- Home
- Một Chuyến Hành Trình Đến Lục Địa Varlaurea
- Những dân tộc ở lục địa Varlaurea (phần 4)
NGƯỜI LÙN
Phần lớn lịch sử của Người Lùn không mấy ai biết đến. Bởi họ sống chủ yếu trong những thành phố bán lộ thiên trên những ngọn núi cao phủ tuyết và những rặng núi hiểm trở rải rác khắp lục địa Varlaurea, ít khi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cho đến khi một đoàn thám hiểm của Tiên Nhân vô tình tìm ra một thành phố nhỏ, bán lộ thiên của họ ở núi Trắng. Một sự kiện mà họ gọi là “Vlastotniev” nghĩa là “ngày chạm trán đầu tiên” hay “Ngày gặp gỡ đầu tiên” (day of first contact), và từ đó họ mới bắt đầu mở mang quan hệ và thông thương với thế giới bên ngoài, không những thế họ còn từng là đồng minh của các Tiên Nhân trong Bách Niên Chiến. Các thành phố của họ được kết nối với nhau bởi một mạng lưới đường hầm chằn chịt trong lòng đất, trong đó lớn nhất là “Đại Hành Lang của Vostokev” một đường hầm khổng lồ ngoài sức tưởng tượng với kênh đào, làn đường cho những chiếc xe guồng và những mái vòm kì vĩ. Có một số truyền thuyết cho rằng có thể Người Lùn cũng là di dân từ nơi khác đến, nhưng đấy chỉ dừng lại ở mức truyền thuyết, và tôi lại không phải là sử gia hay nhà khảo cổ để mà có thể tìm hiểu các truyền thuyết đó.
Đúng như với tên gọi của họ, chiều cao trung bình của họ chỉ chừng 1m4 đến 1m5, thân thể chắc nịch và râu ria rậm rạp cả nam lẫn nữ. Khiến cho việc phân biệt giữa 2 giới rất khó cho các dân tộc khác, cho nên thiên hạ thường đồn rằng người Lùn không có nữ giới và nở ra từ những quả trứng đá.
Về xã hội thì Người Lùn khác với các dân tộc khác họ không có một hệ thống vua chúa hay hoàng đế, do đặc điểm sinh sống của họ mà mỗi thành phố lại có một người đứng đầu riêng, một người mang danh hiệu “Zukiyaz” mà dịch nôm na ra là “Đại hoàng tử” hay “Đại thân vương” được bầu chọn từ các gia đình quý tộc của mỗi thành phố. Các thành phố cũng liên kết một cách lỏng lẻo theo kiểu liên minh, họa hoằn lắm các Đại hoàng tử của các thành phố mới tụ họp lại và bầu chọn ra một người lên ngôi vua để lãnh đạo toàn bộ Người Lùn trong những lúc nguy cấp cần thiết, còn không thì họ thường chả mấy quan tâm đến nhau, thậm chí còn giao chiến với nhau vì xung độ quyền lợi thương mại hay lãnh thổ.
Về cách ăn mặc thì họ không khác Người Thượng cho lắm ngoài trừ các kiểu quần rộng thùng thình, phụ nữ thường mặc một loại váy hình chuông có quai đeo. Ngoài ra họ cũng chuộng đội mũ như Người Hạ đặc biệt là các kiểu mũ có chóp nhọn, cao hoặc rộng vành.
Tôi đã từng trông thấy một quý bà Người Lùn đội một cái mũ to đùng, đính một cái bảng vải, hình tam giác được bo tròn hai góc đáy vào phía trước mũ, bảng vải còn được độn bông và hồ cứng để nó dựng đứng lên và gắn đá quý trang trí, làm cho bà ta trông hao hao như một con ách bính khổng lồ trong bộ bài tây, tỏa sáng lấp lánh và biết đi vậy.
Về tín ngưỡng thì cũng như những dân tộc khác, họ cũng theo tín ngưỡng thần hệ đa thần, trong đó có một vị thần được trọng vọng nhất, nắm vai trò là vua của chư thần, chính là…. Quelas’Airuth. Đọc đến đây hẳn bạn cũng ngạc nhiên nhỉ? Tại sao những dân tộc không quen biết gì nhau, đến từ những nơi khác nhau, nguồn gốc khác nhau lại cùng thờ cúng một vị thần giống nhau, đấy là một điều bí ẩn tôi cũng muốn biết.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI