Vũ không hay dùng Facebook để đăng thứ gì, dù anh cũng như nhiều người, mỗi ngày đều phải lên xem vài ba bận. Bạn bè thì khác, có những người ngày đăng bảy bảy bốn chín tấm ảnh, thất tình đau lòng hay vui vẻ phơi phới cũng kèm thêm một tấm ảnh chụp cận cảnh bản mặt xinh đẹp để khoe khoang.
Sau hôm bảo vệ đồ án, tài khoản Facebook của Vũ ngập trong hình ảnh mọi người chụp được. Vũ cũng đăng ảnh đồ án lên, lượt chia sẻ và khen ngợi rợp trời. Diễn đàn kiến trúc đăng tải lại, trang thông tin của học viện kiến trúc cũng vào giành công trạng rằng học trò của chúng tôi ngon lành như vậy. Vũ lướt qua hàng tá ảnh có mình trong đó mới đến được với một thế giới khác. Thế giới có Nhật đang dạo ở Santorini, mặc một chiếc áo sơ mi vàng màu hoa hướng dương nổi bật giữa tường trắng mái xanh, nhắm mắt cười với tóc tung lên vì gió. Thế giới còn có Đình đăng ba bức ảnh trong một bài đăng, bức ảnh Đình đang đứng trên bục nghe phản biện, ảnh Khương đứng cạnh và ảnh bó cây bất thường.
Vũ kéo đi kéo lại rồi dừng ở bài đăng đó. Anh lặng lẽ gỡ chặn tài khoản Facebook của Khương, thở ra khi thấy bên đó trống không. Khương không đăng nhiều ảnh dù cậu chụp nhiều. Tấm ảnh gần đây nhất Khương đăng là con đường dẫn xuống cảng vào buổi chiều, chụp từ mé vai người cầm lái.
Người cầm lái mặc cái áo nhung tăm màu cam đất. Khương chụp ảnh đẹp, chỉnh màu cũng đẹp, con đường rải nhựa đen óng lên màu cam không khác gì cái áo nhung tăm. Hai bên là khu đầm phá nước xanh đậm lăn tăn bóng mặt trời, đồng hồ trên tay người lái cũng lóe lên cho đủ bộ.
Vũ không đeo đồng hồ tay trái, càng không đeo loại đồng hồ khảm đá sáng choang. Anh là người thuận tay trái, chiếc đồng hồ cũ từ năm cấp ba đã hơi sút dây da, Vũ đeo bên tay phải chỉ vì thói quen khó bỏ.
Vũ tắt điện thoại đi, vừa vẽ vời lung tung một dáng nhà kì lạ vừa nghĩ một điều vớ vẩn. Nắng Santorini thì ra không vàng bằng nắng trên cầu cảng. Thứ nắng làm rám vỏ cam ngọt lịm đó không chói chang cũng không ấm áp vừa vừa. Nó làm người ta dễ chịu và khó chịu cùng lúc, cuối cùng làm người ta day dứt không yên. Trong nắng chiều, những tòa nhà được phủ một lớp kính lọc để nên thơ hơn, khỏa lấp đi một vài góc cạnh xấu xí. Nắng trên đường về cảng sẽ có mùi biển, đi qua cây cầu lớn bắc qua cửa sông còn có cả mùi cá khô tanh mặn và mùi rong biển tấp vào bờ cháy xém. Ngửi một hồi thì như say, không cẩn thận còn liệng vào đám rau muống biển bò dọc đường vì tiếng cười của người ngồi sau lưng làm giật mình rồi lạc tay lái.
Trước khi tắt điện thoại, Vũ đã nhìn thấy Đình bình luận bên dưới ảnh rằng “để bữa sau mua kem chống nắng cho em”.
Khương đang loay hoay nhổ cây sen đá ngoài kia. Vũ dạy cậu tách cây để nhân giống, từ đó Khương chuyển thú vui cắt dán mô hình kiến trúc sang quan tâm vườn tược. Cậu em vừa làm vừa hát, bàn tay với mấy ngón tay dài cầm chiếc cặp nhíp gắp từng lá sen đá để lau khô. Khương còn đeo kính lên, thỉnh thoảng lại cười với một lá sen đá vô tri vô giác.
Nắng biển ùa vào căn phòng buổi chiều, tiếc là cái áo sơ mi hồng rực của Khương làm cảnh đẹp chói hơn vốn dĩ. Màu hồng hắt lên cằm cậu, lên cả khóe môi cong xinh xinh mấp máy lời bài hát. Rồi cũng giống như thứ nắng vừa ngọt vừa chói, Khương phá phong cảnh bằng một chiếc quần cộc và đôi dép lê. Chiếc ghế gỗ Khương ngồi chỉ đặt được hai chân xuống sàn, hai chân sau hẫng lên khi Khương rướn người lấy chiếc khay nhựa cho cây ra rễ. Vũ đưa điện thoại lên chụp một bức ảnh, sau đó lại quay về với nhà cửa của mình.
—
Điểm đồ án đã có, Vũ nghiễm nhiên tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc. Cùng lúc đó, Vũ dẹp hẳn cái suy nghĩ rồi mình sẽ chỉ xây nhà trên cây.
Những đứa trẻ xuất sắc, từ nhỏ đã sống trong kì vọng của gia đình và xã hội thường lớn lên rồi dần mất đi chính kiến.
Lựa chọn tương lai của Vũ khiến mọi người quan tâm hàng đầu. Hết giảng viên, người nhà rồi đến bạn bè đều lần lượt vào cho ý kiến, mà Vũ cũng yên lặng lắng nghe.
Giảng viên hướng dẫn đồ án của Vũ khuyên anh nên chấp nhận lời mời từ tập đoàn kia, bởi vì anh là sinh viên duy nhất trong năm khóa trở lại đây nhận được lời mời ngay sau buổi trình bày đồ án. Vào tập đoàn lớn thì sẽ ý thức được rằng mình thật ra vẫn chỉ là một con người tí hon bên mấy công trình khổng lồ tồn tại hàng thập kỉ. Kiến trúc sư phải biết mơ lớn, giảng viên lặp đi lặp lại, Vũ dường như cũng bị ám thị. Mỗi khi đi qua tòa nhà Empire trong thành phố, tòa nhà có tận tám mươi tầng với thiết kế như một mũi mác đâm thẳng lên trời, Vũ lại không nhịn được mà ngẩng đầu nhìn lên tầng cao nhất. Tòa nhà là biểu tượng của thành phố, bất cứ kiến trúc sư nào cũng muốn có cho mình một sản phẩm để đời. Nhưng giữa triệu người bình thường mới có một người đủ khả năng làm được, “và em có khả năng”, người vẽ nên của tòa nhà Empire và cũng là giảng viên nói với anh như vậy.
Gia đình thì khác, mong Vũ về công ty gia đình làm việc. Công ty không thiếu người nhưng đang trong đà phát triển, nếu như Vũ quay về thì sẽ có lợi với anh. Bao nhiêu người tài bị chèn ép vùi dập mỗi ngày cho đến lúc chán nản buông xuôi, nếu Vũ chịu về công ty thì sẽ không bao giờ xuất hiện kịch bản đó. “Con ông cháu cha” nói gì thì nói vẫn là một ưu thế hơn người. Vũ đã lớn đủ để biết rằng không nên từ chối nếu mình có đủ tư cách nhận ưu tiên. Một chút quen biết làm cho công việc trơn tru hơn, tài năng không thôi chưa bao giờ là đủ.
Nhật là người xuất hiện sau cùng trong chương trình hướng nghiệp. Nhật nói rằng kiến thức càng biết nhiều thì càng thấy mình nông cạn, vẫn nên đi ra biển lớn một vòng rồi hãy quay về. “Đi để biết thế giới như thế nào”, Nhật nói. Tòa nhà cao nhất ở thành phố của Vũ chỉ là tôm tép nếu đem so với những tòa nhà cao khác. Đừng để đầu óc bị giới hạn, suy nghĩ an toàn là của tuổi già. Tính cách của Nhật xưa nay ăn thua nhiều lại phóng khoáng, đến khi Vũ trưởng thành không ít thì Nhật vẫn là một đứa trẻ vô lo. Những đứa trẻ như Nhật và Khương đôi khi làm Vũ ghen tị. Dù là ở bến cảng hay là ở đâu đó nước ngoài, Nhật và Khương đều biết đặt cái mình muốn lên trước nhất. Vũ thì khác, trải qua tận hai mươi năm sống cuộc sống có sự góp ý của nhiều người, Vũ không còn ham thích việc lao đầu đấu tranh cho cái mình muốn. Anh cảm thấy thoải mái hơn khi phân tích cân đo và rồi lựa chọn cái mình cần.
Hoặc giả, Vũ cũng không còn biết chính xác cái anh muốn là gì. Vũ không có thứ khao khát đầu tiên lóe lên trong tâm trí, cái thứ thôi thúc bản thân rằng nếu không có được thì sẽ đau khổ suốt đời.
Bạn bè đồng khóa học hành be bét thì đau đầu đi tìm việc làm, người giỏi giang hơn một chút lại thong dong nộp vào một công ty tầm trung. Những người đó có thể không đứng dưới tòa Empire rồi nghĩ rằng mình cũng sẽ có ngày xây nên tòa nhà cao hơn thế, nhưng họ sẽ có thể một ngày hai cữ cà phê sáng chiều, thảnh thơi nói chuyện phiếm, đêm nào cũng có thể cày một bộ phim yêu thích, sáng ra còn có thời gian bình chọn cho ca sĩ mình yêu thích để ca sĩ đó nhận được bảng quảng cáo trên quảng trường thành phố. Đôi khi Vũ thèm cuộc sống đó, lại có đôi khi Vũ nghĩ mình cần nhiều hơn. Mỗi người có một bầu trời để ngắm, khó mà nói được rằng ai cũng thỏa mãn, nhưng có người học cách chấp nhận, có người lại sống trong dằn vặt khổ sở cả một đời.
Đứng trước vài ngã rẽ liên quan mật thiết đến tương lai, Vũ không thể tung xúc xắc rồi chọn đại. Mà bất cứ chiếc chìa khóa nào để mở cánh cửa vào thế giới người trưởng thành cũng đầy thách thức, đầy những câu chuyện sáng và tối, một chút ánh nắng màu cam buổi chiều sẽ chẳng có cơ hội len lỏi vào.
—
Thật ra ánh nắng buổi chiều cũng có cố gắng len vào sự nghiệp của Vũ, bằng cách thiếu tính toán nhất có thể.
Có hôm ở quán, Vũ nói chuyện điện thoại với Nhật hết hơn một tiếng đồng hồ. Khương đi vứt rác tổng cộng ba lần, lần đầu gặp Vũ cười đến là dịu dàng, lần thứ hai thì có hơi u ám, sang lần thứ ba đã thấy đường mạch máu trên thái dương Vũ nổi lên.
Bình thường Vũ chẳng thể hiện ra nhiều cảm xúc như vậy. Mấy bịch rác dường như chất thêm cả buồn bực của Khương, cậu lẳng mãi mà rác không đi, đến khi dồn hết sức lực thì mép bịch rác bung ra, chai lọ và vỏ bao vung đầy khu chứa rác. Khương vừa quét rác vừa nghe lỏm câu được câu mất. Vũ đang giận là thế, nhưng giọng nói của anh vẫn cố gắng kìm nén hơn là bùng nổ như người thường.
Đến khi Vũ đi vào quán, mặt anh vẫn khó đăm đăm. Nhật nói rằng sẽ về nước chơi vài ngày, sẽ tranh thủ tất cả thời gian đó để đem Vũ ra nước ngoài cho bằng được. Nhật nói Vũ không có rào cản gì cả, dù là thành tích, ngoại ngữ hay điều kiện tài chính, thứ duy nhất cản Vũ chính là tâm lý không muốn vẫy vùng. Quen nhau từ bé, Nhật biết Vũ không phải là người như thế. Vũ chỉ lười biếng hoặc dễ dãi với bản thân mình quá, cả hai thứ không nên xuất hiện trong độ tuổi hai mươi.
Qua mấy cuộc điện thoại trong những ngày chọn lựa tương lai, Khương biết Vũ đang đứng ngay trên ngã ba đường mà con đường tiếp theo nào cũng vô cùng khó khăn nhưng vô cùng rực rỡ. Khương ngồi đếm mấy tờ tiền lẻ, thấy Vũ uống ừng ực một cốc trà hoa lớn rồi đem mu bàn tay quệt môi rồi thở phì tức tối, cậu buột miệng nói:
“Chừng nào anh chuyển ra?”
Vũ nhướn mày lên, mãi mới hiểu ra ý Khương là chuyển đi khỏi cư xá thạc sĩ. Khương có vẻ thấp thỏm chờ đợi. Vũ nhớ lại lần nói chuyện trên bến cảng về việc con người vẫn ổn khi không có ước mơ, anh chợt nghĩ rằng có lẽ nên thử để Khương tung xúc xắc xem thế nào.
Vũ nhích tới gần Khương, nhún vai nói:
“Anh còn chưa biết đi đâu. Lỡ như anh bị ảo tưởng về bản thân quá thì sao?”
Khương cười cười chìa tay ra:
“Anh đưa tay đây cho em.”
Vũ biết Khương định làm gì, anh chuẩn bị tinh thần cười trộm. Nắm lấy hai bàn tay chìa ra trước mặt mình, Khương bắt đầu săm soi từng ngón tay một.
Từ khi Vũ bắt đầu biết vẽ, nhiều người cũng như Khương, muốn tìm xem có bao nhiêu dấu hiệu của thiên tài hội họa trên tay Vũ. Khương cẩn thận nắm lấy mười ngón tay gầy gầy cứng cáp, ngón cái ấn nhẹ vào từng đầu ngón tay anh. Vẻ mặt Khương từ tò mò chuyển thành không thể tin được, Vũ nhìn chỏm tóc trắng phau, nín cười đến mắc nghẹn.
“Thật sự?”
Khương thốt lên một tiếng, Vũ nói:
“Ừ.”
“Thật sự?”
“Chứ gì nữa.”
“Ông trời!”
Vũ không nhịn được nữa, anh bật cười khanh khách. Khương vẫn chưa buông tay Vũ, cậu lắc tay anh như thể lắc mãi thì hoa tay sẽ hiện ra.
“Lừa đảo!”
“Hahahaha!”
“Anh lừa đảo!”
Người ta bảo càng có tài năng vẽ vời thì càng có nhiều hoa tay. Vũ là kiến trúc sư nhưng vẽ gì cũng đẹp, làm mô hình cũng khéo tay, thậm chí còn có vài món đồ gỗ trong pub là do anh tự đóng. Người như vậy sợ là mười ngón tay sẽ có mười hai vân tay đồng tâm mới đủ, nhưng Khương soi đi soi lại thì chẳng hề thấy một dấu hoa tay nào.
“Anh không có hoa tay nào hả?”
Khương hỏi một lần chốt, Vũ gật đầu. Khương nói:
“Em có đến tám cái…”
“Em cũng khéo tay mà.”
Khương nhìn lại tay Vũ lần cuối. Mấy đứa em trong quán đã bắt đầu chỉ trỏ khi thấy anh cả và anh năm nắm tay nhau mãi chưa buông, Vũ ho lên một tiếng, khẽ nói:
“Xem xong chưa?”
“Vẫn chưa… À thì… Nhưng mà…”
Khương buông tay Vũ, thở dài một hơi. Vẫn là người em thẳng đuột không giấu diếm tâm tư, Khương chép miệng:
“Tay anh ấm ghê.”
Dứt lời, Khương buông tay ra. Cậu khuấy cốc nước đậu mua tới quán, vô duyên vô cớ lại nói:
“Mùa đông chắc là ấm lắm. Không biết mùa đông anh ở đâu rồi.”
Vũ biết rằng ước mơ của con người không nên có tiền đề là người khác, bởi vì “người khác” là một khái niệm bất định.
Giống như ngày trước Vũ đặt mục tiêu vào học viện kiến trúc cùng Nhật, anh hăm hở ôn thi rồi hụt hẫng chứng kiến Nhật hăm hở lên máy bay sang một bầu trời khác ngay sau lễ trưởng thành. Hoặc giống như Nhật, muốn ra nước ngoài để tìm gặp thần tượng trong ngành. Gặp rồi, chứng kiến người đó chỉ là người bình thường không hơn không kém, Nhật suy sụp một thời gian, bỏ hẳn trường học đã đăng kí rồi loay hoay tìm lại sở thích khác. Nhưng sau một câu bình luận không hề liên quan đến sự nghiệp, Vũ quyết định rào lại con đường đi du học, để mùa đông vẫn có thể ở lại thành phố này.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI