1. Dương nga.
Tiếng sư cụ đều đều vang vang, lúc thì rành rọt từng chữ một, lúc lại như muốn tan ra dưới cái nắng quái của buổi chiều. Chuông vừa tụng xong, chú tiểu không có việc gì làm nên cứ ngồi ngẩn ngơ cạnh thầy rót trà hầu chuyện, chốc chốc cậu lại nhìn ra phía ngoài tường bao của sân chùa, mắt không tập trung được vào chỗ nào cố định.
“Con dương nga tự nó có được tập tính biết hy sinh vì con mình, đến mùa đông nếu đã quá đói kén, con mẹ sẽ tự rứt thịt của bản thân để nuôi lấy con con, máu nhuộm đỏ cả thân người đến khi không trụ vững được nữa thì thôi. Loài vật đã vậy, loài người lại càng vậy, một người mẹ nếu có thể tự cắt thịt mình ra cho con ăn thì đã cắt từ lâu rồi…” Tay vẫn lần tràng hạt, sư cụ kể lại câu chuyện về loài dương nga cho đồ đệ của mình nghe.
Đương lúc cụ thủ thỉ, một tràng súng máy đột ngột vang dậy cắt ngang. Chú tiểu đang lắng tai nghe thầy kể chuyện thì bị tiếng súng gọi dậy giật bắn người. Chẳng biết hôm nay Tây bắn ở đâu, chỗ mấy ngọn đồi lừng lững phía xa hay chỗ mấy mẫu ruộng hoang không ai thèm cày cấy. Dạo này sao Tây càn nhiều, lúc trước trong làng làm gì có tiếng súng rộ lên từng đợt như vậy.
“Người tu hành không nên lúc nào cũng tỏ vẻ hốt hoảng.” Tiếng súng vừa dứt, sư cụ liền nhắc nhở.
“Dạ.”
Biết thầy trách mình, chú tiểu chỉ biết cúi đầu đáp lại. Cậu làm sao có được cái tuệ căn như thầy, dù có chuyện gì xảy ra xung quanh thì sư cụ cũng bình tâm tĩnh trí, cứ như chuyện xảy ra ở đâu đâu chứ không phải trước mặt ông.
Chú tiểu Bộc không phải là người của Phật đường, chưa từng cạo đầu xuất gia, cậu là con của một nhà hàng vải trên phố huyện, vì tính cách ngỗ ngược khó trị nên mới bị gia đình tống vào chùa Báng để theo sư cụ học tập. Đã ở bên thầy một năm rồi, cái gì cũng đã học xong nhưng nết tinh nghịch trong Bộc lại không chút thuyên giảm, có chăng là học được cách kính trọng người trên hơn mà thôi, nhưng đó là đối với thầy cậu, chứ người khác cũng chẳng dám chắc được.
Tuy sư cụ đã mù cả hai mắt, nhưng việc cụ biết Bộc có cái tâm không vững vàng trước những náo động vừa rồi cũng không làm cậu quá ngạc nhiên. Mắt cụ mù nhưng tâm cụ sáng rõ, cụ biết được lúc nào thì Bộc đang lo lắng, lúc nào thì đang giở trò phá phách sau lưng mình. Ban đầu cậu còn nửa tin nửa ngờ, nhưng ở lâu với thầy thì cậu mới nhận ra sự lạ lùng này hoàn toàn có cơ sở của nó.
Có lẽ đã xong một tuần trà của mình, sư cụ mới khoan thai đứng lên, nói: “Chúng ta vào trong thôi, không chốc nữa muỗi lại đến.”
Sư cụ có pháp danh Đạt Tịnh, vầng trán cao và khuôn mặt hơi gầy so với cái phúc hậu người ta thường nói, mắt cụ lúc nào cũng hấp háy và díp lại, người trong làng hay gọi thầy là ông sư mù, nhưng là gọi với thái độ kính trọng đối với một người tu hành nhìn cõi trần bằng tâm an.
Chú tiểu nhanh chóng đến đỡ tay thầy, hai người họ một già một trẻ cất bước vào trong.
Vừa đi, cụ Đạt Tịnh vừa giảng giải cho đồ đệ của mình: “Tu thiền không cần quá gian nan, đời chúng ta là thiền rồi đấy. Khi con ăn mà cảm nhận hạt gạo đang nóng hổi và dậy mùi sữa trong miệng mình thì đó chính là thiền. Khi con đi mà cảm nhận được mặt đất dưới chân mình, cả khi con hít thở mà cảm nhận được luồng sinh khí đang lấp đầy cơ thể mình thì đó cũng là thiền. Thiền để không bị những tác động bên ngoài hướng mình đi theo sự sắp đặt của nó. Không phải con ở nơi yên tĩnh thì mới thiền được, giữa cõi đời mà vẫn giữ bản thân không bị cuốn vào những tham sân si cũng chính là thiền. Hiểu được một sát na dài cả trăm năm, hiểu được cả trăm năm cũng chỉ như một sát na trôi qua thì mới đạt được tới cảnh giới của Phật tính.”
Mặt trời dần lặn hẳn về Tây, bóng hai người đã trở nên lờ mờ trong buổi nhá nhem, họ cứ bước chầm chậm như thế, chú tiểu cũng hiểu chuyện nên không có ý giục giã thầy mình. Sư cụ nói rất nhiều, toàn những lời Bộc đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần trước đây, nhưng lòng cậu lại không ngấm được nó, biết rằng bản thân mình còn lâu lắm mới đạt được như những gì cụ nói nên Bộc chỉ vâng dạ cho xong rồi lại dìu người bên cạnh bước lên từng bậc tam cấp.
Cả làng Báng chỉ có duy nhất ngôi chùa này, dân nơi đây hiếu đạo nên cảnh sống bình thường của họ cũng không đến mức kham khổ, mấy ngày rằm luôn có khách cúng dường ra vào. Nhưng hôm nay không phải dịp gì đặc biệt, cả ngày không khí trong ngoài cứ lặng như tờ, chẳng trách đôi khi Bộc lại không nhịn được hướng mắt về phía bên ngoài bờ tường như có chút mong muốn nào đó của trẻ con đang đòi hỏi cậu phải bứt mình trốn khỏi nơi đây và chạy đi chơi cho bằng được.
Chợt sư cụ dừng chân, lắng tai nghe âm thanh vọng lại từ phía xa: “Kỳ lạ, chẳng lẽ hôm nay họ lại về?”
Tuy không biết “họ” mà sư cụ đang muốn nói đến là ai, nhưng Bộc cũng im lặng nghe ngóng thử, kết quả là cậu lại chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng mấy con chim nhỏ kêu chiều. Sư Đạt Tịnh lại như có gì níu lấy chân mình, cứ đứng đó nghe thứ âm thanh hư ảo kỳ quặc kia. Đến mãi một lúc sau Bộc mới nhận ra đó là cái gì.
Từ đằng xa vọng lại mấy tiếng bước chân loạng choạng, đánh vào nền đất rầm rập, kèm theo đó là tiếng thút tha thút thít. Đã tịch mịch tối trời mà ai còn vừa chạy vừa khóc ngoài chùa, điều này khiến chú tiểu lấy làm lạ, một lát sau lại có tiếng mèo xù lông kêu như dọa. Một người sư nữa bên trong lúc này nghe tiếng, vội vã chạy ra.
“Tiếng ai khóc mà thảm thiết vậy nhỉ?” Sư bác Độ Trí đi nhanh ra phía cổng, kéo thanh khóa chắn ngang cửa đặt xuống đất.
Lúc này, hai bóng người nhỏ bé mới chạy từ bên ngoài vào sân, từ trong bóng tối chạy ra ngoài sáng, chắp tay vái lạy bọn họ. Chẳng biết có chuyện gì đã xảy ra mà hai kẻ vừa đến nhìn bộ dạng mệt lử, tên có vẻ cao hơn còn khúng khắng ho, đến lúc người nhỏ bên cạnh kéo tay hắn quỳ xuống thì mới ngã bệt cả ra đất.
Một cô gái và một chàng trai, không chênh lệch tuổi nhau là mấy, chẳng biết từ đâu xuất hiện mà lại xuất hiện với bộ dạng này. Tên lớn nhìn dáo dác xung quanh, lóp ngóp định ngồi dậy nhưng cô gái bên cạnh vẫn giữ chặt áo hắn không cho đứng lên.
“Con cắn cỏ lạy sư cụ, xin sư cụ đoái thương đến anh em tụi con!!” Cô gái thân hình nhỏ thó, vận áo nâu sồng chắp vá như tổ đỉa, nói như rút hết sức tàn của mình ra.
Bộc nhìn qua thầy của mình, sư Đạt Tịnh đang hướng mắt xuống hai sinh linh bên dưới, tuy chẳng thấy gì nhưng cái nhìn của cụ vẫn sắc sảo như đang soi xét, lại trìu mến như đang ngắm con mình. Cậu im lặng chờ đợi. Sư bác Độ Trí lúc này mới nói:
“Hai thí chủ có gì từ từ nói, đây là chốn tu, đừng để kinh động đến bề trên, cũng đừng để phiền phức với mấy hộ bên ngoài.”
Tiếng nức nở vẫn vang lên không ngừng, tuy chẳng biết cô gái đó còn có giọt nước mắt nào để rơi hay không, nhưng âm thanh xé lòng phát ra từ dây thanh quản đã đuối sức cứ liên tục vang dội, không ai ở xung quanh có thể làm ngơ được. Sư Độ Trí không biết phải nói sao, bác nhìn thầy mình rồi lại nhìn Bộc, cuối cùng im lặng chờ đợi. Chùa chỉ có hai sư và một chú tiểu, mà còn là chú tiểu chưa xuống tóc hẳn, bây giờ họ chỉ có thể đợi sư Đạt Tịnh xem xét tình hình mà thôi.
“Hai con có chuyện gì mà lại đến đây cầu xin cửa chùa?” Mãi một lúc sau, ông cụ mới cất tiếng.
“Bạch cụ, cả nhà con bị Tây giết hết rồi, chỉ có con với anh mình là trốn đi được.” Giọng người nữ cất lên, giữa câu lại thêm một tràn nức nở, xen lẫn tiếng khóc làm lời nói cứ líu cả lại.
Chẳng biết khi nghe xong những lời đó, trong đầu của sư cụ đã chạy qua hình ảnh gì làm ông phải vô thức lắc đầu nhẹ nhẹ, chỉ thì thầm đáp lại một câu: “Thật tội nghiệp.”
Người con gái ngước lên nhìn một lượt bọn họ, ánh mắt cô tăm tối, đặc quánh một thứ màu đỏ của mạch máu nổi lên, lại như chưa hết thất thần với những sự việc mình đã phải trải qua. Mấy cọng tóc vương trên gò má cao đã bị cáu bẩn, như một con vật vừa trải qua trận dông, cô cố rướn người lên cũng không vững.
Một nỗi hổ thẹn không biết từ đâu lại dấy lên trong cõi lòng Bộc, lạ thật, cậu làm gì mà tự nhiên lại cảm thấy hổ thẹn, mà cậu hổ thẹn với ai mới được. Bộc nhớ lại người mẹ với cái giọng lành chanh lành chói của mình, rồi lại nhớ đến người cha quặp râu nhưng trọng sĩ nên đưa cậu đến đây. Không. Không phải hai người họ.
Đang mông lung suy nghĩ, tâm trí Bộc bị giọng của thầy mình kéo lại:
“Hai con tên gì?”
“Bạch thầy, con tên Tỏa, anh con tên Thiện. Nhà con ở tận làng Liễm, bị Tây dọa nên phải chạy đến đây… Tụi con thật sự không còn nơi nào để đi nữa rồi.” Cô gái tên Tỏa lại một câu vái, hai câu lạy. Sư bác bên cạnh không nhịn được mới đi đến kéo hai người bọn họ đứng lên. Rồi như bị đánh thức từ cơn mơ nào, Thiện bắt đầu òa khóc, khóc như muốn làm mình làm mẩy tại đây. Đến khi Tỏa dỗ dành thì anh ta mới nhịn được, thút thít hít vào, kéo hai dòng nước mũi chui ngược vào trong.
“Được rồi, hai con cứ ở lại đây, sư Độ Trí sẽ lo chỗ ngủ cho tụi con. Cứ đến cái chòi của bà vãi ở sân vườn phía sau vậy, sáng mai chúng ta sẽ bắt đầu sắp xếp lại. Tội nghiệp! Hai con yên tâm, đây là đất Phật.” Sư cụ nói như thông báo.
“Thầy, chuyện này… Cô Tỏa này…” Sư bác vội vàng quay qua định nói gì đó với sư cụ.
Bộc ghé tai đến cạnh thầy mình, dù cậu biết thông báo cho cụ là việc dư thừa, nhưng tự thấy nhất định cậu phải nói: “Thầy, cô Tỏa là con gái hồng nhan. Chùa khó mà giữ lại, con nghĩ chúng ta nên liệu bề mà tìm cách khác.”
Bụi đường và đất cát bám thành mảng trên cơ thể cũng không giấu được nét đẹp của người con gái đó, người bình thường chỉ liếc mắt một cái đã có thể nhìn ra được nhan sắc đương bị che lấp đi của Tỏa. Đặc biệt là mái tóc, dù nó có rối bời bời nhưng vẫn giữ được độ dài và từng lọn khỏe mạnh, nhìn rất đáng tự hào. Mái tóc này nghiệt thật, con gái thời chiến mà tóc đẹp như thế thì tai họa quá, mà cửa chùa xuất hiện một cô gái có mái tóc đẹp thì thành ra lại trái khoáy, nếu giữ lại liệu có mang đến điềm xấu cho nơi đây không?
Lại còn chưa nói đến người anh trai dở hơi bên cạnh, chùa chiền là nơi thanh tịnh, mà anh ta cứ chốc chốc lại ré lên mấy tiếng đinh tai như lợn bị thọc tiết, làm sao mà ai có thể bình tĩnh tu hành cho được. Rồi người ngoài có khi không hiểu lại bàn tán xôn xao, để cho chùa phải liên quan đến miệng lưỡi thiên hạ là quấy, mọi người mà cho vào cũng không tránh khỏi can liên, bây giờ chỉ có thể tìm cách bảo ban họ đi nơi khác thôi. Nhưng đuổi đi thì cũng tội, người ta đã đến bước đường cùng thì mới cúi đầu xin ăn mày cửa Phật, chứ nào có ai muốn. Đuổi đi, nhưng họ phải đi đâu bây giờ? Còn nơi này để đi nữa?
Sư cụ không đáp lại lời Bộc, tất nhiên là cụ nhìn ra, Bộc tin là như vậy, cậu cũng hiểu cho quyết định của thầy mình nên nếu ông không nói gì thêm thì hai người còn lại tự biết cứ y vậy mà làm.
Tỏa nhận được ơn cũng khấp khởi hẳn, cô như người vừa được vớt lên từ cõi chết, vội vã vái thêm mấy cái rồi kéo anh mình đi theo sư Độ Trí, dáng đi của cô nghiêng nghiêng, khấp khểnh như người mụ mị. Đến khi mấy người bọn họ đã ra phía sau rồi, sư cụ mới quay đầu tiếp tục vào trong.
Hôm nay sư cụ ít nói, chắc hẳn việc vừa rồi phải khiến cho ông nghĩ ngợi nhiều lắm. Hai thầy trò họ đi đến gian khách thì sư Đạt Tịnh lại bảo mình muốn ngồi xuống một lát.
“Thầy không khỏe ạ? Còn chút nữa là đến buồng rồi.” Bộc hỏi, cậu không cảm thấy sư cụ không khỏe chỗ nào, chỉ là tâm tình ông có hơi kỳ lạ. Mà cũng phải, không lạ sao được, hai con người vừa rồi xuất hiện như thế chẳng khác nào đã cắt ngang sự tu hành của thầy. Bộc nghĩ vậy nhưng không nói ra.
Sư Đạt Tịnh ngồi xuống chiếc ghế dài, chậm chạp như đang dò từng lần gỗ, ông thủ thỉ: “Thầy có chuyện muốn hỏi con. Con nghĩ gì khi thấy hai người vừa đến?”
Được thầy hỏi, Bộc trong khoảnh khắc không biết phải trả lời thế nào, nghĩ bản thân không giấu được sư cụ, cậu đành nêu thật: “Thưa thầy, cả hai người họ đều là kiểu người không có duyên với cửa chùa.”
Sư Đạt Tịnh gật gù: “Con nói phải.”
“Nhưng tại sao thầy vẫn quyết định giữ lại? Một đêm hay dăm bữa đều được, nhưng con cảm giác thầy muốn sắp xếp cho hai thí chủ ở lâu hơn mức chùa có thể. Điều này con có hơi không hiểu.”
“Ta đã từng bảo con chùa này của ai, con có nhớ không?” Sư cụ trả lời câu hỏi của Bộc bằng một câu hỏi khác, mắt cụ trông xoáy vào gian phòng lờ mờ có hai cây nến không đủ chiếu sáng. Gian phòng trống trải như hoang, gió lùa mát lạnh, Bộc sợ cụ còn ở đây lâu sẽ nhiễm lạnh mất nên cố nhanh chóng kết thúc chủ đề.
“Tất nhiên con nhớ, chùa là của Phật và các bề trên, chùa thờ ai thì là nhà của họ.”
“Ừ, chùa của Phật, chứ có phải của ta đâu mà ta cấm người khác vào.” Cụ giảng giải.
Bộc chỉ lặng thinh đứng đó, không cắt lời.
“Họ thoát chết đến được nơi đây là do đức Phật đưa đường dẫn lối, nếu Phật đã muốn cứu giúp thì chúng ta sao có thể làm ngơ và hành động trái ý ngài được. Tâm lương thiện là có Phật, con người sống lương thiện là đang hướng về Phật pháp. Chúng ta cũng hướng về Phật pháp mới ở đây, vậy thì ai hướng về Phật cũng đều có thể ở đây, ở bao lâu họ muốn. Chùa là nhà của Phật, là nhà của chúng sinh chứ không phải riêng ta.”
Ông cụ nói phải, Bộc nghe lại hiểu thêm một điều mới nữa. Ngã Phật từ bi thì cậu hiểu, nhưng cái gì cũng từ bi thì cậu cảm thấy khó hiểu lắm, phải nhờ thầy giảng giải từng chút như vậy thì Bộc mới thấy dễ chấp nhận hơn.
“Vâng, con cũng cảm thấy hai người họ là người lương thiện.” Bộc gật đầu.
“Khi nãy con có chút xáo động, rồi nhớ về hai thân sinh của mình nữa đúng không? Ta không chắc nhưng lại loáng thoáng cảm nhận được điều đó.” Sư Đạt Tịnh vừa nói, lại vừa lóc ngóc đứng dậy.
“Vâng, đúng là có ạ.”
“Cũng tốt.” Cụ kéo vạt áo, bước lên trước, “Không phải tu hành là không có cảm xúc, mà là có cảm xúc từ bi. Con thấy người cùng khổ mà cảm giác áy náy, tổn thương thay cho họ cũng là bước đầu hiểu được nỗi đau của người khác. Lành thay!”
Lần này thì Bộc không hiểu thầy mình đang nói gì thật. Cậu vẫn còn giận cha mẹ mình đấy thôi, việc nhìn thấy Tỏa và Thiện khi nãy chỉ làm cậu nảy ra ý nghĩ suy xét lại hoàn cảnh của mình, chứ có phải động cái lòng trắc ẩn gì đâu mà lại bảo là hiểu được nỗi đau của người khác. Bộc nghĩ thầm nhưng không hỏi lại, những thứ cao siêu cậu không cần học làm gì. Đến giờ cậu chỉ mới là một tiểu đồng chứ có phải người xuất gia đâu, và tương lai cậu cũng không định xuất gia thật, những thứ uyên bác nạp vào đầu cũng tổ phí công.
Nhìn thấy bước chân thầy mình đang định rời đi, Bộc vội nhắc: “Buồng ngủ phía này thầy ạ.”
“Không, đêm nay ta muốn đến thượng điện gõ mõ cầu nguyện. Còn con lát nữa hãy vào bếp xem có gì ăn được thì mang cho hai người vừa đến. Rõ tội, chắc họ phải đói lắm rồi, lát nữa khi bình tĩnh hơn lại thấy rã rời cho xem.”
Cũng lâu rồi sư Đạt Tịnh không tụng kinh ban đêm, có lẽ từ hồi sức khỏe cụ trở nặng hơn, vậy mà đêm nay ông lại muốn thực hiện lại thói quen cũ. Bộc lặng lẽ dẫn thầy đi.
“Thầy đừng cố sức quá.” Bộc chỉ bỏ lại một câu rồi lại nhanh chóng dợm bước ra bếp. Rất lâu rồi tiếng gõ mõ mới lại vang lên trong sân chùa Báng, tiếng gõ chầm chậm, lâm li. Còn dáng vị sư già thì trông lại cô độc, cô độc như người cuối cùng còn sống giữa trận địa tan hoang nào.
…
Trong bếp chỉ còn ít cơm nguội, Bộc nhóm lửa liu riu nấu được hai bát cháo trắng. Vậy cũng hay, người đang đói lả ăn cháo trắng, thêm chút tiêu với mấy cọng ngò là hợp lý nhất. Bát cháo nóng hổi, tay không không bưng được nên Bộc lại lấy thêm cái mâm đặt lên rồi mới mang ra ngoài.
Đất của chùa thì rộng thật, nhưng chùa không lớn lắm. Bà vãi Na ở một căn nhà nhỏ trong khu đất vườn sau chùa, đường đi không có lối, Bộc chỉ có thể nương ánh trăng lờ mờ mà bước về phía trước. Khi thấy ánh đèn tỏa ra đằng xa mới dám đi nhanh hơn.
“Sư huynh, hai người họ thế nào rồi. Đệ có đem cháo đến đây.”
Sư bác Độ Trí hình như đã lo xong việc của mình, đang bước ra khỏi nhà thì chạm mặt Bộc, bác gật đầu nhè nhẹ: “Chú Bộc, khéo thật nhỉ, vẫn còn cháo đấy à. Chú mang vào trong đi, cô Tỏa và anh mình nhịn đói chẳng biết mấy ngày, da bụng đã muốn dính vào da lưng luôn rồi.”
“Vâng.”
“Mà này, thầy gõ mõ đấy à. Thầy mà muốn tụng kinh thì ít nhất phải qua nửa đêm mới xong. Liệu có chịu được không?” Sư bác đột ngột hỏi giật lại, có lẽ bác đã nghe ra tiếng mõ từ phía thượng điện vọng đến trong đêm.
Hơi đêm lành lạnh, âm thanh xung quanh lúc này lại chẳng có gì đặc biệt nên mới nghe rõ thấy tiếng mõ từ xa đến vậy. Lốc cốc đều đều, hòa quyện với tiếng cú rúc ngoài đồng. Nơi này im lìm kỳ lạ, sự sống nảy nở tràn trề vậy mà đêm xuống nó lại hoang vu như thiếu hơi người.
“Xong việc ở đây đệ sẽ đi trông thầy, sư huynh đừng lo quá.”
“Ừ, được rồi.” Sư Độ Trí mỉm cười, rồi mới nhanh chóng đi về khu chùa, tiếng người rẽ cỏ xào xạc trong bóng tối nhưng lúc này Bộc đã vào trong nhà nên cậu không nghe thấy được gì.
2. Cầu sương điếm cỏ.
Mấy đêm liền Tỏa đều mơ thấy cảnh tượng đó. Mẹ Tỏa ngồi lom khom, đếm đi đếm lại mấy đồng cắc. Rồi máu chảy ra từ mồm, từ mũi, từ hai hốc mắt và cả hốc tai của bà Tượng. Máu chảy thành dòng, đặc như nước dãi, đáng sợ đến mức làm cô bật dậy choàng tỉnh trong đêm.
Mỗi đêm là một người, hôm trước là anh cả, hôm qua là ông Tượng, hôm nay là bà Tượng, tất cả họ đều xuất hiện trong tư thế đang làm công việc thường ngày một cách bình thản nhưng phút chốc sau thì hình ảnh bỗng dưng lại chuyển sang ghê rợn như vậy. Mồ hôi rịn đầy trên trán Tỏa, mắt cô chong ra, chòng chọc nhìn vào màn đêm tối tăm. Họ đang trách cô đấy sao? Mà họ trách cô cũng phải lẽ. Người chết không có tang ma, không được chôn cất đàng hoàng thì sao siêu thoát được. Xác họ giờ nằm đâu, bị vứt đại ngoài ruộng hay nằm dưới mồ chôn tập thể nào cô cũng không biết. Nghĩ vậy rồi Tỏa lại khóc, tiếng nức nở khàn đặc xé toạc màn đêm, dòng lệ cũ chưa khô đã chảy ra dòng khác, kéo thành hàng rơi xuống sàn đất.
Tay Tỏa lần đi trong bóng tối, cảm nhận thấy anh Thiện đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh mới yên tâm. Cô ngủ mà cứ chập chờn chỉ sợ anh mình chạy đi mất, mấy hôm nay hình như Tỏa quên mất cách ngủ cho ngon rồi cũng nên. Dù sao người đang nằm bên cạnh cũng là người thân duy nhất hiện tại của cô, Tỏa chỉ còn biết bấu víu vào đó mà gắng gượng sống tiếp, chứ không cũng chỉ muốn tìm đường chết cho xong. Mỗi khi chạy qua khúc sông nào, cô cũng đều ngoái đầu lại, trong lòng dậy lên chút tiếc nuối. Hay là nhảy xuống nhỉ? Phải rồi, con nước êm ru, một cái chết nhẹ nhàng sẽ đến trong phút chốc, như ngủ say mà thôi. Nhưng rồi Tỏa chợt bừng tỉnh, không được, ma vừa dẫn đường cô đấy, Tỏa chết rồi anh Thiện biết phải làm sao, chẳng lẽ bây giờ lại kéo luôn anh ấy chết theo? Anh Thiện thì có tội tình gì, mà nghĩ lại, chính cô cũng có tội tình gì đến mức phải chết như vậy? Tỏa lại lắc đầu, xăm xăm mà chạy.
Đêm cũng như ngày, cô cùng anh mình dắt díu nhau lựa đường vắng người để trốn đi, hình như chẳng ai đuổi theo nhưng họ vẫn chạy mải, không dám nhìn ra phía sau. Lúc này người ta đi tản cư đông đúc, dòng người lẫn lộn chẳng biết ai là ai, hai anh em Tỏa mới hòa trong đám người để không bị phát hiện.
Vậy là hai con người côi cút đó chạy thoát được nanh vuốt của lang sói, nhưng thoát được chưa chắc đã sống được. Lúc đi gấp Tỏa cũng chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ gom ít tiền và mấy nắm cơm còn trong nhà mang đi. Tiêu hết tiền rồi, thức ăn cũng hết sạch nhưng hai đứa trẻ đó cũng chưa biết phải làm gì tiếp theo, còn lại mấy hạt gạo cũng cố cắn trắt để ăn, mà chỉ đủ cho hơn nửa tháng đi đường. Tỏa biết là mình phải cố nhịn để dành, nhưng cả ngày chỉ có chạy thì tất nhiên sẽ phải đói hơn bình thường, anh Thiện lại ăn tham quá, những thứ mang theo mấy chốc đã hết sạch. Nhưng nhờ vậy mà họ chạy ra được khỏi cái huyện nhỏ của mình, chạy ra khỏi huyện là yên tâm rồi, nơi đây sẽ không còn ai biết đến Tỏa và Thiện nữa. Nhưng giữa cái chợ đời, hai đứa lại không tìm được chút cưu mang nào. Chỉ đến khi kiệt sức sắp chết, Tỏa mới nhìn thấy phía xa có một ngôi chùa.
Và Tỏa chạy đến, cánh cửa gỗ lim đóng im lìm bỗng chốc đã mở ra. Nơi đây đón chào bọn họ, người của chùa từ bi, đã rón tay làm phước cứu giúp hai người.
…
Tiếng bà vãi Na thì thầm trong đêm tối, bà vãi chong đèn, lửa đèn dầu lờ mờ giữa bóng đêm. Ánh lửa ấm áp và lung linh, chiếu sáng bức vách đan lại từ thấy thanh tre được chẻ đôi, trông rắn chắc lạ lùng. Tỏa không giấu được nỗi tủi hổ đang thể hiện quá rõ ràng trên mặt mình, cô chỉ ấp úng đáp lại:
“Con cứ lo anh Thiện lại chạy đâu mất.”
Bã vãi gật đầu như đã hiểu, ánh mắt bà sáng trưng và trí tuệ. Gọi là bà vãi nhưng vãi Na trông không quá già, chắc chỉ hơn năm mươi là cùng. Cái đáng nói là thứ đang hiện diện trên mặt bà, một đường sẹo rạch xiên oái oăm, xíu nữa là phạm vào con mắt phải. Vết sẹo dị hợm, nổi lên lớp da bóng loáng chạy dài đến tận cằm, vết sẹo kéo da căng ra, tạo thành mấy nếp gấp li ti ở viền ngoài. Như một con rết đang bò trên mặt, như con đỉa đói nào đang bám lấy da thịt người ta để hút no máu, vết sẹo xấu xí làm bà lúc nào cũng như đang xạu mặt xuống. Rồi để khi bà cười, nó lại kéo lên, vậy thì càng kinh hơn nữa, vãi Na không thể cười thoải mái vì vướng cái thứ kia, thành ra nụ cười đó méo xệch đi, không biết có đau không, sẹo chai rồi thì chắc không đau, nhưng nhìn thôi thì thấy đau lắm, rợn cả da gà.
Lúc theo chân sư bác Độ Trí, Tỏa cứ thấp thỏm lo âu, mắt chốc chốc lại liếc nhìn ông sư với tướng mạo cao to quá khổ đang dẫn mình đi. Ông sư hình như không phải người sinh ra từ cửa chùa, Tỏa cho là thế, sư bác hơi dữ dằn và hùng dũng như con gấu, không như các vị sư thầy khác mà cô thường thấy. Độ Trí vừa đi vừa nói với hai anh em cô:
“Sư cụ thương hai người nên mới cho ở lại, chùa này không lớn, lại ẩn mình giữa nơi hoang vắng nên không được sung túc như mấy nơi khác. Các thí chủ đừng chê!”
Giọng Độ Trí ra rả, nom nghe có vẻ hiền lành hơn vẻ ngoài một chút. Họ đi một quãng thì đến căn nhà lá phía sau vườn. Đèn bên trong đang được thắp leo lắt, một bà vãi đội khăn nghe thấy tiếng người nên đi ra xem thử. Tỏa nhìn thấy khuôn mặt bà vãi Na từ trong cánh cửa bước ra thì có chút giật mình, còn Thiện thì lại hoảng sợ không dám tiến đến. Nhưng riêng Tỏa thì nhanh chóng chấn chỉnh lại được, cô cúi đầu chào bà vãi. Ông sư và bà nói với nhau mấy câu, vãi Na niềm nở dẫn hai người mới đến vào bên trong.
Căn nhà lá chỉ có hai gian, một gian lớn bên ngoài còn phía sau là bếp, đếm đi đếm lại cũng chỉ có mấy món đồ dùng cơ bản. Vãi Na nấu nước vắt khăn cho họ lau người, lại dẫn anh em họ đi ra sau nhà gội sạch mái tóc. Gột bỏ được lớp bụi bẩn, vẻ đẹp trời cho của Tỏa một lần nữa trở về. Bà vãi nhìn cô gật gù, miệng lẩm bẩm: “Khéo thật! Ngộ thật!”
Mắt của Tỏa từ đầu đến cuối chỉ nhìn xuống đất, rồi lại nhìn ra bên ngoài, nhìn đèn rồi lại nhìn bóng mình in trên vách. Vãi Na chải tóc cho cô, người cô chưa hết run rẩy vì sợ hãi, ánh mắt vô hồn dường như không đặt vào bất cứ thứ gì cụ thể, như nhìn ra xa lắm mà cũng như chẳng nhìn thấy thứ gì. May mắn thay, sự dịu dàng và ân cần từ bà vãi xa lạ đã giúp cô vơi đi ít nhiều, ở nơi này Tỏa cảm thấy yên tâm đến lạ, như thể cô được sống lại lần hai, nhưng thần trí vẫn còn ở cõi vô định xa xôi nào đó chưa thể quay về.
“Tóc con đẹp lắm, đẹp đến lạ lùng con ạ!” Bà vãi tấm tắc khen, đưa bàn tay đầy nếp nhăn vuốt nhẹ từng lọn tóc phía sau lưng Tỏa, “Có lẽ đến lúc con già rồi nó vẫn sẽ còn dài và khỏe lắm.”
Từng lời của bà vãi truyền vào tai của Tỏa, cô chỉ ngồi lặng im. Lòng bỗng dưng dậy lên một thắc mắc khó hiểu, bà vãi nói vậy là đúng hay sai, liệu cô có đợi được đến ngày mình già đi hay không? Cô vừa thoát chết đấy thôi, biết đâu chừng số phận lại đẩy cô vào những tình huống hiểm nguy đến tính mạng khác thì sao? Tỏa liệu có già không, hay cô sẽ chết trẻ? Nếu cô già thì cô sẽ ở đâu, ừ nhỉ, Tỏa thắc mắc mấy mươi năm nữa mình sẽ ở đâu? Tương lai là một cái gì đó mông lung đối với cô lắm, lại làm cho cô sợ hãi khi nghĩ đến.
“Anh cả con đi làm cách mạng, đi theo cụ Hồ đấy bà ạ. Nhưng bị Tây bắt giết rồi, nhà con cũng không tránh được họa này.” Tỏa nói, giọng nghẹn lại nhưng vẫn giữ nhịp đều đều, “Mấy đêm nay con đều mơ thấy họ về, họ về mà không vui vẻ gì. Đáng sợ lắm.”
“Không sao nữa rồi.” Bà vãi an ủi, “Con có gì cứ kể hết cho bà nghe, con đừng sợ. Chùa là nơi đất lành, bọn sài lang không dám làm gì ở nơi đây đâu.”
Như tìm được cái cọc giữa cơn đuối nước, Tỏa bám nhanh vào, dốc hết chuyện trong lòng mình mà kể, nước mắt chảy hai hàng, vậy là cô còn nước mắt, cô cứ tưởng tuyến lệ của mình đã khô hanh đi rồi chứ.
“Có hôm con và anh Thiện vào một cái điếm cỏ định ngủ lại, vừa vào đã thấy xác người trong đó… Một bà mẹ ôm đứa trẻ sơ sinh nằm chết trong điếm hoang. Hai cơ thể xám ngoét, mắt trợn trắng dã… Tất nhiên là con sợ lắm, sợ người chết một phần, mà sợ mình sẽ như họ cũng một phần.”
“A di đà Phật!”
“Người ta đi ngụ cư nên chết ngoài đường cũng không phải chuyện lạ. Nhưng con vẫn sợ. Anh Thiện cũng sợ nữa… Khi con nói với anh Thiện chuyện thầy bu với anh cả chết rồi, anh ấy còn ngờ nghệch, cái mặt cứ đơ ra một lúc. Rồi anh lắc đầu nguầy nguậy, nói liên tục ‘Không có, không có!’. Anh Thiện cứ tưởng nói vậy là chuyện sẽ coi như là không có thật bà ạ…”
“A di đà Phật!”
Cứ như vậy, Tỏa kể liên miên, chuyện chị Thạo và đàn bà trong làng bị Tây bắt rồi vu cho họ là Việt Minh, phải khám ngực từng người một, chuyện có anh cán bộ bị Tây mang ra giữa đình làm bia cho lính mới tập bắn, đủ thứ chuyện trên đời, toàn là mấy mẩu vụn không đầu không cuối. Tiếng mõ phía xa vọng lại đều đều, lốc cốc và có sức thẩm thấu vào tâm hồn.
Tiếng mõ kéo Tỏa trở về, cô chỉ vừa mơ một giấc mơ ác mà thôi, thức dậy thấy anh mình vẫn nằm cạnh thì yên tâm rồi. Cô lại nằm xuống nhắm mắt lại một lần nữa. Bây giờ mõ kêu vẫn không dứt, từng tiếng một len vào. Sư của chùa này tụng kinh mải miết, qua nửa đêm rồi vẫn chưa xong. Tiếng mõ như an ủi lòng người, tiếng mõ dìu dịu êm tai. Cơn buồn ngủ lại đến với Tỏa. Cô vừa ăn một bát cháo do chú tiểu mang đến, bát cháo thơm mùi ngò và ấm sực, làm dậy lên cơn buồn ngủ trong người cô.
Tỏa nghe cả tiếng dế, hình như có con dế ở trong ngách tường chỗ cô nằm, cô không thấy nó nhưng cô biết nó đang ở gần mình lắm. Nó đang gáy kìa, con dế gáy ri ri, con dế biết an ủi người hoạn nạn. Tỏa thiếp đi mà vẫn còn thút thít.
Bà vãi Na rời giường của mình đến chỗ Tỏa, lau hai đường nước mắt đang khô lại trên mặt người con gái đó. Tỏa hơi cựa mình rồi lại ngoan ngoãn nằm im. Chắc hẳn, những điều mà cô gái này vừa phải trải qua chính là những thứ khủng khiếp nhất cô chưa từng biết đến trước đây và sau này cũng không thể nào quên được.
“Bu… Bu ơi!” Tỏa bắt đầu nói mớ, gọi mẹ mình trong vô thức.
“Ừ, con muốn thì có thể gọi ta như vậy.” Bà vãi Na xoa đầu cô, thì thầm khe khẽ rồi mỉm cười, nụ cười kỳ quái với cái sẹo to tướng trên mặt chẳng hiểu sao trông lại thật dịu dàng. Tiếng mõ của sư cụ đến giờ mới chịu dứt. Mọi thứ dần trở về vẻ yên tĩnh vốn dĩ của nó, chỉ có gió thì thào và côn trùng rỉ rả, không đủ lấp đầy màn đêm thăm thẳm cứ quanh quẩn trong không gian.
…
Phải rất lâu sau Tỏa mới cư xử lại được như bình thường, khi biết mình đã được cưu mang thì cô cũng trở nên xông xáo hẳn, chuyện gì cũng cố gắng làm để đỡ đần cho nhà chùa. Chùa này vắng lặng, lại neo người, chỉ có sư bác Độ Trí vai u thịt bắp là làm việc được, chứ những người còn lại toàn là dáng thanh người mảnh trói gà không chặt. Vậy nên có Tỏa rồi, công việc trong chùa nhờ vậy cũng được san sẻ đi ít nhiều. Cô tháo vát và giỏi làm lụm, chuyện lớn chuyện nhỏ đều có thể cáng đáng được.
Mấy ngày đầu Tỏa và Thiện đến đây, hai người họ cứ như mấy tên khật khù khật khưỡng, nhưng về sau thì Tỏa đỡ hơn. Có lẽ nỗi đau trong cô cũng đã vơi đi bớt rồi, điều này làm sư cụ cảm thấy rất hài lòng lắm. Ông hay nói với Bộc thế này: “Chúng sinh không thể nào thoát khỏi được bể khổ, chỉ có ở trong bể khổ mà vẫn cố tìm ra một con đường để vực dậy bản thân thì mới có thể tự cứu lấy mình.”
Bộc cũng cho là phải, ban đầu cậu còn lo lắng không biết với sự xuất hiện của hai con người lạ mặt đó, số mệnh của ngôi chùa sẽ đi về đâu. Vào cái đêm Bộc mang cháo đến cho họ, lúc cậu vừa mở cửa đi vào đã thấy bà vãi Na đang ngồi chải tóc cho Tỏa, người con gái nghe tiếng động thì vô thức ngước mắt lên nhìn cậu. Đôi mắt người con gái trong veo, đầy những nước, cứ láo liên như con thú nhỏ đang dỏng tai nghe động tĩnh của kẻ thù. Ở Tỏa không có cái vẻ phúc hậu và đậm đà của người thiếu nữ nhà nông bổn, cô khác lắm, đường nét của cô sắc sảo hơn, như được điêu khắc, đến khi đã tắm rửa sạch sẽ mới nhìn ra được. Điều này lại làm nỗi lo của Bộc tăng cao hơn nữa, một cô gái thế này, số phận tương lai của cô còn có thể bấp bênh đến mức nào nữa đây. Nhưng đôi mắt sáng ngời của Tỏa và anh Thiện lại cho thấy lòng của họ lương thiện, hai con người trước nay cũng không có chút ác ý nào nên Bộc chỉ có thể tin lời thầy, tin vào cái sự lương thiện mà mình đã nhìn thấy.
Nhìn qua những khe trống của bức tường hoa văn bánh xe chữ Thọ (1), Bộc thấy lũ trẻ mục đồng đang chơi đùa ở bên ngoài. Bọn chúng đuổi bắt, bắn sóc bắn chim, nhìn đứa nào cũng vui vẻ làm Bộc cảm thấy tủi. Cậu không được ra ngoài chơi, ít nhất thì hôm nay không được, cậu vẫn chưa học xong. Bộc giẫm lên bụi hoa màu vàng ở chân tường, mấy bông hoa nho nhỏ cánh mỏng bị cậu giẫm nát nằm xẹp xuống, tan nát cả lá lẫn hoa.
“Mấy bông hoa có tội tình gì mà em lại hành hạ chúng như vậy?” Chợt, giọng của Tỏa cất lên phía sau. Bộc mới giật mình xoay qua.
“Chị Tỏa.”
Tỏa hơn Bộc một tuổi nên xưng mình là chị và gọi Bộc là em.
Bị phát hiện, cậu chỉ ấp úng lảng qua chuyện khác: “Anh Thiện lại đi đâu rồi?”
“Chắc lại đi ra ngoài chơi ở đâu đó.” Tỏa trả lời. Từ lúc vào chùa, tóc của cô lúc nào cũng được vấn khăn vuông màu nâu. Màu của cái khăn bạc phếch, nhìn buồn buồn, Tỏa bảo rằng khăn vấn tóc không nên có màu đẹp quá, những chiếc khăn xinh xắn chỉ nên dùng trong những dịp đặc biệt mà thôi.
“Anh Thiện đúng là sướng nhất, lúc nào cũng có thể chơi đùa mà chẳng lo lắng gì.”
Nghe thấy lời ganh này, Tỏa bật cười: “Sư cụ đâu phải cấm em đi chơi.”
“Thì biết là vậy, nhưng trước khi được phép đi ra ngoài, em phải học cho xong đã. Học chữ Nho với sư cụ rồi lại học chữ Quốc ngữ với thầy Diền, cuối cùng là học võ với sư bác. Học xong thì tụi mục đồng cũng đã về hết rồi.”
“Anh Thiện nhìn thì có vẻ muốn làm gì cũng được.” Tỏa đi đến ngồi cạnh cậu, “Nhưng anh ấy cũng đáng thương lắm, có lần chẳng làm gì cũng bị một đám người khêu gan. Tệ một nỗi không biết sao anh ấy nhảy vào đánh họ thật, rồi còn bị đánh lại bầm dập, nếu không có người cản chắc không còn thây mà về rồi.”
“Thật ạ.”
“Ừ, chị còn nhớ có một lần, anh Thiện về nhà mà hai tay cứ khư khư giữ cái gì đó trong bụng, cái áo lại kệnh lên như đang giấu đồ bên trong. Chị mới kéo tay anh ra xem thử. Từ trong áo anh Thiện rơi ra một cái sọ người em ạ. Một cái sọ người trắng hếu, chẳng biết chết từ bao giờ và vì sao lại chết mà trông còn mới lắm ấy.”
“Ghê vậy ạ?” Bộc nổi da gà.
“Chị hỏi mãi mà không tra ra được gì, tất nhiên là chị sợ lắm chứ. Xác chết mất đầu thì làm sao người ta đi đầu thai. Nhưng nghĩ lại, đến mức chỉ còn cái sọ thì người đó hẳn phải chết lâu lắm rồi nên chị đem vứt đi, cũng không dám nói với ai cả.” Tỏa kết thúc câu chuyện.
“Đáng sợ quá.” Bộc bị câu chuyện này dọa đến xanh mặt.
Tỏa lúc này mới mỉm cười, kéo tay cậu đứng lên: “Vì vậy chị thương anh mình lắm, dù sao anh ấy cũng là người thân cuối cùng của chị mà. Với lại nhìn anh như vậy, chị cũng không đành lòng để anh ấy chịu khổ.”
Vậy là kể từ lần đó, Bộc không ghen tị với anh Thiện nữa.
Mãi sau cậu mới nhận ra hai anh em Tỏa không hề biết gì về tình hình hiện tại của đất nước, không trách được, họ đâu có tiếp xúc nhiều với cán bộ Việt Minh, cũng ít nghe ngóng tình hình bên ngoài. Đến mức Tỏa còn tưởng hiện tại mấy người đi tản cư đến làng là dân ngụ cư như những năm đói kén nữa.
Lúc này Bộc mới giảng giải cho chị nghe: “Em không nghĩ người đàn bà và đứa trẻ sơ sinh chết trong cái điếm mà chị gặp trước đây là do đi ngụ cư chết đói đâu ạ. Họ chết vì lý do gì thì em không rõ, nhưng năm đói đã qua rồi. Hiện tại những người từ vùng khác đến làng đi thành từng đoàn đông đúc mà chúng ta hay gặp là họ tản cư đấy, tản cư khỏi vùng chiến sự cũng là phục vụ cho kháng chiến chứ sao.”
Trong đầu Tỏa, nạn đói vẫn là một điều ám ảnh cô triền miên, cảnh tượng đó đáng sợ quá, làm cô khó mà quên được nên dẫn đến việc hiểu lầm như vậy. Được Bộc giải thích, cô cũng thấy yên tâm hơn khi bắt gặp những đoàn người từ xa đến. Cái chết ám ảnh mãi mãi trong đầu người ta, dẫn đến những sự nhận thức lệch lạc, nhân dân đôi khi họ không hiểu tình hình nên lúc này cán bộ càng phải giúp cho dân hiểu, đó mới là điều quan trọng.
Nhưng sau mấy lần nói chuyện với Bộc, Tỏa lại dậy lên một thắc mắc khác. Chú tiểu trong chùa mà biết rõ tình hình bên ngoài hơn cả cô sao? Hay chỉ đơn giản cậu nghe người lớn nói rồi nhớ? Cô dần dần hình thành một cảm giác kỳ lạ, về những điều còn ẩn sau ngôi chùa này, phía sau cái vẻ ngoài bình yên của những ngôi làng Bắc Bộ khi nhìn vào chỉ thấy một sự nhịn nhục và cúi đầu trước bọn thực dân và lính bảo hoàng. Thật ra ở đâu trong giai đoạn đó cũng thế cả, cách mạng hoạt động ngấm ngầm và lặng lẽ trong nhân dân, và ngôi chùa Báng không nằm ngoài quy luật của thời đại đang diễn ra.
3. Vạn Niên là Vạn Niên nào? (2)
Đại uý Cachet gõ năm ngón tay của mình xuống bàn, ánh mắt hắn đăm chiêu như đang có chuyện gì khiến hắn khó hiểu lắm. Rồi như chẳng nghĩ ra được gì, Cachet lấy tay xoa vội khắp khuôn mặt mình, cất tiếng nói với cộng sự đang ngồi trước mặt:
“Cái bọn Việt Minh này đủ trò đủ chuyện, cuộc chiến trường kỳ đầy khó khăn vẫn đang tiếp diễn mà phe ta vẫn chưa bắt thóp được chúng. Trung uý có ý kiến gì không?”
Viên trung uý được hỏi tới vội trả lời ngay: “Bắt hết tất cả ra tra hỏi, người già người trẻ hỏi tất. Tôi và đại uý đã cử lính đi lục soát rồi, bao nhiêu hầm trú ẩn cũng đều lục ra hết, bọn chúng nó không thể thoát được.”
“Nhưng Việt Minh vẫn còn đang nhởn nhơ kia kìa.” Cachet đập bàn gắt gỏng, giọng không kiềm được sốt ruột, “Trung uý hiểu cho tôi, bọn này ma lanh phải biết, Việt Minh lẫn trong nhân dân đấy, ở cái đất An Nam này có phải chỉ một mình vùng chiến sự là đấu tranh đâu. Nơi nào cũng đấu tranh cả. Chúng ta chỉ cần để sơ sẩy là mất mạng như chơi, mất mạng không tiếc, nhưng để bọn chúng nẫng tay trên thì đúng là đáng xấu hổ.”
Hai ngày trước bọn họ vừa bắt được một bà hàng trứng giấu mật thư của cán bộ Việt Minh trong rổ trứng của mình. Bà hàng khôn lỏi, thấy bọn lính đến tra thì vờ như té ngã làm đổ cả rổ trứng xuống đất. Chất lỏng sền sệt thấm ướt tờ giấy được cuộn lại nhỏ như ruột bút, chữ bên trong bị nhoè đi chẳng thấy gì. Tất nhiên bọn chúng không để cho qua một cách dễ dàng. Bà hàng trứng nhanh chóng bị bắt giam, mà tra khảo kiểu gì mụ ta cũng bảo mình không biết. Không biết sao được, tin liên lạc giấu lẫn giữa đám trứng, còn gì để chối nữa? Vậy là chúng tra khảo, tra đến trưa hôm nay thì bà già không chịu được chết rồi. Mẹ kiếp, cái bọn dưới quyền tay chân vụng về, lần đầu đi tra tấn nên thiếu kinh nghiệm, chưa hỏi được gì đã để chết rồi, muốn chọc tức đại uý của mình hay sao? Điều này làm Cachet hận lắm, con mồi trước mũi mà không bắt được, người thợ săn nào mà chẳng hận. Hắn quyết nếu lần sau mà bắt được đứa nào thì sẽ cho đứa đó chết không toàn thây.
Cachet lại nghiến răng nói tiếp: “Trung uý nói là tra hết tất cả à? Có gì để mà tra, hầm cũng lục rồi, trình nhân khẩu cũng đã làm xong, mà Việt Minh thì cứ là Việt Minh đấy thôi, có bắt được tên nào đâu? Chưa kể mới mấy tháng trước, bọn lính bảo hoàng và vài tên lính bên mình đi lùng cái kiểu chi đó mà bị bọn nó bắn chết, phơi xác thành hàng, cả thảy năm tên, đứa thì bị bắn lòi ruột, đứa thì nứt đầu, có đứa còn chưa chết hẳn cứ ú ớ trong họng. Dò lại thì vũ khí trên người cả năm đều bị chúng cướp hết ráo. Trung uý nói xem còn cách gì nữa?”
“Đại uý nghĩ liệu chúng ta đã kiểm hết toàn bộ ngóc ngách của cái làng này chưa?” Tên trung uý nói, giọng hơi ẩn ý. Hắn lùn hơn Cachet một chút, người ốm tong teo mà tay chân lại thô kệch, mái tóc đen không ra đen, vàng không ra vàng, chẳng hiểu cái màu nó kiểu gì mà lại ra được cái vẻ dị hợm đó.
“Hết rồi còn gì, lội cả xuống sông tìm, chỉ có ở mấy cái đồi phía xa lắc kia là không thuộc phận sự của mình. Bọn chúng trong đấy chứ đâu, nhưng đó là địa bàn của chúng, ở đây là địa bàn của chúng ta. Mà ngặt nỗi địa bàn của ta nhưng bọn đấy lại len lỏi vào được. Trung uý xem xét, cái làng quê An Nam ôn hoà là thế, mà bên trong nó dã man khiếp, tôi và trung uý không làm gì thì dễ mà không còn thây để về cố quốc nữa đâu.”
Viên trung uý dường như đã nghe được điều mình đang muốn nghe, bật cười gằn từng tiếng: “Đại uý còn biết là cái làng quê này nhìn bên ngoài thì bình yên vậy nhưng bên trong lại toàn là bẫy giăng thì tất nhiên cũng biết chỗ nào càng khoác vẻ ngoài tốt đẹp thì càng là nơi cho xấu xa tụ hội về. Tính ra trong làng chỉ có nơi đó là ta chưa đặt chân đến.”
“Ý trung uý là…” Cachet nghĩ ngợi, rồi lại chần chừ không rõ điều bản thân định nói, “Cái ngôi chùa ấy à? Nhưng ta cũng vào rồi đấy thôi, tôi là người trọng đạo của mình nên cũng trọng đạo của người khác, tôi tôn kính sư cụ ở đó như những người hiếu đạo với nhau. Người của Phật giáo lại càng không thể nào liên quan đến việc này, Phật giáo thoát ly nhân gian, không tham gia vào chuyện trần tục.”
Trung uý dáng người vạm vỡ, to sừng sững như cột chống đình, cái thân người chắc phải hai thước là ít, chỏm râu như con sâu róm nằm ngang miệng hắn khi nói chuyện cứ uốn qua uốn lại như đang bò, vậy mà hắn lại là một tay mộ đạo, hắn tin đạo của mình và cũng sùng bái những người có đức tin. Cachet biết khi con người có đức tin thì sẽ không làm chuyện gì có lỗi, mà Phật giáo cũng có điểm giống với Thiên Chúa giáo của hắn lắm. Về quan điểm kia thì Cachet nói đúng chứ chẳng trật đi đâu được, Phật giáo đúng là xuất thế gian, bởi vì cái xuất thế gian này mà nó không được các nhà Nho ưa thích lắm. Đã là đạo thì phải vận dụng được vào cuộc sống, lánh xa cõi đời để làm gì, tu thân để làm gì mà cuối cùng lại không đem nó ra giúp ích cho đời?
Có một lần đại uý và trung uý đi đến ngôi chùa duy nhất trong làng Báng để kiểm tra xem có Việt Minh ẩn nấp không. Nhưng cái chùa đó vắng lặng như tờ, lâu lâu còn đóng kín cửa không tiếp khách vì một nỗi sư cụ của chùa già lắm rồi, người sống trong đó đếm chưa hết được một bàn tay. Sư cụ lại là người tín Phật, ở ông rõ là một người chỉ biết tu hành giữ chùa chứ không biết gì khác. Điều này làm viên đại uý ấn tượng nhưng đối với trung uý thì chẳng có gì đáng để lưu tâm đến cả. Nên hiển nhiên ngôi chùa được viên đại uý loại bỏ đầu tiên.
“Nhớ lúc chúng ta quyết định lấy đình làm bốt không, dân làng đó phản đối ầm ỉ. Đấy trung uý xem, thói người ở đây kỳ lạ, họ giữ khư khư cái đình làng còn hơn mạng sống mấy đời nhà họ. Khó khăn lắm mới thuyết phục được, cũng phải nằn nì mãi mấy tay tổng lý mới nói cho vài câu. Bây giờ bảo phá chùa? Khác nào tìm cơ hội cho đám người đó vùng dậy. Ừ thì vùng dậy cũng có cách san bằng, nhưng rướn quá thì nguy trung uý ạ.” Cachet tiếp tục nói ra điều mình đang lo ngại. Với những tư tưởng Tây phương đang nằm trong tiềm thức, hắn không thể nào cắt nghĩa nỗi nết nghĩ của con người nơi đây. Sao mà họ yêu làng nước quá, nhất định không phá đình, không bật gốc đa, không đập giếng nước.
Có một lần, một trong tứ trụ (3) của làng Báng đến cầu xin hai người họ, ông cụ già cả mà khóc rơm rớm, giải thích đủ mọi chuyện từ những điều bình thường nhất đến cặn kẽ nhất cho họ nghe mà cả hắn và tên trung uý đều chẳng thấy có lý gì cả, ông cụ nói: “Xin hai ngài hiểu cho, mái đình, giếng nước và gốc đa đều là vật thiêng liêng của làng. Đình là nơi vui chơi lễ lộc và sinh hoạt văn hoá, gốc đa là nơi đàn ông nghỉ ngơi khi làm đồng, giếng nước là nơi đàn bà buôn chuyện khi mệt mỏi. Quật hết chúng lên thì còn gì là làng nước nữa. Người dân không có làng thì biết phải sống làm sao?”
“Đấy, cái tư tưởng người An Nam nó như thế. Giờ chúng ta mà dám động đến chùa thì có khi nào bọn người đó lại làm một trận kinh động nữa không! Trung uý nên nhớ chúng ta bên cạnh việc đi làm quân sự còn phải thực hiện cả công việc chính trị nữa. Không yên được nhân dân thì có mà toi mạng à?!”
Trung uý nghe xong những lời đó thì bật cười khằng khặc. Đúng đấy, dân ở đây nó vậy đấy, biết phải làm sao. Nếu thật có cán bộ cách mạng trong chùa thì còn tốt, lỡ như không có thì chẳng phải họ tự mình lấy dao đâm bụng. Nhưng viên trung uý vẫn phất bàn tay to bè như cái quạt mo của mình, hắn có điểm đồng ý với cấp trên nhưng cũng có điểm không. Đối với viên trung uý, chiến tranh là chiến tranh, chùa chiền làm gì mà nằm ngoài cuộc chiến được, những cái luân lý bình thường sao có thể áp dụng được vào lúc này. Trong khi hắn đã nghi ngờ ngôi chùa lâu lắm, còn chỗ nào phù hợp để giấu cán bộ ngoài nơi đó nữa, hắn chỉ đang đợi thời cơ để vây bắt một lượt cả bọn đấy mà thôi.
Thật ra từ trước đến nay chùa chưa từng là một biểu tượng của làng, vì đạo Phật lúc suy lúc thịnh, lại có khi bị biến tướng thành những điều tệ hại khác nên dường như ít được nhắc đến. Nhưng nói thì nói vậy, chùa vẫn quan trọng với làng lắm, làng mất sư thì thật tệ hại, ma chay cúng bái biết phải làm thế nào, con người ta dù ở thời đại nào cũng cần đến đức tin, phương Đông lại là nơi những điều huyền hoặc đã cắm rễ sâu trong lòng mỗi con người từ lúc được sinh ra nên nó lại càng quan trọng. Mỗi làng đều có chùa, và sư trong làng lúc nào cũng được người ta kính nể, muốn đụng đến cũng cần phải có một cái gan nhất định mới được.
Sau khi suy nghĩ một lát, viên trung uý cũng đành chấp nhận với ý kiến này của đại uý, hắn nói: “Đúng là việc này không thể hấp tấp, nhưng để chểnh mảng cũng lắm khi nguy hiểm, đây là đánh du kích, là chiến trường du kích. Chúng ở trong tối, ta ở ngoài sáng, vậy thì chúng đang quan sát ta đấy, nếu không có biện pháp mạnh hơn thì chỉ còn nước chết lúc nào chẳng hay mà thôi. Nhưng theo tôi thấy, bên ngoài thì dân nơi này cục mịch và giỏi nhẫn nhịn, chẳng biết bên trong chúng đang diễn trò hay thật sự không phục vụ cách mạng. Điều này làm sao mà biết chắc được.”
“Vậy thì cứ cử người bên dưới năng tới lui ngôi chùa đó vậy, nếu thật sự chúng có đơn sai thì đến một lúc sẽ lộ diện thôi. Cũng có thể không phải người trong chùa, vậy ngoài chùa thì sao, cách mạng chúng cũng ranh ma, có khi không được sự đồng ý nào cũng tự động lấy chùa làm căn cứ cũng nên.” Đại uý lại tiếp tục phân tích thêm.
“Nếu dính đến Việt Minh thì bắt về mà tra hết, có hay không đến lúc dùng biện pháp mạnh thì sẽ ra được ngay.”
Viên trung uý giở giọng từ ngọt đến xẵng, đại uý Cachet chẳng biết vì chuyện gì mà tên nọ đột nhiên lại xẵng, hắn say máu sao? Có thể hắn đang say máu thật. Nhưng viên đại uý vẫn có linh cảm không phải ngôi chùa đó, hoặc giả sử có cũng sẽ không liên quan đến các sư. Nhưng suy luận bao nhiêu đi chăng nữa thì đến cuối cùng khi đã có kết quả mới biết được, hắn cảm thấy mình đoán già đoán non cũng chẳng ra được gì.
Cachet lấy bút đỏ khoanh tròn một dấu bao quanh ngôi chùa Báng trên bản đồ phác thảo đơn giản của mình. Rồi đứng dậy chào tên trước mặt, xong liền sấn bước đi ra khỏi P.C Huyện.
///
Ghi chú:
(1) Hoa văn bánh xe luân hồi có hình ảnh chữ “Thọ” ở giữa được dùng phổ biến trên các bức tường bao của chùa Việt.
(2) “Vạn Niên là Vạn Niên nào?/Thành xây xương lính, hào đào máu dân.” Nói về việc vua Tự Đức xây công trình Vạn Niên Cơ. Quá trình thực hiện tốn kém tiền của, nhiều binh lính và thợ thuyền phải lao động khổ sai dẫn đến mất mạng, làm dấy lên căm phẫn và là nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Chày Vôi năm 1866, nhưng cuộc khởi nghĩa này đã thất bại.
(3) Làng quê nông thôn Việt Nam thường bầu bốn cụ cao tuổi nhất làm tứ trụ.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI