Nhớ những kỷ niệm của tương lai
Tình anh em biết, lòng anh lại không tỏ
Sáng ngày hôm sau, An Nhiên bị chuông báo thức gọi dậy. Thời Ô Hữu đã đi làm từ sớm, nhưng vẫn kịp chuẩn bị cho cô một phần salad hoa quả để ăn sáng. Cô vui vẻ ăn hết rồi xách đồ ra ngoài. Dù hiện tại Thời Ô Hữu chưa quá nổi tiếng, cộng thêm việc căn hộ này cũng là mới mua nên không sợ thợ săn ảnh canh chừng xung quanh, nhưng An Nhiên vẫn cẩn thận che mặt mũi lại hết rồi mới đi ra đường.
An Nhiên ra khỏi cửa rồi nói vọng vào trong “Vệ Nhiên, khóa cửa.”
Đây là một căn hộ thông minh, nhưng Thời Ô Hữu có vẻ không biết kết nối Vệ Nhiên với căn hộ này nên còn chưa cài đặt cho nó. An Nhiên tuy học nghệ thuật, nhưng công nghệ của Vệ Nhiên cô vẫn biết dùng. Mấy hôm nay An Nhiên đã đem một kho ảnh và dữ liệu giọng nói của bản thân mình và của Thời Ô Hữu ra cho Vệ Nhiên học, rồi cài đặt nhiều chế độ nâng cao khác cho con rô bốt này. Người này có nhiều thứ giỏi, nhưng về công nghệ thì tuyệt đối mù mờ. Cô còn nhớ lần trước cô chỉ anh cách nhập dữ liệu của quản lý Hoa vào mà phải giải thích cả tiếng anh mới hiểu được.
Giọng nói máy móc quen thuộc lại vang lên. “Cửa đã khóa! Chúc An Nhiên có một ngày vui vẻ.”
Mặc một thân đồ jeans khỏe khoắn, An Nhiên vừa tung tăng đi trên đường vừa ngâm nga một bài hát không rõ lời. Cô đã từng tới Tân thành một lần hồi tầm mười tuổi, cùng bố mẹ, ông nội, và đoàn người của trung tâm nghiên cứu tới đây du lịch. Nói là đi du lịch nhưng theo trí nhớ của cô thì bọn họ ngoài một vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở nơi này thì không đi đâu khác cả.
An Nhiên đi bộ một đoạn thì lên xe buýt hướng về phía trung tâm. Nếu Thiên thành mang lại cảm giác nghiêm trang và cổ kính thì Tân thành lại rất trẻ trung và nhộn nhịp. Trung tâm thành phố toàn những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại lớn, và cả những hàng quán đông đúc. Thế nhưng mà, cái An Nhiên đang tìm kiếm không phải là mấy thứ này.
Cô vừa đi vừa nhìn vào bản đồ trong điện thoại. Ở Tân thành có một họa sĩ trẻ gần đây mới nổi, bút danh của anh ta là Thét Gào. Nghe là hiểu, thần tượng của anh ta chắc hẳn là Edvard Munch, bởi bức tranh nổi tiếng nhất của họa sĩ người Na Uy này cũng có cái tên như vậy. An Nhiên không quen Thét Gào, nhưng cả thầy của cô lẫn một vài khách hàng mua tranh của cô trong cuộc triển lãm ở Thiên thành đều so sánh hai người. Có người nói phong cách của hai người khá giống nhau, người lại nói cô có thể trở thành đối thủ xứng tầm với anh ta. Đối thủ lớn như vậy, An Nhiên không tò mò mới lạ. Chỉ tiếc là hai người ở hai thành phố khác nhau, trước đây chưa có cơ hội gặp mặt. Mấy lần trước An Nhiên nhảy thời gian thì lại ngại bị thợ săn ảnh của Vệ Thời đi theo, nên vẫn không dám tự tiện ra ngoài. Lần này có cơ hội, việc đầu tiên cô nghĩ tới chính là đi xem phòng tranh của Thét Gào.
Phòng tranh này nằm trong khu Nam Kinh, nhưng người dân ở đây đều gọi nơi này là khu Nghệ Thuật. Con đường này ngoài phòng tranh ra thì còn có cửa hiệu bán nhạc cụ, một vài tiệm quần áo thời trang độc đáo, cửa hàng đồ gốm tự làm, cửa hàng bán dụng cụ ảo thuật, và rất nhiều thứ khác nữa. Giữa một rừng các tòa nhà cao lớn, nơi này vẫn nổi bật như thường. Với âm thanh nhộn nhịp từ những nghệ thuật gia đường phố cùng với vẻ đẹp của hàng trăm bức tranh nổi bật sơn trên mỗi bức tường của mỗi cửa hàng, nơi này thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật.
Phòng triển lãm Tiếng Hét Lớn của Thét Gào nằm ở một góc của khu nghệ thuật, tuy không phải là vị trí đẹp nhất, nhưng cũng không thiếu người ra vào. An Nhiên tự nhiên hòa vào dòng người đan xen này, đi vào trong phòng tranh.
Thét Gào này không hổ là một họa sĩ trẻ có tài năng. Tranh của anh ta quả thực có thể được so sánh với tranh của An Nhiên. Tuy phong cách của hai người không giống nhau, nhưng quả thực là bọn họ đều theo đuổi cùng một trường phái. Khi An Nhiên đang đắm mình vào bức tranh trước mặt thì có hai cô gái trẻ khác cũng đang đứng đây, lại còn thì thầm to nhỏ với nhau.
“Bức tranh này kỳ quặc quá, chả hiểu là vẽ cái gì nữa!” – cô gái số một nói.
“Em cũng thấy vậy đó! Hội họa đều như vậy mà, tranh thì vô nghĩa nhưng nhiều kẻ có tiền vì thích thể hiện là mình hiểu biết nên cứ vung tiền ra mua thôi! Nếu mà là em á, có cho thì em cũng không muốn treo thứ này trong nhà mình đâu.” – cô gái thứ hai đáp lời. Hai người bọn họ đồng thời bật cười khúc khích, khiến cho mấy ánh mắt đổ dồn về phía này.
An Nhiên không thể chịu được mà quay sang nhìn bọn họ, trong lòng có vài phần tức giận, một tí buồn bã, cộng thêm chút khinh bỉ. May cho hai người này là đây không phải phòng tranh của cô, mà tính cô thường ngày cũng hiền lành, nếu không thì cô sẽ đứng ra mắng hai người họ mấy câu.
Tiếc cho hai cô gái này là không phải ai cũng ôn hòa như An Nhiên. Một thanh niên trẻ đứng gần đấy có vẻ cũng đã nghe thấy cuộc đối thoại này. Anh ta mặt hằm hằm đi tới, vừa mở miệng ra đã mắng hai cô gái kia:
“Xin lỗi hai cô! Người ta nói là ngu dốt thì dựa cột mà nghe, không ngờ hai người đã ngu dốt lại tự tin đem khoe ra. Nói thật, người như hai cô thì có trả bao nhiêu tiền tôi cũng sẽ không bán tranh cho đâu. Mời hai người đi cho, để đôi bên đỡ mất thời gian.”
Họa sĩ Thét Gào này người cũng như tên, âm vực quả thực không tệ! Nếu lúc nãy chỉ có mấy người liếc mắt nhìn qua đây thì bây giờ tất cả phòng tranh đều đã phát hiện ra chuyện bên này. Theo tính hiếu kỳ bình thường, mọi người dần bu lại đây, tò mò xem hai cô gái kia sẽ làm thế nào.
Cô gái trẻ hơn bị mắng thì đỏ mặt ngượng ngùng, nhanh chóng kéo tay cô gái còn lại, ý muốn nhanh chóng chạy khỏi nơi đáng xấu hổ này. Nhưng cô gái còn lại không biết là do không hiểu ý, hay là do thẹn quá hóa giận mà lại vùng tay ra. Cô ta đưa một tay lên chống nạnh, tay còn lại chỉ vào bức tranh đằng sau lưng, hất hàm hỏi Thét Gào:
“Anh là người vẽ thứ này? Anh thấy tôi nói không đúng à? Vậy anh thử tìm một người ở đây có thể giải thích bức tranh này một cách hợp lý cho tôi thì tôi sẽ nhận sai. Thứ vớ vẩn này mà gọi là tranh à? Chả bằng tôi vẽ cho anh hai bức, thế nào?”
Thét Gào nhíu mày. Người ở đâu lại không chịu nói lý như vậy? Đã đến phòng tranh chê tranh trước mặt tác giả rồi còn dám làm trò? Cô ta không biết xấu hổ à? Yêu cầu quá đáng như vậy, ai mà thèm giải thích cho cô ta chứ?
“E hèm!” – một giọng nữ nhẹ nhàng vang lên từ bên cạnh. Thét gào nhìn sang, nghĩ là người này khó chịu vì bị làm phiền khi xem tranh thì lịch sự cúi đầu:
“Xin lỗi đã làm ồn, mời cô cứ xem tiếp. Tôi sẽ giải quyết chuyện này ngay.”
“Không không!” – An Nhiên mỉm cười xua tay, “Ý em là anh cứ để em giải thích cho, để cho hai chị đây được tâm phục khẩu phục.”
“Ồ!” – mắt Thét Gào sáng lên, nhưng vẻ mặt có chút nghi ngờ. Người hiểu được trường phái hội họa này không nhiều, có thể giải thích được tranh của người khác lại còn khó hơn.
An Nhiên nói xong thì quay sang nhìn hai cô gái kia, bắt đầu giải thích bằng giọng ôn hòa:
“Trường phái Tân Biểu hiện vốn là một trường phái rất trừu tượng của hội họa, hai chị nhìn không hiểu là một chuyện rất bình thường. Tác phẩm của anh Thét Gào đây cũng không phải là ngoại lệ, em cũng phải ngẫm nghĩ rất lâu rồi mới có thể hiểu được chút ít. Bức tranh này ngòi bút thô lỗ, màu sắc đối chọi gay gắt, bố cục nhìn qua rất bất hợp lý, trông thì có vẻ ngột ngạt nhưng lại chính là những thứ làm nó trở nên đẹp và thú vị hưn. Nếu em không nhầm, thì nội dung của tác phẩm này hẳn là muốn nhạo báng việc con người nhiều năm gần đây chú trọng khai thác bầu trời, bỏ gốc lấy ngọn tập trung nhân lực và tiền bạc để giải quyết những thứ xa xôi, mà không tập trung vào Trái Đất vốn còn rất nhiều vấn đề tồn đọng. Em có thể thử giải thích từng chi tiết cụ thể. Ví dụ như …”
An Nhiên nói đến đây, quay ra thì đã thấy hai cô gái kia nhân lúc mọi người đang tập trung nghe cô nói đã lủi thủi kéo tay nhau chạy ra khỏi phòng triển lãm. Ơ hay! Cô còn chưa nói tới những chi tiết thú vị nhất mà. Cô chớp chớp mắt nhìn theo hướng bọn họ bỏ đi, lại chớp chớp mắt nhìn sang Thét Gào.
“Tôi tên là Phan Tuấn, chủ của phòng tranh này.” – Thét Gào mỉm cười giơ tay ra.
An Nhiên đưa tay bắt tay anh ta. “Em tên là An Nhiên. Tranh của anh rất hay.”
“Em cũng theo đuổi dòng hội họa này sao? Có muốn trao đổi liên lạc để sau này có dịp thảo luận không?”
Cô lắc đầu, “Không cần đâu ạ! Em chỉ là một người yêu thích nghệ thuật thôi. Sau này có tiền em nhất định sẽ quay lại ủng hộ phòng tranh của anh.”
Phan Tuấn bật cười. “Không cần sau này. Em chọn một bức đi, tôi tặng cho em.”
An Nhiên xua xua tay: “Như vậy không ổn đâu ạ!”
“Không sao! Đối với tôi thì tìm được người hiểu tranh của mình còn khó hơn tìm bạn gái. Cứ coi như tôi cảm ơn em đã đuổi hộ tôi hai người phiền phức kia, còn giúp tôi giữ mặt mũi cho phòng tranh nữa.”
An Nhiên thấy Phan Tuấn quả quyết như vậy thì không từ chối nữa. Cùng lắm là sau này cô tặng lại anh ta một bức là được.
“Vậy em có thể lấy bức ‘Trời Đất’ này không ạ?” – cô rất thích bức tranh này, nên nãy giờ mới đứng ngắm nghía nó lâu như vậy.
“Đương nhiên. Để tôi giúp em gói lại.”
Chờ Phan Tuấn gói tranh xong, An Nhiên vội vã chào tạm biệt rồi rời đi. Cô không dám tiết lộ quá nhiều về bản thân. Nếu anh ta biết tên cô thì có thể sẽ tra được ra cô là ai. Nếu anh ta đột nhiên liên hệ với cô thì không phải sẽ hỏng hết sao? Nghịch lý thời gian là thứ không thể đùa được đâu.
An Nhiên đi dạo một hồi thì cũng tới trưa. Theo trí nhớ mơ hồ về quán đồ nướng mà đứa bạn đã kể qua, cô lần mò tìm được tới nơi đó. Lúc An Nhiên tới, quán đã ngồi chật ních người. Cô vừa đứng xếp hàng, vừa tò mò nhìn ngó xung quanh. Quán này nằm ở khu công sở, rất nhiều người nghỉ trưa đều tới đây ăn. Tòa nhà của công ty Thời Ô Hữu hình như cũng ở gần đây thì phải. An Nhiên nghĩ ngợi một lúc rồi lôi điện thoại ra, gửi đi một tin nhắn.
Sau mười lăm phút đứng hít mùi thịt nướng thơm phưng phức, cuối cùng cũng tới lượt An Nhiên.
“Chị đi một mình ạ?” – phục vụ hỏi.
An Nhiên lắc đầu: “Mình đi hai người. Ở đây có phòng riêng không ạ?”
“Không có ạ.”
“Vậy cho mình hai phần thịt nướng mang về.”
Khi An Nhiên mua đồ ăn xong ra ngoài thì thấy một bóng dáng quen thuộc không biết đã đứng chờ ở đó từ khi nào.
Thời Ô Hữu đội mũ đen, đeo khẩu trang, đứng dựa lưng ở dưới một bóng râm khuất mắt ở phía bên kia đường. An Nhiên chạy về phía anh, giơ túi đồ ăn trong tay lên.
“Quán này khá nhỏ, bọn họ không có phòng riêng. Chúng ta ăn ở chỗ nào bây giờ?”
Anh cầm lấy túi đồ ăn và gói hình vuông trên tay cô rồi nói: “Tới công ty anh đi. Anh có phòng nghỉ riêng, sẽ không có ai ra vào.”
An Nhiên đi theo anh về công ty. Công ty giải trí Thiên Tân nằm trong một cao ốc ba mươi tầng giữa khu hành chính và khu Nghệ Thuật. Tuy là một công ty có tiếng, nhưng trụ sở chính của Thiên Tân không có quá nhiều người qua lại, chủ yếu là bởi nghệ sĩ và nhân viên của bọn họ thường phải bôn ba khắp nơi để làm việc. Bởi Thiên Tân nằm ở mấy tầng gần mặt đất, hai người lại thích làm chuyện bí mật, nên bọn họ đi cầu thang bộ lên tầng ba, tới thẳng phòng nghỉ của Thời Ô Hữu ở góc trong cùng.
Phòng nghỉ này khá đầy đủ tiện nghi, có cả giường và một khu bếp nhỏ. Thời Ô Hữu dọn ra hai bộ bát đũa. Để đồ ăn lên mặt bàn, anh liếc nhìn gói hình vuông kỳ lạ mà mình vừa ôm tới.
“Em vừa mua cái gì hả?” – Thời Ô Hữu nhẹ hất mặt về khối hình vuông.
An Nhiên lắc đầu: “Không phải. Em đi thăm một phòng tranh được họa sĩ ở đó tặng. Tranh rất hay, anh có muốn xem không?” – cô vừa nói vừa cẩn thận gỡ bọc giấy ở ngoài ra.
Cộc cộc. Tiếng gõ cửa đột ngột vang lên. An Nhiên dừng động tác trong tay lại. Hai người bốn mắt nhìn nhau.
“Ô Hữu? Cậu có trong đó không?” – là tiếng của quản lý Hoa.
Thời Ô Hữu nhìn An Nhiên, đưa mắt về phía bên trong rồi thấp giọng thì thầm: “Phòng vệ sinh ở phía bên kia. Em vào đó chờ chút đi.”
An Nhiên nhanh chóng chạy về phía anh nhìn, trốn vào phòng vệ sinh rồi chốt cửa lại.
“Em ở trong này.” – Thời Ô Hữu lớn tiếng đáp lời.
Quản lý Hoa mở cửa đi vào.
“Mùi gì thơm thế?” – ông hít hà mấy cái rồi hỏi, “Cậu vừa đi mua đồ nướng à? Mùi này rất giống mùi quán đồ nướng ở khu Nghệ thuật.”
“Mũi anh thính thật đấy! Em vừa mua về mà anh đã đánh hơi ra rồi. Nhưng mà không có phần của anh đâu.”
Quản lý Hoa bật cười ha hả: “Tôi không thèm chút thịt nướng của cậu. Cậu cũng biết sức khỏe của tôi, bác sĩ làm gì cho ăn đồ nhiều dầu mỡ như thế. Mà vợ tôi thính lắm, người mà dính mùi đồ nướng là tối về thể nào cũng bị cằn nhằn.”
Nhìn sang gói đồ bị bóc dở một góc trên bàn, ông tò mò, vừa mở ra vừa hỏi: “Cậu mua gì đấy? Tranh à? Trong nhà cậu còn treo chưa đủ sao? Mà sở thích của cậu cũng kỳ quặc thật đấy. Cậu xem mấy thứ này cậu thấy đẹp à?”
“Là do anh nhìn không hiểu thôi.” – Thời Ô Hữu nhún vai đáp lại, “Em thấy rất hay mà. Em vừa sang khu Nghệ thuật, tiện đường vào phòng triển lãm mua một bức.”
“Vậy để tôi đem đi treo lên cho cậu, chứ tôi thấy nhà mới của cậu cũng đủ tranh rồi.” – quản lý Hoa ôm bức tranh rời đi. Thời Ô Hữu chưa kịp nghĩ ra lý do gì để từ chối thì tranh đã bị mang ra khỏi cửa rồi.
“Ơ này … anh đến tìm em để làm gì thế???” – Thời Ô Hữu chợt nhận ra điều kỳ lạ.
Quản lý Hoa đứng sững lại trước cửa một lúc lâu rồi nhún vai: “Tôi quên rồi. Đợi tôi nhớ ra tôi lại nói với cậu. Cậu cứ ăn đi. Tôi đi trước kẻo người lại ám mùi đồ nướng của cậu.”
Khi quản lý Hoa đi được một lúc thì An Nhiên lò dò đi từ phòng vệ sinh ra.
“Quản lý Hoa lấy mất tranh mới của em rồi.”
“Không sao! Treo ở đây cũng được. Bức tranh đó màu sắc khá hài hòa với cách bài trí của căn phòng này, em thấy rất thích hợp.”
An Nhiên ngồi xuống trước mặt Thời Ô Hữu, vừa gắp đồ ăn vào bát vừa hỏi bâng quơ: “Lúc nãy quản lý Hoa nói nhà anh rất nhiều tranh à. Em chỉ thấy một bức ở phòng khách thôi mà, đâu có nhiều đến thế nhỉ.”
Thời Ô Hữu nhún vai, ừ một cái cho có lệ rồi gắp một miếng thịt nướng đưa ra trước mặt An Nhiên. “Loại này ăn rất ngon, em thử đi.”
An Nhiên há miệng cắn lấy miếng thịt. “Ừm. Quả thực rất thơm. Nếu ăn từ lúc còn nóng thì chắc là sẽ ngon hơn nữa.”
***
Ăn trưa xong, Thời Ô Hữu quay lại làm việc, còn An Nhiên thì lại bí mật dùng cầu thang thoát hiểm đi ra ngoài. An Nhiên đi dạo chán chê liền quay trở lại khu Nghệ Thuật mua dụng cụ rồi vào một quán cà phê ngồi vẽ tranh. Cô tập trung quên cả trời đất, đến khi vẽ xong ngẩng đầu lên thì thấy mặt trời đã bắt đầu lặn.
Ọt ọt. Bụng cô kêu lên mấy tiếng. Chỗ đồ nướng lúc trưa và cái bánh ngọt lúc chiều đã bị tiêu hóa hết từ lâu rồi. Xoa xoa bụng, An Nhiên lấy điện thoại ra nhắn cho Thời Ô Hữu.
– Anh sắp về chưa?
– Anh chưa. Em?
– Em đang ở gần công ty anh. Em đói *le lưỡi*. Muốn đi ăn tối.
– Còn chưa về? Đang ở đâu? Muốn ăn gì?
– [Phát tín hiệu địa điểm trực tuyến] Em đang ở chỗ này. Muốn ăn hải sản *chớp mắt*
– Tới ngay. Chờ anh năm phút.
Đúng năm phút sau, Thời Ô Hữu lái một chiếc xe màu đen tới trước cửa quán cà phê. An Nhiên lên xe, tò mò nhìn nội thất xe ở bên trong.
“Xe của anh hả?”
“Là xe mượn của công ty. Quản lý Hoa nói nếu album thứ hai của anh bán được tốt thì sẽ đặt mua cho anh một chiếc xe đẹp hơn.”
“Vậy anh có thích loại xe nào không?”
“Không. Anh không hiểu biết về mấy thứ này cho lắm. Em thì sao? Em có thích mẫu nào không?”
“Em thấy màu trắng rất đẹp.”
“Vậy được. Tới lúc đó anh sẽ mua một chiếc màu trắng.”
Hai người tới một nhà hàng lớn, bảo phục vụ cho một phòng riêng rồi bắt đầu gọi món.
Chờ phục vụ đi rồi, Thời Ô Hữu mới quay sang chỉ vào bức tranh bên cạnh An Nhiên.
“Em mới vẽ đó hả?”
“Sao anh không nghĩ là em mua?”
“Tranh của em anh đã xem nhiều rồi. Anh biết phong cách vẽ của em mà!”
“Hì! Đúng là tranh của em. Hôm nay em có linh cảm tốt, bức này chỉ vẽ trong mấy tiếng. Thế nào? Có đẹp không?”
“Anh nhìn không hiểu. Giải thích cho anh nghe đi.” – Thời Ô Hữu mỉm cười ôn tồn.
Bức tranh An Nhiên vẽ có tên là ‘Hội Họa’, linh cảm đến từ việc xảy ra sáng nay ở phòng tranh của Thét Gào. Bức tranh vẽ hai thân người phía trên là đầu trâu và đầu ngựa đang chỉ chỏ vào một cái gì đó không rõ. Xung quanh bọn họ là nhiều người, nhưng nhìn kỹ lại thì những kẻ này chỉ là đang đeo mặt nạ hình người, chứ bên dưới vẫn có thể thấy được đặc điểm khác của trâu với ngựa.
Hội họa là một loại hình nghệ thuật kén người xem. Có những kẻ xem không hiểu. Có những kẻ giả vờ hiểu để tỏ ra trí thức. Lại có những kẻ không biết trân trọng nó, chỉ biết dùng nó để khoe ra của cải của mình. Suy cho cùng, hai cô gái sáng nay An Nhiên gặp chỉ là loại người ít đáng ghét nhất trong những loại trên. Ít ra bọn họ còn thành thật.
Thời Ô Hữu vừa nghe vừa gật gù. Đa số các bộ môn nghệ thuật đều gặp vấn đề như vậy. Nhất là trong lúc môn nghệ thuật đó mới được đưa ra mắt công chúng. Con người vốn luôn thích những thứ quen thuộc, sợ những thứ khác lạ và mới mẻ. Album sắp ra mắt tuần tới của Thời Ô Hữu cũng là một thứ mới lạ. Hắn sợ mình cũng sẽ gặp phải sự bài xích của công chúng. Nhưng mà hắn cũng có niềm tin vào bản thân và niềm tin vào album này, lại càng có niềm tin vào tính nghệ thuật của nó.
“Em tặng cho anh đấy!” – An Nhiên đẩy bức tranh về phía Thời Ô Hữu.
Anh mỉm cười khó hiểu nhìn cô rồi nhìn bức tranh.
“Tranh này anh có rồi. Đang treo trong phòng ngủ ở nhà. Bây giờ chưa phải lúc em tặng tranh này cho anh đâu.”
An Nhiên tròn mắt ngạc nhiên. “Hả?!?!”
Thời Ô Hữu nhún vai giải thích: “Em tặng anh rất nhiều tranh, mà anh lại không được phép cho em thấy chúng trước khi em vẽ ra chúng, nên anh chỉ đành đem treo hết trong phòng ngủ thôi.”
An Nhiên lúc này mới vỡ ra. Cô nhớ có một lần cô tự ý mở cửa phòng ngủ anh đi vào đã bị anh đóng sập cửa ngay trước mặt, mạnh tới mức khiến cốc sữa trên tay cô hất hết lên người. Thì ra lý do là vậy à. May thật đấy! May là ngày hôm đó cô chưa thấy được gì. Du hành thời gian kiểu này đúng là đùa với lửa mà.
Hai người ăn tối xong thì cùng đi về nhà. Thời Ô Hữu vào phòng ngủ của anh lôi ra một bức ‘Hội Họa’ giống y đúc bức tranh hôm nay An Nhiên vẽ. An Nhiên nhìn hai bức tranh trước mặt mình, lắc lắc đầu hỏi Thời Ô Hữu, “Em tặng anh tranh này lúc nào thế?”
Thời Ô Hữu bật cười: “Thiên cơ bất khả lộ.”
An Nhiên bĩu môi. Không nói thì không nói, lại còn làm ra vẻ thần bí làm gì. Hừ.
Hai người bọn họ cả ngày mệt mỏi, về nhà tắm rửa xong thì đều trèo lên giường đi ngủ. Thời Ô Hữu ngày hôm sau vẫn phải đến phòng thu, còn An Nhiên ngày mai lại muốn đi ra biển một chút. Tám giờ sáng, hai người thức dậy cùng lúc, hòa thuận cùng nhau chuẩn bị đồ ăn sáng.
“Tối nay em nhớ về đúng giờ đấy.” – Thời Ô Hữu dặn dò.
An Nhiên nhẹ gật đầu. Đương nhiên cô không quên ngày hôm nay là ngày gì. Một lần lại một lần. Không biết chuyện này đến bao giờ mới có thể kết thúc đây. Không biết ông nội ở nhà có đang lo lắng không. Không biết bạn bè cô sẽ nghĩ như thế nào.
Hai người ăn sáng xong thì chia nhau đi làm việc của mình. An Nhiên bắt xe ra bờ biển công cộng. Hôm nay cô không vẽ, mà dùng cả ngày để phơi nắng và đọc sách. Ánh sáng mặt trời tháng tám không bỏng rát như cái nắng của mùa hè mà chỉ tỏa ra một làn hơi ấm áp dễ chịu. Trước đây khi ba mẹ An Nhiên còn sống, một nhà bốn người bọn họ cứ có dịp nghỉ lễ là lại cùng nhau đi biển. Lần cuối cùng cũng đã là chuyện của một hai năm trước đây rồi.
An Nhiên lười biếng nằm dài cả một ngày. Đến chiều chiều khi ánh nắng dần tan, cô thu dọn đồ đạc rồi lên đường ra về. Khi An Nhiên về đến nhà thì mới là năm rưỡi chiều. Thế mà Thời Ô Hữu không hiểu đã về nhà từ lúc nào, bây giờ đang ở trong bếp xào nấu cái gì đó.
“Đi biển có vui không?” – Anh thấy cô về thì đi ra hỏi thăm.
An Nhiên nhún vai, “Cũng tàm tạm. Khu biển công cộng, cũng không có nơi nào để ngồi đọc sách. Người em sắp cháy thành than rồi đây này.”
Thời Ô Hữu quay mặt đi vào bếp, giả vờ không hiểu ẩn ý trong lời nói của cô. “Em vui là tốt rồi.”
Bếp núc xong xuôi, trong lúc chờ cơm trong nồi chín, Thời Ô Hữu gọi An Nhiên ra phòng khách, bảo là muốn nói chuyện quan trọng. Trong lòng An Nhiên hơi lo lắng, không biết anh muốn nói cái gì.
Chờ cô ngồi xuống, Thời Ô Hữu đưa cho cô một mẩu giấy và một cái chìa khóa. “Địa chỉ nhà anh, còn có chìa khóa nhà.”
An Nhiên bỗng hiểu ra. Căn hộ này vốn là anh mới chuyển vào, hai tháng trước anh chắc chắn không có ở đây. Giở mẩu giấy ra, địa chỉ trong tay cô nhìn có vẻ xa lạ, cũng may là còn ở trong thành phố này.
Thời Ô Hữu dùng điện thoại phát ra hologram bản đồ thành phố, một tay cầm bút vẽ lên trên đó.
“Nơi này ở đầu bên kia của thành phố, khoảng ba bốn mươi phút đi xe là tới. Nhà chúng ta ở đây. Còn nhà cũ của anh ở đây. Em đến nơi thì đi một đoạn ra đường chính rồi bắt xe là được. Ở đây đến tối có ít người qua lại, chắc em phải đợi một chút. Nhớ phải cẩn thận.”
Thời Ô Hữu đưa cho cô thêm một bình xịt cay và một con dao cá nhân. “Cầm lấy mà phòng thân.”
An Nhiên thấy anh lo lắng cho mình như vậy thì rất vui vẻ, nhưng ngoài miệng vẫn nói: “Em đã lớn như vậy rồi. Em biết phải làm như thế nào mà. Anh không cần lo lắng cho em đâu, em nhất định sẽ tìm được anh. Anh không chạy khỏi em được đâu.”
Thời Ô Hữu bật cười, nhẹ xoa đầu cô: “Anh biết.”
Tít. Tiếng nồi cơm vang lên.
Cơm đã chín. Thức ăn đã nấu xong. Hai người cùng nhau bày mâm cơm ra ngồi ăn.
“Này…” – Thời Ô Hữu đột nhiên lên tiếng.
“Hửm?”
“Có phải lần này anh đã lạnh nhạt với em hơn không?” – Thời Ô Hữu dò xét.
An Nhiên sửng sốt. “À thì … cũng có một chút. Nhưng em hiểu mà. Chỉ cần anh hứa tương lai đối xử với em tốt hơn một chút là được.”
“Anh xin lỗi.” Thời Ô Hữu thở dài.
“Không sao đâu.” – An Nhiên mỉm cười, “Em đã chuẩn bị tâm lý kỹ rồi. Em biết lần sau rồi lần sau nữa có lẽ anh còn không thèm để ý tới em ấy chứ. Nhưng mà em cũng biết được là mình sẽ dần dần cảm hóa được ca sĩ Vệ Thời nổi tiếng. Biết trước được kết quả tốt như vậy rồi thì sau này em sẽ cố gắng.”
Thời Ô Hữu nghe thấy thế thì cũng phải mỉm cười. “Anh thích sự tự tin của em. Vậy sau này anh cũng phải cố gắng hơn mới được.”
“Vậy thì bọn mình cùng cố gắng!”
“Được.”
“Ngoắc tay?”
“Sao em trẻ con thế. Được rồi. Ngoắc tay thì ngoắc tay.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI