Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, đón lấy những ánh nắng nhẹ nhàng của buổi sớm và lắng nghe tiếng chim kêu. Nhắm nghiền đôi mắt lại, hít lấy một hơi thật sâu, như thể muốn tham lam lấy sạch cái mùi đất ẩm bùn từ bên ngoài khu vườn vẫn còn vướng đầy hơi sương.
“Nay là ngày cuối rồi.”
Tôi đã cố kìm cái thở dài một cách bất thành để rồi lại phải cắn nhẹ môi dưới mà ngước nhìn lên. Trời hôm nay tuy ấm áp nhưng lại nhiều mây. Có lẽ là sẽ có mưa. Mà không, chắc chắn là kiểu nào cũng có mưa…
“Ầy…”
Nghĩ lại thì có lẽ mình ghét trời mưa thật, nó lúc nào cũng xuất hiện vào những ngày như thế này, khiến tôi phải thấy mệt mỏi bởi cái không khí ảm đạm của nó.
“Tuấn! Xuống ta nhờ cái nào.”
“Dạ con xuống liền!”
Nghe tiếng bác Hai gọi vọng lên, tôi liền lập tức trả lời và nhét hết mọi thứ của mình vào trong ba lô.
Bỗng đến khi cầm đến hộp tai nghe màu trắng, thứ vốn được Mai tặng chỉ mới vào hôm qua, tôi lại phải dừng lại.
“Em nghĩ anh không nên ở lại.”
Nhắm mắt với cái trán có lẽ lộ rõ cả một vết nhăn khó chịu, tôi đặt chiếc hộp đó lên bàn rồi kéo dây ba lô lại một cách dứt khoát.
“…”
Nhưng khi nhìn lại về phía nó, tôi lại như nghe được giọng nói của Mai trong đầu, vang vọng trong tâm trí như thể em ấy đang đứng ngay bên cạnh, thì thầm vào tai mình.
“Anh lại nói dối rồi.”
“Không…” Tôi lắc đầu cố giữ cho bản thân thật tỉnh táo. Mình không nên bị dao động, nhất là vào lúc này. “Lần này là thật.”
Tự nhủ với mình như thế, rồi một lần nữa tôi dứt khoát hành động bằng cách đi ra khỏi phòng, bỏ mặc lại toàn bộ những thứ vốn đã được sắp xếp lại gọn gàng trong căn phòng đã phai bớt mùi gỗ mới.
Khi bước xuống cầu thang, tôi có thấy một chút nhói lại trong lòng khi thấy trong tầm mắt chỉ có mỗi mình bác Hai, người đang vì một lý do nào đó mà lại chuẩn bị dao, xẻng. Hiền đâu rồi nhỉ? Thầm tự hỏi thế nhưng thay vì nói ra thành lời điều mình đang thắc mắc, tôi lại đặt một điều khác ra làm chủ đề.
“Bác lấy mấy cái đó ra làm gì vậy?”
Mấy cái dụng cụ này, lần cuối tôi thấy là cũng gần một tuần rồi, và đó là khi ông bác của mình lại một lần nữa lôi mình ra vườn trồng rau… Mà khoan, thế thì chẳng phải tôi đã có câu trả lời rồi sao?
“Đem ra vườn rau chứ gì? Có phải lần đầu đâu mà còn hỏi hả mậy?” Bác Hai đặt một cái bay lên bàn rồi chỉ ngón cái ra ngoài. “Ra hái vài bó rau lên cho cha mẹ bây nào.”
…
Và chẳng lâu sau đó, hai bác cháu bọn tôi ra ngoài vườn rau ở sau nhà. Nơi này so với lần đầu ra để dọn dẹp cỏ dại và cuốc đấy thì đã khác hẳn.
Xung quanh đã được rào lại bằng một cái hàng rào gỗ nhỏ để chặn không cho con gì chui vào mà phá phách. Nhưng thật ra dựa vào kích thước với việc đã có hẳn một cái lỗ xuất hiện bằng những dấu răng thì tôi thấy nó có vẻ cũng chẳng tác dụng gì.
Ở trên khu vườn là một thứ mà mình thấy khá là ấn tượng mặc dù không biết bao lần đã thấy nó. Đó là một cái… theo như bác Hai gọi thì là lưới che mưa. Mục đích của nó là để ngăn không cho mưa rơi xuống trực tiếp thẳng vào rau để dập lá. Nó còn có một cái phần tay nắm để kéo chiếc lưới ra, vào tuỳ ý. Và đó cũng là việc mà ông bác của tôi đang làm, kéo chiếc lưới ra một cách dễ dàng và gọn ghẽ, để cho những bụp rau tươi được đón lấy ánh nắng mặt trời một cách trực diện nhất. Cho dù… có vẻ hôm nay mớ rau này sẽ chẳng nhận được tý nắng nào, mà nói đúng hơn, sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời nữa.
Cải bó xôi là mục tiêu đầu tiên của ông bác tôi để thu hoạch. Mặc dù ban đầu số lượng hạt trồng và diện tích để cho rau phát triển vốn cũng không nhiều, nhưng bây giờ nhìn thấy một vùng xanh một màu tươi thế tôi cũng không khỏi thấy bất ngờ mà định lấy điện thoại ra chụp lại. Nhưng khi thấy bác Hai vẩy tay ra hiệu đi lại thì cũng đành bỏ ý định.
“Cầm kéo phụ ta cắt lá nào.”
“Cắt lá? Con tưởng người ta toàn nhổ cả cây chứ.”
Tôi hỏi lại khi thấy ông bác của mình đúng là đang cắt từng cái lá to nhất của từng cây cải, điều này làm bản thân thấy có hơi bất ngờ.
“Ờ. Bây ăn cái cải này rồi thì cũng biết nó ăn lá mà. Lấy cả cây làm gì?”
Bác Hai bắt đầu giải thích trong khi vẫn đang tập trung làm việc. Thao tác của ông bác mình quả thật nhanh gọn và dứt khoát, cứ như đã làm chuyện này nhiều rồi.
“Cái cải này cắt lá rồi nó cũng mọc ra lá mới hiểu không? Rồi vài ngày sau quay lại cứ cắt lá về xào hay nấu canh, đỡ mất công trồng lại. Mà cắt nhớ đừng cắt lá non đấy.”
“Ồ…”
Tôi gật gù rồi cũng lấy kéo làm theo như ông bác của mình. Đương nhiên là mình vẫn còn khá là lúng túng, lâu lâu vẫn cắt nhầm vào mấy cái lá non, khiến bác Hai phải dặn dò thêm một lần nữa.
Dù nghe có vẻ tốn nhiều thời gian nhưng thực tế chỉ sau tầm hơn năm hay mười phút, hai bác cháu bọn tôi đã thu hoạch được kha khá lá cải. Theo nhắm chừng thì có lẽ hơn một ký hoặc thậm chí được tầm hai ký cải. Dựa theo tính toán của tôi cũng như lần cuối cùng đi siêu thị cùng mẹ thì với hai ký cải này thì… nó có giá tận hơn hai trăm ngàn?!
Thật khó mà tin nổi là chỉ với một mẫu đất nhỏ và lượng công sức không mấy đáng kể, mình lại có thể trồng được nhiêu đây rau với giá trị thật đáng kinh ngạc. Tôi lại chợt nghĩ, nếu trồng một vườn rau trên sân thượng thì có khi cũng đỡ tốn hơn ra đụng gì mua nấy.
Mà có lẽ cải bó xôi không phải thứ duy nhất bác Hai định đưa cho đem về thành phố. Vì ngay sau khi vương vai cho đỡ nhức cái lưng thì ông bác lại di chuyển sang đám cải thìa, và lần này là lấy luôn cả cây lẫn rễ. Tôi cũng phụ một tay và công nhận thu hoạch loại cải này nhanh hơn hẳn, chỉ mất vài phút ngắn ngủi, cả hai đã hoàn thành công việc. Dù thế tay chân tôi vẫn dính đầy đất và cả người cũng gần như ướt đẫm mồ hôi.
Lao động trên nền đất ẩm dưới cái tiết trời thế này đúng là hơi khó chịu.
“Rồi! Bây mang mớ này lên thành phố nhớ khoe với cha mẹ bây là mình tự trồng cho bọn nó lác mắt nhớ!”
Sau khi rửa sạch tay chân bằng vòi rửa chén trong bếp, bác Hai liền vò đầu tôi như thường ngày rồi cười ha hả rất khoái trí.
“Dạ…”
Lúc này mới nhớ lại lần đầu mình đến đây, tôi cũng bị vò đầu thế này ở ngay trên con đường lợp gạch đỏ không đều. Khi ấy tôi quả thật là khá sợ ông bác của mình, một người cao to, lớn giọng mà còn hay nói mấy câu đầy tính nguy hiểm… Đến bây giờ, nói thật là tôi vẫn còn khá là sợ ông bác của mình đấy, vì mấy cái kia sau gần hai tháng qua tôi vẫn chưa thể quen nổi. Nhưng ngoài những thứ kia, tôi lại nhận ra một điều là bác Hai thật sự rất quan tâm con cháu của mình. Dù rất hiếm khi có mặt ở nhà, nhưng mọi thứ từ cơm nước đến những thứ cơ bản khác, ông bác của mình cũng đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Mà nói đến đồ ăn, chắc tôi sẽ tốn khá nhiều thời gian để quên cái kiểu nêm nếm đậm đà của ông bác mình.
“Mà đến Tết bây nhớ về chơi nhớ. Lần nào ta rủ thằng cu kia nó cũng bận đi trực.”
“Dạ.”
Tết à? Có lẽ đấy dù tôi cũng không chắc liệu mình có quay lại không…
“Thế thì tui mặc kệ anh!”
Đột nhiên câu nói cuối cùng mà tôi được nghe từ Hiền bỗng vang lên trong đầu. Chưa kịp suy nghĩ gì tôi cũng chỉ hỏi ông bác của mình ngay lập tức, như thể nó là phản xạ tự nhiên.
“Chị Hiền đâu rồi bác Hai?”
Có lẽ cũng nên nói một lời tạm biệt cho đàng hoàng.
…
Đã là mười giờ sáng, và tôi chỉ còn cỡ hai tiếng nữa trước khi khởi hành quay về nhà. Sẽ rất dễ hiểu nếu mình nằm trên chiếc võng nào đó rồi bấm điện thoại hay nghe nhạc giết thời gian, nhưng tôi lại không làm vậy. Thay vào đó, tôi lại đi dọc theo con đường trải bê tông, hướng đến sân tập của đội điền kinh.
Ở đó tôi thấy một cảnh mà mình cũng đã có thể tưởng tượng ra được suốt quãng đường đi.
“Hửm?”
Ở trong sân tập là Hiền và Thịnh đang đứng nói chuyện gì đó với nhau. Dựa theo trang phục thì Hiền có vẻ đang tập chạy còn Thịnh thì chỉ vì lý do gì đó mà ở đây, vì cậu ta lại mang một đôi dép lào. Cả hai có vẻ đang tranh luận điều gì đó có vẻ quan trọng. Nhưng khi vừa thấy tôi, Thịnh lại nhanh chóng vẫy tay gọi tôi một cách mừng rỡ như một chú cún mong chủ về nhà.
“Anh Tuấn! Anh chưa về à?!”
“Hả…? À chưa.”
Tôi có chút giật mình trước câu hỏi của Thịnh nhưng cũng nhanh chóng định hình được là Hiền chắc đã kể cho cậu ta nghe rồi. Nhưng đó không phải là điều mà tôi bận tâm bây giờ, vì ngay từ lúc Thịnh gọi tên mình, Hiền cũng ngoáy mặt lại nhìn. Không rõ biểu hiện trên khuôn mặt của Hiền lúc này như thế nào, nhưng tôi cũng có thể ngờ ngợ đoán được rằng bà chị họ không hề muốn gặp mình vào lúc này.
“Làm gì đứng yên đó thế?! Ảnh đến rồi thì lại chào tạm biệt cái đi!”
Khác với Thịnh nhanh chóng chạy lại, Hiền vẫn không hề cử động mà chỉ nhìn lên con đường trải bê tông. Rồi với một cái cử chỉ như thở dài, bà chị họ có vẻ còn chần chừ nhưng cũng quyết định bước lại chúng tôi từ sân tập, với một đôi chân không mấy vội vàng gì.
“Anh Tuấn chờ em chút! Để em về nhà lấy cái này cái!”
Còn Thịnh thì khi vừa đến chỗ tôi lại ngay lập tức chạy đi. Tôi còn chưa kịp cản lại thì cậu ta đã gần như biến mất khỏi tầm mắt.
“Mà kệ… Đợi nó quay lại sau vậy.”
Dù gì tôi cũng thấy may mắn vì cũng chẳng muốn bất kì ai khác xuất hiện giữa cuộc trò chuyện “cuối cùng” với Hiền. Lý do cũng vì… có lẽ Hiền sẽ lại chửi vào mặt đây.
“Anh nói gì mà thằng kia chạy đi mất vậy? Lại bảo người ta đừng quan tâm mình à?”
Hiền cố tỏ vẻ mặt khó chịu bằng cách chề cái môi dưới ra cùng với nhíu cặp lông mày lại. Tuy nhiên tôi lại thấy mắc cười hơn…
“Lại kia nói chuyện một chút được không?”
Tôi chỉ tay về phía hàng ghế rìa sân của đội điền kinh và gợi ý. Có vẻ Hiền cũng nhận ra là tôi đang nghiêm túc nên cũng đành gật đầu cùng một cái “ờ” có vẻ vốn nói ra chẳng để bất kỳ ai nghe thấy.
Và bọn tôi ngồi xuống, chẳng hiểu sao Hiền vẫn ngồi cách xa hẳn một băng ghế. Nhưng đó không phải là lý do mà tôi không thể nói gì mà lại ngồi im lặng ở đây vài phút như thể mình sắp nói gì đó ngại ngùng lắm. Không, tôi chẳng ngại cái gì cả, đặc biệt là với bà chị họ của mình.
Mà là mình đột nhiên quên mất tiêu cái bài diễn văn vốn đã soạn sẵn trên đường đến đây rồi!
“Hầy…”
Mà thôi kệ, cứ nghĩ gì nói đó vậy.
“Chị nhớ cái lần đầu tiên mình gặp không?” Tôi nói, khi nhìn thẳng lên về phía trước, hướng ra sân tập nhưng thực chất lại không hề muốn quan sát thứ gì cả.
“Ờ, anh bị tui cho ăn đập. Giờ thèm đòn à?”
“Ừ, nếu chị đập thật thì có khi lại hay đấy.”
Tôi cười đáp lại cái giọng khó chịu của Hiền. Tất nhiên là cái câu đó sẽ khiến bà chị của tôi nhích người xa thêm một chút.
“Đúng là điên rồi!”
“Không phải vậy.”
Tôi cười phì ra rồi nhìn về Hiền, người đang nhìn tôi với một đôi mắt đầy sự khinh bỉ. Nhưng chẳng hiểu sao, ngay khi thấy cái vẻ mặt đó tôi lại lắc đầu. Có lẽ đây không phải lúc để đùa.
“Lúc đó…” Tôi nói tiếp, khi ngón cái của mình vuốt đi một giọt mồ hôi chẳng rõ từ đâu xuất hiện. “Lúc đó thằng này quả thật rất nản. Chắc chị cũng thấy rõ.”
Hiền không đáp lại mà chỉ cúi khẽ đôi mắt của mình xuống. Thấy vậy tôi mới nhìn lên bầu trời đang dần chuyển sang màu tối và nói tiếp.
“Chị là người đã đưa thằng này khỏi cái sự buồn chán. Và chị cũng đã cho một cơ hội mới để gặp mọi người, để vui đùa… Để có một nơi mà mình có thể nhớ đến.”
Giờ tôi đã có được một hướng đi, đủ can đảm để đối mặt với sự thật và nói ra điều mình thật sự mong muốn. Và cũng đủ bản lĩnh để đứng dậy, bước đến đối mặt trước Hiền mà cúi đầu xuống, nói ra điều mà mình thật lòng nhất từ trong đáy lòng mình.
“Cám ơn. Vì những điều tốt đẹp mà chị đã làm cho thằng em này. Và thằng này cũng sẽ không quên những khoảnh khắc mà mình đã có-.”
“Im đi.” Hiền đột nhiên lên tiếng, khi ngước nhìn lên, tôi thấy bà chị họ của mình đang cúi gằm mặt xuống. “Anh không thấy là mình nói nhảm hơi bị nhiều à? Cám ơn cho suông rồi bỏ đi. Cảm thấy vui vẻ nhưng cũng quyết không ở lại! Anh không thấy là anh nói một đằng rồi làm một nẻo không?! Rồi không quên khoảnh khắc cái quái gì chứ?!” Hiền càng lúc càng lớn giọng lên, tôi có thể thấy hai tay của cô chị họ kém mình hai tuổi đang nắm lại hết sức có thể. “Tui đã nghĩ anh đến đây để nói mình đổi ý hay hoạ chăng trời sập anh cuối cùng cũng chịu nói ra lý do thật sự tại sao mình nhất quyết phải rời đi. Nhưng không! Anh lại nói mấy cái câu nhảm nhí đó!”
Hiền đứng thẳng dậy rồi ngước nhìn lên tôi với một đôi mắt giận dữ tột độ. Có lẽ phải tốn rất nhiều sức lực để kìm nén bản thân, chị ấy mới không đấm tôi một cái ngay tại đây.
“Nếu anh thật sự muốn cám ơn hay cái gì đó anh muốn thì anh nói cái lý do của mình ra đi! Mà tui không chấp nhận cái câu “do được quan tâm” của anh đâu! Nói thật ra dùm cái!”
Nói thật à? Nếu bảo tôi đã vốn nói thật chắc cũng chẳng có tác dụng gì. Nhưng nếu phải nói ra một lý do nào khác, tôi hoàn toàn không biết nên phải nói gì. Bởi vì những gì mình muốn nói đã nói ra hết cả rồi, kể cả “sự thật” mà Hiền đang nhắc đến.
“Nhưng cũng vì em quý anh, nên em mới mong rằng anh hãy suy nghĩ kĩ lại.”
Nhưng tôi lại bắt đầu nhớ đến Mai.
Vì lý do nào đó khuôn mặt cười rạng rỡ của em ấy mỗi khi chúng tôi gặp nhau lại hiện ra trong trí óc của mình. Và cũng vì thế, tôi lại có một câu trả lời khác.
“Nếu ở lại…” Thật khó mà có thể tiếp tục nhìn về đôi mắt giận dữ của Hiền, nó làm tôi thật khó chịu nhưng lại không thể rời khỏi nó. “Nếu ở lại, trước sau gì cũng sẽ có chuyện.”
“Chuyện quái gì chứ?”
“Bất kì chuyện nào. Lúc nào cũng thế thôi, rồi kiểu nào cũng có cái gì đó xảy ra.” Tôi đáp lại ngay trước câu hỏi của Hiền, một cách quả quyết. “Mọi thứ đang rất tốt đẹp rồi, chúng ta cũng đã có những khoảnh khắc vui vẻ, nếu để mọi thứ cứ như vậy mọi thứ sẽ không phải thay đổi.”
Tôi lại nhớ về cái lúc mà mình chở Mai trên chiếc xe đạp vào buổi tối hôm ấy. Tôi vẫn luôn băn khoăn rằng không biết mình đã có một lựa chọn chính xác hay không. Và ngay cả cái lúc mình nói ra cảm giác của mình vào hôm qua nữa. Mặc dù Mai đã cho tôi biết rằng những cảm xúc đó là giả, tôi cũng phải tự hỏi nếu mình nhất định không nói gì, hoặc, có thể bình tĩnh và mỉm cười thì liệu có tốt hơn không.
“Vì thằng em không muốn mọi thứ phải thay đổi theo hướng xấu đi. Cũng như không muốn rằng một lúc nào đó, chúng ta phải xem nhau như kẻ thù vì mọi thứ đã bị đổ vỡ…”
Giờ tôi lại nhớ đến cái nhìn của Trúc ở trên căn phòng cuối dãy hành lang ở tầng ba. Và cả Vinh nữa… Tại sao phải có đến một lúc bọn tôi phải nhìn nhau như vậy? Khi mà mọi thứ có lẽ đã có một cái kết tốt hơn nhưng chỉ sau những chuỗi quyết định sai lầm, giờ đây mọi thứ không thể cứu vãn được nữa.
Tôi không muốn mọi chuyện lại tiếp tục diễn ra như vậy, ở chính nơi đây. Tôi không muốn phải có một lúc nào đó, Hiền, Mai, bác Hai, Thịnh và toàn bộ những ai khác trong đội điền kinh phải nhìn mình với ánh mắt căm ghét đó.
…
Nhưng cũng khi nhớ đến cái nhìn khi ấy, tôi lại chợt nhận ra ngay tại bây giờ, cũng chính nơi đây, tôi lại nhìn thấy nó.
“Không phải bây giờ anh đang tự đập đổ tất cả rồi sao?”
“…”
Tôi lặng người nhìn Hiền vuốt đi những dòng nước mắt đã gần khô lại khi chị ấy cũng chẳng còn buồn mà đổ lệ.
Đúng thế thật nhỉ? Tôi đang tự huỷ hoại mọi thứ nếu đứng theo một góc nhìn khác. Tôi đã bảo rằng mình không muốn mọi thứ thay đổi nhưng lại thay đổi nó. Tôi đã tự nhủ rằng không muốn nhận được cái nhìn căm ghét từ bất cứ ai nhưng lại khiến Hiền làm điều đó lên mình.
Nhưng thà như vậy. Thà rằng mọi thứ chỉ dừng ở cái nhận định rằng tôi là một thằng hèn hay cái quái gì cũng được. Còn hơn là một điều tồi tệ lớn hơn cả thế, một điều gì đó có thể khiến tất cả mọi người phải đau khổ.
“Mọi thứ rồi sẽ phải đến lúc kết thúc thôi.” Tôi nói một cách đầy mệt mỏi khi một lần nữa đối diện với gương mặt đang nhìn tôi với ánh mắt vô định. “Nhưng đây là cái kết đẹp nhất cho câu chuyện của chúng ta. Và tốt nhất hãy để nó như vậy…”
Mặc dù nó có thể sẽ buồn, Hiền có thể sẽ giận tôi trong một thời gian, tôi cũng sẽ mất một thời gian để không để chuyện rời bỏ nơi này làm mình phải phiền lòng cũng như phải quên đi Mai. Nhưng thà rằng như thế, để rồi một ngày nào đó bọn tôi nhớ lại chuyện đã xảy ra trong mùa hè năm ấy, những gì mình nhớ đến sẽ là những câu chuyện vui vẻ và có thể nở một nụ cười mãn nguyện.
Tôi chỉ mong nó sẽ được như vậy, một kí ức tốt đẹp, một tương lai mà mình sẽ không phải hối hận vì đã gặp và quen biết nhau.
Tôi đáng lẽ phải nhận ra điều này từ ngay cái ngày mà mình ngồi suốt nhiều tiếng liền dưới cái trạm xe buýt ấy. Khi mà chỉ với hai phần trăm pin còn lại, bài nhạc cuối cùng tôi có thể nhận được lại chính là thứ cuối cùng mà tôi muốn nghe. Nhưng tôi vẫn nghe nó, chấp nhận cái kết thúc mà Little Snow đã luôn cảnh báo trước cho tôi qua từng lời nhạc.
Mọi thứ diễn ra cứ như thể là một kịch bản phim ấy nhỉ? Hay chỉ đơn giản nó là điều hiển nhiên? Tôi đã nghĩ rằng liệu mọi thứ chỉ thay đổi một chút thôi, thì sẽ có một cái kết đẹp hơn?
Cho đến sau cùng tất cả vẫn chỉ nằm ở chữ “nếu”, thứ vốn chẳng có nghĩa lý gì cả. Và nó cũng là lý do tôi không nên chần chừ làm gì, tôi đã tự nhủ rằng vào lần tới, tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho một cái kết gần đến.
Sẽ không còn “nếu”, khi mà tôi đã làm điều mà mình chắc chắn là đúng đắn.
“Kết thúc… kết thúc… đó là tất cả những gì anh… quan tâm sao?”
Ngước mặt lên nhìn Hiền, người vừa nói một câu thật sự có vẻ tốn nhiều công sức để khiến nó thành lời, tôi cũng chẳng biết phải nói gì ngoài chờ đợi điều vừa được nói ra được lập lại. Mặc dù… tôi chắc rằng mình có thể nghe rõ không thiếu một lời nào.
“Cả buổi anh chỉ nói về kết thúc… Thế còn những gì đã xảy ra thì sao? Sẽ xảy ra nữa? Anh bảo mình trân trọng nó nhưng lại quyết định ném nó đi chỉ vì anh bảo là trước sau gì nó cũng sẽ kết thúc? Anh hoàn toàn không nghĩ được gì có lý hơn à?”
Hiền nắm chặt đôi tay của mình lại, từng lời nói được đưa ra, hiện theo cùng là những đợt run người lên càng ngày càng dữ dội.
“Có thể mọi thứ có lúc trở nên thật tệ. Có thể sẽ có lúc anh sẽ ghét tui… hay ngược lại… Cũng như đúng là sẽ có thể… có thể một lúc chúng ta không thể còn vui đùa được… Nhưng… Nhưng tui không muốn phải là ngay bây giờ!”
Tôi giật mình định lùi người lại trước cái gầm lên của Hiền. Cũng cùng khi ấy, một tia chớp loé lên từ một nơi đâu đó khiến tôi hoàn toàn có thể thấy rõ gương mặt của người đối diện. Hiền đang tức giận, tôi hoàn toàn có thể nhận ra điều đó và cũng không khó hiểu nếu chị ấy cảm thấy như vậy.
Nhưng, bên trong đôi mắt ấy, có một thứ gì đó khác.
Niềm tin. Và hi vọng.
Chị ấy có lẽ tin rằng tôi sẽ có thể thay đổi quyết định của mình. Tin rằng, tôi sẽ có được “dũng cảm” hay bất kỳ thứ gì đó mà chị ấy mong muốn, để quay lại.
Nhưng không… tất cả chỉ là vọng tưởng. Tôi chắc chắn, chắc chắn không quay đầu được. Vì tôi không thể.
…
Ấy mà tại sao tôi lại có cảm giác khó chịu?
Ngực tôi như nhói lên khi nhìn vào ánh mắt kia. Càng nhìn tôi càng cảm nghiến mạnh hai hàm răng của mình.
“Nếu mình khi đó đã thật sự cố gắng vì điều mình muốn. Có lẽ sẽ chẳng ai phải đau khổ.”
Bỗng dưng trong đầu tôi hiện ra những viễn cảnh, những ước vọng mình đã có thể có được. Tôi có lẽ đã có thể đậu vào trường Y cùng với Trúc, vẫn giữ được tình bạn với Vinh, nếu như tôi nói ra rõ tình cảm của mình sớm hơn. Hoặc nếu như… Và tất cả hàng vạn những câu “nếu” như vậy.
Nếu tôi không từ bỏ bây giờ, có lẽ mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn cho tất cả.
Tại sao tôi lại tự nghĩ câu hỏi này cơ chứ?
Và tại sao? Tại sao khi nhìn vào ánh mắt của Hiền, tôi lại nhìn thấy chính mình khi ấy, cố gắng vì một điều mà mình vốn không thể với tới được. Tôi không thể lấy lại Trúc, cũng như cách mà Hiền không thể cản tôi rời đi. Nhưng cả hai vẫn cố, một cách tuyệt vọng…
Nhưng Hiền lại khác tôi, chị ấy không chỉ đang cố gắng vì điều mình muốn, mà còn vì tôi và toàn bộ những người khác.
Không phải bây giờ…
Tôi vốn đã nghĩ rằng một lúc nào đó có lẽ mình sẽ không còn ở bên người mà mình quý trọng suốt ba năm trung học phổ thông. Nhưng tôi lại quyết định sẽ không nghĩ về nó.
Không phải bây giờ…
Vì tôi đã rất vui suốt quãng thời gian ở bên cạnh cô ấy. Và những niềm vui ấy, tuy kết thúc với một chuyện tồi tệ, nó cũng vẫn là một kỉ niệm đẹp.
Nhưng…
“Xin lỗi.”
Tôi đã không thể nhìn vào Hiền nữa rồi. Những gì mình có thể làm chỉ là một cái lắc đầu vội vã.
“Xin lỗi…”
Và lập lại một câu nói, cho đến khi Hiền bỏ cuộc bằng một cú đấm nhẹ hều vào vai tôi.
Chẳng ai nói gì sau đó cả, Hiền bỏ đi về phòng chứa dụng cụ. Tôi thì nhìn chiếc điện thoại trên tay mình để coi giờ. Đã đến lúc quay về.
Từng bước nặng nề, tôi rời khỏi sân tập. Những cơn gió mạnh dưới những đám mây đen thôi thẳng vào mặt khiến tôi phải che mắt lại. Tôi đã định chạy thẳng ngay về nhà bác Hai trước khi trời đổ mưa, thì cũng khi đó, Thịnh lại chạy hồng hộc đến.
“A! Anh Tuấn chưa về!”
Quả thật tôi mém chút quên mất là Thịnh có bảo tôi đợi một lát. Mà dựa vào khoảng cách, cộng với thời gian từ nãy giờ và chưa kể đến việc cả người cậu ta đã ướt đẫm mồ hôi thì hẳn Thịnh đã chạy suốt từ nãy giờ.
Dù đây không phải lần đầu tôi thấy cậu ta chạy cái kiểu này, nhưng bằng đôi dép lào? Đúng là không thể tin được.
“Mà đây!” Chưa kịp để tôi nói hay phản ứng gì, Thịnh đã đưa ra một đôi giày thể thao, kèm theo một cây bút lông. “Anh kí tên lên giúp em với!”
“Hả?”
“Kí tên ạ! Em sẽ dùng đôi giày có chữ kí của anh để chạy trong giải đua cấp tỉnh sắp tới! Dù anh không còn ở đây, nhưng em sẽ vẫn có động lực mà chiến thắng!”
Cái giọng điệu tự tin và hào hùng của Thịnh không khỏi khiến tôi phì cười. Có lẽ đến sau cùng, Thịnh vẫn là Thịnh. Và tôi cũng chẳng có lý do gì để từ chối mà kí ngay lên đó cả.
“Mà phải rồi, sao không mang giày vào? Chạy bằng dép lào coi chừng bị phồng rộp chân đấy.”
Mà hình như nó sưng lên muốn phồng rộp lên thật rồi ấy chứ.
“Không sao. Em sẽ chỉ mang đôi giày nào vào ngày thi thôi. Thế nó mới thiêng.”
Và tôi cũng chỉ biết cười gượng mà nhìn lại lên những tán cây đang xào xạc chuyển động đu đưa theo hướng gió. Trời có vẻ sẽ mưa to, nếu như không về mau có lẽ tôi sẽ phải tốn công thay đồ một lần nữa.
Nhưng lúc này tôi đột nhiên có một câu hỏi.
“Thịnh, em nghĩ sao về việc anh rời đi?”
“Hả?”
Như thể không nghĩ rằng sẽ được hỏi câu này, Thịnh gãi đầu lúng túng khi nhăn trán lại.
“Cái này thì… em nghĩ anh chắc cũng đã suy nghĩ kỹ rồi mới đưa ra quyết định nên không ý kiến gì.” Thịnh mỉm cười, và cùng một cái gật đầu như rất tự hào, lại tiếp tục nói. “Anh Tuấn là thần tượng của bọn em, anh lại là người đã cho thấy rằng nếu tiếp tục cố gắng, chắc chắn mình sẽ có thành quả và quả thật thành tích của em cũng đã tăng rất nhiều. Những người khác cũng vậy, đặc biệt là Hiền.”
Tim tôi như nhói lên khi vừa mới nghe Thịnh nhắc đến Hiền, nhưng vẫn còn đủ bình tĩnh mà không làm gì, ngoài tiếp tục lắng nghe.
“Anh là một người chắc chắn biết đâu là lựa chọn đúng. Nên em ủng hộ quyết định của anh.”
“Ừ…”
Dù tôi lúc này, lại đang bắt đầu không chắc được đâu mới là quyết định đúng đắn.
…
Và tôi về đến nhà bác Hai, may mắn vừa kịp giờ ông anh tôi chuẩn bị lên đường. Ổng vác ba lô của tôi chạy vội ra xe để tôi cũng mém chút quên mất nghĩa vụ chào bác Hai.
“Ta nói rồi đấy! Tết mà không về là ta lên tận thành phố!”
“Ha ha…”
Dù gì cũng còn tận hơn nửa năm nữa mới Tết, nên dù có nói thế cũng không chắc ông bác của tôi còn nhớ hay không. Nhưng không sao, thế thì lại có thêm người để lì xì cho mình.
“À mà phải rồi, hồi nãy con bé…” Bác Hai đột nhiên gọi khi tôi và anh mình chuẩn bị đi. Có lẽ vì đột nhiên quên tên nên bác Hai nhăn trán lại rồi kéo dài lời nói mình ra. Đến khi đã nhớ, thì nhấn mạnh một cách cực to tiếng. “Mai! Con bé Mai tạp hoá nó tìm bây đó.”
“Mai…?”
Tôi bất ngờ, thật sự, đến mức mém chút trượt cả chân bởi sự trơn trượt của những tấm gạch đỏ dẫn ra ngoài. Cũng may là cố giữ cân bằng được, tôi mới hỏi lại ông bác mình một lần nữa.
“Mai tìm con à?”
Và tôi nhận được một cái “ừ”.
“Con bé còn bảo lát bây ra tiệm nó có chuyện cần nói.”
“Dạ.”
Tôi gật đầu, tuy nhiên lại chẳng thấm gì mấy vào đầu.
Mà tại sao nhỉ? Tại sao Mai lại muốn tìm mình vào lúc này? Tôi đã tự hỏi như thế cho đến khi cũng đã tự đoán được câu trả lời. Để nói một lời tạm biệt.
Nhưng tôi thì không thể.
“Nhanh cái chân lên coi. Bốn tiếng nữa là đến giờ họp rồi.”
Nghe lời lèm bèm của ông anh, tôi mới đành lắc đầu rồi chạy theo ổng suốt con đường trải bê tông. Rồi khi ra đến đường nhựa, như một phản xạ tự nhiên, tôi khựng người lại một lát khi thấy ánh đèn phát ra từ tiệm tạp hoá ở bên kia đường.
Mọi suy nghĩ, mọi ý định liên quan đến cửa tiệm đó tôi liền xoá bỏ khỏi tâm trí như một cách phòng vệ để bản thân được tỉnh táo. Nhưng khi bắt đầu có vẻ dao động, một lần nữa tiếng gọi hối gấp của anh hai làm tôi chợt tỉnh và đi đến xe, với một cái đầu chỉ chứa mỗi một câu nói.
“Anh sẽ chẳng thể tìm thấy điều mình muốn ở đây.”
Và tôi quyết định rời đi, mà không nói được một lời tạm biệt.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI