Cuộc hành trình dài đằng đẵng một mình đi rồi ngã, ngã rồi lại đi. Mình tôi bộ hành giữa vùng sa mạc cát mênh mông nắng gió. Mặt trời như thiêu đốt vắt kiệt chút hy vọng sống sót mong manh nơi tôi. Nắng gắt khiến mồ hôi trên mặt tôi chảy ra và gió lại là người lau đi những giọt mồ hôi ấy. Những hung thần đang muốn lấy đi sinh mạng tôi, hành hạ tôi một cách có chủ đích. Rất từ từ để con mồi của mình chết dần chết mòn trong đói khát và mỏi mệt. Nước trong cơ thể tôi như bị hút sạch cùng cơn mệt mỏi kéo đến. Xương cốt như muốn vỡ ra thành từng mảnh, không sao liên kết lại được. Da tôi nhăn nhúm nâu sạm như một bà lão khắc khổ chống chọi với những giây phút trước khi được giải thoát vào cõi vĩnh hằng. Tôi đã rất sợ chết, sợ phải xuống địa ngục nhưng giờ tôi đã hiểu. Sống khó hơn, chết đi thì đơn giản và hạnh phúc quá.
Dòng nước mát lạnh chảy xuống cổ họng tôi, len lỏi vào mọi giác quan trên cơ thể. Tôi đã được cứu sống. Ai đã mang tôi từ sa mạc tới một ốc đảo xinh đẹp cây cối tươi mát. Nơi đó có một hồ nước trong vắt tuyệt đẹp phản chiếu bầu trời trong xanh cao rộng. Tôi bừng tỉnh, sống lại sau cơn ác mộng của cuộc hành trình dai dẳng.
“Mẫu thân.”
Tiếng gọi trong trẻo làm tôi giật mình quay lại nhìn chủ nhân của nó. Đó là một bé gái rất xinh đẹp, đôi mắt to tròn long lanh, cái mũi nhỏ đáng yêu cùng đôi môi cong cong đỏ mọng như đang hờn dỗi. Làn da trắng tựa sứ lấp lánh, sáng bừng dưới ánh mặt trời. Trông cô bé hệt như một thiên thần.
“Bé vừa nói gì cơ?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
“Mẫu thân!” Cô bé cười với tôi thật dễ thương rồi sà vào lòng tôi, cọ cọ đầu vào ngực tôi như một chú mèo con.
“Bé gọi ta là…”
“Mẫu thân!” Bé cưng ôm tôi chặt hơn, làn da bé man mát thơm tho. Rồi bé ngước đôi mắt trong veo lên nhìn tôi, vuốt ve mái tóc rối của tôi. Nụ cười bé làm sáng bừng mọi thứ quanh tôi.
“Mẫu thân à…”
Tôi vẫn nhìn bé.
“Con cảm ơn mẫu thân.”
Cô bé xinh đẹp biến mất trong tay tôi, những hạt pha lê nhỏ lấp lánh bay đi theo gió. Tôi đã không tài nào giữ lại được dù chỉ một chút.
“Bé cưng…con đi đâu vậy?
…Bé cưng à!
…Bé cưng…
“Thiếu phu nhân tỉnh rồi!!” Khánh Yên là người tôi thấy đầu tiên. Đầu tôi đau như búa bổ, toàn thân rã rời. Sau đó trong phòng ồn ào hẳn lên, tiếng bước chân nườm nượp. Đại phu, Khánh Yên, ba phu nhân nhà họ Lưu…
Đại phu bắt mạch cho tôi.
“Giờ các vị có thể yên tâm rồi. Cô ấy đã qua khỏi cơn nguy kịch.”
“May quá!” Lưu phu nhân thở phào. “ Hôm qua máu ra nhiều quá, thật nguy hiểm!”
“Thiếu phu nhân tỉnh lại nhanh như có phép màu vậy. Thường thì phải mất vài ngày vì chấn thương không nhẹ.” Đại phu nói.
“Vậy là tốt rồi!”
“Chú ý tẩm bổ, tránh xúc động mạnh.”
Nói đến đây, gương mặt vị đại phu bỗng trầm mặc.
“Được rồi, mọi người ra ngoài để con nó được nghỉ ngơi.” Bà cả nói. “Chăm sóc thiếu phu nhân cẩn thận!”
“Vâng.” Khánh Yên đáp.
“Khánh Yên, sao tôi lại nằm đây?” Tôi nói một cách nặng nhọc
“Thiếu phu nhân không nhớ gì sao?”
…
“Nhị thiếu phu nhân và tiểu nhân đi chùa cùng thiếu phu nhân. Tiểu nhân đi lấy nước thì lúc quay lại đã thấy hai thiếu phu nhân ngã xuống bậc thang…”
Tôi từ từ nhớ lại. Hình như Khánh Yên quên mất một phần quan trọng của sự việc.
“Bé cưng…”
Khánh Yên nhìn tôi.
“Con tôi!!!” Tôi sờ xuống bụng mình rồi lật chăn lên.
“Thiếu phu nhân…” Khánh Yên quỳ xuống cạnh giường.
“Con tôi đâu rồi? “Bé cưng” của tôi…” Tôi run rẩy, sống mũi cay cay. – “Trả lại bé cưng cho tôi… con của tôi…”
“Thiếu phu nhân! Tiểu nhân có tội…đã không thể…” Khánh Yên nắm lấy tay tôi.
“Cái gì…” Nước mắt tôi ầng ậng chảy ra.
“Sự đã rồi, xin phu nhân hãy bình tâm trở lại.”
“Không…không được…con tôi không thể…” Tôi khóc nấc lên.
“Thiếu phu nhân hãy trừng phạt tiểu nhân…” Khánh Yên cũng khóc.
Tôi lắc đầu. “Con tôi…không thể nào đã…”
“Xin hãy trừng phạt tiểu nhân.”
“Đúng rồi, cô ta…cái cô Nguyệt Hương đó. Cô ta đã mang con tôi đi đâu rồi???” Tôi vùng dậy khỏi giường.
“Thiếu phu nhân!” Khánh Yên giữ tôi lại.
“Tôi phải đi tìm cô ta. Chính cô ta đã mang “bé cưng” của tôi đi!! Tôi phải tìm cô ta!!”
“Thiếu phu nhân dừng lại!!” Khánh Yên gào lên. “Thiếu phu nhân phải bình tâm lại!!”
“Bỏ tôi ra! Tôi phải lấy lại con tôi!” Tôi vùng vằng.
“Hu hu.. thiếu phu nhân dừng lại đi!! Hu hu hu… Nguyệt Hương phu nhân đã chết rồi!! Người chết làm sao có thể…”
“Sao cơ?” Tôi mở to mắt, toàn thân cứng đờ.
“Nguyệt Hương phu nhân ngã đập đầu vào đá chết rồi… Chính tiểu nhân nhìn thấy… hu…hu…”
“Bé cưng của tôi cũng…” Tôi khóc thành tiếng. “Chính cô ta… chính cô ta đẩy tôi xuống…vì thế mà bé cưng…”
“…Mẫu thân, con cảm ơn mẫu thân…”
Tôi nhớ lại khuôn mặt cô bé trong giấc mơ. “Bé cưng” của tôi. Con đã đổi lấy mạng sống của tôi để mình ra đi. Để tôi được sống mà con của tôi…
“Mẫu thân có lỗi với con… mẫu thân đã không thể bảo vệ con…. Mẫu thân xin lỗi… bé cưng à…” Tôi gục mặt khóc. “Mẫu thân xin lỗi. Mẫu thân đã để mất con…”
Tôi ngất đi, bên tai vẫn văng vẳng những tiếng gọi trìu mến dành cho mình. Tôi đã mong ngày đó đến thật nhanh, ngày mà một em bé chạy đến bên tôi, sà vào lòng tôi và thốt lên những tiếng gọi trong trẻo ấy. Tôi đã mong ước biết bao.
___________
Tôi nằm liệt trên giường như một cái xác nhưng vẫn mở mắt. Dù có nhắm mắt lại thì cũng chỉ có một màu đen đặc tràn khắp không gian. Bóng tối đã lạnh lẽo giờ càng buốt giá hơn. Bé cưng đã không còn ở bên tôi nữa rồi. Những cơn đau hành hạ tôi trong cái lạnh buốt của tiết giao mùa, xương cốt như vỡ ra thành từng mảnh đâm vào da thịt. Ông trời vẫn chưa chịu buông tha cho tôi. Ông ta có thể lấy đi bất cứ thứ gì của tôi nhưng trừ bé cưng ra, tôi không thể…. Niềm an ủi duy nhất của tôi còn bị cướp mất tôi còn lý do gì để tồn tại nữa? Chân tay cứng đờ, đầu óc trống rỗng, miệng khô khốc nứt nẻ. Tôi giống một xác chết chỉ khác là vẫn còn hơi thở. Sống như thế thì khác nào đã chết…
“Bé cưng”… Tôi bất giác đưa tay lên trước mặt, chờ đợi một bàn tay nhỏ bé nắm lấy.
…không có ai cả
…chỉ là màn đêm vô định trước mặt.
Cánh tay tôi buông thõng xuống. Những nỗi đau ngày càng lớn dần, nối tiếp nhau như không có điểm tận cùng. Những giọt nước mắt không muốn bộc lộ lại rơi, câm lặng và lẻ loi.
…Trong cơn mê man hình như có một bàn tay gạt đi những giọt nước mắt trên má tôi rồi dịu dàng ôm lấy tôi vào lòng.
***
Những ngày chán nản tiếp tục, tôi phải nằm một chỗ cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Mất đi đứa con giống như chết đi một lần vậy. Cảm giác rõ được rằng làm cha làm mẹ khó khăn, vất vả như thế nào. Tôi thầm cảm ơn phụ mẫu đã mang nặng, nuôi nấng tôi ngần ấy năm. Thế mới biết nỗi khổ của bậc sinh thành. Còn tôi… tôi vẫn chưa làm được gì cho bé cưng cả…
Tên chồng tôi, lúc tôi cần nhất thì hắn không hề ló mặt ra một lần nào. Tôi biết mất đi Nguyệt Hương là nỗi đau lớn của hắn nhưng vì ai mà tôi ra nông nỗi này. Hắn tiếc thương người đẹp của hắn, còn tôi thì sao? Con tôi đâu có tội tình gì…tại sao phải chết một cách oan uổng?! Nó thậm chí còn chưa được sinh ra, chưa được nhìn thấy thế gian này. Chỉ vì chút ghen ghét mà cô ta làm thế sao, “bé cưng” đâu có lỗi trong chuyện này.
“Thiếu phu nhân…” Khánh Yên nói
Tôi đờ đẫn.
“Thiếu phu nhân ngủ một chút đi. Đã hai ngày rồi…”
“Tôi không ngủ được…”
“Thiếu phu nhân cứ thế này, tiểu nhân lo lắm…” Khánh Yên đặt bát cháo lên bàn.
“Cô đi nghỉ đi, tôi ở một mình được rồi.”
“Nhưng thiếu phu…”
“Được rồi mà…” Tôi gật đầu, nằm xuống nhắm mắt lại.
Khánh Yên nhẹ nhàng khép cửa.
Trống trải quá, cứ nhắm mắt là những khoảng tối lại xuất hiện. Trước đây mỗi khi nghĩ đến ngày “bé cưng” ra đời, giấc mơ của tôi tràn ngập những màu tươi sáng, ấm áp. Tôi đã từng tự cười một mình, tự lẩm nhẩm những bài hát đồng dao mẹ tôi thường ru tôi ngủ lúc nhỏ. Tôi đã từng rất hạnh phúc. Cả người con trai đầu tiên tôi yêu, cả bé con của tôi, tôi đều đánh mất. Hạnh phúc tưởng chừng giản đơn nhưng lại mỏng manh quá.
Không thể tìm lại nữa rồi…
Tôi tỉnh dậy, trời đã sẩm tối. Khánh Yên châm nến.
“Thiếu phu nhân, thiếu gia vừa đi khỏi.”
“Đâu? Tôi có thấy đâu…” Tôi ngủ suốt.
“Thật mà, tiểu nhân vừa vào thì thiếu gia bước ra.”
Hắn đến từ lúc nào nhỉ? Sao không lên tiếng. tôi chỉ nhắm mắt chứ có ngủ được đâu. Đây có lẽ là lần duy nhất hắn đến thăm tôi từ sau sự việc đó vì những ngày tiếp theo tôi hay tin hắn đã trở lại Quốc Tử Giám.
…Mùa đông đến gần, tiết trời ngày càng buốt giá. Rốt cuộc cũng đã đến ngày tôi có thể ra khỏi giường bệnh. Cơ thể tôi nhẹ bẫng. Một thứ rất quan trọng đã mất đi, cảm giác trống trải càng lớn hơn nhưng tôi vẫn phải tiếp tục. Khánh Yên nghĩ ra rất nhiều trò cho tôi chơi lúc rảnh rỗi, còn làm bánh gạo ngọt ở quê cô ấy cho tôi ăn. Tôi được nuông chiều như một đứa trẻ, cả ngày chỉ kiếm gì đó tiêu khiển giết thời gian. Cuộc sống rảnh rỗi, nhàn nhã và chán chường. Tôi đâm ra ghét mọi thứ xung quanh trong bốn bức tường Lưu phủ.
Cảm giác tôi đã đánh mất ngày đó ùa về, một đứa con gái vô lo không bao giờ chịu để ý xung quanh. Tôi như một chú chim nghịch ngợm khao khát được ra khỏi lồng, tung cánh lên bầu trời cao rộng đến những nơi không ai tìm thấy. Lối đi nhỏ sau bụi cây, bí mật chỉ có tôi được biết mở ra một thế giới khác sau bốn bức tường lạnh lẽo. Bước đi trên những con phố tấp nập đầy mơ ước, cất dấu biết bao hy vọng rồi lại mở ra… Còn tôi của bây giờ… trầm lặng và mệt mỏi. Mỗi ngày trôi qua thật chậm chạp trong cái lạnh của tiết giao mùa. Tôi đã thu mình lại trong cái kén ngột ngạt buồn tẻ, tôi làm những người xung quanh mệt mỏi hơn. Tôi đang tự làm khổ mình và vô tình làm những người quanh tôi hệ lụy. Có lẽ cái vỏ bọc này đến lúc phá bỏ rồi…
Lưu phủ vốn tĩnh lặng bây giờ còn tĩnh lặng hơn, chủ nhân sầu não, người làm lật đật làm việc. Tôi ra khỏi Lưu phủ dễ dàng đến không tưởng trong bộ dạng con trai vì chẳng ai thắc mắc. Người ta vẫn thường đưa thực phẩm đến từ cửa sau vào, tôi nhân lúc đó lẻn ra. Ngoài trời rất lạnh nhưng tôi quen rồi, có lạnh hơn nữa cũng chẳng bắt nổi tôi vào lại trong nhà. Tôi thử đi nghênh ngang giữa phố như trước đây rồi tự cười một mình mặc cho những ánh mắt kì dị chĩa vào. Mùi thức ăn, nghi ngút khói tỏa ra từ những quán ăn bên đường, người người đi lại tấp nập. Nơi này chẳng thay đổi gì cả, chỉ có con người là thay đổi. Con người là sinh vật dễ thay đổi hay chỉ có mình tôi như vậy thôi? Bước chân tôi vô thức dẫn đến Quốc Tử Giám. Đứng bên ngoài tôi thấy hơi kỳ, chẳng lẽ đến đây rồi lại không vào. Nhưng mà vào thì càng kỳ… Thôi vào vậy, chỉ đi tới bếp ngay nhà kho gì đó thôi. Tôi đi vào bằng cửa sau và hỏi chuyện những người làm ở đó.
“Thúc thúc, sau hội thi lần trước người thắng giải được thưởng gì ạ?” Tôi hỏi vu vơ.
“Tiểu tử không biết sao?” Vị sư thúc có vẻ ngạc nhiên.
“Vâng.” Mải lo cho tên chồng bị rắn cắn mà tôi chẳng biết đầu cua tai nheo gì.
“Người thắng đợt thi cuối được thưởng bạc trắng do đích thân hoàng đế bệ hạ ban.”
“Hoàng…thượng sao?” Tôi há hốc mồm.
“Hôm đó vị khác ngồi phía trung tâm đó chính là bệ hạ. Cả tam công chúa cũng đến. Cả hoàng thượng và công chúa đều cải trang thành dân thường. Nghe đâu công chúa còn giả trai lén đến xem hội.”
Không ngờ cũng có người con gái giả trai như tôi. Ít ra tôi cũng không một mình nằm trong thành phần cá biệt.
“Nho sinh đó thật may mắn, được công chúa để ý…”
“Dạ?” Tôi tròn xoe mắt.
“Người ta đã đồn ầm lên rồi. Trong ngoài thành không ai không biết nho sinh họ Trịnh có diễm phúc. Làm phò mã rồi thì chắc chắn tương lai sẽ rất sáng lạn.”
“Vậy hiện giờ công chúa và người đó đã thành thân chưa ạ?”
“Vẫn chưa nhưng sẽ sớm thôi. Ai dại mà bỏ lỡ cơ hội lớn như vậy.”
“Cũng phải… ”
Tôi xị mặt. Ai lại từ chối một người như công chúa chứ. Thời đại này một là có tiền, hai là có quyền mới sống sót được. Thành thân với công chúa thì chẳng phải tiền đồ của Trịnh huynh quá vững vàng rồi. Lên làm quan cứu giúp dân nghèo là hoài bão của huynh ấy. Có được một bệ đỡ như vậy thì giấc mơ đó không còn xa nữa. Những người dân xóm nghèo sẽ được no đủ, có việc làm ổn định. Cái tên “xóm chó” một ngày sẽ không còn nữa. Căn chòi xơ xác ngày nào sẽ thành lầu cao như trong câu nói ngô nghê của tôi. Trẻ con ở đó sẽ được học hành, chơi đùa như những đứa trẻ nơi khác. Cuộc sống như trong tưởng tượng chẳng phải rất đẹp sao…
Tôi đi khỏi khu bếp, tới chỗ nhà kho đã từng là nơi ở của mình. Giờ nhà kho được dùng rồi, tất cả là nhờ công sức dọn dẹp của tôi. Không biết chuột, gián còn “viếng thăm” không. Bức tường dài hơi ngả màu, phía dưới là thảm cỏ xanh có những chiếc lá thu xen màu ở giữa. Tôi cúi xuống ngó nghiêng những chiếc lá lung lay trong gió như những ngọn lửa. Tôi không biết tại sao mình đứng nhìn nơi này lâu vậy… Có lẽ tuổi thơ không được đến trường như bọn con trai khiến tôi muốn nán lại chút nữa. Mơ ước thuở bé của tôi, đấu tranh thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người thật xa vời. Mẹ đã bảo làm con gái thì suy nghĩ đơn giản thôi, tôi vẫn luôn cứng đầu cứng cổ không chịu chấp nhận. Có những thứ không phải cứ muốn là được. Chỉ mong một ngày nào đó phái nữ cũng được bước vào đây học tập, thi cử. Chỉ mong một ngày nào đó có người sẽ thay tôi…
“Ngọc Điệp…”
Tôi quay lại. Chàng đã ở đó tự khi nào.
“Sao muội… Ta đã tìm muội suốt. Muội đã về nhà à?”
“Vâng. Nhưng không phải nhà muội mà là nhà chồng muội, Lưu phủ.”
Mặt Trịnh huynh biến sắc. Tôi đứng dậy.
“Đừng đi vội!” Huynh ấy gọi với theo tôi.
Tôi dừng bước.
“Cho ta nhìn muội thêm chút nữa!”
Tôi nhắm mắt quay người lại, một chút dũng khí cũng không có để đối mặt với người đó thêm một lần nào. Chàng bước gần đến chỗ tôi.
“Chỉ lần này nữa thôi, cho ta gọi một tiếng…”
Tôi mở mắt ra.
“Mãnh đệ!” Chàng mỉm cười với tôi thật dịu dàng với ánh mắt chân thật hệt như ngày trước.
“Xin lỗi huynh. Muội vẫn sẽ nói câu này.”
“Ừm” Chàng gật đầu, nụ cười có chút chua xót.
“Hãy thực hiện những gì chúng ta từng tưởng tượng ra. Nhất định phải làm được… Chỉ huynh mới có thể thay muội thực hiện chúng. Từng thứ một, đừng bỏ sót điều gì.” Tôi nói một cách chậm rãi.
“Ta hứa.”
“Và.. hãy hạnh phúc!”
Tôi lắc đầu trước đôi tay dang ra của chàng. Nếu chỉ thêm một lần nữa thì mọi thứ sẽ không được trở về đúng chỗ của nó.
“Tạm biệt Trịnh huynh.” Tôi ngước lên nhìn chàng. “Huynh là người con trai đầu tiên muội yêu thương.”
Chàng cười buồn, tôi cũng cười đáp lại. Có thể nói ra điều đó, cuối cùng tôi cũng có quyết tâm để sống tiếp. Những gánh nặng quá khứ nhẹ đi rất nhiều rồi. Tôi chạy đi, chạy thật nhanh khỏi cái bóng của mình ngày trước.
……*……
Nơi cuối cùng tôi muốn đến là xóm nghèo nơi người ta vẫn kì thị, tránh tới. Với tôi xóm nghèo như thiên đường thu nhỏ vậy. Con người tuy nghèo nhưng chất phác và yêu thương nhau. Tình người ở đây thật khác với những nơi tôi từng đặt chân đến. Xóm nghèo là nơi lưu giữ kỷ niệm lẩn khuất trong sự ồn ã của kinh đô hoa lệ nhiều khi đã quên đi sự chân thành. Không có sự xô bồ, đấu đá, tranh đoạt. Nếu nơi nào cũng như vậy thì thật tốt.
Những cơn gió lạnh lùa vào cổ và tay áo tôi, tôi hơi co người lại bước đi. Đường đến xóm nghèo tự nhiên xa lạ thường. Con phố ồn ào xa dần, thưa dần những tiếng nói. Xa xa màu vàng của những căn chòi lấp ló sau làn khói đen khét lẹt tỏa ra.
“Không được vào đây!” Hai người đàn ông to lớn đứng chặn tôi lại.
“Sao cơ?” Tôi có linh cảm chẳng lành.
“Chỗ này có dịch bệnh, phải cách li với bên ngoài.”
“Cái gì??! Dịch bệnh…”
“Có lệnh phải diệt trừ dịch bệnh, không ai được phép di chuyển tránh dịch bệnh lây lan.”
“Các ông làm gì vậy??” Tôi kinh hãi nhìn ngọn lửa từ đuốc của quân triều đình châm lên mái nhà. Tiếng la hét của những người dẫn rõ mồn một.
“Dừng lại!!! DỪNG LẠI!!!”
“Cậu bước thêm một bước nữa đừng trách chúng tôi nặng tay!” Quân lính rút kiếm dọa tôi.
“Sao phải đốt nhà? Các người có biết mình đang làm gì không?”
Tiếng hét trộn lẫn tiếng khóc của trẻ con phát ra từ căn chòi vừa bị đốt.
“Đồ sát nhân!! Quân sát nhân!! Có người trong đó!!” Tôi hét lên.
“Giữ cậu ta lại!!”
Tôi lách người qua cánh tay hai gã đàn ông, chạy vào trong khu vực khói bụi mù mịt. Những người dân xóm nghèo, người bị bắt trói, người bị nhốt, người bị đánh cùng những căn chòi cháy hừng hực. Nơi này giờ giống như biển lửa địa ngục tràn ngập tiếng la hét, đánh đập hành hạ. Mắt tôi cay cay vì bị bụi khói bay vào, bên tai chỉ còn tiếng đứa trẻ kêu khóc. Lửa cháy hừng hực cuộn khói đen kịt trên ngôi nhà mái rơm đã bắt đầu cọt kẹt.
“NGỌC ĐIỆP!!!”
Tôi không nghe thấy gì nữa, mặc sức xông vào căn nhà. Những thanh gỗ rơi xuống chặn đường. Lấy hết can đảm, tôi nhảy qua ngọn lửa, lăn vào trong nhà. Lưng tôi chưa lành hẳn, đau rát sau cú va chạm. Tóc tôi cháy xém một chút ở búi tóc trên đỉnh đầu. Nước mắt tôi chảy ra vì khói, mãi mới thấy bóng đứa bé bị kẹt giữa đám lửa đỏ rực. Tôi cố nén cơn đau, chạy tới chỗ bé trai. Em bé bám vào cổ tôi, tôi nhấc bé ra khỏi đống gỗ. Lưng tôi như muốn gãy ra lần nữa, tôi bế bé ra gần cửa thì khụy xuống.
“Hu hu hu…” Đứa bé khóc lớn
“Con trai thì không được khóc, cửa ra ở ngay sau thanh gỗ kia thôi! Không sao đâu! Nhảy ra đi!!”
“Cót két!” Tiếng những cây cột chống đang chao đảo.
“Nhanh lên!!”
Em bé lấy đà lao qua ngọn lửa thoát hiểm. Tôi vẫn kẹt ở trong, cái lưng chết tiệt này…
“Kétttt!” Tiếng động lớn vang lên trước khi có gì đó rơi xuống chỗ tôi.
Tôi bò dậy rồi lại gục xuống. Cơn đau như bị búa lớn đập mạnh vào không gượng dậy nổi.
“Ngọc Điệp!!!”
Mắt tôi mờ nhạt đi, nước từ khóe mắt chảy ra như suối. tai ù ù không phân biệt được giọng của ai nữa.
Chỉ trong một chốc, thiên đường nhỏ bé của tôi biến thành biển lửa. những con người tôi yêu quý lần lượt ra đi, bao kỷ niệm tưởng như sẽ được giữ lại chỉ trong một thoáng đã…
“Kétttt!” “Rắc…”
Chết trong chính thiên đường của mình cũng không tệ nhỉ…
“Rắccc!!”
…Nhưng mà chết cháy cũng không dễ chịu chút nào…
“Ngọc Điệp!!!”
Ai thế? Tai tôi ù quá chẳng nghe rõ được. Ai đó đang mang tôi đi. Là thiên thần đưa tôi đến thiên đàng sao? Mà sao thiên thần này mạnh tay thế? Đầu tôi đập vào cái gì đó rồi. Hu hu.
“Ngọc Điệp!!! NGỌC ĐIỆP!!!
Cái loại thiên thần gì mà hét vào tai người ta như lợn rú thế? Tôi mệt lắm rồi đấy nhá!!!
“NGỌC ĐIỆP!!!’
Ồn quá cho tôi chút xíu bình yên đi!
“NGỌC ĐIỆP, TỈNH LẠI ĐI!!!”
Lại còn vỗ mặt tôi nữa!
“Cái gì??!!? Tôi bật dậy, đập cả vào cằm “thiên sứ”. Nhìn quanh, tôi đã được đưa về Lưu phủ từ lúc nào.
“Dám nói bằng giọng đó với tôi hả?” Hắn tiếp tục hét vào tai tôi.
“Ê! Tôi đang ốm đấy!!!”Tôi bịt tai lại.
“Tôi giết cô!!! Dám trốn ra ngoài nữa à? Tôi mà không bám theo cô thì cô coi như xong rồi!” Hắn bóp nhẹ cổ tôi, lắc lắc vài cái.
“Anh đã…” Tôi nghệt mặt.
“Khụ khụ…khụ” Hắn ho lên.
“Lưu Tại Duẫn…có phải anh…”
“Khụ…khụ… tôi là chồng cô…khụ… Cô không được chết trừ khi tôi cho phép!”
Hắn gằn giọng.Tôi không tin nổi vào những gì vừa nghe được. Hắn mà lại đi cứu tôi sao? Tôi thần người ra. Hắn nhìn tôi soi xét, tay huơ huơ trước mặt tôi.
“Đưa tay đây!” Tôi nắm lấy tay hắn, kéo áo hắn lên. Có một, à không hai vết bỏng lớn. Da phồng rộp lên ở mu bàn tay, cả cổ tay cũng sưng đỏ. Tay trái của hắn không khá hơn là bao.
“Làm gì vậy?”
Tôi sấn sổ tháo luôn đai lưng của hắn.
“Không được giở trò cưỡng bức ở đây!” Hắn che ngực.
“Ngồi yên!” Tôi túm lấy áo hắn lúc hắn định lùi lại, không may tôi ngã cả lên người hắn.
“Này!!”
Bỏ ngoài tai cái tiếng chói tai của hắn, tôi vạch áo hắn ra. Phía trước không bị làm sao. Tôi lật mạnh hắn xuống giường.
“Cô khám người tôi đấy à? Con dê kia!!”
Một vết bầm rất lớn nằm ngang lưng hắn, trông như bị thanh gỗ lớn đập vào.
“Tiếp theo cô sẽ lột quần tôi à?” Hắn đổi giọng châm chọc.
Tôi đập vào lưng hắn.
“Đau!!”
“Cũng biết đau cơ đấy. Sao lại xông vào đó?!!! Anh muốn chết à??!!”
“Cô cũng vào đó còn gì? Định làm nữ anh hùng chắc? Dở ẹc!”
“Lột quần ra bây giờ!!” Tôi ngừng lại. “Hô hô…biết đâu lại mất miếng nào thì…” Tôi cười gian.
“Mất cái gì mà mất, tôi lành lặn lắm! Cô lo cho mình đi!” Hắn đứng dậy, mặc lại đồ rồi bước ra.
Tôi lắc lắc đầu suy nghĩ, vẫn không khỏi kinh ngạc khi hắn là ngưới cứu tôi thoát khỏi địa ngục lửa đó.
“Thiếu phu nhân!!!!” Lại thêm tiếng hét đinh tai nhức óc của Khánh Yên. Tôi vừa chết đi sống lại mà sao ai cũng thích hét lên với tôi thế?
“Tôi không sao.”
“Khánh Yên sơ suất quá, phải chăm nom thiếu phu nhân cẩn thận, không được để thiếu phu nhân ra ngoài!! Hu hu…”
“Trời ạ…”
Tôi lâng lâng mãi từ khi biết được hắn cứu, tên chồng tôi cũng dũng cảm đấy chứ. Khi đó tôi cứ nghĩ mình chết rồi, trước mặt là đường cùng vậy mà không ngờ vẫn có thể ngồi đây. Hắn lấy đâu ra cái gan đó? Giờ tôi không gọi hắn là công tử bột nữa mà là công tử “giả bột”. Vào được mà cứu tôi, chỗ vết thương đó cũng không nhẹ chút nào. Tôi chỉ thắc mắc rằng có nhiều binh lính như thế mà không ngăn nổi hắn vào tận phía trong. Tôi lách được thì không nói làm gì. Mà hình như tôi quên gì đó…
“Chết rồi!! Người dân xóm nghèo!!”
Tôi vùng dậy, quên cả xỏ giày. Những đám lửa ngùn ngụt hiện lên trong đầu.
“Thiếu phu nhân!” Khánh Yên giữ tôi lại.
“Tôi phải đi!!!”
“Thiếu phu nhân, thiếu gia bị ngất! Giờ thiếu phu nhân còn đi đâu?”
“Sao?”
“Thiếu gia yếu lắm, không biết sao tự nhiên…”
Tôi đổi hướng chạy, Khánh Yên dẫn đường. Đại phu vừa mới tới nên mọi người phải đợi ở ngoài. Bà cả ngất lên ngất xuống phải đưa đi nằm nghỉ. Tôi sốt ruột đi đi lại lại trước cửa phòng. Khánh Yên thấy tôi đi chân trần vội chạy lấy giày cho tôi. Sao lâu vậy? Đại phu mãi không thấy ra, thời gian đối với tôi giờ đây trôi thật chậm. Tôi tự hỏi hắn bị như vậy có phải do tôi không? Những vết thương trên người rồi còn cả…
Đại phu bước ra, người người xúm lại.
“Thiếu gia sao rồi? Thiếu gia sẽ ổn chứ?!”
“Từng người nói một thôi!” Bà cả nói to. “ Đại phu, con tôi làm sao?”
“Thiếu gia sốt cao, mạch đập nhanh. Rất có thể là đã bị nhiễm dịch bệnh.”
“Dịch…bệnh.” Bà cả mặt biến sắc, lảo đảo, may mà có cô hầu đỡ.
“Mọi người nên cách ly với người bệnh một thời gian.” Đại phu chưa nói hết thì gia nhân, hầu gái, bà hai, bà ba đã lánh đi mỗi người một nẻo rồi. Bà cả vừa mới dậy nghe đại phu nói lại ngất lần nữa. “Người bệnh khi tỉnh lại sẽ ho, khó thở, nhức mỏi phải tránh gió, chăm sóc cẩn thận. Tốt nhất là đốt than xông thuốc mỗi ngày.”
Khánh Yên đi theo đại phu lấy thuốc về. Người làm sợ lây bệnh nên chạy hết rồi. Chỉ còn tôi đứng trước cửa phòng. Tôi mở cửa bước vào, căn phòng tối tăm chỉ độc một ngọn đèn nhỏ trên bàn. Người trên giường nằm bất động, sắc da ngả vàng trong cái nền tối tăm của căn phòng. Trông hắn tiều tụy đến không ngờ chỉ trong vài ngày sau vụ hỏa hoạn. Từ bé đến lớn ăn sung mặc sướng làm gì biết đến đói khổ, bệnh tật. Vậy mà, một ngày nào đó cái tên khỏe như voi này lại nằm vật ở đây. Lúc ngủ trông hắn thật khác. Gương mặt tuấn tú có phần yếu ớt nhợt nhạt nhưng lại nhìn hiền lành hẳn.
Cái tên hách dịch vì tôi mà nằm im một chỗ thế này chắc hắn ghét tôi lắm. Hắn đối với tôi cũng không dễ dàng gì, chấp nhận một kẻ như tôi về làm dâu trong khi đã có ý trung nhân. Tôi hiểu tình cảnh đó vì tôi cũng có tình cảm với một người con trai khác dù đã xuất giá. Tự nhiên tôi đâm ra không trách hắn nữa. Những việc hắn làm với tôi vì lần này nên tôi tạm bỏ qua. Dù gì cũng do tôi nên hắn mới ra nông nỗi này.
Là vợ, tôi phải chăm sóc hắn trong khi không ai dám bén mảng quanh phòng hắn vì sợ lây nhiễm. Tin đồn Lưu thiếu gia bị nhiễm dịch bệnh được người trong phủ giấu kín theo lệnh lão gia. Hắn lấy cớ bị tai nạn không đi lại được nên nghỉ học một thời gian. Mong không ai nói ra nếu không Lưu phủ sẽ gặp rắc rối với triều đình.
Tôi rất muốn đi xem xóm nghèo ra sao nhưng bệnh tình của chồng thế này thì tôi không dám rời đi. Tôi đã làm theo lời đại phu chỉ dẫn, sắc thuốc, xông thuốc, dọn dẹp lau chùi phòng bệnh sạch sẽ. Vậy mà bệnh tình của hắn dường như không thuyên giảm. Tên chồng tôi có tỉnh lại vài lần nhưng gượng dậy hình như quá sức với hắn. Tôi chưa từng thấy bộ dạng yếu ớt đó của hắn và hắn cũng không thích tôi thấy hắn như vậy. Mỗi lần tỉnh dậy hắn lại tìm cách đuổi tôi đi. Sang tuần thứ hai, tôi vẫn đều đặn mang cháo và thuốc cho hắn nhưng đột nhiên hắn không chịu ăn uống gì. Dù tôi có nài ép cỡ nào hắn cũng không đụng đến một chút. Tôi nghĩ nên để người khác vào trông thì hắn sẽ chịu ăn nhưng vẫn không được.
“Anh định làm biếng đến khi nào hả? Không ăn uống gì thì làm sao khỏi bệnh được?!” Tôi nói.
Hắn quay mặt vào tường.
“Cái tên công tử bột này!!! Phải cho anh một trận anh mới chịu phải không??”
Hắn vẫn im như thóc…
“Lưu Tại Duẫn!!!”
Tôi tức điên lên mất.
“Hết cách với anh rồi. Đồ công tử bột!” Tôi đặt hết các thứ lên bàn rồi đi khỏi. Hắn muốn chơi tôi hả? Cái gì cũng có chừng mực thôi chứ!!!
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI
Phạm Hiền
Hóng ghê 😀