Đầu trời thu chớm lạnh.
Mùa thu là dấu hiệu của sự phai tàn sắp tới. Đó là thời điểm trái chín trên cây rụng hết, những phiến lá lìa cành trong thinh lặng. Sắc xanh chuyển sang màu khô héo tự bao giờ không ai hay. Thu yên tĩnh, thu dịu dàng.
Rất tiếc là không phải ai cũng nghĩ như vậy.
“Đúng là mùa thu đa sự mà!!”, trên nhành liễu vắt vẻo một thiếu niên. Thật kì lạ khi một nhành liễu mảnh mai lại có thể chịu đựng được bằng ấy trọng lượng. Nhưng ngắm kĩ thì thiếu niên nọ cũng không đến nỗi nặng nề. Thân hình có chút gầy gò ẩn trong lớp áo thụng trắng buông dài. Nếu không nghe được giọng nói trầm trầm bực bội và trái khế nho nhỏ, nhìn qua có lẽ người ta sẽ lầm tưởng cậu là một thiếu nữ xinh đẹp. Cần cổ cậu thon dài, đôi mắt hoa đào có chút biếng nhác mơ màng nhìn xuống bên dưới tán cây hơi nheo lại.
Dưới tàng liễu rủ là bóng dáng một thiếu nữ. Y phục nàng đơn giản nhưng sang trọng. Tà áo năm thân buông dài bằng chất liệu lụa trắng quý giá, họa tiết in chìm hình sóng nước, ngang người buộc dây lưng lụa sồi nhuộm đen thắt giọt lệ buông dài theo nếp áo. Đôi giày lụa cũng một màu trắng trơn. Mái tóc búi thấp cài một chiếc trâm gỗ mộc mạc rẻ tiền không ăn nhập lắm với bộ trang phục còn lại. Thiếu nữ còn trẻ, có lẽ chưa đến hai mươi, nhưng gương mặt gầy guộc héo hon cùng đôi mắt kém linh động khiến trông nàng có phần giống như một quả phụ hao mòn.
Lúc này nàng ta cầm trong tay một chiếc khăn lụa thêu uyên ương. Đầu tựa lên gốc liễu, đôi mắt lúc nay nhắm nghiền không biết đang nghĩ ngợi điều gì.
Gió vẫn cứ lành lạnh thổi qua.
Tiếng ai khẽ ngâm ngợi.
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt…”
Giọng ca tinh tế dễ nghe, nhưng giống như nội dung lời hát mang nét u sầu vương vấn. Tựa như giọt sương đông cứng lại thành lệ trên bề mặt cây lá tiết sương giáng, cứ như thế giăng mắc mãi trong lòng người nghe.
Dường như lời ca ấy chẳng làm thiếu niên áo trắng xao lòng. Gương mặt trái xoan xinh đẹp vẫn mang vẻ biếng nhác dửng dưng. Thiếu nữ nọ đã đứng dậy, vuốt tóc mai, nhìn lại gốc cây một lần rồi khẽ trầm mặc rời đi, cậu chỉ nhìn theo, khịt mũi một cái.
“Đã truy ra được cái gì chưa??”, Cậu thờ ơ nói với khoảng không.
Từ trong không trung bỗng hiện ra một thiếu niên mặc đồ đen tuyền từ đầu đến chân. Gọn gàng, hắn ta đáp mũi chân lên cành liễu, tư thái cao sang, tay áo thụng bay trong gió uốn thành một vầng sóng hoàn mỹ. Và khó hiểu làm sao, vóc dáng rắn chắc của người nọ chẳng mấy ảnh hưởng lên nhành liễu mỏng manh. Nhìn bóng dáng thiếu nữ rời đi phía xa, thiếu niên khẽ ngâm ngợi.
“Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.” (*)
*: “Khuê oán” của Vương Xương Linh
Bản dịch của Hải Đà:
“Thiếu nữ phòng khuê chẳng biết sầu
Ngày xuân tô điểm bước lên lầu
Bên đường chợt thấy hàng dương liễu
Hận xúi phu quân kiếm tước hầu.”
Thiếu niên áo trắng nghe xong tiếp tục khịt mũi: “Nhạt thếch!”
“Ngươi không thấy bài thơ đó hợp tình hợp cảnh sao?”
“Chẳng hợp tí nào!”, thiếu niên áo trắng nhướn mày, “Bây giờ đang là mùa thu!!!”
“Ngươi lúc nào cũng thực dụng như thế.” Người nọ thở dài, xoay xoay một khối nhỏ màu vàng óng trong tay, “Sao chẳng lãng mạn chút nào?”
Thiếu niên áo trắng vẫn vắt vẻo trên cành, không trả lời, rướn người chăm chú nhìn khối nhỏ trong tay ngươig nọ, đôi mắt hoa đào khẽ nheo lại, tò mò hỏi: “Cái gì kia? Bánh nhãn à?”
