Nơi đây được gọi là Mường Lao, một huyện nhỏ sát với Đại Đường phương Bắc.
Quan huyện của Mường Lao là dùng tiền để đút lót mà được nhậm chức. Hắn không chút khả năng hay tư tưởng nào muốn cứu giúp bá tính, suốt thời gian tại vị chỉ lo vơ vét của dân, đút lót khắp nơi để kéo dài thời gian làm quan, không quan tâm đến việc bá tính bị giặc cướp bóc, chém giết.
Đói nghèo, bệnh tật và chiến tranh làm dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng.
Tiếng kêu than không đến được tai thiên tử, dân đen chỉ có thể bỏ mặc sự sống cho số phận quyết định.
Hai cha con Thạch lão đi vào thôn hẻo lánh nhất của huyện, ở lại trong một căn nhà cũ đã bỏ hoang, có lẽ chủ nhân căn nhà đã ra biên cương, không trở về nữa.
Trong thôn không có y quán, bà con chỉ biết chữa bệnh bằng các phương pháp truyền miệng, bệnh nọ dùng cách chữa của tật kia, ốm nhẹ cũng thành nặng.
Thanh Vân để cha ở nhà khám chữa cho một số người bệnh nhẹ trước, còn mình thì đi thu thập thêm các loại thuốc ở bên ngoài.
Bà con trong thôn lúc đầu còn bán tín bán nghi khi nghe có người chữa bệnh miễn phí, nhưng rồi lo cho sức khỏe người nhà nên dần dà tìm đến khám.
Ngoài phụ nữ thì trong thôn chỉ còn lại trẻ nhỏ và người già. Thanh niên trai tráng và đàn ông khỏe mạnh đều đã tòng quân.
Thấy lão phu loay hoay một mình, vài phụ nhân (1) lục đục tới giúp ông một tay.
Người thì kể lại đầy đủ bệnh tình của tất cả miệng ăn trong thôn, thuộc làu làu, nắm rõ như đã chuẩn bị từ trước, người thì phụ sắc thuốc.
Chung quy đều nuôi hy vọng vào ông lão xa lạ này có thể chữa bệnh.
(1) Phụ nhân: người phụ nữ đã có gia đình
Chỉ qua mấy ngày mà những người thương thế nhẹ khỏe lên trông thấy, ai ai cũng vui mừng khôn xiết.
Người tìm đến xin khám chữa bệnh ngày một đông.
Một mình Thanh Vân chạy đi chạy lại không xuể nên hướng dẫn cho vài người nhanh nhẹn cách phân biệt một số cây thuốc dễ tìm quanh thôn.
Cô cũng tranh thủ hái quả dại trong rừng đem về cho mọi người, chỉ cho mọi người biết những loại có độc không thể sử dụng, vài người do không có lương thực nên nhắm mắt ăn bừa, lấp bụng cho qua ngày.
Hôm nay, Thanh Vân lên đường từ sáng sớm, chỗ thuốc tìm được mấy ngày qua như muối bỏ bể, đất đai khô cằn khiến cây thuốc cũng vô cùng hiếm.
Lần này cô dặn dò lão cha rằng mình sẽ không trở lại luôn, khi nào kiếm đủ thuốc sẽ quay về.
Thạch lão biết tính của con nuôi, dù có khuyên ngăn cũng vô dụng nên chỉ dặn dò thêm vài câu rồi lại tất bật quay lại khám chữa cho mọi người.
Vốn chỉ nghĩ một, hai ngày sẽ trở lại nhưng nửa đường gặp phải thú dữ, Thanh Vân bị thương nên phải mất năm ngày sau cô mới quay trở lại được.
Khi trở lại, không thấy bóng dáng cha cùng bà con đâu cả, Thanh Vân liền chạy qua nhà hàng xóm để hỏi.
Thấy Thanh Vân trở về, họ liền kéo cô vào trong nhà, kể lại đầu đuôi mọi chuyện: Hai ngày trước, khi quan huyện nghe tin có đại phu đang chữa bệnh cho bà con trong thôn liền sai người đến bắt lão. Ai cũng biết nhà quan huyện có một nhi tử bệnh nặng từ nhỏ, rất nhiều đại phu nói bệnh nặng không thể chữa trị được liền bị đuổi đi. Lâu dần không còn ai dám hành nghề vì sợ bị liên lụy.
Lần này hắn đem Thạch lão về, bắt lão cứu con trai mình, nhưng con hắn đã tới số, thực sự vô phương cứu chữa.
Quan huyện nổi điên, cho rằng Thạch lão là lang băm, lấy lý do bệnh của con lão không chữa được mà dám cắt thuốc bắt mạch cho mọi người, liền sai người đánh đuổi lão ra khỏi huyện.
Thanh Vân nghe xong hốt hoảng, vội vàng để lại thuốc cho mọi người rồi chạy đi tìm cha.
Tập tễnh chạy ra cửa huyện hỏi thăm cả ngày, chẳng những không hỏi han được chút tin tức nào của cha, Thanh Vân còn đụng phải lũ thổ phỉ buôn người.
Nhìn thấy cô nương xinh đẹp chỉ có một thân một mình, bọn chúng liền cho người đuổi bắt.
Thanh Vân tuy là một cô nương nhanh nhẹn, từng bôn ba nhiều nhưng vì vết thương còn chưa lành hẳn lại bị cả nhóm người hợp lại đuổi bắt, cô thoát không được.
Rơi vào tay thổ phỉ, Thanh Vân vẫn một lòng lo lắng cho Thạch lão.
Lão là người thân duy nhất mà cô có. Bây giờ bị chia cắt, không biết đời này còn có thể tìm gặp lại hay không?
Bọn thổ phỉ đưa người chúng bắt được đem lên một con thuyền lớn, xuôi về phương Nam.
Mười mấy, hai mươi cô nhóc nhem nhuốc, tuổi chỉ từ năm, sáu đến không quá mười lăm, cơ hồ đều là nhưng đứa trẻ lưu lạc gom ở khắp nơi, bị trói lại nhốt dưới boong thuyền, cả ngày không thấy được ánh mặt trời, chẳng có cơ hội nào để chạy trốn.
Sau nửa tháng lênh đênh trên biển, các cô bị đưa đến khu chợ mua bán người ở kinh thành.
Giấy bán thân trong tay người khác, những đứa trẻ liền trở thành nô lệ hoặc người hầu cho những gia đình quyền quý.
Thanh Vân lần đầu sợ hãi như vậy, chỉ muốn tìm lại được cha.
Cô chưa bao giờ nghĩ sẽ bị tách khỏi Thạch lão, vẫn luôn mong rằng sau này hai cha con có thể ở lại một vùng quê yên bình nào đó, cô sẽ phụng dưỡng lão thật tốt, báo đáp công ơn lão đã cưu mang mình nhiều năm qua.
Vì vẻ ngoài xinh xắn nên giá mua của Thanh Vân cao hơn các cô gái khác, các nàng đều đã bị chọn lựa đi hết, chỉ còn lại mình Thanh Vân. Không có vị phu nhân nào muốn bỏ ra nhiều tiền mua một nha hoàn đã lớn còn xinh xắn về vì sợ phu quân nhà mình sẽ để mắt tới.
Mãi đến tận quá trưa, một tiểu thư quyền quý, mặt mày sắc sảo trong khi dạo chơi nhìn thấy biển bán thân treo trên người Thanh Vân đột nhiên tỏ rõ sự vui vẻ, hào phóng đưa ra mấy xâu tiền mua cô về.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI