- Home
- Ngày Mai Nắng Ấm, Tôi Không Thể Về
- Chương 8.5 (Ngoại truyện): Đụn rạ biết đi (Phần 1)
Bu già quẳng cây củi vào bếp lò, rồi bu già nhìn nồi cám lợn sôi lên ùng ục trước mặt. Chốc chốc, bà lại lấm lét đưa mắt nhìn vào buồng lão Kinh, con trai bà, như thể đang chờ đợi một điều gì sắp sửa diễn ra. Và nó diễn ra thật.
Giời! Bu già đã lẩn thẩn rồi vậy mà bu già còn nhớ rõ, rằng là vào mỗi hai ngày sóc vọng hàng tháng, thằng cháu bà sẽ khóc ré lên trong đêm. Dường như ánh giăng sáng quá hay sao đấy, khiến thằng nhỏ chói mắt, chứ làm sao mà mỗi lần giăng lên thì thằng bé lại gào, lại thét, như có máu dòng mả hủi trong người vậy. Sau khi thằng bé cất tiếng khóc vài lượt đầu, thầy nó, là lão Kinh, sẽ đập cuốn sách trên tay lão xuống bàn. Cuốn sách lão đọc là gì thì bu già không biết. Vì rằng bu già trước nay có biết đến cuốn sách cuốn vở ra làm sao. Chỉ thấy những trang giấy ram ráp, ố màu vàng khè và lem nhem hết cả, vì lật giở nhiều mà trương sình lên của con trai bà hay đọc, và chỉ có đến thế thôi. Sau khi gây cái tiếng ồn nhức nhối đó, lão Kinh lại đập bàn thêm mấy phát, như muốn trút giận, ngầm bảo là lão tức lắm, lão giận lắm đấy. Nhưng rồi tiếng khóc của thằng con vẫn không ngớt, lão lại mắng sa sả, từ trong buồng vọng ra:
“Đù ỏa trần gian! Điên à mà sao cứ khóc, không để cho ai làm công làm việc.”
Rồi lão nhận ra là mình cũng chẳng làm việc gì đáng kể, lão chỉ ngồi một chỗ uống trà đọc sách thôi. Bu già nhà lão thì đương nấu cám, có một mình bu em giữ con lão, chắc mụ lo không xuể nổi. Mà lão không hiểu, sao thằng bé nhà lão sinh đúng tháng, không sốt không đẹn, song lại cứ có tật hay khóc đêm. Ban đầu thì người ta còn kệ nó, nghĩ thằng nhỏ khóc dạ đề đấy thôi, nhưng rồi ngày này qua tháng khác nó càng khóc tợn hơn nữa. Hình như thành thói, cứ mỗi lần sáng giăng là nó lại khóc.
Vợ lão Kinh xót ruột xót gan, ôm con đi ra vườn, rồi lại đi vào nhà, vừa vỗ vừa khóc. Mụ đi đi lại lại, mụ tới tới lui lui. Sợ phiền chồng nên mụ đã mang con ra sân, mà ngoài sân lại ruồi, lại muỗi, nên mụ cố chờ đến khi thằng nhỏ hơi im im thì lại mang vào. Vừa vào nhà thì nó lại khóc tiếp. Nó khóc rồi mụ khóc theo, mụ thương thằng bé mà không biết phải làm sao.
“Giời ơi bú thì mày không chịu bú, mà cứ trở mình khóc mãi là sao hở con!” Mụ vợ đưa tay làm võng, xốc xốc nhẹ để ru con, bên dưới thì cố kề sát đầu vú mình vào miệng thằng bé. Thằng nhỏ chịu ngậm nhưng lại nhả ra ngay, hình như vú mẹ không phải thứ nó muốn. Nó oằn người, chực muốn vùng thoát khỏi cái khăn quấn mình, mẹ nó lại chật vật giữ yên nó trong lòng.
Vợ chồng lão Kinh muộn mằn, đã quá tuổi mà vẫn chưa có mụn con nào, đứa này là con cầu con khẩn mới có được. Mà có phải vậy nên nó mới khó nuôi hơn bình thường không? Lão nghĩ, và lão thấy mình cũng không biết nữa. Trẻ con khóc quấy đêm thì chắc không ai cho là chuyện lạ, lẽ ra con lão còn bé nên khóc thì cũng đúng lý đi. Nhưng không phải tự động mà vợ chồng nhà lão lại sốt sắng lo đến thế. Bởi lẽ có một nguyên nhân…
Độ khoảng thời gian này năm ngoái, có một ông Ba Tầu đi buôn thuốc phiện gặp lão và nhà lão ngoài phố. Tên đó để cằm nhẵn bóng không râu, nhìn cũng chả biết phải là dân đường hoàng hay không. Mắt gã không đều, mà lé vào trong, ở gã có cái gì đó lập dị, kỳ cục như mấy tay thầy pháp. Nhà lão Kinh trước nay không động đến a phiến, nên lão giằng tay ra, nói tên đó tìm người khác mà mời, lão đây không dùng hàng này. Song le, tên Ba Tầu vẫn cố tình cách níu tay lão Kinh lại, giọng lơ lớ nói cái gì.
“Để ngộ nói cho lị nghe cái sự này, gượm tí…”
Lão Kinh nghe vậy thì thấy có hơi tò mò, vẫn giằng tay ra, nhưng lần này thì lão đứng lại xoa xoa cẳng tay, đoạn nhìn mụ vợ và thằng con nhỏ nhà mình. Thấy người ta đã chờ nghe, tên nọ mới bắt đầu vào đề. Gã trỏ ngón tay vào thằng bé sơ sinh mà vợ lão đang ẵm. Rồi gã hỏi trong thai kỳ của mụ vợ, nhà có phải đã làm cuộc sát sinh nào lớn hay không.
Lão Kinh xoa cằm ngẫm nghĩ, và thực là có, lão gật đầu với gã Ba Tầu: “Đúng là có, thì sao?”
Lúc nhận tin vợ mình có mang, lão Kinh mừng rơi nước mắt. Cuối cùng bề trên cùng tổ tiên cũng đã đoái hoài đến những lời trước nay lão luôn khấn vái. Cuối cùng lão cũng đã làm tròn được cái nghĩa vụ lớn lao, đâm cành rẽ nhánh cho dòng máu nhà lão được tiếp tục nối truyền. Và trong niềm vui không biết để đâu cho hết đó, lão Kinh đã quyết định giết lợn khao làng. Khéo thay lợn nái nhà lão chửa đẻ được hai con. Lão đem đi giết ráo chúng để thiết đãi, trước là tổ tiên, sau là làng nước. Nói chung là bày lễ lão làm cho con lão không hề thiếu thứ gì, lại có phần hơi sang trọng quá.
Nghe vậy, gã lạ mặt vỗ cái phạch hai bàn tay lại với nhau, thốt lên như nhìn ra điều chắc mẩm: “Vậy thì chết rồi…”
Lão chực nắm cổ áo cái gã đang luyên thuyên mà xốc lên, tay lăm lăm cái mai, giơ ra dọa hú họa lên đầu tên đó. Định bụng dạy cho tên cuồng ngôn này một bài học, nhưng rồi lão nhận thấy mình đang ở giữa phố chợ, nên lão thả tay ra, chực như muốn bỏ đi quách.
Song tên Ba Tầu lại nằn nì không buông, cố gắng nói như mình cao tay ấn. Gã bắt đầu kể chuyện từ lúc mình sang đây đến nay, thường nằm mơ thấy một người phụ nữ trọc đầu như ni cô, có cái mũi to bè và hếch lên lộ ra hai vòm lỗ đen ngòm như mũi lợn, ôm hai đứa con cũng trọc đầu, đến nói với gã rằng thị chết oan ức quá, thị không siêu sinh được. Gã Ba Tầu không hiểu người đàn bà quái gở kia có ý gì, chỉ biết là thị đã trở thành hồn ma vất vưởng, đến ám lấy cái người đã giết hại mình. Và đây, oan hồn người phụ nữ đó chính là con lợn nái sề mà lão Kinh đã đem đi làm cỗ tiệc.
Đó là lần đầu lão Kinh biết được việc trong nhà có hỷ, mà lại là hỷ đậu con thì không nên sát sinh quá tay như vậy, con lão giờ phải đền mạng cho loài yêu nữ đó thì mới mong linh hồn kia được hóa kiếp đầu thai. Song bao nhiêu người giết gà giết lợn làm thịt thì chả sao, lý nào đến nhà lão Kinh thì lại như thế! Lão Kinh và vợ chắc chắn là không tin những lời quàng xiên bậy bạ đó rồi. Nhưng thói đời miễn người ta không nghe thấy thì thôi, chứ đã lỡ mà nghe thì tự nhiên họ lại không ngưng nghĩ đến được.
Thế nên đêm nay lão lại nghĩ ngợi, chuyện hôm đó ùa về. Lão nhìn ánh đèn dầu mỡ cá nổ lóp bóp trước mặt, rồi thấy cũng hơi sờ sợ thế nào. Tên Ba Tầu đó còn đoán được Lão Kinh không phải là người Kẻ Chợ chính gốc, thật ra lão và nhà lão đã lũ lượt lên đây từ hơn mười năm trước. Làng của lão khi xưa nằm ở gần biển hơn. Và gã buôn thuốc phiện kỳ lạ lại nói trúng phóc thêm một điều, rằng ở đình làng cũ của lão có một cái cổng bằng đá, dựng cột trụ hai bên, núm quả trên hai cây cột có một cái bị mẻ đầu. Đến đây thì lão hơi thấy hãi, nhíu mày lườm gã chằm chằm, và không nói gì, lão tiếp tục kéo vợ con mình đi. Không ai bảo lão phải tin, nhưng thà rằng ban đầu đừng nghe lời hô phán, nếu đã biết được sự thể thì sau này có chuyện gì xảy ra người ta cũng đều quy về lời phán đó. Giống như bây giờ, lão Kinh tự động liên kết chuyện con mình hay khóc quấy với hồn oan nữ trong giấc mơ của tên Ba Tầu.
***
Tiếng bu già đi trước gian ngoài vọng vào phòng lão Kinh. Bà già có thói quen thức từ khi trời còn tờ mờ tối, còn Lão Kinh con trai bà thì lại có tật miễn nghe tiếng ai đi qua đi lại thì sẽ tỉnh giấc ngay. Nghĩa là giờ này còn quá sớm, nhìn ra bầu trời bên ngoài có thể thấy rõ trăng sao còn tỏa. Lão Kinh nghiêng người trên phản, vừa nằm vừa nhìn bức vách cạnh mình một hồi. Lão biết mình sẽ không ngủ lại được nữa, nhưng cũng không muốn rời giường sớm thế này.
Lại xoay qua, lão Kinh nhận ra vợ đã thức giấc từ lúc nào. Đêm qua mụ đã trằn trọc mãi với đứa con, đến nửa đêm mới có thể đi ngủ được một tí. Thế mà bây giờ vợ lão đã thức giấc rồi.
“Sao không ngủ thêm?” Lão hỏi vợ mình. Rồi lại hấp háy mắt nhìn mụ.
Trong bóng đêm ẩn hiện dáng vẻ một người phụ nữ gầy gò, có hơi khắc khổ và đượm vẻ mỏi mệt. Cánh môi dày đầy đặn song đã thâm lại vì mụ có tật cắn môi từ nhỏ, thỉnh thoảng lão lại thấy vợ mình ngồi đưa nôi cho con mà hàm răng không ngừng nghiến nghiến lấy da môi. Tướng ngủ của mụ thẳng thớm, mụ ngủ đâu là ngủ yên chỗ đấy, chưa từng quấy quả gì trong lúc đã chìm vào giấc mê. Còn lão Kinh lại khác, lão quấy hơn, có lúc lão tung chăn, chực ôm vợ mình mà siết chặt lấy. Nên nhiều hôm khi thức dậy thì tóc của mụ vợ đã rối bù, và trông mụ như người ngủ không được ngon giấc.
“Em quen thức sớm rồi nên không ngủ thêm được.” Vợ lão thì thầm đáp lại. Rồi mụ chống tay lên phản, chậm rãi nhấc người lên.
Mụ chỉ đứng dậy thôi mà trông cũng khổ sở phải biết, lão Kinh nhìn mà thấy tội quá thể. Thì ra người đàn bà một khi có con cái phải lo toan thì sẽ như thế này đây. Sẽ rũ rượi, thẫn thờ, bủng beo như mụ. Lão càng thương hơn nữa, hẳn là vài năm nữa thôi, khi thằng con trai lão lớn hơn một chút thì mụ sẽ được rỗi rãi, hoặc là, khi lão đã có một công danh nào đó, lão sẽ có tiền nuôi một thằng ở giúp đỡ đần chuyện trong nhà ngoài ngõ. Song càng nghĩ lão lại càng buồn, cái con đường công danh của lão ấy à? Cái con đường công danh của những trí thức Nho gia như lão và các bằng hữu của lão ấy à? Đó đã là một ước mơ từ sâu trong dĩ vãng mất rồi, con đường đó nay đã bị chặn đứng. Sau bao nhiêu cuộc đổi thay, lão nhận ra chính lão vẫn cứ như một người đang đi trong mê lộ không tìm kiếm được lối ra, vẫn say giữa đời tỉnh, vẫn mơ giữa ban ngày, về cái ước vọng vinh quy bái tổ gì đó của lão.
Lão nhớ về cái chỏm tóc đuôi gà duyên dáng của mụ vợ lúc còn xuân sắc, rồi cái yếm cứ căng ra, bàn tay nõn nà búp măng. Những thứ đó đã từng là những điều khiến lão tự hào. Nhưng giờ mỗi khi nhớ lại, lão lại thấy xấu hổ và nhục nhã vô cùng. Ai hại đời mụ? Thì chính lão chứ ai. Người đàn bà nào lam lũ kiếm sống mà da thịt chẳng chảy xệ đi, người đàn bà nào lo toan cho cuộc sống mà chẳng già khọm đi mấy hồi. Lão tức mình, mà cũng ngầm tức cái sự chịu đựng, nhẫn nhịn đến là đức hạnh của mụ vợ. Vì không biết tức ai nên lão còn có thể tức ai được thì lão mặc sức mà tức.
Vợ lão đi đến gần cái nôi tre, vừa vén tóc lên vành tai vừa nhìn đứa trẻ đang ngủ ngon lành trong đó. Nhớ đến chuyện hôm qua, lão liền nói ngay với vợ:
“Tôi nghĩ, chắc chuyện đó là thật.”
“Chuyện đó là chuyện nào hả mình?” Vợ lão hỏi lại, tay mụ khẽ kéo chăn cho con.
“Thì là chuyện tay buôn thuốc lần đó. Có khi nào nhà chúng ta thật sự đã có ‘thứ gì’ quấy phá hay không?”
Lão Kinh vẫn nằm trên giường, tay vắt lên trán, lão hướng mắt thẳng lên nhìn mái nhà. Sương sớm bắt đầu nhỏ giọt tí tách trên mấy tàu lá chuối. Xa xa có tiếng chó sủa rộ lên lao xao.
“Làm gì mà có được, mình đừng để ý đến những lời lếu láo đấy. Chuyện chẳng có gì đáng phải suy nghĩ xằng như vậy.” Người đàn bà bác bỏ lời lão ngay tắp lự.
“Thì đã đành… Nhưng lòng tôi không yên được. Cứ nghĩ đến là lại thấy thấp thỏm lo. Thà rằng thằng cha đó đừng nói. Mấy lại, con mình đã gần hai tuổi đến nơi, mà vẫn khóc đêm, vẫn nhỏ thó. Chuyện kỳ cục quá!”
“Là do mình không sinh con ra sớm mà lại muộn mằn quá thôi. Đấy cũng là điều ảnh hưởng đến đứa nhỏ. Rầy rà mấy thứ linh ta linh tinh kia làm gì hở mình, thay vì vậy, cứ tin vào thầy lang chẳng phải yên tâm hơn hay sao?”
Nói đoạn, mụ xoay qua nhìn chồng đang nằm trên giường. Ánh mắt mụ chất chứa những điều không biết phải nói ra làm sao, có một cái gì khuấy động trong lòng lão Kinh khi thấy vợ bỗng dưng nhìn mình với ánh mắt như thế.
“Lại chuyện gì?” Lão cật vấn.
“Thì…” Vợ lão ngập ngừng, có hơi liếc mắt nhìn ra ngoài cửa buồng, “Chẳng lẽ mình định cứ thế này mãi sao?”
“Cứ thế này là thế nào?” Lão gắt lên như mèo bị giẫm trúng đuôi. Lão biết, biết quá rõ đi chứ. Những điều mà mụ vợ đang định bóng gió với lão. Rằng một kẻ như lão đây, cứ sống mãi thế này được hay sao, cứ vô công rỗi nghề để chờ khoa thi mãi hay sao?
Người khác không có duyên với đường công danh thì đã cố tìm một cái nghề khác để bươn chải kiếm sống, còn lão lại không có lấy một cái nghề nào, ngoài viết vài ba con chữ cho một kẻ có thú chơi khó hiểu đâu đó rồi lĩnh hai ba đồng hào chỉ. Chí lớn không thành, nhà lại cần đến cơm áo gạo tiền, có một người chồng thất thời đâm ra thoái chí, mụ vợ cũng bắt đầu thấy nản với cảnh huống thế này rồi.
Có phải nếu là người khác, khi nghe vợ mình nói những câu có ý lăng mạ lòng tự tôn của đàn ông như vậy, thì họ sẽ lao vào đánh mụ rồi hay không? Lão thì lão sẽ không đánh vợ, lão có máu hung hăng nhưng vợ lão thì không có gì để bị đánh. Lão chỉ tỏ vẻ hậm hực rồi hừ mũi, phất tay nằm xoay lại đối diện với tấm vách mà không thèm nhìn mụ.
Một lát sau, tiếng mụ vợ mở cửa buồng, chậm chậm bước ra bên ngoài, chỉ để một mình lão trong phòng với đứa con đã ngủ thiếp đi. Lòng lão Kinh cồn cào khó chịu như có ai vừa đốt lên một ngọn lửa trong đấy. Lão thấy mình như bị thiêu rụi từ trong ra ngoài.
***
Lão Kinh vẫn nằm trên giường, nghe tiếng gà eo óc gáy. Lão nhớ về cái làng của lão khi trước, về những ngày trẻ thơ lão còn để tóc quả đào, cùng tụi con nít cỡ tuổi đi rước gia đình quan nghè vinh quy.
Khung cảnh ngày hôm đó lão còn nhớ rõ, tưởng như mới hôm qua. Đứa nhóc là lão đi theo đoàn cầm cờ, mặc áo xanh thắt đai đỏ, tay cầm ve vẩy cây cờ. Tấm vải chốc chốc được phất lên theo lệnh, to cỡ vuông yếm. Kinh lén đưa mắt nhìn vào kiệu võng, ông nghè trẻ ngồi bên trong, vẻ mặt như cố làm cho mình chững chạc hẳn, vì rằng chắc ai ở vị trí đó của y cũng phải cố trưng ra cái điệu bộ mực thước đứng đắn như thế. Rồi y phe phẩy tấm quạt, nhìn quạt rồi nhìn trời, ngắm đất, y hơi sượng vì không biết lúc này mình trông có ra dáng một ông nghè chưa? Vì y có bao giờ làm ông nghè đâu mà biết phải thế nào. Chiêng, trống lại thậm thụt đánh, cỏ hai bên đường đã được dân làng người ta đốc thúc dọn dẹp để làm lễ đón, dân đứng xem chật như nêm cối. Có gì đâu mà xem? Có chứ, làng này biết bao nhiêu năm rồi được mấy khi nở mày nở mặt thế này đâu! Họ bày tiệc ở sân đình, ai cũng bỏ việc một ngày để kiếm chuyện phụ làng một tay, lễ lạc cần người nên mình cũng phải kiếm gì đó giúp chứ! Đình trung điếm sở cứ vậy mà nhau nhau cả lên. Rồi phường chèo đến. Phèng phèng, chũm chọe rền từng đợt, hát hò diễn xướng một hơi một hồi. Mũ cánh chuồn, quần là áo lượt sặc sỡ vây kín ánh mắt Kinh. Cậu chàng thầm dấy lên trong lòng một cơn xúc động, đầy ngưỡng mộ với ông nghè trẻ đang được chúc mừng nhiệt liệt kia.
Và cậu đã quyết ý theo đường công danh từ dạo đó. Cùng với cậu còn có một thằng nhóc tướng như đô vật tên Linh, và một đứa trẻ nữa, dáng người vậm vạp và còn là con của bá hộ, tên là Niên. Ba người bạn họ hay mơ về con đường tương lai, khi đã có chí muốn làm quan, và họ càng tỏ rõ hơn quyết tâm của mình, suốt ngày cùng nhau ê a kinh kệ. Song trong đám bọn ông, chỉ có Linh là đi được đến Hương thí, đỗ lấy giải nguyên, về mở trường dạy học chữ Nho. Còn Kinh và Niên thì không được khá khẩm như vậy, chật vật mãi vẫn còn nằm ở ngoài bảng của kỳ sơ khởi.
Nhưng Kinh vẫn không ngừng quyết tâm, Kinh biết là do thời mình chưa đến đấy thôi, khi đã nấu sử sôi kinh đủ nhiều thì chắc chắn cơ hội sẽ mở ra cho cậu. Nhưng từ cậu Kinh rồi thành lão Kinh, vẫn chưa có gì mới xảy ra.
Song le tất cả chuyện đó còn chưa đủ phiền muộn bằng một chuyện, rằng là lão nghe được người ta bảo với nhau kỳ thi tiếp theo, ngoài ba kỳ chính sẽ bắt đầu có thêm một kỳ phải thi chữ quốc ngữ nữa. Cái này mới là đòn quyết định. Vì đối với lão Kinh, cái giống chữ ngoại lai từ trên trời rơi xuống đó là một cửa ải khó khăn đến mức làm lão nhụt chí, rằng những lề lối Nho gia của lão đã bị bọn người bảo hộ tô vẽ bằng một thứ bút chì gớm ghiếc. Ừ, lại bút chì, cuộc đổi thay đi từ bút lông mực Tầu sang dao lam gọt đầu bút chì đó, lão đã thầm rủa nó đến không còn câu nào để rủa nữa thì thôi.
Chí lớn không thành lại gặp thêm họa, lão lại chửi, lại ấm ách, và chịu thua. Con đường tiến thân nhờ khoa cử đã sụp đổ ráo rọi, lão nhìn những xác chữ ép khô vô dụng trên trang sách, cầm lên thấy chùng tay, mà không cầm lại bứt rứt. Nhưng lão biết mình có tức, có điên đến mức nào thì cũng không thể thay đổi được những chuyện đã rồi.
***
Trước khi biết tin vợ có mang chừng mấy tháng, Linh có đến nhà lão một chuyến, nhưng là một cuộc hội ngộ chẳng lấy gì làm đẹp đẽ. Lúc đấy Linh đã thành ông Đốc Linh, đứng lên cầm đầu kéo quân nổi dậy chống chính quyền Pháp. Thật ra ngay từ hồi trận Cầu Giấy, Đốc Linh đã là một người lập được nhiều công lớn, có chút danh tiếng đủ để tự đứng lên thành lập nghĩa quân của riêng mình. Và bây giờ nghĩa quân nổi dậy của y đã trải dài một dải đủ khiến quân địch khốn đốn, ấy thế mà chuyện đời không ai đoán trước được điều gì. Quân Pháp dần lấy lại thế chủ động của mình, dồn nghĩa quân của Đốc Linh ngày một lâm vào cảnh khốn nạn.
Đó là vào một ngày mưa tháng ba, rét nàng Bân thổi buốt lên từng hồi, lão Kinh đương ngồi bên khai trà, mẹ lão và vợ thì loay hoay với nồi cám cùng mấy chỗ khoai phơi. Đốc Linh lù lù xuất hiện trong cái áo tơi rúm ró, đội nón lá nhàu nhĩ, nhìn y thập thò trong bộ quần áo cứ như một cái đụn rạ biết đi. Lão tưởng có tay hành khất nào muốn trú mưa nhờ nhà lão, lão chực đuổi thì Đốc Linh mới cởi cái nón trên đầu mình xuống. Theo đó, lộ ra bên dưới là một khuôn mặt hom hem, gầy rộc, với đôi mắt ốc nhồi trơ cứng, như thể đôi mắt đó không còn cử động láo liên gì được nữa. Răng y nhuộm đen kin kít, râu tóc xồm xoàm, dính bết lại vì nước mưa thấm vào. Một vẻ cáu bẩn và thất thần kỳ lạ mà lão Kinh chưa bao giờ được nhìn thấy ở người bằng hữu cũ của mình.
“Phải mày không đó Linh?” Lão Kinh bật người đứng dậy, tay chống thẳng lên bàn trà, hỏi.
“Ừ, tao đây!” Đốc Linh gật đầu với lão, y ngồi thụp xuống ghế, tay định với vào chĩnh nước trà nhưng rồi lại vô thức run lên bần bật. Linh thấy mình đã già biết bao nhiêu, không còn ở y cái dáng vẻ của một chàng trai cường tráng như đô vật lúc trước nữa. Giọng y khi nói chuyện nghe khô khốc như người đứng giữa một buổi đốt đồng đầy những tro cùng khói.
Hai người bạn lâu năm gặp lại, họ nhìn nhau không biết nói gì, mừng mừng tủi tủi.
“Thế là mất hết rồi Kinh ạ, mất hết rồi.”
Nghe khách cất giọng lâm ly, lòng lão Kinh lại càng não nề hơn nữa. Thời cuộc bây giờ dường như không chứa chấp những người như họ, những kẻ nhầm thời, cảm thấy như mình bị đẩy ra khỏi guồng xoay của thời đại, trở thành một người ngoài cuộc, chỉ có thể bĩu bôi và an ủi chính mình.
Đốc Linh buông người vật ra ghế, vẫn cái áo tơi trên người không cởi ra. Hình như y không thể nán lại lâu được nên cứ mặc vậy rồi lát nữa sẽ đi ngay cho đỡ phiền hà.
Rồi y khóc, lão Kinh tưởng đâu nước trên mặt y là nước mưa chảy xuống từ mớ tóc trên đầu. Nhưng không, người bằng hữu của lão thút thít khóc, khóc mà sè sẽ như trẻ con bị mắng, rồi y bưng mặt mình khóc hu hu. Đầu y gục xuống, cổ và hai vai tóp lại. Không khác gì một cái đụn rạ đang sống, và còn biết khóc, lão Kinh nhìn và nghĩ như thế.
“Nước mất, nợ núi sông không trả nổi, mình ta không thể chống lại cuộc vây ráp của quân thù.” Đốc Linh lại nói qua cơn nức nở. Lão Kinh im cho bạn mình khóc hết.
Xong lão mới thủng thẳng hỏi: “Ở đây đã nghe tin rồi, nghĩa quân của mày hiện tại chỉ còn loe ngoe vài mống, đang cố sức chống cự trong cơn khánh kiệt. Mày đã có tính toán gì chưa? Thôi thì, mình tìm cách thay danh đổi họ, rồi trốn đi thật xa. Chờ đợi một thời cơ khác mà quay trở lại. Đòi nợ nước là cuộc mưu sự lâu dài, cần nhiều keo kế. Hãy chờ đợi sơ hở của địch mà làm một cuộc chiến khác.”
Đốc Linh như không nghe, y ngẩng khuôn mặt nước mắt đầm đìa khỏi hai bàn tay, nhìn trơ khấc xuống sàn đá. Y có đang nghĩ gì về những điều lão vừa nói? Lão không thể biết, vì rằng lão và người bạn mình đã mỗi người một chí từ lâu lắm rồi. Lão đi trả nợ công danh, Đốc Linh đi đền nợ tang bồng. Lại lắc lắc đầu một lượt, Đốc Linh bảo với lão:
“Thật ra hôm nay tao đến đây không phải để than thở về thời cuộc. Có một chuyện cần kíp tao phải cậy nhờ đến người quen. Thật ra tao đã làm một việc khiến mình phải hối hận.”
Rồi Đốc Linh kể, trên đường tiến đánh Pháp, y đã có một cuộc tình ngắn ngủi với một cô hàng quà đã quá lứa lỡ thì. Cuộc tình ngắn nhưng hậu quả để lại quá dài. Có bận Đốc Linh đi ngang chỗ cũ, nhìn thấy một đứa nhỏ giống mình y đúc, đang không có ai trông mà chỉ một mình bò trên sàn. Y thừa biết đó là con y, không vì bất cứ một lý do hay căn cứ gì cả, vì rằng đứa nhỏ nào là giọt máu của mình thì mình sẽ khắc biết, vậy thôi.
“Tao đã làm ra một chuyện tài trời, tao đã định khi bão lửa can qua hết thì sẽ trở lại bù đắp cho nàng. Nhưng Kinh ơi, trời không đứng về phe ta, đời tao đến đây là đã tiêu tùng.”
“Tiêu tùng là tiêu tùng thế nào?” Lão Kinh nghiêm mặt nhìn tên nọ, xẵng giọng nói.
“Kinh ơi, mày có là bạn tao thì hãy rón tay làm phước giúp tao một việc này. Đừng để cho đứa trẻ đó lớn lên mà không biết tao là ai. Nhà của nàng ở trong một ngôi làng be bé gần sông Đuống. Tao sẽ vẽ lại bản đồ để mày có thể đi tìm.” Nói đoạn, Đốc Linh đứng phắt dậy, sừng sững một cách lạ kỳ, gằn từng tiếng một, như thể gào lên, như thể đang muốn át đi tiếng mưa xối xả bên ngoài. Rồi y vái lên, y lại xuống. Nước mưa trên người rõ tong tong thành một vũng dưới sàn nhà. Đốc Linh đã hét một câu mà đến giờ lão Kinh vẫn còn nhớ rõ, “Hứa với tao, đừng để đứa nhỏ đó lớn lên mà không biết gốc gác của nó ở đâu!”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Yeutruyen
Truyện flop rồi ạ 🥺