Người nọ không trả lời, thu đồ vật vào trong ống tay áo đen tuyền, nhẹ nhàng nhảy xuống mặt đất, giọng điệu có chút giễu cợt: “Sao ngươi chỉ nghĩ tới đồ ăn thôi thế?”.
Thiếu niên áo trắng nghe vậy, đôi mắt dài hẹp càng nheo lại vẻ không vừa lòng. Nói thế không bằng mắng thẳng là phàm ăn tục uống cho rồi!! Tuy thế, cậu cũng chẳng hầm hầm đuổi theo hay mắng lại, chỉ lạnh nhạt: “Liên quan tới ngươi chắc!!”
Gió vẫn thổi.
Trời có lẽ sắp mưa một trận.
Một trắng một đen, dáng điệu phi phàm. Nhìn thoáng qua ngỡ tưởng hai vị công tử trẻ tuổi hào hoa, nào ngờ đây lại là cặp Hắc Bạch vô thường đã có gần ngàn năm đạo hạnh, tay sai chốn U Minh, quyền khuynh thiên hạ, khiến hồn phách muôn phương phải kính sợ.
Thế nhưng lúc này đây, hai vị quan sai quyền khuynh Minh phủ lại đang phải cùng nhau chen chúc trong một căn nhà cũ nát khôn tả. Rào giậu bên ngoài đều ngả nghiêng, cánh liếp dựng tạm trước cửa đã nằm đổ dạt xuống đất. Mái nhà cũng sạt mất một góc. Mưa chảy qua từng lỗ hổng nhỏ giọt tong tong xuống nền đất, thấm ướt từng mảng xói vào lớp mùn trát bên vách.
Thiếu niên áo trắng, thường gọi Tiểu Bạch, giờ đang ngồi im trong góc nhà, một tay lủng lẳng một chuỗi lạt cột một gói hình trụ bọc lá chuối. Chẳng biết Bạch vô thường đại nhân cao quý đang làm gì mà ngồi chồm hỗm trên nền đất. Mới nhìn tựa như một đứa trẻ ngồi tùy tiện vạch vẽ đất cát lung tung, nhìn rõ mới thấy hắn thay ngón tay làm bút, nắn nót vạch trên nền đất một đạo bùa hình bát quái đỏ chói vết máu. Vạch tới đâu lấp lánh kim quang tới đó. Bát quái vừa thành, chói rực trong giây lát bỗng chìm vào nền đất mất dạng, như thể ráng chiều sót lại trong phút chốc chạng vạng biến mất trong vô thanh vô tức.
Trong thời gian chưa đầy một tuần trà, cả căn lều lụp xụp bỗng ào ào hỗn loạn. Từ trong góc nhà, bên dưới cột chống, trên gác mái chạy ra hết thảy các thể loại yêu ma quỷ quái. Nào là hồ ly mõm nhọn nanh dài, nào là lệ quỷ khật khừ máu me, … con nào con nấy hình dạng ghê gớm chẳng kém đầu trâu mặt ngựa nơi âm tào địa phủ. Vậy mà nhác thấy thiếu niên áo trắng dáng vẻ ôn hòa phiêu dật, phản ứng đầu tiên của chúng là rú rít lên kinh hoàng, đâm đầu bỏ chạy đến vấp váp bổ nháo bổ nhào vào nhau. Hắc vô thường nhìn thấy cảnh này, không khỏi mím môi nhịn cười.
Tiểu Bạch không nóng không lạnh, nhướn mày nhìn đám tạp vật trước mặt: “Ồn!”
Tay áo đen nhẹ phất một cái, đám yêu ma quỷ quái lập tức tan thành tro bụi, lả tả trong không gian như tro bụi vàng mã. Không kịp trốn chạy, cũng chẳng kịp phản kháng. Khoảnh khắc chưa đầy một cái chớp mi.
Tiểu Bạch thấy người nọ phất tay áo đầy linh lực mà nhẹ tựa lông hồng cũng chẳng nói gì, vẫn ngồi bệt trên nền đất, một tay lần bóc bọc lá chuối hình trụ xanh dài. Lần mò mãi mà chẳng cởi xong sợi lạt. còn để tay bị ứa thêm một vệt máu. Người nào đứng nhìn chỉ biết lặng lẽ thở dài, lôi từ ngực áo ra một chiếc khăn tay, cúi xuống băng cả hai tay của kẻ đang mặt nhăn mày nhó lại.
“Ngươi chẳng lẽ không thấy thẹn với trăm năm đạo hạnh của mình. Kẻ chúng ta cần tìm đâu phải lệ quỷ, cũng nào phải oán linh. Cần gì phải lấy cả máu ra vẽ thủ ấn, phí thêm linh lực vì chút việc cỏn con này chứ?”
“…” Thế ngươi phất tay một cái diệt sạch cả đống không giữ lại tên nào hỏi han thì sao??
“Ê,” Tiểu Bạch thấy hắn lải nhải một hồi, chán nản ngắt lời.
“???”
Cậu đưa hai tay hai ngón một cái một trỏ bị buộc lại như chả giò, hẩy hẩy thử, mặt nhan hết cả lại: “Ngươi có biết băng không thế??”
Người nọ trầm mặc chút: “Hình như không…”
“…”
“Để thế càng tốt, không thấm nước.” Người nào đó thản nhiên lấp liếm.
“Ê…”
“Này, ta có tên. Gọi Nam Kha!”, người nọ nhướn môi cau có, “Không phải ‘Ê'”
“Bóc cho ta!”, Tiểu Bạch vẫn chẳng gọi tên hắn, chỉ đưa ngón tay đã bị buộc khăn tròn ủm như miếng nem rán chỉ cái bọc lá chuối đang bóc dở. Nam Kha nhấc tay phẩy ra một cái ghế con, từ tốn ngồi xuống bóc. Bên trong là mấy tấm bánh dày mơ. Mùi bánh thơm, hình dáng cũng hấp dẫn. Vỏ áo ngoài trắng mịn, phủ trên một lớp đậu xanh mịn như phấn, nhìn xa nào khác khoác thêm một lớp xiêm y màu hoàng yến xinh đẹp. Trải rộng tấm lá trên tay, lại cẩn thận tách mấy tấm bánh dính vào với nhau thành từng miếng riêng rẽ, lúc bấy giờ mới đưa cho Tiểu Bạch.
“Sao thích ăn mấy thứ rẻ tiền thế, lại toàn là đồ ngọt?”
“Đắng mồm đắng miệng thôi.” Đưa tay nhón một miếng, Tiểu Bạch hờ hững trả lời.
Ngoài trời đang mưa.
“Nhiệm vụ cũng chưa kíp lắm, cứ trú mưa ở đây thôi.” Nam Kha nhìn quanh túp lều, cũng không đợi Tiểu Bạch có ý gì, rút tay áo lấy ra một cây bút lông thỏ cán bạch ngọc, vẽ trên nền đất một bếp lửa bập bùng. Giây lát, bếp lửa đỏ hiện ra.
“Bút của Tư Mã Lương đấy!!!” Nam Kha hớn hỏ khoe cây bút trong tay.
Tiểu Bạch không đáp, tiếp tục ăn bánh của mình
Bấy lâu, dân gian vẫn lầm tưởng công việc của Hắc Bạch vô thường là dẫn đường cho người chết tới địa phủ. Lần đầu tiên biết được chuyện này, Nam Kha ôm bụng cười lăn lộn.
“Ngươi thấy có ngu ngốc không??”, hắn vừa cười vừa vung vẩy quyển sách ố vàng trong tay với Tiểu Bạch, “Nhiều linh hồn như vậy, nhân lực cũng chỉ có hai người chúng ta, lấy đâu sức ra mà dẫn cả đám đó xuống âm ti. Mình cái nhiệm vụ hiện tại thôi cũng đủ chết rồi!!!!!!!!”
Tiểu Bạch không hưởng ứng, chỉ lạnh nhạt liếc: “Thiếu chủ ngài đây thật mau quên, là ngài tự nguyện chịu khổ đấy chứ!”
Đường đường là con trai Minh chủ đương nhiệm, mai sau đương nhiên có thể thừa kế cả Thập Điện diêm la, nay lại cúi mình đi làm tay sai. Tuy trên nhân thế khiến mười phương kính sợ, xuống âm tào lại chẳng hơn một tên tiểu lại là bao.
“Còn không phải vì ngươi sao?” Người nọ xót xa thầm nhủ. Rõ ràng chất chứa nùng tình mật ý, lại chẳng thể cất tiếng đường hoàng. Lời ngọt ngào mà chẳng thể rõ ràng thành tiếng, âm thah khe khẽ như cánh bướm theo gió mà tan.
Tiểu Bạch hình như thoáng có nghe thấy. Hơi khưng lại một chút, nhưng cũng không hỏi. Lúc ấy cậu còn đang bận bóc bánh gai.
Nhiệm vụ của Hắc Bạch vô thường, bảo vất vả cũng chẳng đúng. Bởi số lương công việc không phải ngày nào cũng có, chỉ thi thoảng mới có vài vụ. Nhưng bảo không vất vả thì lại cũng chẳng phải. Mỗi vụ làm đều tốn thời gian, và cả linh lực.
Công việc của họ, là truy bắt những âm hồn không chịu quay về địa phủ.
Từ xưa đến nay, chúng sinh vạn vật đều có linh hồn. Nhập thế, trải qua sinh, lão, bệnh, tử, trọn một vòng luân hồi, trong khi thân thể ở dương gian rữa nát, linh hồn lại quay về đia phủ. Đứng trước đá tam sinh, nhìn trọn ba kiếp, lắng nghe thập điện Diêm vương lật giở sổ sinh tử, luận bàn công tội, nhân quả thiện ác rồi chấp nhận phán xét. Bên cầu Nại Hà, thảng nâng chén canh Mạnh Bà, chỉ cần một hơi sạch mọi vui buồn kiếp trước, qua cầu liền tiến nhập luân hồi. Một kiếp cứ thế là xong.
Đó là trên lý thuyết.
Con tạo xoay vần. Đời người như mảnh trăng khuyết, không thiếu những hỉ nộ ái ố, chẳng thiếu thất tình lục dục, đương nhiên càng chẳng thể vẹn toàn. Có thể là bóng hình ái nhân không nỡ phân ly, có thể là cừu nhân chưa hết thù hận, hay công danh, tài của nhân gian,… khiến con người không chấp nhận rời đi. Hiếm có người nào có thể ôn hòa mà bình thản chấp nhận lãng quên quá khứ, ngay lập tức uống canh qua cầu. Trước Diêm la điện, bên dòng Vong Xuyên cuồn cuộn những oán hận khôn nguôi, hết vong hồn này đến vong hồn khác, mỗi kẻ một câu chuyện. Kẻ oán thán khôn cùng, kẻ si tâm mê luyến,… nằng nặc đòi kể hết chấp niệm đời mình, cầu xin được lưu lại mà chẳng hiểu một lẽ đơn giản: mệnh số không xét cái tình, chỉ xem cái lý. Đúng hay sai, sổ sinh tử đã ghi chép rạch ròi, có muốn hay không cũng phải tiếp nhận. Những kẻ không chịu vãng sinh, cứ không ngừng kể lể, phân định đúng sai, luyến lưu, hận niệm,… cuối cùng sẽ không thể đầu thai chuyển thế, trở thành cô hồn dã quỷ lênh đênh nơi dương thế.
Nhiệm vụ của Hắc Bạch vô thường là truy bắt những linh hồn đó, trước khi chúng tiến hóa thành lệ quỷ hại người.
Lần này là một trường hợp khó hiểu.
Một cô nhi không thân thích không họ hàng . Thuở nhỏ nương nhờ bóng phật, khi trưởng thành thông hiểu văn chương, giỏi thi họa, chỉ hiềm không gia thế, không tiền tài, tính tình lại ngay thẳng không chịu luồn cúi nơi quan lộ. Cuối cùng thi cử lận đận, một bụng chữ nghĩa mà không có đất dụng, chỉ dựa vào việc gõ đầu trẻ, viết chữ vẽ tranh đắp đổi qua ngày. Về sau, đất nước xảy ra chiến loạn ở phương Bắc. Triều đình ra cáo thị tuyển người tài. Thư sinh nọ làm một bài thơ bày kế đánh giặc, dâng lên trước kiệu tể tướng, lập tức được phong làm quân sư. Lên đường xuống phía Nam xuất chinh dẹp loạn, thế quân triều đình liền như hổ thêm cánh, mạnh như chẻ tre, hành quân xuất quỷ nhập thần, dưới mưu kế của quân sư nọ bách chiến bách thắng, khiến kẻ địch binh bại như núi lở. Ai ngờ trong ngày đại quân khải hoàn, trong đám bại binh có kẻ trá hàng giả quy phục, thừa lúc binh sĩ không phòng bị giương tên độc bắn vị quân sư trẻ tuổi. Độc không thể chữa trị, vị quân sư cuối cùng bỏ mạng trên đường trở về.
Số mệnh người nọ trong sổ sinh tử ghi chép đại loại như vậy. Bên dưới còn có bút phê đặc biệt của Minh chủ:
“Người này có công với quốc gia, với bách tính, tích nhiều phúc đức. Ta đã bẩm tấu với Ngọc Hoàng và được chấp thuận, xuống chiếu phong hắn làm thổ thần, tiếp tục tạo phúc cho lê dân trăm họ.”
Vốn đây là trường hợp đặc biệt, đương nhiên không thể để linh hồn thư sinh nọ tự quay về địa phủ mà phải nhờ vài tiểu tiên đến giúp hắn khai quang. Nào ngờ tiểu tiên được cử làm nhiệm vụ trở về thông báo: Linh hồn người nọ đã mất tăm mất tích.
Vậy là việc lại đến tay Hắc Bạch vô thường
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI