1. Khăn rơi xuống đất.
Rảo từng bước dài trên con dốc thoai thoải dẫn lên đồi Mật, Thiện đi trong vô định và anh cũng chẳng quan tâm lắm đến việc mình sẽ đi đâu. Dường như ngày nào anh cũng lên đấy, trên đấy có gì mà khiến anh dăm bữa lại phải cuốc bộ một quãng xa từ chùa Báng đến đỉnh đồi như vậy? Hẳn người bên ngoài nhìn vào sẽ bảo chắc anh bị ai đó dẫn. Vì đồi Mật vắng vẻ, rờn rợn và đã bị bỏ hoang bỏ phế từ hồi quản Ba về làng giữ chức thay ông quản Sự. Hồi còn mồ ma ông quản Sự, ông vẫn hay cho người đi dọn dẹp nơi này, người ta hay kháo rằng ông quản làm thế vì tình nhân buổi còn trai trẻ của ông được chôn ở đâu đó trên đồi Mật, mà kháo thì kháo vậy chứ không người nào biết rõ, chuyện cũng đã qua lâu lắm rồi.
Và lẽ tất nhiên, quản Ba về thì chẳng ai còn đoái hoài gì đến đồi Mật nữa, nó thành ra thâm u kỳ dị rồi bắt đầu lan truyền những tin hư hư thật thật về những hồn ma đi lại nơi đây. Vậy mà Thiện cứ như kẻ không biết sợ, anh băng băng lối nhỏ lên đồi, ở trên đó rất lâu đến tận chiều tối mới mò đường về. Nhưng hành động nào cũng có cách lý giải của nó, mà lý do cho việc làm của Thiện kể ra cũng đơn giản lắm. Đồi Mật là nơi ngắm cảnh mà Thiện thích nhất.
Trên đồi gió thổi mát lạnh, lại phong quang, khi đứng trên đỉnh đồi Mật nhìn xuống, có thể thấy rất xa những ô ruộng tăm tắp như bàn cờ, thấy cả bóng người làm việc, cả những mục đồng thong thả chăn gia súc. Khung cảnh đó bình dị mà lại thu hút Thiện một cách kỳ lạ, chính anh cũng chẳng thể nào lý giải được nhãn quan của mình. Vì lẽ anh có bao giờ lý giải được anh đâu, Tỏa là người quan tâm anh nhất mà còn chẳng hiểu nổi cách nghĩ của một người như anh nữa là.
Sư cụ chùa Báng từng bảo Thiện thật khớp với cái tên của mình, ở anh có một tâm hồn nhạy cảm và dễ đồng cảm. Tiếc là Thiện không được thật người, lúc nào cũng khật khù khật khưỡng rồi bật cười hô hố, có khi anh vừa cười đó rồi lại trở mình khóc tu tu, chẳng khác nào người say. Nhưng nếu sư cụ bảo tâm tính Thiện tốt thì có thể anh tốt thật, ít nhất anh cũng chỉ sống trong thế giới điên loạn nháo nhào của mình chứ chưa từng làm hại ai.
Như một khách lãng du, Thiện ngồi trên một tảng đá nhìn xuống khung cảnh bên dưới. Trông anh như đang nghĩ ngợi, mà cũng có lẽ thật ra anh chẳng nghĩ ngợi chi cả, anh ít khi nghĩ ngợi lắm. Thiện chỉ ngồi một lát rồi lại quay bước trở về, vì đến giờ quy định anh phải về, Thiện biết dù mình có ngắm cảnh xong hay chưa thì vẫn phải về, giờ này Tỏa và mọi người đang đợi anh.
Nhưng hôm nay có gì đó lạ lùng. Thiện nghe thấy tiếng con gì kêu trong bụi rậm khi vừa bật người đứng lên, con gì kêu kỳ quái. Giọng nó khàn đặc, thút thít, rưng rức và thê lương lắm. Tính Thiện thích vọc hoa cỏ chứ không ưa động vật, nhưng tiếng kêu này như tuồn ra từ trong bụi và vần vũ bên dưới chân anh, kéo cẳng chân anh, níu lấy và mơn trớn không muốn anh rời đi.
Như tiếng khóc người con gái, nhưng Thiện đồ rằng nó có gì đó khác tiếng khóc của Tỏa, vậy hẳn nó là tiếng khóc của một người đàn bà. Phải rồi, là tiếng khóc của một người đàn bà.
Mà Thiện thì ít khi đến gần đàn bà, một phần là vì từ trước đến nay chẳng có người đàn bà nào muốn đến gần anh, một phần nữa là vì quá khứ của Thiện, miễn là dính vào đàn bà thì đều đáng sợ. Mẹ của anh thì bị Tây dọa chết cùng lúc với cái chết của cha và anh cả, người đàn bà ôm con chết trong cái điếm hoang, rồi bao người đàn bà bị Tây bắt giết. Tất cả những điều đó khiến Thiện ngờ ngợ một luồng không khí tiêu điều, bi thảm cứ quẩn quanh những người đàn bà, rằng số phận của họ bi kịch quá, đáng sợ quá. Thiện thì sợ những điều đáng sợ. Mỗi khi anh thấy người đàn bà nào cũng đều lần bước tránh đi thật xa.
Rồi Thiện ngẩn người, một ngày nào đó Tỏa cũng sẽ trở thành đàn bà đấy thôi. Chẳng lẽ đời Tỏa cũng khổ vậy. Không được, trên đời làm gì có ai đáng phải chịu khổ. Thiện nghĩ không ai đáng phải chịu khổ. Anh lại nhớ đến lời sư Đạt Tịnh, sư cụ từng bảo con người ta chỉ khi nguyện ý giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể đưa nhau vượt qua cơn tai biến, ta không thể sống cho riêng ta được. Suy nghĩ của Thiện bắt đầu mông lung và thiếu mục đích. Anh nghĩ đến cả cậu Bộc tiểu đồng trong chùa, cậu ta đã cố gắng buông bỏ uất hận với cha mẹ mình để chấp nhận rằng số phận cậu không thể nào tự do được nếu phải sống trong một gia đình phong kiến trọng sĩ diện. Và như thế đấy, Thiện nghĩ chuyện tầm phào, luận hết người này đến người khác, khi sực nhớ ra thì tiếng khóc khi nãy đã tắt ngấm. Anh rẽ bụi bước vào, nơi đó chẳng có ai, chỉ có một chiếc khăn tay rơi dưới đất. Thiện nhặt thứ đó lên đưa đến gần mắt, chiếc khăn tay thơm mùi hoa lan, như dư âm còn sót lại sau một giấc mộng trần có chứa mấy giọt liêu trai, khiến một người ngớ ngẩn như anh lấy làm lạ.
…
Nhưng những chuyện quái dị không chỉ có một. Trong một đêm khác trời quang đãng, đương bước đi giữa đêm tối vằng vặc, không gian nhuốm đầy những mảng sáng chồng chéo từ ánh trăng rọi xuống, Thiện đã tận mắt thấy một chuyện lạ khác. Đêm đó Thiện không ngủ được vì khát nước, khát đến mức anh phải bật dậy mà tự thân mò mẫm trong đêm tối, ra khạp nước dựng bên ngoài, có lẽ do lúc ngủ đã mở miệng toang hoác lên trời nên cổ họng anh mới khô khốc như vậy. Tỏa vẫn đang thiếp đi trong một cơn ngủ hình như là sâu lắm, Thiện bước ra nhưng cô vẫn không hay biết gì.
Đến bên ngoài, Thiện nhìn thấy mấy hình nhân chạy rầm rập trong đêm tối. Ai bảo đất chùa thì không có ma, Thiện vừa thấy ma kia kìa! Mấy con ma chạy theo hàng, ba bốn cái bóng lấp ló từ xa xa, lẫn trong đám cỏ cao đến đầu gối người lớn. Mấy con ma hùng hổ đi, nhưng lại cúi thấp cơ thể như đang muốn trốn thứ gì, Thiện hoảng quá toang hét lên. Nhưng miệng anh ngay tức khắc bị một cánh tay khác bóp chặt, tiếng ú ớ bị kẹt lại trong cổ họng, chạy loạn trong vòm miệng anh như muốn thoát ra ngoài. Mắt Thiện trợn ngược, kích thích một điều gì đó từ trong sâu thẳm, như một kiểu bản năng, Thiện giãy giụa.
“Cậu làm ơn đừng hét lên, có chết cũng không được hét lên. Mô Phật! Cậu mà hét thì cả đám chết ráo!” Giọng nói ôn tồn quen thuộc của sư bác Độ Trí truyền vào bên tai Thiện, nhưng lần này lại có vẻ căng thẳng hơn những lần khác.
Nghe được giọng người quen, Thiện có hơi bình tĩnh lại nhưng cơ thể anh vẫn không thôi giãy giụa, phải một lúc sau thì hai người họ mới làm dịu được tình hình đi. Thiện quay mặt lại nhìn, đúng là sư Độ Trí đang đứng phía sau anh, ông sư to như con gấu, với thân hình lực lưỡng như hộ pháp trông không giống người tu hành cho lắm, nhưng tất nhiên ông là sư thật. Độ Trí phủi đất trên cái áo sồng, tuy không biết trong đêm tối như vậy thì sư bác có nhìn thấy quần áo mình bị bẩn chỗ nào hay không. Thiện nhìn người sư ra chiều khó hiểu.
Sư bác đưa một tay lên che miệng, bảo với anh: “Chỉ là người quen đến chùa thôi, lâu lâu họ lại đến rồi sẽ rời đi ngay. Cậu đừng nhìn thấy họ mà la lên, đánh động đến những người khác thì nguy cho chùa lắm.”
Với lời giải thích nửa úp nửa mở này, Thiện càng thêm khó hiểu hơn nữa, nhưng anh trước nay ít khi quan tâm đến những chuyện khó hiểu, tâm trí anh còn bận chu du ở phương trời nào rồi, nên anh chỉ gật đầu đáp lại Độ Trí như một cậu học trò.
“Cậu cũng đừng kể với ai chuyện này, cả cô Tỏa cũng đừng kể, kẻo cô ấy lại đâm ra lo lắng.” Sư bác nói thêm.
“Là sao?”
“Không là sao cả. Tôi bảo đừng nói thì đừng nói, cậu đã hiểu chưa?”
“Hiểu… Nhưng sợ…”
“Hiểu là được rồi.” Sư bác phất tay. “Cậu không có gì phải sợ. Chùa là nơi đất Phật, chúng ta đang nằm dưới tàn lọng của đức Phật nên tất cả rồi sẽ bình an thôi.”
Tất nhiên những lời đó Thiện không thể nào hiểu hết được, song anh chỉ đáp lại sư bác với một cái gật đầu nữa. Rồi Độ Trí nhanh chóng lui bước trở ra nhà chính. Tiếng cỏ xào xạc trong màn đêm, ướt đẫm nước trăng và tinh tú nhấp nháy. Thiện lại rùng mình, gió đêm mang hơi lạnh nhưng trán anh đã toát mồ hôi quện thành một mảng. Ngôi chùa này hình như đang chứa đựng một bí mật nào đó sâu xa lắm, dù cho có cố tìm ra được mối dây liên kết tất cả những cơ mật xung quanh nó thì người ta cũng chẳng thể biết được.
Mấy ngày sau, chú tiểu Bộc hôm nào cũng đến tìm Thiện, cậu dò hỏi anh có mang chuyện đêm hôm đó đi nói với người nào khác hay không. Và mỗi lần Thiện lắc đầu bảo không, Bộc như trút được một gánh nặng vô hình, chú tiểu đồng thở phào nhẹ nhõm.
…
Thiện không kể tất cả những chuyện kỳ lạ đó cho Tỏa nghe. Mà có lẽ nếu kể ra, có khi Tỏa cũng không lấy làm tin tưởng, vì Tỏa biết cái tính của Thiện rất hay nói những điều mụ mị kỳ quặc. Anh vẫn giữ thói quen cách vài hôm lại đi lên đồi Mật, lắng nghe tiếng nói sinh hoạt của những con người đương ẩn hiện ở phía xa. Có lúc, Thiện thấy Tây đi càn mấy người bên dưới, tra xét gì đó rồi lại thả ra, nhưng cũng có khi họ bị chúng mang đi đâu đó.
Một hôm, Thiện đương đi thì gặp hai tên lính sừng sộ cầm súng men dọc hai bên đường như đang kiếm gì trong bụi, mấy tên đó gặp anh thì đứng ra ách ngang đường không cho qua. Nhưng tất nhiên, hai tên lính bảo hoàng không muốn lôi thôi với một thằng khờ, bọn chúng không tra được gì từ Thiện thì cũng để cho anh đi. Tuy chúng nghi ngờ không biết Thiện có phải là Việt Minh giả điên qua mặt mình hay không, nhưng Thiện ngớ ngẩn là chuyện rành rành. Lính hỏi liên tục mà anh chỉ cười, Thiện cười khì khì, cười khúc khích, cười bật ngửa lên trời, tiếng cười ban đầu còn nhỏ sau đó lớn dần lên. Hai tên nọ tra một lát lại thành ra có ba thằng điên. Từ đó về sau, bọn chúng tự biết nhau mà cạch mặt Thiện.
Đời Thiện cười nhiều mà cũng khóc nhiều, trong ký ức vá chằng vá đụp của anh xuất hiện cơ man là tiếng khóc. Mẹ anh khóc và cả Tỏa cũng khóc, mạnh ai nấy khóc. Nhưng không hiểu sao, tiếng khóc lần trước phát ra từ trong bụi rậm mà anh nghe được khi ở trên đỉnh đồi Mật lại làm Thiện thấy lạ. Tiếng khóc nức nở bùi ngùi, tiếng khóc não nề và lâm li, như tiếng gõ mõ của sư cụ chùa Báng. Tiếng khóc mà như tiếng mõ.
Đang lúc ngồi thuỗn ra, Thiện bỗng nhiên nghe thấy tiếng ai đang đi trong bụi, rồi lại tiếng khóc đó vang lên. Có lẽ là ma khóc thật, Thiện không lần chần như hôm trước mà nhanh chóng đi đến lục lọi trong đám cây. Thiện len vào.
Khuôn mặt anh bình thường đã ngơ ngớ bây giờ lại càng ngớ ra hơn khi nhìn thấy cảnh tượng phía trước. Một người đàn bà hướng mắt nhìn lên Thiện. Đôi mắt người đàn bà không cười nhưng nom lại có cái duyên ngầm, khuôn mặt thì ai tạc trẻ măng, hẳn thị vẫn còn trẻ lắm. Người đàn bà sụt sùi rồi nép mặt qua một bên như đang muốn giấu đi hai hàng lệ, nhưng rồi thị nhận ra người trước mặt mình là một thằng ngớ ngẩn, vậy là thị không buồn giấu nữa, vì thị đã chóng nín ngay.
“Xin lỗi cậu.” Người phụ nữ cất bước nhanh định quay đi nhưng lại bị Thiện nắm tay giật lại.
Một luồng nhiệt truyền qua cổ tay mảnh khảnh và trắng nõn khiến thị hơi giật mình rụt tay về. Nhưng cánh tay của chàng trai đối diện như bị khắc dính vào tay thị, càng nắm lâu lại như càng muốn siết chặt hơn.
Thị cảm thấy kỳ lạ. Kẻ này là ai, không biết có phải người trong làng không. Lâu lâu cũng hay có người tản cư về nên dân tứ xứ cứ cách dăm bữa lại xuất hiện nên thị chẳng biết được. Thị kêu nhặng lên:
“Cậu làm ơn bỏ tay ra cho tôi về.”
Đáp lại lời thị, Thiện chỉ lắc đầu nguầy nguậy, hai cái má anh khi động đậy cứ núng na núng nính như hai cái bị thịt be bé được gắn lên mặt, nhìn cũng hay hay. Thị lại càng thêm bất ngờ, cả sợ hãi nữa, thị toang muốn hét. Nhưng đồi Mật chỉ có ma sống chứ làm gì có người, thị hét thì chỉ có ngạ quỷ nghe chứ không ai cứu thị được.
Nhưng rồi, Thiện lại lấy ra từ trong túi áo mình một cái khăn tay và đặt lên tay thị. Anh nhìn người đàn bà với đôi mắt kỳ quặc, nửa như nóng giận mà nửa như đợi chờ. Thị khó hiểu nhìn vật trước mặt, tất nhiên thị nhận ra ngay đó là thứ gì, cái khăn tay mỏng được ướp hoa lan mà thị đã làm rơi mấy ngày trước. Thị nghèo mà không bỏ được thói làm duyên, cứ hay thích dùng cánh hoa lan xoay nhuyễn rồi ngâm khăn tay vào để nhuộm. Thị làm duyên để quên đi cái đời của thị chứ không phải để cho người đàn ông nào xem. Vì đời thị còn gì nữa để cho người đàn ông khác nhìn ngắm.
Rồi thị bật khóc nức nở trong cơn hoảng loạn của Thiện. Thiện càng siết cổ tay người đàn bà đó hơn nữa, những dòng nước mắt kia làm anh khó chịu, như thể anh đang giận dữ chuyện gì, như một người bị khêu gan, anh cảm thấy bản thân nóng nảy mà chẳng có lý do chính đáng nào cả. Thị cố kiềm ém tiếng nức nở trong cổ họng mình, nhưng cố kiềm thì hai vai thị lại rung lên, tóc mái lòa xòa trước trán che khuất một phần mặt. Một mái tóc buồn như cuộc đời của thị vậy.
Một người đàn bà kỳ lạ, một cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhất trên thế gian, Thiện bàng hoàng và hoảng hốt, cuộc đời như tự nó đã trở nên khó hiểu hơn với anh gấp trăm lần. Bây giờ họ đã đổi vị trí cho nhau, người đàn bà ôm lấy cánh tay anh mà khóc làm anh muốn kéo nó ra nhưng mãi không được. Thị dựa cả người vào người Thiện, như có một thứ gì chống đỡ, thị neo người lên, dồn cả sức nặng của mình lên một bên vai anh. Nước mắt thị tuôn xối xả, thị khóc cho đã đời, cho đã cái đời này rồi ai muốn ra sao thì ra.
…
Người đàn bà tên Đậu, cả dòng họ Đậu đã cắm dùi trên cái đất làng Báng này từ xưa lắm rồi, tính ra nhà thị cũng là dân chính cư, nhưng người ta đối xử với thị như dân ngụ cư mới đến làng vậy. Bởi một lẽ nghiệt, cha thị bị mắc bệnh hủi. Khổ thân ông cụ, không biết bằng cách nào mà cái bệnh đó lại vận vào người ông. Mà truyền thống gia đình thị từ xưa đến nay là hạng thương gia nên cứ di chuyển tứ xứ. Có lúc ông đi Nam Định, có khi lên tận Thái Nguyên, đủ nơi đủ chỗ. Thành ra dính bệnh lúc nào có ai rõ cho được.
Vậy là người ta đốt nhà thị, rồi khi ông cụ chết thì đốt luôn ông cụ, phải tội, cái gì của phường hủi thì đốt sạch. Sau đó Đậu cũng không tránh khỏi bị đàm tiếu, bị xa lánh như người ta lánh một con vật gì gớm guốc lắm. Người làng bảo nhau cái căn bệnh ghẻ lở đó dễ lây, đụng vào người có dòng hủi là tìm đường chết. Nhưng thị không thấy mình có làm sao, mà thị có làm sao cũng mặc, thị chỉ tội cho cái họ nhà mình bị làng xã nánh xa và xua đuổi.
Mà chỉ có thế thôi thì đời Đậu cũng chưa thảm, cái thảm là chồng thị vừa bị mang ra bốt Báng bắn, thêm nữa người nhà không thể mang được xác chồng thị về. Chẳng biết ai vu cho chồng thị là dân cách mạng, anh ta có làm cách mạng thì thị phải biết chứ, đằng này thị có biết chi đâu. Chồng chết rồi con cũng chết vì thiếu sữa, lần này thị khóc vì căm thù. Thị căm thù ai? Thị căm thù chính thị. Thị căm thù cái con đàn bà tốt số còn sống nhăn răng đó trong khi những người thương yêu nhất thì lũ lượt chết liền tòi tọi. Tức sao mình không chết theo họ đi cho lành. Mà thị thì nào có cái gan để mà tự tử, nên bây giờ có bao nhiêu nước mắt thì thị chỉ biết mang ra nhỏ xuống đất, thị trốn lên đồi Mật để khóc, khóc đòi chồng, khóc đòi con. Dẫu biết mình còn phải giữ sức để hôm sau còn đi làm công cho nhà bá Cam, nhà cụ bá khó, không dễ mà xin được ngày nghỉ nào, mà thị thì không dám nghỉ, nghỉ thì chỉ có nước đói há mồm. Thị biết vậy, nhưng thị vẫn không nhịn được mấy dòng nước mắt của mình, đời thị đến đây ngoài nước mắt ra thì có gì nữa đâu, thị khóc lấy, thị khóc để, rồi mai trời có sập xuống thị cũng mặc.
Và giờ thì Đậu trút hết những nỗi niềm của mình vào tai Thiện.
Trong một lúc, Thiện lại nghe người khác tâm sự một nỗi lòng dài thườn thượt như thế, anh lại đâm không quen. Thiện không hiểu hết những gì thị nói, song anh biết người đàn bà bên cạnh mình đang buồn lắm. Gia đình anh cũng chết hết mấy người, tất nhiên anh biết cảm giác của một người mất người thân là như thế nào. Nhưng Thiện không biết phải nói gì với thị, Thiện bảo người đàn bà đó nín ngay, nhưng thị cứ khóc. Anh chẳng biết phải làm sao ngoài im lặng nhìn thị khóc.
Trời dần dần tối, nắng quái tắt nhường chỗ cho màn đêm thăm thẳm.
Thiện bước từng bước dài trở về chùa. Vừa bước đến gần đã thấy Tỏa đứng đợi anh trước cổng. Hôm nay Thiện đi chơi về trễ hơn mọi bữa, mặt Tỏa nổi cơn lo thấy rõ, cô nhìn anh chằm chằm, lại hỏi:
“Anh Thiện đi đâu mà đến giờ mới về. Mọi người đang lo cho anh lắm!”
Bình thường Tỏa đã mặc quần áo cũ của chùa, nhưng hình như dạo này quần áo của cô chẳng hiểu sao trông càng cũ hơn nữa. Mấy mảnh vá ở vai và những gấu áo khâu díu hiện ra rõ ràng như đang đập vào mắt người khác. Khăn quấn tóc thì to xụ, che hết cả mái tóc đẹp và cái gáy trắng ngần phía sau. Trông Tỏa bây giờ mới đúng là khổ, cuộc đời Tỏa chưa từng mang trên người lớp lụa đắt tiền nào.
Tỏa chờ đợi một lúc cũng chỉ nhận lại một cái lắc đầu mạnh của Thiện. Hai tai anh đỏ tía như vừa bị ai nhéo, mặt anh cũng cúi gằm xuống đất, mắt lờ mờ như kẻ say. Hẳn là anh say trăng rồi, hay say thứ gì anh chẳng biết. Tỏa ngờ ngợ thấy như anh mình hôm nay có gì đó lạ lắm, nhưng anh Thiện chưa từng giấu cô chuyện gì, chắc là vừa rồi anh ấy chỉ gặp chuyện rắc rối nho nhỏ chẳng đáng bận tâm mà thôi. Nghĩ vậy, Tỏa chỉ chậc lưỡi rồi dẫn anh cô vào trong. Cô không nhìn thấy người phía sau mình cứ chốc chốc lại liếc mắt về phía ngọn đồi trống đằng xa.
…
Sư cụ dừng lại, tiếng mõ đang lúc vang lên đều đều bỗng nhiên im bặt, cả thượng điện được chiếu rọi bởi mấy cây nến le lói bỗng chốc chỉ còn lại dư âm của tiếng gõ ảo trong khối óc vọng về. Bộc chợt mở mắt nhìn thầy, sư Đạt Tịnh vẫn đang trong tư thế tụng kinh, đầu thanh dùi vẫn đang lơ lửng trên mặt mõ cá. Hình như cảm nhận được điều gì, sư cụ khẽ nói:
“Trong hai con có người không nghe được tiếng mõ, nếu không nghe được thì thầy gõ tiếp cũng chỉ bằng thừa.”
Nghe thầy nói, Bộc giật mình. Cậu nhìn qua anh Thiện, nhưng cậu đoán chừng chắc thầy đang nói mình. Vì anh Thiện có một điểm lạ là khi bước vào cõi tịnh của tâm hồn rồi thì anh ấy sẽ chìm sâu vào trong đó, cứ như anh sinh ra để mà tu vậy. Nên sư Đạt Tịnh không chỉ rõ trong Bộc và Thiện ai là người mất tập trung, thì Bộc tự hiểu người đó chính là cậu. Nhưng cậu đang rất tập trung cơ mà, hôm nay cậu tập trung lắm, chẳng lẽ lòng cậu dao động mà chính cậu cũng không biết hay sao.
“Thiền mà chỉ nghĩ đến chuyện vẩn vơ, chỉ nhớ nhung một thứ gì đó làm tâm hồn mình xáo động như gió thu thổi tung ổ lá thì đã lâm vào tà thiền mất rồi. Lòng có vướng mắc đến mức tắm trong kinh kệ cũng không tháo gỡ được, không sáng tỏa được thì cứ nghỉ một ngày vậy.”
Lần này thì Bộc lo lắng thật, sư Đạt Tịnh có bao giờ rầy cậu đến mức này đâu. Bộc nhìn dáng vị sư già trang nghiêm, thấy sống lưng ông thẳng tắp mà sờ sợ mình sẽ bị phạt. Song cậu chưa kịp làm gì thì anh Thiện bên cạnh đã đứng lên trước, anh ấy chào sư cụ rồi cất bước đi ra ngoài. Bộc nhìn theo ra chiều khó hiểu. Vậy rốt cuộc những lời khi nãy là thầy nói anh ấy hay nói cậu, anh Thiện có bao giờ mang xáo động trong lòng đâu, hôm nay quả là kỳ lạ.
“Chúng ta tiếp tục thôi.”
Bị lời sư cụ kéo lại, Bộc nhanh chóng chỉnh thế nghiêm trang, cậu chắp tay và bắt đầu niệm Phật, nhanh chóng bỏ những thắc mắc vừa rồi ra sau đầu.
Lòng Thiện xáo động, má anh nóng hôi hổi, anh bước nhanh hơn, như một đứa trẻ vội vàng chạy đến với đám bạn chơi ngoài đồng. Thiện không báo với Tỏa là anh đi. Dù ngày nào anh cũng báo và lần nào Tỏa cũng gật đầu cho phép, nhưng hôm nay anh lại trốn Tỏa để đi lên đồi Mật. Thiện cứ như người vừa làm việc gì quấy, anh bỗng dưng không dám đối diện với Tỏa. Anh sợ đứa em gái mình cắc cớ, sẽ hỏi anh đi đâu, rồi lại hỏi anh đi với ai. Tuy trước nay Tỏa ít khi hỏi về hành động của anh mình, nhưng Thiện sợ thế đấy, Thiện sợ một cái nhìn cắc cớ thoáng ẩn hiện trong đôi mắt người khác, Thiện sợ phải nghĩ ra câu trả lời cho những câu hỏi để lý giải hành động của bản thân. Lần đầu anh như một đứa trẻ giấu giếm việc làm của mình.
Đợi đến chiều cuối cùng Đậu cũng rón rén đi đến bên cạnh Thiện từ phía sau, thị vỗ nhẹ vào vai anh, rồi nở một nụ cười rất nghịch với anh. Đôi mắt thị lúng liếng, thị nhìn anh chằm chằm như đang ngắm một thứ gì hay hay, hôm nay hình như thị ít buồn hơn hôm trước một chút. Rồi cả hai người họ im lặng ngồi cạnh nhau, bằng cách nào hai tâm hồn đó lại đồng điều với nhau thì không ai biết được. Nhưng cứ cách vài ngày họ lại hẹn nhau lên đồi, im lặng nhìn xuống khung cảnh bên dưới. Thiện e dè ngồi nép mình ở một góc, không dám chạm vào người đàn bà bên cạnh mình. Thị lại nép sát người vào anh.
Hôm đó trời mưa lất phất, hai người họ trốn trong một cái miếu bỏ hoang trên đồi, miếu hoang nhỏ xíu không đủ chỗ cho hai người nên phải ngồi gần lại với nhau thì mới vừa được.
“Mưa lạ lùng nhỉ, mùa này lại có mưa?” Đậu bật cười nhìn những giọt nước lăn trên mái ngói lỗ chỗ. Mưa tỉ tê, tanh tách, gió lùa u u, len vào những khe hở. Thị rùng mình vì lạnh.
Thiện nhìn người bên cạnh anh, nghi dung anh cao vượt nên cao hơn thị một cái đầu. Nước mưa thấm ướt làm cái yếm thị ẩn hiện trong cái áo màu nâu non. Cái yếm thị làm khổ Thiện, cái yếm thị làm khổ Thiện quá đỗi. Thị lại duyên nên anh thấy quần áo thị mặc cũng duyên, mắt thị lại long lanh, lúng liếng, hay cười.
Chợt anh rùng mình, tránh khỏi lớp da trắng nõn, lành lạnh của người đàn bà đó. Thiện nổi da gà, ngực anh đánh trống dồn, người anh hừng hực. Thiện không hiểu mình bị gì. Thiện cứng người lại một cách ngớ ngẩn.
Giọng Đậu dìu dịu bên tai anh, phả vào cần cổ anh, anh ngửi thấy mùi hương hoa lan nhẹ nhàng phảng phất.
“Sao Thiện lại tránh đi, mình… Thiện không thích mình sao?” Thị hỏi Thiện, lần đầu thị dùng cái cách xưng hô như thế với anh.
Vội lắc đầu, hai má Thiện lại núng nính, không biết anh đang phản bác điều gì. Óc anh xoay vần như cái cối, miệng ú ớ muốn nói gì đó mà lại càng thêm cứng đờ. Bây giờ trông anh nhát cáy, ngờ nghệch hơn cả bình thường. Phản ứng kỳ lạ của cơ thể khi anh tiếp xúc với một người đàn bà làm anh thấy khó hiểu.
“Mình… mình có cái này muốn nói với Thiện.”
Nói xong, Đậu lại càng tiến gần đến anh, mơn trớn bộ ngực đẫy đà của mình lên cánh tay đàn ông thô ráp của Thiện. Thiện lại càng thấy nóng hơn nữa, sự ngứa ngáy và bức rức từ trong dạ như muốn trào ra bên ngoài. Trời vẫn mưa, mưa rơi như tiếng đàn. Đột ngột anh nắm lấy cánh tay thị, hơi đẩy thị ngã về phía trước. Bị bất ngờ, không biết phải làm sao, thị ngã bệt xuống đất. Thị hơi thẹn, cúi người xuống cởi yếm của mình. Còn Thiện, anh mê mẩn, ngẩn người trước dáng vẻ phụ nữ của Đậu. Mưa vẫn rơi, vẫn tí tách, nhỏ lên đám ngói cất lên đôi ba tiếng giòn tan, nơi đó là không gian ái ân của họ, là một vùng đất thánh của hai người được tình yêu dẫn đường, họ mê lạc trong một thứ mê cung kỳ bí, lạ lẫm mà đằm thắm, dịu dàng.
Hôm đó Thiện về nhà với bộ dạng lướt thướt trông đến là thê thảm. Mũi anh đỏ rực một màu như bị ai đấm. Tỏa khi thấy anh về trong bộ dạng đó mới giật mình chạy ra.
“Anh đi đâu mà về trễ thế này, lại còn dầm mưa nữa. Mặt mũi đỏ gay hết rồi, kiểu này chắc bị cảm mất!”
“Đi… lên đồi.” Thiện bỗng cười tươi tắn, mắt anh đỏ ngầu song trông Thiện như có gì làm anh vui đến lạ.
Tỏa chỉ biết lắc đầu, coi như mình cũng hết cách. Hôm sau, Thiện bị cảm thật, anh sốt li bì, nhưng vẫn không thôi vui vẻ. Tỏa chỉ có thể tò mò nhìn anh, không biết trong đầu anh mình đang nghĩ đến chuyện gì mà khiến anh ấy khấp khởi như vậy. Nhưng không tra được cô cũng đành thôi.
Cứ cách độ mấy ngày, anh Thiện lại về trễ, Tỏa không biết từ bao giờ lại thành quen, vài ngày đầu cô còn gặng hỏi nhưng giờ thì không buồn hỏi nữa. Cô có nhiều mối bận tâm hơn là chuyện anh hai mình mải chơi những đâu. Có những hôm, cô hỏi cho có lệ vậy, đôi khi thấy áo quần anh Thiện xộc xệch quá thì mới nhắc anh đi đứng cẩn thận. Mối quan hệ giữa Đậu và Thiện, phải về sau này, về sau này lâu lắm Tỏa mới biết, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
2. Ưu đàm.
Việc đầu tiên Toả làm trước khi đi đâu là lấy khăn vấn lại tóc mình, cái khăn vuông xấu xí được cắt ra từ một phần của áo sồng trông rúm ró cứ tùm hum trên đầu cô. Cái khăn của phận khổ, cô đeo khăn thôi mà trông cũng khổ lắm. Toả làm vậy đích là để che mái tóc đẹp của mình lại, che cả cái cần cổ ngó cần của cô. Vì đây là đất chùa nên cô tự biết bản thân phải giữ nền nếp nghiêm chỉnh trong nhà chùa.
Chuyện bắt đầu từ một hôm Toả ra giếng chùa múc nước pha trà cho sư cụ, cô không để ý thấy chú tiểu Bộc đứng ở ngoài bậu cửa nhìn mình. Toả thong thả cúi người xuống kéo gàu, lúc đấy cô vẫn còn mặc lại đồ cũ của sư trong chùa. Đồ chùa cũ nhưng không bần, Toả mặc vào rất ưng mắt, cứ như thể dù mảnh vải có xấu đến đâu thì chỉ cần là Toả mặc vào thì nó lại trở nên duyên dáng lạ. Đầu cô trước cũng đội một cái khăn chỉnh chu và gọn gàng, có thể thấp thoáng thấy cái gáy trăng trắng và vài sợi tóc mai lất phất phía sau.
Cậu trai đứng đó nhìn cô, Bộc sững người vì bỗng nhiên cậu thấy chị Toả đẹp kỳ lạ. Chị Toả có dáng người như một đứa con gái nhà nông bổn nhưng khuôn mặt của cô lại khác lắm, không tròn trịa phúng phính mà lại sắc như tạc. Điều này làm Bộc thất thần, rồi lại cúi đầu nhìn xuống làm như mình chưa thấy gì, cậu lủi đi vào trong. Nhưng chuyện đó lại bị sư bác Độ Trí phát hiện được.
Một hôm, sư bác gọi Toả ra nói nhỏ cho cô nghe chuyện gì đó, có lẽ là dặn dò vì Toả cứ chốc chốc lại gật đầu như đã hiểu, rồi vâng dạ như nhận ra. Và đó chính là tất cả lý do vì sao dạo gần đây cô lại đi kiếm những bộ quần áo rách tả tơi và mang ra mặc. Mấy mảnh vá chằng vá đụp nằm rải rác trên bộ đồ cô, như Toả cố tình phô ra rằng mình là một đứa con gái thời chiến, phụ nữ thời chiến thì không được phép làm duyên làm dáng, mà Toả lại nương nhờ bóng từ bi, cô càng không được mặc quần áo đẹp. Rồi đầu cô chuyển từ cái khăn vuông vừa vặn sang cái khăn bạc phết một màu như phù sa, cứ thâm thâm ớn ớn thế nào, trông bình thường cứ như khăn bẩn.
Bước ra bên ngoài ngôi nhà nhỏ của vãi Na, Tỏa xách theo một thùng nước định bụng ra giếng múc nước để rửa rau. Tỏa thấy hôm nay chùa Báng hình như có khách đến, là một anh thợ mộc nom cũng không ra dáng thợ gì lắm, anh ta đứng nhìn theo cánh tay bà vãi Na chỉ lên phía đầu hồi của căn nhà tổ, hình như hai người đang bàn luận thứ gì trên đó.
Vãi Na quay lại thì nhìn thấy Tỏa đi ra, bà gọi ngay: “Tỏa, con lại đây.”
Tỏa nhanh chóng đi đến chỗ bà vãi, rồi liếc mắt nhìn người đàn ông bên cạnh bà. Là một người đàn ông trẻ măng, chắc chỉ hơn cô một hai tuổi, anh gật đầu chào cô với cái vẻ lịch sự tiểu tư sản, mái tóc anh hơi dài quá cặp chân mày sâu róm. Tỏa nhìn thôi cũng biết ngay anh chẳng phải là thợ thầy gì ráo.
“Dạ, bu gọi con.” Tỏa nói.
“Đây là cậu Lập. Cậu ta là dân tỉnh, khách quen của chùa, làm thợ mộc cũng lâu năm rồi. Bu và cậu Lập đang nói chuyện phía đầu hồi nhà tổ có một thanh chèo bị mối ăn ruỗng cả. Chả là thế này, nhà tổ lúc trước được xây hoàn toàn bằng gỗ lim, duy chỉ có một thanh là thiếu mất nên lấy gỗ thường đắp vào, thành ra mới bị mối mọt đục hỏng. Bây giờ có dịp cậu ấy qua thì sẵn đó sư cụ cũng nhờ giúp sửa san lại luôn một thể.” Vãi Na giới thiệu người đàn ông đó với Tỏa rồi bắt đầu giải thích.
Tỏa gật đầu như đã hiểu, cô lại nhìn người vừa đến, chợt để ý thấy người đó cũng đang nhìn mình, Tỏa nhanh chóng làm như không để ý đến ánh mắt của anh ta. Chuyện chùa Báng có chứa cán bộ thì cô đã biết từ lâu rồi, hẳn Lập cũng là một cán bộ đi làm cách mạng với danh nghĩa là người thợ làm công cho chùa mà thôi. Chứ trông tay chân anh khẳng khiu, dáng người Lập tuy cũng có sức vóc nhưng chỉ nhìn bên ngoài thôi thì lại lẻo khẻo không khác gì học trò, thêm mấy ngón tay thon dài như ống trúc thế thì Toả khó mà tin được Lập là thợ làm mộc lâu năm được.
Bà vãi lại dặn dò: “Cậu cẩn thận giúp cho, ở cây cột xà ngang bắt gần với thanh bị mục đó có vài đóa ưu đàm đương mọc, cẩn thận đừng để tổn hại đến chúng. Ưu đàm mọc là điềm lành, là dấu hiệu đức Thế Tôn muốn nhủ rằng sắp đây có một vị thánh hạ phàm, nói chung là cứ để chúng sinh sôi đó, hiếm lắm mới thấy được một lần, đừng nên làm hại chúng.”
Anh Lập gật đầu, hai người họ còn nói chuyện thêm một lúc, Tỏa thì đã xin phép đi trước. Trong đầu cô lo lắng không biết cán bộ Việt Minh giả dạng ẩn nấp như anh ấy liệu có bị ai đó nhìn ngó và phát hiện ra hay không. Nhưng nghĩ sư cụ là người tỉ mỉ, lại làm việc có tính toán lắm nên hẳn chuyện này cũng không đến lượt cô phải quan tâm đến làm gì. Ở phía chàng trai, anh vẫn dõi mắt trông theo Tỏa, thấy người con gái này đằm thắm kỳ lạ, dáng đi khệnh khạng vì xách theo đồ nặng của cô cũng làm anh bất giác nảy sinh chút thương mến. Bà vãi Na thấy Lập tủm tỉm cười thì có hơi ngẩn ra, ánh mắt bà mông lung huyền hoặc như chất chứa bao nhiêu là cơ sự, vãi lại nhìn theo bóng cô Tỏa khuất dần về phía nhà lớn, không biết đang nghĩ chuyện chi trong đầu.
…
Trong chùa có một cái ao bèo, cái ao không lớn lắm nhưng nước của nó trong vắt, chưa bao giờ bị vẩn đục, lúc nào cũng như được nong đầy lên. Chắc nhờ bèo lọc nước nên nó mới trong được như thế. Những ngày mới đến chùa, cô Tỏa thường đi ra đây ngồi khóc, cô ngồi trên tấm ván cầu mà khóc vì nhớ nhà. Giọt nước mắt cô điêu linh, nước mắt rõ tong tong xuống mặt nước, như mấy cánh hoa rụng. Có một hôm, cô đương khóc thì nghe thấy tiếng rào rạt trong bụi cỏ, từ trong lùm cây một con voi bệ vệ dẫm lên mấy cành khô kêu răng rắc bước về phía cô.
Tỏa giật mình nhìn con tượng to lớn, không biết nó đến từ đâu. Song trong con vật hiền lành và thiện tính, nó đưa cái vòi của mình lên cao bẻ lá cây mà ăn, có khi nó còn ăn được cả bèo nữa, chắc con vật đến đây cốt để ăn bèo. Sau này cô mới biết con voi đó là một con thú hoang được thầy của sư cụ Đạt Tịnh cảm hóa lúc ông vừa mới về chùa này. Vậy là con vật hẳn phải già cả lắm, nó sống qua hai đời đại sư của chùa Báng cơ mà. Từ khi thầy dạy sư cụ mất thì con vật cũng lủi đi lên rừng, lâu thật lâu nó mới trở về thăm chùa, giống như là có nhân tính, con vật ôn hòa nhìn ngắm Tỏa, đôi mắt nó tròn và đẹp như mắt phượng. Người dân không ai giết voi, vì giết cũng chẳng lấy được gì từ nó, đôi ngà của con voi này ngắn ngủn, cong tớn lại sậm màu, trông không được đẹp mắt lắm. Chưa kể một con tượng bệ vệ như vậy, lại là vật trong chùa, nói ra có khác gì nó như là một người hộ pháp của chư Phật đâu, giết nó lại thành phường nặng căn tàn độc chứ không đem lại chút lợi lộc gì. Vậy là tượng cứ sống mãi, không biết đã trải qua bao nhiêu năm cùng với ngôi chùa này.
Hôm nay con vật lại đến, nó luồn cúi giữa đám cây là đến bên cạnh Tỏa, cô bỏ rổ bèo xuống và đi đến vuốt ve.
“Tượng ơi tao sợ lắm.” Tỏa thủ thỉ với con voi, “Từ khi cách mạng thành công, tất cả mọi người đều sôi sục với một không khí mới để chờ đợi cho một cuộc chiến dịch sắp tới đây, chưa bao giờ tao thấy xung quanh mình mọi thứ lại đổi thay với tốc độ chóng mặt như vậy. Nhật đi thì Pháp quay lại nắm chính quyền, cũng có khác gì đâu, rồi cuộc chiến này sẽ dẫn đến những điều gì. Đến ngôi chùa này cũng không còn là nơi an toàn nữa, ngôi chùa này cũng bị kéo vào cuộc chiến mất rồi. Đến tao, hay là những người đàn bà thời chiến cũng không tránh khỏi cái đận sắp tới. Tao không hiểu chiến tranh là gì, cũng không hiểu thầy bu và anh cả mình sao lại…”
Tỏa ngập ngừng, cô suy nghĩ lung nên không biết phải sắp xếp lời nói sao cho liền mạch được. Chiến tranh nào chỉ toàn là bi tráng và hào hùng? Chiến tranh còn đáng sợ và khó hiểu đối với cô nữa. Tỏa muốn những chuỗi ngày này mau chóng kết thúc, nhưng phải đến bao giờ?
Con vật bỗng nhiên kề sát người về phía Tỏa, cô giật mình vì hành động bất ngờ của nó, song cũng nhanh chóng nhận ra, trên một bên ngà của con voi ấy mọc lên một thứ gì trông như mấy sợi chỉ bạc, những bông hoa trắng nhỏ xíu như hạt gạo đang đung đưa qua lại trước mắt cô.
“Ưu đàm… là hoa ưu đàm thật này. Hoa ưu đàm mọc trên ngà của mày đấy tượng ạ! Đây là điềm lành đúng chứ?”
Con vật không trả lời Tỏa. Nhưng mắt cô lấp lánh một chút tia hy vọng, rằng sắp tới đây điềm lành rồi sẽ đến với đất nước của cô, chiến dịch này chính quyền cách mạng nhất định sẽ gặp thắng lợi.
Nhưng điềm lành vẫn chưa kịp đến thì cái đận trước mắt đã ghé qua. Một đêm nọ, trong lúc còn ngủ vùi trên cái láng trong nhà vãi Na thì Tỏa và Thiện bị sư bác Độ Trí lay dậy. Cô thì tỉnh ngay nhưng anh Thiện hình như vẫn còn lờ mờ mắt nhắm mắt mở.
“Cô Tỏa.” Sư bác nói nhỏ, rồi đi đến chong đèn, lúc này Tỏa mới để ý thấy trong gian nhà nhỏ đang đầy những người, có cả sư cụ và chú tiểu Bộc ít khi đến đây cũng đang đứng trong ánh nến tù mù nhìn cô và anh mình.
Sư cụ thủ thỉ nhỏ như thể sợ ai đó nghe thấy: “Con ạ, Tây nó để ý đến chùa mình rồi, con và Thiện cứ theo chân sư bác cùng với cậu Lập mà trốn đi trước. Trốn qua khu du kích ở bên kia sông. Trong chùa có người không phải sư sãi thì chắc chắn chúng sẽ nghi ngờ bọn con đầu tiên. Con và anh mình cùng mọi người cứ trốn đi trước đợi qua con trăng vận này rồi hẳn quay về.”
Cô Tỏa còn lươn mươn, cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra: “Nhưng còn cụ và em Bộc thì sao? Mọi người phải cùng trốn đi chứ, Tây nó không vì mọi người là nhà sư mà tha cho đâu. Tây nó giết ráo.”
Trái ngược với sự hối hả của Tỏa, sư cụ chỉ giảng giải nhẹ nhàng: “Ta ở đây giữ chùa, nếu có chuyện gì hai thầy trò ta vẫn có thể nương tựa vào nhau. Con đi mau, trời hửng sáng thì không kịp nữa.”
“Nhưng…” Tỏa nhìn mọi người hoang mang, mọi người lại nhìn cô trìu mến, Tỏa xoay qua chú tiểu Bộc.
“Không sao chị ạ.” Bộc lắc đầu, “Em muốn ở lại bên cạnh thầy mình, chị đi nhanh lên kẻo không kịp, đến khu du kích phải lội qua sông lớn, hai người còn chần chừ thì sẽ càng nguy hiểm hơn thôi.”
Vậy là Tỏa lại hành động như một người mụ mị, cô như thể một con rối bị ai đó giật dây, tay chân của cô lúc này chỉ như có một thứ bản năng kéo lê cô hướng về trước. Tỏa nhớ lại cuộc Tây càn lúc trước, nước mắt cô ứa ra, giọng cô khàn đặc một nỗi buồn điêu linh rợn ngợp, như bóng tối này, hay nhiều bóng tối thăm thẳm khác cũng không đủ cho cô giấu đi những sợ hãi của mình.
“Con đi, nhớ luôn tâm niệm chánh đạo, khi khó khăn hãy nhớ đến lời của đức Thế Tôn, giữ tâm mình trong sạch vẹn nguyên. Khi khổ cực hãy niệm kinh cầu sự cứu giúp của Bồ tát Quán Thế Âm, ngã Phật từ bi chắc chắn sẽ làm lòng con yên ổn, sẽ cứu rỗi được cho con.”
Tiếng sư cụ dặn dò nhỏ dần, rồi lại nhỏ dần, chìm hẳn trong tiếng cú rúc, trong tiếng chó sủa ma. Trăng giàn giụa chảy từng mảng sáng trên đầu. Tỏa xăm xăm mà chạy, nhưng rồi anh Thiện đi phía sau cô từ nãy đến giờ chỉ im lặng, lúc này bỗng nhiên đứng sững lại như vừa nhận ra điều gì.
“Anh Thiện, chúng ta đi nhanh thôi!” Tỏa giục anh.
Nhưng khi cô quay lại nhìn, thấy anh mình đang chăm chăm hướng mặt về một điểm lạ lùng trong không gian như có gì đang níu lấy ánh mắt Thiện, Tỏa nhìn theo hướng đó mà chỉ thấy đỉnh đồi Mật ẩn hiện ở phía xa xa. Cô lại giục anh lần nữa, anh vẫn đứng nhìn, rồi mắt anh lưng nước, chẳng lẽ anh Thiện lại giở chứng khóc lóc đòi quà lúc này hay sao. Song sau đó, Thiện chỉ im lặng cúi đầu, cùng Tỏa chạy đi. Anh nhìn lên đỉnh đồi Mật lần cuối, lòng anh bỗng dậy lên một thắc mắc. Không biết lần tiếp theo mình lên đó, anh sẽ phải đợi đến bao giờ, anh bỗng cảm nhận được một sự mất mát đầy khó hiểu. Có lẽ đây là lần cuối anh còn nhìn thấy nó chăng. Và người con gái đó…
Phía chùa Báng, tiếng gõ mõ lốc cốc lại vang lên, dù giờ này đã quá nửa đêm mất rồi.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Yeutruyen
Buồn quá!