Số phận
Đứa trẻ nhỏ không tên, không cha mẹ này đã lớn chừng bốn, năm tuổi.
Chẳng ai biết cha mẹ nó là ai, nó từ đâu đến hay làm thế nào mà nó sống sót được đến tận bây giờ.
Mấy người tốt bụng thi thoảng sẽ đem cho nó chút thức ăn còn sót lại trong nhà.
Ở cái trấn nhỏ nhoi nghèo đói này có một vài đứa trẻ mồ côi lưu lạc rồi chết đầu đường xó chợ không phải điều hiếm gặp. Dù có thương xót thì suy cho cùng chẳng mấy ai vượt qua được gánh nặng của cái nghèo mà đủ can đảm mang chúng về nhận nuôi – nuôi thêm một miệng ăn.
Đứa nhỏ này cũng thật ngoan ngoãn, nó biết những người thường đưa nó đồ ăn đều là người nghèo, miếng ăn trong nhà còn chưa lo nổi nên hàng ngày nó vẫn đi nhặt củi ở mép rừng ngay cạnh trấn về để đổi lấy thức ăn thừa ở quán cơm, không dám phiền hà tới mấy người quanh xóm.
Mặt mày đứa trẻ tuy lấm lem những vẫn nhìn ra đôi mắt thực sáng, đen láy như hạt na, người ngợm tuy gầy gò nhưng lanh lợi, đầy sức sống.
Chẳng được bao lâu, quán cơm đổi chủ. Chủ nhân mới là một phú bà to béo, mồm năm miệng mười, cả ngày chửi bới hạ nhân không ngớt. Đứa trẻ nhỏ đem củi tới đổi đồ ăn không những bị chê củi ít còn bị xua đuổi không ít lần.
Lần này không nhặt được củi, nó chỉ dám đứng phía bên đường nhìn vào từng đĩa thức ăn được mang lên hãng còn nóng hôi hổi mà xoa bụng.
Có thực khách trông thấy, miệng chê nó bẩn thỉu liền đem lời nói với bà chủ. Bà chủ tức giận, phồng miệng gọi người tới đuổi đánh nó. Vì đói, nó chạy được một quãng liền kiệt sức, co ro trốn trong mấy đống rơm ở hẻm nhỏ.
May mắn thay, lúc ấy có một vị đại phu (1) đi ngang qua đã cứu nó một mạng. Ông xưng là Thạch lão, đã quá ngũ tuần (2).
Tay nghề của ông rất giỏi nhưng cả đời chỉ bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo, bỏ qua vinh hoa phú quý mà bôn ba khắp nơi. Phí chữa bệnh của ông khi là chút đồ nông, khi chỉ là bát cháo trắng ông cũng vui vẻ nhận lấy.
Biết được tình cảnh, Thạch lão liền thu nhận đứa nhỏ không cha, không mẹ này.
Hai người một già một trẻ không chút máu mủ nhưng tình nghĩa như ruột thịt, nương tựa vào nhau mà sống.
Thạch lão đặt tên cho đứa trẻ là Thanh Vân, Thanh trong “thanh thiên”. Lão nói, mắt đứa trẻ sáng như mây trời mùa hạ, sáng ngời và ấm áp. Thanh Vân không biết chữ, nghe thứ hiểu, thứ không nhưng vẫn biết được Thạch lão đặt cho mình cái tên hay liền vui vẻ không ngừng tự gọi tên mình.
Đi theo Thạch lão, Thanh Vân dần dần làm quen với y thuật, tuy còn nhỏ nhưng khả năng nhận biết các cây thuốc rất tốt, có thể tự phân biệt và hái được nhiều vị thuốc giúp cha.
Lão vẫn luôn tự hào về sự thông minh của Thanh Vân, nhiều người nói với lão Thanh Vân mà là một tiểu tử (3) thì tốt rồi, sau lại có thể thay Thạch lão hành nghề cứu người, không như mấy cô nương, không thể bôn ba khắp nơi được.
Mỗi lần nghe thấy, Thanh Vân sẽ luôn mạnh miệng đáp lại rằng sau nà)y nó nhất định sẽ vượt qua Thạch lão, rồi kiếm thật nhiều tiền để phụng dưỡng ông, sau đó cũng chữa bệnh cho thật nhiều người giống như cha nuôi của mình.
Những lời này chọc cho Thạch lão cười to, tăng thêm nét vui vẻ trên khuôn mặt hiền từ ấy.
************************
Chú giải:
(1) Đại phu: Chỉ thầy thuốc đã lớn tuổi hoặc biểu đạt tay nghề giỏi
(2) Đã quá ngũ tuần: Quá 50 tuổi.
(3) Tiểu tử: Chỉ các bé trai
************************
‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡
Mấy tháng gần đây tình hình biên cương vô cùng rối loạn.
Kể từ khi chiến thần của Đại Nam trọng thương khi hộ giá Hoàng thượng vào hai năm trước, các thế lực phương Bắc vẫn luôn nghe ngóng, nhăm nhe gây chiến tại vùng biên giới.
Dân chúng khắp nơi đều mong mỏi chiến thần của họ xuất hiện. Người là Vương gia – cháu ruột của hoàng đế tiên triều. Khi tiên vương còn sống rất coi trọng người cháu này của mình.
Ngay từ nhỏ hắn đã bộc lộ rõ tài năng; mưu trí hơn người, văn võ song toàn, đầy đủ tư chất của bậc đế vương. Nhưng để tránh gây hiềm khích và tỏ rõ lòng trung thành đối với hoàng đế tương lai, ngay từ nhỏ hắn đã xin ra biên cương đánh trận, nối tiếp con đường quan võ của cha và ông nội mình, không tham dự vào việc triều chính.
Tiên hoàng hết mực yêu thương hắn, tuy biết các con của mình không ai có được tài năng như cháu trai, nhưng ông không thể phế bỏ tư cách kế vị của các hoàng tử, chỉ có thể phong cho hắn làm Trấn Nam vương, phong tặng cho hắn đất Bình Nam làm nhà.
Trước khi băng hà tiên hoàng còn ra chiếu chỉ: chỉ cần hoàng đế vô năng, thần tử ngu dốt thì Trấn Nam Vương có quyền phế vua, trảm thần, khiến thiên hạ được phen dậy sóng, vô số hoàng thân quốc thích đố kỵ, coi hắn như cái gai trong mắt.
Nhưng trái với lo sợ của mọi người, hắn vẫn luôn thờ ơ, một lòng hướng về vùng biên cương, bảo vệ tốt con dân Đại Nam là việc làm duy nhất đến hiện tại mà hắn làm theo di nguyện của tiên hoàng.
Bằng khả năng của mình, trong những ngày tháng ở quân doanh hắn đã thu phục được lòng quân và dân, đánh đuổi được không biết bao nhiêu giặc ngoại xâm dám làm tổn hại đến con dân Đại Nam.
Hắn được gọi là thần, là võ tướng vô địch thiên hạ, trăm trận trăm thắng. Sự tín nhiệm của dân chúng đối với hắn thậm chí còn cao hơn cả bậc thiên tử. Đó luôn là nỗi sợ lớn nhất của hoàng đế đương triều. Dân chúng không ai dám vọng ngôn, nhưng vẫn thầm thảo luận rốt cuộc đã hiểu vì sao những năm ấy Tiên hoàng luôn coi trọng vị vương gia này.
Hiện tại, dân chúng lầm than, chỉ biết cầu mong chiến thần của họ xuất hiện lần nữa, cứu giúp bách tính trong thiên hạ qua khỏi bể khổ.
Nhưng đã hai năm kể từ khi Hoàng thượng bị hành thích không thành, đã hai năm kể từ khi Vương gia vào thành hộ giá, đã hai năm kể từ khi triều đình ra thông cáo Vương gia vì bảo vệ Hoàng thượng mà trọng thương.
Suốt hai năm đó vẫn luôn bặt vô âm tín về vị vương gia này.
Trong thiên hạ đã có đồn đãi thực chất Vương gia đã qua đời, nhưng vì trấn an lòng dân nên triều đình vẫn luôn bịa đặt để che mắt dân chúng.
Có nơi xa kinh thành còn xuất hiện lời rỉ tai rằng Hoàng thượng vì lo sợ sẽ mất ngai vàng vào tay Trấn Nam Vương nên đã tìm cách hãm hại vị vương gia này.
Dọc đường đi, hai cha con Thạch lão cũng đã sớm nghe được đồn đãi nhưng đều bỏ ngoài tai.
Bấy giờ, Thanh Vân đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn, nhanh nhẹn, một thân màu xanh nhạt, tóc búi cao, sau lưng đeo giỏ thuốc, bên hông gài cây sáo trúc. Thời gian bôn ba cùng Thạch lão Thanh Vân đã học được cách chơi loại nhạc cụ này, thi thoảng lại ngâm nga những bài ca dân gian chẳng rõ tên.
Lão phu năm nào giờ đã già thêm nhiều nhưng da dẻ vẫn hồng hào, nét hiền hậu chẳng chút nào mất đi.
Lần này hai người họ tiến gần về phía biên giới phía Bắc, nơi dân chúng đang chịu khổ cảnh của chiến tranh để cứu chữa.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI