- Home
- Fergal du ký
- Chap 8 - Tri thức và trường học mới - Chap 8 Tri thức và trường học mới (hơn chín nghìn từ, bù mấy tuần qua không post chương)
Chap 8
Tri thức và trường học mới
(hơn chín nghìn từ, bù mấy tuần qua không post chương)
Lại qua một năm, thoáng chốc Fergal đã tròn năm tuổi. Đồng thời cũng là lúc cậu chính thức tiếp nhận giáo dục cơ sở nhất ở nơi này.
Khá tương đồng với nền giáo dục hiện đại ở trái đất, người ở thế giới này cũng phân chia cấp bậc tri thức thành bốn cánh cửa lớn: Sơ – Trung – Cao – Đại. Nói về Sơ học, theo như Fergal được biết thì trẻ bắt đầu từ năm tuổi đến tám tuổi trong mọi tầng lớp nhân dân đều phải đến trường học. Còn ba cấp học còn lại thì có thể học hoặc không, thường chỉ có tầng lớp dân chúng trung lưu, có quyền mới dám nghĩ đến học cao hơn chứ dân chúng phổ thông cho dù muốn cũng không có thể chi trả nổi chi phí học tập ở các trường cao học đó.
May mắn Fergal sinh ra trong một gia đình khá giàu có và cha mẹ nhóc cũng không hề thiển cận như những người làm nông khác: không cho rằng tri thức và học tập là quan trọng, hay chỉ mong muốn con mình kế thừa gia sản. Thế nên tất yếu tương lai Fergal học xong cấp cơ sở, nhà Wales đương nhiên sẽ mạnh tay chi tiền cho con trai cưng của họ có thể học được lên tới Trung học hoặc thậm chí Cao học, Đại học nếu có thể.
Nội dung Sơ học chủ yếu là dạy chữ viết với tính toán cơ sở, học phí thì không phải lo, nhờ có vị vua anh minh thần dũng ở kinh đô xa lắc xa lơ thiết lập quỹ hỗ trợ nên dường như người dân chẳng mất nhiều chi phí cho con cái ăn học. Có thể nói ngay cả tên ăn mày cũng có thể vào học hành miễn phí. Fergal đánh giá khá cao tài trí của người cầm quyền nhà nước đương thời, không chỉ thành công phổ cập giáo dục toàn nước, mà còn biết nắm bắt chú trọng giảng dạy những kiến thức thiết thực và hữu dụng trong đời sống. Dù người dân có thể không học hành cao được nhưng chí ít cũng không có ai mù chữ và họ còn có thể tự biết tính toán trong thương mại, giao du, mua bán.
Bên cạnh đó, một khó khăn mà ở cái xứ nào nó cũng có đó chính là càng tại vùng xa xôi hẻo lánh thì trình độ phổ cập văn hóa càng thấp, nhất là những vùng sâu trong rừng thiêng nước độc như làng của Fergal thì không cần phải bàn, làng chỉ có duy nhất một ngôi trường – không, phải nói là một phòng học nhỏ, bé xíu nằm trên núi cao, đi lại cực kỳ khó khăn. Hơn thế nữa, ngôi trường còn thuộc hạng bét nhất trong danh sách tất cả ngôi trường Sơ học của cả nước (nguồn thông tin này do cựu học sinh Lily và Joey kiểm định từ hơn mười mấy năm trước, độ chính xác đúng hơn chín mươi phần trăm).
Vốn cha mẹ Fergal dự định cho con mình ra ngoài trấn tìm học một ngôi trường sơ học tốt hơn nhưng nửa năm trước, theo những chỉ thị và quyết sách mới nhất của đức vua rằng thì là phải chú trọng đầu tư cải cách giáo dục vâng vâng… và không phụ lòng mong đợi của người dân, chỉ thị này hoàn toàn tạo nên một cuộc cải cách lịch sử chưa từng thấy trên toàn đất nước. Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục toàn quốc lên một tầm cao mới mà giúp cho quốc gia của họ chính thức chuyển mình thành một trong trung tâm văn hóa lớn nhất thế giới (nhưng biểu hiện của việc này vẫn phải vài chục năm sau mới rõ ràng). Bắt nguồn từ kinh đô, vô số trường học nối tiếp nhau mọc lên như nấm, mỗi vùng miền đều xuất hiện những trường đại học, học viện nổi tiếng có chất lượng cao.
Đáng chú ý là quốc vương đưa ra ba phần ngân sách để xây thêm hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng của những trường học nơi xa xôi, hẻo lánh. Ở trấn phố bình thường cũng sẽ thấy rất nhiều ngôi trường trung học hoặc thậm chí cao học được xây lên. Về chi phí học tập ở các trường cao, trung học đều được hỗ trợ gia giảm phần nào đối với tầng lớp dân ở dưới thấp, đặc biệt hơn nếu ai nghèo khó có trình độ tri thức cơ sở tốt đều sẽ được đặc cách cho học tập vài năm đầu, có thể ký giấy nợ cho nhà trường, sau khi kết thúc chương trình học có thể hoàn trả nợ từ từ. Và đương nhiên trả nợ cũng có nhiều phương thức: có thể trở thành giảng viên cho trường học, có thể biến họ thành nhân công cho các nhà xưởng, quân đội, trang trại, đồn điền khai khoáng; hoặc vào viện thí nghiệm phép thuật hỗ trợ, vâng vâng… và tất cả những học sinh thiếu nợ ấy đều phải làm không công cho tới khi hoàn toàn trả hết nợ nần (còn làm việc đến già mà vẫn không hết nợ hay không thì hiện tại chưa ai nghĩ tới, kể cả nhà vua – người đã ra sách luật này). Chính vì điều khoản tưởng chừng như cực kỳ có lợi này mà thu hút số lượng lớn dân chúng tới học các trường lớp. Người người tranh nhau học thêm được một hay hai trang kiến thức chỉ mong nhờ nó mà đổi đời, bước lên tầng lớp cao hơn, thoát khỏi cảnh làm nông bần túng.
Hệ lụy kéo theo có tốt có xấu, nhưng để nói về nó bây giờ vẫn còn quá sớm. Không thể không ca ngợi tầm nhìn xa trông rộng của đức vua, người sớm nhìn thấu lợi nhuận khủng khiếp từ việc kinh doanh tri thức và biết khai thác sức mạnh của tri thức theo những phương hướng tốt đẹp, người biến giáo dục vừa trở thành nơi cung cấp nhân tài, vừa biến nó thành một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế.
Tiếp đến, có thể thấy là ở nơi thâm sơn cùng cốc hoặc ở tận cùng biên giới đất nước đều bị con người lần mò tìm đến rồi xới tung lên, họ theo mệnh lệnh của đức vua chở vô số xe thiết bị vật tư xây dựng trường lớp kèm theo mấy chục bậc thầy tri thức với khuôn mặt sầu khổ vì phải rời xa chốn đô thị sung túc, tới nơi khỉ ho cò gáy dạy học.
Thế nên, phòng học bé xíu của làng Fergal sau khi được hưởng sái lợi ích từ cuộc cải cách đó, nó không chỉ được nâng cấp cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn của một ‘‘trường học’’ đúng nghĩa mà còn đón thêm nhiều giáo viên giảng dạy trẻ tuổi, ưu tú.
Trên một ngọn đồi nhỏ ở khuất sau đám cây cao chót vót, đám trẻ con trong làng hôm nay hiếm khi tụ tập khá đông đủ, nào là thằng nhỏ nhà Fuentes – Maynard, Lux, Leal mũi to, Kieran (thằng nhóc chuyên chảy nước dãi), Enda cao khều, Drake to xác, vâng vâng,…
Tại trên tảng đá cao nhất, một con bé tóc đỏ đứng nghiêm chỉnh như quân nhân chờ lệnh, tay con bé còn cầm khúc cây rất dài, nom người ngợm lùn tẹt nhưng đối với tụi nhóc trong làng thì con bé này cực kỳ ra dáng oai nghiêm hùng dũng. Con bé này tên là Azgad, bốn tuổi, con của một chiến binh về hưu, tuy là con gái nhưng trong đám nhóc choai choai ở làng thì nó trên một mặt nào đó rất đáng sợ – cuồng đánh nhau và cuồng đeo bám. Azgad cực kỳ thích đánh nhau, từ lúc chập chững biết đi thì con bé đã dám đánh người, thấy ghét ai thì trợn mắt lên rồi la hét thách đố tỷ thí mấy trận, già trẻ không tha. Đương nhiên không phải lúc nào con bé cũng thắng nhưng mấy đứa trẻ khác trong làng đều sợ đấu với nó, bởi vì con bé đánh rất là nhây, thua rồi mà vẫn kiên trì đứng lên kì kèo đánh thêm hai ba hiệp. Dù bị đánh bầm dập chảy máu mũi ròng ròng, con bé cứ như con điên mà lao lên đối thủ, hôm nay thua thì ngày hôm sau lại thách đấu đánh tiếp, thua nữa thì quấn lấy người ta một hai tháng gì đó cho tới khi đối thủ chịu không nổi, cầu thua thì con bé mới buông tha cho kẻ đó. Thế nên, lũ trẻ trong làng không ai muốn đánh nhau với Azgad, thấy nó là đi đường vòng.
Dần dần, cái “tiếng tăm” và địa vị của Azgad được lũ trẻ trong làng công nhận, thế là con bé nghiễm nhiên trở thành đầu lĩnh của bọn trẻ cho tới khi vào hai năm trước. Con bé gặp Fergal, không hiểu hai bên xảy ra chuyện gì nhưng từ đó, Azgad tuyên bố “thoái vị” và tôn Fergal lên làm đầu lĩnh. Azgad dường như lúc nào cũng đứng về phía Fergal, coi mọi lời nói của cậu nhóc như thánh chỉ mà tôn thờ, con bé còn tự phong cho mình chức danh hộ vệ và cho rằng mình có nhiệm vụ bảo vệ Fergal khỏi mọi nguy hiểm. So với làm đầu lĩnh, Azgad khá là thích làm hộ vệ hơn, đi đến đâu con bé cũng la hét “hộ vệ của đầu lĩnh tới, mau mau ra đón tiếp” vâng vâng. Con bé còn thiết lập rất nhiều điều luật với bọn nhóc, bắt chúng phải tôn xưng Azgad là “Ngài hộ vệ”, phải biết chắp tay cúi chào khi nhìn thấy con bé, rồi còn bắt tụi nhóc phải hàng tháng cống nạp trái cây bánh ngọt, đổi lại, con bé có thể xem xét cùng tụi nó chơi hoặc tháng đó không thách đấu tỷ thí nữa.
———————————–
Tảng đá cao nhất đồi là một hòn đá cực kỳ đặc biệt và có tầm quan trọng đối với tụi nhỏ, bởi nó tượng trưng cho địa vị tối cao nhất – thủ lĩnh. Bởi thế, Azgad vô cùng nghiêm chỉnh đứng canh, đây là cái ‘ngai’ của đầu lĩnh, con bé tự cho là mình phải có trách nhiệm trông chừng nơi này không cho thằng nhóc láo toét nào mon men rờ tới. Hôm nay quả là một ngày quan trọng, vì “trường học” đã được xây lên, trước đó người dân trong làng còn được quan viên phổ cập cho một chút sách luật mới nhất của nhà vua và đồng thời tuyên bố toàn thể lũ trẻ trong làng phải nhập học theo đúng tuổi, nếu không tuân theo thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Tính ra trong làng có hơn bốn mươi mấy đứa trẻ con, trong đó hơn nữa số đã quá tuổi hoặc đúng tuổi vào trường Sơ học. Sau khi nghe thông báo, người dân trong làng khá là ngạc nhiên, mặc dù việc học đã được phổ biến từ hai ba mươi năm trước nhưng chưa từng có điều lệnh bắt buộc, từ trước tới nay ai thích thì học, không thích thì thôi. Nhất là không ai hiểu được việc học hành có ích lợi gì, dù mấy người có suy nghĩ ăn học đàng hoàng thì không phải đường xá trắc trở thì không có tiền để chi trả học phí. Lại thêm việc thầy dạy học duy nhất trong làng chết mất từ mười năm trước, thế là dần dần không ai nhắc tới việc học hành nữa, thậm chí người ta còn quên mất rằng làng mình hóa ra cũng từng có một “ngôi trường”.
Để tiện cho việc đi lại, ngôi trường mới sẽ được xây cất khá gần ngôi làng. Chi phí vật liệu ăn ở đều do người của quan trên tự trả, người dân trong làng không khỏi thở phào một hơi vì không phải tự dưng bỏ tiền ra. Rồi một mớ người lạ đi lùng quanh nhìn ngó khắp nơi này, nghe bảo là khảo sát dân số, điều tra tình hình an sinh địa lý vâng vâng… Rồi ngôi trường cũng nhanh chóng mọc lên, tháng trước nó đã xây xong, giờ chỉ cần vài tuần lắp đặt trang thiết bị sách vở là có thể mở cửa đón học sinh.
Thế nên hôm nay lũ trẻ tụ họp đông đủ như thế chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: đến trường!
Một số đứa chưa từng biết qua chữ nghĩa nên khá háo hức mong chờ tới việc đi học, nhưng cũng có một số tỏ ra khá chán chường và cực kỳ phản đối việc đi học.
– Tao không muốn tới trường chút nào, nghe nói tới học là chúng ta phải ở trong một cái phòng kín mít suốt ba bốn nấc* mặt trời! Không được chạy nhảy hay chơi đùa, chỉ ngồi nhìn chằm chằm mấy lão già và càng không được chớp mắt. Trời hỡi, như thế có khác gì hành hạ con người đâu! – Aranck mắt đỏ, nó là một thằng nhóc khá bẳn tính và hầu như không đứa con trai nào thích chơi với nó, nhưng lũ con gái hay cánh chị em phụ nữ lớn tuổi đều thích nó lắm, bởi nó có đôi mắt đỏ rất đẹp, phái nữ trong làng còn đặt cho nó biệt danh là “Yêu tinh Đỏ”. Họ bảo nó tương lai sẽ là chàng trai tốt nhất làng, vì thế tụi con trai càng ghét cay ghét đắng Aranck.
– Có thật như thế không? – Lux, một trong đám nhóc hỏi – Hay là mày nói xạo đó?
Aranck hơi đỏ mặt, nó tức giận đến dậm chân:
– Chính miệng ông già nhà tao nói, việc gì tao phải nói xạo với bọn mày?!
Có hai đứa con gái vốn thích Aranck nên liền lên tiếng bênh vực nó:
– Đúng vậy, anh Aranck chưa bao giờ nói dối với ai bao giờ!
Lux vốn không ưa gì Aranck, nay lại thấy hai đứa con gái cứ quấn lấy thằng đó, thế là nó cười hì hì vặc lại:
– Nó có nói dối thì phải nói ở trước mặt bọn em sao? Bọn em có thể suốt ngày ở cạnh nó mà kiểm chứng không hả?
– Em…Em chỉ nói sự thật thôi. – Hiển nhiên đứa con gái cũng biết mình đuối lý, giọng nhỏ nhẹ không dám khẳng định.
Hai đứa con gái vốn là chị em với nhau, tuổi cách nhau mười tháng, đứa lớn tên là Hana và đứa nhỏ tên là Calanth. Hai chị em từ sớm đã thích Aranck, thậm chí chúng còn thề lớn lên sẽ gả cho thằng nhóc kia, bọn nhóc trong làng cũng thường thấy hai đứa nó suốt ngày đeo bám Aranck và luôn tìm mọi cách lấy lòng nó.
Một thằng nhóc có mái tóc xám với vẻ mặt buồn chán lên tiếng:
– Mặc dù tao không ưa gì thằng Qủy đỏ Aranck, nhưng quả thật nó nói đúng ý tao, đến trường làm gì, chẳng thà ở nhà ăn chơi còn sướng hơn nhiều.
– Mày im đi, So! Mày đã từng tới trường bao giờ đâu mà không biết nó chơi vui? – Người đáp trả là Dermot, nó thuộc thành phần muốn đi học nhất.
So nằm dài trên một tảng đá, lười nhác trả lời:
– Bởi vì ông nội tao từng học rồi, ông ấy bảo trường lớp ngoài học với học ra chẳng có gì để chơi cả, tại sao người lớn cứ khăng khăng bảo rằng đi học là ‘học’ chứ không phải chơi? Chỉ có lũ tụi bây ngây thơ nên mới cho rằng đi học là vui. Mặc kệ, tụi bây thích thì cứ đi, ông đây xin kiếu trước.
– …Nhưng ngôi trường nhìn đẹp lắm, nó xây trên một cái cây rất to ấy! Cực kỳ to luôn! Tao nhìn mà cứ tưởng lâu đài của các sư thầy ma quái trong mấy truyện thần tiên anh Đại kể ấy!- Đó là Kane Joy, thường bị lũ nhóc gọi là chân chó của anh Đại, làng có chuyện gì mới là nó biết tuốt. Đoạn Kane hào hứng nói tiếp:
– Tụi bây có biết tao nhìn thấy gì bên trong không? Tao đã phải trèo lên cái cây to nhất và cao nhất làng này để có thể nhìn xuyên qua cửa sổ ngôi trường ấy. Có lẽ tụi bây không tin chứ phải tin cặp mắt tao, nhìn nhìn này, nó không biết nói dối – Nói rồi Kane chỉ vào mắt mình rồi dí mặt nó vào từng đứa, hù tụi nhỏ một chập xong nó mới kể tiếp:
– Tao nhìn thấy rất rất nhiều giấy! Giấy chất đầy như núi luôn! Rồi cả mớ ống bình thủy tinh xanh xanh đỏ đỏ được bày biện cả căn phòng, hình như người ta nạm đá quý với châu báu lên trần nhà ấy, nhìn từ xa mà tao thấy cả căn phòng sáng trưng như ban ngày. Rồi tao còn nhìn thấy mấy bộ xương thú khổng lồ đi đi lại lại trong sảnh đường…
– Dừng, dừng! Mày càng nói tao càng ớn, hay ở chỗ nào chứ?!
– Nó bốc phét ấy, đừng tin.
– Thế bọn mày có đi không? Nghe có vẻ thú vị lắm.
– …Ờ, để tao coi lại – Nhiều đứa nhóc có vẻ bị Kane khơi gợi, chúng đột nhiên muốn tới trường để xem xem.
Trong khi tụi nhóc còn đang phân vân, Azgad đột nhiên vỗ tay thu hút sự chú ý của tất cả rồi hắng giọng nói:
– Tập trung!!!
Lũ nhóc vốn tụm năm tụm ba nay đều tự biết tìm vị trí theo hàng mà đứng, xong xuôi có đứa hỏi:
– Đức Hộ Vệ của đầu lĩnh có gì muốn nói?
Azgad lại hắng giọng, hất mặt lên một góc vuông, cô bé bắt đầu lớn giọng:
– Trong làng này ai là thứ hai?
– Đương nhiên là đức hộ vệ đây chứ ai! – Lũ trẻ con đáp
Azgad càng kiêu ngạo ngẩng cao đầu:
– Vậy ai đứng ở vị trí số một hả?
– Đương nhiên là…anh Đại! – Lũ trẻ đồng thanh nói.
Azgad lúc này mới hạ con mắt xuống, hứ một tiếng:
– Nếu anh Đại là lớn nhất làng này thì chúng ta phải nghe theo anh Đại, lát nữa anh Đại tới thì mọi người cứ hỏi việc này, nếu anh Đại bảo đi học thì không cho phép đứa nào trốn học, nếu bào không đi thì … toàn thể phải cúp học hết nghe chưa!
Mặc dù có nhiều đứa tỏ vẻ không phục lắm nhưng vì sợ Azgad nên cũng lên tiếng hùa theo. Hơn nửa anh Đại cũng là đầu lĩnh mà tụi nhỏ yêu thích nhất từ trước tới nay nên đương nhiên bọn nhỏ nguyện tuân theo lời của anh Đại.
Và khi mặt trời điểm qua nấc thứ ba, vị thủ lĩnh của chúng ta cực kỳ đúng giờ bước tới đồi Gấu Xám – nơi mà tụi nhóc trong làng tụ tập lại. Azgad là người đầu tiên nhìn thấy anh Đại, cô bé reo lên:
– Thủ lĩnh tới rồi, mọi người mau ngồi nghiêm chỉnh vào!
Cùng với Azgad, thằng Kane và một cô bé tóc hai bím khác lấy ra hai cái … nắp nồi và bắt đầu gõ vang trời. Đây là nghi thức mà tụi nhỏ bày ra để chào mừng thủ lĩnh.
Chỉ thấy cách đó không xa, có mấy bóng người chạy băng băng phóng thẳng về hướng lũ trẻ. Đó là bốn đứa nhóc lớn, mỗi đứa đều cùng vác một đứa trẻ khác trên vai rồi vừa chạy vừa la to:
– Tránh ra! Tránh ra! Thủ lĩnh tới rồiiiii !
Mà người bị vác cũng la to:
– T, từ từ! Oái! Thả tớ xuống! Tớ có thể tự đi!
Bọn trẻ ở trên đồi nghe thấy thế vội vội vàng vàng né ra hai bên để cho “cỗ kiệu người” phóng đến. Fergal ho sù sụ, cuối gập người khi bị bốn đứa trẻ kia cho “hạ cánh” xuống đất.
– Khù khụ….Rốt cuộc…Khụ…Là chuyện quái gì đây?!
Fergal vốn đang yên đang lành ở trong nhà, rồi đột nhiên bốn đứa Rock, Hall và cả anh em nhà Erin từ đâu chạy ào ào vào nhà cậu vừa la to:
– Thủ lĩnh đâu? Thủ lĩnh đâu?
Thấy Fergal một mặt kinh ngạc ngồi trên sân, bốn đứa nhanh như cắt túm lấy cậu nhóc vác lên vai, vừa chạy ngoái đầu nói với cậu:
– Có việc gấp! Có việc gấp! Thủ lĩnh mau tới đây!
Rồi năm đứa một mạch chạy tới đây không ngừng nghỉ, bị vác lên vai với tư thế dặt dẹo rồi còn chịu cả quãng đường xóc nảy lên xuống, Fergal có cảm giác nội tạng như bị đảo lộn mấy lần. Chờ cơn buồn nôn chấm dứt, Fergal mới phát hiện ra hôm nay có khá nhiều trẻ con trong làng tụ tập lại, tính sơ qua cũng có tới hai mươi hai, hai mươi ba đứa. Azgad hớn hở vội vàng đỡ Fergal ngồi lên tảng đá cao nhất, rồi cô nhóc nghiêm nghị nói với lũ nhóc:
– Thủ lĩnh đã tới rồi…Vậy chúng ta bắt đầu buổi họp ngày hôm nay!
Fergal dở khóc dở cười, cậu ngăn cô nhóc lại rồi hỏi:
– Khoan đã! Nói cho anh biết trước rốt cuộc là có chuyện gì cần giải quyết? – Thường thường lũ nhóc nếu có vấn đề lớn, hoặc gây chuyện chọc phá ai đó, chúng luôn dùng “phương thức” đặc biệt này để mời cậu tới giúp chúng nghĩ cách. Còn nếu không có chuyện thì Azgad sẽ luôn là người “hộ tống” cậu tới chỗ này.
Azgad nghe thế mắt sáng lên, cô bé cười hì hì:
– Qủa nhiên là thủ lĩnh! E hèm! Thực ra…chuyện là thế này, bởi vì làng chúng ta mới có một ngôi “rường” học…
– Là Trường học mới đúng – một đứa trẻ khác nhanh nhảu chữa lời.
Azgad lại e hèm mấy tiếng:
– ….Ờ thì là trường học, gọi là gì ấy nhỉ?
– Trường sơ cấp Tam diệp số 774749. – Một đứa khác nữa trả lời.
Azgad bực bội, hơi gắt giọng:
– Rồi! Trường sơ cấp Tam diệp … số nhiều quá không nhớ nữa! Tóm lại là chúng ta vừa có một ngôi trường mới! Và bọn em không biết liệu thủ lĩnh có phải nhận…à nhập…nhập…
– Nhập học ý ạ! Anh Đại có đi học không? – Lần này là Kane cướp lời Azgad.
Fergal lúc này mới hiểu rõ:
– Vậy là mọi người không muốn đi học?
– Đâu! Bọn tớ muốn học! Muốn vào trường xem cơ! – Đây là thành phần hiếu học nhưng ham chơi là chính.
– Đi học làm gì cho mệt. Thủ lĩnh đừng nghe lời tụi nó, học có gì vui! – Đây là thành phần ham chơi nhưng lười nhác là chính.
– IM LẶNG! TRẬT TỰ !NGHE THỦ LĨNH NÓI! – Đây là thành phần nghiêm túc nhưng chân chó là chính.
Fergal:
– ….
Sau khi khiến bọn nhóc im ắng lại, Azgad lúc này mới tươi cười với Fergal:
– Thế nên ý thủ lĩnh là sao ạ?
Fergal lấy tay nhéo nhéo mi tâm, khỏi cần hỏi cũng biết tụi nhỏ chia làm hai phe, một bên muốn đến trường và một bên thì không. Hai bên tranh cãi một hồi không phân thắng bại, rồi lôi cậu tới đây phân xử. Còn ý của Fergal, đương nhiên là:
– Đi học.
Một tá đứa nghe thế liền reo hò, những đứa thuộc phe ghét trường lớp dù không muốn nhưng nếu thủ lĩnh đã quyết định rồi, hơn nửa do phần lớn mọi người cùng ủng hộ đi học thì chúng bắt buộc cũng phải tuân theo số đông.
– Nhưng…tại sao ạ? Không tới trường không được sao?
Lũ trẻ khá bất ngờ khi người tỏ ý kiến phản đối đầu tiên lại chính là Azgad, con nhóc luôn luôn đứng về phía Fergal vô điều kiện nay đột nhiên thay đổi thái độ, có đứa nhóc ngoái nhìn ra bầu trời rồi thì thầm:
– Thần linh ơi! Mặt trăng có mọc vào ban ngày đâu mà con bé Azgad tự dưng đổi chứng, vậy mà dám chống đối với thủ lĩnh!
Mặt trăng mọc vào ban ngày là tục ngữ ở nơi đây, về ý thì khá tương tự với câu mặt trời mọc ở phía tây. Ngược lại Fergal không hề ngạc nhiên khi thấy người hỏi là Azgad, cô bé thuộc thành phần hiếu động nhất làng thì đương nhiên nhắc tới việc học tập cô bé sẽ cảm thấy bài xích, đây vốn là bản năng tự có của động vật đơn bào rồi.
Rất nhiều đứa trẻ như Azgad, nếu chỉ biết thúc ép bắt buộc học tập đơn thuần – học một cách thụ động, học không mục đích và càng không phải mong muốn của chúng thì khó khiến lũ trẻ chủ động tiếp thu tri thức, ngược lại còn tạo ra tâm lý phản nghịch chống lại ý muốn của người lớn. Thế nên rất cần những người lớn ra sức khuyến khích, khơi gợi cảm giác hứng thú và niềm yêu thích thật sự trong học tập của lũ trẻ thì mới có thể khiến chúng ngoan ngoãn cắp sách tới trường tới lớp. Nhưng liệu người lớn làng này có muốn giải thích cho lũ trẻ vì sao phải tới trường, hay có suy nghĩ muốn động viên khuyến khích chúng? Fergal cười ha hả trong lòng, đảm bảo họ sẽ nạt chúng mấy tiếng rồi qua ngày hôm sau túm cổ bọn nhóc tới trường bởi vì ngay cả chính họ cũng không biết tại sao phải học, học vì cái gì, họ chỉ đơn thuần là sợ hãi sự trừng phạt của đức vua và làm theo mệnh lệnh thôi.
Một phần cũng là vì tư tưởng thời đại này vẫn còn chưa tiến bộ hoàn toàn, con người nơi đây còn chưa hiểu rõ sức mạnh của tri thức và không cho rằng học tập có thể tạo nên thay đổi gì cho cuộc sống của họ. Ngẫm ra quyết sách của nhà vua hiện thời là rất đúng, người gần như tạo đủ điều kiện cho mọi tầng lớp dân chúng có thể đi học và phá vỡ từng tầng rào chắn để dân có thể tiếp cận tri thức dễ dàng hơn trước kia. Đặc biệt là khi Fergal nhìn vào nội dung của chương trình đào tạo bậc sơ học là đủ thấy rõ tư tưởng của người cầm quyền cực kỳ tiến bộ đi trước thời đại, thậm chí có lúc Fergal cho rằng vị vua này liệu có phải là người xuyên việt đến từ nền văn minh tiên tiến khác? Lại nói, tri thức giảng dạy hoàn toàn thực dụng trong đời sống, ứng vào thực tiễn mà không quá xa vào lý thuyết. Đây là điều rất khó được trong thời đại vừa mê tín( Fergal hiện chưa thừa nhận là thần linh có thật) vừa còn đang lạc hậu phong kiến như ngày nay.
Tri thức từ khi qua cải cách của nhà vua dần không còn là đặc quyền của tầng lớp thượng lưu và bất kể là ai dù nghèo hèn thế nào đều có thể học lấy, sử dụng chúng cho chính họ. Mặc dù thiếu nhiều công đoạn tuyên truyền và vận động người dân đi học nhưng chỉ cần qua vài chục năm, người dân sẽ tự nhận ra lợi ích của việc học tập tri thức và họ sẽ chủ động học lấy mà không cần có mệnh lệnh từ ai hết.
Quay trở lại vấn đề của Azgad, Fergal biết nếu trả lời không khéo, con bé có lẽ sẽ ngày càng rời xa con đường của tri thức, của văn minh, như thế chẳng khác gì bỏ qua những cơ hội để thay đổi cuộc sống tương lai của bản thân, không chỉ Azgad và còn rất nhiều đứa trẻ khác nữa. Sau một hồi ngẫm nghĩ, Fergal nhìn Azgad và hỏi:
– Bọn em có thích những câu chuyện về Vua Khỉ, thần sấm, về thiên thần có đôi cánh trắng ở trên trời mà anh từng kể không?
– Đương nhiên là thích rồi! Anh Đại còn chưa kể nốt trận chiến của vua Khỉ với yêu tinh Xương trắng đâu! – Rất nhiều đứa trẻ trả lời, cũng vì thích nghe Fergal kể chuyện mà lũ trẻ lúc nào cũng phải ‘cống nạp’ quà bánh hàng tháng cho Azgad đấy. Bởi Azgad đã ra điều luật là ai muốn được nghe anh Đại kể chuyện, bắt buộc phải dâng quà bánh cho con bé. Có nhiều đứa làm theo thật, có đứa tinh ranh hơn thì luôn tìm đủ mọi cách nghe cọp hoặc nhờ bạn bè kể lại.
Fergal mỉm cười:
– Vậy các em không tò mò vì sao anh lại biết được những câu chuyện kể ấy à?
Kane nhanh nhảu đáp:
– Là do anh Đại nghe mẹ kể phải không?
– Có thể là cha thủ lĩnh nữa! – Một vài đứa trẻ khác nói.
Fergal lắc đầu, mặt nghiêm nghị:
– Không! Không phải, cha mẹ của anh họ lại kể những câu chuyện khác cơ, họ không biết mấy câu chuyện mà anh đã kể cho tụi em nghe đâu. Cho dù mấy đứa có vặn hỏi hai người họ cỡ nào thì họ cũng không thể nào kể nốt cho mấy đứa phần hai của đại chiến vua Khỉ với yêu tinh Xương trắng!
Một vài đứa trẻ ồ lên thất vọng, hiển nhiên chúng cũng từng có ý định như thế.
– Thế anh Đại biết được mấy câu chuyện kể ấy từ đâu thế? – Người hỏi là Azgad, cô bé cũng là thành phần thích nghe kể truyện nhất, những câu chuyện đêm khuya của người lớn trong làng thường lặp đi lặp lại không có gì đổi mới, nhưng Fergal thì khác, dường như trong đầu thủ lĩnh luôn luôn có hàng tá tá tá mẫu truyện hay ho kỳ thú và không có cái nào giống cái nào, thế nên đó là lý do vì sao bọn nhóc lại cực kỳ thích thú mỗi khi ngồi nghe thủ lĩnh kể chuyện xưa.
Fergal cười cười:
– Đương nhiên là từ trong sách chứ ở đâu? – (Và cả phim ảnh nữa ) nhưng Fergal không nói ra, đơn giản là người nơi này làm gì có thứ gọi là phim.
Lũ trẻ lúc này mới ồ lên. Kane là đứa nhanh trí nhất, nó cho ra kết luận:
– Vậy là thủ lĩnh đọc những câu chuyện đó từ trong sách, mà muốn đọc được sách thì phải học viết được chữ, mà muốn biết chữ thì phải…
– Đi học! – Người đáp là Azgad, cô bé lúc này mắt sáng long lanh như ngộ ra chân lý nào đó, Azgad cho rằng một trong những tác dụng lớn nhất của việc học hành: đó chính là dạy cho người ta biết kể truyện!
Rồi Fergal lại quay sang hỏi một đứa trẻ khác trong đám:
– Jocelyn! Nhà em chuyên bán hoa đúng không?
Đứa trẻ gọi là Jocelyn là một cậu nhóc gầy gò, mặt đầy mụn với mái tóc y như tổ quạ. Bất chợt bị gọi tên nên Jocelyn hơi ngớ ra, phải bị mấy đứa nhóc khác thúc cho mấy cú đau điếng nó mới nhớ ra việc trả lời:
– Đ…Đúng vậy, nhà em có đủ các loại hoa luôn! Anh Đại muốn mua hoa ạ? Thế thì nhà em có hoa Law với bốn cánh màu xanh, rất thích hợp chưng trong nhà để trang trí; nếu anh muốn mua hoa tặng cho các quý nương thì em khuyên anh nên chọn hoa Agnes trắng tinh khiết, hoặc anh có thể chọn màu hồng, tím, đỏ,…cho các buổi hẹn hò cũng cực kỳ thích hợp, đảm bảo các cô gái sẽ thích mê luôn ấy! Còn nếu anh Đại thích loại thanh khiết, nhẹ nhàng nhưng không kém phần cao sang thì anh có thể chọn hoa Sao Xanh Bọt Biển, hoa Cao Đài Ánh Dương, hoa….
Azgad bực bội nạt thằng bé:
– Đủ rồi! Anh Đại có nói mua hoa bao giờ đâu!
Jocelyn lập tức im lặng, hiển nhiên nó mở miệng chào hàng theo thói quen mà thôi. Fergal ra hiệu cho Azgad bình tĩnh lại rồi từ tốn nói tiếp:
– Vậy, cảm ơn Jocelyn, tớ bây giờ không có ý định mua hoa của nhà cậu nhưng có lẽ, biết đâu tương lai tớ có tiền sẽ đến đặt hoa thì sao? Mà, giá cả của mỗi loại bông ấy như thế nào?
Jocelyn lại theo thói quen trả lời với khách mà nhanh chóng đáp:
– Hoa Agnes, Akina, Anzu đồng giá 5 bạc một bông; hoa Law 4 bạc, hoa Sao Xanh Bọt Biển cũng 4 bạc nhưng nếu anh mua số lượng nhiều thì em sẽ giảm cho 2 bạc; nay là mùa Phục Sinh nên nhà em có bán hoa Bradwell nửa bạc một bông, nếu anh mua mười bông em sẽ tặng thêm một bông; hoa Cao Đài Ánh Dương và hoa Chức Sáng cùng giá 7 bạc; Đặc biệt nhà em có nhập một lô hoa Chandra từ thị trấn, vì chỗ thân quen nên em sẽ tính anh 1 đồng Trăng** 7 bạc thôi, chứ nếu bán người ngoài nhà em tính tới 2 đồng Trăng một bông! Hoa…
Fergal cảm thấy đã nghe đủ rồi, cậu ngắt lời:
– Cảm ơn Jocelyn, thông tin của cậu rất hữu ích, giờ…tớ lại tò mò là khách mua hoa nhà cậu bình thường họ sẽ mua mấy bông?
Jocelyn nhăn mày, nó cố gắng nhớ lại sáng hôm nay hôm kia người ta mua bao nhiêu ấy nhỉ?
– Bình thường khách chỉ mua một hai bông mà thôi, nếu khách sộp có khi đặt mua tới hai mươi ba mươi bông. Ngày lễ, cúng thần thì nhà em tặng hoa miễn phí không bán rồi…
Fergal cười tủm tỉm:
– Vậy nếu, sau này tớ có tiền, muốn mua ở nhà cậu ba nghìn bông Bradwell thì tính ra mình phải trả nhà cậu bao nhiêu tiền?
Jocelyn trợn mắt há mồm:
– Ba…Ba nghìn bông?! Thánh thần ôi, kiểu này là em phát tài rồi! Để, để em tính! Một cây hoa giá 1 đồng Trăng 7 bạc đi, mười cây là 10 đồng Trăng 70 bạc, một trăm cây là 100 đồng Trăng 7…Hay 70 mươi bạc nhỉ? Không đúng, mười bạc là 1 đồng Trăng, 70 bạc là 7 đồng Trăng rồi, vậy phải tính lại từ mười cây là 10 đồng Trăng với 7 đồng Trăng…?
Jocelyn vò đầu bức tóc, hiển nhiên đã vượt quá khả năng tính toán của thằng bé. Fergal cười cười, nhìn Jocelyn sầu khổ cố gắng tính nhẩm cho ra đúng giá tiền, bên cạnh mấy đứa nhóc cũng không hiểu gì cả, Azgad tò mò hỏi:
– Thủ lĩnh muốn mua nhiều hoa như thế làm gì? Mà, nó có liên quan tới việc học hành sao?
Fergal lấy một cọng cỏ chòi chòi lỗ tai, một chân gác chân kia, sau đó mới nhàn nhã trả lời:
– Thì biết đâu, có thể anh sẽ lên trấn bán lại số hoa đó kiếm lời, anh mua của nhà Jocelyn với giá gốc là 1 đồng Trăng 7 bạc một bông đi. Đi tới thị trấn anh có thể bán lại với giá cao hơn như 2 đồng Trăng chẳng hạn?
Có đứa trẻ lẩm nhẩm:
– Vậy anh Đại sẽ lời bao nhiêu nhỉ?
Fergal đáp:
– Muốn mua ba nghìn bông Bradwell, anh phải bỏ ra ừm…3000 đồng Trăng 21000 nghìn bạc, đổi ra đồng Trăng hết là 5100 đồng Trăng. Rồi anh bán ở ngoài với giá 2 đồng Trăng một bông, anh sẽ thu lại 6000 đồng Trăng khi bán hết 3000 cây Bradwell, trừ đi vốn thì anh sẽ kiếm lời tới 900 đồng Trăng.
Mấy đứa trẻ nghe một hồi mà há hốc mồm, đối với chúng nó, mấy đồng Trăng đã là lớn lắm rồi, nói chi tới mấy trăm, mấy nghìn đồng Trăng. Jocelyn càng kinh ngạc hơn:
– 3000 đồng Trăng 21000 bạc, đồng Trăng lớn hơn đồng bạc rồi, nhưng 3000 làm sao lớn hơn 21000 được? Quái, tính thế nào nhỉ? Anh Đại bảo bỏ ra 5100 đồng Trăng, nhưng lời chỉ có 900 đồng Trăng, vậy là lỗ vốn chứ nhỉ?
Fergal lắc đầu:
– Là tớ lời 900 đồng Trăng không phải lỗ vốn, 900 đồng đó phải cộng thêm với 5100 đồng Trăng nữa,…Chậc, tức là tớ không chỉ lấy lại 5100 đồng Trăng đã bỏ ra, mà tớ còn có thêm 900 đồng Trăng khác, cho nên vụ này tớ lời chứ không hề lỗ.
Azgad há mồm ngơ ngác:
– Chín…chín trăm đồng Trăng, chao ôi, đủ để mình mua hết tiệm bánh ngọt của nhà Generosa luôn!
– Mua luôn mấy tiệm như thế ấy chứ!
– Làm gì tới mức đó, 900 đồng Trăng chắc đủ mua một tiệm như thế là cùng!
– Thì cũng là quá nhiều rồi, chao ôi, chao ôi….
– ….
Fergal đợi tụi nhỏ náo loạn một hồi rồi mới ra vẻ bí hiểm nói :
– Vậy mọi người có biết làm sao tớ tính được số tiền lớn như thế không?
Tụi nhỏ lắc đầu như trống bỏi, im lặng chờ câu trả lời.
– Chính là nhờ vào việc đi học, tớ mới có thể tính toán ra được ba nghìn đồng Trăng là bao nhiêu đồng bạc, sáu nghìn trừ đi năm nghìn mốt là chín trăm, vâng vâng…Chỉ có đi học, người ta mới chỉ dạy cho mấy đứa những kiến thức như thế, không đi học, mấy đứa càng không biết gì cả, có khi mua bán còn bị người khác lừa gạt lúc nào không hay!
Lũ trẻ ồ lên trông thấy, nhiều đứa có vẻ tin tưởng vào lời của Fergal lắm, nhưng Kane vẫn là đứa nhanh chóng phát hiện sơ hở trong câu nói của Fergal:
– Thế nhưng, anh Đại đã đi học bao giờ đâu mà anh dám khẳng định như thế?
– Phải, phải đấy! Trường cũng chỉ mới xây xong từ tháng trước, đến giờ đã cho ai vào học đâu mà anh Đại biết những điều đó! – Một hai đứa trẻ khác cũng hùa theo Kane.
Fergal vẫn không hề nao núng, cậu nhóc cười cười:
– Phải, tớ chưa từng đi học (kiếp trước không tính), nhưng mà… cha và mẹ tớ đã từng được vào trường Cơ sở của làng và học xong hết rồi. Thế nên, họ đã cho tớ biết những điều mà sắp tới các sư thầy sẽ dạy cho mình và họ còn giải thích rõ ràng muôn vàn lợi ích của việc học. Đó là lý do vì sao mà tớ muốn đi học, chỉ có đi học, mình mới trở thành người thông minh và hiểu biết! – Nói tới đoạn cuối, đôi mắt cậu nhóc sáng lên trông thấy, cả người linh động tràn đầy sự phấn khởi hào hứng, không còn cái vẻ già dặn trầm tĩnh như thường ngày.
Bọn nhóc hai mặt nhìn nhau, tiếng xì xầm và rù rì lan tỏa khắp nơi, tất cả đang thảo luận về những lời mà Fergal đã nói. Azgad và Kane hiếm khi có cùng biểu hiện trầm tư đăm chiêu( mặc dù hai đứa này khác nhau như một trời một vực). Fergal cảm thấy mình cũng đã cố gắng hết sức rồi, vốn việc này chẳng phải trách nhiệm của cậu, chỉ là cậu hy vọng rằng vẫn còn vớt vát được mấy đứa thật sự muốn đi học. Đừng tưởng rằng chỉ bằng mấy lời vừa rồi của Fergal có thể hoàn toàn thay đổi tư tưởng và suy nghĩ của những đứa nhác học, người ta thường hay nói giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời; có thể ngày hôm nay lũ trẻ vì bị cậu thuyết phục, chúng có lẽ sẽ chịu đến trường, nhưng rồi chúng cũng sẽ dần cảm thấy chán nản khi phải liên tục mài đít mấy năm trời mà thành quả thì vẫn chưa thấy rõ ràng. Học tập là cả một quá trình rèn luyện dài dằng dặc và cực kỳ yêu cầu tính kiên nhẫn, chú tâm. Mà không phải ai ai sinh ra cũng có cái đức tính kiên trì nhẫn nại ấy, Fergal cảm thấy nói về khả năng theo học tới cùng của lũ nhóc con làng này chắc chỉ được chưa quá ba bốn đứa.
Fergal đánh một cái ngáp, sau đó vẫy tay chào tụi nhóc:
– Thôi, tớ về trước, mọi người cứ tự nhiên.
Azgad vội lật đật đứng lên, hô hào:
– Tất cả! Nghiêm! Chào đầu lĩnh! Một hai ba! Chào!
Lũ trẻ uể oải đứng lên, chờ tới khi chúng cúi đầu chào thì Fergal đã đi từ lâu rồi. Azgad càng bực tức, cô nhóc cảm thấy rất mất mặt, gầm lên như sư tử rống:
– CÁI THÁI ĐỘ GÌ ĐÂY! KHÔNG AI COI LỆNH CỦA ĐỨC HỘ VỆ ĐÂY LÀ GÌ À??? Á À…ĐÃ THẾ NGÀY MAI BỌN BÂY CHỜ ĐÓ!
Từ dưới đồi, bọn trẻ túa ra như ong vỡ tổ, đằng sau là Azgad như hùm như hổ truy sát ở phía sau, nhiều đứa còn khoái chí vừa cười hô hố vừa khiêu khích Azgad tới gần, rồi sau đó vắt chân lên cổ mà chạy. Tiếng cười đùa vang vọng khắp nơi. Cảnh tượng này không hiếm thấy, người dân trong làng sớm quen, còn nếu có cảnh tượng gì mới thì có lẽ…ngôi trường học mới toanh xây dựa vào cây Tùng cao ngất ngoài làng kia mới là thứ lạ lẫm ở đây.
Fergal hai tay ôm sau đầu, vừa đi vừa huýt sáo, không biết ngày nào thì trường học mới chính thức mở cửa nhỉ?
——————————————————
Ngoài lề:
HỒ SƠ GHI CHÉP BÍ MẬT CỦA FERGAL
Làng mình có cái tên thật kỳ lạ: Lolalululu, đây là từ cổ, nhưng nếu dịch nghĩa ra thì như thế này ‘Đây là nơi mà đức vệ thần từng ghé qua nghỉ chân cùng với con chim Lulu ở trên vai’ , móa, chỉ có năm âm tiết mà sao chứa nhiều thông tin như thế? Tôi nghi rằng là người xưa lúc đặt tên vì quá lười đọc nên viết tắt lại luôn.
Làng Lolalululu nằm ở địa phận giao giới của khu rừng Axyts với thị trấn Bangbang, thuộc vùng quản hạt của Phiên thành Pontus E. Wall. Đất nước này không chia các vùng đất thành quận, tỉnh hay thành phố mà chia ra thành các Phiên thành. Mỗi Phiên thành rộng lớn to nhỏ cũng khác nhau, có khi một Phiên thành lớn như ba bốn tỉnh thành của Trái Đất, có khi chỉ nhỏ bằng một thị trấn bình thường. Lớn hơn Phiên thành là Đại Lãnh Bang, một Đại Lãnh Bang có từ năm tới mười Phiên thành. Tính sơ sơ nước Enchantland này (dịch nghĩa là Vùng đất mê hoặc) có năm Đại Lãnh Bang, mỗi Đại Lãnh Bang có 2 người cai quản có quyền lực tối cao như nhau, gọi là Lefwing và Righwing, một lo chuyện ngoại giao một lo nội vụ, tất cả đều dưới quyền đức vua.
* Nói về đo đạc thời gian, họ tính như thế này: ban ngày thì dựa vào sự di chuyển trên đường đi của mặt trời làm thước đo, rồi chia ra các đơn vị bậc( cỡ 15-20 giây) – khúc(1 tiếng) và nấc(2-3 tiếng), ban ngày thì có 6-7 nấc mặt trời; ban đêm thì dựa vào quỹ đạo hai vòng trăng để chia thời gian, cũng là bậc – khúc- nấc, số nấc ban đêm thì ngắn hơn, cỡ 5-6 nấc -> Tại sao người nơi đây phân chia thời gian phức tạp quá thể? Chưa hết, mỗi vùng miền đều có cách tính thời gian khác nhau, cách tính lịch cũng càng không tương đồng. Tương lai nếu có ra ngoài, có lẽ điều làm tôi thấy bối rối hay phiền phức nhất là làm sao tính được giờ mà thôi!
** Đơn vị tiền tệ ở thế giới này khá là dễ tính, vì sự giao lưu thông thương của các quốc gia, dần dần người ta chỉ dùng bốn loại tiền để trao đổi hàng hóa. Nguồn gốc bốn loại tiền này xuất phát từ các nhà thờ tôn giáo khi xưa, khi họ thờ các vị thần mặt trăng mặt trời, họ cũng đúc tiền và lấy trời, trăng làm tên cho đồng tiền rồi phát cho giáo dân. Vì thế, bây giờ đây không có tiền riêng của nước nào, chỉ có tiền chung của các nhà thờ mà thôi.
Đồng tiền lớn nhất là đồng Đại Thiên Thần, chỉ có mệnh giá một và hai.
(Ngoài ra còn có đồng Bạch Thiên Thần với Tử Thiên thần, trước kia rất lưu truyền nhưng không hiểu vì sao nay không còn thấy xuất hiện, theo lời kể của hai bậc phụ huynh thì cách đây gần một nghìn năm, hai loại tiền này bị các nhà thờ đồng loạt cấm trao đổi, rồi sau đó họ thâu gom chúng lại đốt sạch. Bởi người xưa cho rằng khi con người sử dụng đồng Bạch Thiên Thần và đồng Tử Thiên Thần, chúng sẽ mời gọi linh hồn con người đi đến một thế giới khác. Vì thế, hai loại đồng tiền đó đều là hai từ cấm kỵ trong thế giới này. )
Nhỏ hơn là đồng Mặt trời, chỉ có một mệnh giá duy nhất nhưng nó có tới ba loại: giá trị lớn nhất là đồng Mặt trời Helios (có ký hiệu ngôi sao mười cánh), tiếp đến là đồng Rahorakhty ( ký hiệu ngôi sao sáu cánh) và đồng Mani (ký hiệu ngôi sao bốn cánh)
Đồng Mặt Trăng cũng chỉ có một mệnh giá ( chính là 1), có hai loại, đồng Trăng tròn và đồng Trăng non, hình dáng đồng tiền giống như tên gọi, hai loại tiền có giá trị tương đương nhau, khác chỉ là chất liệu làm nên.
Cuối cùng giá trị nhỏ nhất là đồng bạc.
Quy đổi ra thì như thế này:
Một đồng Đại Thiên Thần đổi được 1 vạn ( 10000) đồng Mặt Trời Helios.
– 1 Đồng Mặt trời Helios = 100 đồng Mặt trời Rahorakhty
– 1 Đồng Mặt trời Rahorakhty = 100 đồng Mani
Một đồng Mặt trời Mani = 2000 đồng Mặt trăng
1 đồng Mặt trăng = 10 đồng bạc.
Bên cạnh đó còn có đồng Gna, giá trị nhỏ hơn đồng bạc, nhưng rất khó quy đổi, đôi khi 2 đồng Gna mới bằng một đồng bạc, có khi cả nắm đồng Gna chỉ đổi được vài đồng bạc. Loại tiền này bắt nguồn từ các lò đúc tiền, đôi khi đồng bạc bị đúc hỏng hoặc có pha thêm quá nhiều tạp chất nên không kết lại được, bỏ đi thì phí, nên dân chúng vẫn lấy sử dụng để mua bán những thứ nhỏ lẻ có giá trị không tới một đồng bạc.
Thông tin thêm là một nhà được coi là giàu có, theo tiêu chuẩn của cái làng này thì hàng tháng phải kiếm được ít nhất 100-200 đồng Trăng, ở thị trấn thì nhà giàu có thường thưởng thu vào hàng tháng cỡ 800 – 1500 đồng Trăng, ở Phiên thành thì cỡ 1 hay 2 đồng Mặt trời Mani.
Đồng Trăng và đồng Mặt trời Mani là được sử dụng phổ biến nhất.
Mục B – Tuổi tác, ngoại hình, quá trình trưởng thành và phát triển
Tuổi thọ trung bình của người nơi đây …khá thọ. Người già nhất của cái làng này là ông Venn, năm nay ông ta đã hơn hai trăm tuổi rồi, nom ông ấy còn khỏe mạnh lắm. Nếu một người bình thường ở nơi đây sống tốt và không gây chuyện thì có thể sống thọ tới hai trăm hai mươi tuổi, còn thường thường nam sẽ sống hơn 150 năm, nữ cỡ 180 năm.
Cho nên tôi thường nói người nơi đây là yêu quái thành tinh cũng chẳng sai.
(1 năm ở đây dài bằng 3 năm hơn ở trái đất, 200 năm tương đương với 600 năm ở Trái Đất, không là yêu tinh chứ là giống gì? Được rồi, họ không là yêu tinh, họ là người ngoài hành tinh)
Ngoại hình…ừm thì tôi thừa nhận mình có một vẻ ngoài khá là bảnh bao, mắt đen tóc …xanh – sự kết hợp đông tây quá hoàn mĩ rồi còn gì?
Không biết thế giới bên ngoài thế nào chứ nếu nhìn vào ngôi làng của tôi, nói thật không có ai giống ai cả. Da của họ trắng, vàng , đen lẫn lộn; rồi còn màu tóc màu mắt cũng chẳng đồng nhất. Có người da trắng, tóc trắng nhưng mắt lại có màu vàng; có người tóc nâu, mắt đen, da trắng; có người đen từ đầu tới cuối luôn. Cha Joey của tôi có mái tóc xanh lá, mắt nâu đen còn mẹ Lily lại có mái tóc vàng mềm mại, nước da màu nâu bánh mật khỏe mạnh và bà ấy có đôi mắt xanh như màu nước của đại dương. Có lẽ nâu đen + xanh dương đậm thì cho ra màu đen chứ nhỉ? (Nói luôn là nhà này chỉ có mình tôi da trắng, cha tôi đen không nói, mẹ tôi nâu, nhưng ngay cả chị giúp việc Lanna nước da cũng màu vàng sẫm là sao?!)
Nghe nói, người có dòng màu quý sờ tộc ở trên kinh đô xa lắc xa lơ kia có đôi mắt khá kỳ dị, tam trùng (3 chấm đen trong một con ngươi) và có ánh sáng vàng phát ra từ đôi mắt. Da họ … có màu xanh lơ nhạt và có vài đường vân ở giữa trán. Người ta bảo rằng chỉ có người trong hoàng tộc mới có đường vân đặc biệt ấy và dân thường tuyệt đối không có, ngay cả các thần quan cũng không có được những ký hiệu đặc biệt tương tự như thế trên cơ thể. Nhiều khi tôi nghi ngờ lũ quý sờ tộc ấy vốn là người ngoài hành tinh ở đâu đó tới đây xâm chiếm mất hành tinh này rồi tự phong cho mình là quý tộc ấy chứ.( Tôi không thừa nhận mấy lời vừa rồi xuất phát từ ác ý của mình với người hoàng tộc đâu).
Ngoài ra còn có một giống người da đỏ, không giống người da đỏ ở trái đất, da của họ đỏ chói, trên người của họ còn có lớp vảy giống cá và họ cũng có thể bơi lội rất giỏi dưới nước. Cha Joey kể rằng chủng người da đỏ kỳ dị ấy vốn là hậu duệ của thần mặt trời, sinh ra từ núi lửa và trưởng thành trong dung nham, nghe đồn bởi vì người họ phát ra lượng nhiệt rất lớn, thế nên họ đi tới đâu sẽ khiến nơi đó hạn hán, đất đai khô cằn và sông suối đều bốc hơi hết. Đó cũng là nguyên nhân người da đỏ ấy chỉ sống ngoài đại dương và ven biển vì nước biển không bao giờ cạn, dù họ có ở đó suốt đời thì nước cũng sẽ không bao giờ bốc hơi hết.
về các giai đoạn phát triển và trưởng thành sinh lý của người nơi đây
Nói chung là rất chậm. Bởi vì thời gian nơi đây dài gấp ba lần trái đất, nhưng tôi nhận ra sự phát triển của con người nơi đây lại có biểu đồ tương đương:
1-3 năm đầu còn sơ sinh, bắt đầu học đi học nói ( tức là họ tốn 3-9 năm để biết đi biết nói)
5- 9 thiếu niên
11-15 phát dục
20-25 trưởng thành
40-70 trung niên
70-130 bắt đầu già yếu
130 trở đi…tùy vào cách sống của mỗi người mà có người 100 tuổi đã già lụ khụ, có người còn trẻ măng như độ thanh xuân
Tuổi dây thì cũng có ý nghĩa rất quan trọng, người ở thế giới này trong kỳ dậy thì có điểm khác và điểm giống với người ở Trái Đất. Giống ở chỗ cơ thể sẽ phát triển cực kỳ nhanh và có những dấu hiệu như xuất tinh, có kinh nguyệt và … bộ phận nào nên to nên căng thì sẽ to sẽ căng, bộ phận nào nên cứng thì sẽ cứng. Còn khác thì lại do chủng người mà có những dấu hiệu hay đặc điểm khác trên cơ thể, ví dụ như mẹ Lily của tôi khi hồi dậy thì, trên cổ bà ấy xuất hiện ba hình vân kỳ quái, nhưng không rõ tác dụng của nó là gì, mãi đến khi sinh ra tôi thì những đường vân ấy mới biến mất dần. Còn cha tôi thuộc chủng người Blueagle, chủng người tiến hóa từ một loài chim săn mồi nào đó, khi ông ấy tới tuổi dậy thì, mặc dù không có cánh chim xuất hiện nhưng ông ấy có thể chạy nhảy rất xa và rất cao, ‘như một chú chim tự do tung cánh bay lượn trên bầu trời’ – đó là lời nhận xét của mẹ Lily về lần đầu tiên gặp ông ấy.
Điều đáng lưu ý là có một số người, vào tuổi dậy thì sẽ đột nhiên có được một khả năng kỳ diệu nào đó, ví dụ như tai thính, mắt có thể nhìn cực kỳ xa, hiểu được động vật nói chuyện, … hoặc thậm chí có thể tiếp xúc với ma thuật. Đây cũng là lớp người cực kỳ đặc biệt và hiếm có trên thế giới này, họ có thể điều khiển và tác động tới ma thuật, ngoại trừ hoàng tộc ra (quý sờ tộc biết làm phép từ khi mới sinh ra rồi). Người biết làm phép thường được mời chào vào các thần giáo, công hội hoặc trở thành hộ vệ của quý sờ tộc, họ luôn luôn được đặc cách có thể tiếp xúc với những tri thức ma thuật tối cao và cho phép sở hữu một số lượng lớn tiền bạc, của cải hoặc địa vị.
Nói chung, có phép thuật quả là….tuyệt quá trời! (Mặc dù nó là phản khoa học).
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI