“Tea or coffee? Or some brandy, if you like it? ”
Tôi xua tay từ chối lời mời của Việt, tuy vậy cũng cảm thấy bất ngờ trước ngữ âm tiếng Anh khá chính xác của anh chàng này. Nhìn sâu vào đôi mắt trũng sâu và gương mặt có ít nhiều của dáng vẻ của một gã bệnh phu lâu năm đang trên đà hồi phục, tôi vẫn nghĩ Việt sẽ là kiểu người ít nói và khép mình, càng không nghĩ rằng anh chàng này sẽ nói chuyện với tôi bằng tiếng mẹ đẻ của chính tôi.
“Thôi nào, Jonah. Người Việt chúng tôi không thường nói chuyện suông đâu. Hãy để tôi có cơ hội bày tỏ lòng mến khách của mình chứ!”
Việt mỉm cười, nghiêng đầu, chừng như chỉ trực nhìn thẳng vào đáy mắt tôi. Cuộc chơi giằng co bắng ánh mắt kết thúc sớm khi tôi đành phải gật đầu với một ấm trà mạn, sau đó ngồi dựa lưng vào ghế mà ngắm nhìn tư gia khiêm tốn của anh chàng này. Căn hộ trên tầng 7 của một chung cư tại quận Hai Bà Trưng với nội thất tối giản, vài tấm ảnh ghi lại hành trình ngang dọc Việt Nam của anh và chiếc Ducait Scrambler, một tủ sách được lấp đầy bởi sách khoa học và văn hóa về người dân tộc vùng cao, một quầy bếp nhỏ nhắn không có nhiều dấu vết của bàn tay phụ nữ. Tôi biết vậy, bởi nó nhìn chẳng khác gì căn bếp của tôi cả.
“Cuộc sống ổn chứ?” – Tôi lên tiếng hỏi thăm Việt như hai người bạn thân lâu năm, dẫu cho đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt nhau.
“Như lần cuối chúng ta trao đổi thư từ thôi. Tôi vẫn mất ngủ nhẹ, nhưng tình trạng cũng khá dần lên.” – Việt quay lại với 2 cái chén nhỏ và 1 ấm trà nghi ngút khói. “Còn cậu? Cuốn sách sắp hoàn thiện chưa?”
“Chỉ còn câu chuyện của cậu nữa thôi. Tôi đã để dành câu chuyện ly kỳ nhất cho một kết đoạn hoàn hảo…” – Tôi mỉm cười với Việt, đoạn lôi từ trong cặp ra cuốn sổ và cây bút quen thuộc.
“Mong là tiến bán sách sẽ đủ để cậu thay một cuốn sổ mới.” – Việt rướn người về phía tôi, gõ gõ lên trang bìa của cuốn sổ. Trên mặt bìa da đã bóng lưỡng của cuốn sổ, tấm thẻ ghi chú “Thuộc về Jonah DeLionel, nhà thần bí học, nhà văn – LA14” chừng như đã sắp rơi ra đến nơi. “Vậy, cậu đã lặn lội gần 9.000 dặm tới đây. Bây giờ là lượt bồi đáp của tôi, với câu chuyện mà tôi đã hứa hẹn…”
***
“Đó là một ngày cuối năm Âm lịch của niên 2016, tôi và nhóm bạn chơi motor của mình quyết định lên một chặng hành trình cùng nhau. Tôi không còn nhớ rõ lộ trình của năm đấy, nhưng vẫn thuộc lòng một đoạn đường độc nhất vô nhị – con đèo Sương Trắng vắt ngang qua Sơn La – Điện Biên.
Năm ấy, đội hình chuyến phượt của chúng tôi bao gồm 4 người. Tôi và một người bạn khác đi hai chiếc Ducati Scrambler, 2 người còn lại đi cào cào – về cơ bản, chúng tôi đều chọn những mẫu xe nhỏ gọn và cơ động nhất cho hành trình đèo núi dài hơi. Năm ấy, chúng tôi lên kế hoạch ngẫu hứng ngay hôm Ông Công Ông Táo, lên đường vào ngày 24 tháng Chạp, sau 1 ngày thì đã có mặt tại Sơn La vào lúc 7 giờ tối. Tôi vẫn nhớ, tối hôm ấy chúng tôi tới muộn nên nhà hàng chỉ còn lại ít mì tôm. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi húp tạm cho ấm bụng, sau đó ngồi nghe dân địa phương tiếp chuyện, tán phét với nhau. Cũng chính tôi hôm ấy, tôi được nghe dân bản kể về câu chuyện “Thần Núi ăn thịt người.” “ – Việt nói một hơi dài, sau đó nhấp trà, ánh mắt chừng như đang chờ đợi phản ứng của tôi.
“Phải, lý do mà tôi có mặt tại đây. Câu chuyện về “Thần núi ăn thịt người”, về con đèo Sương Trắng tương truyền cứ 25 tháng 12 Âm lịch hàng năm lại “bắt cóc” một người đàn ông. Câu chuyện về anh, kẻ sống sót của con đèo ma ám ấy.” – Tôi gật đầu với Việt.
“Phải, phải. Tôi chưa bao giờ tin vào ma quỷ, phải nói là vậy. Tôi cười vào những thói mê tín dị đoan, tôi xem phim kinh dị chưa một lần la hét, và tôi của 5 năm trước đã tuyên bố rằng, mình không tin vào câu chuyện về Thần núi ăn thịt người. Nhóm trẻ trâu chúng tôi lúc ấy có lẽ đều tin như vậy, và chúng tôi hoàn toàn không coi truyền thuyết của dân bản là sự thực.”
“Và các anh đã lên đường, vượt đèo vào ban đêm để thử thách lòng dũng cảm? Một trò khá phổ biến ở mấy hội trại hướng đạo sinh bên tôi đấy!”
“Chúng tôi đời nào rảnh rỗi tới vậy. Thời tiết tháng Chạp ở vùng cao rất lạnh, chúng tôi gần như chẳng có lý do gì để lên con đèo đã ngập trong sương mù ấy cả. Nhưng, một cuộc gọi từ nhóm phượt quận Cầu Giấy đã làm thay đổi tất cả. Họ đang tụ tập cách Điện Biên chừng 80km, và họ gọi điện cho chúng tôi. Đám chơi Harley Davidson ấy, chà… cái lũ sành ăn, sành chơi. Chúng nó gọi điện, nhắn rằng bên này đang có bê chao, nộm da trâu, cá nướng, rượu ngon và đủ thứ bù khú tụ tập. Nhìn lại mấy bát mì lõng bõng và một cái nhà nghỉ đã sắp lên đèn đi ngủ vào 8 rưỡi tối, chúng tôi thực sự chẳng cầm lòng cho đặng.”
“Và các anh quyết định vượt đèo?”
“Về lý thuyết, chúng tôi có thể làm được. Tôi là người dẫn đoàn với đèn phá sương công suất cao, trong khi nhóm 3 người còn lại đều có kinh nghiệm đi đường đồi núi, thậm chí là vào ban đêm. Để băng đèo vào ban đêm thực ra cũng rất đơn giản, cả nhóm chỉ cần bám sát nhau, lần theo tim đường và giữ tốc độ vừa phải là ổn cả. Đèo Sương Trắng thậm chí còn không phải là một lộ trình hiểm trở, trong điều kiện bình thường thì chỉ khoảng 40 phút là chúng tôi có thể vượt qua được.
Thế là chúng tôi lên đường.
Lộ trình quả nhiên rất đơn giản. Chúng tôi lên tới lưng chừng đèo khá nhanh, sau đó phải giảm tốc độ vì sương đã bắt đầu phủ xuống. Theo đúng kế hoạch, chúng tôi bám sát nhau ở khoảng cách an toàn, xe này cách xe kia chừng 10 mét, tất cả cùng lần theo hướng đèn phá sương của tôi. Thế nhưng sau đó, sương bắt đầu xuống dày đặc hơn, tới mức chúng tôi phải co lại sát nhau hơn nữa. Qua bộ đàm nói chuyện, mấy đứa bạn của tôi trao đổi nhanh trước khi quyết định giảm tốc độ xuống còn khoảng 20kmh và đi cách nhau chỉ chừng 5 mét – khoảng vừa đủ để cả lũ có thể thấy được ánh sáng của xe phía trước mặt.”
“Nghe thực sự đáng sợ.” – Tôi gật đầu nhận xét, thầm tưởng tượng ra cảnh lái xe mạo hiểm của Việt và nhóm bạn. “Nghe như thể vượt qua Ladakh hay Toluca khi có sương vậy.”
“Điều đáng sợ còn chưa xảy tới đâu. Bao quanh chúng tôi là sương muối, 4 bề là không gian trắng toát. Những cái cây ẩn hiện 2 bên đường thi thoảng lại hiện ra, vươn lấy cành cây như cánh tay của bóng ma giấu mặt nào đó chỉ chực tóm lấy một kẻ trong đoàn. Ấy là chưa kể miệng vực sâu hun hút vẫn đợi sẵn ở một bên – đó mới là nguy hiểm lớn nhất. Kỳ thực, lúc đó, cả nhóm chúng tôi đều chỉ nói với nhau về 2 chuyện.”
“Là gì?”
“Một là, chúng tôi lẽ ra nên ở lại Sơn La. Hai là truyền thuyết về Thần núi ăn thịt người. Kỳ thực, chúng tôi nghĩ rằng những kẻ từng mất tích ở đây đa phần đều là gặp tai nạn trong đêm băng đèo một mình, sau đó sơ suất mà lao xuống vực thôi. Bằng chứng cho việc ấy là kể từ khi Chính phủ cải tạo đường đèo Sương Trắng và lắp thêm hàng barrier kiên cố, người ta gần như chẳng còn nghe thấy sự vụ mất tích bí ẩn gì ở đây nữa cả. Mà, cũng chẳng dân bản nào nhớ nổi lần cuối cùng có ai mất tích ở đèo Sương Trắng là lúc nào nữa rồi.
Đúng lúc ấy, một biến cố xảy ra.
Ngay trước mũi xe của tôi, nơi ánh đèn phá sương vừa vặn soi sáng được một khoảng chỉ chừng 5, 7 mét, một cái bóng bất ngờ xuất hiện. Cái bóng đứng lọt thỏm trong sương muối mịt mù, và ở nơi mà ánh đèn phá sương hắt tới, tôi có thể nhìn rõ một đôi chân trần tím tái đang đứng lặng phắc. Giật mình, tôi bẻ lái và lao thẳng ra khỏi tim đường, cả người cả xe lao một đoạn dài tới khó tin mà chả đâm phải thứ gì. Cho tới khi tôi lấy lại được bình tĩnh, chiếc xe dường như đã trượt đi được một đoạn dài cả chục mét và đổ lăn kềnh ra giữa đường.” – Việt vừa nói, vừa lấy hai tay mô tả lại cảnh anh lèo lái ghi đông của chiếc Ducati Scrambler đêm tháng Chạp năm ấy.
“Không đâm phải thứ gì… và kỳ diệu hơn là anh không lao xuống vực.” – Tôi gật đầu.
“Phải. Ngay khi hoàn hồn, tôi bèn lồm cồm bò dậy, vừa bực mình khi thấy xe bị rỉ một vệt xăng dài ra đường, vừa gọi cho đám bạn qua bộ đàm đeo trong mũ bảo hiểm. Thế nhưng, kỳ lạ thay, chẳng một ai hồi đáp lại cả.
Kỳ dị thực sự. Bộ đàm đi đường của chúng tôi là mẫu SENA, dư sức kết nối với nhau trong bán kính lên tới 100 mét. Đoạn đường vừa bị chệch hướng của tôi chắc chắn không thể khiến người và xe văng ra khỏi bán kính giao tiếp của SENA, vì vậy ý nghĩ đầu tiên của tôi là đám quỷ sứ ấy đang trêu chọc mình, đợi cho tôi xuất hiện lại sẽ nhảy ra ú òa rồi cười khành khạch như mọi khi.
Nhưng rồi, tôi nhớ ra, đám bạn tôi tuy hay đùa cợt nhưng luôn rất nghiêm túc khi đi đường. Đặc biệt là trên đoạn đèo sương phủ trắng hiểm trở này, nơi mà sự cợt nhả có thể đem tới hậu quả khôn lường. Nghĩ vậy, tôi dựng xe dậy, bật đèn trợ sáng và lần mò tìm về tim đường. Tôi nhắm hướng hành trình đã định, vừa lần mò đi tiếp vừa gọi liên tục cho cả đám bạn, thế nhưng chẳng nghe thấy lời hồi âm nào ngoài mấy tiếng lèo xèo như bị nhiễu sóng.
Tôi tiếp tục đi với tốc độ rất chậm, thế nhưng không thể tìm thấy đám bạn của mình. Lúc này, trong đầu tôi chỉ còn nảy ra một giả thiết, rằng đám trời đánh đấy đã nghĩ rằng thẳng trưởng đoàn dày dạn kinh nghiệm – là tôi – sẽ dư sức trở lại hành trình, do đó chúng sẽ đi thẳng tiếp mà khỏi cần chờ. Nhưng giả thiết duy nhất này lại quá vô lý: Không một ai có đủ gan để bỏ mặc bạn đồng hành trên một con đèo hoang vắng với vực sâu hun hút kèm theo truyền thuyết chưa có lời giải về một gã Thần núi ăn thịt người cả!”
“Phải rồi, Thần núi ăn thịt người. Phải chăng đôi chân xuất hiện lúc đó chính là…” – Tôi tò mò ngắt lời Việt khi thấy anh bạn lại đề cập tới truyền thuyết kinh dị vùng cao ấy.
“Trước khi kể tiếp, tôi muốn hỏi anh một câu nghiêm túc.” – Việt đặt tách trà xuống và ngồi thẳng dậy, nhìn tôi với ánh mắt của một vị phụ huynh đang moi móc bài kiểm tra điểm kém của đứa con. “Anh có tin vào ma quỷ không?”
“Thực lòng là… tôi muốn tin vào truyện ma quỷ. Tôi học ngành Vật lý cao cấp, nghiên cứu về nhiều hiện tượng dị thường với mong muốn được lý giải tất cả các dị tượng trên đời. Tôi một mặt muốn mổ xẻ những câu chuyện ma dưới lăng kính khoa học, mặt khác lại muốn bị đánh bại bởi một câu chuyện tuyệt vời nhất, một câu chuyện ma với sức nặng đủ để đặt dấu kết cho cuốn sách của tôi. Nếu không, tôi đã không bay cả chặng đường dài như vậy tới đây để ngồi uống trà với anh.” – Tôi nhún vai, cố gắng chọn lựa câu từ để trả lời Việt, lòng thầm lo lắng rằng anh chàng này sẽ đứng dậy và tiễn khách ngay sau câu trả lời này. Trái lại, Việt chỉ mỉm cười và kể tiếp.
“Vậy, tôi sẽ tùy ý để anh phán xét những gì tôi sắp kể tiếp dưới đây bằng lăng kính khoa học. Đèo Sương Trắng dài 34km, về cơ bản nếu như vừa đi vừa bò ra đường cho an toàn thì cũng chỉ mất đâu đó chừng 2 tiếng đồng hồ. Trước khi gặp tai nạn, tôi ước chừng mình đã đi được quá nửa đường, vậy nhưng, tôi đã đi tiếp tới hơn 1 tiếng đồng hồ mà vẫn thấy mình lạc giữa sương muối trắng toát.
Lúc này, sương đêm đã đọng thành nước bám mờ trên kính chắn gió của mũ bảo hiểm, tạo thành một lớp ẩm ướt trên áo bảo hộ của tôi. Giữa bốn bề hoang vu, cây cối um tùm đón lấy ánh đèn hắt sáng của tôi và đẩy ngược bóng đen gai góc, kỳ dị của chúng vào sương trắng, làm tôi có cảm giác mình đang bị bao vây tứ phía bởi những kẻ dị dạng cao kều. Chúng đứng im lìm trong bóng tối như thể chờ đợi một cơ hội nào đó… sẵn sàng tóm lấy tôi trong một khoảnh khắc mất tập trung.
Một đôi lần, tôi cũng ngoái đầu nhìn lại. Hầu hết những lần ấy, tôi chỉ thấy những cái bóng, thấy sương trắng mù mịt. Một đôi lần, tôi gần như có thể thấy những tán lá bên đường lung lay run rẩy – dĩ nhiên tôi tự trấn an mình rằng đó là một con mèo rừng nào đó đang cựa mình dưới cái lạnh tê tái trên đèo Sương Trắng…”
“Chà, lẽ ra anh mới nên là kẻ viết cuốn sách này!” – Tôi buột miệng, thật sự cảm thấy bất ngờ trước vốn tiếng Anh lưu loát và tài kể chuyện của anh chàng này.
“Hân hạnh.” – Việt gật đầu. “Anh biết đấy, khi di chuyển trên đường đèo, việc quay mặt lại phía sau lưng là một điều tối kị. Nếu muốn quan sát thứ gì, tôi thường sẽ dùng gương chiếu hậu. Nhưng, gương chiếu hậu thực sự không giúp ích được gì nhiều trong sương trắng xóa, thế nên cứ vài phút một lần, tôi lại phải ngoái đầu lại phía sau để kiểm tra xem đám bạn của mình có đang loay hoay ở phía đó chăng? Và rằng, liệu mình có đang bị ai đó theo dõi?
Và rồi, tới lần thứ mấy chẳng nhớ, khi quay mặt lại, tôi đã thấy cảnh tượng mà mình vẫn đang lờ mờ sợ hãi. Nó tồn tại, và nó đang bám theo tôi. Giữa sương trắng mênh mông của con đèo u ám, một đôi chân trần tím tái đang lặng lẽ bước theo tôi. Ánh sáng của đèn chiếu hậu nhá lên chớp tắt mỗi khi tôi ghì phanh hắt một màu đỏ âm u lên đôi chân trắng bợt ấy, khiến tôi có cảm giác như mình thấy cả những vết bầm tím, những mạch máu vằn vện… Kẻ bám đuôi ẩn hiện trong sương trắng dường như chỉ chậm chạp bước đi, thế nhưng bằng cách nào đó luôn đuổi kịp theo chiếc xe máy của tôi – lúc này đã phải từ từ tăng tốc.
Và rồi, chuyện gì đến cũng phải đến. Tăng tốc trên đoạn đèo không có tầm nhìn luôn là một sự lựa chọn tồi tệ – tôi một lần nữa lại mất lái khi nỗi sợ không gian âm u mù mịt trước mặt trỗi dậy. Một cái bóng đen run rẩy xuất hiện trước mặt, adrenaline trong máu tăng cao đột biến khiến tôi ghìm chặt côn và ngã sóng soài lần thứ hai. Chiếc Ducati rú lên một tiếng máy khô khan rồi dừng lại hẳn, trong khi tôi lồm cồm chống tay bò dậy và nhận ra một vệt xăng quen thuộc.
Tôi đã trở lại chính xác vị trí mình bị ngã xe lúc trước.”
“Thật sự khó tin. Anh dám chắc đó không phải là một vệt xăng mới chứ? Dù gì anh cũng đã ngã xe thêm một lần mà?”
“Chiếc xe ngã xuống lần đầu tiên ở ngay cạnh một dải đá dăm có lẫn lá khô. Lần thứ hai tôi ngã xe, chiếc xe cũng nằm chính xác cạnh khung cảnh tương tự.” – Việt đưa ra luận điểm, nhưng tôi lại nghiêng về giả thiết rằng anh chàng này đã thần hồn nát thần tính nhiều hơn. Dù vậy, tôi vẫn giữ miệng để tiếp tục lắng nghe câu chuyện của anh.
“Tiếp theo thì thế nào?”
“Lúc này, tôi bỗng hiểu rõ tình thế của mình. Tôi đã chạy xe trên đèo Sương Trắng hơn 2 tiếng đồng hồ, và với tốc độ của mình, lẽ ra tôi phải tới chân đèo từ lâu lắm rồi. Tôi tin chắc có điều gì đó không ổn: Vệt xăng trên đường thậm chí còn không bay hơi đi, dường như thời gian ở ngọn đèo ấy… đã ngưng đọng lại, còn không gian thì đã trở thành một vòng lặp kỳ dị. Ngay khi suy nghĩ ấy vừa thành hình, tôi có thể nhìn thấy… ở cách mặt mình chỉ vài mét, giữa làn sương ẩn hiện, đôi chân trần ấy đã đứng lặng lẽ từ bao giờ. Chừng như, kẻ ấy… đang quan sát tôi lặng lẽ và kiên nhẫn.
Dù thứ ấy có là gì đi nữa… tôi cũng không thể chịu đựng được thêm áp lực kinh dị khủng khiếp ấy thêm một khắc nào nữa. Lật đật thò tay vào túi, tôi kiếm lấy chiếc bật lửa và con dao xếp trong túi. Một tay tôi bật lửa và quẹt xuống vệt xăng trên đường, tay còn lại thủ sẵn con dao – tôi đã quyết định sẽ sống mái với bất cứ thứ gì đang đứng lặng phắc sau màn sương mờ ảo kia.
Và rồi, ngọn lửa bùng lên, xua tan một khoảng sương kỳ dị, đủ để tôi nhìn rõ thứ ấy…”
“Đó là…” – Tôi gần như phát điên khi Việt bỗng ngừng lời, đưa tay với lấy tách trà. Trái với dự đoán của tôi, anh không đưa lên miệng nhấp mà lại buông tay, để tách trà vừa vặn rơi xuống bàn, đứng vững trở lại sau vài lần lắc lư.
“Khoảnh khắc thứ ấy hiện lên rõ ràng giữa màn sương, tôi đã đánh rơi luôn con dao phòng thân của mình, Một cô gái trần truồng, cơ thể gầy đét trơ cả xương sườn đã tím tái vì lạnh, toàn thân hằn lên những vết dây trói, vết xây xước đã khô lại. Hai tay cô ấy bị trói trặt bằng dây rừng, và gương mặt… gương mặt ấy… tôi không bao giờ quên được… gương mặt nhỏ nhắn ấy không bộ lộ chút cảm xúc, với hai mắt và khuôn miệng đã bị khâu kín bằng chỉ đỏ.
Tôi rú lên kinh hãi, vội vã lấy hai tay mà bò ngược về phía sau. Cô gái không thể nhìn được, nhưng dường như lại cảm nhận được âm thanh. Cô ta bước về phía tôi, đi xuyên qua ngọn lửa, hai tai bị trói chặt dõ dẫm phía trước mặt. Hai bàn tay lạnh ngắt ấy tìm được gương mặt tôi, những ngón tay gầy guộc lướt trên gương mặt tôi… Cơ thể tôi tê cứng vì sợ hãi, tôi không thể nhấc được một ngón tay lên để chống cự khi cô ấy từ từ lướt bàn tay dọc theo cơ thể tôi… tìm xuống ngực áo… vùng bụng… và rồi, là hạ bộ… Tôi tin rằng, anh hiểu những gì sẽ xảy đến tiếp theo, và tôi cũng không thực sự muốn kể sâu hơn vào những chi tiết ấy.”
Tôi gật đầu, não bộ dường như đã đóng băng trước dị tượng hãi hùng và mê hoặc mà Việt đang mô tả. Là một kẻ nghiên cứu về nhiều hiện tượng siêu nhiên, tôi đã nhiều lần nghe về những kẻ ái tử thi, những truyện kinh dị về ma và người cùng nhau ân ái… nhưng khi được kể lại thay vì lật theo theo từng trang sách, cảm giác hãi hùng vẫn nhân lên gấp bội.
“Vậy… cảm giác lúc ấy… ra sao?” – Tôi tò mò hỏi Việt khi thấy anh chỉ trầm tư im lặng chứ không kể tiếp.
“Đau đớn và thống khổ. Trong phút chốc, tôi cảm thấy như mình đang bị đẩy xuống một hồ nước lạnh sâu không thấy đáy. Tôi nghe thấy nhiều tiếng cười man rợ, những lời cầu cứu, những nỗi đau thể xác rõ rệt. Nỗi đau ấy lớn dần lên, và tới khi không thể chịu đựng nổi nữa, tôi đã khộng thể kìm nén được tiếng thét buột ra khỏi miệng.
Đúng lúc ấy, bộ đàm cài trong mũ bảo hiểm của tôi bỗng rè rè kêu lên, tôi có thể nghe thấy… tiếng những đứa bạn của mình. Chúng rối rít hỏi tôi đang ở đâu, hỏi tôi có bị thương không? Và tôi cũng cố gắng đáp trả. Tôi đã nghĩ rằng mình có lẽ đã bị ngã đập đầu vào đâu rồi tưởng tượng ra mọi thứ hãi hùng ấy trong cơn mê man… cho tới khi nhìn thấy hạ bộ trần truồng với cái quần đã tụt xuống quá nửa.
Cô gái ấy đã biến mất. Lửa từ vệt xăng cũng đã tắt dần. Tôi vội vàng cài lại quần áo, cố gắng tìm lấy chiếc xe máy rồi leo lên, nổ máy bỏ chạy. Tiếng bộ đàm nhòe nhoẹt lúc mờ, lúc rõ được tôi tận dụng để giao tiếp với 3 đứa bạn, nhưng chúng dường như chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ thế đi tiếp, và cuối cùng nhận ra mình đã tìm được tới đoạn chân đèo. Từ phía xa, ánh đèn điện hiu hắt cuối cùng cũng xuất hiện. Tôi tìm về được đến điểm hẹn với 3 đứa bạn và nhóm Harley Davidson Cầu Giấy, trong lòng vẫn chưa hết hoàn hồn vì sự vụ vừa xảy ra.”
“Khoan đã!” – Tôi vội ngắt lời Việt, đoạn mở quyển sổ tới nơi kẹp mấy bài báo về sự kiện ấy . “Câu chuyện đâu có xảy ra như vậy? Trong báo nói rằng ba người bạn của anh đã bị lạc mất anh giữa sương mù. Họ sau đó nhìn thấy một ánh đèn vàng từ phía xa và nghĩ rằng đó chính là anh, nhưng lại không thể giao tiếp được với anh qua bộ đàm. Họ bám theo ánh đèn vàng ấy và xuống tới chân đồi một cách an toàn, thế nhưng ngay cả khi đã tới điểm tập kết, họ cũng không tìm thấy anh. Sáng hôm sau, đội ngũ tìm kiếm cứu nạn được triển khai, họ đã lật tung từng milimet của con đèo Sương Trắng nhưng vẫn không thể tìm thấy anh. Trên mọi phương tiện truyền thông, anh được đưa tin là đã mất tích. 3 tháng sau, chính quyền công bố rằng anh đã tử nạn mất xác, và rồi… 1 năm sau đó, anh bỗng xuất hiện trở lại… Chính câu chuyện kỳ lạ ấy đã khiến tôi có mặt tại đây, anh Việt ạ!”
“Phải. Và câu chuyện của tôi cũng đâu đã đến hồi kết?” – Việt mỉm cười, gương mặt bỗng trầm hẳn lại. “Sau khi xuống được chân núi, tôi cảm thấy mọi chuyện thật sự quá kỳ quặc, khó hiểu. Thế nhưng, tôi đã đổ tại cho tai nạn và tâm trí hoảng loạn của mình để tiếp tục cuộc hành trình.
Sau khi chuyến đi kết thúc, tôi trở về nhà, tiếp tục cuộc sống như bình thường. Thế nhưng, từ đó tôi bắt đầu mất ngủ nặng. Hàng đêm, cơn ác mộng trên đèo Sương Trắng đều quay lại, cô gái ấy bắt đầu xuất hiện trong mọi giấc mơ của tôi, tới mức tôi không thể làm ngơ được nữa. Tôi lật tung mọi ngóc ngách trên Internet, mua mọi quyển sách nói về những hồn ma của vùng cao, đặc biệt là câu chuyện về “Thần núi ăn thịt người” để tìm hiểu về cơn ác mộng của mình.”
“Anh có tìm thấy gì hữu ích không?”
“Kết quả sau cùng cũng xuất hiện, nhưng lại là trong một giấc mơ của tôi. Trong mơ, tôi được kể về một bản người Mường cổ cách đây hơn một trăm năm đã từng có thời xuát hiện thiếu nữ nọ có tên là Xường. Xường đẹp tới mức hoa nhường nguyệt thẹn, trở thành người trong mộng của nhiều trai bản, trong đó có cả một gã thầy mo già háo sắc. Gã nhiều lần dựa vào thế lực của mình để ép cưới Xường nhưng đều bị cha mẹ cô từ chối. Sinh hận trong lòng, gã thầy mo đợi tới một năm nương rẫy của bản bị thú rừng quấy phá hoa màu rồi rêu rao rằng bản phải cống cho Thần Núi một người vợ thật đẹp để làm xuôi lòng Thần.
Thế rồi, Xường bị chọn làm vật tế thần. Người ta tương truyền rằng Thần Núi có bộ dạng rất dữ tợn, vậy nên để cô dâu không bị sợ hãi mà đắc tội với thần, người ta phải bịt mắt, bịt miệng, trói chặt tay cô bằng dây rừng rồi bỏ mặc cô lại trên đỉnh núi vào đêm 25 tháng Chạp.
Vào cái đêm dông lạnh lẽo năm ấy, Xường bị đặt trên một cái giường tế giữa bốn bề sương trắng, chờ đợi khoảnh khắc Thần Núi tìm tới và hưởng thủ cô dâu của mình. Và rồi, “Thần núi” cũng đến. Vị Thần giao hoan với cô một chặp rồi bỏ cô lại giữa ngọn núi cô đơn lạnh lẽo thay vì đưa cô về làm vợ. Xường cứ nằm đấy cho tới một sớm nọ, cơn đói khát khiến cô không thể chịu đựng được nữa. Cô lần cởi khăn bịt mắt, sau đó theo con đường núi quen thuộc tìm về bản. Việc Xường xuất hiện trở lại ban đầu khiến cha mẹ cô mừng rỡ khôn xiết, thế rồi làng bản vẫn mất mùa, thú rừng vẫn quấy phá nương rẫy như thể lễ cúng thần chẳng hề có tác dụng gì.
Dân bản quay ra chất vấn tay thầy mo, và gã thầy mo đã kết luận rằng trong lúc giao hoan với Thần, hẳn Xường đã tò mò cởi bịt mắt ra để nhìn ngắm dung nhan của Thần. Quá sợ hãi trước bộ dạng xấu xí của Thần, cô đã hét lên và làm phật lòng Thần, vì thế bản làng vẫn phải gánh chịu sự trừng phạt của Thần núi.
Dân bản tin vào câu chuyện ấy, họ quyết định sẽ khiến cô phải trở thành vợ của thần cho bằng được. Để Xường không thể sợ hãi được trước dung mạo Thần núi, người ta khâu mắt Xường lại để cô không thể thấy mặt Thần núi, khâu miệng Xường lại để cô không thể la hét được nữa. Xường tội nghiệp lại bị đưa lên đỉnh núi, và lần này, trước khi rời đi, tay thầy mo bỉ ổi đã nói thầm vào tai cô một bí mật, rằng chẳng có Thần núi nào ở đây cả. Gã đã lập mưu để bản làng đem cô ra làm vật tế, sau đó nửa đêm lẻn lên núi để hãm hiếp cô. Xường không thể tố giác gã bởi miệng đã bị khâu chặt, cô chỉ câm lặng mà lắng nghe tiếng bước chân của thầy mo và những người dân bản từng một thời thân thiết từ từ xuống núi, bỏ mặc cô lại giữa hoang vu lạnh lẽo.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Xường đã chết đói, chết khát trong cơn hoảng sợ tột cùng, không có một người thân nào ở bên cạnh. Oán niệm của Xường bao bọc lấy cả ngọn núi, ám lấy con đèo Sương Trắng để rồi hàng năm, vào ngày 25 tháng Chạp – ngày của nghi lễ tế Thần năm xưa, oán niệm không thể tiêu tan của Xường lại trở về, tìm kiếm cho mình một người chồng…”
“Tại sao lại là một người chồng?” – Tôi giật mình nhận ra một giọt nước mắt xót thương đã từ từ lăn trên má mình từ lúc nào, dẫu cho bản thân vẫn không thể hiểu được quyết định của Xường – lúc này đã trở thành hồn ma ám lấy ngọn núi.
“Bởi Xường đã thất tiết, và bởi cô ra đi trong tư thế của một cô dâu Mường. Tôi đoán là vậy.” – Việt lấy tay bóp chặt sống mũi, đoạn tiếp lời. “Sau sự biến ấy, tôi đã đọc nhiều về những hồn ma và oán niệm của chúng, có lẽ cũng nhiều như anh vậy.
Ý nghĩ về Xường chẳng thể nào tiêu tan trong tôi, và tôi dần cảm thấy xót thương cho cô ấy nhiều hơn là kinh sợ. Tôi bắt đầu có ý nghĩ, rằng tại sao Xường vẫn tiếp tục xuất hiện trong cơ mơ của tôi? Phải chăng, đó là một lời kêu cứu thay vì sự đe dọa ma quái, từ một linh hồn lẻ loi đáng thương đã lang thang trên ngọn núi ấy trong suốt cả trăm năm qua, hàng năm đều chờ đợi một người có thể giúp cô ấy xoa dịu nỗi buồn khắc khoải của mình?
Tâm ý ấy khiến tôi dần trở nên buồn bã hơn, từng ngày một, nỗi buồn ấy như thể bám rễ sâu hơn vào trong lòng tôi. Và rồi, tôi quyết định rằng mình sẽ phải làm một điều gì đó. Một năm sau cái ngày định mệnh ấy, ngày 25 tháng Chạp năm 2017, tôi một mình trở lại đèo Sương Trắng vào ban đêm. Tôi đem theo 10 đấu gạo, 2 con gà sống thiến luộc chín và mặc áo đen, chít khăn trắng rồi đứng đợi cô ấy giữa con đèo mờ sương cho tới tận giữa đêm.
Và rồi… Xường xuất hiện trở lại. Vẫn gương mặt tiều tụy, vẫn đôi mắt và khuôn miệng nhỏ xinh bị khâu kín. Dường như việc nhìn thấy Xường trong giấc mơ suốt một năm qua khiến tôi chẳng còn sợ hãi gì trước cô gái ấy… trong lòng tôi chỉ còn nỗi xót xa thương tiếc cho một cô gái lẽ ra đã có thể sống một đời yên bình, trọn vẹn hạnh phúc.”
“Và rồi?” – Tôi nuốt nước bọt, hồi hộp chờ đợi đoạn kết cho câu chuyện của Việt.
“Tôi đặt sính lễ trước mặt Xường, tiến tới và nắm lấy tay cô ấy. Tôi nói vài lời xin lỗi vì đã để cô ấy phải chờ đợi, và rằng tôi đã ở đây để cho cô ấy… một đám cưới mà lẽ ra cô ấy phải có… sự xoa dịu muộn màng mà cô gái ấy đã chờ đợi trong cả một thế kỷ dài đằng đẵng. Khi những lời cuối cùng kết thúc, tôi đã nhìn thấy một nụ cười trên gương mặt của Xường. Sương trắng tan dần, và khi con đường đèo lộ ra rõ nét, Xường đã biến mất từ lúc nào. Chẳng còn biết làm gì, tôi lên xe trở về Hà Nội. Thế nhưng, mọi người đều tỏ ra kinh hãi và mừng rỡ khi nhìn thấy tôi, họ hỏi tôi rằng một năm qua tôi đã ở đâu, và rằng tôi đã xuất hiện trên thời sự, báo chí với thông tin “chết và mất tích” kể từ đầu năm tới giờ.”
Đoạn, Việt ngồi thẳng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi nhỏ và rõ ràng:
“Vậy, Jonah DeLionel. Dưới con mắt của một nhà khoa học, anh sẽ giải thích câu chuyện này như thế nào?”
***
Bốn tháng sau, cuốn sách của tôi cuối cùng cũng được hoàn thiện.
Tôi có gửi một bản copy cho Việt kèm theo lời đề tựa cảm ơn. Cuốn sách của tôi chứa đầy những câu chuyện ma quái và kèm theo đó là lời giải thích dưới góc độ khoa học, thế nhưng duy chỉ có câu chuyện của Việt là tôi hoàn toàn bó tay. Lời giải thích mà tôi vắt óc để thêm vào bên cạnh câu chuyện của anh, rốt cục, vẫn không thể thoát khỏi cái bóng của tâm linh huyền bí:
Đoạn giải thích trích từ cuốn sách của tôi:
“Câu chuyện của Đặng Đình Việt có lẽ là điên rồ và khó tin nhất trong số tất cả, nhưng nó đã có sự chứng kiến và xác thực từ ít nhất là 4 người tham gia vào hành trình lạ lùng của năm 2016. Lời giải thích khả dĩ nhất của tôi chính là oán niệm của người thiếu nữ tên Xường đã tác động vào một trường năng lượng dị thường tồn tại quanh đèo Sương Trắng, biến nó thành một cửa ngõ dẫn tới thế giới song song được tạo dựng một phần bởi chính tâm trí của kẻ mắc kẹt bên trong nó. Việt, một tâm hồn nhân hậu hiếm hoi có thể sẻ chia được nỗi buồn vô tận của Xường đã vô tình bị vướng vào thế giới song song được hai người chia sẻ và tạo ra. Đây không phải là lần đầu tiên mà bóng ma của đèo Sương Trắng tóm gọn được một con mồi: Các số liệu từ năm 1924 tới 2017 đã ghi nhận ít nhất 11 ca mất tích là ở con đèo này – và tất cả đều là đàn ông. Có lẽ, họ đều đã được Xường chọn làm người để xoa dịu nỗi đau của cô, và cô đều đã để họ xuống núi, tiếp tục sinh sống trong thế giới song song dựng lên bằng oán niệm không thể nguôi ngoai của Xường. Đó chính là lý do để nhóm bạn của Việt lờ mờ nhìn thấy một ngọn đèn phá sương lao xuống núi hay cảm nhận được tiếng của anh qua radio – hẳn họ đã có những tiếp xúc thông qua ranh giới có phần mỏng manh giữa hai thế giới song song ấy. Và trong khi nhóm bạn của Việt có thể trở về an toàn, duy chỉ có Việt là mắc kẹt trong thế giới của anh và Xường tạo ra, trải dài từ đèo Sương Trắng về tới Hà Nội và có lẽ sẽ là bất cứ nơi đâu mà anh đặt chân tới.
Và cuối cùng, Việt đã chọn trở lại, dùng tấm lòng nhân hậu của mình để xoa dịu nỗi đau cho hồn ma của đèo Sương Trắng, thứ mà nhiều năm qua người ta vẫn đồn thổi là “Thần núi ăn thịt người”. Có lẽ, Xường đã được siêu thoát, và thế giới song song do cô tạo nên cũng chính thức tan biến từ đây, mở ra đường về thực tại duy nhất, nơi mà Việt đã luôn luôn thuộc về.
Những suy đoán kể trên thực sự khó tin, nhưng nếu nó không phải là như vậy thì tôi cũng không còn lời giải thích nào đáng tin cậy hơn. Dù sao đi nữa, mong cho cô gái đáng thương ấy sẽ được siêu thoát.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI