Ngày 26/1/1959, núi Kholat Syakhl, bắc Ural, Nga.
***
“Rustem, Nicolai! Đừng đùa cợt nữa, có để tôi chụp cho được một tấm ảnh hẳn hoi không?”
Mặc cho Igor Dyatlov cằn nhằn hết lời, Rustem Slobodin và Nicolai Thibeaux-Brignolles vẫn cứ cười đùa ngả nghiêng mà pha trò, trong khi Dubinina và Krivonishenko đã tạo dáng xong xuôi, nở nụ cười rạng rỡ giữa mênh mông tuyết trắng. Bất lực trước hai gã bạn đồng hành cứng đầu, Dyatlov đành bấm máy, chụp lại bức ảnh lưu niệm cho cả bốn trước khi cùng đội ngũ hạ trại nghỉ ngơi nơi lưng chừng núi tuyết.
Cũng khó trách Rustem và Nicolai, khi mà tất cả nhóm thám hiểm 9 người đều quá háo hức với mục tiêu chinh phục lần này: Núi Kholat Syakhl của dãy Ural hùng vĩ. Kế hoạch lên đường được vạch ra chớp nhoáng khi Igor Dyatlov bỗng cảm thấy ý định chinh phục dãy Kholat bùng lên dữ dội từ tận sâu trong tâm khảm từ vài ngày gần đây. Rất nhanh, anh tập hợp được đội ngũ gồm 6 sinh viên thuộc Viện Bách Khoa Ural cùng 3 kỹ sư để đón chuyến tàu tới phía Bắc vùng núi địa phương để bắt đầu chuyến leo núi, trong lòng đã sẵn sàng đương đầu với môi trường thực tế khắc nghiệt nơi đây.
Một trong những quy tắc sinh còn tối quan trọng của việc leo núi tuyết, đó là lều bạt cần được dựng xong trước khi Mặt trời lặn. Với 9 người khẩn trương chuẩn bị, điểm dừng chân trong ngày nhanh chóng mọc lên giữa sườn tuyết núi Kholat; và tới thời điểm ánh dương lẻ loi tàn lụi giữa mênh mông bóng tối, bếp lửa đã được nhóm lên bên ngoài túp lều lớn cho cả nhóm 9 người. Họ cùng nhau nấu nướng, chật vật đun nước sôi để pha cà phê và trà, đồng thời chia sẻ với nhau những thông tin về chuyến hành trình.
“Không biết Yuri đã đỡ ốm hơn chưa nhỉ?” – Doroshenko thắc mắc khi kê cốc cà phê lên môi, hớp lấy một ngụm nhỏ. – “Chà, lẽ ra nên là Vodka, sẽ nhanh ấm người hơn.”
“Yudin tội nghiệp! Chuyến hành trình mà cậu ta đã luôn mong muốn, vậy mà lại phát bệnh ngay trước khi khởi hành!” – Zinaida Kolmogorova tỏ vẻ ái ngại khi nghĩ tới gương mặt cố tươi cười của Yuri Yudin khi chia tay họ tại sân ga.
“Cậu biết Yuri không thể tiếp tục mà, đồng chí Zinaida!” – Dubinina, người phụ nữ còn lại trong nhóm với tay vỗ lên vai Zinaida. – “Cậu ấy nóng như miếng bánh cuốn Leningrad vậy, lúc ôm từ biệt Yuri cậu hẳn đã phải thấy rồi chứ. Lên núi Kholat vào lúc này là cậu ấy cầm chắc cái chết đấy.”
“Đừng nói như thể ta đi vào cửa tử vậy, đồng chí Dubinina.” – Igor Dyatlov cười lớn, tâm thế của trưởng đoàn khiến anh cảm thấy mình cần trấn an mọi người ngay lập tức khi câu chuyện có chiều hướng đi xuống. – “Danh xưng Núi Chết chỉ là thứ mà dân Mansi bản địa đặt tên cho ngọn núi này thôi. Trên thực tế, nó chỉ là một ngọn núi tuyết mà chúng ta sẽ chinh phục thành công trong nay mai.”
“Mà này, đồng chí Dyatlov!” – Doroshenko chừng như nhớ ra điều gì, bèn hỏi ngay Dyatlov. – “Lúc ở trên tàu tôi chưa kịp hỏi rõ. Cậu có nói gì đó về lý do phải ghé thăm núi Kholat này, đúng không?”
Vài câu phụ họa với Doroshenko được cả nhóm góp vào, khiến Igor Dyatlov không thể làm ngơ. Anh trở vào lều, sau đó quay lại bếp lửa với một thiết bị to cỡ cái hộp trà. Alexander Kolevatov lập tức nhận ra đó là thứ gì.
“Thiết bị thu phát sóng tự chế cỡ nhỏ.”
“Chính xác. Hoặc cứ gọi nó là chiếc radio cũng được.” – Igor Dyatlov xác nhận với phỏng đoán của Alexander, đoạn chìa thiết bị ra trước bếp lửa để mọi người cùng quan sát. Nó trông như một chiếc đài bị đứa trẻ con nghịch ngợm tháo tung ra và lắp lại, với những bảng mạch và dây điện đấu nối chằng chịt.
“Dyatlov thân mến, đừng nói là cậu lặn lội tới tận đây chỉ để nghe đài nhé?”
Igor Dyatlov dĩ nhiên không rảnh rỗi tới vậy – anh có lý do cho riêng mình để tìm đến núi Kholat. Là một sinh viên xuất sắc ngành kỹ thuật radio tại viện Bách Khoa Ural, Dyatlov cũng nổi tiếng với những dự án thu – phát sóng đặc biệt thể hiện qua nhiều mẫu thử khá độc đáo được chính các giáo sư khen ngợi. Igor Dyatlov có thể bỏ nhiều ngày trời ru rú trong phòng để chế tác những mẫu thử bộ thu phát sóng với độ hoàn thiện càng lúc càng tăng cao, nhưng không có thứ gì bì được với thiết bị được anh hoàn thiện vào ngày 13/1/1959. Một cỗ máy hoàn hảo, có khả năng thu nhận những tần sóng đặc biệt – một thiết bị vượt ra ngoài quy chuẩn của mọi thế hệ radio ở thời điểm hiện tại.
Ngay khi kích hoạt thiết bị trong căn phòng ký túc xá, Igor Dyatlov biết rằng mình đã thành công. Cỗ máy nhấp nháy sáng đèn, báo hiệu việc ghi nhận các tần sóng lạ từ khắp mọi nơi. Những bài hát, bản tin, mẩu quảng cáo từ khắp các đài phát sóng từ nhiều thành phố lân cận cho tới các địa phương xa tít mù tắp đều lần lượt xuất hiện qua mỗi lần chuyển kênh của Dyatlov, cho tới khi bàn tay dò dẫm của anh dừng lại ở một tần sóng lạ.
Âm thanh vang ra từ bộ phát sóng bỗng tắt ngúm, sau đó chuyển thành một tiếng rè rè như thể bị nhiễu. Âm thanh ấy ban đầu tẻ nhạt, nhàm chán, khiến Igor Dyatlov chẳng để tâm – anh chỉ nghĩ rằng thiết bị của mình không ghi nhận được tần sóng này ở tình trạng hoàn hảo nhất. Thế nhưng, anh lại không thể đưa tay tắt máy hay chuyển kênh – âm thanh rè rè ấy càng lúc càng mê hoặc Igor Dyatlov, dường như bơm vào đầu anh một mệnh lệnh bí ẩn, mãnh liệt thôi thúc anh thực hiện một mệnh lệnh đặc biệt…
“Vậy, ý cậu là, tín hiệu lạ được thiết bị của cậu thu nhận, sau đó báo cho cậu rằng chúng ta cần phải đến với núi Kholat?” – Zolotaryov vốn im lặng từ đầu cậu trò chuyện nay cũng phải lên tiếng hỏi vì quá tò mò.
Sau câu nói của Zolotaryov, mọi người bỗng có chút cựa quậy khó chịu trong lòng. Kỳ thực không có gì là “chúng ta cần phải đến với núi Kholat” ở đây. Cả nhóm trên thực tế chỉ muốn kiếm cho mình trải nghiệm mạo hiểm để đời với chuyến đi đến một trong những ngọn núi hiểm trở nhất biên giới phía Bắc của Kazakhstan. Igor Dyatlov – trên thực tế – mới là người có lý do riêng để tập hợp đội ngũ này.
“Không thực sự là vậy. Nó không nói lên thành tiếng, tuy nhiên khiến tớ cảm thấy mình thực sự cần phải đến Kholat… vì một lý do nào đó.” – Igor cẩn thận lựa chọn từ ngữ để diễn tả cảm giác của mình.
“Tớ có một giả thiết như thế này.” – Nicholas lên tiếng. – “Từ khá lâu nay, người ta thường nhắc tới các dự án nghiên cứu bí mật của chính phủ, nằm tại nhiều vùng đất hẻo lánh, bí mật trên toàn lãnh thổ Soviet. Các cơ quan như thế đã được xây dựng từ năm 1922, vừa dùng làm nơi lưu trữ các bí mật quốc gia, cũng là những hầm boongke kiên cố để bảo vệ các đồng chí nguyên thủ quốc gia trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra.”
“Điều áy liên quan gì tới sóng radio lạ lùng này?”
“Để liên lạc chứ sao. Vậy cậu nghĩ người ta sẽ truyền thông tin từ những vùng hẻo lánh như Kholat về Moscow bằng cách nào? Viết thư buộc vào chim bồ câu hay cưỡi ngựa đường trường để phát thư? Dĩ nhiên là phải sử dụng sóng radio rồi. Việc đồng chí Dyatlov của chúng ta bắt được những tín hiệu lạ là do người ta phải mã hóa chúng nhằm tránh việc một ngày đẹp trời nọ, babushka nào đó ở mãi tận Siberia lại nghe được điện tín gửi tới đồng chí Tổng Bí Thư Nikita.”
“Nếu đúng như suy đoán của đồng chí Nicholas thì chúng ta có thể sẽ gặp phải rắc rối to.” – Dubinina quan ngại. – “:Xâm nhập vào những địa điểm bí mật của chính phủ đồng nghĩa với vào tù rục xương đấy.”
“Đừng lo lắng quá, Dubinina. Trên đường tới đây chúng ta hoàn toàn không gặp biển cấm nào. Nếu Chính phủ có lý do để giữ chúng ta dưới chân Kholat, họ hẳn sẽ có những biển cấm với lý do đường nguy hiểm tuyết lở, hoặc…” – Doroshenko trấn an cả nhóm, nhưng liền bị Alexander Kolevatov nhanh nhảu cướp lời.
“… hoặc đất của người Mansi, cấm xâm nhập nếu không muốn ăn rìu vào đầu!”
Cả nhóm cười giòn giã, họ đều biết dãy Ural là nhà của dân tộc thiểu số Mansi. Những thổ dân này tuy lỗ mãng nhưng không thật sự là người xấu. Nhiều năm qua, họ đã bắt đầu có những giao thương với người miền xuôi – dù ít ỏi, nhưng cũng phần nào đảm bảo việc sẽ không có tay thổ dân Mansi nào xuất hiện thình lình, hai tay hai rìu làm gỏi cả nhóm. Hơn nữa, với đội ngũ lên tới 9 người, trong đó có tới 7 thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, nhóm Dyatlov dường như không quá sợ hãi trước kịch bản xấu này.
“Trăm nghe không bằng một thấy. Đồng chí Dyatlov, hay là cậu thử bật thiết bị này lên xem. Nếu như tín hiệu dẫn dắt cậu quả thực xuất phát tại đây, chúng ta hẳn sẽ biết ngay.”
Zinaida gợi ý, và nhóm người hiếu kỳ nhanh chóng đồng thuận. Igor Dyatlov đành chiều theo ý muốn tập thể, anh nhấn nút kích hoạt thiết bị, đồng thời đưa tay toan vặn nút điều chỉnh tần sóng. Vậy nhưng, ngay khi mới mở công tắc, một cảm giác kỳ lạ bỗng ập tới – thứ áp lực khủng khiếp lập tức nuốt trọn lấy cả 9 thành viên của nhóm thám hiểm, đâm xuyên qua họ chừng như không thể cản phá. Thứ năng lượng ấy đơn giản và thuần túy, vô thanh vô sắc, chỉ đơn giản là quét qua đầu óc cả nhóm khiến họ khựng lại, đứng hình, não bộ bỗng chốc bị xóa đen trong chốc lát, để lại một vùng tối sâu thẳm bất tận như thể đang chờ đợi một điều gì đó… một mệnh lệnh đặc biệt.
Nguồn năng lượng kỳ lạ ấy nhanh chóng suy yếu, trả lại trạng thái tỉnh táo cho nhóm thám hiểm. Khi Igor Dyatlov lấy lại được thần trí, anh thấy nhóm bạn của mình đang tỏ ra đặc biệt lo sợ, chừng như mới trải qua một cơn ác mộng tập thể. Trong tay Igor Dyatlov, thiết bị không hiểu sao đã tắt ngúm, cháy đen như thể vừa bị quá tải.
“Tớ… có thể cảm nhận được… bà ấy đang đến…” – Dubinina lắp bắp, run như cầy sấy.
“Phải… bà ấy đang đến.” – Zinaida cũng thừa nhận cảm giác của mình.
“Bà ấy là ai?” – Slobodin gặng hỏi, dù chính bản thân anh cũng cảm nhận được điều mà Dubinina hay bất cứ ai trong nhóm 9 người vừa trải qua. Họ đều cảm thấy mong muốn mãnh liệt, một mệnh lệnh không thể khước từ, rằng tất cả phải tiến sâu hơn vào núi Kholat để tìm tới thực thể ấy – thứ kỳ bí và đen tối vừa ra lệnh cho họ. Giờ đây, áp lực khủng khiếp đã qua đi, họ đều cảm thấy sợ hãi tột cùng trước ngọn Kholat cũng như thứ hung hiểm đang ẩn sâu bên trong núi tuyết này.
Không ai trong nhóm 9 người giải đáp được thắc mắc của Slobodin, họ đều ngồi thần ra, rơi vào những suy tư độc lập. Đoạn, Semyon Zolotaryov đứng dậy, quyết định thay trưởng nhóm Igor.
“Ngày mai, chúng ta sẽ nhổ lều và trở về. Không nên tiến sâu hơn vào nơi này nữa. Còn đồng chí Dyatlov, thứ trên tay cậu…”
“Nó có tên riêng đấy, đồng chí Semyon. Là отава (1).” – Dyatlov có vẻ khó chịu khi mình bỗng trở thành tác nhân phá hoại cuộc vui.
“Tên nó là gì cũng được. Nhìn đi, nó đã cháy đen rồi. Vứt nó đi, Dyatlov, trước khi nó đem tới bất cứ rắc rối nào khác. Còn bây giờ, chúng ta vào lều và nghỉ ngơi thôi.”
Cả nhóm chừng như đều tán thành với quyết định của Semyon Zolotaryov. 9 người chui vào lều tập thể và cuộn mình trong túi ngủ, nhanh chóng tìm tư thế thoải mái nhất để chuẩn bị nghỉ ngơi. Vậy nhưng, Dubinina dường như mất khá nhiều thời gian cho việc đơn giản này.
“Ngủ thôi, đồng chí Dubinina.” – Slobodin cảm thấy khó hiểu khi thấy Dubinina cứ đảo mắt quanh chiếc lều, chừng như đang kiểm tra sĩ số.
“Dyatlov, Slobodin, Zolotaryov, Kolevatov, Kolmogorova…, 2, 4, 6, 7, 9… Tất cả chúng ta đã ở trong lều. Vậy, kia là ai?”
Theo hướng tay chỉ của Dubinina, cả nhóm kinh hãi nhận ra một bóng đen bị ánh lửa của cái bếp hắt về phía cửa lều. Cái bóng cao lớn sừng sững đứng lặng lẽ chừng như quan sát cái lều, chẳng nói chẳng rằng nhưng toát lên một áp lực đe dọa khủng khiếp tới cả nhóm.
“Xin chào?” – Igor Dyatlov đánh tiếng. – “Ai ở ngoài lều vậy? Chúng tôi là bạn, không có ý gây phiền toái?”
Cái bóng vẫn im lìm đứng quan sát túp lều. Chừng như cả tiếng đồng hồ trôi qua, nhóm thám hiểm mới đưa ra được phương án: Doroshenko, người to khỏe nhất sẽ bước ra khỏi lều để xem xét tình hình. Nếu có biến cố xấu xảy ra, cả nhóm sẽ cắt lều và chui ra theo hướng ngược lại, đồng thời bắn pháo sáng để cầu cứu đội ngũ cứu hộ dưới chân núi.
Ngay khi Doroshenko chui ra khỏi lều, mọi người lập tức nghe thấy tiếng anh kêu lên thất thanh. Kịch bản xấu nhất đã xảy ra, Krivonischenko bèn rạch lều, cùng cả nhóm chui về phía ngược lại. Họ đảm bảo để các thành viên nữ tẩu thoát, trong khi Dyatlov, Slobodin, Kolmogorova và Krivonischenko quay lại hỗ trợ Doroshenko.
“Thánh thần ơi, ngươi là cái thứ gì vậy?” – Dyatlov thốt lên khi nhìn thấy kẻ đang nắm lấy cần cổ Doroshenko mà nhấc bổng lên không trung, siết chặt như thể chàng trai cao lớn chỉ là con búp bê làm bằng giẻ rách. Kẻ tấn công đặc biệt cao lớn, mặc trên người mấy mảnh giẻ rách, chừng như chẳng hề quan tâm tới giá rét khắc nghiệt trên núi Kholat. Gương mặt gã lún sâu trong mớ râu tóc rối tung thắt bím cẩu thả, nhưng ánh mắt thì phóng ra hung quang rõ rệt – gã muốn giết chết Doroshenko.
Lấy hết sức bình sinh, Dyatlov lao tới hòng đẩy ngã kẻ lạ mặt. Cú đẩy chẳng hề có tác dụng, kẻ tấn công vẫn đứng trơ ra chừng như chẳng quan tâm khi lần lượt Dyatlov, Slobodin, Kolmogorova và Krivonischenko cùng lao vào quyết ăn thua đủ.
Và rồi, trước ánh mắt kinh hãi của nhóm cản đường, gã cao lớn ném thẳng Doroshenko đi một đoạn xa không thể tin nổi. 4 người còn lại lập tức đổi hướng chạy thục mạng về phía Doroshenko, nhưng kẻ tấn công còn chẳng bận tâm đuổi theo. Gã tiến tới căn lều kiên cố, dùng tay không phá toang nó chừng như để kiểm tra xem bên trong có còn ai không. Tận mắt xác nhận chiếc lều đã trống không, kẻ tấn công bèn quay người về phía nhóm 5 người bỏ chạy, nhún nhẹ mình rồi lướt đi như một bóng ma.
Sức lực của kẻ tấn công chắc chắn không thể thuộc về con người, và cái cách mà gã di chuyển trên tuyết để đuổi theo nhóm 5 người cũng thế. Krivonischenko dìu theo Doroshenko chỉ kịp chạy tới bìa rừng, bên dưới chân một cây thông Siberi thì bị gã đuổi kịp. Chẳng nói chẳng rằng, gã xé toạc quần áo của cả hai, đưa mắt quan sát rồi cất giọng hỏi:
“Các ngươi không có “dấu hiệu”. Ai cử các ngươi đến đây?”
“Chúng tôi… không biết gì hết…” – Doroshenko lắp bắp, ngay lập tức bị kẻ tấn công đưa tay vỗ nhẹ vào đầu, lăn ra chết. Không chỉ sức lực và cách thức di chuyển dị thường, kỹ thuật giết người của gã này cũng hoàn toàn không thuộc về con người.
“Hãy nhìn bạn của ngươi.” – Kẻ tấn công quay về phía Krivonischenko. – “Và nói thật cho ta biết, tại sao các ngươi lại tới đây? Thứ các ngươi đã kích hoạt là gì?”
“Đó là một cỗ máy của Dyatlov, chúng tôi hoàn toàn không biết nó là gì! Xin ông hãy tin tôi, chúng tôi sẽ rời đi ngay bây giờ!”
“Ta đồng ý.“
Đoạn, gã dùng thủ pháp tương tự mà kết liễu Krivonischenko trong vòng chưa tới một giây. “Hai bị hạ, ba còn sống.” – gã nghĩ thầm trong đầu. – “Không ai trong số chúng bay sẽ được rời khỏi nơi này.”
***
Sâu hơn trong núi Kholat, nằm ngoài cả phạm vi quản lý hay lang bạt của bất cứ cư dân Soviet hay người Mansi nào là một con đường đặc biệt hiểm trở dường như không thể phát hiện bằng mắt thường. Tuyết rơi qua nhiều mùa Đông đã phủ kín lối mòn ấy, khiến cho tiểu lộ nhập luôn vào núi, tạo thành địa thế hiểm trở không thể vượt qua nếu thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết. Nhìn từ phía bên ngoài, rừng cây sẽ che phủ lấy con đường, còn mục kích từ bên trong, lớp tuyết trơn trượt sẽ làm nản lòng bất cứ ai có ý định mạo hiểm lần mò để khám phá địa thế đích thực nằm ẩn sâu trong núi Kholat.
Nhưng, con đường ấy không thể làm khó Kogot’. (2)
5 mạng người trong một đêm không phải là con số quá ấn tượng hay khó khăn với Kogot’, nhất là khi những kẻ này hoàn toàn chẳng biết đánh đấm gì. Mấy gã Mansi thi thoảng đi lạc vào trong núi, ít ra chúng còn biết vung rìu mà chiến đấu. Đằng này, 5 gã thanh niên trai tráng kia chỉ biết cầu xin để rồi nhận lấy án tử trong bất lực.
“Mất cả đêm theo dấu mấy con chuột ấy sao, Kogot’?”
Chẳng cần ngẩng mặt lên nhìn, Kogot’ cũng biết kẻ vừa nói là ai. Từ vách đá cheo leo trên cao, một gã ăn mặc gần giống Kogot’ ngồi đung đưa chân đang nhìn chòng chọc xuống, gương mặt và hai tay đã nhuộm đỏ trong máu.
“Còn ngươi? 4 kẻ chạy theo hướng ngược lại?”
“Cả trăm năm quen biết, vậy nhưng ngươi vẫn không tin tưởng ra nhỉ?” – Klyk mỉm cười bệnh hoạn, ném vật gì đó xuống trước mặt Kogot’. Một lần nữa, chưa cần đánh mắt, Kogot’ đã biết đó là thứ gì: Một cái đầu lưỡi phụ nữ, hẳn nhiên được gã cắt ra từ nạn nhân của mình.
“Ngươi vẫn thích tra tấn nạn nhân quá nhỉ?”
“Còn gì là vui nữa, nếu như chỉ chạm tay vào là đã lấy được mạng kẻ khác?”
“Ta không ưa thích gì việc giết chóc cả, nhất là với những kẻ không sử dụng được “Huyết”. Nhưng đây là nghĩa vụ của những người canh giữ “bà ấy”. Đó là lý do duy nhất buộc ta phải xuống tay làm những chuyện đáng ghê tởm ấy. Ngươi cũng nên thế, Klyk(3) ạ.”
“Hãy tưởng tượng khi đám người từ thế giới bên ngoài nhìn thấy những cái xác bị xé toang. Chúng hẳn sẽ khiếp sợ, đủ để tránh xa bí mật của chúng ta. Suy cho cùng, những gì chúng ta làm cũng là để bảo vệ nhân loại.”
Khó chịu trước lý lẽ của Klyk, nhưng Kogot’ không thể cãi lại được – gã biết tay cuồng sát kia nói đúng. Cả hai men theo con đường mòn chìm trong tuyết mà trở về “nhà”, trong đầu biết rõ họ sẽ được tha thứ về hành động dã man của mình.
Bởi vì, đây là nghĩa vụ của “Klyk” và “Kogot’” – những người canh giữ bí mật của Terra.
***
(1) отава (tiếng Nga) – Aftermath (Tiếng Anh)
(2) Kogot’ (коготь) – Vuốt (Tiếng Việt)
(3) Klyk (Клык) – Nanh (Tiếng Việt)
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI