc nước đậu, Vũ uống một ngụm lấy lệ rồi đi.
Đến sảnh học viện kiến trúc vào một tiếng đồng hồ sau, Vũ nghĩ rằng mình nên uống cho hết cốc nước đậu của Khương rồi mới đi bảo vệ đồ án.
Sảnh lớn của học viện kiến trúc được dùng làm nơi trưng bày đồ án tốt nghiệp của sinh viên xuất sắc. Mỗi chuyên ngành chỉ có vài sinh viên được làm đồ án tốt nghiệp, bài tốt nghiệp nào cũng một chín một mười. Vì là ngày cuối cùng, lại được bảo vệ đồ án công khai, người nhà sinh viên lũ lượt kéo tới với những hoa cỏ và máy ảnh. Đứng trước bàn trưng bày đồ án của Vũ có chừng ba mươi người lố nhố vòng quanh mô hình và bản in, toàn những gương mặt thân quen mà anh không mong xuất hiện. Vũ lắc đầu đau khổ, chỉ cần một mình Trùng Khương chạy tới là anh cũng đã thấy hiện trường loạn lạc lắm rồi.
Mươi người là đồng nghiệp cùng công ty kiến trúc, từ kiến trúc sư đàn anh, thực tập sinh cho đến cả một anh cai thầu. Mươi người là người nhà – hai anh trai, chú giám đốc công ty, cô kiến trúc sư trưởng, anh họ trợ lý của kiến trúc sư trưởng, cả một cháu trai vừa mới ăn sinh nhật lần thứ mười. Một đám ô hợp còn lại thì ồn ào tới không thể ồn ào hơn – đám đàn em ở pub đang tranh công xem nhánh cây ngọn cỏ nào trong mô hình của anh cả là do mình chế tạo. Đám đông cùng nhau bình luận rồi dần chuyển sang cá cược, Vũ sửa soạn ra một nụ cười công nghiệp, tiến đến chụp ảnh với từng người.
Chưa vào trận mà đã hết hơi, dạ dày Vũ bắt đầu cồn cào khó chịu. Ba mươi người chiếm một góc lớn trong hội trường, nghiêm chỉnh vỗ tay từ thiện
“Mời sinh viên Hà Lâm Vũ thuộc khoa kiến trúc bảo vệ đồ án công trình công cộng quy mô lớn.”
Cũng may là không có tiếng hò reo nào. Vũ bước lên bục bảo vệ, hít một hơi sâu, ấn vào nút phát bản thuyết trình.
Vũ từng thấy ngành học của mình rất bao đồng.
Quả thật là như thế, khi bước vào trường kiến trúc, anh chỉ muốn sau này thành kiến trúc sư xây nên những ngôi nhà quy mô nhỏ cho một gia đình sống. Trước đó nữa, khi còn bé, anh chỉ muốn xây những ngôi nhà tí hon trên cây vừa đủ cho một người. Ước mơ đó xuất hiện là vì có một lần khi còn học tiểu học, đám học sinh được phát một cuốn sách giáo dục phòng tránh thiên tai. Vào thời điểm đó, Vũ nghiện đọc sách, mỗi một cuốn sách có cả chữ lẫn hình bất kể chủ đề nào cũng sẽ làm anh đọc đi đọc lại. Trong cuốn sách phòng chống thiên tai đó có vẽ cách làm nhà trên cây để phòng chống lũ lụt. Thành phố là một ngọn đồi, dãy núi bao lấy biển làm cho vịnh nhỏ luôn không có sóng lớn, vài chục năm qua không hề có bão, nhưng Vũ vẫn cứ mong có lũ lụt để làm một ngôi nhà trên cây. Thế rồi trường kiến trúc dạy Vũ làm nhà sách vào năm thứ nhất, bảo tàng vào năm thứ hai. Năm thứ ba là trung tâm thương mại, rồi sau đó là đồ án bảo tồn kiến trúc lịch sử. Cuối cùng là khu công nghiệp, và đồ án tốt nghiệp lại là một khu triển lãm có diện tích chỉ tồn tại trong tưởng tượng: không có chính quyền nào lại cho phép một công trình nghệ thuật rộng vài trăm hecta tọa lạc ngay giữa khu đất kim cương trong lòng phố. Người ta bảo nhau một câu hoa mỹ, trường kiến trúc dạy sinh viên mơ lớn. Ngôi nhà trú bão đơn sơ với cành gỗ của Vũ bây giờ biến thành một bảo tàng với bốn bề đều là kính. Công trình nhìn như một khối kim cương đặt cạnh cầu vượt dài nhất thành phố, Vũ ung dung nói về nó như thể nó đã thành hình.
Câu hỏi của giảng viên cũng có giới hạn, Vũ trả lời hết một lượt mà không cần giảng viên hướng dẫn trợ giúp. Năm năm học hành và ba tháng chuẩn bị chỉ mất chừng ba mươi phút là qua, Vũ bỏ ra ngoài trong tiếng vỗ tay ồn ã của người nhà. Anh đi thẳng ra một góc hành lang khuất của học viện, mò từ trong túi quần ra một gói thuốc lá. Gói thuốc có duy nhất một điếu, Vũ châm thuốc hút vài hơi rồi bỏ.
Tính theo quy chuẩn của ai đó, chắc Vũ cũng không phải là người đàng hoàng.
Đến khi trong tay ngập đầy những hoa tươi đầy màu sắc, Vũ mới xác định rõ ràng là Khương không tới. Anh có lướt mắt kiếm trong đám đông vài lần nhưng không dám chắc. Bởi vì xét theo lẽ thường, Khương nhất định sẽ tới, thậm chí là tới sớm nhất, và sẽ là người tranh công quyết liệt nhất với đám mô hình nhà cửa được lắp thêm đèn đóm sáng trưng. Nhưng không hề có, nếu Khương tới thì Vũ sẽ biết ngay. Khương cao lớn chỉ thua anh, tiếng nói tiếng cười gì cũng thoải mái bật ra không kiêng kị.
Giảng viên hướng dẫn ra chúc mừng Vũ, nhân tiện nói chuyện với người nhà. Người ta hăm hở bàn chuyện bài bảo vệ của Vũ xuất sắc nhất trong khóa này, có thể là trong vài năm trở lại đây. Người ta thậm thụt trao đổi với nhau một thông tin nóng hổi là có tập đoàn kiến trúc lớn đã để ý đến Vũ, chắc sẽ nhanh liên hệ với anh. Vũ nghe tai này lọt tai kia, dù đồ án đúng là xuất sắc nhưng không biết có mấy lời khen là thật lòng. Anh lùi dần về chỗ mấy đứa em trái ngành đang tranh luận mái nhà kia là sắt hay là nhôm, đứng một hồi rồi lại vòng ra góc hành lang kín gió thêm lần nữa.
Năm năm cứ thế kết thúc, nói tiếc nuối thì không đúng, nhưng nếu nói mãn nguyện thì cũng không hẳn là thật lòng.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI