Thủy Nguyên chạm mặt một nhóm phù thủy trẻ vừa trở về trường sau khi làm nhiệm vụ áp tải. Dấu vết của hành trình vất vả dưới màn mưa nặng hạt vẫn còn hiện hữu trên những gương mặt nhợt nhạt và hai tá gấu quần ướt sũng nước. Nhưng sự mệt mỏi ấy vẫn không thể dập tắt được sự phấn khích khi nhiệm vụ khó khăn đã hoàn thành. Đám thiếu niên cười đùa, í ới gọi tên nhau bằng những đôi môi vẫn chưa hết run vì lạnh. Chúng cởi bỏ bộ đồ bảo hộ đã ngấm no nước, tùy tiện ném xuống sàn hay treo một cách cẩu thả lên mắc áo. Đống quần áo ướt tạo ra những dòng suối nhỏ màu bùn chảy ngang dọc lối đi ốp đá xám. Vài đứa là phù thủy hệ lửa còn tạo ra những ngọn lửa nhỏ trong lòng bàn tay để hong khô tóc tai áo quần cho mình và sưởi ấm cho những đứa xung quanh.
“Này mấy đứa! Đừng có tự ý thực hành phép thuật trong không gian chung chứ!” – Thủy Nguyên buộc phải nhắc nhở. Đám phù thủy trẻ miễn cưỡng chấp hành yêu cầu của chàng giáo vụ chẳng lớn hơn chúng mấy tuổi.
Bỏ lại sau lưng đám phù thủy trẻ ồn ào, Thủy Nguyên tiến vào phòng sinh hoạt chung. Căn phòng được thiết kế làm nơi diễn ra các cuộc gặp mặt hội đồng phù thủy tối cao giờ là nơi trú chân cho đám học viên của Koan vào khoảng thời gian chúng không phải lên lớp, nhưng vẫn còn quá sớm để trở về phòng riêng hay đến nhà ăn tìm gì đó bỏ bụng. Năm trăm năm đầy biến động đã cuốn bay những vết tích xa hoa khỏi căn phòng. Giờ đây, dấu vết một thời vàng son của giới phù thủy chỉ còn được lưu lại trong những bức chân dung những phù thủy tối cao treo kín tám mặt tường. Mỗi năm, nội việc vệ sinh những bức tranh kiểu ấy cũng ngốn của Thủy Nguyên một tháng trời.
Nhưng sự quan tâm của anh không dành cho những bức tranh, những gối đậu, ghế sô pha, ghế đung đưa, bàn đọc sách, bàn cà phê, bàn cá nhân, gối kê chân, gối tựa, thảm len… bày la liệt khắp căn phòng hay vài chục phù thủy trẻ như nét điểm xuyết vào khung cảnh ngồn ngộn đồ nội thất ấy. Sự chú ý của anh hướng về phía thằng nhóc ngồi ở góc xa nhất của khung cảnh. Thằng nhóc có mái tóc màu hung đỏ chải ép vào hai bên thái dương và khuôn mặt trái xoan màu sữa. Nó đang lơ đãng nhìn khung cảnh bên ngoài màn mưa trắng xoá, cuốn sách phép mở trên đùi. Thằng nhóc giật mình nhận ra ánh mắt của Thủy Nguyên. Nó cau mày, mang vẻ khó chịu trưng lên mặt cốt để kẻ nhìn trộm trông thấy, rồi lại tiếp tục chìm đắm vào thế giới của riêng nó.
Thằng bé là Thành Tâm. Tâm đã từng là một bé trai gầy gò với mái tóc hung dài loà xoà che kín mắt, cả ngày dính chặt lấy Thủy Nguyên và làm anh gần như phát khùng bằng những thắc mắc của mình.
“Thời gian trôi đi nhanh thật!” – Thủy Nguyên khẽ thở dài, bỏ em trai lại trong thế giới của riêng nó, còn mình thì xách cái hộp chứa bộ đồ nghề sửa ống bước thẳng về phía cánh cửa dẫn sang khu nhà tắm dành cho học viên.
…
Nhà tắm là một tòa nhà phụ nằm ở xa bên cánh phía Tây của toà tháp chính, nhìn thẳng ra biển. Tên gọi chung chung là nhà tắm, nhưng dãy phòng ấy còn đảm nhận thêm nhiều công năng khác như là khu vệ sinh chung, nơi giặt giũ phơi phóng cho các học viên hay nhà kho tạm thời để chứa những món đồ mà chúng không biết chất đi đâu. Theo truyền thống từ những thế kỉ trước, cánh trái ngôi nhà dành cho nam sinh, và cánh phải dành cho nữ sinh. Biển chỉ đường được đặt ở sảnh lớn hình tròn có lắp một hệ thống máng nước để giặt rửa hình vòng cung chạy dọc hai cánh trái phải. Giữa sảnh là một bức tượng đồng đã cũ tạc hình một người đàn ông và một người phụ nữ quay lưng vào nhau. Tất nhiên người đàn ông sẽ nhìn về dãy nhà tắm nam, và người phụ nữ chỉ tay về dãy nhà tắm nữ. Chẳng rõ từ bao giờ, nhưng cái tên “Romeo và Juliet của phòng giặt” đã trở thành tên gọi của bức tượng ấy. Nhà tắm được nối với khu phòng ngủ bằng một đoạn hành lang kín, được chiếu sáng bởi một gia đình Lửa Nhỏ trôi lờ lững trên trần.
Khung cảnh nhà tắm vẫn vỡ đổ ngổn ngang như nó đã vốn thế. Hôm qua, một nữ học viên năm nhất trong lúc dùng phép sai khiến đồ vật để giặt quần áo đã lỡ tay đục luôn một lỗ trên đường ống dẫn nước nóng chính của cả khu nhà. Nỗ lực sửa chữa của cô bé vụng về cuối cùng đã khiến hệ thống dẫn nước của cả khu nhà bị tê liệt. Nước nóng bị đóng băng đột ngột dưới tác động của bùa chú khiến những đoạn ống bằng gốm trong dãy nhà tắm nữ vỡ tan do sự co rút đột ngột. Đường ống bên dãy nhà tắm nam may mắn hơn thì chỉ bị tắc nghẽn tạm thời.
Và như bất kể kịch bản đổ vỡ hỏng hóc nào xảy ra trong cả cái tòa lâu đài này, cái tên của Thủy Nguyên lại được réo lên khắp hang cùng ngõ hẻm.
…
Thông thường, các phù thủy sẽ có vài tá thần chú sửa chữa giúp họ gắn lại những món đồ bị vỡ, vét đến giọt súp cuối cùng trên bàn vào lại cái liễn vừa đổ hay những trò đại loại như vậy. Nhưng sự thực là, Koan có quá ít phù thủy lành nghề và quá nhiều những việc chẳng thể giải quyết ngay được bằng cách vẩy đũa phép, hay một vẫy tay tóe lửa… Chưa kể, giáo viên phép thuật của ngôi trường này chẳng bao giờ nghĩ giải quyết những chuyện lặt vặt ấy là nhiệm vụ của họ. Công việc giáo vụ ở Koan, vì thế đã trang bị cho Thủy Nguyên thường thức của ít nhất mười lĩnh vực không liên quan khác. Vào mùa đông, anh là thợ nạo ống khói, vào mùa xuân anh là người cào tuyết khỏi những mái dốc trơn nhẫy, mùa hè anh là thợ làm vườn… và mùa thu, như bây giờ chẳng hạn, anh là thợ sửa ống nước.
Nằm ở lõi khu bảo tồn tự nhiên các sinh vật phù thuỷ, không một từ gì khác có thể phù hợp hơn Học viện Phép thuật Koan để minh hoạ cho cụm từ “chốn khỉ ho cò gáy”. Một năm chỉ có duy nhất bốn chuyến tàu thuỷ đưa học sinh đến và đón học sinh đi buông neo ở bến cảng phía rìa đảo – nơi có một ngôi làng thưa thớt dân cư với nghề nghiệp chính là canh tác nông nghiệp trên những dải đất màu mỡ nhưng nhỏ hẹp phía bìa rừng. Ngăn cách giữa khu dân cư và Học viện Koan là cả một vành đai rừng rộng lớn, nơi cư trú của hàng trăm sinh vật phép thuật xếp hạng từ bình thường tới cực kì nguy hiểm trên thang đo của Hội Bảo tồn sinh vật phép thuật.
Để đến được Học viện Koan, nhu yếu phẩm và các phù thủy chỉ có một cách duy nhất: đi trên con đường đá trắng kéo dài từ bìa rừng vào đến cổng chính của ngôi trường. Đảm bảo hành trình ấy diễn ra suôn sẻ là công việc của những học sinh năm cuối của Koan. Dưới sự chỉ huy của một giáo viên hướng dẫn, họ sẽ được cắt cử thành những nhóm áp tải hộ tống những chuyến hàng cồng kềnh hay các vị khách từ bìa rừng vào đến Koan và ngược lại. Phần lớn trường hợp, đây là một nhiệm vụ cộng điểm an toàn, nhưng cũng không thiếu những lần đoàn áp tải bị tấn công bởi những sinh vật phép thuật náu mình trong khu rừng.
…
Gió lạnh thổi qua bộ quần áo ướt làm Thủy Nguyên lạnh run. Anh rùng mình, cố gắng tập trung vào công việc trước mắt. Sự khác biệt duy nhất của nghề giáo vụ ở Koan, theo Nguyên nghĩ, nằm ở chiếc đũa phép san hô anh đang cầm trên tay. Nguyên gõ nhẹ đũa phép lên dòng nước đã đóng thành cột băng chảy ra từ bên trong một miệng ống vỡ, miệng lẩm bẩm câu thần chú tan chảy. Anh không thích đọc to các câu thần chú. Việc ấy, giống như nào nhỉ, khiến anh cảm thấy bản thân mình ngốc nghếch.
Mỗi phù thủy sinh ra sẽ gắn liền với một năng lực đặc biệt. Năng lực ấy được chia thành các nhóm nguyên tố đất – nước – lửa – không khí. Một phù thủy hệ này sẽ không thể tự mình thi triển các phép thuật của các hệ khác. Do đó, đũa phép ra đời như một công cụ giúp các phù thủy tăng cường khả năng tiếp cận phép thuật ở các nhóm nguyên tố khác hệ với mình.
Gần hai trăm năm trước, khi không ít người bình thường cũng có thể thực hiện phép thuật thông qua việc đọc thần chú, và phổ cập phép thuật trở thành trào lưu; những nhà lãnh đạo cực đoan của Koan đã kiên quyết giữ ngôi trường của mình tránh xa khỏi xu thế ấy bằng một “cuộc cách mạng giáo dục”. Cuộc cách mạng của họ với ngôi trường bắt đầu bằng quy chế tuyển sinh ngặt nghèo hơn, những bài kiểm tra khó khăn hơn… thậm chí còn có lời đồn đại, Koan ban hành quy định cấm học sinh sử dụng đũa phép. Từng có một cuộc biểu tình lên án phương châm giáo dục này của Koan sau khi một nhóm phù thủy trẻ đã bỏ mạng trong kì thi tốt nghiệp, góp phần đẩy ngôi trường chìm sâu hơn vào quên lãng. Giờ đây, khi sóng gió của lịch sử đã qua, Koan chỉ còn tập trung vào việc huấn luyện các phù thủy trẻ kĩ năng chiến đấu sử dụng năng lực nguyên tố của mình. Và đó là điều mà Thủy Nguyên nhắm tới khi anh dẫn Thành Tâm đến đây bốn năm về trước.
Một tiếng “ục” làm Nguyên giật mình. Nước phun ra tung toé, ướt lênh láng mặt sàn và cả bộ quần áo vẫn còn ẩm của anh.
“Chết tiệt!” – Thủy Nguyên rủa thầm, dùng mũi giày đá vào những mảnh gốm rơi vỡ la liệt trên sàn. Sẽ tốn cả mùa đông để chờ đợi những đoạn ống thay thế được gửi đến, và có lẽ phải tới hết mùa xuân Thủy Nguyên mới có thể mò mẫm tự thay thế được toàn bộ đường ống cũ mèm này. Nhưng đó là cách giải quyết của một giáo vụ bình thường, ở một ngôi trường bình thường, tuyệt nhiên không phải cách mà người ta sẽ làm ở Koan, học viện phù thủy đìu hiu nhất thế giới phép thuật.
Nhón cao chân bước ra khỏi vũng nước ngày càng lan rộng, Thủy Nguyên vung cao đũa phép, đọc câu thần chú hàn gắn trứ danh mà mình đã được dạy trong những ngày đầu tiên làm giáo vụ. Quá trình làm phép kết thúc bằng ba cái gõ nhẹ đầu đũa phép vào hai miệng ống vỡ toác.
Những tiếng lách tách vang lên báo hiệu thần chú đã bắt đầu có tác dụng. Từ hai đầu miệng ống vỡ nham nhở, một mạng lưới những sợi màu nâu sẫm vươn ra, đan vào nhau giữa làn nước tuôn xối xả. Hai tấm lưới tiếp tục kéo dài ra cho đến khi chạm vào nhau ở giữa. Tại đó, chúng tiếp tục đan vào nhau tạo thành một ống trụ, đường kính vừa hay trùng khít với đường kính đoạn ống và chiều dài của chúng vừa vặn trám vào đoạn bị vỡ kia. Những ngón tay cầm đũa phép của Thủy Nguyên khẽ giật nhẹ. Các sợi gốm tiếp tục đan vào nhau dày hơn. Chẳng mấy chốc, mật độ các sợi đã dày tới độ nước không thể phun tung toé ra ngoài được nữa, và đoạn ống vỡ đã được sửa chữa xong xuôi. Mới tinh, chắc chắn, và được tạo nên chỉ trong chưa đầy mười phút!
Thủy Nguyên lặp lại quy trình ấy thêm mười lẫn nữa, ở mười vị trí vỡ khác nhau rải rác khắp dãy phòng. Khi công việc tu sửa kết thúc, cả cánh phải của anh đã tê dại. Nguyên nới lỏng những ngón tay nãy giờ vẫn siết chặt cây đũa phép. Khớp tay cứng đờ đau nhức, không rõ do phải liên tục làm phép hay do di chứng của sự cố xảy ra dưới tầng hầm. Năng lực nguyên tố là niềm tự hào của phần lớn phù thủy, nhưng không bao gồm Nguyên. Việc sử dụng thứ phép thuật thuần túy mang tính bản năng ấy chỉ khiến anh cảm thấy sợ hãi và đau đớn. Thế nên, Nguyên hài lòng với hình ảnh một giáo vụ người phàm vung vẩy đũa phép để làm dăm ba thứ phép thuật đơn giản của mình.
Một cơn đau nhói chạy dọc cánh tay cho Thủy Nguyên biết tình trạng của anh không đến từ việc gắn lại những đường ống vỡ. Cơn đau là di chứng của việc anh đã đột ngột sử dụng quá nhiều năng lực nguyên tố. Lòng bàn tay anh bắt đầu nóng rát. Lớp da trên các đầu ngón tay bắt đầu chuyển sang màu ngọc hồng lựu. Năng lực nguyên tố của anh đang trỗi dậy. Nguyên cau mày. Anh bắt đầu hoảng sợ trước tình trạng không thể giải thích của cơ thể. Chàng trai cố gắng giữ đều nhịp thở, tìm cách bình tĩnh trở lại hòng khống chế thứ năng lực quái quỷ kia.
Thế nhưng, chống lại mọi nỗ lực kìm giữ của Nguyên, màu ngọc hồng lựu đỏ máu vẫn nhanh chóng lan ra cả bàn tay anh, kéo dần lên đến cổ tay và cánh tay. Cùng với đó, lồng ngực Nguyên như muốn nổ tung vì nguồn năng lượng đột ngột dâng lên. Rồi anh trượt chân. Nguyên cảm nhận được thái dương mình va phải một đường gờ cứng.
Cơn đau lướt qua thái dương Thủy Nguyên, đọng lại ở sau gáy nhức nhối khi anh cuối cùng cũng có thể xoay người nằm ngửa ra sàn. Qua màn sương mờ mịt vẫn chưa tan trên võng mạc, Nguyên nhìn thấy những ngón tay mình đã phai dần màu đỏ máu. Cơn bộc phát năng lực đã kết thúc, nhưng di chứng đầy đau đớn của nó vẫn sẽ còn dai dẳng, Nguyên biết vậy. Và anh quết định sẽ nằm chờ cho nó qua đi. Liệu anh sẽ che giấu được thêm bao nhiêu lâu trước khi mọi người phát hiện ra năng lực của mình? Anh có thể lấp liếm với Anastasia một lần, nhưng ai có thể chắc sự việc giống như vụ con trăn dưới tầng hầm không xảy ra một lần nữa?
Lắc mạnh đầu để rũ bỏ cơn chóng mặt còn sót lại, Thủy Nguyên lồm cồm bò dậy. Ngồi phịch xuống cái hộp dụng cụ trong một tư thế mệt mỏi, Nguyên ngồi chờ nước rút hết khỏi sàn. Anh rút đũa phép, toan đọc thần chú nhưng rồi lại thôi. Nguyên không muốn liều lĩnh một lần nữa khi chưa hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với cơ thể mình. Giắt đũa phép vào lại bốt, Nguyên đứng dậy tìm chổi lau nhà cất trong cái tủ đứng chỗ đặt bức tượng, quýnh quáng lau nốt chỗ nước và bụi bẩn còn vương lại trên sàn, dồn những mảnh gốm vỡ vào cái hộp dụng cụ hóa ra cũng không hẳn vô tích sự.
Sau khi đã dọn dẹp xong xuôi, Thủy Nguyên lại vất vả kéo lê hộp dụng cụ sửa chữa đi ngang qua phòng sinh hoạt chung để trả nó về nhà kho tăm tối và lõng bõng nước. Đám phù thủy trẻ khẽ nghiêng đầu chào và nhường đường khi thấy anh đi qua. Thủy Nguyên cũng lịch sự chào lại chúng. Trong lúc đưa mắt nhìn quanh căn phòng, Nguyên bắt được ánh nhìn Thành Tâm dành cho mình. Cái nhìn bị gián đoạn khi lũ bạn kéo đến vỗ vai nó. Khuôn mặt lầm lì của thằng bé bỗng trở nên sinh động. Gấp cuốn sách phép cồng kềnh đang mở trên đùi lại, nó nhoẻn cười. Cái đầu xinh xắn có mái tóc màu hung khẽ ngả về phía sau thoải mái. Thủy Nguyên giật mình. Em trai anh đã lớn lên quá nhiều. Chiều cao, những khối cơ lộ ra dưới chiếc áo len màu xanh thẫm, và cả khoảng cách giữa nó và Thủy Nguyên.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI