2 triệu là một khoản tiền thực sự lớn đối với tôi.
Ý là, dĩ nhiên tôi từng cầm nhiều hơn 2 triệu đồng trong người, đặc biệt là lúc lĩnh lương tháng từ việc làm thêm tại The Lucky Star, hay khi cầm tiền đi đóng học phí (trường Đại học của tôi thu tiền học chính qua tài khoản ngân hàng nhưng lại thu tiền học lại tại phòng kế toán). Thế nhưng khoản tiền đó luôn thuộc về người khác: Chủ nhà trọ, sở điện lực, nhà máy nước, cô bán gạo, chị bán rau, và cuối mỗi tháng thì tôi luôn nằm trong trạng thái thoi thóp chờ đợi tới tháng sau để nhận thêm trợ cấp từ mẹ và tiền đi làm thêm từ anh Tùng.
Bây giờ đã là gần cuối tháng, và tôi vẫn còn hơn 1 triệu đồng tiền sinh hoạt phí cùng hơn 1 triệu đồng tiền trong tài khoản tiết kiệm. Chỉ còn đâu đó hơn chục ngày là tôi sẽ lại có lương tháng, có tiền cứu tế từ mẹ, đồng nghĩa với việc tôi có tới 4 triệu đồng để sinh tồn từ giờ tới cuối tháng. Trên thực tế, mỗi ngày tôi chỉ cần khoảng 20K để ăn mì thoi thóp qua bữa, từ giờ tới cuối tháng tôi cũng chỉ cần đổ xăng thêm một lần là cùng. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ có tới 3 củ 7 tiền “nhàn rỗi”…
3 củ 7. 3.700.000 VNĐ. Ba triệu bảy trăm nghìn đồng.
Và đã hơn ba năm rồi, kể từ lần cuối cùng tôi mua một đôi giày mới…
Cám dỗ lập tức nhen nhóm lên trong lòng, dụ dỗ tôi bỏ qua những tính toán cơm ăn nước uống để bước lên tầng cao nhất của tam giác Maslow. Tôi thực sự muốn mua một đôi giày mới, trời ạ, đã hơn một năm rồi tôi chưa được mua giày mới! Và thậm chí, tôi còn chưa bao giờ được mua “giày mới”, những đôi giày mà tôi đang sở hữu hầu như đều là mua lại từ một ai đó mà thôi.
Đôi Air Jordan 1 Chicago tôi đang mang là mua lại của anh quản lý cũ hồi đi làm thêm tại CGV. Đôi Jordan 3 Black Cement thì mua lại trên mạng sau hàng loạt lần legit-check cân não, vào cái thời mà Jordan 3 Black Cement vẫn là đôi giày hàng tuyển bị làm nhái nhiều nhất nhì thị trường giao dịch. Rất có thể, đây sẽ là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm chuyện “đập hộp” một đôi giày mới tinh tươm chăng?
***
Chiều hôm ấy, tôi lại tới sớm trước ca làm tới nửa tiếng – và đây sẽ là 30 phút để tôi trải nghiệm cảm giác làm khách quý tại cửa hàng The Lucky Star. Anh Tùng trố mắt nhìn tôi khi nghe tuyên bố “Em muốn mua giày.”, nhưng cũng nhe răng cười khi nghe tôi nói rằng mình đang đôi phần dư dả.
“Thật ra 3 củ 7 thì khó mua được giày ngon lắm.” – Anh Tùng nhún vai. “Mày làm ở đây thì biết mà. Nhưng cứ lấy mấy đôi tầm 5 – 6 triệu gì đó cũng được. Tao giảm giá rồi trừ phần thiếu vào lương tháng sau cho.”
Tôi cũng chỉ mong đợi có thể. Thế nhưng cửa hàng mọi ngày vốn được lấp đầy bởi những đôi giày tôi ao ước thèm muốn nay bỗng co rút lại như cái áo len bị sỗ sàng bỏ vào máy giặt, mấy gian giày thường cho tới “Kệ danh vọng” bỗng nhiên bị chia ra làm hai nửa: “Giày giá quá đắt” và “Giày giá vừa xinh, nhưng tôi… không thích.”
Dĩ nhiên tôi chả mơ ước gì mấy đôi Jordan 1 Union LA, NIKE Fear of God, BB Adapt hay Zoom Stussy đang nóng bỏng tay ở thời điểm này (tôi ngờ rằng nếu có cả vài chục triệu trong tay thì bản thân cũng không dám chi hết chừng ấy tiền cho một đôi giày.) Tôi là một gã thích mặc đồ vintage, vậy nên những đôi giày bóng rổ signature có mức giá phải chăng được NIKE làm riêng cho các danh thủ như Kyrie hay Kevin Durant cũng không thực sự lọt vào mắt xanh của tôi cho lắm. 30 phút trải nghiệm khách hàng trôi qua nhanh như một cơn gió, và tôi vẫn chưa mua được đôi giày nào cho mình.
“Mà mày đang đứng đầu bảng đúng không?” – anh Tùng quay qua hỏi khi tôi đang ngồi lúi húi bọc lại mấy đôi giày bằng giấy bóng kính chống bụi.
“Sao anh biết?” – Tôi ngạc nhiên quay qua nhìn lại ông anh. Bảng xếp hạng này đâu có công bố danh tính người chơi đâu cơ chứ?
“Tên của mày chình ình ra đấy. airjordaNT, với NT là Nguyễn Thiện. Đấy là tên ingame của mày từ thời chơi Vua Bóng Rổ còn gì? Chúng nó cũng truy ra mày trên mạng rồi đấy.”
Tôi vỗ nhẹ tay lên trán, giật mình nhận ra ngay cả tài khoản Instagram của mình cũng đang có tên miền tương tự. Để chiến thắng cuộc thi này mà không bị làm phiền và chia sẻ thông tin với người khác, tôi biết mình cần phải tránh mọi tai mắt thiên hạ, do đó tôi nhanh chóng lôi điện thoại ra và log in và tài khoản Instagram để đổi tên.
Ngay khi bật wifi lên (tôi thường tắt wifi để tiết kiệm pin cho con điện thoại cao niên), tôi lập tức bị nhấn chìm bởi hàng tá thông báo, một số lớn trong đó tới từ chính Instagram. Tài khoản vốn chỉ đăng 3 cái ảnh và có 23 người theo dõi của tôi giờ đây đã có thêm hơn 100 lượt theo dõi mới vùng vô số tin nhắn DM thẳng mặt, hầu hết trong số đó đều bày tỏ ngưỡng mộ qua loa rồi vào việc bằng cách hỏi thẳng tôi “Câu hỏi thứ 2 là gì?”. Xem ra, tất cả đều đang rất nghiêm túc với cuộc chơi này.
“Để tao đoán xem nhé, chúng nó đều đang hỏi câu thứ 2 là gì đúng không?” – anh Tùng cười khùng khục đắc thắng, sau đó vội nói tiếp ngay khi cảm thấy sự ngần ngừ của tôi. “Tao cũng trả lời được câu đầu tiên rồi, đang đợi chục tiếng nữa để xem câu thứ 2 là gì. An tâm, tao chơi công bằng, không cần tiết lộ câu hỏi thứ 2 cho tao đâu.”
“Em hiểu.” – Tôi cười ngần ngại, ít nhiều cảm kích sự thẳng thắn của ông anh. “Em mà thắng 2 tỷ 3, em sẽ mua hết cửa hàng anh luôn, thề!”
“Để tiền mà làm việc khác.” – anh Tùng rời mắt ra khỏi màn hình, đoạn nhìn tôi nói chậm rãi. “Đừng có để mỗi giày trong đầu, mày nợ môn nhiều lắm rồi đấy. Đừng để tới lúc bác Thái gọi điện mắng vốn tao…”
Anh Tùng tự nhiên nhắc đến mẹ làm tôi giật mình, đánh rơi cả đôi Uptempo đang bọc nylon dở xuống đất. Lòng tôi bỗng hơi chùng xuống: Cũng lâu lâu rồi mình chưa gọi điện về nhà xem tình hình ra sao nhỉ?
Tôi nhấc máy gọi cho mẹ vài cuộc điện thoại đều không được – chắc mẹ đang quá bận bịu tại cửa hàng. Cái hàng tạp hóa nho nhỏ của mẹ cứ tới tầm chiều là lại nhiều khách – người mớ rau, kẻ quả chanh, trông thì tủn mủn mà rốt cục cũng nuôi tôi tới tận năm thứ 3 Đại học rồi. Nếu thắng được 2,3 tỷ đồng của “Mật Mã Sneaker”, tôi sẽ không bao giờ để mẹ phải vất vả như thế nữa…
Còn với 3 triệu 7 trước mắt thì… có lẽ tôi vẫn sẽ ích kỷ một chút…
“Nhưng mà 3 triệu 7 thì cũng khó mua giày thật!” – anh Tùng khoanh tay trước ngực, mặt giả làm cái vẻ đăm chiêu triết học đường phố. “Buồn cười nhỉ, ngày bé tao có mấy đôi Avia, cứ đi hỏng là thay, hỏng là thay. Dám chắc là cho tới tận khi lên cấp Ba, tổng tiền giày của tao chắc cộng lại không quá 2 triệu. Và giờ đây, cầm 3 triệu 7 trong tay, ngay cả một chủ cửa hàng giày như tao cũng không biết phải khuyên mày mua cái gì!”
Đoạn, ông anh nhoài người về cái kệ sau lưng, lấy một đôi Jordan 1 “Origin Story” xuống, vọc vọc trong tay.
“Chỉ là da và cao su. Một túi Airbag đặt giữa đế giày. Gia công tại Việt Nam hoặc Trung Quốc. Hết. Thậm chí bây giờ cũng chẳng ai đem mấy đôi giày này đi chơi bóng rổ nữa, thế mà giá vẫn cứ trên trời, còn đắt hơn mấy đôi Balenciaga made in Italy nữa!”
Tôi gật gù, thầm hiểu cho thắc mắc của ông anh. Không giống tôi, anh Tùng nhảy vào shoegame với tư cách một thương buôn thay vì một kẻ đam mê giày thuần túy. Anh Tùng cũng thích giày – dĩ nhiên, nếu không thì lão đã không chọn buôn giày – nhưng không đủ nhiều để hiểu, vì sao một đôi giày thể thao có giá hợp thành chỉ trên dưới 10-15 USD lại có giá chợ đen cao hơn cả một đôi giày made… in…
… Italy?
Nước Ý? Cái nôi của rất nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Bottega Veneta hay Versace? Đất nước hình “Chiếc ủng”?
Tôi vội rút điện thoại ra và kiểm tra lại câu hỏi thứ 3. Thay vì ngay lập tức hiển thị hình chiếc ủng, màn hình lại bắt đầu từ dấu “Swoosh” đỏ từ từ biến mất, sau đó mới tới hình vẽ nguệch ngoạc của câu đố thứ 3. Chẳng phải quá rõ ràng sao?
Air Jordan 1 là một sự thành công khỏi cần chối cãi, nhưng kẻ kế nhiệm nó thì không được thành công như vậy. Thiết kế Air Jordan 2 được Peter Moore và Bruce Kilgore cho ra đời không thực sự thỏa mãn được những yêu cầu trên sân bóng của Michael Jordan, gián tiếp dẫn tới sự trồi sụt phong độ đáng tiếc của ông trong mùa giải NBA 1986 – 1987. Tuy vậy, tính thẩm mỹ của đôi giày này vẫn là không phải bàn cãi, khi nó được thiết kế dựa trên mẫu giày boots dành cho phụ nữ! Chẳng phải quá hiển nhiên sao? Và trùng hợp thay, những đôi Air Jordan 2 đầu tiên cũng là những đôi Air Jordan duy nhất được đặt hàng sản xuất tại Italy – đất nước hình chiếc ủng!
Để chắc chắn hơn cho giả thiết của mình, tôi quyết định bật câu hỏi thứ 3 lên thêm một lần nữa. Như một quả cherry trên đỉnh ly kem đắt tiền nào đó mà tôi chưa từng thử qua, dấu Swoosh đỏ lại hiện lên, sau đó mới từ từ tan biến đi và để lộ ra đề bài. Như vậy, màn “tan biến” đó không phải một đoạn chuyển đề có hiệu ứng đẹp mắt – bản thân nó chính là một phần của câu hỏi thứ 2! Air Jordan 2 cũng chính là đôi Jordan đầu tiên được “loại bỏ” dấu Swoosh trên thiết kế giày – và bất cứ kẻ nào thiết kế ra màn chơi này hẳn cũng là một đầu giày thực sự rất – tinh – tế!
Không thể kìm nén được niềm vui sướng, tôi hồi hộp gõ đáp án của mình vào ô trả lời.
“Air Jordan 2”
Một tiếng “ting ting” tức khắc vang lên. Ngay lập tức, chiếc điện thoại cao niên của tôi treo cứng – một cơn mưa tin nhắn vào tài khoản Instagram của tôi với cùng một nội dung từ đầu giày tứ phương đã làm cỗ máy khốn khổ nhất thời không xử lý được. Nhưng, tôi cũng không cần phải kiểm tra kết quả bằng điện thoại nữa, bởi từ phía bên kia căn phòng, anh Tùng đã giơ điện thoại lên để tôi có thể thấy một thông báo mới, gương mặt nở một nụ cười ranh mãnh.
“airjordaNT là người đầu tiên giải quyết được câu đố thứ 3. Xin chúc mừng! Câu đố thứ 2 sẽ được công bố tới toàn thể người chơi ngay bây giờ.”
Thông báo này… thật sự chẳng khác gì vừa đấm vừa xoa cả!
Tôi vẫn tưởng nếu xử lý được câu đố thứ 3 thì mình sẽ có thêm 12 tiếng lợi thế, cộng thêm với đâu đó chừng 8 – 9 tiếng thời gian còn dư ở câu đố thứ 2 sẽ tạo thành ưu thế khổng lồ lên tới hơn 20 tiếng. Đáng tiếc thay, hệ thống game lại quyết định sẽ reset luôn khoảng thời gian chờ này, đồng nghĩa với việc dù giải được câu đố thứ 3 sớm hơn thời hạn dự kiến, tôi vẫn chỉ có 12 giờ đồng hồ nhanh tay hơn so với các đối thủ của mình.
Câu đố thứ 2 thực sự là một câu hỏi khó, và tôi cũng giải đáp được nó với ít nhiều may mắn – có trời mới biết nếu không có cuộc nói chuyện với anh Tùng thì tôi phải mất thêm bao nhiêu thời gian nữa mới nghĩ tới từ khóa “Italy” – mấu chốt cho đáp án “Air Jordan 2”? Và vì trò chơi này rõ ràng là không có chỗ cho những kẻ chậm tay hay chủ quan, thế nên tôi ngay lập tức phải kiểm tra câu đố thứ 4.
Sẽ là gì đây? Sau Air Ship và Air Jordan 2, không lẽ lần này sẽ là câu hỏi về… Air Jordan 3?
Không làm tôi thất vọng, câu đố này cũng trừu tượng và khó hiểu chẳng khác gì câu trước đó. Màn hình của điện thoại sau khi từ từ vượt qua cơn bão thông báo khủng khiếp cuối cùng cũng ổn định lại, sau đó hiện ra duy nhất 3 chữ số.
273
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI