Trời về chiều. Nắng tắt dần sau những mái nhà ga. Đèn đường chưa lên. Phố xá như thu mình lại trong góc tối. Gió lành lạnh thổi. Cây cối reo vù vù trên cao. Chim nháo nhào lướt vội. Còn người thì…
“Đông quá bố ơi! Gọi taxi đi cho rồi…!”
Năm người nhà Di vừa rời khỏi ga chừng mười phút. Mang theo cả đống hành lý lỉnh khỉnh, cả nhà hòa vào dòng người đông đúc ở trạm, đứng chờ xe. Đang giờ cao điểm, xe buýt không đến trễ thì cũng chật kín người, rồi cứ thế liên tục bỏ khách mà đi.
Đã nửa tiếng trôi qua, chiếc số 1 đi hướng nhà Di vẫn chẳng thấy tăm hơi. Cậu lại nài nỉ bố:
“Đi mà bố! Đợi xe buýt đến bao giờ?”
“Bíp… Bíp…”
Thình lình, tiếng còi xe ô tô chợt vọng.
Một chiếc Audi đen trờ tới gần vỉa hè từ bao giờ. Cửa kính xe từ từ hạ xuống. Gương mặt người bên trong từ ghế lái nhoài ra. Và ngay lập tức, Di liền nhảy cẫng lên như bắt được vàng: “A! Anh Du!!”
…
“Gia đình tôi phiền cậu quá!”
Ngồi đằng sau băng ghế lái, bố Di – người đàn ông đã ngoài năm mươi với lớp da đen nhẻm đặc trưng của một người quanh năm bám biển, khẽ gật đầu, khép nép nói.
Với ông, được ngồi trong một chiếc ô tô sang trọng nhường này hệt như một giấc mơ, chỉ sợ… một chút va chạm thôi cũng đủ khiến nó vỡ tan đi như bọt nước.
Thế mà, trái với sự dè dặt của ông, vợ và con ông lại rất biết chi là hưởng thụ.
“Oa! Ở đây tuyệt quá đi!! Cảm giác cứ như đang ở khách sạn năm sao vậy!… Anh Du này, em sống ở đây luôn cũng được đó!”
Di chồm người ra băng ghế trước, hồ hởi thông báo. Mặc dù cậu chưa từng ở khách sạn năm sao bao giờ nhưng cảm giác chắc… cũng đến thế là cùng! Ánh mắt Di chợt nhìn những người bên đường, cánh mũi tự hào phổng lên.
“Thằng Ba, ngồi xuống ngay ngắn cho mẹ nào! Loi choi như thế làm sao anh lái cho được.”
“Mẹ cũng có hơn gì đâu.”
Di càu nhàu đáp lại nhưng vẫn ngoan ngoãn ngồi xuống. Cậu nhìn người phụ nữ trung niên đang ngồi cạnh Du ở băng ghế trước bằng nửa con mắt, sau đó lên giọng buộc tội.
“Anh ấy đang lái xe đó! Mẹ thôi cái trò đút ăn đó đi. Xảy ra tai nạn bây giờ. Muốn đút thì mẹ đút bố đây này… Bố!! Bố nói gì đi chứ!”
Di quay sang trái khều bố. Nhưng bố Di đang bận lựa lời. Khuyên vợ trước mặt người lạ sao cho lịch sự và văn hóa không phải là một việc dễ dàng, nhất là với một người ít học như ông.
Trong lúc đó, ngồi ngay cạnh Di bên cánh phải, cô chị trạc cỡ hai mươi đang bận rộn xốc đứa em gái út trên đùi lên, chỉnh lại tư thế ngủ cho đứa bé sao cho bản thân toát lên vẻ hiền thục nhất. Xong thì sửa cổ áo, vén tóc mai… tốn cả vài phút mới đường hoàng lên tiếng. Giọng ngọt đến giật cả người.
“Mẹ à…”
“Chị bị gì nhập à?!”
Di trợn trừng cắt ngang. Cả bố Di cũng không kiềm được cơn ớn lạnh, quay nhìn con gái bằng ánh mắt ngỡ ngàng… Vậy mà, những người phụ nữ nhà Di vẫn có thể điềm nhiên tiếp tục cái giọng như ca cải lương ấy.
“Gì, bé Hai?”
“Mời khách như vậy không được đâu mẹ… Câm mồm cho tao.” Chị gái rít khẽ qua kẽ răng những lời cuối cùng với Di rồi rất nhanh chóng chuyển sang gương mặt ôn hòa như nước. Giọng vẫn không đổi tông. “Anh ấy phải lái xe mà… Đợi về nhà mình, cùng nhau ăn bánh uống trà có phải tiện hơn không?”
“Nhưng bánh ngon mà cậu nhỉ?”
Nói rồi, bà mẹ ba con lại vô tư quay sang, nhón lấy mẩu bánh nhỏ trong túi giấy, cẩn thận đút vào khuôn miệng bất đắc dĩ phải mở ra của Du. Tiếng nhai rồm rộp vang lên một lúc rồi dừng lại.
“Dạ, vâng.” Du nghiêng đầu đáp. “Vỏ bánh giòn rộm. Còn có mùi thơm của gạo và vị ngòn ngọt của đường. Ăn rất vừa miệng ạ.”
“Chứ gì nữa! Đấy có phải gạo thường đâu. Mà là gạo nếp cái hoa vàng được ngâm qua đêm, sau đó, đồ xôi đem giã. Thêm khoai môn luộc với rượu trắng vào. Đem phơi khô rồi lại chiên lên. Hay cái là… bánh để cả tuần mà vẫn giòn thơm, vị ngon không đổi. Bánh cậu ăn cũng là đã năm ngày rồi đấy!”
“Mẹ này…” Cô con gái xấu hổ kêu lên. Rồi được thể Du đang chú tâm vào vấn đề này, cô liền mau lẹ chen vào tiếp chuyện. “Mà anh biết tại sao Pẻng khua lại có tên là ‘bánh cười’ không? Bởi vì… khi chiên lên, bánh sẽ nở ra cùng tiếng nổ râm ran tựa như tiếng cười ấy. Món này vốn là đặc sản quê ngoại em. Nó là món bánh ai ăn vào cũng thấy vui cả. Thực ra… Bánh anh ăn, một phần… là do em làm đấy ạ.”
“Thật sao? Em đảm đang quá!”
“Xạo ke!”
Tiếng của Di gần như át lấy lời của Du. Đôi mắt chị gái dành cho Di lập tức hóa thành hình viên đạn.
“Mà mọi người từ Cao Bằng về sớm thế, chắc là có việc gấp gì à? Cháu nghe nói, lễ ‘Pây tái’ của người Tày thường diễn ra vào rằm tháng bảy. Hôm nay chỉ mới mùng bốn thôi mà…”
Chẳng biết có nghe thấy lời của hai chị em Di hay không mà Du bỗng chuyển chủ đề. Giọng vẫn ôn tồn, không tỏ rõ chút thái độ nào.
Rằm tháng bảy, lễ “Pây tái” là một trong hai cái Tết quan trọng nhất năm của người Tày, bên cạnh Tết Nguyên Đán. Đó là ngày mà những người phụ nữ có thể cùng chồng con trở về nhà ngoại để thăm nom, chăm sóc bố mẹ đẻ. “Pây tái” là một phong tục hàm chứa rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà những người Tày, Nùng dù sống ở bất cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S cũng không quên đi tập tục. Gia đình Di, cũng là một trong số đó.
“Ngày xưa, giao thông cách trở, đi lại khó khăn nên mỗi năm chỉ về được một, hai lần. Thành ra ‘Pây tái’ thường dồn vào mùng hai Tết với rằm tháng bảy. Giờ, cái gì cũng thuận tiện rồi nên muốn về lúc nào cũng được. Chẳng cần đợi đúng ngày nữa. Đi sớm về sớm, đặng còn cho sắp nhỏ đi học… Mà cậu cũng am hiểu phong tục của chúng tôi nhỉ?” Mẹ Di hồ hởi nói.
“Dạ. Cháu đi nhiều nên cũng có biết đôi chút.”
Du khiêm tốn đáp. Vừa dứt lời thì Di liền nhanh nhảu chen vào.
“Bố mẹ à, ảnh biết nhiều thứ lắm! Hồi đợt ma sói, ảnh kể rất nhiều chuyện thú vị. Nào chặt đầu, treo cổ… rồi còn phù thủy, pháp thuật này nọ. Nghe hay lắm!”
“Be bé cái mồm thôi!” Mẹ Di bỗng nạt. “Đương tháng cô hồn, đừng có oang oang chuyện ma với quỷ. Mà mày cũng bớt đến quán thằng Kai đi…”
“Không!”
Mẹ chưa dứt lời, Di đã phản đối lập tức. Tay chân bỗng giẫy đành đạch trên ghế.
“Cái thằng này…” Cô chị cũng không kiềm được liền nhoài người sang, cốc vào đầu cậu em một cái. “Năm nào ở đó cũng xảy ra chuyện… Còn không biết chừa à? Định theo đuôi con nhỏ ám khí đó đến bao giờ!”
“Ấy, đừng nói Rin như thế chứ con! Dù sao cũng nhờ nhà họ mà khu phố mình mới được bình yên như bây giờ. Chứ như năm năm trước…”
“Má nó!”
Lần đầu tiên con người cả nể như bố Di lại gắt lên. Ông nhìn vợ, đôi mày khe chau lại, giọng lắng xuống như thể đang muốn gói gọn mọi chuyện vào một viên đá rồi thẳng tay ném xuống dòng nước.
“Chuyện xưa rồi nhắc lại làm gì…”
Chỉ một câu thôi, không ngờ lại có thể khiến những người còn lại trong gia đình đều răm rắp nghe theo. Dù không có phong thái ngút trời nhưng bố Di vẫn có khí chất của một người chủ gia đình lâu năm. Và theo lẽ đó, chuyến xe bỗng đằm thắm quá mức ở nửa đoạn đường về.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI