Ghi chép tổng hợp về Thung Hạ – Thung Thượng:
“Thung Thượng nằm giữa ba đỉnh núi lớn là đỉnh Tị, đỉnh Ngọ và đỉnh Mùi. Vùng này hoang vu, thưa người, quanh năm sương mù dày đặc, tràn cả xuống Thung Hạ. Địa hình, địa giới rất phức tạp, cho tới tận thời vua Lê Thần Tông vẫn chưa có ghi chép cụ thể.
Tương truyền, vùng rừng núi Thung Thượng có nhiều yêu ma, quỷ quái. Nhiều người đồn rằng Cọp dạ hành thường mười hai năm xuất hiện một lần, từ trên núi xuống Thung Hạ tìm bắt gia súc, đôi khi vồ cả người. Những tháng mùa đông, sương mù từ Thung Thượng tràn xuống Thung Hạ, người ta hay thấy có bóng người khổng lồ đi lại trong sương, khi đốt đuốc tìm tới gần xem cho rõ thực hư, lại không thấy gì nữa.
Đường từ Thung Hạ lên Thung Thượng thường có vực sâu, người ngựa gặp nạn, ngã chết nhiều vô số. Đến đêm thường có tiếng cười nói, la hét, có người cho là hồn ma hiện về, người lại đổ cho giặc cướp lập trại trong núi, giả làm thần, làm quỷ dọa người ta…”
“Tương truyền từng có cao tăng đến thăm vùng Thung Thượng. Ngài nói vùng này tích tụ nhiều niệm lực kỳ lạ, khiến động vật, cỏ cây đều linh dị, con người sống ở đây lâu ngày cũng bị ảnh hưởng. Cao tăng lại nghe kể rằng tiều phu, người hái thuốc hay đi lạc vào Thung Thượng rồi không trở về nữa, bèn sai người tạc nhiều tượng đàn ông bằng gỗ và tượng đàn bà bằng đá, bảo dân địa phương đem đặt trong rừng. Tượng đàn ông đến đêm thường sống dậy, đi lang thang trong rừng, gặp người bị dã thú tấn công sẽ ra tay ứng cứu. Tượng đàn bà thì ngồi im, gặp người đi lạc sẽ chỉ tay về hướng Thung Hạ, cứ theo đường đó mà đi thì ắt sống.
Về sự lạ này, địa phương có lưu truyền câu nói: ‘Mộc nhân dạ bán xuyên ngọa khứ, Thạch nữ thiên minh đái mạo quy’ (Mộc nhân đương tối xỏ dép dậy, thạch nữ sớm hôm quẩy nón đi).”
(Trích thư tịch của quan Phụ đạo Thái Nguyên, thời Trần.)
***
“Vùng Thung Thượng – Thung Hạ có một loại thuốc quý, gọi là sâm hài tử. Thứ sâm này củ to như đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, có cả chân tay và âm hộ, tất thảy đều mang tính nữ. Sâm không có thủ cấp, ở phần cổ mọc ra lá dày phủ lông trắng, người địa phương gọi là sâm không đầu.
Sâm hài tử được người hái thuốc dưới chân núi Ngọ tìm được, dâng cho quan Phụ đạo, quan lại dâng về Kinh. Bệ hạ dùng, thấy khoan khoái trong cơ thể, thuyên giảm bách bệnh, rất lấy làm thích, nên lệnh tìm thêm. Sau đó nổi lên nạn bắt cóc trẻ con để chế sâm giả bán ra dân gian, đích thân Bệ hạ phải ra lệnh cấm tìm sâm không đầu mới dần yên.”
(Ghi chép của Thái y trong cung Vua, thời Lê Trung Tông.)
***
“Quanh khu vực Thung Thượng có giống người Răng Vàng, phần nhiều là người Châu Hưởng Vũ. Giống người này thích nhuộm răng, rất giỏi leo núi, lội nước, trèo cây. Bản tính người Răng Vàng hung hãn, tráo trở, không giỏi ngành gì, thường ngăn đường cướp bóc rồi rút vào các trại trong rừng. Quan quân triều đình ngại đường xa, chỉ ủy thác cho quan Phụ đạo địa phương tìm cách xử lý, thành thử nạn giặc Răng Vàng mãi không yên. Nạn bắt cóc trẻ con làm sâm hài tử nghe nói cũng là do giống người Răng Vàng ra tay mà nên.
Thung Thượng tuy là vùng núi nhưng có nhiều lạch suối hiểm trở, việc vận tải khó khăn. Lại có giống người Ngô Ngàn từ châu Điển Tinh, Quảng Tây di cư sang. Giống người này tuy lỗ mãng, không thạo tiếng, nhưng lại khéo chuyện chèo thuyền độc mộc chở hàng hóa thuê cho khách buôn. Người Ngô Ngàn giữ chữ tín trong chuyện làm ăn, không giở trò trên sông để giết chủ, cướp hàng. Đàn ông Ngô Ngàn mặc áo ngắn, cổ tròn; đàn bà mặc áo ngắn, búi tóc nhọn.”
“Thung Hạ có mười hai thổ châu ở Tiểu Trấn Yên, Quy Thuận, Long, Điền, Phú, Thái Bình. Vùng này có người Nùng, phiêu lưu tới bản quốc làm nghề cày cấy, trồng trọt, chịu chung thuế khóa, giao dịch với người Kinh. Nhiều đời trú ngụ, phần nhiều đã đổi tập tục theo người Nam, được quan bản thổ cấp đất cư ngụ. Người Nùng ở Tiểu Trấn Yên thuần hậu, chất phác. Người châu Điền, châu Phú thì hung hãn hơn. Người châu Quy Thuận thì không có tín điều, nên đề phòng khi giao dịch, làm ăn.”
(Trích ghi chép nhân khẩu thời Trần.)
***
Người ghi chép: Lạng
“Chuyến đi Thung Thượng này, ấp Nhạn được Vương ban cho ba chục xe trâu kéo để tải công cụ, lương thực, thuốc men. Số xe trâu này sẽ nhận ở Thung Hạ. Tuy nhiên, địa hình Thung Thượng hiểm trở, e không phù hợp cho xe trâu, có thể sẽ phải để tù nhân mang vác hàng hóa.
Trong trường hợp thiếu thốn sức chở hoặc tù nhân tìm cách bỏ trốn hay chết bệnh, có thể tìm người La Quả để thuê gồng gánh, trả công bằng xe trâu kéo. Giống người La Quả từ thượng cổ đã cư ngụ ở nội địa, sau tản ra sinh sống ở các xã của châu Bảo Lạc. Người La Quả giỏi gồng gánh, đồ đạc nặng nhẹ gì cũng địu sau lưng chứ không quen dùng lừa, ngựa thồ. Đàn ông La Quả rất giỏi săn bắn, biết dùng súng, sẽ có ích khi vào Thung Thượng.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI