Ghi chép của Lạng
“Ngày Mồng một, tháng Mạnh Xuân, Canh Dần.
Tên Mộc sinh sự, nhất quyết không cho ai lại gần xác bằng hữu. Hắn cứ thế ôm thi thể của Ảnh, khuyên bảo thế nào cũng không chịu đem đi chôn cất. Cuối cùng, quan Phụ đạo đành để hắn cõng theo xác tên Ảnh. Mang xác chết theo đoàn người là việc cấm kị ở ấp Nhạn, thành ra ai cũng thấy khó chịu, bực bội.
Tên Đạo nghỉ ngơi một đêm, tới ngày hôm sau thì hồi phục, cùng cả đoàn tiếp tục lên đường. Trên đường đi thì dùng thủ ngữ giải thích ít nhiều về Niệm. Trong đội ngũ của quan Phụ đạo có người phụ nữ tên Âm vốn cũng không nói được, ta ngờ rằng vị này cũng biết dùng thủ ngữ, có ý muốn nhắc cô trao đổi kín đáo. Cô Đằng nghe theo..
Đoàn đi quá nửa ngày thì nhìn thấy một hồ lớn. Địa hình của Thung Thượng vốn là thung lũng được tôn cao, nằm giữa ba đỉnh Tỵ, Ngọ và Mùi, nếu xét theo địa thế vốn không thể có nước chảy ngược lên mà tạo thành hồ lớn tới vậy. Các nhóm do thám cẩn thận đi nửa ngày trời, trở về báo cáo rằng hai bên hồ có vô số những hang động lớn nhỏ, không có bàn tay đục đẽo của con người.
Đêm ngày đầu tiên hạ trại bên cạnh hồ, có người báo cáo thấy bóng người bước trên mặt nước. Bóng người này thấy đội ngũ hạ trại, đốt lửa bên bờ hồ thì đứng lại nhìn ngắm trong chốc lát, sau đó bỏ đi mất.”
***
Ghi chép của Đằng
“Tên Đạo đã chỉ dạy cho ta vài điều cơ bản về Niệm. Nghe thì rất dễ hiểu, nhưng thứ công phu này không thể một sớm một chiều mà tu tập được.
Người này nói Niệm nghĩa là Tâm Niệm, là tâm huyết mà người ta đặt vào một việc gì đó. Giả như ngươi là thợ rèn, mỗi ngày vung lên một ngàn nhát búa. Mười năm sau, trải qua hàng chục vạn lần vung, nhát búa của ngươi sẽ nhanh hơn, mạnh hơn, tinh giản hơn. Khi ấy, mỗi nhát búa đều đã thấm đẫm Niệm của ngươi.
Nhưng Niệm cũng không phải thứ dễ dàng thục luyện. Giả như công phu đốt đèn kéo quân, điều khiển rối bóng của tên Ảnh, tên Đạo nói rằng, những Niệm lực đặc biệt đều phải trải qua cơ duyên hạnh ngộ, hoặc phải đánh đổi rất đắt. Hắn cũng không giấu ta rằng bản thân có Hỏa Niệm, nhưng không hề nói bản thân tu luyện ra sao mà thành.
Tên Đạo này cũng nhìn thoáng qua mà phán ngay cánh tay thép của ta là do Niệm ký sinh vào nên mới hoạt động được. Nhiều năm về trước, phụ thân ta thuê phù thủy Nội Đạo Tràng yểm bùa để tay máy này hoạt động như cơ thể sống, vậy hóa ra đó cũng là Niệm. Tên Đạo nói Niệm này trải qua nhiều năm đã ăn nhập với ta, khiến bản thân ta cũng phần nào là một Niệm nhân. Hắn cũng cho hay, Niệm ký sinh lâu dài sẽ có ảnh hưởng xấu tới cơ thể, khuyên ta sớm từ bỏ cánh tay máy này.”
***
Ghi chép của Lạng
“Thượng tuần tháng Mạnh Xuân.
Theo ước tính, hồ này rộng ít nhất là hai nghìn mẫu, con số này ta chỉ mới phỏng đoán. Quan Phụ đạo nói rằng, lộ trình buộc phải vượt qua hồ này, đi tiếp tục về hướng Tây Bắc. Phỏng theo lộ trình ấy, đoàn dự kiến sẽ đi theo hướng bên tả của hồ lớn.
Lúc này, lương thực đã hao hụt ít nhiều, khí giới cũng có hư hại. Trong đoàn bắt đầu có người nửa mê nửa tỉnh, miệng huyên thiên, sợ hãi. Những người này hầu hết là tội nhân, còn binh lính của ấp Nhạn vẫn giữ được tinh thần tốt.
Để khắc phục vấn đề lương thực, một số người đóng những bè gỗ lớn cỡ hai người ngồi, lấy da trâu bọc lại, dùng dây thừng buộc vào mà thả trôi gần bờ. Lại dùng cành trúc làm cần câu, câu được nhiều cá lên để bổ sung thực liệu. Người phụ nữ tên Âm cũng có lúc đòi lên bè để câu cá. Người này có cách thức thả câu rất cổ quái: trước tiên thị tháo dây đàn để buộc mồi, sau đó thả xuống nước, rồi lấy tay khẽ gảy dây đàn, tạo thành những sóng nước nhỏ. Cứ được một lúc là sẽ có cá cắn câu.
Cả đoàn men theo bên tả của bờ hồ, vừa đi vừa để lại cọc chỉ đường, tới ngày thứ hai thì có sự biến. Người tên Âm lúc này đang ngồi thả câu cùng lính ấp Nhạn, có người trông giữ cẩn thận. Bỗng nhiên, sương mù nổi lên một trận lớn, lại thấy hai lính ấp Nhạn bơi vào bờ, nói rằng bè đã bị trôi đi mất, bản thân họ thì bị yêu quái chui từ dưới nước lên đánh ngã xuống hồ. Mọi người chạy ra kiểm tra thì thấy dây thừng buộc bè đã bị cắt mất, vết cắt bén ngọt như người ta dùng dao, kiếm chém đứt, chứ không giống bị động vật cắn hỏng.
Đội ngũ họp lại, kiểm tra nhanh sĩ số thì thấy trừ Âm, còn lại đều đông đủ. Vậy việc này ắt do người ngoài làm. Ta cho rằng chỉ mất một người, với tình cảnh mù mờ như hiện tại thì không nên tổ chức tìm kiếm. Nhưng, quan Phụ đạo xem chừng rất ưu ái người này, luôn miệng yêu cầu phải bằng mọi giá tìm được thị. Ta gặng hỏi lý do, quan Phụ đạo cũng chỉ nói rằng kẻ này là người trọng yếu, phải bảo vệ bằng mọi giá.
Ta nhìn qua, thấy cô Đằng có vẻ cũng muốn cứu người phụ nữ này. Dẫu cho khác đội ngũ, nhưng cùng là phận nữ nhi, dường như cô Đằng cũng có ít nhiều thông cảm với Âm. Cô Đằng lại hỏi đi theo phương vị nào để tìm người, quan Phụ đạo lập tức trả lời rằng ở giữa hồ có một đảo nhỏ, chắc chắn người đã bị đưa về nơi ấy. Song, làm sao để biết giữa hồ có đảo nhỏ thì quan lại không giải thích. Lý lẽ này không có bằng cớ xác nhận, cô Đằng cương quyết không nghe theo.
Trước giờ ta và cô Đằng đều có ý phỏng đoán rằng Âm mới là hoa tiêu của đội ngũ quan Phụ đạo, vai trò hẳn nhiên là quan trọng. Nhưng người này nay đã bị bắt mất, vậy quan Phụ Đạo lấy sở cứ gì mà đoán rằng cô ta bị bắt lên đảo ở giữa hồ? Tên Ảnh đã chết, trong nhóm quan Phụ đạo chỉ còn lại ba người: Quan, tên Mộc và tên Biền Nhị. Người đưa ra suy đoán về phương hướng hóa ra lại nằm trong ba kẻ này.
Vậy, Âm có vai trò ra sao?
Lúc này, đội ngũ của ấp Nhạn nắm đằng chuôi, lại có một Niệm nhân ở cùng phe. Cô Đằng lấy lý lẽ không muốn mạo hiểm nhân mạng, ép quan Phụ đạo phải giải thích lý do biết rõ phương hướng cứu người, nhưng thực ra cũng là dò la năng lực của họ. Sự việc đã vậy, quan Phụ đạo dường như hết cách, bèn cởi lấy cái bọc đeo quanh mình, rút ra một thanh kiếm lưỡi dài bốn thước có bao bằng gỗ sơn mài màu đỏ tía khảm vàng, bánh chè hình hoa cúc. Chuôi kiếm bằng đồng chạm trổ hình mây, đốc kiếm bọc ngà voi. Quan Phụ đạo chĩa kiếm về cô Đằng, hô lớn: “Bảo kiếm Vũ Môn của Vương trong tay ta, lời ta là ý của Vương. Kẻ nào dám khinh khi?”
Nguyên bảo kiếm Vũ Môn là tín vật của Vương, uy quyền còn lấn át cả kiếm Thái A của Vua, chuyện này đến đứa trẻ con nơi thôn dã cũng biết. Thanh kiếm được chế tác quả thực công phu, lại được giao phó cho quan Phụ đạo nên hẳn có gốc gác từ phủ Chúa. Song, lời của quan có thể dọa thường dân sợ mất mật, chứ người ấp Nhạn thì chẳng hề quan tâm. Họ thấy Vương giương kiếm về phía cô Đằng, lập tức cũng sấn lên, người nào người nấy đều đặt tay lên vũ khí mà thách thức.
Quan Phụ đạo cũng không dễ bị bắt nạt, lập tức trao kiếm Vũ Môn cho tên Biền Nhị. Thanh kiếm nằm trong tay hắn nhỏ thó như cây đũa, nhưng khí thế của Biền Nhị vẫn rất áp đảo. Ý định của Vương đã rõ ràng: Nếu ấp Nhạn muốn vô lễ, quan sẽ cho ngọc đá cùng tan. Cô Đằng thấy vậy mới mềm mỏng: “Ấp Nhạn quả thực không dám trái mệnh Vương, nhưng Thung Thượng rừng hoang nước độc, đội ngũ mỏng manh, sợ chia nhỏ ra sẽ khó bề ứng phó nguy tai. Nếu người phụ nữ này thực sự quan trọng, vậy xin quan cho nhóm tìm kiếm mượn một người dẫn đường để tiện bề xoay xở.”
Lời này nói ra, về cách thức hóa ra cũng không khác gì phương kế trước giờ của cô Đằng: nếu phải chia nhỏ đội ngũ, nhất quyết phải mượn người của quan Phụ đạo để tiện bề kiểm soát. Quan Phụ đạo không thể từ chối, cuối cùng chấp nhận để tên Biền Nhị tham gia vào nhóm tìm kiếm Âm. Về phần ấp Nhạn, cô Đằng sẽ dẫn đầu nhóm tìm kiếm, đem theo tay Biền Nhị và một thập. Khí giới, giáp trụ được phân chia đủ dùng, ngặt nỗi lương thực không còn nhiều. Đội ngũ tìm kiếm dành một buổi đóng được ba bè lớn, sau đó cùng người tên Mộc lên đường. Theo hẹn, cô Đằng sẽ dành một ngày để tìm người phụ nữ tên Âm. Tới ngày thứ hai, nhóm của ta sẽ ở bên bờ hồ phóng đèn phi thiên làm dấu để đội ngũ cô Đằng bơi bè tới hội nhóm. Cô Đằng cũng giao lại đồng hồ dây cót cho ta để tiện tính toán thời gian.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
appleid.2nftx72gmt
Thắc mắc là tại sao trong một số ghi chép của Lạng lúc dùng chữ in thường, lúc dùng chữ in nghiêng vậy nhỉ 🤔
Người dùng 1203331
Quan rút kiếm ra, thì tác giả viết nhầm là “Vương giương kiếm”. Có 2 chỗ bị nhầm Quan thành Vương. Đề nghị sửa lại !