Ghi chép của Lạng
“Trung tuần tháng Mạnh Xuân.
Sau khi thoát ra khỏi hang thì mất dấu khối thịt. Đội ngũ lúc này chỉ còn người ấp Nhạn, những kẻ tội nhân đã không còn thấy đâu. Họ ắt không muốn đi theo khối thịt dị dạng nọ, có lẽ đã bỏ trốn hết không chừng. Quan Phụ đạo cũng không thấy đâu nữa.
Tới lúc này, mọi người mới hoàn hồn, bắt đầu xôn xao bàn tán. Không chỉ ta mà nhiều người cũng thấy cái đầu của cô Đằng nằm trên khối thịt. Vậy là cô Đằng đã bỏ mạng và bị yêu quái hấp thụ? Hay cô Đằng vẫn còn sống, chỉ là đang bị khối thịt ấy giam trong cơ thể? Mọi người hoang mang một hồi mới nhận ra: Cửa hang sau lưng đã biến mất. Sau đó, nhìn kỹ lại thì phát hiện một vết nứt dài nằm trên đá, chừng như cửa hang khi nãy đã tự khép chặt lại, giam chúng ta ở phía bên này vách đá.
Tình cảnh lúc này bỗng trở nên nguy khốn. Đội ngũ mải chạy đuổi theo khối thịt, đã bỏ lại chút đạn dược và lương thực cuối cùng trên các xe trâu. Không còn đường trở lại, cuối cùng mọi người chỉ còn cách tiếp tục tiến về phía sơn thôn ở đằng xa.
Sơn thôn này có gần hai chục nóc nhà, hầu hết là nhà sàn giống của người Nùng, người Dao. Lúc này đã quá giờ chiều mà không thấy nóc nhà nào có khói bếp, chừng như nơi này đã bị bỏ hoang. Đội ngũ tiến về thôn, đi kiểm tra các nhà sàn, thấy rất nhiều đồ dùng, dụng cụ và đao, thương mòn mủn, tất cả đều làm bằng đồng. Ta đang xem xét dở thì có tiếng tri hô báo sự lạ, bèn bỏ đấy đi xem.
Người trong ấp Nhạn phát hiện giữa sơn thôn có một nhà sàn lớn, bên ngoài mọc lên nhiều cây thân gỗ nhỏ khẳng khiu, hình thù kỳ lạ. Phía trong nhà, ta hoảng hồn thấy cả trăm, chục kẻ ăn mặc quần áo sờn rách đứng quay lưng ra cửa, giấu mặt vào trong. Da thịt những kẻ này trắng toát như vôi, nhìn kỹ lại thấy có dây leo, hoa cỏ bám trên cơ thể. Khi đưa đuốc tới gần để kiểm tra, chúng ré lên những tiếng cọt kẹt như người ta nhón chân đi trên sàn gỗ mục, sợ hãi tản ra để tránh ánh lửa. Từ đó, để lộ ra một xác khô ngồi xếp bằng ở chính giữa gian nhà.
Xác khô nhỏ nhắn mặc đồ màu hồng điều, có lẽ lúc còn sống là một đứa bé gái không quá năm, sáu tuổi. Cái thây khô quắt chứ không bị thối rữa, các sợi gân, cơ đan chằng chịt như những cành dây leo đen nhánh, khiến nhiều người tưởng là hình nhân được dựng nên. Trước mặt cái xác có bày một cái nón đỏ, một đôi hài hoa và một cái võng đào được xếp gọn gàng, lại thấy có một cái bát hương, phía trên cắm chín cây hương đã tàn.
Chúng ta xem xét hồi lâu, không thấy xác này có sự quỷ quái gì khác. Khi kiểm tra kỹ thì thấy những kẻ đứng trong phòng không khác gì những thây hoa sống trong hố mỏ, chỉ khác về trang phục. Chúng ăn mặc kỳ lạ, không giống dân tộc nào, xem kỹ chỉ thấy nhiều nét giống với quần áo của người Tráng. Tình trạng các thây hoa cũng giống như đồng loại ở hố mỏ: Chúng đứng bất động, không có lấy một hơi thở, từ lỗ tai, lỗ mũi, miệng và hốc mắt mọc ra đủ thứ cây cỏ kỳ dị. Cảnh tượng nhìn rất đáng sợ, nhưng thây hoa nhìn chung không hại tới người, đội ngũ cũng từng gặp qua nên bình tĩnh, không sợ hãi.
Không có nơi nào để đi, chúng ta đành tìm một nhà trống để nghỉ lại tại sơn thôn. Nơi này không rõ đã hoang phế trong bao lâu, chỉ thấy sàn gỗ đã mục nát, họa hoằn mới tìm được chỗ ngả lưng. Những lương thực đều đã bỏ lại ở chỗ xe trâu, đội ngũ tìm trong thôn không có lấy con gà, con lợn hay gạo thóc gì để ăn. Cuối cùng, mọi người đành nhịn đói.”
***
Ghi chép của Lạng
“Buổi đêm, ta không sao ngủ được, trong lòng không thôi nghĩ về cái khối thịt có gương mặt của cô Đằng. Lòng ta mong mình lo lắng quá mà hóa ảo giác, nhưng cả mấy thập người đều nhìn ra sự tương tự. Cô Đằng bản lĩnh cao cường, nhưng rốt cùng vẫn là phận nữ nhi. Nơi này rừng thiêng nước độc, từ khi bước chân vào đã đếm quá hai bàn tay những sự dị thường, ta sợ rằng chuyến này sự đã lành ít dữ nhiều.
Nghĩ tới đây, ta lại nhớ về cái điện thờ xác nằm giữa sơn thôn. Ta quê gốc Thanh Hóa, tuy không mẹ, không cha nhưng thuở nhỏ hay được nghe nhiều chuyện lạ lùng người già trong làng kể lại. Nay nằm ngẫm nghĩ kỹ, bỗng thấy xác khô trong căn nhà giữa sơn thôn được thờ cúng dường như giống với Cô Chín Sòng Sơn. Tương truyền, người này là thiên thần, hầu bên Chầu Cửu, có chỗ lại bảo Cô Chín này hầu cận Mẫu Thoải. Riêng ở quê ta, người già luôn nói rằng Cô Chín là hầu cận của Mẫu Liễu Hạnh. Cô Chín giỏi quyền phép, thường nhập vào người phàm để giúp xem bói, chữa bệnh, gọi hồn. Những lúc giáng hầu, Cô Chín cũng hay chỉ cho người ta nhiều phương thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, muốn thỉnh cô thường phải dâng đúng những món đồ như nón đỏ, hài hoa, võng đào.
Nếu quả thực là chuyện như vậy thì lại càng kỳ lạ. Người miền núi có đôi chỗ thờ man thần, tà thần, nuôi ma trong nhà, không có lẽ gì lại thờ cúng các thần thánh của Mẫu. Đồ đạc thờ cúng, thẻ hương cắm trong bát cũng không phải những thứ mà người Tráng thường chế tác, toàn bộ đều có vẻ là vật phẩm người miền xuôi làm ra. Thế thì ai là người đặt xác khô vào gian nhà ấy mà thờ cúng? Vì đâu mà người trong cả một sơn thôn hóa thành thây hoa rồi tụ tập quanh cái xác này? Sự kiện nào nghe cũng mờ ám, nhưng ta cứ nhìn thấy bát hương nghiêm trang cắm chín cây hương lại thấy có chút yên tâm. Không như cô Đằng, lòng ta hiểu rõ, ma quỷ không ăn nhang khói; nơi nào có bát hương, nơi ấy ắt an tịnh.”
***
Ghi chép của Lạng
“Đêm qua, ta nằm mơ thấy mình lang thang trong sương mù, nhìn ra phía xa có đốm lửa nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ. Khi tìm tới nơi, ta lại thấy người cao niên mặc đồ tu hành dạo nọ. Người này đang lấy đá, khéo xếp chồng lên nhau, trong thoáng chốc đã dựng thành một dịch đình đơn sơ.
Ta nhìn người tu hành ấy, trong lòng cảm khái, ấm áp, cũng tiến đến mà thắp một que nhang. Ta cầu bằng an cho đội ngũ, xin Phật thánh phù hộ cho cô Đằng. Người ấy nhìn ta mỉm cười, nhưng lại lắc đầu, chỉ nói mấy tiếng: “Chưa tới lúc, chưa tới lúc.”
Ta cố gặng hỏi cơ sự, nhưng người ấy không đáp lại, chỉ quay lưng mà bước về vạt rừng trắng sương. Chỉ nhìn vào khoảng trắng mênh mông ấy mà lòng ta nặng trĩu, tâm can ta sợ hãi vô cùng, không tài nào nhấc chân lên nổi. Cuối cùng, ta đành nhìn người ấy từ từ tan biến đi mất.”
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI