Đến khi trời sáng bảnh mắt, tia nắng ban ngày chói chang quá làm cả người ngột ngạt khó chịu thì Kiệt mới lười nhác tỉnh dậy, nhưng tay chân cậu vẫn cuộn trong chăn, chỉ muốn nằm tiếp. Một lúc sau cậu chàng mới nheo nheo mắt, nhưng khi mở ra liền thấy một đám người đứng quanh giường mình làm cậu bất ngờ đến ngớ cả ra, chẳng rõ có phải Kiệt ngủ sâu quá, rồi đột quỵ chết lúc nào không biết hay không.
“Cái gì vậy? Các đồng chí đang làm đám tang cho tôi sao?” Kiệt nhìn khắp lượt đám người đó, toàn là thành viên chung tiểu đội với cậu, mặt ai cũng có vẻ không được vui lắm, “Này, ai là khách phúng điếu, ai là người chơi kèn vậy?”*
Một tên trong đám cuối cùng cũng bật cười, là Đức, nhưng hình như cậu ta cũng cười xòa cho vui thôi: “Kiệt nên học lại cách nói đùa đi, chọc cười người khác với một câu phức tạp như vậy thì chẳng ai cười nổi đâu.”
Kiệt chỉ nhún vai, tự hỏi chẳng lẽ ngữ điệu của mình lúc nói chuyện nghiêm túc giống đang đùa lắm hay sao. Vừa nãy cậu đúng là sợ mình chết thật rồi đấy.
“Vậy thì rốt cuộc là có chuyện gì đây? Chẳng phải giờ này mọi người đang học giậm chân, đi đều gì đó sao, trốn học đấy à?” Kiệt vừa nói, vừa vươn người giãn hết cơ ra, rồi lại ngáp mạnh một cái.
“Thì đáng lẽ ra phải vậy.” Một tên khác trả lời, gọng kính trên mặt người nọ chẳng biết vì lý do gì đang tuột xuống như sắp rơi khỏi cánh mũi, cậu bạn này tên Toàn, giọng nói trầm đục của Toàn đôi lúc làm Kiệt nghĩ đến ông anh của mình.
“Là sao?” Kiệt nhăn mặt trước câu trả lời lấp lửng này, rồi lại nhẩm đếm số lượng người đang có mặt, nói tiếp, “Thịnh đâu rồi, không đi cùng với cả đám à?”
Thịnh là cậu bạn giường trên của Kiệt, cái tên có vẻ ngoài chẳng khác nào lưu manh đầu gấu với cặp mắt thù hận cuộc đời đó luôn khiến cho người khác sợ hãi lánh xa, không lý nào cả phòng quyết định trốn học mà cậu ấy lại hăng say đi học được. Tất nhiên cả đám thanh niên ở đây không phải loại ngoan ngoãn, nhưng ít nhất cũng ngoan ngoãn hơn Thịnh cơ mà.
Cả đám nghe được câu hỏi của Kiệt, nhất thời nhận ra mình đã che mất nhân vật chính đang ngồi phía sau, liền tự động dãn hàng cho Kiệt nhìn, Đức nói thêm một câu: “Thịnh đây nè.”
Đúng là do cả một đám người đứng trước mặt nên Kiệt không thấy thật, bây giờ Kiệt thấy rồi, thấy xong lại càng không nói được nên lời. Cậu bỏ chân xuống giường, sàn đá lạnh lẽo làm cậu hơi giật mình rụt chân lại như chạm phải băng, rồi bàn chân đó nhanh chóng thích nghi, tiến gần lại cái người đang ngồi trong góc phòng.
Thịnh ngồi trên cái ghế gỗ, đầu dựa vào tường nhưng cúi gằm xuống như đang mang trong người mặc cảm tội lỗi, Kiệt dụi mắt nhìn lại lần nữa. Một bên mắt cậu bạn bị sưng tím, môi cũng bị rách một miếng nhỏ, bật ra một mảng đỏ thẫm, đồng phục học quốc phòng bê bết bùn đất như vừa đi ruộng về, trên cánh tay lực lưỡng còn có vết cào cấu tứa cả máu trông rát phải biết. Kiệt nhìn dáng vẻ trước mặt, không tránh khỏi mừng thầm trong lòng, không ngờ Thịnh cũng có ngày thảm hại như thế này, Kiệt biết là không nên nhưng cậu nhịn cười không được.
“Ông bị sao thế này?” Kiệt hỏi, nghiêng đầu qua nhìn xem còn có vết thương chỗ nào nữa không.
Đức lúc này đã ở bên cạnh cậu, lanh lẹ trả lời giúp: “Là chuyện với thằng Long.”
“Thằng Long?” Đức trả lời mà bỏ nửa, Kiệt nghe chẳng hiểu gì.
Kiệt tất nhiên biết thằng Long là thằng nào, cái tên cao lêu nghêu, rặt một vẻ tay chơi thứ thiệt. Hôm đầu đến đây Kiệt cũng có để ý tên đó, áo quần trên người y choáng lộn, đôi giày dưới chân bóng loáng tỏa ra thứ mùi của đồ hiệu, cả dáng người nhìn chẳng khác nào cái sào phơi đồ, hàng Tây hàng Tàu bát nháo, ánh mắt thì dửng dưng kiêu bạc rất khó ưa. Nhưng Kiệt nhìn rồi thôi, chứ cũng chẳng quan tâm cậu ta là phường gì, ai làm việc của người đó. Chỉ nghe loáng thoáng Đức từng bảo rằng Long vừa vào đã tập hợp được một đám đàn em dưới trướng, chắc định làm trùm khu này hay sao.
Long thì Kiệt nhớ vậy, nhưng lý do gì mà cậu ấy lại có liên quan đến những vết thương trên người Thịnh thì Kiệt thật sự không biết. Ngẫm nghĩ một chốc, Kiệt nêu lên phán đoán của mình: “Đánh nhau hả?”
Cả bọn đồng loạt gật đầu. Kiệt hít một hơi thật sâu cho trấn tĩnh lại, cuối cùng trò này cũng đến, trong đầu cậu bắt đầu vẽ ra đủ mọi tình huống có thể xảy ra nếu một cậu ấm ngang ngược gặp một tên đầu gấu lầm lì.
“Bị thương như thế này tại sao không đưa đến phòng y tế?” Kiệt vừa hỏi, vừa lục trong gặp mình ra một cái hộp nhựa, bên trong chứa đầy những lọ thuốc, bông gòn rồi cả băng gạc và mất thứ lỉnh khỉnh khác.
“Tụi tôi cũng định thế, nhưng chỉ huy bảo đánh nhau thì tự về phòng mà chữa chứ không được dùng dịch vụ y tế trong doanh.” Một giọng khác giải thích, cậu bạn này là Nhật, Nhật giả giọng khéo thật, nghe chẳng khác cái giọng ồm ồm của chỉ huy trưởng là bao khiến Kiệt cũng bật cười.
“Vậy lý do cả đám đứng quanh giường ngủ của tôi là bởi vì không có ai trong bọn mang từ nhà theo băng bông thuốc đỏ cả đúng chứ?”
Cả đám lại gật đầu. Kiệt được nước lấn tới cùng: “Vậy nếu đến đêm khuya tôi mới thức thì các đồng chí định để cho Thịnh chảy máu đến chết hay sao?”
Không có câu trả lời nào. Kiệt bó tay hết nói nổi.
Có lẽ cảm thấy nhiệm vụ của mình đã xong, trong phòng mạnh ai nấy lui về một góc, có tên thì lấy ghế ngồi nghỉ, tên thì lấy mấy cuốn truyện mình giấu được ra xem. Chỉ có Kiệt giống như một tay cần vụ thứ thiệt và Đức giống như một thằng choắt mỏng tai thứ thiệt đang ở bên cạnh, như muốn kể hết đầu đuôi sự việc vừa xảy ra cho Kiệt nghe.
“Có phải cậu đi gây chuyện với người ta không?” Kiệt hỏi, đổ thuốc khử trùng lên miếng bông gòn, mùi thuốc bốc lên khó ngửi gợi cho người khác cảm giác đau dù mình không phải là người cần dùng đến.
“Không phải đâu.” Đức liền thấy có cơ hội nên xen ngang, “Kiệt biết cái tên Long đó mà, ánh mắt lúc nào cũng nhìn lên dây điện, có quan tâm đến chúng sinh thiên hạ ra gì đâu, tên đó còn có tật cao giọng, thích nói nhịu tên người khác để chọc tức và gây chiến. Hôm nay Thịnh chỉ là bị chọc đến mức phát rồ thôi.”
“Vậy thì vẫn là lỗi của cậu nhỉ?” Kiệt nhìn Thịnh, đây là một câu khẳng định chứ không phải là câu hỏi.
Kiệt chấm miếng bông ướt lên một vết thương gần miệng của Thịnh, tên đó bị rát có hơi lùi ra xa, miệng lầm bầm, giọng cấm cảu: “Không cần.”
“Không cần? Cậu có muốn vết thương của mình bị nhiễm trùng, rồi bắt đầu mưng mủ lở loét chạm đến dây thần kinh nào đó khiến cậu liệt một bên mặt không?”
Nghe lời hù dọa kinh khủng cùng vẻ mặt vô cùng nghiêm túc khi nói của tên đó, Thịnh mới tái mặt, hoặc mặt cậu đã tái sẵn rồi, chấp nhận nhắm mắt chịu đau để cho Kiệt khử trùng vết thương. Đôi lông mày rậm và cặp mắt xếch có hơi nhăn lại.
Sáng hôm nay, trời còn nhọ mặt người thì Kiệt đã trở về phòng nằm lăn ra ngủ ngon lành nên có nhiều điều không biết, Long vốn đã không thích cái mặt của Thịnh từ khi mới nhìn thấy, lý do tại sao lại ghét thì có trời mới biết. Dường như khi có cơ hội, cả đám của Long lại bắt đầu tìm cách hùa vào chọc tức cậu bạn ít nói này, nhiều lần Thịnh cho qua, nhưng chúng càng không muốn cho qua quá dễ. Đến hôm nay, trong lúc cả đám đang nghiêm túc đi đều thì có một tảng đá từ trên trời rơi xuống. Tảng đá to bản, trúng đầu có nước chết chứ chẳng chơi, nhưng người ném hình như cũng là tay cừ khôi, tảng đá đi một đường cung rồi trúng ngay bàn chân Thịnh.
Cậu lúc này không né kịp, ăn trọn cả đòn, bàn chân xây xát đỏ ửng lên, tuy không chảy máu nhưng Thịnh vẫn đau đến thẹn. Thịnh xăm xăm đi về hướng đó, xách cổ tên vừa cười hô hố đến ngang mặt mình, tuy không biết ai ném, nhưng người nào cười thì cứ bắt người đó trước vậy.
“Gì đấy? Tụi tao lỡ tay thôi mà, mày tên ‘Nhịn’ thì phải biết nhịn đi chứ!” Thằng Long với cái giọng lếu láo bố đời, bắt đầu cái trò nói nhịu tên người khác. Thịnh tức đến đỏ gay cả mặt, quyết xông lên một trận thư hùng.
Điều Long không ngờ chính là Thịnh lần này ra tay thật, cậu đấm một cú vào cái mặt đang giương lên của Long. Chàng công tử bột bị đánh bất ngờ, loạng choạng ngã nhào xuống đất. Nhanh chóng, từ một trò đùa của đám thanh niên biến thành một vụ ẩu đả.
Đám người cùng tiểu đội chạy đến cũng không can được, chỉ có thể đứng nhìn. Mà Thịnh chỉ được cái xác to con lực lưỡng, chứ đánh đấm thì dở tệ thấy thương, đánh một hồi lại trở thành người ta đánh cậu. Thịnh chỉ biết ôm đầu để cả đám hết đánh rồi lại đá, một mình cậu chống với cả đám cũng chỉ biết cắn răng chịu đau, vung tay loạn xạ chẳng trúng được ai, bọn kia lại càng hăng máu. Cho đến khi vị chỉ huy quay trở lại thấy được tình hình thì mọi chuyện mới tạm ngưng tại đó.
Thịnh là kiểu người lầm lầm lì lì, kiệm lời mà lúc nào cũng tỏ ra ghét bỏ người khác, nhìn mặt rất khiến người đối diện muốn cho cậu ăn đấm. Nếu thật sự có người tìm đến Thịnh để gây chuyện thì cũng không có gì bất ngờ. Kiệt có vẻ ngoài hiền lành thư sinh từ nhỏ nên không hiểu được điều này.
“Tại thằng chó đó gây chuyện trước… Ay, giao phối mẫu thân, đau!!” **
Nghe tên nọ chửi tục, Kiệt nghiêm mặt nhìn cậu ta, rồi Thịnh cũng biết đường im lặng không dám hó hé thêm câu nào.
Đức lúc này mới lắp bắp lựa lời mà nói, không biết cái cậu bạn nhanh nhảu đó có gì khó mở miệng mà lại cân nhắc từng câu từng chữ như thế: “Kiệt này… ừm… chúng ta ở cùng một tiểu đội nhỉ?!”
“Thì sao?” Kiệt bắt đầu bôi thuốc đỏ lên, thứ thuốc có cái màu thâm thẫm này càng làm vết thương trông gớm hơn.
“Vì cùng một tiểu đội nên chúng ta phải cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, Kiệt biết chuyện này đúng chứ?!” Tên nhỏ con bên cạnh lại đưa lời.
“Ừ, rồi sao nữa?”
“Nên… nên là chúng ta sẽ cùng chịu phạt với Thịnh đấy, cậu ấy đánh nhau om sòm đến mức bị chỉ huy chửi cho một trận mà.”
“Ái đau… Con mẹ nó… Cái này cậu cố tình đúng không?” Thịnh đột nhiên bị Kiệt dùng ngón tay nhấn mạnh vào vết thương làm cậu đau điếng người, đau đến mức tưởng đâu não mình vừa co giật một cái nên không nhịn được hét lên.
“Cậu nói cái gì hả?!” Kiệt quay lại trừng trừng nhìn Đức. Cuộn băng trên tay cậu rơi xuống đất, theo đà lăn dài kẻ thành một đường thẳng màu trắng bằng vải trên nền gạch hoa.
“Cả tiểu đội mình bị phạt đi sơn tường, nhưng may mắn là chúng ta sẽ được miễn một buổi học lý thuyết, tốt quá nhỉ?!” Đức mỉm cười hòa nhã.
Tốt cái con khỉ mốc!!!!
…
Đưa tay quẹt một đường dài trên bức tường màu xanh da trời trước mặt, Kiệt thầm rủa sả: “Anh xem, kiếp trước chẳng lẽ tôi là tay cường hào ác bá nào hay sao, hay là tên đồ tể nào, mà bây giờ căn đày kiếp đọa tôi như thế này vậy hả?!”
Kiệt cáu đến run người, làm đàn anh bên cạnh cũng không biết phải an ủi sao cho phải. Lẽ ra Kiệt phải đoán trước được cơ sự này mới đúng, dù cái thân cậu nằm ở trên giường yên giấc nhưng cái phận cậu nào có được may mắn như vậy. Thành viên trong tiểu đội đánh nhau, cả tiểu đội không tránh được can liên mà bị phạt cả đám, chuyện này là quá mức bình thường trong môi trường quân đội.
Dưới cái nắng trưa hè chang chang, bóng người chỉ tụ lại một điểm trên mặt đất, vậy mà cả đám sáu thành viên bọn họ phải đứng đây sơn tường, bức tường này bình thường trông thì ngắn nhưng sao bây giờ lại như dài đến vô tận. Mồ hôi chảy ướt cả áo, chất vải thô dính bết vào người vô cùng ngứa ngáy khó chịu vậy mà đưa tay không khéo sẽ bị bắn sơn vào, Kiệt gắt gỏng muốn điên lên được. Bây giờ cậu mới thấy việc cắt đầu đinh khi vào trại cải tạo quân sự là một điều đúng đắn, nếu không với tình hình khó khăn hiện tại mà thêm quả tóc rũ rượi ướt đẫm mồ hôi nữa thì chỉ có nước chết cho xong. Đầu đội một cái nón tai bèo, vậy mà Kiệt vẫn không cảm thấy bớt nóng, ngược lại cậu còn có cảm giác não mình đang bị hấp chín, mở ra là có thể múc ăn ngay được.
“Ước muốn bay cùng cánh chim về nơi phương trời xa… Được, chong chóng tre nè Nobita!!”
“Đức!! Đừng có hát nữa!” Kiệt quắc mắt qua cậu bạn bên cạnh mình, gằng giọng.
Chẳng lẽ cả đám chỉ có một mình Kiệt cảm thấy chuyện này là vô cùng phi lý hay sao, tại sao xung quanh cậu mấy tên đó lại chấp nhận hiện thực một cách đơn giản như không vậy chứ? Đặc biệt là Đức, cậu bạn đó vẫn giữ nguyên khuôn mặt choảnh hoảnh của mình, còn hát hò như trúng mùa vào tai Kiệt, làm lòng cậu đang buồn như chấu cắn mà cũng chẳng thể buồn được.
“Ai cũng thế cả thôi, đã gọi là cùng một đội thì phải chung lưng đấu cật…” Đại Quang ở bên cạnh cũng không thể để cậu mặt nhăn mày nhó như vậy nên tìm cách khuyên nhủ.
“Đến anh nữa phải không?” Kiệt lại xẵng giọng. Anh ta liền im ngay.
Đức đặt tay lên vai Kiệt, lắc lắc cậu để lên tinh thần, bảo: “Kiệt vui lên đi, bọn thằng Long còn tệ hơn tụi mình, tụi nó toàn dân chẳng xem ai ra gì, đến lúc bị bắt giải trình trước mặt chỉ huy trưởng còn bài đặt kênh kiệu, ăn nói nhâng nháo nên bị phạt đi cuốc đất. Tụi mình thấy vậy mà còn may gớm.”
“Thì đó là phải tội.” Kiệt trả lời, xoa xoa cổ tay vì mỏi, “Mà sao lại chọn màu vàng vậy chứ, bức tường đang màu xanh da trời đẹp như thế. Màu vàng này cũng kỳ quặc, cứ chói bừng lên làm người ta đau mắt kinh khủng.”
“Đâu có, bức tường này ban đầu là màu đỏ gạch, có một nhóm trước cũng bị phạt giống tụi mình nên phải sơn thành màu xanh thôi.” Toàn đứng bên phía còn lại của Kiệt đang im lặng đến giờ mới lên tiếng giải thích.
“Vậy đây là trò của mấy thầy bày ra để có cái phạt thôi hả?!”
“Ừ.” Toàn gật đầu, mồ hôi trơn tuột lại khiến cặp kính của cậu dịch xuống, “Giống như việc khiêng đất vậy, toán này khiêng đến lấp hố thì đến toán khác đào lên đem lấp lại cái hố ban đầu.”
Kiệt thở dài, không biết bình luận gì cho phải. Cả đám lại cố cắm đầu sơn cho xong bức tường, mấy đường sơn nguệch ngoạc của dân không chuyên trông lộn xộn và vón cục lại, chẳng ra kiểu cách gì. Tiếng ve lại kêu ra rả, kêu nẫu nà, làm ai cũng sốt ruột.
Có lẽ im lặng bấy nhiêu đó là đã quá sức, Đức lại tiếp tục lải nhải: “Đêm qua Kiệt đi trực đêm có gì vui không vậy?”
Bị hỏi đến chuyện đêm qua, Kiệt có hơi chùng xuống, cậu nhìn chằm chằm bức tường nhưng dường như tiêu cự không đặt vào đó, trả lời: “Cũng không có gì lạ.”
“Nghe bảo ở chỗ đó có vườn cây, Kiệt có thấy trái chín nào không?” Cậu bạn đột nhiên nghĩ đến chuyện ăn làm Kiệt cũng hơi đói bụng. Nhớ lại mấy củ khoai của Đào đêm hôm qua, Kiệt cũng hơi tiếc, cậu ăn mà chẳng biết ngon lành gì, làm phụ tấm lòng của Đào và phụ cả mấy củ khoai nữa.
“Có cây xoài đương độ chín bói, lúc lỉu mấy quả xoài non xen với xoài chín.” Kiệt nhớ lại, “Nhưng đêm khuya ở đó toàn cây với cỏ, thâm u lắm mà Đức lại sợ ma nữa chắc không ra hái được đâu.”
“Gì chứ.” Đức vểnh môi vẻ không hài lòng khi Kiệt nhắc đến chuyện cũ, rồi lại như nhớ ra điều gì, cậu hỏi tiếp, “Vậy Kiệt có gặp bà cụ Tỏa ở đó không?”
Câu hỏi này làm Kiệt càng bất ngờ hơn nữa, Đức đúng là thích lo chuyện vặt, cái gì cũng biết cả. Bà cụ đó tất nhiên cậu không quên được, nhắc tới lại làm lòng cậu thấy buồn hơn.
“Có gặp, sao ông lại hỏi đến cụ vậy?”
“Cũng không có gì.” Đức nhún vai, “Chỉ nghe bảo ở doanh trại này có một mẹ Việt Nam anh hùng nên thắc mắc vậy thôi. Vả lại, Đức nghe nói cụ Tỏa có một quá khứ cũng ly kỳ lắm.”
“Quá khứ gì mà ly kỳ?”
“Thì nghe bảo cụ đã tự tay chôn sống con ruột mình để cứu cả làng khỏi bị bọn Tây vây bắt. Có lẽ vì chuyện đó nên thần trí cụ bây giờ không được ổn định lắm.”
Kiệt dừng cây cọ sơn to xù trên tay giữa không trung, cậu bất giác lặng người đi một chốc. Thứ nước sơn dinh dính nhỏ giọt tong tong xuống thảm cỏ dưới chân tường, trộn với bùn đất thành một thứ chất lỏng cáu bẩn. Thảm cỏ không biết bị bao người giẫm lên nên bây giờ đã bằng phẳng, bằng phẳng nhưng vẫn kiên trì mà sống tiếp, đời cỏ thì chỉ có thể như vậy mà thôi.
“Không, tôi không biết chuyện đó.” Kiệt lặng lẽ mà trả lời, trả lời xong cậu càng lặng lẽ hơn nữa. Đại Quang bên cạnh cũng chỉ nhìn cậu, người đàn anh này ít nói, đôi khi chỉ im lặng quan sát mà thôi, có thể anh không hiểu, mà cũng có thể anh hiểu tất cả những điều đang cựa quậy trong trí óc Kiệt.
Bước một là làm quen, bước hai là nhờ giúp đỡ, Đại Quang cảm thấy mình khó lòng mà làm được bước hai với cậu bé có trái tim non nớt chưa đủ va chạm này.
…
Về đến phòng, Kiệt đặt ngay cơ thể mình lên giường, tay không ngừng xoa nắn mọi thớ cơ trên người. Đứng cũng mệt mà sơn cũng mệt, tay chân cậu đang rệu rã muốn lìa khỏi thân, chỉ mong có thể ngủ một giấc đến mai mà thôi.
“Cậu xem lại mình có quên gì không.” Đại Quang nhắc Kiệt.
Kiệt mệt mỏi trả lời, mặt vẫn vùi vào gối: “Tôi không muốn tắm cũng chẳng muốn thay đồ nữa, ngủ đi mai tính tiếp, bây giờ tôi không thể làm được gì đâu.”
Cậu cũng cảm thấy người mình có chỗ ngứa ngáy khó chịu, có khi còn đang bốc mùi nữa nhưng Kiệt mặc kệ, khi người ta lười thì người ta còn chẳng thiết ăn uống chứ nói gì đến tắm rửa.
“Kiệt này…” Đức rón rén đến gần cậu bạn, nhẹ giọng gọi.
“Gì nữa đây?”
“Chắc là Kiệt quên rồi nhỉ… ừm, hôm nay đến lượt Kiệt giặt đồ đấy.”
“…” Bây giờ, đến cả hét lên Kiệt còn chẳng hét nổi.
“Lần sau… hộc… lần sau người nào còn đánh nhau nữa thì phải giặc đồ cả tuần đấy.” Kiệt cẳn nhẳn, lấy hết sức bình sinh của mình mà cẳn nhẳn, cẳn nhẳn đến khi nào cả phòng đồng ý với quyết định của mình mới thôi. Chân cậu đang dùng sức đạp lên đống đồ bẩn của cả đám người trong phòng, cậu không dùng tay nữa mà dùng chân để giặt, mọi người cũng không ai dám ý kiến gì thêm.
Trong môi trường quân ngũ chẳng có lấy một cái máy giặt, tất cả đều phải giặt bằng tay không. Vì muốn tiết kiệm nước nên cả bọn đã quyết định giặt chung đồ với nhau, mỗi ngày thay phiên một người giặt. Và lần này cũng y như lúc sáng, Kiệt không thể đoán được sẽ nảy sinh cơ sự thế này.
“Nếu ông mệt quá thì để đó cho tôi.” Thịnh ghé mắt vào, giọng lí nhí như trẻ em bị phạt, cậu biết lỗi của mình rồi, cũng cảm thấy áy náy với Kiệt lắm.
“Ông chẳng phải mới vừa bị đập hội đồng một trận khi sáng sao, mau đi chỗ khác đừng có xà quần ở đây.”
Kiệt không cho giúp, Thịnh cũng chỉ biết lui lủi đi ra.
“Thật là, cái bọn này… Anh nhìn thấy chưa, chong con mắt ra mà xem này.” Kiệt lại tiếp tục một tràn than vãn nữa với Đại Quang. Đống đồ của người khác vừa mặc lên người bây giờ đang bị cậu giẫm đạp không thương tiếc dưới chân, người không biết nhìn vào chắc sẽ tưởng cậu chàng đang trù ếm lên ai đó cũng nên.
Mấy ngày hôm sau, Kiệt lại bị mất ngủ, chuyện này cứ cách mấy hôm lại xảy ra. Có ngày nào học hành với đi tập luyện mệt quá thì Kiệt còn có thể lăn ra giường ngủ ngon lành, chứ gặp ngày chẳng làm được gì nhiều thì cậu lại mất ngủ. Đêm khuya trống trải, mấy khoảng trống đem ngòm kỳ quặc trong đêm tối làm con người ta thấy mình trơ trọi và cô đơn. Dạo này hay có tiếng cú rúc, chẳng biết chúng kêu ở cánh đồng nào đằng xa hay ở cánh rừng đâu đó mà chốc chốc lại vang lên, tịch mịch càng thêm tịch mịch, Kiệt cứ cảm thấy buồn buồn trong lòng.
Cậu ghét cái con người chứa quá nhiều xúc cảm của mình, ghét cái kiểu ủy mị của phường trí thức, nó cứ khiến cậu suốt ngày nghĩ đâu đâu rồi lại buồn mấy điều không có thật. Kiệt nằm lăn lộn một hồi thì nhớ đến chuyện Đức đã kể, về cụ Tỏa, về quá khứ của cụ. Nghĩ rồi lại càng nghĩ, Kiệt chẳng hiểu sao có nhiều thứ ám ảnh mình như vậy, tại sao cụ Tỏa phải giết con ruột của mình? Để cứu cả làng, mà sao giết con lại có thể cứu cả làng được? Kiệt không thể nào suy đoán ra. Kiệt hỏi Đại Quang, mà người anh đó lại lắc đầu bảo không biết, anh lang thang ở đây lâu vậy rồi, chuyện gì người ta bàn với nhau cũng đã từng nghe ngóng qua, tại sao lại không biết được, hay anh chỉ muốn giấu cậu mà thôi
Đến ngày hôm sau, Kiệt mới hạ quyết tâm đăng ký thêm một ca trực đêm nữa, dù biết mình có đến gần cụ Tỏa thì chưa chắc cụ đã kể điều gì cho cậu nghe, thế nhưng chẳng hiểu sao Kiệt mang trong lòng một nỗi niềm phức tạp hơn những gì cậu cố tỏ vẻ. Bà cụ thật ra còn khiến cậu nhớ đến nội mình dù cụ chẳng giống hình bóng nội trong ký ức của Kiệt chút nào.
Kiệt nhớ có lần mình đến thăm bà nội, mắt bà lúc đó đã yếu lắm, không nhìn ra con chữ nữa, kể cũng tội, nghe bảo thời trẻ bà là con gái quan huyện, có học hành con số, con chữ đàng hoàng, lại hay nói có vần có điệu, vậy mà đến già lại không đọc được chữ nữa, không đọc được nhưng bà vẫn đưa cho con cháu đọc. Lúc đó Kiệt đang học lớp năm, được nội mình đưa cuốn báo bảo đọc cho bà nghe, Kiệt cũng bi bô đọc. Nắng chiều len qua bờ giậu, rọi qua phên nứa chiếu xuống lấm tấm những hạt nắng li ti trên hai mái đầu một xanh non một đã bạc màu, bình yên như giấc mộng nào trong quá khứ chứ không phải là đời thực.
“Cả quả núi mẹ đã cho rồi,
Con tặng mẹ hòn đá này làm cầu ao mẹ tắm
Mẹ cho con cả lũy tre,
Con tặng mẹ một cây để làm gậy chống
Nếu thật có linh hồn, chắc linh hồn buồn lắm…
Cha mẹ chết trong kháng chiến chống Pháp,
Chồng mẹ chết trong kháng chiến chống Mỹ
Chưa một lần mẹ biết đến thủ đô
Để chúng con nơi nào cũng biết…
Hôm nay, con thắp nén hương này, không phải cho ông, không phải cho cha
Chúng con thắp nén hương này,
Chúng con xin mẹ…” ***
Thuở đó còn nhỏ, Kiệt đọc xong cũng chẳng hiểu gì mấy, ngước lên chỉ thấy mắt nội hoen đỏ, Kiệt ngẩn ngơ không biết tại sao. Bà nội chỉ lặng lẽ xoa đầu cháu mình, nói: “Bà chỉ nhớ ông con thôi.”
Cũng phải, người ta nhớ người mà mình yêu thương thì người ta khóc cũng là chuyện thường. Ông Kiệt lúc trước đi theo cách mạng, đi ròng rã hơn hai mươi năm trời cứ tưởng đã phơi thây ở đâu rồi, vậy mà cuối cùng vẫn có thể trở về sum họp với làng nước, gia đình. Như một câu hát cũ, quà ông mang về cho bà là mái tóc pha sương, là những vết thương đủ chỗ trên người ông, cứ trở gió lại đau buốt nhức nhối**** . Rồi ông cũng mất vài năm sau đó, để lại bà một lần nữa ngậm ngùi đón nhận cái tuổi già cô độc của mình.
Bà nội của Kiệt là người mau nước mắt, bà ủy mị và dễ nặng lòng, điểm này thì Kiệt giống bà y đúc, nhưng cậu lại muốn mình phải thật mạnh mẽ, cứng cỏi như cha, đứa nhóc nào mà chẳng muốn giống như cha mình. Vậy nên Kiệt lại thành ra kẻ lưng chừng, cứng rắn mà cũng không cứng rắn nổi, đôi khi lại chẳng biết cảm xúc bản thân mình đang như thế nào.
Khi Kiệt lên lớp bảy thì bà mất. Bà mất cũng không phải là vội vã, vẫn kịp để lại di ngôn đầy đủ cho con cháu, tắm nước ngũ vị hương rồi thay quần áo tươm tất mới lặng lẽ ra đi, nhưng tất cả chỉ đến khi bà không còn thở nữa thì người trong nhà mới biết. Mẹ Kiệt là gái thành thị, trong nhà có tang mà chồng lại đi công tác ở nơi xa lắc, cũng lúng túng không biết làm sao, nghe theo lời mấy chú mấy ông lớn trong làng chỉ bảo rồi làm theo, lấy cây đũa đặt ngang hàm người chết để cài hàm, như vậy răng mới không nghiến vào nhau, rồi lại bỏ vốc gạo và ba đồng tiền vào miệng bà. Đến khi mấy người hàng xóm xung quanh và bác cả đã tập họp đông đủ mới đỡ đần lo hậu sự về sau.
Cha Kiệt không về kịp để nhìn mẹ mình lần cuối, mấy mươi năm một thân một mình gánh gồng nuôi con, mà lúc mất lại không thể thấy mặt đông đủ. Vậy mà cha chỉ im lặng, không rơi bất kỳ giọt nước mắt nào từ bấy đến nay, chẳng biết là ông kiên cường thật hay trái tim ông làm từ vỏ đạn mất rồi. Thế là Kiệt lại giận cha, cậu còn nhỏ không biết cái tục của quân nhân chiến sĩ nó như thế nào, chỉ thấy cha không khóc thì lại nghĩ ông vô tình. Lớn rồi cậu mới hiểu, mà hiểu ra thì cậu hối hận vô cùng.
“Kiệt, em có nghe tôi hỏi không?” Thầy dạy lý thuyết quốc phòng gọi Kiệt làm cậu giật mình tỉnh dậy khỏi cơn mơ giữa ban ngày.
“Vâng ạ.” Kiệt ngồi thẳng lưng, đáp lời, “Em sẽ đăng ký trực đêm thêm một buổi nữa ạ.”
“Được rồi.” Người thầy trước mặt gõ gõ thông tin cậu vào cái máy tính đời cũ nặng nề của mình, “Số 026, trực đêm thêm một ca, điểm cộng 0,2.”
Thật là, điểm gì bèo bọt hết sức!!! – Kiệt lắc đầu nghĩ.
Ghi chú:
*Phúng điếu và thổi kèn giải là hai tập tục trong tang ma của người Việt
**Từ tục đã được nói tránh
***Vẫn chưa tìm được nguồn gốc chính xác của bài thơ
****Lời bài hát “Mẹ” của Phan Long
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Yeutruyen
Hay quá