Sáng sớm, trời trong gió nhẹ.
Tiểu Hàm không mấy khi ngủ được nhiều. Buổi tối sau khi ăn cơm, dọn dẹp và trải giường cho sư mẫu xong thì cậu thường đọc sách cho đến hết canh hai mới đi ngủ. Sáng hôm sau thì gà mới gáy giờ Mão cậu đã tỉnh rồi, quả thật không ngủ được nhiều. Người ta nói người già mới ít ngủ, vậy mà đứa trẻ này, không hiểu lòng mang nặng điều gì mà lại sinh hoạt như thế. Sự tự giác ấy, người ngoài nhìn vào ngưỡng mộ, nhưng vẫn cảm thấy sao mà xót xa.
Tiểu Hàm vươn cái vai nhỏ, bước ra bên ngoài. Sư mẫu còn dạy sớm hơn cậu, mùi cháo hành thơm dìu dịu ở dưới bếp theo khói lan lên gian nhà. Không khí buổi sáng mùa thu nhẹ bẫng như khói, man mát như nước dưới giếng áp lên da mặt khiến cậu tỉnh táo và dễ chịu hơn hẳn.
Sư mẫu đã nấu xong nồi cháo, lót nồi cẩn thận rồi mới bưng lên, đặt lên tấm phản trước hiên. Thức ăn thì đạm bạc, sư mẫu vẫn luôn nhìn cậu rồi thở dài.
“Con gầy quá.”
Tiểu Hàm múc cháo ra. Cảnh chùa đơn sơ, vật dụng không có nhiều, ngay cả bát ăn của hai người cũng không phải là sành sứ mà chỉ là bát nặn từ đất nung phơi dưới nắng do cậu rảnh rỗi ngồi nặn, rồi vạch lên thân bát hình mấy nhành trúc thanh thanh trong gió. Vật liệu tầm thường nhưng vẫn không mất nhã là bởi vậy.
“Con vẫn còn nhỏ mà dì, ăn ít cũng phải thôi.” Cậu bé bình thản đưa bát cháo cho sư mẫu, khóe miệng còn nhoẻn một nụ cười, thực đỗi bình thản.
Vị sư mẫu nhận bát cháo loãng, trầm mặc đưa lên miệng, không nói gì. Bà nhìn đứa nhỏ ngoan ngoãn trầm ổn trước mặt, lòng lại càng thêm đau như cắt. Nhớ năm xưa vất vả long đong lận đận, người lớn thì không nói làm gì, giờ đây một đứa trẻ như thế, con cháu dòng dõi cao quý, nay lại phải bôn ba tứ phương, sống trong bóng tối, lòng người sao chịu cho thấu.
Tính từ cuộc binh biến tới nay cũng phải ngót trăm năm rồi. Chỉ nghe lời người đồn đại, năm ấy Nhữ Nam vương không biết vì lý do gì mà đang chinh chiến ngoài biên ải, đại thắng khải hoàn rồi lại đột ngột đem quân kéo về kinh thành. Triều đình tuyên bố Nhữ Nam vương là phản loạn, kết hợp nội ứng ngoại hợp với vị thừa tướng đương triều. Nhữ Nam vương bị bắt lại, một đạo chiếu chỉ đưa xuống tống giam người vào đại lao, chính ngọ năm ngày sau ban thuốc độc tự tận, vì là con cháu hoàng tộc nên được chết toàn thây, nhưng tên tuổi bị tước khỏi gia phả, tài sản toàn bộ tịch biên. Con cháu vì là thân nhân phản loạn cũng phải tội tru di, toàn bộ gia nhân nam sung vào quân tịch, nữ đem bán cho thanh lâu. Huyết mạch Nhữ Nam vương chỉ có một người con trai. Tổ phụ của bà là quản gia phủ Nhữ Nam vương trước cảnh cây ngã khỉ tan, nhiều kẻ giậu đổ bìm leo vẫn tận trung với chủ, một thân một mình đưa vị thế tử non nớt là huyết mạch duy nhất ấy gan dạ tìm cách chạy trốn, thay tên đổi họ, sống trong bóng tối vì lo sợ đại họa không dứt. Vị công tử ấy may mắn tiếp tục sống, tuy gian khó nghèo khổ, nhưng chỉ mong đổi được bình an một đời. Cuối cùng người lấy vợ, đến ngoài năm mươi mới sinh được một người con gái đẹp hơn châu ngọc. Người con gái ấy chính là vị tiểu thư đã mất của bà.
Tiểu thư là một cô gái ngoan hiền nết na, dung mạo có lẽ do thừa hưởng từ trong dòng máu hoàng tộc nên dù chân lấm tay bùn, áo nâu đam bạc vẫn toát lên vẻ cao nhã. Người thông minh, được lão gia yêu mến dạy cho đầy đủ tứ thư ngũ kinh nên phong thái càng thêm thanh tao hết mực. Tâm địa người tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm, lời ăn tiếng nói lại hiền lành nết na nên làng xóm xung quanh ai cũng yêu mến.
Than ôi tiểu thư, người thánh thiện lại xinh đẹp như vậy, là châu ngọc của phụ thân người, là tâm can của mẫu thân người, vậy mà sao tạo hóa lại đối xử với người lại bất công như thế. Cha người tuy mất đi vị thế của thế tử, nhưng sâu trong dòng máu vẫn là con cháu hoàng thất, vậy mà thảm cảnh lưu lạc cùng nghèo khó cứ đeo bám mãi. Nhan sắc của tiểu thư bất hạnh sao lọt vào mắt con trai của một hào phú trong vùng. Bề ngoài hắn đẹp đẽ, ngôn từ hắn sử dụng thì hoa mỹ, nhưng bên trong hắn là một kẻ trăng hoa. Trong nhà hắn đã có thê thiếp hàng đàn rồi, vậy mà hắn vẫn còn thấy chưa đủ, bắt tiểu thư đồng ý nhận lời làm thiếp, uy hiếp tới sinh kế cùng an toàn của cả gia đình. Lão gia giờ chỉ là một ông đồ lấy việc dạy học, viết chữ, vẽ tranh đắp đổi qua ngày, phu nhân, tiểu thư cùng toàn bộ gia đình của bà cũng phải ngày ra đồng cày cấy thuê, đêm cặm cụi bên khung cửi mới đủ cho mấy miệng ăn.
Lão gia cùng phụ thân bà vốn thân phận chủ tớ, nhưng giao tình bao năm giờ chẳng khác gì người trong một gia đình, vốn bàn với nhau đem cả hai nhà đi nơi khác mà sống, làm lại từ đầu, tiểu thư lại cám cảnh cho thân phụ đã hơn sáu mươi rồi mà còn phải tính kế tha hương, liền không đợi lão gia đồng ý đã chấp nhận hôn sự, một bước xuống làm thiếp nhà người. Mà cũng bởi chỉ là phận thiếp thân nên hôn lễ cũng không được tổ chức, kiệu rước vào chỉ được theo cửa sau. Ngày tiểu thư về nhà chồng trên người chỉ có độc bộ hỉ phục đơn giản, mái tóc búi tròn thô mộc cài độc một chiếc trâm bạc, chân đi đôi giày vải, ra khỏi cửa cùng một mình bà làm tỳ nữ bồi giá. Chú rể không tới đón dâu, chỉ có một gia nhân ôm theo con gà trống làm tượng trưng, một đoàn người không kèn không trống. Lão gia đưa con gái lên kiệu, nếp nhăn nơi khóe mắt hằn sâu bao cay đắng nhọc nhằn, phu nhân nước mắt giàn dụa trên mặt, khi kiệu khởi hành thì than một tiếng rồi ngất đi.
Tiểu thư sang bên đó được ở trong một cái tiểu viện đã cũ nát. Tiểu thư dù không có tâm tranh sủng, vị thiếu gia kia cũng tâm tư lạnh nhạt, đưa người về cũng chỉ coi là một đồ chơi, không thú vị liền vứt sang một bên, bỏ mặc tiểu thư bị biết bao thê thiếp khác cay độc. Bà chỉ là một nữ nô bồi giá nhỏ nhoi, đành bất lực nhìn tiểu thư phải một mình vất vả chống chọi. May mắn khi sủng hạnh đã nhạt dần thì các thê thiếp khác cũng tự động bỏ qua tiểu thư, không thèm để mắt tới nữa. Chỉ hiềm bọn gia nhân thấy tiểu thư chỉ là một tiểu thiếp không được phu quân sủng ái nên tự tiện ăn bớt tiền sinh hoạt, cũng không mấy chăm chút cái tiểu viện này. Tiểu thư không để tâm, bà cũng mặc, cuộc sống cuối cùng cũng có được dăm năm bình lặng, cứ ngỡ đời chỉ cần yên ả trôi giữa bốn bức tường hẹp thôi cũng được rồi. Đã về làm dâu nhà trọc phú, lại không được sủng ái thì một bước chân cũng không thể ra khỏi nhà.
Lúc ấy, bà cùng tiểu thư phải trải qua gian khổ, nhưng chỉ cần có người bên cạnh đỡ đần, bao nhiêu khó khăn tủi nhọc giữa chốn cô quạnh cũng đâu có là gì. Tiểu thư lại là người thông tuệ, tranh thủ liền dạy bà chữ nghĩa. Hai người tự tìm niềm vui giải sầu giữa chốn cô quạnh. Ban ngày bà hầu tiểu thư đọc thi từ, kinh phật, trồng hoa, đêm về cùng uống rượu mơ tự ủ, cùng ngắm trăng. Cuộc sống không phải toàn là cẩm y ngọc thực, lại chịu cảnh chẳng khác tù đày, nhưng chí ít cũng không cần chân lấm tay bùn. Tâm an thì có phải chịu cảnh đời chèn ép cũng chẳng khiến người ta thấy khổ ải.
Tiểu thư hi sinh tự do của mình, chỉ mong đổi lấy nhân sinh một kiếp bình an cho phụ mẫu. Nhưng kiếp hồng nhan, có khi nào lại không mệnh bạc.
Phu nhân thương khóc con gái yêu mà không thể gặp mặt, không lâu sau thì mang tâm bệnh mà lìa đời. Lão gia vốn tâm thân đều yếu nhược, thấy người bạn đời của mình vì thương nhớ con gái, ôm tâm bệnh mà chết, cuối cùng chẳng thể tiếp tục dạy chữ vẽ tranh. Cõi lòng héo hắt, tâm thân cũng đều rã rời vì nhớ thương người vợ hiền, cuối cùng mang bệnh phổi, được dăm năm thì cũng theo phu nhân xuống hoàng tuyền. Tiểu thư biết tin, nhưng tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, con gái đã gả ra khỏi cửa thì coi như không còn quan hệ nên không được phép về nhà cúng tế cha mẹ, không thể làm trọn chữ hiếu. Tiểu thư quỳ trọn mấy canh giờ trước cửa viện của một tiểu thiếp đang được sủng ái xin người đàn ông kia cho phép được xuất môn về nhà chịu tang nhưng hắn ta một khắc cũng không xuất hiện. Cuối cùng lao lực quá độ, ngã xuống hôn mê mãi không tỉnh lại. Bà lo lắng quỳ xin trước cửa đại phòng một ngày mới có thể mời đại phu tới khám.
Nào ngờ tiểu thư lại mang thai.
Thời gian ấy nhớ lại là biết bao nhiêu hung hiểm bủa vây. Vốn tiểu thư không muốn công khai, sợ bị người khác ám hại, chỉ mong có thể thuận lợi sinh ra tiểu thiếu gia. Điều kiện sống mọi khi cả bà lẫn tiểu thư coi là thường, giờ lại thành ra muôn vàn thiếu thốn. Tiểu thư ngày càng kén ăn, lại hay ốm nghén, thức ăn thì vẫn cứ kham khổ như vậy. Nhiều lúc người nhìn bà ái ngại, nói rằng: “Khổ cho em nhiều rồi. Nếu không phải theo ta, có lẽ cuộc sống của em đã khá hơn, có thể lấy một lão nông bình thường, nghèo thì cày cấy thuê, khá hơn thì nuôi một đàn gà vịt, bình thản sinh một đứa con, cứ thế an nhàn cho đến già. Gia đình ta nợ muội quá nhiều. Đời nay ta không biết phải báo đáp như thế nào nữa.” Bà rưng rưng nước mắt, thầm nghĩ, đời này có thể theo hầu một vị chủ nhân thấu tình đạt lý như vậy, còn điều chi phải nuối tiếc, từ đó càng thêm dốc lòng hầu hạ người.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Cái thai cũng chỉ giấu được tới ba tháng là cùng. Được năm tháng thì chuyện đã rõ, các tiểu viện khác đồn đại tiểu thư mang thai dã chủng, khiến người phải chịu biết bao nhiêu uất ức.
Chỉ nhớ hôm ấy, tên đàn ông chó chết chính là phu quân của tiểu thư mang một bát thuốc nghi ngút khói tới, ép buộc tiểu thư uống vào, còn mắng chửi tiểu thư không biết giữ tiết hạnh, khiến hắn phải khó xử rồi phất áo bỏ đi. Tiểu thư thương tiểu thiếu gia trong bụng, hết cách đành xin gia mẫu cho tới chùa an thai. Bà mẹ chồng ngày ngày chỉ có tụng kinh niệm phật nghiêm khắc ấy cũng mắt nhắm mắt mở đồng ý, nhưng lạnh nhạt chẳng ban phát thêm tư trang gì, để mặc tiểu thư tự sinh tự diệt, dẫu cho tiểu thư đã mang huyết nhục nhà họ. Cảnh chùa tuy cũng đơn sơ, nhưng vị sư cô khâm phục hiểu biết cùng sự lễ độ của tiểu thư nên hết lòng chăm sóc. Cuối cùng cũng đến kì sinh nở. Thuận lợi sinh tiểu thiếu gia xong, tiểu thư phao tin thiếu gia đã chết, xin sư cô nọ cho thiếu gia được ở lại chùa, giao phó bà ở lại chùa chăm sóc thiếu gia một thời gian, dăn bà mau chóng tìm người kết hôn, tự sống cuộc đời của mình rồi một mình trở về cái nhà ấy.
Không bao lâu sau, tiểu thư từ giã cõi đời.
Ngày nhận tin, bà khóc lên khóc xuống, khóc đến cạn nước mắt, lạc cả giọng, khóc như thể chưa từng được khóc trong đời, như thể cả đời bà đau đớn bao nhiêu thì đem ra trút cả hết vào đây rồi. Than ôi kiếp người bạc bẽo, hồng nhan mệnh bạc, đời người lấy đâu ra chân tình. Người đàn ông kia trước khi rước tiểu thư vào cửa thì lời ngon tiếng ngon, lúc lãng mạn lúc cao ngạo uy hiếp, ra vẻ chân tình lắm, khi lấy được người tới tay rồi thì nhẫn tâm bỏ mặc tiểu thư một đời cô quả, khi chết cũng không có nhi tử dưới gối, tỳ nữ bồi giá khóc than. Tiểu thư của bà rực rỡ xinh đẹp rạng ngời như ánh ban mai, cả đời chỉ muốn được bay nhảy tự do, muốn được ngắm trời xanh biển bạc, đi tới tận cùng chân mây sóng cả cuối cùng một đời phải bó buộc giữa bốn bức tường rồi phải ra đi trong thinh lặng giữa lúc tuổi xuân như thế. Thân làm tì nữ, nhưng gắn bó đâu khác tỉ muội, thử hỏi làm sao bà không uất hận, không căm hờn cho được.
Cuối cùng bà quyết định không xuất giá, cũng không trở về nhà, đem tiểu thiếu gia rời khỏi nơi đầy kí ức đau thương ấy, đi tới nơi khác, một tay nuôi tiểu thiếu gia lớn lên. Đứa trẻ ấy khốn khổ biết bao. Thân mẫu thì chết, người cha tệ bạc kia thì có lẽ đã quên đứa nhỏ này từ lâu rồi. Bà lưu lạc tới nơi này, may mắn xin tá túc được ở cái am nhỏ. Để có thể ở lại đây lâu dài, bà cũng quyết định xuống tóc đi tu, đoạn hết nợ hồng trần, một lòng dạy dỗ tiểu thiếu gia. Đứa nhỏ này quả thật càng lớn càng giống tiểu thư, chỉ là có chút trầm mặc hơn. Không khóc nháo bao giờ, một lòng hiểu chuyện lại thông minh kiệt xuất, lại ham thích thơ phú chẳng kém thân mẫu mình năm nào. Lên ba tuổi đã có thể đọc hiểu câu cú đơn giản, năm tuổi viết thạo, thậm chí còn có thể hiểu một vài bài kinh thi, tư chất thông tuệ, quả thật là thần đồng. Trong am ít thơ từ, chủ yếu chỉ có vài quyển kinh phật cũ nát, bà đành phải dùng que vạch trên nền đất dạy chữ, viết thơ, vẽ tranh cho tiểu thiếu gia. Ngoài vườn thì nai lưng trồng ít rau cỏ, phần ít dành lại ăn, phần nhiều đem bán đi đổi chút gạo nấu cháo, tích cóp được nhiều ít thì mua một chút giấy mực. Hai người cứ thế rau cháo qua ngày, bầu bạn bên nhau, đỡ đần nhau mà sống. Gian khó như thế mà tiểu thiếu gia chưa từng oán thán lấy một lời. Nhiều đêm nằm trằn trọc, nhìn tiểu thiếu gia đã ngủ say, nét mày thanh thanh không chút mỏi mệt, bà lại nhớ tới năm tháng cùng tiểu thư nơi cảnh nhà cao cửa rộng khi xưa. Tiểu thư khi ngủ lúc nào cũng nhíu đôi lông mày, lại thường giật mình tỉnh giấc giữa đêm, mỗi khi tỉnh dậy thường thẫn thờ ngồi nhìn bốn bức tường hồi lâu rồi lại khêu đèn, ra ngồi trước hiên nhìn lên vòm trời đầy sao. Tiểu thư chết trong bi thương giữa cảnh cá chậu chim lồng, tình cảnh hiện giờ tuy gian khó muôn phần, nhưng có lẽ với tiểu thiếu gia, an bình thế là đủ. Đợi đến khi cậu ấy lớn lên, đủ lông đủ cánh thành chim bằng đủ sức tung cánh giữa trời cao lại khác.
Điều duy nhất khiến bà phiền lòng là việc thiếu gia không có bạn. Hai người đến ngụ ở nơi này đã lâu, nhưng lai lịch bất minh, cũng may dân cư nơi này đa phần hiền hòa, cái am đang ở đây vốn bỏ hoang nên bà có thể sống ở đó mà không ai nói nặng nhẹ nhiều. Nhưng lai lịch bất minh thì vẫn là lai lịch bất minh. Vẫn có nhiều lời dị nghị về mối quan hệ giữa bà và tiểu thiếu gia, và những lời thêu dệt ấy hầu hết chẳng tốt đẹp gì khi chúng xuất phát từ những kẻ rỗi việc và không có đầu óc. Phụ mẫu của những đứa trẻ khác tuy ngưỡng mộ, ca ngợi sự thông tuệ của thiếu gia, nhưng không hẳn khuyến khích việc lũ trẻ tới chơi cùng.
Chén cháo loãng, nhưng thơm nhẹ mùi hành, vừa thổi vừa húp cho hết nóng, cuối cùng cũng xong bữa. Bà đặt chén cháo xuống, thấy tiểu thiếu gia vẫn chưa uống xong. Bát cháo mới vơi chưa quá nửa. Cậu cũng không nhìn bà, mà ngó mãi ra bên ngoài cửa, tựa như ngóng đợi ai đó. Bà chưa từng thấy biểu cảm mong đợi của tiểu thiếu gia bao giờ, thoáng chốc hơi nhíu mày lại.
Bà vốn định lên tiếng gọi cậu ăn cháo, nhưng từ ngoài cửa đã truyền ra tiếng gọi.
“Tiểu Hàm, bọn tôi tới rồi này.”
Vị sư mẫu nhìn ra ngoài. Lấp ló ngoài cửa là hai đứa trẻ ăn vận xinh xắn, hẳn là con nhà giàu có. Bà quay sang nhìn tiểu thiếu gia, cậu nhóc nghe tiếng gọi thì khẽ cắn môi đáp: “Là bạn con, muốn tới để cùng con học bài. Sư mẫu, cho bọn họ vào nhé?”
Bà cười gật đầu. Do gia cảnh bần hàn, lại không có nhiều giao tế, tiểu thiếu gia tính tình lại có chút hướng nội, nên vốn không có nhiều bạn bè. Giờ có người tới bầu bạn cùng cũng không tệ. Tiểu thiếu gia thấy bà đồng ý, liền đứng dậy ra ngoài tiếp đón.
Hai đứa trẻ ngoài cổng là một cặp song sinh, dung mạo hết sức sáng sủa. Cô bé tiến vào trước, tay còn bưng một cái tráp gỗ. Cậu bé đi theo sau, cầm một tay nải, gương mặt có chút hậm hực. Cô bé vừa bước vào cửa đã cúi chào lễ phép. Bà cũng cười chào đáp lại. Cô bé trước đặt túi nải và tráp lên chiếc bàn con xiêu vẹo rồi cúi đầu thưa chuyện.
“Sư cô, chúng con là con của ông chủ Trần, mở quán rượu ngay ở đầu làng. Con tên là Hương Duệ, em trai con là Quân Xa Cha mẹ con nghe tiếng cậu Hàm đây học hành giỏi giang lại thông minh nhã nhặn, ắt sau này sẽ là cá chép vượt vũ môn, muốn cho em con tới được cùng theo học hành và làm bạn với cậu để rèn nền nếp và học hỏi cậu nhiều hơn. Vốn cha con muốn sang thưa chuyện, nhưng còn bận chút việc, nên phân phó cho con mang chút lễ vật sang trước, mong sư cô đồng ý thu nhận em con. Nó còn nhỏ dại, vẫn còn không hiểu chuyện, con cũng xin được xá tội trước.”
Bà chăm chú nghe, đứa trẻ chắc mới độ chừng tám tuổi, giọng nói còn ngô nghê nhưng phong thái hết sức nhã nhặn, xem chừng cũng đã được cha mẹ dặn dò từ trước. Em trai cô bé thì vẫn đứng im lặng cúi đầu bên cạnh, hai mũi chân cọ qua cọ lại, có chút hiếu động nghịch ngơm, mà hàng mi dài cúi xuống không nhìn rõ được đôi mục nhãn, mà đôi môi hơi mím lại, xem chừng vẫn có vẻ hậm hực.
Bà cúi đầu một chút, trong lòng nghĩ ngợi, để tiểu thiếu gia có bạn học cùng có lẽ cũng không phải chuyện tồi. Tuy nhiên hai người này xuất thân là con cái thương nhân giàu có như vậy, không rõ có phải phường thảo mai khinh người nghèo khó không. Chậm rãi nhìn lễ vật, bà đáp:
“Bần ni quả thực cũng không có dạy dỗ gì nhiều, chỉ là kể cho cậu Hàm vài điển tích điển cố, dạy cậu chút chữ nghĩa mà thôi. Nhưng nếu cậu đây muốn theo học, bần ni xin nhận tấm lòng, còn lễ vật thì mong cô cậu mang về cho.”
Cô bé cười mỉm: “Cha con nghe tiếng sư cô đã lâu, biết sư cô không nhận những thứ phàm tục nên chúng con chỉ mang tới chút đồ tuy không giá trị nhưng cũng để bày tỏ tấm lòng thành, mong sư cô nhận cho.” Nói đoạn bèn mở tráp ra, bên trong có một hộp gỗ đựng trà, một bộ văn phòng tứ bảo gồm xấp giấy thượng hạng, nghiên mực và một chiếc bút lông cán gỗ nhỏ nhắn.
Quả nhiên đều là những đồ có giá trị. Đương nhiên so với những người nông dân nghèo khó trong làng thì những đồ vật này thậm chí còn không đáng 2 quan tiền gạo đắp đầy bụng, nhưng với tiểu thiếu gia, những đồ vật này mới hữu ích cho công việc học hành của cậu. Bà nhìn cô bé nói năng rành rọt, lại lễ phép cũng thấy bằng lòng, bèn gật đầu coi như tiếp nhận.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI