Giữa tháng 11, Sa Pa đã trở nên rất lạnh. Đường phố cũng trở nên đông đúc bởi những du khách khắp nơi đổ về. Một người đàn ông ngoài ngũ tuần cuộn chặt mình trong chiếc áo khoác đen. Đầu ông ta đội một chiếc mũ tròn đen, hai tay đút vào hai túi, cổ rụt hẳn vào trong cổ áo. Chân điềm nhiên bước ra khỏi nhà thờ đá.
Ông ấy là Nguyễn Hùng, một nhiếp ảnh gia đã từng một thời nổi tiếng với những bức ảnh tuyệt tác ở hạng mục thiên nhiên trong và ngoài nước. Nhưng cũng kể từ giải thưởng ấy, những bức ảnh ông chụp càng về sau càng càng đem lại sự thất vọng cho giới phê bình và người hâm mộ. Người ta nói có lẽ ông đã hết thời, cũng có người nói năng lực của ông chỉ có bấy nhiêu thôi.
Ông đâm ra hoài nghi bản thân mình và cũng kể từ đó không chụp ảnh nữa. Ông chuyển lên Sa Pa sống, thuê một căn hộ. Hẳng ngày mỗi tối ông đều đến nhà thờ làm lễ và thấm thoát đã hai năm trôi qua.
Ông đội mũ lên, ra đến cổng nhà thờ thì trời trở tuyết. Tuyết rơi trên mũ, trên vai áo khoác, trên đầu mũi giày của ông. Ông chìa tay ra cảm nhận tuyết trong lòng bàn tay. Ông chợt nhớ đến trước đây mình đã từng dự định đến Bắc Cực chụp ảnh, mục đích của ông là muốn chia sẻ tới mọi người về cuộc sống hoang dã nơi đây, đặc biệt là cuộc sống đang bị đe dọa của loài Gấu Trắng bởi sự tàn phá thiên nhiên của con người. Nhưng từ dạo các bức ảnh của ông không được đón nhận nữa, ông cũng từ bỏ ý định đấy đi vì ông đã giải nghệ. Thế thì tại sao trong lòng ông cứ đau đáu một nỗi trăn trở.
Ông không phải là một người giàu có để lập ra các quỹ bảo vệ môi trường, cũng không phải là một nhà phát minh tài ba có thể phát minh ra túi tự phân hủy, máy tái tạo giấy hay máy tạo cát từ vỏ chai bia. Ông chỉ là một nhiếp ảnh gia hết thời, nhưng ông muốn đem chút tài mọn làm gì đó cho môi trường Bắc Cực. Ông đã sống hơn nữa đời người có còn gì để mất nữa đâu.
Tuyết rơi càng lúc càng dày đặc giống như lòng ông không còn phẳng lặng nữa, bước chân của ông càng lúc càng nhanh hơn, tuyết nhảy nhót trên đầu mũi giày ông cho đến khi về nhà.
Trước khi tra chìa khóa vào ổ, ông mở hòm thư trước cửa phát hiện tấm bưu thiếp của con trai ông gửi sáng nay. Ông mở nó ra:
Kính gửi bố yêu
Đã lâu lắm rồi con chưa thấy tấm ảnh nào từ bố, nhân tiện một tổ chức cuộc thi ảnh. Con gửi bố tấm vé máy bay đến Bắc Cực, nơi mà bố vẫn khao khát đến. Con rất mong được thấy bố trở lại với nghề. Chúc bố có cuộc khám phá Bắc Cực đầy ý nghĩa.
P/s: Món quà trước Giáng Sinh. Chúc bố Giáng Sinh vui vẻ.
Ông cầm tấm vé máy bay trong tay run run. Cảm ơn con trai của ta.
***
Ông đã có mặt tại Bắc Cực vài tháng nay, ông thuê một chiếc thuyền đánh cá nhỏ đi theo hành trình và hiện đang lênh đênh trên vịnh Hudson. Ban đầu ông chẳng chụp được một con gấu trắng nào cả, mà thay vào đó là đàn cú tuyết bay lơ lửng trong không trung, có vài con đáp xuống trên mặt băng. Một con sư tử biển đang chìm nghỉm dưới mặt nước, và ông suýt bị bản mặt to bự đen bóng nằm chình ình trên mặt nước của nó dọa sợ với vài sợi râu trắng le que hai bên mép cùng với nụ cười khiếp đảm mà nó cứ tưởng là đáng yêu trong mắt người khác.
Tiếp sau đó vài hôm chờ đợi, ông chợt thấy một con gấu trắng đang tuổi mới lớn lấp ló bên tảng băng. Nó cứ nhấp nhỏm đằng sau lớp băng trông có vẻ rất hiếu kỳ chiếc thuyền của ông, cuối cùng nó cũng tò mò tiến đến chậm rãi. Qua lăng kính cửa cabin, khuôn mặt của con gấu rõ là ngây thơ qua ống kính của nhiếp ảnh.
Sau đó lại xuất hiện thêm vài con gấu trắng. Một số trong chúng đang thỏa thích bơi tung tăng dưới mặt nước sau cuộc bắt mồi còn lấm tấm vết máu dính trên bộ lông trắng muốt. Hay một cặp vợ chồng gấu tìm chỗ nghỉ ngơi vùi mình trong băng tuyết. Tất cả mọi khoảnh khắc quý giá ấy đều được lưu lại trong những thước phim của ông.
Nhưng đến giữa mùa hè, băng và tuyết tan nhanh một cách chóng mặt bởi khí hậu biến đổi vì tình trạng trái đất ấm lên. Một con gấu mẹ đang cố gắng ôm lấy gấu con trong lòng bám víu tảng băng nhỏ xíu gần như tan hết với đôi mắt ngơ ngác.
Đến cuối tháng chín, băng và tuyết hầu như không còn nữa. Việc thiếu đi băng và tuyết đã làm cho quần đảo buồn một cách ảm đạm. Một chú gấu cô độc trên bờ biển đang cúi xuống nhìn mặt nước trông rất trầm tư. Ngay lập tức giây phút ấy đã lay động người nhiếp ảnh gia không thể nào không bấm máy.
Ông neo thuyền và lên bờ. Lang thang vài ngày, ông nhìn thấy một chú gấu đang trong tình trạng gấy trơ xương, sắp lả đi vì đói. Nó chậm chạp lê bước trên mảnh đất cằn cõi không băng không tuyết. Nó đang cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng, nặng nhọc lê đi tìm thức ăn.
Ông đã khóc khi tay vẫn bấm liên tục trên máy ảnh, những giọt nước mắt cứ rơi trên gò má không sao kìm lại được khi phải chứng kiến cảnh nó kiếm ăn từ thùng rác của dân chài, rồi nằm trên mặt đất như thể sự sống cứ cạn dần từng chút từng chút một. Tất cả những điều ấy đã để lại trong tâm hồn ông một sự ám ảnh kí ức.
Chúng ta đã nghe nói quá nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta chỉ biết đến những con số thống kê, những báo cáo khoa học mà thiếu đi một góc nhìn thực tế khác về hậu quả biến đổi khí hậu. Ông thực sự rất muốn thông qua những bức ảnh để mọi người có thể nhìn thấy một sự sống trên trái đất theo một góc nhìn khác. Góc nhìn mà không mấy ai trong chúng ta có cơ hội được tận mắt chứng kiến.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI