“Ta về Kinh đã được một thời gian.
Mọi chuyện ở ấp Nhạn dường như chẳng có gì khác biệt sau khi cô Đằng mất tích. Các chuyến thuyền buôn vẫn đều đặn ra biển. Việc săn cá voi với người Nhật vẫn tiếp tục. Chỉ có điều, ông chủ dường như không còn trọng dụng ta như khi trước, không còn gọi ta đi biển nữa.
Ta an dưỡng tại nhà, vẫn hưởng đãi ngộ đầy đủ của ấp Nhạn. Mỗi tháng ta đều đi chùa, đọc kinh, niệm Phật, cầu cho đội ngũ bằng cách thần kỳ nào đó mà trở về. Mỗi sớm mai, ta đều ngồi trước cửa ấp Nhạn, mong chờ kỳ tích xảy ra.”
***
“Ta ở nhà quá lâu, tinh thần dần rệu rã. Thói quen viết nhật ký cũng không còn được duy trì, vì chuyện thường nhật cũng chẳng có gì đáng lưu lại.
Từ chỗ chỉ một tháng hai lần lên chùa, nay ta tụng kinh, niệm Phật tại nhà mỗi ngày. Song le, tinh thần ta không lúc nào yên ổn, mỗi khi nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ, đều cảm thấy bản thân lạc trong sương trắng Thung Thượng.
Thảng hoặc, có những ngày ta đi trên đường lại nghe thấy những tiếng người trong đội ngũ gọi tên ta như kêu cứu. Khi quay đầu lại thì chẳng thấy gì nữa.
Thấm thoắt mà trải qua một năm, đã tới lúc đón xuân Tân Mão.”
***
“Ta quanh quẩn bàn trà, vườn tược, thấm thoắt đã gần hai năm. Cũng đã mười tháng rồi, ta mới lại viết nhật ký.
Hai năm không phiêu lưu, không đi biển, không vẽ bản đồ. Song, giả như ông chủ bỗng nhiên tha thứ cho ta, chịu gặp ta, giao cho ta công tác, ta cũng sợ rằng mình chẳng còn đủ dũng khí mà đi.
Ta không tài nào tìm được bình yên trong lòng, nhiều lần nghĩ tới chuyện lên chùa sống. Tới thượng tuần tháng Trọng Đông, năm Tân Mão thì quyết định đi Yên Tử chơi một chuyến, thử xem bản thân có duyên hạnh ngộ với cửa Phật hay chăng.
Từ Kinh đi Yên Tử mất hơn một ngày đường. Khi tới nơi thì vừa qua lúc ban trưa, độ chừng hơn hai canh giờ nữa thì mặt trời sẽ xuống núi.
Ta đi theo những bậc thang đá, tìm đường lên chùa Đồng. Trên đường đi, cảnh sắc hai bên đẹp nhưng trầm buồn, ảm đạm. Ta cứ leo mãi, leo mãi, tới một chặp bỗng thấy mình lại lạc trong sương trắng. Chỉ vừa nghĩ tới đó, ta đổ mồ hôi lạnh, hai chân như chôn vào đá, không tài nào bước tiếp được.
Đương khi ấy có tiếng chuông chùa vang lên, thanh âm ngân nga, trong vắt, dường như cứu vớt ta khỏi chìm nghỉm trong sương trắng. Ta lại thấy một đốm sáng nhỏ hệt như năm nào trong rừng Thung Thượng, bèn cố hết sức nhấc chân lên mà tìm về phía ấy. Dựa vào tiếng chuông và đốm sáng nhỏ, cuối cùng ta cũng lên được tới đỉnh núi. Tại nơi ấy, ta gặp lại người tu hành nọ đang tự tay đánh chuông đồng. Nhìn thấy người ấy tại nơi này, trong lòng ta nửa kinh ngạc, nửa lại thấy như sự đương nhiên.
Ta bước về phía người ấy, chắp tay hỏi: ‘Thưa đầu đà, năm ấy tôi cầu xin bình an cho đội ngũ để vượt qua yêu ma Thung Thượng. Tại sao người lại nói khi ấy là chưa tới lúc?’
Đầu đà mỉm cười với ta: ‘Công đức chưa đủ, nguyện ước sẽ không thành.’
Ta hỏi: ‘Thưa, phải chăng tôi gửi gắm công đức ít ỏi, đã có điều gì sai trái?’
Người ấy đáp: ‘Tâm ông an tĩnh, nhưng Niệm của ông hỗn loạn. Công đức vì thế tự nhiên cũng vơi đi mấy phần.’
Chỉ một câu nói ấy, ta bỗng thấy trong lòng phiền muộn, đáp: ‘Tôi thành tâm xin điều bằng an cho người trong nhà, không mưu cầu gì cao xa, Tâm Niệm chỉ giản đơn vậy. Nhưng năm ấy ở nơi hoang vu hẻo lánh, Phật thánh chắc không trách móc lễ bạc chứ?’
Người ấy đặt một tay lên quả chuông, đáp: ‘Người thường thắp một nén nhang, người sang xây tòa, xây tháp. Những việc ấy không có công đức, chỉ như quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, hữu thực, vô chân.’
Ta hỏi: ‘Vậy, công đức chân thực là gì?’
Người ấy đáp: ‘Nhân gian này dị thể, đồng tâm. Tới khi nào trí chung được thanh tịnh, thể chung được trống không, vắng lặng, lúc ấy mới là công đức.’
Rồi người ấy bước qua ta. Ta quay lại phía sau lưng, kinh ngạc thấy kẻ tên Đạo đang quỳ tại đó, nước mắt đầm đìa mà cúi lạy.
Ta lại cất lời hỏi, lần này không biết vì sao mà đồng âm với Đạo, cũng thay đổi luôn cả xưng hô. Những lời ấy dường như không còn là của ta nữa: ‘Vậy khổ đau con gánh chịu, bất công con nếm trải, con biết trả lại cho ai?’
Người ấy đáp: ‘Vạn vật đều gánh chịu đau khổ, mải miết trong trầm luân. Kiếp trước ta là thánh đế, kiếp sau ta là kẻ tu hành. Kiếp trước con là kẻ tu hành, kiếp sau có lẽ con sẽ là thánh đế. Kiếp nằm trong kiếp, nỗi đau vẫn mãi nằm lại nơi đó. Con đặt nó ở trước mặt, hay con đặt nó tại sau lưng?’
Ta và Đạo lại hỏi: ‘Vậy, thánh đế là ai? Kẻ tu hành là ai?’
Người ấy đáp: ‘Khi chấp mê bất ngộ, con mãi mãi là kẻ tu hành. Khi tỉnh thức, thông suốt rồi, chẳng còn gì là thánh.’
Ta và Đạo lại hỏi: ‘Vậy, con đang nói chuyện với ai đây.’
Người ấy đáp: ‘Ta không biết.”
Tới đây, ta choàng tỉnh dậy, thấy người đầu đà và Đạo đã biến mất, bản thân vẫn đang đứng giữa mênh mông những trắng. Định thần lại, ta mới nhận ra, đây không phải sương mù, mà là mây trắng đang vờn quanh đỉnh thiêng Yên Tử.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI