“Thượng tuần tháng Quý Đông, khởi hành.
Vùng Thung Hạ này có giống đào rừng, nhà giàu và quan lại dưới xuôi rất thích chơi Tết. Lúc này đương gần cuối năm, là tiết hoa đào rừng nở rộ, trắng cả dọc đường. Trên đường đi, đã thấy người Ngô Ngàn gồng gánh những gốc đào to để bán cho thương buôn. Đi thêm một ngày đường thì bắt đầu có sương trắng, không thể nhìn được đâu là hoa đào, đâu là sương nữa.
Dọc đường đi có nhiều dịch đình, nghe đồn được xây từ thời Trần Thái Tổ. Dịch đình khang trang, có mái ngói, cột quét vôi trắng, trong đặt tượng Phật. Cứ cách một dặm lại có một dịch đình cho người đi đường ghé vào nghỉ ngơi. Càng xa Kinh thành, dịch đình lại càng sơ sài, tới quá Thung Thượng thì chỉ còn là cái miếu đá lạnh lẽo, không đặt tượng Phật.
Lại nhớ thời Lý, người ta thường xây các dịch trạm dọc đường quan lộ để thông thương, chuyển phát công văn, người ngựa lúc nào cũng tấp nập tới tận ngày nay. Nghĩ tới cảnh đó, lại trông dịch đình ảm đạm này, trong lòng lại cảm khái. Lúc dừng chân ta luôn thắp một nén hương. Có người ấp Nhạn lẫn tội nhân thấy ta hành lễ cũng cung kính làm theo. Cô Đằng không hành lễ nhưng cũng không tỏ điều gì bất kính, khi xuống ngựa thì chỉ ăn uống nghỉ ngơi. Điểm này, cô Đằng thực giống với ông chủ, cái lệ sơ sài chuyện cúng bái thần linh ở ấp Nhạn cũng là do họ mà thành.
Nhóm người của quan Phụ đạo không đòi hỏi, hạch sách gì trên đường. Gã Biền Nhị thể trạng quá to lớn, ngựa chịu thua, không tải được, bèn lưng đeo hộp gỗ, chân đất đi bộ theo cả đoàn. Đoàn đi thì hắn đi, đoàn nghỉ thì hắn nghỉ, không tỏ ra mệt mỏi. Có lúc xe trâu bị sa lầy, gã một tay kéo cả xe lẫn trâu lên mà mặt không biến sắc. Sức vóc quả thực phi thường.”
***
“Lại thêm hai ngày đường.
Đã đi cả buổi, không còn dịch đình nào để nghỉ chân, có lẽ người mở cõi xưa cũng chịu thua sương mù. Sương rất dày, trời rét đậm. Tới đây thì không còn thường dân lai vãng nên khỏi cần cải trang, cô Đằng lệnh cho người ấp Nhạn và tội nhân phải thay trang phục để tiện hành sự.
Người ấp Nhạn mặc áo trực lĩnh tay chẽn may bằng vải đa la, đầu đội mũ đinh tự, mang hia. Lại khoác ra ngoài một áo cừu lông dê để chống lạnh. Thập trưởng được phát đèn phi thiên, buộc vào thắt lưng để làm dấu cho người trong nhóm đi theo, không sợ bị lạc trong sương mù. Khi gặp nạn thì chỉ cần cắt dây, thả đèn lên trời để kêu cứu.
Cô Đằng cũng mặc đồ như lính ấp Nhạn, nhưng tay áo bên trái bị cắt rời để cánh tay thép tiện bề hoạt động. Vương ban cho cô Đằng một chiếc áo da con tê ba sừng, áo này nghe đồn mặc vào thì đao thương bất nhập, tỏa sáng trong đêm tối, lại chống được lửa. Song, cô Đằng muốn mặc áo cừu cho giống với đội ngũ, chiếc áo da tê thì đem tặng quan Phụ đạo. Quan biết là đồ Vương tặng cô Đằng nên cũng không dám nhận, lại cất vào hộp.
Ba mươi tội nhân được phát cho áo tơi để chống sương lạnh. Các nhóm tội nhân ở mỗi thập bị trói tay vào nhau đề phòng bỏ chạy. Cô Đằng lệnh cho các thập phải trông coi kỹ tù nhân, để mất người sẽ phạt nặng.
Đám người theo hầu hạ quan Phụ đạo dường như đều có bản lĩnh cao cường, trời lạnh đến mấy cũng không thấy than thở. Kỳ lạ nhất là người phụ nữ tên Âm, tuy mình hạc xương mai nhưng ngồi dưới sương muối vẫn không run rẩy, hơi thở vẫn đều đặn như thể không biết lạnh.
Ổn định đội ngũ xong, đoàn người cắm lại một cọc gỗ lớn làm dấu rồi rẽ sương mù tiến vào Thung Thượng. Kể từ đây, cứ năm dặm sẽ cắm một cọc gỗ để đánh dấu đường đi. Mong vạn sự bình an.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI