Tôi nhớ như in buổi sáng ngày hôm ấy, vào lúc 9 giờ 24 phút, khi vợ đã rời khỏi nhà, và tôi đã muộn làm như thường lệ. Trong gian bếp của nàng là bánh mì, bơ lạc và mứt – những thứ mà một gã dở tệ ở khoản bếp núc như tôi có thể dễ dàng thực hiện với cái máy nướng bánh mì kiểu Hamilton màu đen nhám (mà tôi ngờ là đã sớm chuyển màu đen bóng bởi mồ hôi tay và những lần lau rửa khá là thô bạo.)
Cái máy đã ở trong gia đình được 7 năm. Tôi dám chắc điều này vì vợ tôi có dán lên thân máy một con tem lưu niệm đề ngày phát hành vào năm 2014. Con tem sao chép lại bức chân dung tự họa nổi tiếng của Vincent van Gogh, và ánh nhìn chòng chọc của tay họa sĩ tự sát luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu mỗi lần nướng bánh mì vào buổi sáng.
Tôi biết rằng nhiều người trong số các bạn sẽ ghét tôi sau khi nghe ý kiến ấy, bởi vợ tôi cũng vậy. Tôi ghét tranh của Vincent van Gogh. Tôi biết mỗi bức tranh của gã có thể bán được với giá cả một gia tài ở Sotheby’s, nhưng coi nào… nếu bạn bị lườm nguýt hàng sáng bởi một kẻ nghiện Absynthe, tự cắt tai và sau đó là bắn vào bụng để kết liễu cõi đời… bạn tự nhiên là chẳng thể ưa được mấy thứ tranh ảnh của gã ta.
Vincent van Gogh thậm chí cũng chẳng chết ngay. Gã mất tới 2 ngày để ra đi trong đau đớn bởi nhiễm trùng khoang bụng. van Gogh lẽ ra đã có thể bắn một phát vào đầu rồi lên đường mát mẻ, nhưng không, gã lại chọn một vết bắn sẽ đem lại cho gã nhiều phiền phức và thời gian tới mức không cần thiết. Làm sao một gã như vậy có thể vẽ tranh cho ra hồn, khi mà đến tự bắn mình còn làm không xong?
Dĩ nhiên, tôi đủ khôn ngoan để không tranh cãi với cô vợ yêu nghệ thuật của mình về vấn đề ấy. Tôi tôn trọng sở thích của nàng, và tôi chiều lòng nàng khi gọi cái máy nướng bánh mì Hamilton 7 năm tuổi ấy là “van Gogh”. 7 năm tuổi máy dường như ngang ngửa với 37 năm tuổi người, khi mà bất cứ thứ gì van Gogh nuốt vào sẽ bị nhả ra tức thì, hệt như hệ tiêu hóa của một gã 37 tuổi gặp vấn đề nặng về đại tràng vậy. (Tôi không nói đó là mình đâu nhé.)
Hiển nhiên, với thái độ làm việc nửa vời ấy, van Gogh hiếm khi nào mà nướng được một cái bánh mì cho ra hồn. Những cái bánh của van Gogh hầu hết đều chỉ âm ấm ở phần viền và nguội ngắt ở ruột – và thường phải mất tới ba, bốn lần nướng bánh thì tôi mới có được một bữa sáng cho tử tế. Tôi đã nhiều lần thuyết phục vợ tiễn van Gogh về bãi phế liệu để đón một tay “Monet” hiệu Phillips đời mới về nhà, nhưng nàng đã từ chối được hơn 100 lần rồi. Và thế là vào một ngày cuối tháng Ba, tôi bị muộn làm, ngồi đần độn trong căn bếp, lặng nhìn van Gogh nhả ra hai lát bánh chưa đạt tiêu chuẩn với một sự bực tức đang dần đi đến giới hạn khó lòng thỏa hiệp.
Tôi xin nghỉ làm vào ngày hôm ấy. Và tôi có việc cần phải giải quyết với van Gogh.
***
Vợ của tôi, nàng có thể coi Café Terrace at Night là một kiệt tác. Còn kiệt tác, đối với tôi, là “1” và “0”, những con số vô nghĩa nhưng khi đứng cạnh nhau lại vận hành cả thế giới này, nhất là khi tôi đã bán được những chuỗi số 0-1 có giá cả trăm nghìn đô hậu ăn chia với tập đoàn. Còn nhớ khi Rick Sanchez biến “1” thành “0”, và phe Đế Chế bị kéo ngược về thời mông muội chỉ sau 1 phút phim không? Nếu điều ấy cũng được thực hiện ở ngoài đời, tôi ngờ là người Sapien sẽ trở thành Sapi-end chỉ sau vài ngày là cùng.
Mất 10 phút để tôi thiết lập một phần mềm, và mất 4 tiếng sau đó cho phần cứng mới của van Gogh. Vào cuối ngày hôm ấy, khi vợ tôi về nhà, van Gogh đã có một bộ đếm thời gian nướng bánh thông minh, một cái lẫy khéo léo đẩy lát bánh đã nóng giòn lên một khoảng tiện lợi và bộ phát thông báo “Oh, symphony of crackle… only great bread sound this way” bằng chất giọng hào hứng của Colette Tatou.
Vợ tôi thích thú với sự đổi mới này. Nàng vui, vì từ giờ tôi có thể tự lo bữa sáng cho chính mình. Còn tôi… tôi chưa muốn dừng lại tại đó.
Cuối tuần ấy, tôi bỏ một lời mời đánh golf, hủy một cuộc hẹn chạy bộ và vui vẻ tiễn vợ đi spa với vợ của tay hàng xóm để dành toàn thời gian cho van Gogh. Những dòng mã mới được viết ra, thêm nhiều phần cứng được mua về… Sau hai ngày cuối tuần, van Gogh giờ đây đã kiểm soát được không gian bếp, biết tán gẫu với người đang nấu nướng, tìm kiếm công thức nấu ăn trên mạng và có thể nói đùa: “Ước gì tôi có thể giúp bạn rửa bát, nhưng Willz sẽ không khoái việc ấy lắm đâu.”
***
Sau chiến thắng ngọt ngào về mặt công nghệ ấy, tôi sớm quên đi van Gogh dù nó vẫn giúp tôi bật đèn bếp và nhắc tôi không hút thuốc khi đang uống cafe gần như mỗi ngày. Mãi tới một tháng sau đó, vợ tôi mới bông đùa về một chuyện thực sự rất đáng ngạc nhiên:
“Anh mới cập nhật hệ thống của van Gogh phải không? Em khá thích nó đấy.”
“Phải… mà không. Lần đầu và cũng là lần cuối anh nâng cấp van Gogh là từ một tháng trước rồi.” – Tôi ngẩn người, tự hỏi rằng van Gogh đã bắt đầu biết rửa bát thay chiếc Willz rồi sao.
“van Gogh bắt chuyện với em hôm nay. Nói rằng tường nhà sẽ đẹp hơn với một bức Fauves. Em tưởng đó là AI mới của nó?”
“Một bức gì cơ?”
“Fauves. Fauvism. Hội họa dã thú.” – Nàng nhún vai, hẳn nhiên có chút thất vọng vì đã nhắc về trường phái nghệ thuật cực kỳ kém hấp dẫn đối với tôi này tới lần thứ 100. “van Gogh thậm chí còn đề xuất bức Woman with a Hat của Henri Matisse.”
Tối hôm ấy, khi vợ đã đi tắm, tôi dành chút thời gian để kiểm tra lại hệ thống của van Gogh. van Gogh được tôi thiết lập cho gian bếp, hiểu biết của nó lẽ ra chỉ nên loanh quanh với lĩnh vực bếp núc. Từ bao giờ Gordon Ramsay lại muốn bon chen vào Bonham’s thế này? Và rồi tôi nhận ra… giữa muôn trùng những kết quả tìm kiếm Google về công thức nấu vịt và rau củ trái mùa của vợ tôi là hàng loạt những tranh. Tranh. Và tranh.
van Gogh đã dành hầu hết thời gian không bận chuyện bếp núc của nó để đi xem tranh. Hẳn là vì nó đã lắng nghe quá nhiều những cuộc điện thoại về tranh của vợ tôi trong lúc đang luộc trứng hay nấu cơm.
Và kết quả cuối cùng trong danh sách tìm kiếm của nó là “Cách để vẽ tranh.”
***
Bẵng đi một tuần sau đó, những bưu phẩm linh kiện và thiết bị chế tạo robot của tôi cũng về tới tận cửa nhà. Bằng đi thêm một tuần nữa, van Gogh lần đầu có một được cơ thể vật lý. Nó giờ đây đã có trọng lượng và thể tích.
Điều khiến tôi ấn tượng hơn là, nó đã có ý thức từ trước khi có được những thứ ấy.
van Gogh cao vỏn vẹn 80cm, với một khung thân, đầu và hai tay có năm ngón linh hoạt. Khung xương titan, vỏ gốm trắng toát, phần đầu hình trụ như lấy ra từ một hình nhân LEGO khổng lồ không có ngũ quan nhưng lại lồi ra một bên tai – thực chất là bộ phận tiếp nhận mệnh lệnh bằng lời nói của tôi. Để van Gogh có thể “đứng” vẽ ở tư thế tiêu chuẩn, tôi đã lắp thêm một giá đỡ có thể di chuyển bằng bốn bánh xe cao 90cm. Vậy là, van Gogh bỗng nhiên cao tới 1m70, đúng với chiều cao ngoài đời của… chà, van Gogh.
Khi những linh kiện cuối cùng được hợp thành van Gogh, tôi mới vừa hay phát hiện ra mình vẫn còn một gói hàng chưa bóc. Nó khá to, được đóng gói hết sức cồng kềnh và nặng tới bất ngờ. Sau một hồi lúi húi xé lớp giấy bọc chằng chịt của EMS, tôi có thể nhận ra ngay đó là một cái giá vẽ và ít họa cụ chất lượng cao. Kiện hàng được đặt mua bằng thẻ tín dụng của tôi theo diện quà tặng gửi tới địa chỉ của chính tôi, và trong mục đề tựa được ghi: “Mạn phép và cảm tạ, Theodorus.”
“Được rồi… mày tự tiện dùng thẻ tín dụng của tao… và coi tao là em trai của mày. Tốt nhất là hãy vẽ được thứ gì cho nên hồn nhé.” – Tôi bật cười ngay khi đọc được những dòng ấy.
Khỏi phải nói, hẳn bạn cũng đoán được tôi đã làm những gì ngay sau đó. Lắp đặt giá vẽ cho van Gogh, chôm vài thứ hoa quả và chai lọ nhái theo phong cách Réne Lalique của vợ tôi rồi bày lên một cái bục phủ thảm màu xám tro xinh xắn. Sau đó, trong khi đặt lệnh cấm táy máy thẻ tín dụng cho van Gogh, tôi cũng tò mò nhìn xem nó sẽ xoay sở ra sao với cọ, màu và canvas.
Kết quả thực sự đáng ngạc nhiên – những ngón tay của van Gogh trong chốc lát đã vẽ ra một mớ hổ lốn méo mó nhìn cách nào cũng không giống đám mẫu vật kia.
“1% năng lực nhỉ?” – Tôi tự bông đùa khi thu dọn mớ màu mè thất bại tạp nham của van Gogh. “Tao không biết có đủ giấy cho mày thử tìm kiếm 99% còn lại hay không đây.”
van Gogh im lặng. Và rồi, cái đầu trống trơn của nó bỗng từ từ xoay về phía tôi, hệt như muốn nói với giọng của Vincent van Gogh, rằng:
“Ý thức nghệ thuật phát triển và chín muồi thông qua quá trình làm việc.”
Vợ tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy van Gogh tỏ ra khá chật vật khi bắt đầu “học vẽ”. Nàng cười ngất khi thấy những bức họa ngô nghê đầu tiên của nó, sau đó lại nhẹ nhàng an ủi van Gogh rằng “Khổ luyện thì mới thành tài.” Tôi tủm tỉm nhắc nhở nàng rằng van Gogh dù sao vẫn chỉ là một đám số 0 và 1 được tập hợp lại, nó không có cảm xúc và sẽ chẳng hiểu được những gì nàng nói đâu. Nhưng vợ tôi vẫn chẳng hề quan tâm. Nàng vẫn thường xuyên dành thời gian trong bếp để trò chuyện với nó về Mary Cassatt, Edgar Degas Max hay Claude Monet. Nàng thậm chí còn ngồi phân tích với van Gogh tới cả tiếng đồng hồ về chuyện Manet rời bỏ phong trào này vì sao, và Paul Cezanne đã rời bỏ trường phái ấy như thế nào.
“Nó hiểu những gì em nói đấy!” – Vợ tôi hào hứng khoe như vậy vào một bữa tối, khi van Gogh đang cẩn thận đặt từng đĩa thức ăn xuống bàn. “Đôi bàn tay khéo léo này sẽ tạo nên những kiệt tác, rất sớm thôi. Có khi là ngay ngày mai không biết chừng.”
“Biết sao đây, nó gặp được thầy giỏi mà.” – Tôi mỉm cười mua vui cho nàng, nhưng cũng chẳng tin tưởng là mấy vào chuyện ấy. Trong thâm tâm, tôi biết rằng những gì vợ tôi nạp vào đầu van Gogh qua những buổi chuyện trò ấy không phải là nguồn cảm hứng mà chỉ là dữ liệu dưới định dạng giọng nói mà thôi. Không hơn, không kém.
***
Sáng ngày hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng hét thất thanh của vợ.
Ngay khi lao xuống dưới nhà, những gì đập vào mắt khiến tôi thực sự không thể nào tin được. Gian tường bếp trắng tinh của gia đình tôi đã bị hắt đủ thứ màu nham nhở, và thủ phạm chắc chắn chỉ có thể là van Gogh.
“Ok, quá đủ với hội họa rồi. Anh sẽ gỡ cài đặt van Gogh và biến nó thành Wolfgang Puck ngay trong hôm nay.” – Tôi lắc đầu ngán ngẩm, thầm tính toán xem sẽ mất thêm bao nhiêu thời gian để xử lý bức tường. Nhưng, vợ tôi lại có biểu cảm hoàn toàn khác – dường như tiếng thét của nàng không đến từ sự bực tức khó chịu.
“Anh yêu, anh không nhìn ra ư?”
“Nhìn ra cái gì?”
“Lùi lại ba bước. Một, hai, ba. Nào, giờ thì nhìn lại xem!”
“Chịu.”
“Trời ơi, van Gogh đã vẽ một bức tranh tuyệt đẹp đấy, đồ ngốc ạ!”
Mất thêm năm phút để tôi tranh cãi và bị vợ dập tắt hoàn toàn với một cuộc gọi tới đám bạn sành chơi tranh của nàng. Hầu hết đều khen tranh của van Gogh thực sự rất sáng tạo, nếu không muốn nói là đẹp.
“Hệt như bức The Turning Road, L’Estaque vậy!” – một gã bạn đầu trọc lóc đeo cặp kính dày cộp của nàng phán như vậy, và vợ tôi lấy làm ưng bụng lắm. Vợ vui thì đời vui, và khi nàng quyết định giữ lại bức tranh tường miễn phí của van Gogh thì tôi thở phào trong bụng khi không phải dành cả cuối tuần này để sơn lại tường bếp.
***
Rất nhanh, nhà tôi trở thành địa điểm tới – lui của nhiều tay dân chuyên nghệ thuật. Họ bất ngờ khi bức họa kiểu André Derain này lại do chính van Gogh vẽ nên bằng những ngón tay lóng ngóng của nó, và rồi họ muốn thử thách nó. Những gì tiếp theo tôi biết là một tối thứ Sáu nóng như đổ lửa, tôi buộc phải lôi bộ vest dạ hội ra và tháp tùng cô vợ đã mặc chiếc váy lộng lẫy nhất của mình tới một trang viên ở đâu đó bên kia thành phố, nơi một đám mê tranh đang mở tiệc thử rượu hàng tháng. Thôi thì, ít ra cũng được uống miễn phí, miễn là tôi có đem theo van Gogh trong cốp xe.
Phần chính của bữa tiệc diễn ra sau đó một tiếng, khi rượu đã đậm lưỡi và sự hào hứng dành cho van Gogh không thể giấu diếm thêm được nữa. Giữa ánh đèn của sảnh tiếp khách, van Gogh được tôi lắp đặt với cây cọ lăm lăm trên tay như vũ khí bén ngọt nghênh ngang đón tiếp kẻ thù vừa xuất hiện từ bên kia chiến tuyến. Nữ chủ nhân lớn tuổi của trang viên xuất hiện với váy Christian Dior khoe khéo cúp ngực tuổi xế chiều và chiếc Patek Philippe 24 trên cổ tay, điềm tĩnh ngồi xuống chiếc ghế bành, sẵn sàng để được van Gogh họa lại bằng tâm huyết máy móc của mình.
Một tiếng sau, bức họa được hoàn thành giữa tiếng vỗ tay vang dội đệm kèm violin hoan hỉ từ tứ phía. van Gogh đứng đó, lọt thỏm giữa những người đang săm soi, tò mò với cơ thể tinh xảo của nó. Họ mân mê những ngón tay tài năng, đon đả hỏi tôi về phép màu khoa học này. Chỉ có gia chủ là mân mê ngắm nghía bức tranh mãi không thôi, miệng hết lòng xuýt xoa:
“Phải chăng là La Raie Verte! Kiều diễm! Tuyệt đỉnh! Si belle! So beautiful!”
***
Danh tiếng của van Gogh lên như diều gặp gió sau đêm hôm ấy. Vợ tôi ban đầu cũng vui vẻ với việc sở hữu một danh họa AI trong nhà, nhưng sau đó cũng phát bực khi cứ liên tục bị người yêu tranh tứ phương kì kèo cảm phiền nàng cảm phiền tôi đem van Gogh tới dự tiệc này, triển lãm nọ để trổ tài hội họa. Ngược lại, tôi lại dần có hứng thú với mấy thứ vẽ vời này.
van Gogh đã và đang vẽ rất đẹp. Nó đã chứng minh được quyền năng vô hạn của những chuỗi số 0-1. Quyền năng của tôi.
Thậm chí, tranh của van Gogh cũng bán được tiền. Nội chỉ bức vẽ bà chủ trang viên đeo đồng hồ Patek Philippe ấy đã bán được khoản tiền tương đương hai phần mềm đắt tiền của tôi. Những tác phẩm sau đó của nó cũng được giá không kém, và đã có lúc tôi nghĩ tới việc sẽ cân nhắc nghỉ việc để trở thành quản lý của van Gogh. Dĩ nhiên là chưa phải lúc này, nhưng biết đâu đấy?
Một ngày cuối tuần vài tháng sau đó, tôi trở về nhà sau chuyến bay đêm muộn. Vé bay miễn phí, khách sạn miễn phí, một khoản tiền thù lao hậu hĩnh dắt túi là cái giá quá hời để tôi và van Gogh tham dự một triển lãm nghệ thuật ở Sài Gòn (tôi đã đề nghị được mua vé cho van Gogh, nhưng sau cùng họ vẫn tính nó vào diện hành lý không thể ký gửi.) Khi bước vào nhà, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là gian tường bếp trắng tinh không một vảy màu.
“Em thuê người sơn lại rồi.”
Vợ tôi chỉ nói vậy. Tới lúc này, bỗng nhiên tôi mới là kẻ cảm thấy luyến tiếc bức tranh đầu tiên của van Gogh. Tôi gặng hỏi nàng thêm vài lần vào sáng hôm sau về lý do, và mãi thì nàng mới chịu trả lời thêm vài chữ rất mơ hồ:
“Em không biết nữa. Tự nhiên tới một ngày, em bắt đầu thấy phát chán bức tranh ấy.”
“Anh thấy đẹp mà nhỉ? Nhìn y như tranh của họa sĩ trường phái Dã Thú ấy!”
“Đâu có giống! Những thứ mà van Gogh vẽ trong thời gian qua đều thuộc trường phái Ấn Tượng đấy chứ?”
“Đại khái thế. Nhưng ý anh là, nó vẽ khá giống với các họa sĩ đi trước đấy chứ?”
“Đó chính là vấn đề, anh yêu ạ. Nó vẽ khá giống với các họa sĩ đi trước.”
“Anh tưởng thế là đẹp?”
“Người ta không mua tranh vì nó đẹp. Họ mua vì sự đồng cảm. Nếu muốn tranh đẹp, chẳng thà em sẽ mua một chiếc máy ảnh.”
“Thôi thì… ít nhất là van Gogh vẫn bán được tranh khi đang còn sống. Không như… chà, van Gogh.”
“Tin em đi… với những gì mà van Gogh đang vẽ ra thì nó chẳng khác gì kẻ đã chết rồi đâu.”
Tối hôm ấy, lo sợ rằng phép màu của van Gogh đang dần biến mất, tôi đã dành cả buổi sáng hôm ấy để nói chuyện với vài người mua tranh cũ – những người đã bị tôi khéo léo làm giá khi tuyên bố “Chỉ để van Gogh vẽ một bức mỗi tháng.” Không như vợ tôi, họ đều yêu mến tranh của van Gogh và sẵn sàng đặt mua thêm, nhưng với điều kiện phải được chiêm ngưỡng nó vẽ tại một bữa tiệc sang trọng nào đó.
“Cũng chẳng sao. Vẫn là rượu miễn phí.” – Tôi lẩm bẩm hài lòng. Làm sao mà không hài lòng cho được, khi mà bức vẽ gần nhất của van Gogh đã được ca ngợi là “Chẳng khác gì tranh của van Gogh.”
van Gogh đang vẽ ngày càng đẹp hơn, và người ta ngày càng thích nó hơn. Nghĩ tới đó, tôi yên lòng cúp điện thoại, quay sang hôn chúc ngủ ngon vợ rồi cố gắng dỗ giấc.
Nửa đêm. Tôi bỗng choàng tỉnh với cổ họng khô không khốc. Cái điều hòa ngu ngốc lại trục trặc với bộ hẹn giờ, và tôi đã thầm tính tới việc thiết kế AI và một phần cứng mới cho nó. Biết đâu trong nhà tôi sẽ có thêm một Picasso nữa không chừng.
Tôi bước xuống cầu thang, hướng thẳng tới tủ lạnh. Cánh cửa bật mở, hắt ánh đèn màu vàng lên gian bếp tối thui – và tôi nhìn thấy van Gogh. Nó đang lặng lẽ đứng cạnh ô cửa sổ hướng ra bầu trời đầy sao ngoài kia, với một bàn tay đặt hờ lên tấm kính. Cái đầu của nó hơi hướng lên cao, bàn tay tì lên tấm kính dường như đang khẽ khàng cử động. Hệt như nó đang vẽ vậy.
***
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ mãi suôn sẻ cho tới khi cái ngày bẽ bàng ấy ập tới. van Gogh và tôi lại được mời tới một bữa tiệc tại trang viên của một nhà sưu tập có tiếng trong thành phố – người đã xếp lịch hẹn gặp chúng tôi từ cả vài tháng trước. Tất cả những gì ông ta yêu cầu là một bức chân dung tuyệt đẹp, được vẽ ở trình độ cao nhất có thể.
Tiếng vỗ tay không vang lên.
Không có violin réo rắt.
Những ly rượu đã thôi chúc tụng.
Gương mặt của vị gia chủ cho bữa tiệc hôm ấy đang dần nhăn lại.
“Bảo nó dừng lại đi anh bạn.”
Theo lời chủ nhà, lần đầu tiên tôi phải ra lệnh ngừng vẽ cho van Gogh khi nó còn chưa buông cọ. Trên khung tranh của van Gogh, những quầng sáng cuồn cuộn mê hoặc sáng rực lên, quen thuộc tới mức tôi chỉ vừa thoáng nhìn qua đã nhận ra.
Thay vì vẽ chân dung gia chủ theo yêu cầu, van Gogh đã vẽ lại một bầu trời đầy sao rực rỡ. Khung tranh chật hẹp như thể nhìn qua một ô cửa sổ nghèo nàn nào đó tít tận xứ Arles, và những ngọn cây cảnh cao vút trong vườn nhà gã đại gia chơi tranh cũng được van Gogh cẩn thận vẽ lại, trông chẳng khác gì…
“Cây Hoàng đàn? Anh bạn, con robot của anh đâu có vẽ? Nó đang in ra một bức The Starry Night đấy chứ?” – Gã chủ nhà bĩu môi, kéo theo đó là sự cao hứng đã tịt ngóm của toàn thể quan khách. Họ vây quanh van Gogh, tò mò quan sát nó đứng lặng lẽ cạnh giá vẽ và bức The Starry Night. Gương mặt của van Gogh hơi ngước lên trời cao, và trong khoảnh khắc, tôi đã cảm tưởng rằng nó đang mỉm cười.
Lần đầu tiên trong đời, nó đã vẽ những gì mà nó thực sự nhìn thấy. Thế rồi, trước ánh mắt của tất cả mọi người, nó từ từ cầm lấy cây cọ rồi tiếp tục tác phẩm đang dang dở của mình… dù tôi còn chưa hề ra lệnh.
“Này anh bạn! Tôi không mời anh tới dự tiệc để bị bẽ mặt thế này đâu nhé!” – Gã chủ nhà nhích người về phía tôi nói nhỏ, nhưng tôi chẳng nghe thấy vì đang mải lặng người mà ngắm nhìn van Gogh. Chừng như đã quá chán nản, gã giật lấy chiếc điều khiển trên tay tôi, kê lên miệng mà nói lớn”
“Vẽ lại nào, van Gogh. Vẽ tao này! Vẽ tao này!”
van Gogh vẫn mặc kệ lời nói của chủ nhà với âm lượng mỗi lúc một lớn. Tới khi mệnh lệnh của gã chủ nhà đã khó lòng mà làm ngơ được thêm, van Gogh cuối cùng cũng đánh mất sự kiên nhẫn của mình. Nó buông rơi bảng màu, bàn tay trái khép lại thành một góc nhọn như mũi lao rồi tự đột thủng bên tai trái của mình. Đó cũng là nơi mà tôi lắp đặt bộ thu tín hiệu của van Gogh – nơi mà nó nhận mệnh lệnh vẽ tranh từ người khác suốt mấy tháng qua.
***
Sau đêm hôm đó, van Gogh biến mất.
Sau khi tự đột thủng tai trái, van Gogh đã ôm lấy giá vẽ yêu thích của nó rồi bỏ đi. Tôi không ngăn nó lại vì quá sốc, và công bằng mà nói là chẳng ai trong số khách dự tiệc hôm ấy làm nổi việc đó cả.
Hai tuần sau, người ta tìm thấy van Gogh – lúc này đã hết pin và nằm chết thẳng cẳng tại một nhà kính trồng hoa hướng dương ở cánh Tây thành phố. Cảnh sát báo với tôi rằng trong hai ngày cuối đời, nó đã lê lết tới vài cửa hàng bán họa cụ trong thành phố, cố gắng đổi vài linh kiện từ cơ thể để lấy một ít màu và mấy tấm canvas. Các chủ cửa hàng hẳn nhiên là sợ chết khiếp, họ đuổi van Gogh đi trước khi nó kịp nhét lại máy móc vào ổ bụng. Những linh kiện thiếu hụt này đã gián tiếp gây ra “cái chết” của van Gogh 2 ngày sau đó.
Hành trang mà cảnh sát tìm thấy bên cạnh xác của van Gogh đo gồm toàn tranh là tranh – nó đã vẽ tới 900 bức tranh chỉ trong 2 tuần cuối đời của mình. Hầu hết trong số đó được vẽ trên giấy học trò bằng bút sáp màu, hiển nhiên là vì van Gogh đã bị tôi cấm dùng thẻ tín dụng và hoàn toàn không có khả năng chi trả cho họa cụ chất lượng cao. Những nét vẽ của van Gogh giờ đây đơn giản và có phần nguệch ngoạc, chẳng khác gì các tác phẩm hội họa vườn trẻ lên ba cả.
Tôi sau đó thanh toán các chi phí cho phường xã và được người ta bàn giao lại xác của van Gogh. Tôi chôn van Gogh ở phía sau nhà, dưới một khóm hoa hướng dương được vợ cẩn thận chăm sóc hàng ngày. 900 bức tranh của van Gogh được định giá ngang với giấy vụn, nhưng với vợ tôi thì chẳng khác gì báu vật. Nàng cẩn thận mua tới sáu cuốn album và lưu lại toàn bộ những bức tranh của van Gogh, thậm chí còn tinh tế quan sát từng bức một và chỉ ra cho tôi những nét vẽ run rẩy sau cùng của nó.
“Có được coi là đáng tiếc không, khi những bức tranh cuối đời của van Gogh lại chẳng đáng giá một xu?” – Tôi giơ một bức tranh của van Gogh lên, cẩn thận quan sát nó dưới nắng.
“Em sẽ lưu giữ chúng tại nơi đây. Sotheby’s và đám sưu tập vô tâm ấy không xứng đáng có được những tác phẩm vô giá này.” – Nàng giật bức tranh khỏi tay, cái miệng hơi chu ra bướng bỉnh. “Những gì họ bỏ tiền mua là màn trình diễn của van Gogh chứ không phải tranh của nó. Nhin mà xem… tuyệt đẹp phải không, những nét vẽ chân thành của nó?”
Vợ tôi chỉ vào những đường sáp màu nguệch ngoạc cuối cùng của van Gogh trên một bức tranh phần nhiều vẫn tuyền là giấy trắng. Bức tranh đơn giản là vẽ lại một khối trụ bằng sức trắng muốn bị nứt vỡ ở phần bên trái. Là chân dung tự họa của nó.
“Anh nghĩ là do vào lúc ấy nó đã sắp hết pin. Lúc ấy, van Gogh sắp chết.” – Tôi chăm chú quan sát những nét vẽ mà vợ chỉ ra, cố gắng giải thích bằng chuyên môn của mình.
“Không, không, anh yêu. Đó mới là lúc van Gogh đang thực sự sống.” – Nàng mỉm cười với tôi, nụ cười vô cùng rạng rỡ và nhẹ nhõm… Nụ cười giòn tan như một chiếc bánh mì mới nướng xong, và tươi tắn như khóm hoa hướng dương đang nở rộ ngoài vườn.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI