Khương mê nhạc Hàn Quốc, thứ nhạc không biết có hay không nhưng chắc chắn là rất đẹp nhiều lần khiến Vũ điếc tai.
Khi làm việc, Vũ chỉ mở tiếng ồn trắng ra nghe suốt vài tiếng đồng hồ. Từ khi có Khương về, tiếng ồn trắng bỗng trở nên hơi xam xám. Khương cũng tế nhị hiểu rằng hai người sống chung với nhau thì không được ảnh hưởng đến người khác, cậu sắm một đôi tai nghe lớn, bên trên còn có hai miếng sắt nhô lên hình tai mèo.
Khương bắt cái máy tính im rồi, nhưng bản thân cậu thì không im được.
Mỗi lần nghe trúng bài hát hay, xem được đoạn phim ca nhạc hay, Khương lại bắt đầu hưởng thụ bằng việc rung bàn rung ghế hoặc ú ớ hát theo. Tiếng hát cất lên nửa chừng rồi chợt nhận ra không phải chốn không người thì liền im bặt, nhưng chừng đó cũng đủ cho Vũ và thứ tiếng ồn trắng của anh trở thành hỗn loạn.
Hai người ở chung trong một căn hộ khá rộng trong khuôn viên mấy trường đại học. Khu trường đại học được thành phố quy hoạch riêng trên một con đồi, chỉ cần đạp xe mấy bước là đã có thể đi từ trường kinh tế sang trường luật, từ học viện kiến trúc sang học viện âm nhạc cũng chỉ cần băng qua một rừng cây nhỏ. Vũ đã gần tốt nghiệp học viện kiến trúc, Khương thì mấp mé năm thứ hai trường luật, nếu như hai người mỗi ngày chỉ dọc ngang sấp ngửa băng qua nhau trên mấy con đường lồi lõm để vào giảng đường thì chắc chắn sẽ không có chuyện quen biết lẫn nhau.
Ở nút giao nhau giữa mấy trường đại học có một cái pub nhỏ nhưng nổi tiếng. Sinh viên và giảng viên đều quây quần tại đó, đám sinh viên nghệ thuật và kiến trúc lại càng có mặt thường xuyên hơn. Vũ không rảnh rỗi ghé chơi, chẳng may đó là quán của anh trai anh, Vũ được nhờ tới để quản lí bọn sinh viên láo nháo tới xin làm thêm vào chiều tối. Lí do đi làm thêm của từng đứa một đều khó nói. Đứa muốn kiếm tiền thì ít, đứa tới phục vụ vì mê khách hàng, mê uống rượu, mê nghe nhạc, mê chủ quán thì nhiều. Nhân viên tụ tập lại còn đông vui hơn cả khách hàng, suốt ngày giúp nhau phục vụ, hẹn nhau tiêu hết cái phong bì mỏng lét vào mỗi cuối tháng, yêu đương nhăng nhít lẫn nhau.
Đám em thơ trong quán ít nhiều sợ Vũ. Vũ không nóng tính, ít khi trách mắng, nhưng dù sao anh cũng được tính là người trả lương cho bọn nhỏ vào cuối tháng. Riêng sự kiệm lời và tiếng tăm học hành của anh cũng đã đủ làm bọn nhỏ sợ phát khiếp. Vũ học đến năm cuối của trường kiến trúc thì được nhà trường cho phép thuê căn hộ tại khu cư xá dành riêng cho sinh viên học lên thạc sĩ. Dân tình đồn đại rằng nhà trường muốn tạo điều kiện cho Vũ để anh ở lại làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Không cần phải đôn đáo chạy đi chạy lại như đám sinh viên cùng khóa, Vũ làm việc tại công ty kiến trúc của nhà trồng được ngay từ năm nhất, lại đi thực tập ở tập đoàn xây dựng lớn. Hồ sơ của anh đẹp như mơ, dù còn trẻ nhưng đã có mấy năm kinh nghiệm, làm việc thêm năm mười năm nữa chắc chắn sẽ trở thành kiến trúc sư có tiếng.
Không giống như phòng kí túc chen chúc tám người và dùng chung nhà vệ sinh, khu cư xá thạc sĩ chỉ có phòng khách phòng ngủ hẳn hoi, mỗi tầng chỉ vài ba người sống. Vũ không có ý định học lên cao, cũng không có ý định ở lại trường làm giảng viên, nhưng vừa đúng lúc cuối năm đồ án nhiều lại còn bận quản lý đám đàn em ở pub, anh chuyển về sống chung với một đám anh chị đang học thạc sĩ. Khương biết tin, ngay lập tức lân la tới xin anh ở cùng.
Phải chi lúc đó mình không dễ dụ, sau này mỗi lần nghe tiếng cười hé hé chua chát phát ra từ bàn học của Khương, Vũ đều nghĩ như thế. Không phải Vũ không thích chơi với đám em thơ trong pub mà là anh không hiểu được những điều bọn nhỏ nói, dù tuổi tác hai bên chỉ cách nhau chưa đến một bàn tay. Mấy năm học đại học của Vũ chủ yếu là ở trường, về công ty, tham gia bảy bảy bốn chín cuộc thi kiến trúc cho cá nhân rồi cho nhóm, anh không có thời gian ham vui để mà biết dạo này giới trẻ đang ăn chơi nhảy múa hay sốt lên vì điều gì.
Khương là đứa thường hay đầu têu những trò nhậu nhẹt yêu đương tại pub. Đã học luật lại còn là con nhà buôn hải sản lớn nhất nhì dưới cảng, mọi thứ cậu nói ra hoặc là có lý hoặc là vô lý đến nỗi ai cũng biết là cố ý vô lý để… cho vui. Mỗi ngày Khương đều chạy con xe máy rụng mang từ dưới cảng lên, buổi trưa không nỡ bắt con xe máy về nhà nên xin vào pub làm để hưởng ké điều hòa mấy ngày trời nóng. Thỉnh thoảng khi tới quán, Vũ bắt gặp Khương trải sách vở ra phơi trên bàn còn bản thân thì ngủ còng queo trên ghế. Vũ ném cho Khương một tấm chăn vốn là miếng vải thổ cẩm trang trí, Khương quơ quào ôm mảnh chăn vào người, lấy thêm quyển sách đắp mặt đến hết trưa. Cậu có khóe môi xinh xinh nhưng mở miệng ra thì như đang bắn rap. Khương là người khởi xướng mấy vụ nhậu nhẹt ăn chơi, nhưng Vũ chưa bao giờ nhìn thấy cậu ngật ngưỡng ra về sau khi mấy thùng bia đã rỗng. Đã thế, Khương lại còn sạch sẽ, phát hiện một vết xà phòng trên giá đựng ly thì sẽ dỡ hết cả đám ly cốc xuống rửa chung một lần.
Trên tinh thần thấy cậu trẻ đó cũng hay hay hài hài, Vũ không phản ứng gì khi nghe Khương lân la tới xin ở chung cư xá. Rồi Khương dần dần lấn tới, ngày nào cũng “xe máy em hư đèn rồi, đi từ cảng lên té xe gãy cổ”, “em không yêu đương nhăng nhít, không đem con gái về nhà qua đêm, không chạy đi dỗ dành người yêu lúc hai giờ sáng”, “em dọn dẹp sạch sẽ lắm, đi không ra tiếng, nghe nhạc đeo tai nghe, chắc chắn sẽ giống nhà một người”.
Vũ mất mấy ngày mới nghe hiểu hết những lời Khương nói. Mấy đứa phục vụ cái pub mở bàn cá cược xem Khương thua hay thắng, rồi cho đến ngày thứ bảy, Khương chốt được một trận thắng vẻ vang.
Khi Khương đã lôi hết tất cả mọi điểm tốt của mình ra để khoe mà Vũ vẫn chỉ tủm tỉm cười, cậu bắt đầu đào xới mọi ngóc ngách quanh mình xem có thứ gì hấp dẫn được Vũ. Đó là vào một buổi tối, Khương mang lên pub túi càng ghẹ rang muối. Vũ bình thường ngồi với mấy đứa nhân viên chưa đầy năm phút đã bỏ đi, nhưng hôm đó anh lại ngồi xuống tranh thủ gỡ năm chiếc càng.
Khương cầm túi vỏ càng ra ngõ sau vứt rác, gặp Vũ đang chăm chú rửa tay. Vứt rác xong, cậu vào tựa cửa nhìn Vũ, làm như vô tình mở miệng:
“Anh thích ăn hải sản vậy, có biết quán Trùng Khương dưới chân cầu bắc qua vịnh không?”
Trùng Khương là một quán hải sản mang mác bình dân nhưng ai tới ăn cũng phải đặt trước, đồ ăn cũng không có sẵn mà chờ tàu cá cập cảng mới quyết định xem hôm đó có gì. Vũ chỉ mới tới đó vài lần cùng với đối tác của công ty gia đình. Nếu không vì cố gắng lấy lòng đối tác thì lãnh đạo công ty cũng không bắt ép nhân viên phải khổ sở đặt chỗ như thế. Vũ gật đầu, Khương nói:
“Anh cho em về ở chung, mỗi tuần em lại mời anh tới đó ăn hai lần.”
Vũ nhíu mày:
“Thừa tiền ghê ha.”
Khương nói:
“Thừa gì đâu, tôm cua cá mực nhà em mà. Cô em nấu lẩu ngon lắm. Bộ anh không thấy tên quán hả? Trùng Khương là tên em chứ ai.”
Vũ nhướn mày lên:
“Cậu tên Trùng Khương hả?”
Khương xuôi vai xuống, đưa hai bàn tay lên:
“Xưa bố em đi biển nên đặt tên em là Trùng Dương. Tới kì hết đi biển thì không muốn nhìn sóng gió nữa, bảo gọi em là Trùng Khương cũng được. Nhưng mà trọng điểm là anh chia căn hộ với em đi được không? Hai bữa hải sản một tuần?”
Vũ toan mở miệng nói rằng hai bữa một tuần thì nhiều đạm quá, nhưng rồi anh chỉ đưa một ngón tay ra, khẽ nói:
“Không được làm ồ…”
“Dạ dạ dạ dạ dạ dạ dạ dạ!”
“…n.”
Khương chộp lấy ngón tay của Vũ, rối rít lắc loạn lên. Vũ bị lắc đau nhưng không nói gì, một lúc lâu sau anh mới tiếp tục thắc mắc:
“Vậy đứa nhỏ cầm con tôm hùm ở trên bảng hiệu là…”
“Em đó”, Khương buông ngón tay ra rồi thì chộp ngay lấy lời Vũ. “Cái quán đó mở ra là mừng em ra đời, nên lấy ảnh em ra làm mẫu vẽ logo.”
Thằng nhỏ trên bảng hiệu ú nu, mắt híp lại, Vũ nhìn mãi cũng không thấy có chút nào giống với cậu thanh niên xinh xinh trước mặt mình. Ngày hôm sau, Khương nhanh chóng tới kí hợp đồng sáu tháng, Vũ đưa cậu đi báo danh với ban quản lý cư xá xong thì Khương đã vội xách mấy bộ quần áo vào. Đồ đạc của Khương không có nhiều nhưng cũng phải gấp đôi của Vũ, Vũ dẹp bớt giá giày, giá gương, tủ quần áo cũng chia đôi rồi dần dần Khương ba anh một.
Ở cùng nhà với Vũ, Khương bớt nói đi. Khương hay thắc mắc rằng trước khi cậu tới thì anh ở nhà ra sao, chẳng lẽ chỉ có mình anh với đám tiếng ồn trắng mà không hề có tiếng người nói. Vũ nói rằng ai sống một mình thì cũng đều như thế, anh cũng đinh ninh là như thế. Liền sau đó anh nghe Khương hát trong nhà tắm, cười vì mấy em gái Hàn Quốc nhảy múa trên màn hình, lăn ra sàn nhà để cười vì đọc truyện nhảm, và mở cửa nhà tán dóc với ông anh học thạc sĩ kinh tế mà Vũ còn chưa kịp nhớ tên.
Đến khi phát hiện ra Khương ồn ào mà hợp đồng thì đã kí tận sáu tháng, về nhà hàng Trùng Khương ăn ba bữa, Vũ mới bất ngờ hỏi Khương rằng vì sao lại muốn tới ở với anh. Phải biết là Khương đi xe cà tàng nhưng lại cách hai chữ nghèo khó một khoảng rất xa. Cậu ăn chơi tới bến, tiền lương làm thêm đốt một bữa là xong, khi ăn ở nhà hàng Trùng Khương xong cũng phải rút ví ra thanh toán. Mà nhà hàng Trùng Khương lại đắt. Vũ không được nhìn thấy hóa đơn lần nào, anh chỉ biết thứ tài sản được dùng để kỉ niệm ngày sinh của Khương chặt chém cả Khương khi có ngày nhặt được tờ hóa đơn vo tròn lẫn trong đống giấy mô hình đem vứt.
Nếu đã có tiền như thế thì cần gì vào cư xá, ngay bên ngoài khu trường đại học đã có cả một dãy nhà cho thuê xinh xắn xếp hàng. Khương ba hoa rằng tại hâm mộ anh tại anh đẹp trai dịu dàng và tại vì muốn học tập tấm gương sinh viên xuất sắc, Vũ vẫn không tài nào tin được.
Khương thật sự có một lý do khiến cậu muốn ở cùng với Vũ, nhưng không thể cứ thế mà nói toạc ra. Vào đêm đầu tiên Vũ ngồi uống bia làm quen với đám nhân viên, anh uống không nhiều nhưng môi lại cứluôn luôn loáng ướt. Vũ cao vượt lên so với tất cả nhân viên ở pub. Khương ngồi bên cạnh anh ngước nhìn đôi môi ướt chốc chốc lại cong lên, cậu nửa ngứa ngáy muốn đưa tay lau ánh nước đi, nửa muốn nhào lên hôn vào. Về sau, đôi môi ướt át đó vẫn ngày ngày xuất hiện tại pub, nhưng lại nghiêm chỉnh làm việc từ đầu tới cuối, ít khi có thời gian ngẩng đầu nhìn lên để thấy một ánh mắt sáng rỡ như cá mực mới câu đang chằm chằm nhìn thẳng hướng môi mình.
Vũ quen Khương mới chỉ vài tuần, không biết rằng sinh viên khoa luật kinh tế cùng khóa với Khương ưu ái tặng cậu biệt danh gọi là cá chùi kiếng. Một phần nhờ vào gốc gác nhà buôn hải sản, phần khác là bởi Khương có tật xấu thích đưa môi ra cắn môi người.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI