Gió mát lượn là trên mặt nước xanh như màu lục bích, bay lượn qua những ngọn sóng nhẹ nhàng, lấp lánh ánh mặt trời của sông Vĩ Đại. Con sông khổng lồ này chảy xuyên suốt lục địa Varlaurea, bắt đầu từ những cánh rừng bạt ngàn bí ẩn, lãnh thổ cuối cùng của các Tiên Nhân ở phía bắc lục địa, chảy vòng qua dãy Tar’Veen đông. Đổ nước vào hồ Kao Ren rồi bẻ ngoặt sang phía tây và tiếp tục chạy xuyên suốt lãnh thổ của đế chế Varlann, xuyên qua một vùng đầm lầy rộng mênh mông rồi đổ ra biển. Mang theo vô vàn cá tôm và những trầm tích phù sa màu mỡ, ngoài ra nó còn có vai trò như một con đường cao tốc kết nối những cư dân của lục địa. Trên bến tàu của một thành phố nằm bên bờ sông, một con tàu lớn đang neo đậu. Con tàu thật tráng lệ, có hai tầng lầu, thân tàu sơn màu đỏ gụ, với bốn cột buồn cao và những mái buồm xếp gọn trên boong. Đuôi tàu treo một lá cờ hoàng gia Varlann tự hào bay trong gió, phía mũi tàu vẽ hình đầu rồng uy dũng. Trên mũi tàu có một người đàn ông Người Hạ đang ngồi trên lang cang thành tàu, mắt nhìn vào cái biển nước mênh mông, rộng lớn của sông Vĩ Đại. Người đàn ông đó tuổi xem chừng đã hơn năm mươi, thân mặc Giao Lĩnh Y được may bằng loại lụa đắt tiền nhất. Râu tóc của ông ta đã bạc gần hết, khuôn mặt nhăn nheo, đen xạm và khắc khổ, vì những ngày tháng lăn lộn nơi chiến trường, nhưng trái với khuôn mặt ấy, đôi mắt ông ta ánh rõ vẻ cương nghị, cứng rắn của một nhà lãnh đạo, một vị hoàng đế. Người này chính là người đứng đầu của đế chế Varlann, một đế chế mới nổi lên trong Bách Niên Chiến, Hoàng đế Suk Luo Tu.
Từ phía cầu cảng một chàng trai trẻ chừng 18 – 19 tuổi, tóc cắt ngắn cùng một cặp sừng trông như gạc nai trên đầu, và vài tùy tùng của anh ta bước lên tàu, rồi đi về phía Hoàng đế Tu, đấy là con trai thứ của ông và là người thừa kế ngai vàng, Thái tử Suk Lam. Thái tử đến trước mặt cha, đan ngón tay thi lễ.
“Bẩm phụ hoàng, con đã gặp tri phủ của thành phố, họ nói đoàn tàu của Hoàng thúc Toa đã đi qua đây cách đây hơn một tuần, đúng như lịch trình và không có gì đáng chú ý hay không được nhắc đến trong các bản báo cáo.” Thái tử Lam nói
“Ừm… vậy còn tình hình Fon Chu thế nào, Lam?” Hoàng đế Tu trả lời mắt vẫn không rời cái biển nước mênh mông trước mặt.
“Vẫn yên tĩnh ạ. Lúc này thì mệnh lệnh của phụ hoàng vẫn có tác dụng.” Thái tử Lam nói.
Hoàng đế Tu gật gù rồi ra lệnh cho tàu nhổ neo tiếp tục lên đường. Chỉ năm phút sau, những mái chèo từ từ đưa con tàu rời xa bến ra đến vùng nước mở, rồi những cánh buồm xếp từ từ leo lên đỉnh của bốn cột buồm, và căng lên hứng đầy gió. Hoàng đế Tu vẫn ngồi đó trên mũi tàu, trầm ngâm nhìn mặt nước mênh mông, lo lắng về số phận của người em trai đang mất tích, lo sợ điều tệ nhất có thể xảy ra, nhưng không chỉ có thế thôi, người còn lo lắng cho những nỗ lực suốt hai năm qua của mình có thể đổ sông đổ biển nếu không tìm ra đoàn người của Thân vương Suk Toa.
Thái tử Lam nhìn cha mình trầm ngâm, lo lắng mà chẳng biết nói gì, bởi những ý nghĩ về trường hợp tồi tệ nhất đã quanh quẩn trong đầu thái tử từ trước cuộc tiềm kiếm này bắt đầu. Nếu điều tệ nhất thực sự xảy ra với đoàn người của Thân vương Suk Toa, e rằng việc đó có thể khiến Bách Niên Chiến kéo dài thêm. Bởi thế mà, chính tay Hoàng đế Tu đã đính thân cùng người con trai đi tìm đoàn sứ giả mất tích của Thân vương Toa.
Bách Niên Chiến, một cuộc xung đột đã kéo dài được hơn một trăm năm nay giữ liên minh Tiên Nhân – Người Lùn, Long Nhân – Người Hạ, và Người Orc, gây ra bao chết chóc, tan thương và vô vàn tội ác từ cả ba phe. Cuộc chiến dần đi vào thế đình trệ, và cả ba phe liên tục giao chiến, hi sinh biết bao sinh mạng của binh sĩ, nhưng không có phe nào giành được thế thượng phong. Cách dây hai năm, sau bao tháng ngày chiến sự định trệ, phe Long Nhân và Người Hạ, do Varlann dẫn đầu đã giành một chiến thắng lớn trong cuộc vây hãm thành phố Schivelon của Tiên Nhân ở rừng Lục Bảo nhờ một loại phép thuật mới. Với vũ khí mới ấy thế bế tắc bị phá vỡ, cán cân sức mạnh nghiêng về phía liên minh Long Nhân và Người Hạ, không những thế nó còn khiến cho những Người Orc phải e dè.
Với phép thuật mới ấy, Hoàng đế Tu có thể dễ dàng quét sạch mọi kẻ địch nào trên chiến trường nhưng lạ kì thay ông ta đã không làm thế. Thay vào đó, Hoàng đế Tu và người con trai thứ Suk Lam, cùng một nữ tướng ở phía Tiên Nhân tên là Derthelin ra sức kêu gọi cả ba phe đình chiến và tổ chức một cuộc hòa đàm đế lập lại hòa bình trên lục địa Varlaurea. Sau hai năm, cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng cũng được tổ chức tại Marieron, một thành bang trung lập của Người Thượng, và Thân vương Suk Toa được chọn làm sứ giả đại diện cho Varlann. Nhưng sau khi đoàn người của Thân vương Suk Toa lên đường đi dự hội nghị hòa bình được khoảng hơn ba tuần thì đột nhiên biến mất, những con bồ câu đưa thư, báo cáo tình hình của đoàn sứ giả trên những trạm họ sẽ đi qua trên lộ trình để đến nơi tổ chức đàm phán, đột nhiên không bay đến kinh thành Fon Chu nữa. Sau khi Varlann bắt liên lạc với phía Tiên Nhân thông qua Tướng quân Derthelin, thì phía Tiên Nhân nói rằng họ vẫn chưa gặp được đoàn của Thân vương Suk Toa. Triều đình Varlann náo động lên về việc này, những người không mấy ủng hộ việc nghị hòa cho rằng Thân vương Suk Toa có thể đã bị ám hại bởi phe Tiên Nhân, và cố gắng thuyết phục Hoàng đế Tu phải đáp trả thích đáng. Ngày bắt đầu hòa đàm thì đang đến gần, thế là Hoàng đế Tu đành phải đích thân giải quyết việc này. Ông ra một mệnh lệnh tuyệt đối cho bá quan trong triều rằng quân đội của Varlann sẽ giữ nguyên vị trí, tuyệt không được có một chút động thái nào mà không có sự chấp thuận của ông, rồi cùng con trai thứ, là Thái tử Suk lam lên đường đi theo lộ trình của Thân vương Toa để tìm đoàn người mất tích.
Suốt một tuần qua, họ đi theo lộ trình định sẵn của đoàn sứ giả và dò hỏi dọc đường nhưng không nghe thấy gì bất thường, hay có gì mà những bản báo cáo lộ trình đã gửi về Fon Chu không nhắc tới. Sau một ngày giương buồm ngược dòng sông, họ đến thành Than Hua, một thành phố nhỏ nằm bên bờ hồ Kao Ren và cũng là nơi mà bản báo cáo lộ trình cuối cùng được gửi về. Sau khi gặp tri phủ của thành phố, họ biết rằng đoàn sứ giả của Thân vương Toa có đi qua và nghỉ chân ở Than Hua vào một tuần trước, nhưng thị trưởng nói rằng đoàn sứ giả của Thân vương Toa đã phải đổi lộ trình khi họ chuẩn bị rời Than Hua để đến điểm dừng tiếp theo, thành Lui Tsuy ở phía bắc hồ Kao Ren, thay vì đi đường thủy để băng qua hồ, thì họ phải chuyển sang đường bộ do một cơn bão lớn đang hoành hành trên hồ.
Đường bộ từ Than Hua đến Lui Tsuy, đi dọc bờ hồ và băng qua đoạn cuối của dãy Tar’veen đông, thông qua một con đèo khá là hiểm trở, có thể Thân vương Toa đã gặp phải điều gì khi băng đèo chăng? Với manh mối mới họ mau chóng đổi lộ trình vào sáng hôm sau. Hoàng đế Tu cùng Thái tử Lam và 100 Cẩm Xưởng Vệ sẽ theo lộ trình mới của họ là một con đường đất đi dọc bờ hồ Kao Ren, con đường vô cùng vắng vẻ, vì đi đường thủy băng qua hồ vẫn là tiện lợi hơn cả nên chẳng mấy ai buồn sử dụng con đường này và nó cũng không được bảo quản hay bảo trì gì nhiều, khiến con đường xuống cấp và hư hỏng nặng, những vụ lở đất chẳng ai dọn dẹp, những thân cây đổ và những ổ gà to gần bằng một cái xe kéo nằm rải rác dọc con đường. Khiến cho đoàn tìm kiếm của Hoàng đế Tu tiến chậm chạp. Dọc con đường cũng rất ít làng mạc hay dân cư gì, nên họ cũng chẳng hỏi han được thông tin. Họ đi liên tục cả ngày, dò xét xung quanh tìm dấu hiệu của đoàn người mất tích. Khi gần đến buổi chiều, đoàn tìm kiếm dừng lại trước một thân cây lớn bị đổ nằm bên lề đường, lý do họ dừng lại là vì cảnh giành mồi huyên náo giữa một bầy chim kền kền Tuves lưng đen và một bầy quạ cổ trắng, những con kền kền to lớn đang ngấu nghiến một cái xác chết nằm trong một đám cỏ ngay giữa con đường, chốc chốc lại quay ra hét lớn, dang cặp cách to cùng một cái vuốt nhỏ ở đầu cánh ra để xua đuổi lũ quạ đang chực thó một vài mảnh thịt. Hoàng đế Tu và Thái tử Lam cùng các Cẩm Xưởng Vệ nhận ra cái xác đang bị xâu xé bởi lũ ăn xác thối kia là xác người. Những Cẩm Xưởng Vệ mau chóng nhảy xuống velelis và xua lũ chim đi, khi những Cẩm Xưởng Vệ làm thế, Thái tử Lam nhận ra một điều lạ lùng về lũ chim ăn xác ấy. Thường thì khi thấy người đến chúng sẽ dáo dát bay đi, nhưng lũ quạ và những con kền kền Tuves này thì không, chúng đi loạn choạng như bị say, một số con chạy loanh quanh như bị chặt mất đầu rồi ngã vật ra chết, có con thì cứ kêu quang quác, giang hờ cặp cánh ra và xoay mòng mòng tại chỗ liên tục như bị điên, con thì hung hăng chống trả những Cẩm Xưởng Vệ và buộc họ phải đâm giáo giết chúng.
Sau một lúc vất vả đuổi lũ chim đi, họ đến xem xét cái xác. Cái xác là nam giới, mặc một bộ giao lĩnh lụa, màu xanh lá sẫm, xác đã bắt đầu thối rữa, bốc mùi tử khí nồng nặc, và bị xâu xé đến mức không thể nhận dạng, một số chỗ chỉ còn trơ xương trắng. Nhưng dựa trên quần áo của cái xác và một tấm thẻ bài nhỏ bằng đồng giắt ở thắt lưng thì họ có thể khẳng định đây là một quan cố vấn đi theo đoàn sứ giả. Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Tại sao cái xác chết này lại ở đây? Những người còn lại trong đoàn đâu? Và nguyên do tử vong của người này là gì? Họ cố gắng xem xét những gì còn sót lại của cái xác để tìm vài câu trả lời. Nhưng với tình trạng hiện giờ của cái xác, thì việc đó khó hơn cả mò kim đáy bể. Mươi phút sau, họ nhanh chóng chôn cất những gì còn lại của cái xác và đắp một nắm mồ không tên cho kẻ xấu số, rồi tiếp tục lên đường.
Họ tiếp tục đi trong hai ngày, đến chiều ngày thứ ba, đoàn tìm kiếm đến trước một ngã ba giữa con đường chính và một con đường đất hướng về phía tây bắc. Bỗng một người phụ nữ trẻ xuất hiện từ con đường đất ấy đi về phía họ, lên tiếng chào. Cô gái chừng 25 đến 30 tuổi, ăn mặc như một thôn nữ bình thường, tóc búi cao, khuôn mặt bầu bĩnh dễ nhìn. Người bình thường nhìn thấy sẽ nghĩ cô gái chỉ là một thôn nữ bình thường, nhưng cô ta lại làm cho Thái tử Lam cảm thấy khó chịu, bởi cái giọng nói đều đều vô cảm của cô ta. Sau khi các Cẩm Xưởng Vệ xưng danh tính của Hoàng đế Tu và Thái tử Lam, cô ta không tỏ ra chút ngạc nhiên nào, rồi cuối chào với một vẻ mặt bình thản, như thể chuyện gặp hoàng đế và thái tử ở giữa một nơi hoang vắng là chuyện cơm bữa vậy.
“Này, cô thôn nữ, trẫm hỏi ngươi. Cách đây khoảng một tuần cô có thấy một đoàn xe của triều đình đi qua đây không?” Hoàng đế Tu hỏi cô ta.
“Khải bẩm, Hoàng thượng, thảo dân có nhìn thấy một đoàn xe của triều đình cách đây năm ngày, họ đã đi qua và nghỉ chân tại thôn của thảo dân ạ.” Cô ta nói với một cái giọng đều đều kì lạ.
“Thật thế sao? Vậy ngươi có thấy đoàn xe có gì bất thường không?” Hoàng đế Tu nói.
“Thảo dân không biết, bệ hạ có thể hỏi các bô lão.” Cô ta trả lời
“Lúc chúng ta đến đây, có nhìn thấy một xác chết nằm trên đường, trông có vẻ là người của triều đình, ngươi có biết gì về việc ấy không?” Thái tử Lam hỏi
“Không.” Cô ta trả lời cộc lốc với cái giọng đều đều, và một ánh nhìn vô hồn, làm Thái tử Lam càng cảm thấy khó chịu về cô ta. Cái ánh mắt vô hồn ấy của cô ta làm tóc gáy của thái tử muốn dựng hết cả lên.
Thấy trời cũng đã về chiều, mặt trời đỏ au chỉ còn cách đường chân trời chừng một gang tay, Hoàng đế Tu quyết định sẽ vào thôn nghỉ chân đêm nay và hỏi chuyện những bô lão trong thôn, rồi bảo cô ta dẫn đường. Nhưng Thái tử Lam đến gần cha mình thì thầm “phụ hoàng, con thấy ta cứ hạ trại ở đây qua đêm cũng được, đến sáng mai hãy vào thôn.” Thái tử nói mắt vẫn liếc chừng cô thôn nữ.
“Hử? tại sao?” Hoàng đế hỏi.
“Ơ… bẩm phụ hoàng, chỉ là… cô ta… có cái gì đó từ cô ta làm con có cảm giác không ổn.” Thái tử nói
“Không ổn… không ổn là thế nào? Ý con là sao? Cô ta chỉ là một thôn nữ thôi mà.” Hoàng đế Tu cau mày khó hiểu
“Chỉ là… cái cách nói chuyện của cô ta… làm con thấy không yên.” Thái tử gãi sừng nói
“Ừm… trẫm đồng ý là cách nói chuyện của cô ta có vẻ lạ nhưng đấy đâu có gì phải đáng lo? Con suy nghĩ thái quá rồi đấy. Hơn nữa trẫm cũng muốn tìm hiểu thêm thông tin về chú con càng sớm càng tốt, tình hình lúc này bắt buộc phải vậy.” Hoàng đế Tu nói rồi thúc velelis đi theo cô thôn nữ. Thái tử Lam đành phải đi theo đoàn người cố gạt cái cảm giác kì lạ của mình đi.
Chừng mười phút đi theo con đường đất về phía tây, và băng qua một ngọn đồi thấp, họ nhìn thấy tán lá xanh um của một cái cây lớn dần hiện lên từ sau đỉnh của ngọn đồi và chẳng mấy chốc sau đó là một ngôi làng nhỏ có chừng 30 – 40 căn hộ, nằm vây xung quanh cái cây. Cái cây đó trông có vẻ rất già, nhìn từ xa Thái tử Lam ước chừng thân cây cao hơn 80 lia, đường kính thân to hơn cả một số ngôi nhà trong làng, tán của nó tỏa ra một vùng rộng lớn, phủ bóng lên toàn bộ ngôi làng, với một số cành to, mọc thấp là là gần mặt đất. Vây xung quanh ngôi làng là một hàng tre dày, khua xào xạc trong gió, có tác dụng như tường rào. Ở phía đông nam là cái cổng chính của làng. Nhìn cái cây, Thái tử Lam khẽ quay sang một Cẩm Xưởng Vệ đi cạnh hỏi liệu anh ta có biết cái cây khổng lồ ấy là cây gì không. Người Cẩm Xưởng Vệ nheo mắt nhìn một hồi rồi đoán đấy có thể là một cây Xê Phĩ Đà, nhưng anh ta nói mình chưa thấy cây Xê Phĩ Đà nào lại to như vậy.
Khi qua khỏi ngọn đồi và đi qua khu đất canh tác xung quanh ngôi làng, Thái tử Lam lấy làm lạ vô cùng, khi thấy ruộng đất cỏ dại mọc um tùm lẫn với lúa, như thể những thửa ruộng này đang được canh tác giữa chừng, mạ đã gieo xong nhưng sau đó không ai chăm sóc ruộng nữa trong một thời gian dài, để mặc cho cỏ dại mọc lấn xuống ruộng. Thấy thế, Thái tử Lam tò mò buộc miệng hỏi cô thôn nữa.
“Này cô kia, sao ruộng lúa của làng lại để cỏ dại mọc um tùm không ai chăm sóc thế?”
Cô thôn nữ vẫn rảo bước bình thản, không thèm liếc nhìn lấy những thửa ruộng, trả lời “thưa, ruộng đó bỏ hoang từ lâu không ai dùng ạ.”
Cô ta trả lời như thế, nhưng khi đi qua một thửa ruộng khác, Thái tử Lam cũng nhìn thấy tình trạng tương tự. Thật chất, tất cả những thửa ruộng họ đi qua đều như thế cả, cỏ dại mọc um tùm lẫn với những cây lúa trĩu hạt vàng óng. Thời điểm này trong năm là lúc bắt đầu vụ thu hoạch. Thế mà từ khi đi từ đỉnh ngọn đồi xuống, Thái tử tuyệt không nhìn thấy một thửa ruộng nào đang được thu hoạch, hay những đụn rơm thường thấy chất quanh ruộng vào mùa thu hoạch.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI