Ngoài hiện trường trời nắng nóng như đổ lửa của thủ đô Hà Nội, Anh quay phim gào to:
Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Action.
Anh phóng viên trẻ tuổi tác phong chuyên nghiệp:
Xin kính chào quý vị và các bạn, tôi là Thanh Tâm là phóng viên trực tiếp của đài truyền hình Môi trường và Thiên nhiên hôm nay. Hiện tại tôi đang đứng bên dòng sông Tô Lịch ô nhiễm đã đến mức báo động. Vậy thì lý do gì và tại sao một dòng sông Tô Lịch trước đây có một quá khứ huy hoàng, là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long lại ra cớ sự ô nhiễm, nhỏ hẹp, ít ai nhớ rằng Tô Lịch đã từng là một tuyến đường sông quan trọng có giá trị về mặt giao thông đường thủy.
Ngay bên tay trái của tôi chính là lỗ hổng của thời gian và trên tay tôi chính là đồng hồ chỉnh thời gian. Chỉ cần tôi bước tới là ngay lập tức chúng ta sẽ trở ngược lại quá khứ để tận mắt chứng kiến dòng sông Tô Lịch trong lịch sử sẽ như thế nào. Bây giờ tôi sẽ chỉnh đồng hồ quay ngược lại 2000 năm trước nơi bắt nguồn của sông Tô Lịch. Theo tôi nào anh quay phim.
Cả hai bước tới, một lực hút cực mạnh va đập vào thân thể khiến cả hai đau nhói. Xuyên không đúng là cảm giác không dễ chịu tí nào.
Kính thưa quý vị và các bạn, nơi hoang sơ mà tôi đang đứng chính là Hà Nội của cách đây 2000 năm. Đây là gò đất cao có tên là Long Đỗ Hương và bên cạnh là dòng nước trong xanh uốn lượn bên làng chính là dòng sông Tô Lịch. Tiếp đến tôi sẽ chỉnh đến giai đoạn Thăng Long, thời kỳ vua Lý Thái Tổ dời đô. Theo tôi nào anh quay phim.
Cả hai có mặt ở thành Đại La.
Đây rồi, các bạn thấy không thật là hoành tráng, chúng ta đến ngay lúc buổi đọc chiếu dời đô. Nhưng tôi sẽ không ham vui đến mức quên giới thiệu sông Tô Lịch giai đoạn này có nhiệm vụ rất quan trọng là phòng ngự cho kinh thành. Tiếp đến chúng ta sẽ xem dòng sông Tô Lịch phát triển trù phú thế nào ở thế kỷ 14 nhé. Theo tôi nào anh quay phim.
Cả hai tiếp đất đến thế kỷ 14.
Kính thưa quý vị và các bạn. Vị trí tôi đang đứng chính là Ô Quan Chưởng. Không thể tin được có rất nhiều thuyền bè qua lại. Điều đó là tất nhiên rồi bởi vì Tô Lịch đã trở thành bến cảng hợp lưu với sông Cái. Bây giờ chúng ta sẽ đến gần hơn với hiện tại đó là thế kỷ 19. Anh quay phim ơi, anh nhớ cẩn thận cái máy quay, nó đụng tôi nãy giờ khi chúng ta di chuyển.
Anh quay phim cười lớn:
Xin lỗi nhé, bởi vì lần đầu tiên tôi tác nghiệp ở quá khứ nên có chút sai sót. Tôi sẽ chú ý.
Cả hai chạm đất bên mé sông. Tiếng ồn ào nói chuyện nhộn nhịp.
Kính thưa quý vị và các bạn, chưa bao giờ tôi thấy dòng sông Tô Lịch sôi nổi nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khác xa với hiện tại chúng ta đang sống, dòng sông nhỏ hẹp, màu nước đen kịt và người qua lại luôn đeo khẩu trang.
Còn ngay tại khoảnh khắc này, cách chúng ta hơn một thế kỷ trước, dòng sông Tô Lịch rộng lớn mênh mang, trong xanh nước biếc, thuyền bè tấp nập buôn bán, hàng hóa khắp nơi dập dìu. Kia rồi, tôi sẽ phỏng vấn một người dân nơi đây. Chị ơi, cho tôi hỏi ngày nào nơi đây cũng diễn ra buôn bán tấp nập như vậy sao.
Người phụ nữ bán vải sợi trắng lên tiếng:
Cậu là người của tương lai đúng không. Tôi chẳng hiểu tại sao, dòng sông Tô Lịch thơ mộng của chúng tôi lại trở nên xấu xí như vậy trong tương lai. Tôi sẽ trả lời câu hỏi của cậu. Đây là đời sống hằng ngày trong kinh thành Thăng Long. Cậu thấy không, bến bãi mọc lên san sát nhau, đó là những bãi trung chuyển hàng hóa đêm ngày đưa hàng từ khắp nơi trên cả nước vào Thăng Long và đưa hàng từ Thăng Long về khắp nẻo đất Việt, vươn ra cả nước ngoài để tiêu thụ, vì vậy hầu như mỗi ngày đều tấp nập, buôn bán rất tốt và cuộc sống của chúng tôi rất thoải mái nhờ dòng sông.
Đột nhiên có một người đến mua vải:
Mẹ nó ơi, tấm vải này bán như thế nào đây.
Người phụ nữ bán vải:
Tôi có khách rồi, cậu đi hỏi người khác đi nhé. À hay là cậu đến chỗ cụ Nguyễn Siêu đi nhé, cụ ấy đang ngâm thơ ở bên kia sông.
Anh phóng viên trả lời:
Cảm ơn chị. Xin kính thưa quý vị và các bạn, tôi không nghĩ sẽ may mắn gặp được cụ Nguyễn Siêu trong quá khứ, tôi hồi hộp quá. Không biết quý khán giả có như tôi không. Chúng ta qua bên kia sông nào.
Đột nhiên tiếng đồng hồ kêu tít tít. Anh phóng viên:
Không xong rồi, thời gian trở về đã hết. Chúng ta phải trở lại hiện tại nếu không muốn ở đây mãi mãi. Màn phỏng vấn danh nhân Nguyễn Siêu có thể không thực hiện được rồi, để dịp khác vậy. Cùng tôi trở về hiện tại nào. Theo tôi anh quay phim.
Trở về hiện tại. Anh phóng viên:
Xin kính thưa quý vị và khán giả, tôi đã trở lại hiện tại nơi cũ- dòng sông Tô Lịch. Nhưng không phải là dòng sông với những cảnh quan náo nhiệt khi nãy mà là một dòng sông cô độc với dòng nước đen kịt. Hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch buộc phải tiếp nhận rất nhiều nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt trực tiếp đổ ra dòng sông Tô Lịch chỉ còn 15km. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày gây ra mùi hôi thối nồng nặc bốc lên.
Việc này đã gây ra ô nhiễm nguồn nước ở sông Tô Lịch ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở khu vực hai bên sông. Tác động xấu đến hệ sinh thái thủy sinh, giảm khả năng phục hồi sinh học.
Trong những năm qua, người ta cố gắng giải quyết và khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, để cứu sống, làm hồi sinh sông Tô Lịch về lâu dài thì chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ vì hàng ngày nước thải vẫn đang tiếp tục xả thẳng ra sông. Quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm của sông Tô Lịch.
Và cuối cùng điều tôi muốn nói, không những chúng ta phải bảo vệ dòng sông Tô Lịch mà còn phải bảo vệ nhiều dòng sông khác. Bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm chính là bảo vệ nền văn hóa tồn tại lâu đời, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm chính là bảo vệ Trái Đất, để các thế hệ nối tiếp sau có thể sống trên Trái Đất lâu dài hơn. Và tôi là phóng viên Thanh Tâm của đài truyền hình Môi trường và Thiên nhiên xin chúc quý vị một buổi chiều vui vẻ.
Nội dung chương này chỉ khả dụng khi đọc từ ứng dụng COMI