Đêm ấy, ngư phủ không tài nào ngủ được.
Giữa cơn mưa tầm tã, đầm phá một vùng bỗng sáng rực trong đêm vắng, khéo thế nào lại vào đúng chỗ ngư phủ giăng mẻ lưới qua đêm. “Rõ cái tông môn nhà nó, khéo chưa!” – Ngư phủ lầm bầm giữa giấc ngủ dở dang ở cái chòi ven hồ, chép miệng. Độ gần đây, cái bến vắng mà ông thường xuyên giăng lưới qua đêm thường xảy ra dị tượng, mặt hồ thường xuyên phát sáng xanh biếc vào ban đêm khiến cho tôm cá sợ hãi bỏ chạy hết.
Chẳng riêng gì ngư phủ, những người hành nghề chài lưới xung quanh cũng bó tay với sự biến kiểu này – kẻ sợ hãi, người tò mò, nhưng tựu chung đều mặc mẹ mà cất lưới đi nơi khác tìm bến thả. Có chăng, chỉ còn ngư phủ là cứng đầu, kiên quyết bám trụ lại nơi đây.
“Để xem mày là cái giống gì!”
Ngư phủ tức giận, nhỏm dậy lao ra khỏi cái chòi. Ông phăm phăm bước tới nơi buộc thuyền rồi sải tay đẩy ra giữa hồ, tới nơi giăng lưới, dưới cơn mưa nặng hạt mỗi lúc một to hơn. Vừa vặn, ánh sáng xanh biếc đêm nay lại nằm ở chính giữa bãi thả mà ngư phủ mới sắp đặt thời chiều.
“Có khi lại là viên ngọc lớn. Cũng hay, bạn tao đang làm chuyện lớn, ắt cần có tiền của!”
Ngư phủ lẩm bẩm, nghĩ tới tay bạn keo sơn nối khố đang mưu cầu mấy chuyện đại sự. Cái ý nghĩ tích cực ấy khiến tay kéo lưới của ông thêm đon đả, nhưng đà kéo bon bon bỗng khựng lại giữa chừng. Có thứ gì nặng đến phát khiếp đang ghìm chặt mẻ lưới của ngư phủ, khiến ông nhất thời không thể kéo lên được.
Cái sức vóc khủng khiếp của dân chài tưởng chừng phải kéo được cả Hà Bá lên khỏi mặt nước, ấy vậy mà cũng khiến ngư phủ vật vã mới vần được vật lạ trong mẻ lưới lên thuyền. Nằm im lìm trong chiếc lưới đánh cá là một khối thép dài chừng hơn hai thước phát sáng rực rỡ, nhưng thay vì nóng rẫy như vừa bước ra từ lò lửa, nó lại tỏa ra hàn khí lạnh lẽo kinh người.
Cho là sự lạ, ngư phủ giong thuyền về bến, khệ nệ bê khối thép về cất kỹ trong lều. Gã định bụng sáng mai sẽ gọi người bạn thân sang để cùng xem xét vật lạ này.
***
Ấy vậy mà cũng chẳng tới lượt ngư phủ phải lo. Trời vừa tảng sáng, bên ngoài chòi đã sang sảng tiếng người réo tên ngư phủ:
“Thận! Có nhà không?”
“Vừa hay!” – Ngư phủ nhỏm dậy, hô lớn – “Lợi! Vào đây, vào đây!”
Chẳng đợi tới lần thứ hai, Lợi bước vào cái chòi lụp xụp của Thận. Vừa thoáng nhìn thấy Lợi, Thận buột mồm kinh hãi:
“Lợi, ốm hả? Sao mặt trắng bệch thế này?”
Quả nhiên, gương mặt Lợi dường như cắt chẳng ra giọt máu, thế nhưng trên môi lại đang nở một nụ cười rạng rỡ:
“Thận này, ngươi có tin vào ý trời không?”
“Ý trời?”
***
Trước vẻ mặt ngạc nhiên của Thận, Lợi kể lại tuần tự những chuyện xảy ra vào đêm qua. Giữa cơn mưa tầm tã, Lợi bị đánh thức bởi tiếng động lạ sau vườn. Khi tìm ra vườn, Lợi nhìn thấy hai cái bóng đứng giữa sân, im lìm, mặc cho ông trời vần vũ trút nước trên đầu.
“Đã làm kinh động tới nhà Vua, chúng tôi xin cáo lỗi.”
Kinh hãi, Lợi nhất thời chẳng nói nên lời. Nhà Vua? Không lẽ họ đang ám chỉ ông? Lẽ nào chứ, khởi nghĩa chống giặc Minh còn đang âm thầm trong trứng nước, tại sao đã có kẻ tỏ tường?
“Nhà Vua đừng sợ. Chúng tôi đem tặng nhà Vua một vật quý, muốn giúp ngài bình thiên hạ, định giang san.”
Vừa dứt lời, một trong hai kẻ lôi từ trong túi áo ra một cái tráp gỗ, đoạn lôi từ trong túi áo ra một cái triện hình con chó màu đỏ rực mà ướm lên nắp. Cái tráp vừa bật mở, một ngọn lửa màu đen kịt trườn ra, lập tức bám vào một cái cây trong vườn. Ngọn lửa không bị nước mưa dập tắt, trái lại quấn quít lấy cái cây, làm cành lá của nó nhanh chóng trổ xum xuê rồi héo úa, rụng lả tả xuống sân vườn. Cái cây đang cao lớn bỗng khô quắt lại, teo tóp, chuyển thành một màu đen kịt; từ trên cao, một cành cây rơi xuống vừa vặn nằm giữa hai tay của kẻ không bưng tráp. Gã bước tới, cung kính cúi đầu dâng cành cây cho Lợi.
“Là một cành cây màu đen.” – Lợi lẩm bẩm, trong lòng chưa hết kinh ngạc trước phép màu vừa xảy ra.
“Nhà Vua xin chớ coi thường. Vật này có phép lạ, ắt sẽ giúp ích cho khởi nghĩa Lam Sơn. Chỉ mong ngài sớm quét sạch người phương Bắc, bảo vệ dân tộc Xích Quỷ.” – Kẻ dâng cành cây vẫn cúi đầu kính cẩn.
“… và cúi xin nhà Vua, hãy giúp chúng tôi bảo vệ bí mật Thuận Thiên. Không thể để cường địch chiếm được nó!” – Cái bóng cầm tráp lên tiếng, đoạn nói thay lời kẻ còn lại. – “Nanh và Vuốt xin được cáo từ!”
Đó là những gì Lợi còn nhớ được. Sáng ngày hôm sau, khi mưa đã tạnh ráo, ông tỉnh dậy mà tưởng như mọi thứ chỉ là cơn mơ, để rồi thấy mình đang vẫn cầm khư khư trong tay một cành cây màu đen kịt chẳng khác gì cái cây đã chết ngắc trước sân. Bối rối trước cơn mộng – tỉnh, lo lắng khi có kẻ biết về khởi nghĩa Lam Sơn, Lợi tìm tới Thận – người bạn keo sơn mà ông tin tưởng nhất để bàn chuyện cơ mật.
Câu chuyện của Lợi làm Thận bối rối chẳng kém. Thận ra hiệu cho Lợi ngồi chờ, đoạn lôi ra khối thép đêm qua vừa giăng lưới bắt được.
“Thép tốt quá, ta chưa từng thấy bao giờ.” – Lợi trầm ngâm. “Nếu rèn được thành kiếm thì tốt quá.”
Y lời, Lợi và Thận mang khối thép vào làng, tìm thợ rèn giỏi nhất để đúc kiếm. Ấy vậy mà lửa to đến mấy cũng không rèn nổi, khối thép cứ nằm trơ trơ thách thức đại hỏa tưởng chừng nung thủng cả lò luyện sắt. Lợi bỗng nhớ tới ngọn lửa màu đen vào đêm mưa gió, bèn chạy về nhà đốn ngã cái cây màu đen lấy củi đem tới tiếp lửa cho lò. Quả nhiên có tác dụng – bà Hỏa sau khi nuốt trọn đống gỗ đen cũng chuyển màu hắc ín, nung chảy khối thép lạ để rèn ra một lưỡi gươm tuyệt hảo. Lợi lấy cành cây trong tay để làm chuôi và đốc kiếm – cái cành cây kỳ lạ ngay khi đem ráp với lưỡi kiếm bèn ôm lấy phần thép phảng phất ánh xanh hung hiểm mà bám rễ, trổ thành những trồi non ngập tràn sức sống.
“Người giúp ta!” – Lợi búng tay vào lưỡi kiếm, cảm nhận âm thanh “u…u…’ vọng lại tưởng chừng chẳng thể nào dứt.
“Trời giúp ta!” – Lợi chạm tay vào chuôi kiếm, cảm nhận mạch đập dữ dội đang tuôn trào bên trong thân gỗ lẽ ra đã phải chết cứng.
“Giang sơn này, ắt hẳn phải thuộc về nhà họ Lê rồi!” – Thận mỉm cười, cung kính nghiêng mình trước người bạn nối khố mà dường như quên mất rằng mình cũng mang họ Lê.
“Giang sơn này thuộc về chúng ta.” – Lê Lợi chỉnh lại lời của Lê Thận, gương mặt không giấu được vẻ mãn nguyện. Trong lòng ông, dự cảm mãnh liệt về một giang sơn thống nhất thuận ý trời, lòng dân bùng lên – khởi nghĩa Lam Sơn chắc chắn sẽ giành thắng lợi.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI